Có một thế hệ văn học mới...



Đoàn Xuân Kiên

Có một thế hệ văn học mới
cũng đang “đoạn tuyệt để lên đường” ?


Abstract

The paper critically discusses and evaluates the role of culture in modern Vietnamese literature. It inspects the literary era in South Vietnam between the years 1954 and 1975, in which existentialist literature predominated, together with other major literary themes, that unfolded in the region throughout this chronological period. 

      It argues that the distinctive traits of Vietnam’s contemporary literature is rooted in the cultural foundation. The contemporary era of Vietnamese literature was established following the movement towards modernisation led by the liberal intellects at the very beginning of the XXth century, when  tax protests broke out in Central Vietnam and Đông Kinh Nghĩa Thục in Hanoi. Subsequent activities have been shadowed by groups of modern and liberal intellects. The Vietnamese culture hit a turning point for good, leaving the thousands of years under the Chinese influence.
If  the liberal intelligentsia at the beginning of the last century had founded a new generation in literature, the subsequent generation established another “cultural revolution” in modern literature, which some critics called a “romantic era” and Tự Lực Văn Đoàn can be seen as its flagship. After 1954, a new generation in modern literature blossomed in South Vietnam. For twenty years, this can be seen as one of the most prosperous and diverse periods in Vietnamese literature ever existed.

*** Đoàn Xuân Kiên hiện làm việc tại Sở Giáo dục London. Đã viết: Cơ sở ngữ âm tiếng Việt (1997), Dăm ba điều nghĩ về tiếng Việt (1999). Đang soạn: Tiếng Việt tại hải ngoại: một hiện tượng song ngữ.


1
Bài viết “Vấn đề đoạn tuyệt với quá khứ để lên đường” của Thuỵ Khuê (Hợp Lưu số 68) có lẽ là một trong số hiếm hoi những bài viết có tính cách lượng giá một thời kì văn học phong phú đã bị bỏ quên hay bỏ qua như thể nó không có mặt. Một thời kì văn học như thế gọi là ngắn cũng được, nhưng là một thời ngắn cô đọng những thành tựu đáng kể của nền văn nghệ sau thời kì Tự Lực Văn Đoàn.

Thật ra bài viết vừa kể muốn đặt vấn đề khác: chị muốn nhìn lại kinh nghiệm của hai thế hệ Phong HoáSáng Tạo để rút ra một số bài học kinh nghiệm cho thế hệ văn học hôm nay về sự kế thừa và cách tân văn học. Khi đọc đến những điểm tựa tư tưởng mà nhà phê bình nêu ra như một tiên đề cho những đoạn tuyệt và những cuộc lên đường của hai thế hệ văn học, chúng tôi có phần ngờ rằng có lẽ tâm tình của hai thế hệ văn học được nhắc đến hẳn là phức tạp hơn là những điểm tựa tư tưởng nhắc đến trong bài của chị.

Bài này nói nhiều đến “thế hệ”, nên cũng xin nói qua về khái niệm “thế hệ” được dùng trong trường hợp đang thảo luận. Thế hệ ở đây là một tập hợp những con người trong một khoảng thời gian nhất định, cùng chia sẻ những tâm tình chung trước đời sống. Cùng sống và chia sẻ những tâm tình chung đó, một thế hệ sẽ phả những nét tâm tình chung ấy vào các mặt sinh hoạt của họ, trong đó văn học nghệ thuật là một phương tiện chủ yếu trong các mặt sinh hoạt văn hoá và đời sống, và hẳn nhiên là sẽ phản ánh khá trung thực tâm tình của những con người cùng thế hệ. Nói thế không có nghĩa là mỗi thế hệ đều có những tâm tình đồng dạng. Thế hệ nào cũng có những nét tâm tình chung nhưng không bao giờ là những nét tâm tình đồng phục cả. Cùng chia sẻ tâm tình của một thế hệ “theo mới hoàn toàn theo mới không hề do dự”, thế mà Nguyễn Công Hoan viết rất khác với Nhất Linh. Rồi ngay trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, văn Khái Hưng cũng khác Nhất Linh lắm ở nhiều  khía cạnh.

Mỗi thế hệ văn học đều hình thành trên những bối cảnh học thuật khác nhau, những điều kiện văn hoá-xã hội khác nhau. Họ phải tự chọn lựa để tự kết toán với gia sản và lên đường tự tìm kiếm cho mình bản sắc riêng của thế hệ mình, tự định đoạt vận mệnh mình bằng tài năng của mình. Sự đổi mới tâm tình của một thế hệ do vậy không hẳn là kết quả của một ảnh hưởng của một tư tưởng, một ý thức hệ mà đủ.

Khái niệm “thế hệ văn học” ở Việt Nam không phải là mới mẻ gì. Vũ Ngọc Phan đã viết Nhà văn hiện đại trên quan điểm đó. Thanh Lãng cũng nhìn diễn tiến văn học Việt Nam theo quan điểm thế hệ (trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam, và Phê bình văn học thế hệ 1932-1945). Cao Huy Khanh cũng đã từng nhìn hai mươi năm văn xuôi miền Nam trong thiên cảo luận dày cộm nhưng bất hạnh của ông (trong Hai mươi năm văn xuôi Miền Nam) từng đăng tải nhiều phần trên  báo Khởi HànhThời Tập tại Sài Gòn cho đến tháng 4.1975.

2
Khi cho rằng nhóm Sáng Tạo đã đổi mới văn học nhờ dựa trên một điểm tựa lí thuyết, nhà phê bình cho rằng điểm tựa đó là triết hiện sinh. Chị đưa ra một số nhận xét về truyện của Dương Nghiễm Mậu như một thuyết minh cho luận điểm của mình. Phân tích chiều sâu nội dung của truyện Dương Nghiễm Mậu từ góc nhìn triết học hiện sinh là một quan điểm phê bình rất thuyết phục. Trước Thuỵ Khuê, Nguyễn Văn Trung cũng đã đọc truyện “Niềm đau nhức của khoảng trống” theo quan điểm như thế. Nhưng hai mươi năm văn học miền Nam không chỉ thu gọn trong tư tưởng hiện sinh, mà còn phức tạp hơn thế nhiều. Tưởng cũng nên lưu ý là triết hiện sinh đã được giới thiệu khá muộn trong sinh hoạt học thuật miền nam, sớm lắm thì cũng là khoảng 1959-60, khi tạp chí Đại Học ở Huế bắt đầu giới thiệu tư trào triết học này trong khuôn viên đại học. Nguyễn Văn Trung là người đi đầu trong việc phổ biến triết hiện sinh như một sinh hoạt văn hoá-văn nghệ qua một loạt những bài nghị luận về sau in lại trong các tập Nhận Định 1 và 2. Trên các trang báo Sáng Tạo những năm đầu  hoàn toàn vắng bóng những luận thuyết về tư tưởng hay văn chương hiện sinh. Mãi đến những số cuối của Sáng Tạo bộ cũ (1959) mới thấy xuất hiện một đôi bài luận về văn chương hiện sinh kí tên Thạch Chương.

Trong không khí học thuật còn sơ sài như thế về triết học hiện sinh, những sáng tác của Dương Nghiễm Mậu là những thành tựu rất độc đáo của một nhà văn hơn là một thành tựu của một tư trào học thuật bao trùm trong sinh hoạt văn hoá đương thời, lại càng khó có thể là một “điểm tựa” tư tưởng cho một cuộc lên đường mới mẻ của một nhà văn mà nay thì không còn nghi ngờ gì nữa, là một trong số những nhà văn hàng đầu của thế hệ văn học vừa kể. Có đáng gọi là một dòng văn nghệ hiện sinh chăng là phải kể từ những năm tháng biến động sau 1963, khi mà giới văn nghệ lúc ấy đã sống với những tâm cảnh của một thời văn nghệ hiện sinh, và văn nghệ hiện sinh trở thành một khuynh hướng sáng tác của văn nghệ giai đoạn này. Nhưng khó có thể bảo rằng những nhà văn hàng đầu trong thời kì này chỉ là những nhà văn hiện sinh. Bên cạnh những truyện Dương Nghiễm Mậu mà Thuỵ Khuê đã nhắc đến, tưởng cũng không nên bỏ qua các truyện của Thanh Tâm Tuyền (Bếp lửa, Cát lầy, Ung thư) mà chiều kích nghệ thuật của chúng không thể thu gọn vào tư tưởng triết hiện sinh. Khuynh hướng văn nghệ hiện sinh không phải là một khuynh hướng chủ đạo của nhóm SángTạo, lại càng không phải là của toàn thể văn nghệ miền Nam trong hai mươi năm đó. Một nhà văn nổi tiếng thời kì này là Vũ Khắc Khoan chẳng hạn, đã đi từ những thể nghiệm về một phong vị ngôn ngữ cổ điển trong tập truyện Thần Tháp Rùa đến chất bi kịch có thể gọi là mang màu sắc của triết hiện sinh (Thành Cát Tư Hãn), rồi thể nghiệm kịch phi lí… Truyện Thanh Tâm Tuyền hay Dương Nghiễm Mậu cũng thế, phong phú và đa dạng chứ không phải chỉ là hình chiếu của triết học hiện sinh.

Văn nghệ hiện sinh, do vậy, không phải là toàn cảnh của sinh hoạt văn nghệ miền nam thời kì 1954-75. Thực tiễn văn học đã sống động hơn thế nhiều. Muốn nhìn rõ sinh hoạt văn nghệ thời kì này thì không thể bỏ qua vai trò của các tạp chí văn nghệ khác đã đóng vai trò bà đỡ cho các khuynh hướng sáng tác phong phú và đa dạng. Hãy nói đến vai trò của hai tạp chí Bách KhoaVăn. Cùng ra đời với Sáng Tạo nhưng tạp chí Bách Khoa đã sống bền cho đến 1975. Quần tụ trên chiếu Bách Khoa là một số khá đông những nhà văn thuộc nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau, nhưng khuynh hướng chủ đạo vẫn là khuynh hướng hiện thực tâm lí mà Võ Phiến, Vũ Hạnh, Nguyễn Mộng Giác là những người điển hình. Tạp chí Văn đã đóng vai trò rất đậm trong thời gian từ 1964 trở đi. Văn là một tờ báo tập hợp nhiều khuynh hướng sáng tác rất khác biệt cùng đồng hành trong một giai đoạn. Cũng như Bách Khoa, Văn đã quy tụ và phát huy những tài năng từ nhiều khuynh hướng. Chính ở đây các truyện dài của Thanh Tâm Tuyền đã đến với công chúng. Cũng chính ở đây đã góp mặt các nhà văn đủ mọi thế hệ, đủ mọi khuynh hướng của văn nghệ miền nam trong suốt mười một năm tờ báo có mặt. Cũng phải kể đến một khuynh hướng khá nổi bật vào giai đoạn sau 1963, là khuynh hướng văn chương “dấn thân”, quy tụ khá nhiều những nhà văn trẻ thời đó trên các tạp chí Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ, Trình Bày, Vấn Đề, Thái Độ, Hành Trình… Một thời kì ngắn ngủi nhưng thật phong phú về các mặt: cách tân  thể tài sáng tác, về ngôn ngữ sáng tác.

Thái độ gọi là quá khích của nhóm Sáng Tạo sẽ trở nên dễ hiểu hơn nếu đặt trong bối cảnh văn hoá-xã hội miền nam những năm sau-Genève. Trên những số báo đầu tiên, tạp chí Sáng Tạo đã muốn khẳng định chủ trương xây dựng một văn hoá mới, văn nghệ mới cho miền Nam. Sài Gòn được tuyên xưng là một thủ đô văn hoá mới. Có thể xem đó là một thái độ đoạn tuyệt dĩ vãng để lên đường, nhưng là một cuộc lên đường không thuần là văn chương. Trong mấy năm đầu,  Sáng Tạo chưa có những thành tựu thật mới mẻ về mặt ngôn ngữ văn học và về mặt đổi mới sáng tác. Trừ thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền và tập truyện mỏng Bếp Lửa. Phải mất nhiều năm nữa mới thấy những thành tựu đáng kể về mặt cách tân. Khi ra bộ mới, Sáng Tạo có một loạt thảo luận mang tính chất bút chiến với văn nghệ đương thời mà nhóm Sáng Tạo cho là di duệ của văn nghệ tiền chiến nay cần phải dứt khoát vượt qua.

Ngày nay nhìn lại hai mươi năm văn học miền Nam, có thể nhận thấy một bưc xúc lớn của thế hệ này thể hiện rất rõ qua những thao thức trăn trở trong thơ và truyện Thanh Tâm Tuyền từ những ngày mới xuất hiện Sáng Tạo. Bây giờ các nhà phê bình thường quên một chi tiết nhỏ nhưng không kém ý nghĩa, là Thanh Tâm Tuyền chỉ mới là chàng thanh niên hai mươi tuổi khi in thơ Tôi không còn cô độc và truyện Bếp lửa. Những thao thức về một cuộc đổi mới hẳn là phải gay gắt lắm chứ không phải là một món thời trang văn nghệ thoảng qua.

Tất nhiên là thực tiễn sẽ không cho phép ai có thể chôn giấu, xoá bỏ đi cả một kho lưu trữ tâm tình của một thế hệ văn học trong hai mươi năm đó. Nó vẫn còn lẩn khuất đâu đó để chờ khai quật. Vạn nhất, cứ cho là những thành tựu nhỏ nhoi của hai mươi năm văn học miền nam rất có thể bị xoá bỏ sạch sẽ, thì hậu quả sẽ ra sao? Cùng lắm thì đời sau chỉ ngậm ngùi đôi chút. Trong không khí giao lưu văn hoá rộng rãi thời hai mươi năm Việt Nam Cộng Hoà, văn nghệ có một số thành tựu nhất định. Những thành tựu của văn học thời kì này không ra ngoài những xu hướng chung của văn học thế giới vào những thập niên 1960 và 1970. Những nhà nghiên cứu và phê bình văn học rồi ra vẫn có thể dò tìm và khai quật lại những mảng tâm tình của một thế hệ văn học ở miền Nam qua ảnh chiếu những tư trào văn hoá lưu hành trong xã hội thời kì vừa qua, và qua những hồi quang của thời kì nối dài của nó tại hải ngoại.

3
Nói đến thế hệ Phong Hoá và Tự Lực Văn Đoàn cũng là nói đến một tâm cảnh khác, gồm những thao thức trăn trở khác. Khi đăng những bài có chủ trương đổi mới của báo trên Phong Hoá bộ mới số đầu tiên (tháng 9.1932), nhóm biên tập mới đã có một chủ trương dứt khoát về văn học: dứt khoát làm mới ngôn ngữ văn học, làm mới nội dung tác phẩm văn học, làm mới cách nhìn văn học… Nhóm thanh niên trí thức trẻ, rất trẻ, lúc ấy có thừa lí do để đoạn tuyệt với dĩ vãng. Bối cảnh văn hóa-xã hội những năm đầu thập niên 1930 đã chín muồi cho một yêu cầu thay đổi. Sự xung đột giữa văn hóa cũ và mới đã trở nên bức xúc. Không có Phong Hoá và nhóm nhà văn Tự Lực thì cũng sẽ có những người khác.

Không đợi đến nhóm Sáng Tạo phê phán, khi Nhất Linh lượng giá lại nghệ thuật viết tiểu thuyết của chính mình, ông đã nhận thấy hạn chế của loại tiểu thuyết gọi là luận đề. Nhưng vào thời điểm xuất hiện, tiểu thuyết luận đề đã sắm được vai trò xung yếu và quyết định của nó: khẳng định chỗ đứng và hướng đi của một thế hệ mới. Tâm tình của thế hệ thanh niên buổi ấy không chỉ giới hạn trong những thôi thúc về đổi mới văn chương mà thôi. Lớn rộng hơn thế, thế hệ Tự Lực Văn Đoàn có những ước vọng bao trùm hơn về mặt văn hoá, đời sống. Trang báo Phong Hoá không chỉ có thơ mới, có truyện ngắn truyện dài mà thôi. Còn có anh Xã Xệ và anh Lý Toét cười cợt những cái lố bịch của xã hội đương thời, những bài luận thuyết sắc sảo phê phán những cái gọi là tiêu cực trong xã hội, không cứ là về mặt văn học. Và nói riêng về văn học, Phong Hoá cũng soi vào cả những “hạt đậu giọn” để làm việc mà người sau này gọi là “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Những trang viết như thế phản ảnh một tâm tình chung của thế hệ. Các nhà văn nhà báo tụ tập quanh những tập san khác cùng thời có thể đối lập với báo Phong Hoá về chủ trương “theo mới, hoàn toàn theo mới không do dự”, có thể phản đối những luận đề trong một số tiểu thuyết đăng từng kì trên báo Phong Hoá; nhưng họ không hề chống lại Phong Hoá theo nghĩa là phải đảo ngược lại hết những quan điểm và lập trường đổi mới của nhóm Phong Hoá. Nói một cách khác, nhóm Phong Hoá thành công trong sứ mệnh dẫn đầu một thế hệ văn học là vì họ bắt đúng mạch của tâm tình thế hệ của mình chứ không phải là dựa nhờ trên một thứ tư tưởng thời thượng nào.

Thế kỉ XX không phải chỉ có hai thế hệ văn học mà chúng ta đang nhắc đến. Thế kỉ này mở đầu với một thế hệ thanh niên khác, với những tâm tình nóng bỏng khác. Thế hệ những thanh niên như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, LươngVăn Can, Nguyễn Quyền, và bao nhiêu người khác tập họp nhau trong phong trào kháng thuế ở Trung Kỳ, rồi phong trào Duy Tân khắp bắc trung nam, và rồi Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội. Có lẽ chưa có một cuộc vận động văn hoá-xã hội nào ở xứ ta trước kia lại tập hợp được thật nhiều thành phần trí thức trẻ và tâm huyết đến thế. Họ gặp nhau ở tư tưởng duy tân và sẽ sống chết với nó, dù cho ĐKNT không còn. Ảnh hưởng sâu rộng của ĐKNT có thể nhận thấy khá rõ ở những hoạt động sau khi trường bị đóng cửa. Sau ĐKNT văn hoá văn nghệ đã không còn như trước nữa: không còn thứ văn chương nhàn phóng như là thứ văn chương điển hình của thời đại, không còn thứ văn hoá độc quyền của nhà nho vào buổi thoái trào của Nho học. Hàng loạt những diễn đàn báo chí ra đời phản ảnh một thôi thúc mới, một tâm cảnh mới của thế hệ mà ĐKNT đã nghiễm nhiên là những người mở đường, bởi vì những người biên tập các báo đó hầu như đều xuất thân từ ĐKNT cả: Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học, Phan Kế Bính, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến…. Cho dù thế hệ sau (thế hệ Tự Lực Văn Đoàn) có báng bổ, cười cợt một số người đại biểu cho thế hệ của họ, những nhà nho cấp tiến ĐKNT đã làm được vai trò dẫn đạo một thế hệ duy tân, quyết chặt đứt những trói buộc của một thời hủ lậu để tiến về một thời mới.

Như thế thì những thế hệ đã đi qua thế kỉ XX với những tâm tình khác nhau nhưng đều có những nét chung: họ nung nấu trong mình những thao thức về một cuộc thay đổi toàn diện, mà văn học chỉ là một khía cạnh của các tâm tình thế hệ đó. Ở đây có thể nói đến mối quan hệ văn hoá-xã hội với văn học của mỗi thời kì. Đó đây có những người lập ngôn ở mỗi thế hệ văn học đều muốn phủ nhận mối tương quan này, và chỉ muốn nhìn nhận một khoảnh ao riêng của cái gọi là “làng văn”, hoặc văn vẻ hơn, “cộng hoà văn chương”. E rằng chỉ là những định kiến chủ quan hoặc dối lòng. Một nét chung khác nữa: những người mở đường đều là những người trẻ tuổi, hoặc ít nữa cũng là trẻ trong tâm hồn để có thể nhạy bén với những tâm tình mới, những trăn trở mới của một thế hệ. Không có những người tiền phong nào là những kẻ chỉ biết “ăn theo”, dù chỉ là theo đuôi những thứ tư tưởng, những chủ nghĩa này khác trong văn học. Ba thế hệ đi trước của thế kỉ XX đã thế thì những thế hệ sau này có thể nào “trụ” được bằng những tâm tình mòn mỏi hoặc giả tạo ?

4

Thuỵ Khuê chọn Hợp Lưu làm khởi điểm để bàn về chặt đứt quá khứ và lên đường của thế hệ “hôm nay” tại hải ngoại. Một sự chọn lựa có ý nghĩa. Trong toàn cảnh sinh hoạt văn nghệ hải ngoại từ 1975 đến nay, Hợp Lưu có thể xem là một diễn đàn hiếm hoi hoàn toàn muốn bứt phá những trói buộc về nhiều mặt mà nhóm chủ trương xem như là những cản trở cho một hướng sinh hoạt văn nghệ mới. Đọc lại những trang viết cũ, chỉ thấy nổi lên xu hướng bao quát chung đó mà thôi. Tập san Hợp Lưu lúc mới góp mặt đã hứng chịu những chống phá, nhưng không phải là từ chủ trương đoạn tuyệt với quá khứ văn học, vì lẽ đơn giản là nhóm biên tập không phân chia ranh giới mới cũ nào về văn học.

Về mặt văn học thì sao ? Có thể nói không ngoa rằng tỉ lệ khá lớn những bài thơ và những truyện ngắn đăng trên Hợp Lưu không có những dấu hiệu của một công phu bứt phá, những đoạn tuyệt nào với quá khứ văn học miền nam thời kì 1954-1975. Thỉnh thoảng có một vài truyện thật đặc sắc, nhưng người đọc văn vẫn không thấy những đột phá về nghệ thuật dựng truyện xứng đáng gọi là những vượt bỏ thành tựu mà Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, … trước kia đã làm được. Mức độ sâu lắng về nội dung phản ánh và phong phú về đề tài truyện cũng chưa thể nào sánh với tầm vóc truyện của Nguyễn Đình Toàn, Thảo Trường, Y Uyên, Nguyễn Mộng Giác, Nguỵ Ngữ… trước kia. Không khí trong một số thơ và truyện in trên các trang báo Hợp Lưu -mà chẳng cứ là Hợp Lưu- dường như là những khoảnh tâm tình nối dài của một thế hệ văn học đã qua. Rất hiếm hoi những sáng tác bứt đi từ một tâm cảnh khác, thuộc về một thế hệ khác. Rút lại trong hơn mười năm qua, dễ chừng chỉ đọng lại mấy bài nghị luận văn học cổ vũ cho một hướng phê bình văn học mới, xem như một vài món thời thượng của một thời mới. Một số những bài nghị luận loại này muốn lập thuyết, muốn cách mạng văn học với những thuật ngữ to tát. Nhưng tất cả những ước vọng của các nhà lập thuyết còn đang đợi thực tiễn sáng tác chứng độ cho. Nếu không có sáng tác thì những hô hào như thế sẽ chẳng có giá trị lí luận hoặc thực tiễn nào.

Đưa ra nhận xét trên không có ý là phủ nhận vai trò tập hợp của tập san Hợp Lưu, mà chỉ muốn nói đến một sự thực hiển nhiên là tâm tình chung của thế hệ văn học hôm nay tại hải ngoại không thể không quan hệ với những nét tâm tình của người cùng thế hệ ở trong nước. Nhà văn Việt Nam hôm nay viết là viết về hiện thực của dân tộc mình đã nhức nhối từ hơn năm trăm năm qua. Mà thôi, hãy nói đơn giản hơn, những nhức nhối của hiện thực Việt Nam hôm nay có thua kém gì đâu với hiện thực thời Nguyễn Du về những kinh nghiệm đoạn trường, mà sao một Nguyễn Du hôm nay vẫn đang còn lẩn khuất đâu đó ?

Nói thế là gián tiếp nói đến một thành tựu có thực của Hợp Lưu trong hoàn cảnh và chỗ đứng của nó trong lòng thế hệ hôm nay: Hợp Lưu đã vượt thoát những vòng rào của những ghetto tâm lí và văn hoá để hoà vào dòng chủ lưu những thao thức mới, những trăn trở mới, những tâm tình mới của một thế hệ khác vừa đi qua chiến tranh, chia cắt và nay đang thu lượm những mảnh vỡ mà hướng về một thời xây dựng lại con người, dựng lại mái nhà tâm tình mới. Chủ trương như thế là một xu hướng mạnh mẽ trong tâm tình của thế hệ hôm nay, không chỉ trên mặt văn học mà thôi đâu. Cho nên về mặt này, những người chủ trương Hợp Lưu đã bắt được mạch chính của tâm tình thế hệ. Từ đó đến chuyện làm văn chương cho thế hệ lại còn là một ẩn số khác cần có đáp số. Những ẩn số này, khó thay, lại không tuỳ thuộc vào bất cứ một thứ tuyên ngôn ồn ã nào cả, mà nằm ở chính nội lực của nhà văn của thế hệ này. Phải nhận là ở mặt này thành tựu văn học đang còn mỏng.

Vậy thì Hợp Lưu là một diễn đàn văn học nghệ thuật đã làm được vai trò dóng trống mở đường cho một tâm tình mới của một thế hệ đang tới. Có lẽ thế hệ hôm nay vẫn còn đang chờ đợi những thành tựu có trọng lượng của một cuộc cách tân văn học như đã từng thấy qua những thế hệ trước kia. Điều kì vọng này chẳng có gì cao xa cả, mà chỉ là chuyện tất nhiên của văn học mà thôi.

5
Con đường mới như thế là đã vạch ra, khá dứt khoát. Nhưng, như Thuỵ Khuê đã nhận xét đúng, Sáng Tạo thật ra vẫn không hẳn là chặt đứt với quá khứ. Sự kiện này không phải là họ cách mạng nửa vời, mà chỉ là hiện tượng kế thừa và phát triển của văn nghệ mà thôi. Những lời lẽ khiêu khích, bút chiến trong một số bài viết trên Sáng Tạo thật ra nên được hiểu là những kĩ thuật “tiếp thị”, một kĩ thuật thông thường của mọi diễn đàn văn nghệ tiền phong ở mọi nơi, và mọi thời. Tín điệp của cả thế hệ văn học mở đầu từ Sáng Tạo nên được hiểu ở giữa hai hàng chữ.

Thế hệ Tự Lực và thế hệ Sáng Tạo có thể đã đoạn tuyệt với di sản để lên đường không bằng những điểm tựa tư tưởng nào, mà chỉ là do sự bức xúc về một sự thay đổi. Từ định hướng  như thế -mà có một dạo làng văn hay nói là “những dự phóng văn chương”- đến những thành tựu về văn học là một khoảng cách dài, do kết quả của tài năng đảm lược của nhà văn mà có chứ không phải là từ những bài luận thuyết ồn ào bốc lửa. Bao giờ vẫn thế, văn học chỉ là những gì còn lại sau khi mọi thứ chữ nghĩa xô bồ đã lắng xuống.

Thế hệ hôm nay có những may mắn riêng của họ, trong đó có cả sự may mắn là họ được thừa tự di sản của thế hệ văn học đã đại náo miền nam trong hai mươi năm lẻ, và họ cũng thừa tự cả nền học mà có người nghiêm giọng gọi là “văn học phải đạo”. Di sản đã có đấy rồi, không thể có lí do nào để hư hoá nó đi. Một may mắn khác nữa là từ sau cuộc “cởi trói văn nghệ”, nhà văn Việt Nam có thể có điều kiện giao lưu với thế giới bên ngoài. Trong thời thế này không thể hãnh tiến mà tự bằng lòng với di sản văn học trong khoảnh ao nhà bé nhỏ được nữa rồi. Phải làm một cuộc lên đường thôi, như các thế hệ trước đều đã phải miệt mài học hỏi thế giới chung quanh ta trong thời điểm của họ. Thế hệ Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục đã tìm về tân thư ở Tàu và Nhật, thế hệ Tự Lực Văn Đoàn và thế hệ Sáng Tạo cũng đã trang bị những hành lí văn học của thời đại mình chứ không bào giờ hãnh tiến trong ao tù tu duy cả. Trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể đồng ý với Thuỵ Khuê là học hỏi từ di sản hay từ thế giới thì sau cùng tài năng và đảm lược của nhà văn vẫn là yếu tố của thành công (và thất bại) của một thế hệ.

Có người sẽ nói rằng thế hệ hôm nay đang hình thành một nền văn học khác, không cần phải lưu luyến gì với những tâm tình già cỗi của người đi trước. Có thể là thế. Đi tìm bản sắc cho mình luôn luôn là một hành trình gian nan và cô đơn. Nhưng hình như vẫn là quy luật, là sự vận hành xã hội thường theo những tiến trình của nó. Chu kì sinh thành và phát triển của thế hệ văn học hôm nay sẽ đi qua tiến trình mà cha anh họ đã trải qua: buổi đầu thường vẫn chiêng trống ồn ào, tuyên ngôn này nọ. Khi lĩnh chiếm được trận địa rồi thì tập hợp nhà văn sẽ phải xăn tay áo mà “lao động miệt mài”, quay cuồng vật vã trên thửa ruộng bát ngát. Sau những ồn ã, vật vã và miệt mài, sẽ chỉ còn lại những gì mà thời gian không xoá được. Đó là những giá trị của một thời. Văn học cũng như bao nhiêu hình thái sinh hoạt của ý thức, phải chịu thử thách nghiệt ngã của thời gian.

Đến đây, xin trở lại lần nữa câu chuyện về điểm tựa tư tưởng làm đòn bẩy tư duy văn học cho một thế hệ. Khó mà tách rời cái điểm tựa đó ra khỏi toàn cảnh một tâm tình chung của một thế hệ trong một hoàn cảnh xã hội mà mọi người cùng chia sẻ số phận chung. Có lẽ vì thế mà những người tiên phong của mỗi thế hệ đã qua đều không dừng lại ở sinh hoạt văn học. Họ lần lượt nối nhau tham gia các sinh hoạt xã hội khác để làm cho hoàn chỉnh cái đòn bẩy tư duy mà thế hệ của họ cần đến. Đông Kinh Nghĩa Thục thì ai cũng biết rồi, rực lửa tâm can của thế hệ. Đến những người của thế hệ Tự Lực Văn Đoàn thì văn chương cũng chẳng là một cộng hoà riêng lẻ và lạc lõng. Phong trào Ánh Sáng đã nhúm lên ngọn lửa hoạt động của nhóm Phong Hoá, bên cạnh phong trào Truyền Bá Quốc Ngữ… Ai bảo là thế hệ Sáng Tạo chỉ là thuần văn chương ? Những người chủ trương của nhóm như Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền… cũng đã cùng với thế hệ của họ “xuống thuyền” -theo cách nói của Camus- cả trong văn chương lẫn ngoài đời sống xã hội. Thế hệ hôm nay tất yếu cũng phải có một cuộc lên đường, cũng phải “xuống thuyền”. Con thuyền của thế hệ hôm nay là đâu ? Những người thuỷ thủ đang nghĩ và sẽ làm gì ?

Đoàn Xuân Kiên