Lịch sử Việt Nam những năm 1954-1965 được xét lại
Quan điểm “chính thống” về CHVN-I bị bác bỏ
Nhân đọc: Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954-1965
Giáo sư Mark Moyar; Cambridge University Press; 2006; 512 trang
Lịch sử và sự thật
GS Tôn Thất THiện
Những người nghiên cứu
lịch sử nhiều không sớm thì muộn sẽ đi đến hai nhận xét sau đây: 1/ kẻ
thắng là kẻ viết lịch sử; 2/ sự thật rốt cục sẽ thắng. Hai điều này đều
đúng khi xét đến lịch sử Việt Nam trong sáu thập niên qua, đặc biệt là
từ 1954 đến 1975 đối với Miền Nam nói chung, và từ 1954 đến 1963 riêng
cho những chiến sĩ đã cố sức và hãnh diện phục vụ thời Đệ Nhứt Cọng Hoà,
dưới sự lãnh đạo của Ông Ngô Đình Diệm.
Trong thời gian nói trên,
hay đúng hơn, từ 1975 đến gần đây, người Miền Nam Việt Nam chống cọng
sản thuộc moi giới – dân sự, quân sự, chính trị, tôn giáo, trí thức--
đã bị khinh thị, mạ lỵ, vu khống, bôi lọ, ép vào thế phải mang mặc cảm
của kẻ bại. Họ đã bị gán cho rất nhiều điều xấu, đặc biệt là đã bị đánh
bại vì thiếu chính nghĩa, bất lực, chiến đấu dở và hèn nhát.
Những luận điệu bôi lọ
Miền Nam trên đây rất phổ cập trong mọi giới ngoại quốc, đặc biệt là ở
Bắc Mỹ và Âu Châu, vì nó được các giới chính quyền, truyền thông, đại
học phổ biến một cách đơn phương, độc đoán, không bị phản bác. Các giới
này nắm độc quyền trong việc viết lịch sử Việt Nam vì họ thuộc về phe
thắng trận. Ngoài thành phần chính, tất nhiên là Đảng Cọng Sản Việt Nam,
họ gồm có những thành phần thân cọng trá hình, phản chiến, thiên tả đủ
loại, hay mù mờ về lịch sử, và nhất là về văn hoá Việt Nam, đã hoan
hô, tâng bốc, ủng hộ ĐCSVN trong những năm chiến tranh. Chiến thắng của
cọng sản Việt Nam năm 1975 đã tạo cho họ cái thế của kẻ có uy quyền và
độc quyền nói trong khi những kẻ bại tất nhiên im lặng vì bị bịt miệng
hay phải lẫn tránh. Do đó họ khống chế thông tin về Việt Nam. Chỉ có
quan điểm của họ mới được phổ biến. Quan điểm ngược lại, hay khác quan
điểm của họ bị dẹp đi. Quan điểm của họ đương nhiên thành quan điểm
“chính thống”, và họ được gọi là “Trường phái chính thống” (orthodox
school, école orthodoxe).
Ở đây có ba điều cần được ghi nhận.
Một là:
có rất nhiều người Việt, kể cả một số người viết sử, đã a dua theo
luận điệu của Trường phái chính thống khi nói hay viết về Miền Nam.Như
những ký giả hay học giả ngoại quốc, họ cũng chê trách các chính quyền
hay binh sĩ Miền Nam. Đó là vì họ đọc sách báo của ngoại quốc nhiều
hơn, hay cho sách báo ngoại quốc là đúng đắn đáng tin hơn -- Bụt nhà
không thiêng! --, hay vì không thạo tiếng Việt họ chỉ có thể đọc được
những sách báo đó.
Hai là: Đệ
Nhứt Việt Nam Cọng Hoà, và đặc biệt người lãnh tụ của chế độ này, Ông
Ngô Đình Diệm, bị đả kích, kết tội nặng nề nhứt. Đó là vì chế độ Ngô
Đình Diệm, và đặc biệt là sự lãnh đạo của Ông, đã hữu hiệu và gây khó
khăn nhiều nhứt cho phía cọng sản và chính những sử gia thuộc Trường
phái chính thống.
Ba là: những
gì tốt về Miền Nam mà bất lợi cho phía cọng sản, nghĩa là có thể làm
giảm uy tín của Truờng phái “chính thống” đều bị trường phái này ém nhẹm
đi, dù đó là những sự thực rõ ràng. Phần khác, những phê phán của giới
này về Miền Nam luôn luôn nhằm hạ bệ uy tín của dân và chính quyền Miền
Nam. Nói tóm, sự thực về Miền Nam đã hoàn toàn bị Trường phái chính
thống xuyên tạc, bóp méo, ém nhẹm trong suốt 5-6 thập niên qua.
Nhưng kinh nghiệm cuộc sống
cho thấy rằng không có gì vĩnh là viễn cả. Đặc biệt là về phương diện
lịch sử, không có một chủ nghĩa, một chủ trương, một chính sách, một tổ
chức nào thoát được sự nắn bóp của thời gian cả. Qua thời gian, mọi việc
đều thay đổi, đều biến chuyển. Qua thời gian, những lớp người mới sẽ
xuất hiện. Và mấy lớp người mới này sẽ có những tư tưởng, những quan
niệm, những chính sách, những cách hành xử khác. Như vậy là vì họ phải
trực diện với những tình hình mới, những dữ kiện mới. Dù muốn, dù không,
họ không suy nghĩ và hành động như những lớp người đã qua.
Phần khác, qua thời gian,
những dữ kiện trước kia bị ém nhẹm dần dần được tiết lộ, giúp cho
ngưòi đương thời, và đặc biệt là các sử gia không có quan hệ gì với các
chế độ củ, thấy rõ vấn đề, vạch ra những sai lầm thiếu sót của Trường
phái chính thống, và đưa ra nhửng nhận định phán xét khác, không thể
phản bác đuợc vì nó dựa trên những dữ kiện quá rõ ràng, chính xác. Đây
là tình trạng hiện nay với sự xuất hiện của tác phẩm Triumph Forsaken, The Vietnam War 1954-1965 của Giáo sư Mark Moyar. Tạm dịch nó là Chiến Thắng Bị Khước Từ, Chiến Tranh Việt Nam 1954-1965.[1]
Một tác phẩm hết sức quan trọng
Đây là một tác phẩm hết sức
quan trọng. Nó sẽ có những hậu quả rất lớn về vấn đề làm sáng tỏ lịch sử
Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975, đặc biệt là trong giai đoạn
1954-1963, thời mà Ông Ngô Đình Diệm nắm chính quyền ở Miền Nam Việt
Nam. Nó đánh dấu sự phát khởi của một phong trào xét lại lịch sử Việt
Nam trong giai đoạn nói trên, tái lập sự thực, chấm dứt sự khống chế của
Trường phái chính thống, đập tan những luận điệu vu khống bôi lọ của
trường phái này, tái lập uy danh của những chiến sĩ Miền Nam đã hết mình
tranh đấu cho chính nghĩa, nhất là các chiến sĩ thời Đệ Nhứt Cọng Hoà
và Ông Ngô Dình Diệm. Bià giới thiệu sách này (ấn bản New York) nói
rằng: “Quyển sách này làm cho ta thấu hiểu chiều sâu của sự lật đổ Tổng
Thống Miền Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm năm 1963 , và thấy rõ rằng cuộc
đảo chính đã xoá đi những thành quả chính trị và quân sự mà chính phủ
Miền Nam đã đạt giữa những năm 1954 và 1963; những thành quả này vô
cùng lớn lao (tremendous), nhưng không được công nhận đúng giá của nó”.
Triumph Forsaken là
một công trình sưu khảo lịch sử mà tính cách khách quan, vô tư, đứng
đắn, và khả tín không thể nghi ngờ được. Nó rất đáng được ca ngợi. Nhưng
để bảo toàn tính cách vô tư của nó, người viết bài này sẽ tránh phề
bình, nhận định, phán xét, và nhường lời cho chính tác giả, Giáo sư
Moyar, và cho những giáo sư Mỹ khác có uy tín đã điểm sách này vì những
nhận định, phán xét, ý kiến của những người đã phục vụ Đệ Nhứt Cọng Hòa
đưa ra dù có vô tư đến đâu, cũng bị cho là chủ quan, chuyện người một
phe bênh nhau.
Giáo sư Mark Moyar sinh năm
1971, sau vụ đảo chính tháng 11 năm1963 đến 8 năm, và năm 1975, lúc
Sài Gòn bị chiếm, ông ta mới có 4 tuổi, nghĩa là ông ta không có liên hệ
gì với Ông Ngô Đình Diệm và Đệ Nhứt Cọng Hoà. Ông đã tốt nghiệp về môn
sử ở Đại học Mỹ Harvard, đỗ Ph.D của Đại học Anh Cambridge, hai đại học
danh tiếng của thế giới. Sau đó ông được mời giảng dạy ỏ Cambridge, rồi ở
các Đại học Ohio, Đại học A&M của Texas, và hiện nay là giáo sư ở
Đại học của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ ở Quantico, Virginia.
Các vị khác là: G.S.
A.O.Edmonds, Ball State University, Muncie, Indiana; G.S. Mackubin
Thomas Owens, Trường Cao đẳng Thủy quân Hoa kỳ ở Newport, Rhodes Island;
G.S. Guenter Lewy, Đại học Massachussets, Amherst, Massachussets; G.S.
Thomas Alan Schwartz, Đại học Vanderbilt, Nashville, Tennessee. Cũng như
Giáo sư Moyar, những người này trẻ và chẳng có quan hệ cá nhân gì với
Miền Nam Việt Nam cả. (Về xuất xứ của các bài bình luận, xin xem ở cuối
bài này).[2]
Tác phẩm Triumph Forsaken dài
512 trương, gồm 17 chương. Muốn thật sát nội dung, tít này phải dịch
là: “Thắng lớn không chịu, để bị bại nhục nhã: Hoa Kỳ trong cuộc chiến
Việt Nam, 1954-1965”. Sách chủ yếu nói về những quyết định sai lầm tai
hại của chính quyền Hoa Kỳ, đã biến thắng thành bại.
Nói đến “thắng” thì ai cũng
nghĩ ngay đến sự kiện quân đội cọng sản Miền Bắc vào Saì Gòn và chiếm
toàn Miền Nam năm 1975. Nhưng “thắng” đây là nói về thời gian năm 1962
đến lúc đảo chính tháng 11, 1963. Mà thời gian đó là thời gian mà chủ
quyền quốc gia Việt Nam, kể cả chủ quyền về quân sự, còn nằm trọn trong
tay chính phủ Việt Nam, và sự thắng đó là thắng của quân đội Việt Nam ,
dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng Thống Việt Nam, lúc đó là Ông Ngô
Đình Diệm, người Mỹ chưa trực tiếp can thiệp và chưa nắm thực quyền điều
khiển Việt Nam.
Trong hai năm tiếp theo,
1963-1965, vì đảo chính và xáo trộn, cơ cấu quân sự và hành chánh Việt
Nam tê liệt, tạo điều kiện cho cọng sản ồ ạt xua quân tràn xuống Miền
Nam, khiến Hoa Kỳ phải đưa quân trực tiếp can thiệp vào Việt Nam để
tránh một cuộc sụp đổ hoàn toàn.
Trong thời gian 1963-1975,
và sau 1975, để biện minh rằng chủ trương lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm
là đúng vì dưới sự lãnh đạo của Ông Ngô Đính Diệm tình hình suy sụp,
các giới Hoa kỳ và Việt Nam trách nhiệm về cuộc đảo chính tháng 11, 1963
đã sửa đổi hồ sơ và thống kê để gây cảm tưởng đó.Giáo sư Moyar đã khám
phá ra sự sửa đổi dối trá này.
Giáo sư Moyar cũng căn cứ
trên tài liệu chính xác để xét lại vai trò của các giới trí thức và
chính trị cùng của nhóm Phật tử chính trị theo Thích Tri Quang trong vụ
biến sự thắng của Miền Nam thành bại.
Như các giáo sư bình luận
ghi nhận, Giáo sư Moyar đã xử dụng những văn kiện chính thức nay đã
được công khai hoá, và đặc biệt là những văn kiện của chính cọng sản
Việt Nam. Giáo sư Moyar đã ghi rõ và phân tách rất tỷ mỹ những tài liệu
đó cho nên khó phản bác những gì mà giáo sư đã trình bày. Do đó tác
phẩm Triumph Forsaken có một giá trị rất lớn, không thể chối cải được.
Một cuộc xét lại tận gốc
Giáo sư Edmonds nói “đây là
một cuộc xét lại tận gốc chính sách Hoa kỳ ở Vietnam ... Căn cứ trên tài
liệu lấy từ văn khố và các lịch sử chiến tranh của cọng sản, tác phẩm
có tính cách rất thách thức này công kích tất cả mọi khía cạnh của
quan điểm mà Giáo sư gọi là quan điểm sử học “chính thống” về chiến
tranh. Đây là một tác phẩm mà các thư viện cấp đại học đều phải có và
các sử gia nghiên cứu về chiến tranh không thể không biết đến”.
Theo Giáo sư Owens “Triumph
Forsaken một trong những quyển sách quan trọng nhất đã được viết về
Việt Nam”, và “không có bài điểm sách nào có thể nói hết được giá trị
của quyển sách vô cùng quan trọng này…Tất cả các sử gia chính thống sẽ
phải công nhận tầm lớn lao của công trình này…”
Giáo sư Moyar giải thích
rằng tác phẩm của ông ta “khác hẳn” quan điểm của Trường phái chính
thống. Những người trong trường phái này cho rằng những người xét lại
không phải là sử gia, mà chỉ làm vì ý thức hệ, và “dùng chế diễu và tẩy
chay đối với những người không chấp nhận ý thức hệ đương khống chế”.
Ông nói tác phẩm của ông chứa “nhiều lối suy luận mới thách thức những
suy luận chính thống đến nay chưa bị thách thức”. Tác phẩm của ông phong
phú hơn tất cả những tác phẩm hiện có, đặc biệt là ở điểm nó dùng tài
liệu bao quát hơn.
Về điểm vừa nêu ra, các giáo sư điểm sách Triumph Forsaken đều
công nhận và nhấn mạnh rằng Giáo sư Moyar đã làm việc một cách rất đứng
đắn. Giáo sư Moyar “đã căn cứ một phần lớn trên văn kiện chính thức và
lịch sử của Cọng sản về chiến tranh”(Edmonds); Giáo sư Moyar đã “sưu tầm
rất sâu rộng và kỹ càng các tài liệu văn khố liên hệ và những tài liệu
chính gốc hiện có, như là những lịch sử của Bắc Việt về cuộc chiến”; Triumph Forsaken đã
được sưu khảo rất tỷ mỉ và táo bạo trong việc suy diễn tài liệu”
(Owens); Giáo sư Moyar đã “sưu tầm rất rộng rãi và thận trọng tài liệu
chính gốc mới xuất phát như lịch sử chiến tranh do Bắc Việt công bố”
(Lewy); Giáo sư Moyar đã xữ dụng những tài liệu mới của các văn khố Hoa
kỳ và cọng sản. Sách của ông là “một sự thách thức rất mãnh liệt” đối
với quan điểm chính thống, và buộc các sử gia phải mở lại cuộc tranh
luận về chiến tranh Việt Nam. (Schwarz)
Điểm chính mà tất cả các
bình luận gia đều nhấn mạnh là Giáo sư Moyar đã dứt khoát bác bỏ được
các luận điểm của Trường phái chính thống đã khống chế việc viết sử Việt
Nam. Giáo sư Owens đã liệt kê những luận điệu đó là:
- Đông Nam Á nói chung, và Miền Nam Việt Nam nói riêng, không thật sự cần thiết cho Hoa Kỳ về phương diện chiến lược.
- Thuyết “domino” sai.
- Chính phủ Miền Nam Việt Nam thối nát quá độ và không được dân chúng ủng hộ.
- Chính phủ Miền Nam Việt Nam thối nát nhất là Chính phủ Ngô Đình Diệm. Chính phủ
Công giáo này chỉ giỏi trong việc đàn áp Phật giáo, và đang bị Cọng sản đánh bại.
- Hồ Chí Minh không phải là Cọng sản thực mà chỉ là một người có tinh thần quốc gia.
- Từ chối một số giải pháp quân sự là đúng vì tránh được can thiệp của Trung quốc.
- Việt Nam là một vũng lầy, và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ bị sa lầy và đánh bại.
Giáo sư Moyar đã gạt bỏ tất cả các luận điệu trên đây, và biện bác rằng sự thất bại
của Hoa Kỳ không phải là
không thể tránh được, và Hoa Kỳ có rất nhiều cơ hội để giúp Miền Nam
Việt Nam tồn tại, nhưng đã không thực hiện được mục tiêu vì sai lầm
trong việc chọn chiến lược thích hợp. Và “sai lầm lớn nhất của chúng
ta là đã để cho xảy ra cuộc đảo chính tháng 11 năm 1963 đánh đổ và sát
hại Diệm; quyết định này đã làm cho ta mất đi những thắng lợi lớn lao đã
đạt được trong 9 năm trước đó và xô Việt Nam vào một thời gian bất ổn
và suy yếu dài”.Giáo sư đã trích một lời tuyên bố của giới lãnh đạo
cọng sản nói lên sự hài lòng của họ được người Mỹ biếu cho họ một “món
quà quý”: loại bỏ ông Diệm dùm họ. Họ nói: “người Mỹ đã làm một việc mà
trong 9 năm trời chúng tôi làm không được, là: loại bỏ Diệm” (Moyar,
tr.186)
Các giáo sư bình luận cũng đồng ý với Giáo sư Moyar. Giáo sư Owens viết:
“Đóng góp lớn đầu tiên
của Giáo sư Moyar là làm sáng tỏ sự thật: quyết định bỏ rơi và góp công
vào việc giết ông Diệm là sai lầm tai hại nhất trong chiến tranh…Theo
Trường phái chính thống ông Diệm là một tên bạo chúa không còn làm chủ
tình hình trong nước được nữa, một người Công giáo hà hiếp quần chúng mà
đa số theo Phật giáo. Giáo sư Mayor cãi rằng quan điểm này sai.Thật ra,
ông Diệm là một lãnh đạo hữu hiệu. Ông đã dẹp tan những tổ chức phạm
pháp trước khi ông nắm quyền. Ông không dân chủ. Nhưng đối với dân, ông
chính thống vì ông xử dụng quyền hành một cách hữu hiệu và bảo vệ được
an ninh cho dân chúng khỏi bị quân phiến loạn Cọng sản uy hiếp. Thật
vậy, trong thời gian ông lãnh đạo chính quyền Miền Nam Việt Nam, lực lượng phiến loạn cọng sản có thể coi như đã bị đánh tan trước 1960.”
1962-63: Việt Nam ở thế thắng
Giáo sư Owens nói rằng quan
điểm trên đây “rất khác” quan điểm của Trường phái chính thống, nhưng
“ông Moyar đã có những nhân chứng rất tốt: họ chính là những người cọng
sản”. Giáo sư Moyar đã trích diễn tài liệu cọng sản để cho độc giả thấy
rõ rằng “cọng sản đã đủ lương thiện để công nhận rằng họ đã không thành
công trước khi xảy ra cuộc đảo chính năm 1963, và chính phủ đã giết và
bắt làm tù binh vô số cán bộ của họ, đếm không xuể, khiến cho những kẻ
còn sống sót phải bỏ hàng ngũ cọng sản ”.
Giáo sư Lewy cũng ghi nhận
rằng “Dù cọng sản dùng đường mòn Hồ Chí Minh đưa rất nhiều quân và khí
giới qua Lào vào Nam, đến 1962, trong cuộc chiến chống cọng sản, thế cờ
đã lật ngược một cách ngoạn mục …[Nhưng] theo Ông Moyar cuộc đảo chính
lật đổ ông Diệm do Lodge chủ trương là một sự sai lầm kinh khủng vì nó
đưa đến một sự thất bại không đáng xảy ra”
Sự kiện trên đây là một điều mà các ký giả, học giả và viên chức Mỹ chống Ông
Diệm, cùng nhhững người
Việt Nam đã nghe lời xúi dục của họ tham gia và chủ trương đảo chính đã
che đậy trong suốt mấy thập niên, và nay, nhờ sưu khảo của Giáo sư, mới
được đưa ra ánh sáng. Mà những điều Giáo sư Moyar đã đưa ra không phản
bác được vì Giáo sư nhấn mạnh rằng chính cọng sản Bắc Việt đã thú nhận
như thế trong tài liệu của họ. Giáo sư viết:
“Những tin tức xuất phát
từ phía cọng sản xác nhận rằng cho đến ngày đảo chính chính phủ Miền Nam
đang ở thế thắng, nhưng đã mất thế đó một cách nhanh
chóng sau đảo chính. Tháng 4 năm 1964, trong phúc trình về tình hình tổng quát,
bộ chỉ huy Miền Nam của họ nói rằng Việt Cọng đã phải tranh đấu khó khăn
trong năm 1962 và trong 10 tháng đầu năm 1963, nhưng sau ngày 1 tháng 11
năm 1963 họ đã chiếm lại được những vùng mà họ đã bị suy yếu”
Giáo sư Moyar cho biết rằng
đoạn trên đây trích từ một tài liệu của Mặt Trận Giải Phóng về tình hình
chiến cuộc từ 1961 đến 1964. Để làm sáng tỏ thêm sự thực với tài liệu
của chính Cọng sản, Giáo sư Moyar đã trích dẫn chính tài liệu của Đảng
Cọng Sản công bố từ Hà Nội vào tháng 3, năm 1965, lúc chính phủ Sài Gòn
gần bị đánh bại. Tài liệu đó nhận định sự suy sập tình hình trong thời
gian 16 tháng từ ngày ông Diệm bị sát hại như sau: “Cán cân lực lượng
giữa Cách mạng Miền Nam và kẻ địch biến chuyển rất nhanh có lợi cho
ta…Phần lớn lực lượng quân sự và bán quân sự của địch ở cấp xã và ấp
chiến lược đã tan rã, và những gì còn lại đang tiếp tục tan rã…80% ấp
chiến lược…đã bị phá tan, và phần lớn dân và đất ở vùng quê nay thuộc về
vùng giải phóng của chúng ta”.
Giáo sư Moyar nói rõ rằng những nhận định trên đây trích từ các tài liệu chính thức của chính Đảng Cọng Sản (Một số văn kiện của Đảng Về Chống Mỹ Cứu Nước),
của Đảng Ủy và Tư Lệnh Quân Khu V, của Lê Duẫn, của Hội Đồng Biên Soạn
Lich Sử Nam Trung Bộ Kháng Chiến (muốn có chi tiết, đầy đủ, xin xem tác
phẩm của Giáo sư Moyar, phần Trích Dẫn, tr, 469)
Dư luận quốc tế, không những
Hoa kỳ và Tây phương, mà ngay cả Việt Nam , bị ảnh hưởng nặng của
Trường phái chính thống, thường cho rằng Miền Nam Việt Nam đã bị bại
trong cuộc chiến 1954-1975. Sự nhập chiếm Sài-Gòn ngày 30-4-1975 đánh
dấu sự kết thúc một chiến tranh mà Cọng sản đã toàn thắng. Nhưng những
tiết lộ của Giáo Sư Moyar nay cho thấy rõ rằng Miền Nam đã bị dồn vào
thế bại vì, sau khi lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm, nhóm nắm chính
quyền đã làm tan rã cơ cấu quân sự và hành chánh của Miền Nam, tạo điều
kiện cho Cọng sản dễ dàng lùa quân vào tràn vào như vào như nơi không
người. Tháng 3, 1965, Hoa Kỳ đã phải đưa quân vào chận đứng làn sóng
cọng sản thì Miền Nam đã rơi vào tay cọng sản.
Sự can thiêp trực tiếp của
Hoa Kỳ có hai hậu quả. Một là sự kiện Hoa Kỳ can thiệp trực tiếp chiến
đấu và nắm thực quyền chỉ huy ở Miền Nam biến chiến tranh thành một cuộc
chiến tranh giữa Bắc Việt và Hoa Kỳ. Nhưng Tổng Thống Johnson lại tránh
những quyết định quân sự khó khăn nhưng cần thiết để thắng, và chỉ muốn
coi chiến tranh như một cuộc dẹp loạn nội bộ (counter-insugurgency) ở
Miền Nam. Hai là nó lại tạo ra một tình trạng tâm lý làm cho Hoa Kỳ
không chiến thắng được vì thiếu chính nghĩa trong một chiến tranh mà
phe cọng sản có thể trình bày là một cuộc chiến tranh giải phóng thực
sự. Rốt cục, Hoa Kỳ cũng bị bại.
Như vậy là thực sự có ba
cuộc chiến tranh, hay là ba giai đoạn: từ 1954 đến tháng 11, 1963; từ
1-11-1963 đến tháng 3, 1965; từ tháng 3, 1965 đến 30 tháng 4, 1975. Giai
đoạn từ 1962 đến tháng 11 năm 1963 là giai đoạn Miền Nam ở thế thắng,
và nhờ đó , tồn tại thêm được một thời gian, nhưng suy sụp nhanh chóng.
Nếu Hoa Kỳ không can thiệp Miền Nam Việt Nam chắc chắn đã mất ngay từ
cuối năm 1965.
Ấp chiến lược: success story
Giáo sư Moyar viết:
“Nhờ những thành quả tốt mà
ông Diệm thực hiện được trong những năm 1962 và 1963, Việt Cọng không
có khả năng đánh bại được chính phủ cho đến lúc mà ông Diệm bị sát hại,
và trong một thời gian khá dài sau đó. Nếu ông Diệm còn sống, Việt Cọng
có thể kéo dài chiến tranh nếu họ tiếp tục nhận được quân mới xâm nhập
từ Miền Bắc và duy trì được căn cứ ở Lào và Cao Mên, nhưng rất khó tin
rằng cuộc chiến sẽ đến một mức mà Hoa Kỳ phải đưa hàng trăm ngàn quân để
cứu Việt Nam khỏi bị đánh bại, như là tình hình đòi hỏi lúc những kẻ
thay thế ông cầm quyền. Thật vậy. Rất có thể là Miền Nam Việt Nam tồn
tại được sau tháng 11 năm 1963 mà không cần gì đến sự trợ giúp của lục
quân Hoa Kỳ. Những người kế vì ông Diệm từ tháng 11 năm 1963 đến lúc Hoa
Kỳ can thiệp đã kém xa ông Diệm về hữu hiệu, và sự thua kém này đã
khiến Hà Nội trút bỏ thái độ rất dè dặt của họ trong việc đưa quân vào
Miền Nam. Nếu Quân đội Bắc Việt xâm lăng Miền Nam sau 1963 mà ông Diệm
còn cầm quyền, Miền Nam rất có thể ngăn chận cuộc tấn công đó với sự trợ
giúp của không lực Hoa Kỳ mà không cần lục quân Hoa Kỳ như năm 1972.”
(Moyar, tr. 287)
Sự sưu khảo của Giáo sư
Moyar đưa ông đến kết luận rằng một yếu tố lớn trong sự thành công của
chính phủ Diệm trong sự đánh bại cọng sản là Ấp chiến lược. Giáo sư
Moyar đã nói rất nhiều về khía cạnh này, vì trọng tâm tác phẩm của ông
là vấn đề quân sự. Nhưng vì trong giới hạn bài này không thể đi vào chi
tiết, ở đây chỉ nói qua về mục này thôi. Độc giả, đặc biệt là độc giả
quân nhân, nên đọc hai chuơng 9 và 10 nói về mục này, vì khác với những
luận điệu của Trường phái chính thống, trong thời Đệ Nhứt Cọng Hoà binh
sĩ Miền Nam đã lập được những chiến công rạng rỡ, nhưng những tin tức
tốt này bị những kẻ ghét ông Diệm ém nhẹm trong thời gian ông Diệm còn
sống, và bị sửa đổi đi sau vụ đảo chính 1963, và sau 1975 thì tất nhiên
họ nói voi nói vượn gì về Miền Nam Việt Nam cũng được.
Bài này chỉ trích đoạn quan
trọng nhất về vấn đề này của Giáo sư Moyar về Ấp chiến lược, đặc biệt là
vì trong nửa thế kỷ nay, hầu hết mọi người, trong đó có rất nhiều người
Việt, đã được nghe không những Trường phái chính thống, mà ngay cả
những tướng cầm đầu vụ đảo chính lật đổ ông Diệm lớn tiếng tố chương
trình Ấp chiến lược là một thất bại nặng. Giáo sư Moyar viết:
“Những quan sát viên Hoa kỳ
đã đi thăm Ấp chiến lược trong mỗi tỉnh của Việt
Nam trong bán niên đầu của năm 1963 nhận thấy rằng chính quyền sở
tại đã được cãi thiện một
cách ngoạn mục (dramatic) vượt cả mức ấn định, trong khi lực lượng dân
quân đã tỏ ra có quyết tâm và tài năng đẩy lui Việt Cọng. Những quan sát
viên cũng nhận thấy rằng dân chúng thôn quê và chính quyền địa phương
tin tưởng chính phủ mạnh hơn và tinh thần họ cao hơn. Tháng 5, năm
1963, Đại tá Ted Serong, môt chuyên gia về đánh du kích làm trưởng phái
bộ huấn luyện Úc ở Nam Việt Nam đã nói với nhân viên cao cấp Hoa kỳ ở
Washington rằng “chuyện thành công (success story) lớn lao nhất trong
chiến tranh Việt Nam là chuyện chương trình Ấp chiến lược, và chuyện
này chưa được nói đến đúng mức của nó”. Sir Robert Thompson, [chuyên
viên về du kích đã đáng bại phiến loạn cọng sản Mã Lai], một người đã tỏ
ra bi quan trong năm 1961 và đầu năm1962 như nhiều nhà quan sát khác,
nay đã tỏ ra lạc quan và tuyên bố rằng “phải công nhận rằng chính quyền
Việt Nam đã tỏ ra có nghị lực khác thường”. Ông nghĩ rằng chính phủ
đang thắng và từ đây đến giữa 1964 họ có khả năng ngăn chận không cho
Việt Cọng tiếp xúc với dân chúng nữa ở Đồng bằng Sông Cửu Long”. (Moyar,
tr.107)
Ở đây câu hỏi đương nhiên
phải đặt ra ngay là: “tại sao một dử kiện quan trọng mức đó mà dư luận,
và đặc biệt nguời Việt Nam, không được biết đến?” Và giải đáp là: vì các
dữ kiện đó đã bị chính quyền Hoa kỳ lẫn chính quyền Việt Nam và các
giới báo chí và đại học chính thống xuyên tạc. Giào sư Moyar đã giải
thích sự xuyên tạc đó như sau:
“Điểm chót đáng ghi là những người thay thế ông Diệm quả quyết rằng họ phải làm cuộc
đảo chính lật ông Diệm tháng
11 vì tình hình suy sụp lớn bắt buộc họ phải làm như thế; nhưng tất cả
những bằng chứng về sự suy sụp tình hình này đều do họ cung cấp…họ đã
trở cờ chống ông Diệm vì họ muốn làm vừa lòng người Mỹ, và sau cuộc
đảo chính họ phải tìm đủ mọi cách để khỏi mất thể diện đối với người
Mỹ và với đồng hương của họ. Cũng như Halberstam và những người Mỹ đề
xướng đảo chính, những người chủ mới của Việt Nam biện bác rằng tình
hình suy sụp thê thảm vào cuối tháng 11 không khác gì tình hình trước
đó. Điều này không đúng với sự thật. Nhưng họ phải biện bác như vậy để
tránh tiếng là họ đã gây ra vấn đề mới. Một nhận định Mỹ về Ấp chiến
lược vào đầu tháng 11 ghi rằng vì “lý do chính trị hoặc cá nhân” chính
phủ Minh đã thay thế các thống kê nguyên thủy của thời gian trước đảo
chính bằng những thống kê mới, tệ hơn, để “hạ uy tín của chế độ cũ” và
tạo ra “một căn bản mới có lợi cho chính phủ mới”. Sự mô tả lừa dối của
những kẻ đảo chính, Mỹ cũng như Việt, về tình hình trước đảo chính sẽ
ảnh hưởng nặng đến các phân tách về chế độ ông Diệm rất lâu sau này”
(Moyar, tr.285)
Các ký giả Hoa Kỳ láo khoét
Riêng Về những ký giả đả
đóng một vai trò then chốt trong vụ đảo chính ông Diệm bằng cách lừa
phỉnh dư luận Hoa kỳ, Halberstam, Sheehan, Karnow Giáo sư Moyar viết:
“Một khi cuộc đảo chính mà họ cổ võ đưa đến một loạt chính phủ bất lực và làm cho
họ mang tiếng là đã làm cho Việt Nam bị tê liệt, Halberstam, Sheehan, và Stanley
Karnow phải nói xấu ông Diệm để làm cho dư luận nghĩ rằng trước cuộc đảo chính Việt
Nam đã suy yếu đến mức vô tuyệt vọng cứu chữa gì được nữa. (Moyar, tr..xvii)
Giáo sư Moyar nói
Halberstam and Sheehan, hai ký giả đã đóng một vai trò then chốt trong
sự làm cho dư luận Hoa Kỳ và Việt Nam chống ông Diệm, đã đưa tin tức
“trắng trợn không đúng” về vụ Phật giáo và tình hình chính trị Việt Nam,
mà một phần lớn do những tên mật vận cọng sản Phạm Xuân Ấn và Phạm
Ngọc Thảo cung cấp cho họ…Họ “thường thổi phồng những khuyết điểm của
chính phủ Việt Nam”, cung cấp tin tức “lừa dối”, “không lương thiện”,
“láo khoét”, “bôi lọ ông Diệm “ để tạo cảm tưởng là trước đảo chính
tình hình Việt Nam đã lâm vào thề tuyệt vọng rồi”. Họ đã căn cứ vào
những tin “rất lệch lạc” của [cố vấn Mỹ John Paul] Vann cung cấp để mô
tả trận Ấp Bắc, làm cho độc giả cho đó là báo cáo được chấp nhận về
trận này”. Nhưng sự thật không phải vậy. Giáo sư đã dành hai chương
để nói về vấn đề nà y. (Về chi tiết, xin xem: Moyar, tr. xvi-xvii và
hai chương 9 và 10)
Về vụ Phật giáo Giáo sư
Moyar viết: “Những người chỉ trích ông Diệm cho rằng phong trào Phât
giáo phản đối 1963 xuất phát từ sự bất mãn của dân chúng vì chính sách
không khoan dung về tôn giáo của chính phủ, nhưng đó là một quan điểm
sai lầm”. (Moyar, tr. xvi) Vấn đề này đã được bàn nhiều ở các nơi khác
nên không cần nói đến nhiều ở đây. Nó chỉ được nêu lên để cho thấy quan
điểm của Giáo sư là một quan điểm hoàn toàn ngược với quan điểm chính
thống đả khống chế dư luận rất lâu. Trong chiều hướng này, tưởng cũng
nên đề cập đến quan điểm xét lại mà Giáo sư Moyar đưa ra về thái độ của
giới có uy thế (elite) trong xã hội Việt Nam : ông là một trong những
học giả hiếm có hiểu rõ rằng muốn viết về Việt Nam một cách chính xác
cần phải chú trọng những yếu tố văn hoá và tâm lý chi phối hành vi của
người Việt.
Nói về nhận định sai lầm
về Việt Nam của ký giả Hoa Kỳ đã ảnh huởng thế nào về thái độ chống đối
của giới có uy thế trong xã hội Việt Nam đối với ông Diệm , Giáo sư
Moyar viết:
“Vì họ không biết gì về khác
biệt văn hoá giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, họ đã chỉ trích ông Diệm không
chịu làm như chính phủ Hoa Kỳ. Thật ra, trong việc giải quyết các vấn đề
Việt Nam, phương pháp chính trị mà ông Diệm áp dụng hữu hiệu hơn
phương pháp của Hoa Kỳ rất nhiều.Giới có uy thế trong xã hội Việt Nam
thường đọc những bài dịch từ báo Hoa Kỳ cho rằng báo New York Times và
các báo Hoa Kỳ khác là phát ngôn viên của chính phủ Hoa Kỳ. Kết quả là
những bài báo nói không tốt về chính phủ ông Diệm làm cho người Việt
Nam mất tin tưởng vào chính phủ và khuyến khích những kẻ muốn lật đổ
chính phủ”. (Moyar, tr. xvi)
Kết luận
Giáo sư Owens đặt câu hỏi:
“Tại sao ông Diệm lại bị bôi xấu như ta đã thấy?” Nếu ta nới rộng vấn
đề để bao gồm toàn Việt Nam chớ không riêng gì Ông Diệm, câu hỏi trở
thành:”Tại sao những kẻ thuộc Trường phái chính thống đã xuyên tạc, ém
nhẹm, bóp méo sự thật, về Việt Nam, như Giáo sư Moyar đã làm sáng tỏ?”
Giáo sư Moyar đã giúp
chúng ta thấy được một số khía cạnh của vấn đề mà trưóc kia ta không hề
biết vì không hề nghe nói đến, hay chỉ được đọc, nghe những tường thuật
lệch lạc, xuyên tạc, và từ đó, đã có những ý kiến, quan điểm rất lầm,
khiến ta lấy những quyết định tai hại cho Việt Nam tự do và cho ngay bản
thân chúng ta -- tố cáo, chống đối, vu khống, phá hoại, lật đỗ nhau,
gây phân hoá và hỗn loạn -- làm cho cơ cấu quốc gia tan rã, tạo điều
kiện cho cọng sản tung hoành, biến thắng thành bại.
Tác phẩm của Giáo sư
Moyar, dài hơn 500 trang, rất phong phú, giúp cho những ai cần tranh
luận với những người có quan điểm chính thống những chi tiết, dữ kiện,
lối lập luận thích hợp không để cho những người này áp đảo mình và áp
che lấp chính nghĩa như trước nữa. Ai không có thì giờ nhiều, và không
cần đi sâu vào vấn đề chỉ cần đọc chương dẫn nhập (Preface). Chương này
tương đối ngắn, chỉ có lối 20 trang, nhưng đã tóm lại nội dung của sách
một cách rất gọn gàng.
Tác phẩm của Giáo sư Moyar
là một bài học nhắc nhủ người Việt chúng ta phải dè dặt, thận trọng,
cân nhắc, phân tách và kiểm chứng kỹ càng, khi chúng ta nghe hay đọc
những tin tức do viên chức và báo chí ngoại quốc cung cấp, để tránh bị
dùng làm công cụ cho những âm mưu, kế hoạch nhằm thực hiện những mục
tiêu -- quyền lợi, thương ghét -- riêng của những người này, trong khi
xứ sở, và ngay bản thân chúng ta phải gánh lấy những thiệt hại nặng nề.
Cuối cùng, tác phẩm của Giáo
sư Moyar nhắc nhở chúng ta rằng xét lại lịch sử, và tất cả mọi sự, một
cách khách quan, vô tư, khoa học, không nhân nhượng là một điều rất cần
để biết rõ sự thật và thực tại, vì chỉ có biết tường tận những chi tiết
về một vấn đề, chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề đó một cách
êm đẹp, vẹn toàn và dứt khoát.
Ottawa, tháng 2, 2007
[1] Mark Moyar, Triumph Forsaken, the Vietnam War 1954-1965, Cambridge University Press, 2006.
[2] A.O.Edmonds, “Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954-1965”,Library Journal Reviews, September 1, 2006.
Mackubin Thomas Owens, “A Winnable War, The argument against the orthodox history of Vietnam”, Weekly Standard, Volume 012, Issue 17, 01/15/2007.
Guenter Lewy, “The War That Could Have Been Won”, The new York Sun, November 24, 2006.
Thomas Alan Schwarz: trích ở bìa giói thiêu sách Triuph Forsaken, ấn bản 2006.