Nguyễn Văn Thành, Thụy Sĩ
Những chướng ngại lớn lao trên con đường Bao Dung
(Bốn loại tinh yêu ma quái trong lòng Đất Nước)
Qua vài ba câu nói vắn gọn của bài Bình Ngô Đại Cáo vừa được trình bày trên đây, Nguyễn Trãi đã nhắc lại cho mỗi người trong chúng ta bài học “BAO DUNG, ĐỒNG CẢM, CHIA SẺ”, đã có mặt trong Huyền Sử và Văn Hóa Việt Nam, từ ngày Lập Nước, cách đây hơn 4000 năm. Bài học “LÀM NGƯỜI” ấy đặt nền móng trên những giá trị như Đại Nghĩa và Chí Nhân, Từ Tâm và Thứ Tha, Cao Thượng và Bất Bạo Động, Tôn Trọng Sự Sống của muôn loài muôn vật và muôn người trong Trời Đất.
Phải chăng từ ngày môi miệng còn thơm mùi sữa của Mẹ, mỗi người trong chúng ta đã biết líu lo và bập bẹ những bài ca dao nói về lòng Bao Dung:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
“Người trong một Nước hãy thương nhau cùng”.
“Bầu ơi thương lấy Bí cùng,
“Tuy rằng khác giống, cùng chung một giàn”.
“Một miếng khi đói bằng một đọi khi no”.
Hẳn thực, Bao dung là con đường tất yếu của những ai mang danh hiệu là con Rồng cháu Tiên. Mẹ của chúng ta là Bà Âu Cơ. Quê Hương của Mẹ là Bầu Trời Cao Cả và Đại Lượng. Cha của chúng ta là Lạc Long Quân. Quê Hương của Ngài là Biển Cả Mênh Mông, là Đại Dương Bao La và Bát Ngát. Nhờ Tình Thương âu yếm của hai người Cha Mẹ đầu tiên ấy, chúng ta đã được cưu mang cùng một lúc, trong một bào thai duy nhất. Cho nên từ ngày ấy cho đến nay, chúng ta có tập tục gọi nhau là Anh Chị Em Đồng Bào.
Trong tinh thần và lăng kính ấy, con đường hay là quan hệ Bao Dung bao gồm ba chiều kích quan trọng, trong BẢN SẮC “Làm Người” của người Việt Nam:
· Chiều kích thứ nhất là Trời, Quê Hương của Mẹ chúng ta. Trời ở đây không phải chỉ là một ý niệm hoàn toàn lý thuyết, trừu tượng và duy tâm. Trời là Nguồn Gốc, là nơi xuất phát của chúng ta. Hẳn thực, khi Mẹ Âu Cơ cưu mang chúng ta trong cung dạ, Mẹ đã rót vào trong quả tim của chúng ta, dòng máu của Trời. Trời có mặt trong các bài ca dao và tục ngữ, mà mẹ đã hát lên, để ru chúng ta ngủ lúc chiều tối. Trời là Ngôi Nhà để chúng ta trở về, sau một cuộc đời lam lũ, chân lấm tay bùn, lên đồng cạn xuống đồng sâu. Mẹ đã ôm ấp chúng ta thế nào trong những ngày tấm bé, thì chúng ta cũng bắt chước Mẹ, mở rộng hai cánh tay, để sẵn sàng đón nhận mọi người anh chị em xa gần, tản mác khắp năm châu bốn bể, nhất là những ai đói rách, một ngày chưa có một loong gạo để lót lòng. Bài học đầu tiên của chúng ta phải chăng là “tứ hải giai huynh đệ”, bốn biển một nhà?
· Chiều kích thứ hai là Đất, Quê Hương của Người Cha chúng ta. Đất ở đây là Nước Non, Núi Rừng, Biển Cả mênh mông. Đất ở đây có nghĩa là “Nam Quốc Sơn Hà, Nam Đế cư”, trong bài Hịch Tướng Quân của Lý Thường Kiệt, trước khi lên đường đánh tan quân Nguyên. Đất được coi trọng, trong lời nhắn nhủ “bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”. Cho nên chúng ta sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ và gìn giữ. Không ý thức về chiều kích thứ hai này, chúng ta sẽ là những tên phản bội “rước voi về dày mả tổ”. Phải chăng Lời của Tổ Tiên còn vang vọng rõ nét trong đáy lòng sâu thẳm của chúng ta “Con không Cha là Nhà vô phúc”? Con không Cha ở đây có nghĩa là: con không tiếp tục con đường đi của Người Cha, hay là con không “Minh Minh Đức”, không ngày ngày đánh sáng Đức Sáng của Cha Ông và Tổ Tiên, trong chính bản thân mình…
· Chiều kích thứ ba là Người, là Nhân, có nghĩa là Anh Chi Em Đồng Bào, cùng có mặt với nhau trong một Bào Thai của Mẹ. Nói cách khác, chiều kích thứ ba là những quan hệ qua lại hai chiều – yêu thương, đùm bọc, tha thứ – giữa Anh Chị Em Đồng Bào với nhau, cũng như giũa chúng ta và những người khách nước ngoài đến thăm viếng, làm việc và cư ngụ trên Quê Hương của chúng ta:
“Mở rộng Cửa NHÂN, mời khách đến,
“Vun trồng cây ĐỨC, nuôi con ăn”.
Nói tóm lại, Bao Dung bao gồm 3 gíá trị và ý nghĩa làm người sau đây:
Thứ nhất là Nhân Đạo, Đạo Làm Người,
Thứ hai là Tình Nghĩa keo sơn gắn bó giữa Anh Chị Em Đồng Bào,
Thứ ba là Nhân Đức và Đức Độ, Đại Lượng và Thứ Tha, khi một người Anh Chị Em có những lỗi lầm, sai trái lớn hay là nhỏ… đối với chúng ta.
Thiếu một trong 3 chiều kích ấy, Bao Dung sẽ nhường bước cho Vô Thần, Vô Tổ Quốc, Vô Đạo và Vô Nhân.
Thiếu một trong 3 chiều kích ấy, Bao Dung chỉ là tuyên truyền, láo khoét,
Thiếu một trong 3 chiều kích ấy, Bao Dung chỉ là huynh đệ tương tàn, bạo động, chiến tranh, mồ chôn tập thể và Đại lộ Kinh Hoàng…
Thiếu một trong 3 chiều kích ấy, Bao Dung sẽ bị tiêu diệt. Thay vào đó, chỉ còn lại một thứ luật rừng man rợ như: “Cá lớn nuốt cá bé”, hay là “gà một nhà bôi mặt đá nhau”…
Trong những ngày đầu tiên, trên những nẻo đường của Quê Hương, khi đi thăm viếng con cái tản mác khắp đó đây, Lạc Long Quân đã phải đối đầu với ba loại “tinh yêu ma quái” mà tôi vừa phác họa. Yêu Tinh là những quái vật, mang mặt người bên ngoài. Nhưng bên trong, với một tâm hồn tàn bạo, chúng nó tìm mọi cách để gieo tang tóc và đau thương. Chúng nó hủy diệt mọi loại quan hệ Bao Dung giữa Anh Chị Em Đồng Bào ruột thịt:
· Loại Yêu Tinh thứ nhất là Mộc Tinh. Đây là một loại cây chiên đàn không gốc, không rễ, không lá, không hoa và không có trái. Chúng nó có mặt trên những nẻo đường quanh co và hoang vắng, để đe dọa khách qua đường và đòi hỏi những người “yếu vía” phải sụp lạy, dâng cúng tiền của, vàng bạc. Theo cách thuyên giải của tôi, đó là những người lạm dụng quyền lực và chức tước, để thực thi những hành động bất chính như hối lộ, mua bán bằng cấp, địa vị… Sau cùng, những con Mộc Tinh này tìm mọi mánh khóe chính trị, để bán đứng Quê Hương cho ngoại bang, cho đế quốc thực dân, từ Âu Tây như Mỹ và Pháp, cũng như từ phía Bắc như Nga Sô và Trung Cộng…
· Loại Yêu Tinh thứ hai mang tên là Ngư Tinh, có nghĩa là “con Cá ăn thịt người”. Thay vì nuôi sống Anh Chị Em Đồng Bào, loại Ngư Tinh này chỉ nhả ra trong môi trường sinh thái của Quê Hương, nhiều loại độc tố, làm ô nhiễm những quan hệ giữa người với người, như chia rẽ hận thù giữa ba Miền Nam, Bắc Trung, giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, giữa miền núi và vùng đồng bằng…
· Loại Yêu Tinh thứ ba có danh hiệu là Hồ Tinh. Đây là những con chồn lưumanh hay là những con cáo độc ác. Ban ngày, chúng nó ẩn núp trong những hang động u tối và quanh co. Ban đêm, mang mặt nạ người, chúng nó đi vào trong các khu phố hoặc thôn xóm đông dân cư, để bắt cóc đàn bà và con nít, đem về hãm hiếp hay là lạm dụng, dưới nhiều hình thức khác nhau.
· Loại Yêu Tinh thứ tư đã từ từ xuất hiện trên những nẻo đường của Quê Hương, sau khi Lạc Long Quân và Bà Âu Cơ từ giã Cõi Đời này. Đó là hai con Yêu Tinh “Sơn Tinh và Thủy Tinh”. Thực ra, trước khi trở thành Tinh Yêu, Sơn và Thủy là Anh Em ruột thịt. Cả hai đều có tài năng xuất chúng. Tuy nhiên, theo lời nhận xét của Thi Sĩ Nguyễn Du, “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”, bởi vì trong tâm hồn, không có Thiện Căn, không có Ánh Sáng và Hơi Ấm của Trời. Khi hai con Yêu Tinh này đối đầu với nhau, chỗ ấy nảy sinh ra xung đột và hận thù, bạo động và chiến tranh, chết chóc và lầm than. Trong Lịch Sử của Nước Nhà, hai con Yêu Tinh này đã một thời gây ra tai nạn Nam Bắc phân tranh, biên giới Sông Gianh, Vĩ Tuyến 17.
Sau hơn bốn nghìn năm văn hiến, kể từ ngày Lạc Long Quân lập Nước và dựng Nước, bốn hiểm họa trên đây không bao giờ nhạt nhòa và tàn phai. Bốn con Yêu Tinh trên đây càng ngày càng lớn mạnh. Vào Thời Đại Nghìn Năm Thứ Ba, bốn con Yêu Tinh ấy đã len lõi nằm vùng, trong đáy sâu quả tim của tất cả mọi người chúng ta, không trừ sót một ai, đối với người Việt Nam ở trong Nước cũng như đối với người Việt Nam sinh sống ở Nước Ngoài. Chúng ta đã tiếp thu, hội nhập và phát huy thế nào bài học Bao Dung của Cha Ông và Tổ Tiên? Quí vị và quí bạn đã và đang giải quyết thế nào vấn nạn ấy, cho chính mình, cho người khác và nhất là cho con cháu và các thế hệ giới trẻ trong tương lai?
***