Sự sống chỉ là sản phẩm của toán học?
Có một lập luận được đưa ra về Vũ
trụ, theo đó Vũ trụ có vẻ như vận hành trên những đường toán học, giống
như từ một chương trình máy tính.
Một số nhà vật lý học nói rằng cuối cùng thì thực tế có lẽ chẳng phải là gì hết ngoài toán học.
Max
Tegmark từ Viện Công nghệ Massachusetts lập luận rằng đây chỉ là thứ mà
chúng ta nhận được nếu như các định luật vật lý được dựa trên một thuật
toán được điện toán hóa.
Tuy nhiên, lập luận đó có vẻ như loanh quanh.
Nếu
như các trí tuệ siêu việt đang vận hành các môi trường giả lập của
chính thế giới "thực sự" của họ, thì họ có thể phải dựa trên những
nguyên tắc vật lý của chính vũ trụ mà họ đang tồn tại, giống như chúng
ta phải tuân theo các nguyên tắc vật lý trong vũ trụ của chúng ta vậy.
Trong
trường hợp đó, lý do khiến vũ trụ của chúng ta là dạng thế giới hình
thành từ toán học sẽ không phải là vì nó được vận hành trên một máy
tính, mà bởi thế giới "thực sự" cũng tồn tại như vậy.
Ngược lại,
các môi trường giả lập không phải là được dựa trên các nguyên tắc toán
học. Chẳng hạn như chúng có thể được dựng lên để hoạt động một cách ngẫu
nhiên.
Điều đó dẫn đến những kết quả mạch lạc hay không là điều
chưa rõ ràng, nhưng vấn đề ở đây là chúng ta không thể dùng bản chất
toán học của Vũ trụ để suy diễn ra bất kỳ điều gì về "thực tế".
Tuy
nhiên, dựa trên nghiên cứu riêng của mình về vật lý cơ bản, James Gates
từ Đại học Maryland cho rằng có một lý do cụ thể để nghi ngờ rằng các
định luật vật lý được định ra bởi một máy tính giả lập.
Gates nghiên cứu vật chất ở mức các hạt hạ nguyên tử như quark, các cấu thành proton và neutron trong hạt nhân nguyên tử.
Ông
nói các định luật kiểm soát cách phản ứng của các hạt này hóa ra có các
đặc tính giống với các mã code chỉnh sửa lỗi trong máy tính. Vậy có lẽ
những định luật này thực sự là các mã code máy tính chăng?
Có thể là vậy.
Mà
cũng có thể là cách diễn giải theo đó cho rằng các định luật vật lý này
chính là các mã code chỉnh sửa sai sót chỉ là một ví dụ mới nhất về
cách thức chúng ta thường áp dụng để diễn giải tính tự nhiên của nền
tảng các công nghệ tân tiến của chúng ta.
Đã từng có lúc các hệ thống cơ học theo lý thuyết
của Newton dường như khiến cho Vũ trụ có thể được diễn giải là một cỗ
máy cơ khí, và trong thuở bình minh của thời đại máy tính, di truyền học
được coi là một dạng mã code kỹ thuật số với chức năng lưu trữ và thể
hiện. Chúng ta có thể chỉ đơn thuần là đã lo lắng quá mức về các định
luật vật lý mà thôi.
Có vẻ như sẽ cực kỳ khó khăn, nếu không nói
là không thể, trong việc tìm ra những bằng chứng thuyết phục cho thấy
chúng ta đang sống trong một môi trường giả lập.
Lý do là bởi nếu
môi trường giả lập mà chúng ta đang tồn tại ở trong là hoàn hảo, không
phạm phải lỗi sai sót nào, thì ta khó lòng thực hiện được một thử nghiệm
cho kết quả ngược lại.
Nhà
vật lý thiên văn từng đoạt giải Nobel George Smoot cho rằng chúng ta có
thể sẽ không bao giờ biết được điều đó, đơn giản là bởi tâm trí của
chúng ta không sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ đó.
Sau hết, bạn
thiết kế ra các mẫu trong một môi trường giả lập nhằm khiến nó hoạt động
theo các quy tắc bạn đề ra chứ không phải để lật đổ bạn.
Điều này có thể là giới hạn mà chúng ta không thể nghĩ cách để vượt ra khỏi giới hạn đó được.
Tuy
nhiên, có một lý do sâu sắc hơn về việc có lẽ vì sao mà chúng ta không
nên lo lắng quá mức về ý nghĩ cho rằng chúng ta chỉ là những đối tượng
bị điều khiển bởi một hệ thống máy tính khổng lồ. Bởi đó là điều mà một
số nhà vật lý học tin rằng đó chính là cách mà thế giới 'thật' tồn tại.
Bản
thân thuyết lượng tử đang ngày càng được diễn giải bằng các thuật ngữ
tin học và máy tính. Một số nhà vật lý cảm giác rằng ở mức độ căn bản
nhất thì thế giới tự nhiên không phải là thuần túy toán học mà là thuần
túy thông tin: các bit, giống như các số 1 và số 0 của máy tính.
Theo
quan điểm này, tất cả những gì xảy ra, từ các hoạt động tương tác của
các hạt căn bản trở đi, đều là một dạng điện toán hóa.
"Vũ trụ có
thể được coi như một máy tính lượng tử khổng lồ," Seth Lloyd từ Viện
Công nghệ Massachusetts nói. "Nếu nhìn vào 'phần ruột' của Vũ trụ - tức
cấu trúc vật chất ở quy mô nhỏ nhất - thì phần này không có gì ngoài
những bit [lượng tử] trong các hoạt động kỹ thuật số cục bộ."
Đây
chính là điểm trọng yếu. Nếu thực tế chỉ là thông tin, thì chúng ta
không còn là 'thực' bất kể chúng ta có sống trong môi trường giả lập hay
không. Bởi dù có thế nào đi chăng nữa thì rốt cuộc chúng ta cũng chỉ là
những chuỗi thông tin.
Tiếp nữa, có gì khác nhau không giữa việc các thông
tin được lập trình bởi thế giới tự nhiên hay bởi các đấng tạo hóa có trí
tuệ siêu việt? Cũng thế thôi, chẳng có gì quan trọng nếu có sự khác
biệt - ngoại trừ việc nếu không phải là chúng ta được thế giới tự nhiên
sinh ra thì các đấng tạo hóa về mặt lý thuyết có thể can thiệp được vào
môi trường giả định mà chúng ta đang tồn tại, thậm chí có thể 'tắt' nó
đi. Chúng ta sẽ có cảm giác thế nào về chuyện đó?
'Hãy sống tốt'
Tegmark,
nhà vũ trụ học vô cùng quan tâm tới khả năng này, cho rằng chúng ta tốt
hơn cả là hãy bước ra và làm những điều thú vị với cuộc sống của mình,
để đề phòng khả năng các đấng tạo hóa nhìn vào và thấy chán về những
điều buồn tẻ mà chúng ta làm.
Sau
hết, rõ ràng là có những lý do để người ta muốn có cuộc sống thú vị hơn
thay vì bị xóa sổ. Nhưng nó lại vô tình phản bội một số vấn đề của
nguyên lý tổng thể.
Ý tưởng cho rằng các đấng tạo hóa siêu nhiên
nói rằng "À kìa, thứ này hoạt động dở quá - thôi thì cho nó nghỉ luôn
rồi làm cái mới" là câu đùa khôi hài trong thuyết hình người. Giống như
bình luận của Kurzweil về một dự án học đường, chuyện hài này tưởng
tượng ra các 'đấng tạo hóa' của chúng ta là những bạn trẻ tuổi teen bồng
bột với các bộ Xbox trong tay.
Việc thảo luận về ba khả năng mà Bostrom nêu ra liên
quan tới thứ tương tự như thuyết duy ngã. Đó là một nỗ lực nhằm nói một
cách sâu sắc về Vũ trụ bằng cách ngoại suy từ những gì mà nhân loại
trong thế kỷ 21 đã biết.
Lập luận được đưa ra là: "Chúng ta làm
ra các trò chơi điện toán. Hẳn là các sức mạnh siêu nhiên cũng làm được,
chỉ có điều họ làm ở mức tuyệt hảo."
Trong
nỗ lực tưởng tượng ra xem các trí tuệ siêu việt có thể làm gì, hay thậm
chí các trí tuệ đó gồm những gì, chúng ta không có mấy lựa chọn ngoài
việc phải bắt đầu từ chính chúng ta.
Rõ ràng là không có chuyện
tình cờ khi nhiều người ủng hộ ý tưởng về ''vũ trụ giả lập" thừa nhận
rằng họ khi còn trẻ là các fan cuồng nhiệt của khoa học viễn tưởng. Điều
này tạo cảm hứng khiến họ bay bổng trí tưởng tượng để nhìn vũ trụ từ
khung cửa sổ của tàu không gian trong phim viễn tưởng.
Elon Musk
hầu như chắc chắn không tự nhủ với bản thân rằng những người mà ông nhìn
thấy xung quanh, gồm cả bạn bè và gia đình ông, chỉ là do máy tính tạo
nên bằng những dòng dữ liệu được nhập vào hệ thống.
Ông không làm vậy một phần bởi chuyện lưu giữ ý tưởng đó trong đầy một thời gian dài là điều không thể.
Quan
trọng hơn nữa, chúng ta đều hiểu một cách sâu sắc rằng ý niệm về thực
tế chỉ thực sự có giá trị khi đó là thực tế mà mà ta trải qua chứ không
phải là thứ thế giới nào đó 'đứng đằng sau'.
Tuy vậy, không có gì
mới mẻ trong việc hỏi cái gì 'đứng đằng sau' vẻ bề ngoài và những cảm
xúc mà chúng ta trải nghiệm. Các nhà triết học đã làm vậy trong hàng thế
kỷ rồi.
Plato tự hỏi sẽ ra sao nếu thực tế mà chúng ta nhận được
lại giống như bóng đen đổ lên những bức vách trong hang. Immanuel Kant
khẳng định rằng trong lúc có thể có một số 'thứ ở bên trong chính nó'
nằm dưới vẻ ngoài mà chúng ta nhìn thấy, nhưng chúng ta không bao giờ
biết được thứ đó. René Descartes chấp nhận rằng 'Tôi nghĩ, cho nên tôi
tồn tại', rằng khả năng suy nghĩ chính là tiêu chuẩn duy nhất để xác
định việc chúng ta tồn tại.
Nhưng cho tới khi ta có thể chứng minh
được rằng nêu ra được những khác biệt giữa những điều chúng ta trải
nghiệm và những điều 'thực tế' dẫn đến sự khác biệt có thể thể hiện ra
trong điều mà chúng ta có thể quan sát hoặc làm được, thì nó không làm
thay đổi quan niệm của chúng ta về thực tế theo cách thức có ý nghĩa.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Earth.
Đây là phần 3 trong bài nghiên cứu gồm 3 phần của tác giả Philip Ball.
Xem đầy đủ:Phần 1: Chúng ta sống thật hay sống ảo?
Phần 2:Chúng ta có bị thế lực nào điều khiển không?
Phần 3:Cuộc sống chỉ là sản phẩm của toán học?