Yêu Cầu Đức Giáo Hoàng Từ Chức

Yêu Cầu Giáo Tông Từ Chức. 

Hiện Tượng Cực Đoan Hóa Trong Giáo Hội Công Giáo

H. J. Schlamp là kí giả của tuần báo Der Spiegel ở Vatican
Phạm Hồng-Lam dịch


Cú tấn công trực diện của cựu tổng giám mục Viganò vào giáo tông Phan-sinh cho thấy Giáo Hội công giáo đang ở trong một tình trạng nội chiến, chiến trường dữ dội nhất diễn ra ở Hoa-kì.

Hans Jürgen Schlamp
Spiegel.de. ngày 03.09.2018

Bình thản và thoải mái“, đó là thái độ của giáo tông Phan-sinh, theo như giáo trụ quốc vụ khanh Pietro Parolin cho hay cách đây mấy hôm. Bình thản và thoải mái, mặc dù có những cáo buộc của cựu Sứ Thần của Tòa Thánh ở Hoa-kì. Nhưng có mấy ai tại Vatican tin vào lời của Quốc Vụ Khanh, dù rằng tại giáo đô này Tin là điều buộc phải theo.
Hầu như chưa bao giờ có một giáo tông nào bị người trong nhà tố cáo và công kích tàn nhẫn như thế.
Trong một bài viết 11 trang tổng giám mục Carlo Maria Viganò, 77 tuổi, từ 2011 tới 2016 làm Sứ Thần ở Hoa-kì, tố cáo vị lãnh đạo tối cao của mình đã phạm điều quái gỡ.
Trong thư, ông viết, Phan-sinh đã che đậy trong một thời gian dài „những hành động xấu xa và tội lỗi của cựu tổng giám mục giáo phận Washington Theodore McCarrick“. „Hành vi gia trọng, kì lạ và tội lỗi“ này đã khiến cho nhiều tín hữu giờ đây „tìm cách xa rời khỏi một Giáo Hội mang quá nhiều nhơ nhuốc vì nhục nhã“. Vì cộng tác với McCarrick Giáo Tông đã „làm tăng sự dữ lên gấp bội phần“ và đã „cổ võ các con chó sói tiếp tục cắn xé đàn chiên của đức Ki-tô“. Theo Viganò, nhiều giáo trụ và giám mục phải từ chức, vì họ đều cùng có tội. Giáo Tông cũng vậy. „Ước gì ngài là người từ chức trước tiên.“

Vì sao vậy?

Vừa rồi Tư Pháp và Giáo Hội ở Hoa-kì phải làm sáng tỏ một lượng lớn những trường hợp bị nghi ngờ lạm dụng tình dục. Chỉ riêng ở Pennsylvania Công Tố Viện đã khui ra trên một ngàn nạn nhân trẻ em và trên 300 thủ phạm linh mục. Cả cựu Giám Mục của Washington, giáo trụ MacCarrick, nghe đâu trong thập niên 80 cũng đã lạm dụng các chủng sinh trẻ trong giáo phận Newark.
Mùa hè vừa rồi, khi những khám phá càng lúc càng tăng, giáo tông Phan-sinh đã cất chức McCarrick, lúc này đã 88 tuổi,và buộc ông phải lui vào đời sống cầu nguyện và thống hối, cho đến khi sự vụ được giải quyết theo luật giáo hội.
Viganò viết, lẽ ra Giáo Tông đã phải làm quyết định này từ năm 2013 rồi. Bởi vì lúc đó ông đã báo cho Giáo Tông biết về những „hành động vô luân gia trọng“ của McCarrick.

Thật sự vì chuyện gì?

Đây „đúng là cuộc nội chiến  trong Giáo Hội“ ở Hoa-kì và nó đang bước sang một giai đoạn mới, như kí giả chuyên viết về Giáo Hội Matthews Schmitz mô tả trên tờ „New York Times“. Nhiều nơi trên thế giới đang xẩy ra tình trạng: Thành phần xã hội đa số ở giữa có tinh thần cởi mở hiện đang bị khô cằn, trong lúc các nhóm biên lề theo nhau trở nên cực đoan. Hiện tượng này không những ảnh hưởng lên chính trị, mà lên cả các cộng đoàn tín hữu, chẳng hạn như Giáo Hội công giáo. Đặc biệt là Giáo Hội ở Hoa-kì.
Từ lâu rồi đã xuất hiện mối căm thù giữa hai phe công giáo ở Mĩ, giữa một bên là phía bảo căn (fundamentalistisch) và phía bên kia có thể nói là phóng khoáng (liberal). Những người công giáo chính thống, vốn mang quan điểm chính trị gần với tổng thống Donald Trump hiện nay hơn là với vị tiền nhiệm Barack Obama, từ lâu rất khó chịu về đường hướng mục vụ của giáo tông Phan-sinh.
Tất cả những chủ đề của vị Giáo Tông đến từ Á-căn-đình như di dân, môi sinh địa cầu hay là án tử hình đều trái ngược với những gì họ cho là đúng. Họ kết án Giáo Tông đang tháo bỏ đi hết những quy luật truyền thừa chắc chắn về hôn nhân và gia đình, và thay vào đó chú tâm tới những chuyện như đồng tính (homosexuell), trung tính (bisexuell) và chuyển tính (transsexuell).

Tẩy sạch các mạng lưới đồng tính“

Ngay quan điểm của một số giám mục ở Đức đồng í để cho các đôi hôn nhân dị giáo (tin lành và công giáo) có thể đi dự lễ chung và rước lễ cũng bị họ tẩy chay, vì họ coi đó là chủ trương „tin lành hóa thần học bí tích của Công Giáo“. Điểm này bị tổng giám mục của Philadelphia Charles Chaput kết án; ông coi đó là việc làm phá hủy „sự tinh khiết của giáo huấn đức tin“. Ông cũng không cho rước lễ những chính trị gia nào chấp nhận việc phá thai.
Trên các Blogs và báo chí của họ, họ không những chống lại vị lãnh đạo tối cao, một người vốn rửa chân cho các phụ nữ hồi giáo, mà còn cực lực chống cả những giám mục thông thoáng ở Hoa-kì như Donald Wuerl ở Washington, Blase Cupich ở Chicago hay Joseph Tobin ở Newark. Mà đây tình cờ lại đúng là những giám mục có quan hệ gần với giáo tông Phan-sinh. Trong thư, Viganò tố cáo các giám mục này, McCarrick và những người khác là những kẻ nối kết xấu xa, họ đã cùng nhau „kết hợp thành một liên minh bỉ ổi lạm dụng tình dục“, để nhằm phá hoại Giáo Hội.
Để cứu Giáo Hội, Viganò viết, phải „tẩy sạch các mạng lưới đồng tính trong Giáo Hội“. Chúng hiện diện khắp mọi nơi và „hành động núp dưới những màn bí mật và dối trá với quyền lực của những cái vòi của bạch tuộc“.

Ơn ích thật cho các linh hồn

Lá thư của cựu sứ thần Viganò quả thích hợp cho phe hữu công giáo ở Hoa-kì. Nó có thể là sản phẩm đặt hàng, một số người tin như vậy. Dù sao nó được những người bảo thủ, đặc biệt giáo trụ Raymond Leo Burke, nắm ngay lấy. Trong một phỏng vấn vào tuần trước bởi nhật báo „La Republica“ ở Italia Burke cho hay, ông không phải là đối thủ của Giáo Tông. Ông chỉ cố gắng „bảo vệ sự thật đức tin và bảo vệ sự trong sáng trong cách trình bày nó“. Hẳn chẳng có cú tấn công nào nhún nhường hơn. Về lá thư của Viganò, Burke cho biết, việc yêu cầu giáo tông từ chức là chuyện „hợp pháp“ và „các sự kiện (trong đó) phải được kiêm tra thực hư“.
Kiểm tra – từ ngữ nghe ra vô hại, nhưng đúng là bẩn (infam). Giáo tông là người kế vị thánh Phê-rô, đại diện Chúa Ki-tô ở trần gian, người đứng đầu Hội Thánh hoàn vũ, không sai lầm khi tuyên bố một giáo huấn đức tin, phải đưa ngài ra kiểm tra? Nhưng kiểm tra theo tiêu chuẩn nào? Chưa cần nói tới kết quả, mới chỉ nói tới diễn tiến thôi, thì cũng có nghĩa là đem ngài ra mà truất phế rồi. Chắc chắn ngài sẽ không thể để cho làm như vậy đâu. Nhưng nếu như thế, thì một số điều vẫn tiếp tục ở trong tình trạng không sáng tỏ và ngài vẫn bị mắc nợ một chút gì đó. Điểm này dĩ nhiên Burke và cả Viganò hẳn phải biết.

Giáo Tông và nữ tín hữu tin lành phái Ngũ Tuần

Nhưng bên cạnh những âu lo về đạo Viganò cũng có những lí do thật riêng tư để trả thù Giáo Tông. Cách đây vài năm, thay vì đưa lên hàng giáo trụ, Giáo Tông lại cho ông về vườn. Lí do: Nhân chuyến tông du của Phan-sinh ở Hoa-kí năm 2015 Viganò đã thuồn vào chương trình tiếp khách của ngài một nhân vật thật đặc biệt: bà Kim Davis, một công chức sở Hộ Tịch. Một tín hữu nhiệt thành của phái Ngũ Tuần, đã bốn lần lập gia đình với ba người chồng và đã có vài đứa con với một ông chồng cũ sau ngày đã li dị nhau. Bà bị đuổi việc và bị giam sáu ngày, vì tội đã không chịu lập hôn thú cho các cặp đồng tính - mặc dầu họ có quyền được lập hôn thú theo luật pháp và theo các phán quyết của tòa án tối cao.
Bà  trở thành một khuôn mặt gương mẫu cho cánh hữu ở Hoa-kì. Sau lần tiếp kiến Phan-sinh, bà trở nên nổi tiếng hơn. Bà dùng cuộc gặp gỡ đó, để tạo nơi các phương tiện truyền thông cảm tưởng, là giáo tông Phan-sinh đứng về phía mình trong cuộc đấu tranh chống lại hôn nhân đồng tính của bà. Phía những người bảo căn vui mừng ra mặt. Còn phía thông thoáng ngỡ ngàng trong im lặng.
Giáo tông Phan-sinh bực mình. Một năm sau ngài cho Viganò về hưu.

H. J. Schlamp là kí giả của tuần báo Der Spiegel ở Vatican
Phạm Hồng-Lam dịch