http://vanviet.info/tu-lieu/nhn-130-nam-xuat-ban/
12 Tháng Mười, 2017
NHÂN 130 NĂM XUẤT BẢN TRUYỆN
“THẦY LAZARO PHIỀN”
LẠI
NGUYÊN ÂN
Cách nay tròn 130 năm, vào năm 1887, một cuốn
truyện viết bằng văn xuôi tiếng Việt nhan đề “Thầy Lazaro Phiền” của tác giả
Nguyễn Trọng Quản, do nhà J. Linage, đường Catina, Sài Gòn, xuất bản, ra mắt
công chúng.
Cuốn sách này, thay vì nổi tiếng từ đầu, đã
suýt bị quên lãng. Suốt trong hàng chục năm từ sau khi nó ra đời, không thấy
báo chí đương thời nhắc gì đến cuốn truyện này.
Hồi năm 1934, nhà in Nguyễn Văn Của ở Sài Gòn
in thành sách một bản dịch nhan đề “L’Histoire de Lazaro Phiền”, do con trai
tác giả là Nguyễn Trọng Đắc dịch từ nguyên bản truyện tiếng Việt sang tiếng
Pháp, có lời giới thiệu của P. de Midan,[1] cũng
hầu như không gây tiếng vang gì.
Học giả được coi như người làm tổng kết chừng
nửa thế kỷ phát triển văn học quốc ngữ là Vũ Ngọc Phan, trong bộ sách đồ sộ
“Nhà văn hiện đại” (1940-42) tuy có biết đến Trương Vĩnh Ký, nhà văn và học giả
cùng thời Nguyễn Trọng Quản, tuy có viết về Hồ Biểu Chánh, người cầm bút khá
muộn sau Nguyễn Trọng Quản, thế nhưng quyển “Thầy Lazaro Phiền” và Nguyễn Trọng
Quản thì Vũ Ngọc Phan không biết tới!
Mãi đến giữa những năm 1970s, nhà nghiên
cứu-nhà giáo Nguyễn Văn Trung, trong quá trình tìm tòi và hệ thống hóa tài liệu
cho một “Hồ sơ về Lục châu học”, tức là hồ sơ tư liệu về văn hóa vùng đất Nam
Kỳ, đã nhận ra tính chất mới mẻ “đi trước thời đại” của tác giả Nguyễn Trọng
Quản, với thiên truyện “Thầy Lazaro Phiền”. Nguyễn Văn Trung khám phá ra sự
kiện tầm cỡ này tại miền Nam có lẽ chỉ trước ngày 30/4/1975 không lâu; và cũng
vì sự việc nảy sinh quá gần thời điểm biến động ấy, cộng thêm nhiều lý do khác
nữa, phát hiện học thuật không ít hệ trọng này đã khá chậm, khá mất thời gian
để thuyết phục các giới nghiên cứu văn học, giới sáng tác và phê bình văn học
trong cả nước. Tuy vậy, đến những năm 1990s, ý nghĩa dấu mốc văn học sử thật sự
của sự xuất hiện truyện “Thầy Lazaro Phiền” năm 1887 hầu như đã thuyết phục
được số đông giới học giả và nhà văn Việt Nam.
Thật ra, nếu tìm trong kho sách thư viện Khoa
học xã hội tại 26 Lý Thường Kiệt Hà Nội thì vẫn thấy có cuốn “Thầy Lazaro
Phiền” nằm sẵn đó từ xưa, có lẽ từ thời EFEO (trường Viễn đông bác cổ Pháp) để
lại[2]; nhưng vấn đề là chưa ai nhìn ra sự kiện. Mà về vấn đề nhận định (nhận
định sự kiện văn học sử) thì trong giới nghiên cứu và giới nhà văn, kế thừa
những phán đoán của người đi trước, người ta vẫn xem sự xuất hiện tiểu thuyết
“Tố Tâm” (1925) như dấu mốc khởi đầu của văn xuôi tự sự hư cấu tiếng Việt thời
hiện đại. Sự thiếu thốn về tài liệu tác phẩm cộng với định hướng quá tập trung
vào văn chương phía bắc, khiến giác quan văn học sử của giới chuyên gia chúng
ta tiềm tàng một sự khinh thị hoặc ngầm ẩn hoặc hiển nhiên đối với thành quả
phát triển văn chương phương nam; đây là cả một nếp nghĩ cần chỉnh sửa.
Trở lại cuốn truyện “Thầy Lazaro Phiền” xuất
bản năm 1887 của Nguyễn Trọng Quản; căn cứ vào đâu để xem nó như dấu mốc báo
hiệu sự phát triển của văn xuôi tự sự tiếng Việt hiện đại? Có thể căn cứ vào
những nội dung “định hướng” của chính tác giả ở lời tựa đề ngày 1.XII.1886,
cũng chính là sự khái quát điều mà ông đã thực hiện trong tác phẩm: “Tôi một có
ý dụng lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau
coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay”… “tôi [….] dám bày đặt một
truyện đời này là sự thường có trước mắt ta luôn, như vậy thì sẽ có nhiều người
lấy làm vui mà đọc, kẻ thì cho quen mặt chữ, người thì cho đặng giải phiền một
giây”.
Ở truyện “Thầy Lazaro Phiền” thể hiện hai dấu
hiệu căn cốt của văn xuôi tự sự hư cấu hiện đại: 1/ Dữ liệu (cái được miêu tả,
thực tại, hiện thực, chất liệu đời sống) là sự sống thường ngày, người và việc
thường ngày, cái thực tại kinh nghiệm chung của người sáng tác và công chúng;
2/ Ngôn ngữ (cái dùng để miêu tả, chất liệu diễn ngôn) là tiếng nói hàng ngày,
sống động, là vốn ngôn ngữ chung của người sáng tác và công chúng.
Vào lúc Nguyễn Trọng Quản viết truyện “Thầy
Lazaro Phiền”, nền văn chương người Việt, xét ở hai phương diện trên mà ông đề
cập, đều chưa cập nhật yêu cầu mà ông đề ra. Cuộc sống được miêu tả trong các
tác phẩm vẫn tuân theo cung cách “phi thời gian” hoặc “phi thời gian hóa” như
văn xuôi tự sự thời trung đại. Các truyện nôm, nhất là truyện thơ, đều kể những
chuyện của người xưa hoặc như thể của ngày xưa, xa cách (xa cách tuyệt đối) cả
người kể chuyện lẫn người nghe chuyện. Một vài tác phẩm văn xuôi chữ Hán được
viết hầu như cùng thời với “Thầy Lazaro Phiền” như “Hát đông thư dị” (1886) của
Nguyễn Thượng Hiền, “Vân nang tiểu sử” (1886) của Phạm Đình Dục, đều là ghi
chép chuyện đã có từ xưa, đều là chuyện quá khứ.
Viết cái hàng ngày, vào thời ấy, chưa đi vào
tâm thế người viết truyện.
Điều này càng được củng cố bởi thứ ngôn ngữ
dùng để viết.
Nếu viết truyện bằng chữ Hán (như trường hợp
“Hát đông thư dị” hay “Vân nang tiểu sử”) tất phải dùng văn ngôn, thứ ngôn ngữ
cách điệu đã hình thành từ xa xưa, tuy các giới học giả và tác gia Trung Hoa
lúc này vẫn dùng, nhưng họ biết là nó đã rất cách biệt “bạch thoại” là thứ ngôn
ngữ mà người Trung Hoa đương thời đang nói; tình trạng này, sang đến thập niên
đầu tiên của thế kỷ XX, các học giả tác gia Trung Hoa như Hồ Thích, Trần Độc
Tú, v.v. sẽ phát động cuộc cải cách, sẽ vận động lấy bạch thoại thay vì văn
ngôn làm ngôn ngữ viết.
Nếu viết truyện bằng văn xuôi tiếng Việt, đến
lúc ấy có hai phương án. Ứng với lối viết bằng chữ Nôm, tác phẩm sẽ đi gần với
hướng của văn xuôi chữ Hán kể trên (Nhưng hầu như có quá ít tác phẩm theo
phương án này!). Ứng với lối viết bằng chữ Quốc ngữ (đã và đang được sử dụng
ngày một nhiều hơn, nhất là ở Nam Kỳ), tác phẩm thường phải vận hành bằng lối
văn biền ngẫu vốn hình thành từ xưa và lúc này vẫn thịnh hành, nhất là trong
tâm lý tiếp nhận người đọc vẫn quen với nó nhiều hơn.
Văn xuôi biền ngẫu tiếng Việt là một dạng diễn
ngôn in dấu ảnh hưởng cả văn biền ngẫu Nôm, cả văn ngôn chữ Hán; khi chuyển
dạng văn tự từ chữ vuông (ghi bằng chữ Nôm) sang chữ cái La tinh (ghi bằng
phiên âm a,b,c…), chính câu văn biền ngẫu trở thành dấu nối gắn kết mặt bằng
ngôn ngữ thực tại với tập quán đọc nghe đã từng có lâu đời. Có lẽ vì vậy mà câu
văn biền ngẫu đã tồn tại khá lâu trong văn xuôi chữ Quốc ngữ thời đầu, kể từ
các bài thông tin báo chí đến các bài đàm luận nhàn tản.
Trong văn tự sự, được diễn tả bằng câu biền
ngẫu, các sự việc và con người hầu như đều ít nhiều bị trừu hóa, bị đẩy xa khỏi
cái hiện thực hàng ngày, đều ít nhiều bị nhuộm vẻ xa xưa, đều bị “quá khứ hóa”;
câu văn biền ngẫu, do vậy, cũng ngăn trở việc thâm nhập và truyền đạt cái hàng
ngày.
***
Lược truyện
THẦY LAZARO PHIỀN: Phiền là con nhà đạo gốc (đạo Thiên Chúa) ở Quảng Bình vào
sinh sống ở Đất Đỏ, Bà Rịa đã lâu năm. Ba tuổi mồ côi mẹ, sống với cha; đến năm
1862 Phiền bị giam trong nhà giam các giáo dân, sau có một quan ba Pháp đem về
Gia Định cho một linh mục nuôi, cho học chữ Pháp và chữ La tinh. Lúc đi học ở
trường D’Adran, Phiền kết bạn với Vero Liễu, con ông trùm họ đạo ở Cầu Kho,
thường được cha mẹ Liễu đến thăm cùng với người em gái bạn dì của Liễu. Phiền
và cô gái yêu nhau rồi cha Liễu gả đứa cháu gái này cho Phiền. Họ sống hạnh
phúc với nhau tại nhà của Vero Liễu, nhưng sáu tháng sau Phiền phải đi làm
thông ngôn tại Bà Rịa. Tại đây một bà người Việt là vợ quan ba Tây đem lòng say
mê Phiền, nhưng bị Phiền cự tuyệt. Bà này bèn bày đặt thư nặc danh vu cho Vero
Liễu tư tình với vợ Phiền khi Liễu ghé qua nhà Phiền trong một chuyến buôn.
Phiền tin là thật, bèn sắp đặt một vụ bắn lầm để hạ sát Liễu. Xong, Phiền về
nhà, dùng cỏ độc bỏ vào siêu thuốc cho vợ uống. Hơn mười tháng sau vợ Phiền
chết, trước lúc tắt thở còn bình tĩnh bảo chồng: “Tôi biết làm sao mà tôi phải
chết, song tôi cũng xin Chúa tha thứ cho thầy!”. Sau đó, chán thói đời đen bạc
xấu xa, Phiền thôi việc nhà nước xin vào tu tại nhà thờ dòng họ Tân Định. Mười
một năm sau kể từ lúc vợ chết, thầy Phiền về Bà Rịa thăm lại những kỷ niệm cũ,
tình cờ nhận được thư của người vợ quan ba Tây khi xưa, trong đó nói rõ sự thực
là vì yêu Phiền nên đã bày trò thư từ giả mạo vu cáo vợ thầy. Đọc xong bức thư
thú tội ấy, thầy Phiền đã chết trong nỗi ân hận vì tội ác của mình.
Câu chuyện
trong Thầy Lazaro Phiền là do tác giả tự “bày đặt ra” (lời tựa) tức là
sản phẩm hư cấu nghệ thuật của cá nhân tác giả, dựa trên kinh nghiệm sống trực
tiếp, dựa vào cái hàng ngày (“một chuyện đời này, là cái hằng có trước mắt ta
luôn” − lời tựa). Tác phẩm có cốt truyện như một truyện đời tư, một chủ đề sám
hối đạo đức mang màu sắc Thiên Chúa giáo nhưng được khai thác ở khía cạnh ít
nhiều gần gũi với đạo lý truyền thống của người Việt. Nghệ thuật mô tả tâm lý
còn ở mức sơ sài. Nhưng cách mô tả ở đây đã mang màu sắc lịch sử cụ thể rõ rệt;
chất liệu cho trần thuật ở đây là cái hàng ngày của đời sống. Cách kể chuyện
(do nhân vật người kể chuyện đảm nhiệm và được thực hiện theo nguyên tắc chỉ
thuật lại những gì tận mắt trông thấy, tận tai nghe thấy) đã tỏ ra chịu ảnh
hưởng đáng kể của tư duy thực chứng phương Tây. Lời kể ở đây là một dạng thức
văn xuôi mới mà quy tắc nghệ thuật của nó là sự tương ứng cao với lời nói hàng
ngày; đồng thời trong cách cấu tạo câu không ít chỗ lại gần gũi với văn phạm
các tiếng Âu Tây; rất ít dấu vết của câu văn biền ngẫu.
Với tác
phẩm này, ở văn học người Việt đã xuất hiện những yếu tố hoàn toàn mới, mang
tính dự báo cho một nền văn xuôi tiếng Việt kiểu mới, sẽ hình thành ở thế kỷ
XX.
Theo một số
nhà nghiên cứu thì chính Hồ Biểu Chánh cho rằng tác phẩm này cùng với Hoàng
Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Chánh Chiếu và Phan Yên ngoại sử
(1910) của Trương Duy Toản là ba tác phẩm thể truyện văn xuôi viết bằng chữ
quốc ngữ xuất hiện sớm nhất ở Nam Kỳ, cũng tức là sớm nhất trong văn học quốc
ngữ Việt Nam.
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/truyen-thay-lazaro-phien-cua-nguyen-trong-quan-nhung-dng-gp-vo-ky-thuat-van-hu-cau-fiction-trong-van-hoc-viet-nam/
13 Tháng Mười, 2017
Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản – Những
đóng góp vào kỹ thuật văn hư cấu (fiction) trong văn học Việt Nam*
Hoàng
Dũng
Một tác phẩm không thành công vẫn có thể có
đóng góp to lớn cho văn học, xét về phương diện kỹ thuật. Chỉ cần nhắc lại
trường hợp bài “Tình già” của Phan Khôi là đủ: đây không phải là bài thơ hay,
ngay cả với quan điểm thẩm mỹ thời đó, nhưng toàn bộ phong trào Thơ Mới phải
mang ơn “một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” này. Ngày nay, đọc Truyện
thầy Lazarô Phiền (1887)[3] của hơn 100 năm trước, người ta khó có một xúc cảm thẩm mỹ gì đặc
biệt [2] ;
song nếu đặt tác phẩm này trong tiến trình văn học Việt Nam, nghĩa là trong sự
đối sánh với những tác phẩm trước và sau nó, nhà nghiên cứu không thể không ghi
nhận sự đổi mới kỹ thuật của Truyện thầy Lazarô Phiền. Sự đổi mới ấy
mạnh mẽ đến nỗi những người sau không phải đều có thể tiếp thu được tất cả. Bài
này thử phác qua những đóng góp của tác phẩm trên về kỹ thuật viết văn hư cấu.
1.
Chỉ cần đọc vài dòng đầu là có thể thấy ngay: Nguyễn Trọng Quản hoàn toàn thoát ly văn biền ngẫu của văn học cổ điển. Ðiều đó xuất phát từ chủ trương của tác giả, được tuyên bố một cách hiển ngôn trong lời “Tựa”:“Tôi có dụng ý lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một chuyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay”. Như thế, có thể nói Nguyễn Trọng Quản còn có cái hùng tâm xây dựng một nền văn chương lấy cái “tiếng thường mọi người hằng nói” làm ngôn ngữ, mà Truyện thầy Lazarô Phiền chỉ là một sự mở đầu hay thể nghiệm.
(Nói cho công bằng, người khởi xướng việc viết văn như lời nói thường không phải là Nguyễn Trọng Quản, mà là thầy của ông: Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên, là một học giả, họ Trương chỉ thực hiện chủ trương này trong văn khảo cứu hay khi ghi chép chuyện đời xưa. Chính Nguyễn Trọng Quản, với Truyện thầy Lazarô Phiền, mới là người đầu tiên đưa lời nói thường vào sáng tác văn chương.)
Chỉ cần đọc vài dòng đầu là có thể thấy ngay: Nguyễn Trọng Quản hoàn toàn thoát ly văn biền ngẫu của văn học cổ điển. Ðiều đó xuất phát từ chủ trương của tác giả, được tuyên bố một cách hiển ngôn trong lời “Tựa”:“Tôi có dụng ý lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một chuyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay”. Như thế, có thể nói Nguyễn Trọng Quản còn có cái hùng tâm xây dựng một nền văn chương lấy cái “tiếng thường mọi người hằng nói” làm ngôn ngữ, mà Truyện thầy Lazarô Phiền chỉ là một sự mở đầu hay thể nghiệm.
(Nói cho công bằng, người khởi xướng việc viết văn như lời nói thường không phải là Nguyễn Trọng Quản, mà là thầy của ông: Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên, là một học giả, họ Trương chỉ thực hiện chủ trương này trong văn khảo cứu hay khi ghi chép chuyện đời xưa. Chính Nguyễn Trọng Quản, với Truyện thầy Lazarô Phiền, mới là người đầu tiên đưa lời nói thường vào sáng tác văn chương.)
Về mặt này, Truyện thầy Lazarô Phiền có
một tinh thần tiên phong rất đáng ngạc nhiên so với thời đại ông. Hai mươi sáu
năm sau, Hồ Biểu Chánh viết cuốn đầu tay U tình lục (1913) còn bằng văn
vần. Ngay cả khi đã viết theo kỹ thuật Tây phương rồi, đôi chỗ ông vẫn cho thấy
còn quyến luyến câu văn biền ngẫu: “Mấy đám mạ gió thổi dợn sóng vàng vàng;
trong hào ấu, trái già cuốn đỏ đỏ.” (“Cha con nghĩa nặng”, Phụ nữ tân
văn số 32, 1929). Ở Tố Tâm(1925), cái bệnh biền ngẫu có vẻ nặng hơn:
“Nghe những câu “cánh hồng bay bổng”, “tin nhạn vắng tanh” của em viết như
tiếng quyên kêu, tiếng dế gọi, mà xui ai tới bãi sa trường. Ôi! Biết làm gì,
quen làm gì, dan díu làm gì cho tấm lòng thêm khắc khoải.”. Nho Phong
của Nhất Linh xuất bản một năm sau Tố Tâm, cũng với giọng văn như vậy: “Lúc
đi là hàn nho, lúc về biết đâu không ông cống ông nghè chi đài các.”[4].
Thế mà Truyện thầy Lazarô Phiền, cuốn truyện hiện đại đầu tiên, lại không có lấy một câu văn biền ngẫu[5].
Thế mà Truyện thầy Lazarô Phiền, cuốn truyện hiện đại đầu tiên, lại không có lấy một câu văn biền ngẫu[5].
2.
Văn chương tự sự truyền thống có một đặc trưng
nổi bật: đấy là câu chuyện diễn ra theo một trật tự đã thành quy tắc: Hội ngộ –
Lưu lạc – Ðoàn viên. Truyện Kiều, Nhị Ðộ Mai, Tây Sương, Sơ kính tân trang,
Phan Trần, Ngọc Kiều Lê, Lục Vân Tiên … đều như vậy. Dĩ nhiên, kiểu bố cục
này có căn nguyên sâu xa trong triết lý vũ trụ tuần hoàn, trong lối sống của xã
hội nông nghiệp xưa. Trong bối cảnh văn học như thế, Truyện thầy Lazarô
Phiền là một hiện tượng độc sáng: từ bỏ cái bố cục Hội ngộ – Lưu lạc –
Ðoàn viên, nếu không nói đã hoàn toàn làm trái lại. Toàn bộ câu chuyện xoay
quanh mối quan hệ giữa ba người: Thầy Lazarô Phiền, vợ của thầy và người bạn
chí cốt, Vêrô Liễu. Kết thúc truyện là cái chết của cả ba nhân vật, người này
nối tiếp người kia.
Ở tiểu thuyết chương hồi truyền thống, mỗi
phần thường mở đầu và kết thúc bằng những câu có tính hồi chỉ (anaphoric) hay
khứ chỉ (cataphoric) (chẳng hạn Hoàng Lê nhất thống chí mở đầu và kết
thúc hồi thứ 14 như sau: “Lại nói, Tôn Sĩ Nghị sau khi đem quân ra cửa ải,
xuyên rừng vượt núi, như giẫm đất bằng [...]”, “Chưa biết việc ấy ra
sao. Hãy chờ hồi sau phân giải.”). Truyện thầy Lazarô Phiền không
như thế: vào truyện một cách trực tiếp và kết thúc cũng thường gói gọn trong
phần đó, chứ không có lời rào đón về câu chuyện sắp kể ở phần tiếp theo. Chẳng
hạn, hai câu mở đầu và kết thúc phần III: “Cách một hồi thầy ấy mở mắt ra và
nói rằng: “Xin thầy ghé tai lại mà nghe.”, và “Tôi thấy thầy ấy gác tay
trên trán cùng nhắm mắt lại dường như muốn đọc trong một cuốn sách đang khi ấy
rồi sẽ thuật truyện lại, cho nên tôi làm thinh.”. Lối viết đó cộng với cách
đánh số La Mã (từ I đến X) cho mỗi phần, càng làm tăng ấn tượng về tính chất
hiện đại của kỹ thuật Truyện thầy Lazarô Phiền.
3.
Một đặc điểm nổi bật khác của văn chương tự sự
truyền thống, là kể chuyện theo thời gian một chiều. Ðây là quy tắc thép, không
có lấy một lệ ngoại, trong văn chương dân gian và cả trong văn chương bác học.
Bề ngoài đoạn Kim Trọng trở lại vườn Thúy nửa năm sau khi Kim chia tay Kiều
dường như không tuân thủ quy tắc trên: trước đó Nguyễn Du đã dành bao nhiêu bút
mực để tả mười mấy năm lưu lạc của Kiều. Tuy nhiên, xét kỹ, ta thấy không thể
cho đó là thủ pháp đảo ngược thời gian, mà chỉ là chuyện không còn cách lựa
chọn nào khác khi tác giả muốn chuyển mạch từ tuyến nhân vật Kiều sang tuyến
nhân vật Kim. Cuốn truyện đầu tiên không chấp nhận lối tự sự theo dòng thời
gian một chiều truyền thống là Truyện thầy Lazarô Phiền. Mở đầu
truyện là hình ảnh ngôi mộ Lazarô Phiền và kết thúc cũng là hình ảnh ngôi mộ
Lazarô Phiền, một kiểu kết cấu mãi đến “Chí Phèo” (1941) của Nam Cao mới thấp
thoáng gặp lại qua hình ảnh chiếc lò gạch cũ ở phần đầu và cuối truyện.
Việc tác giả ngay từ đầu truyện đã cho biết
nhân vật chính sẽ chết, cũng đủ cho thấy trọng tâm của truyện không phải là
tình tiết éo le, ly kỳ, mà là cái thế giới nội tâm của nhân vật. Quả vậy, gần
như toàn bộ câu chuyện chỉ là hồi ức của Lazarô Phiền, chứ không phải xảy ra
một cách trực tiếp. Nói cách khác, tác giả không kể lại một câu chuyện, mà
chính xác hơn, muốn miêu tả những đau đớn, giằng xé, ân hận của một người vì
ghen tuông, đã trót phạm một tội ác không thể cứu chuộc. Một số đoạn trong Truyện
Kiều cũng miêu tả tâm lý, chứ không phải kể lại sự kiện. Nhưng đây là cuốn
truyện đầu tiên trong văn học Việt Nam mà toàn bộ câu chuyện lấy trạng thái tâm
lý làm đối tượng miêu tả. Ðây cũng là cuốn truyện đầu tiên lấy sự ân hận
làm chủ đề.
4.
Truyện thầy Lazarô Phiền là cuốn truyện đầu tiên viết theo góc nhìn của ngôi thứ nhất.
Trong văn học truyền thống, câu chuyện được kể lại theo kiểu gián cách, khách
quan, bị đẩy ra xa thành ngôi thứ ba; người trần thuật là một kẻ vô hình, không
tham gia gì vào câu chuyện, nhưng biết hết mọi sự và kể lại cho độc giả hay.
Ðấy là người trần thuật – thượng đế. Ở Truyện thầy Lazarô Phiền, người
trần thuật là một nhân vật xưng tôi. Tuy nhiên, tôi đây chỉ tham
gia một phần vào câu chuyện mà thôi: tôi không phải là nhân vật chính,
cũng không phải là người chứng kiến câu chuyện xảy ra, mà chỉ là người được
nhân vật chính kể lại cho nghe. Như thế, Truyện thầy Lazarô Phiền được
viết theo hai tầng trần thuật, với nhân vật tôi chỉ đóng vai người dẫn
truyện. Tôinhư thế cũng không biết gì hơn độc giả; người trần thuật
không còn toàn năng nữa – tôi thực chất cũng chỉ là một độc giả. Cách
viết này rõ ràng là hiện đại, đi liền với sự thay đổi tư tưởng thẩm mỹ: đối
tượng thẩm mỹ không còn là cái khách quan như truyền thống, mà là cái chủ quan
với thế giới nội tâm riêng biệt.
5.
Văn chương truyền thống thường không chú ý lắm
đến những chi tiết xác thực về thời điểm và nếu có nhắc đến thì cũng chỉ nói
chuyện xảy ra đã xa xưa vào một thời điểm có biên độ rất rộng. Truyện Song
tinh hoàn toàn không đề cập gì đến thời điểm câu chuyện. Truyện Kiều
đóng khung câu chuyện vào “năm Gia Tĩnh triều Minh”, nhưng Gia Tĩnh là
niên hiệu tương ứng với cả một thời gian dằng dặc 44 năm (1522-1566). Nhị độ
mai kể chuyện dời Ðường Thái Tông, một khoảng thời gian còn dài hơn nữa: 50
năm (599-649). Ở Lục Vân Tiên không thể cho là dài hơn hay ngắn hơn, bởi
vì quá mơ hồ: tác giả nói Vân Tiên sống vào thời Sở vương, nhưng không nói rõ
Sở vương nào, mà nước Sở thì tồn tại từ đời Ðông Chu cho đến đời Tần! Ấy là
chưa kể một nhân vật ông Quán nhắc đến chuyện Gia Cát thời Tam Quốc, chuyện Hàn
Dũ đời Ðường, thậm chí cả chuyện Trần Ðoàn thời Tống, tức là những thời sau
nước Sở rất lâu[6].
Tình hình hoàn toàn khác ở Truyện thầy
Lazarô Phiền. Thầy Phiền sinh năm 1847. Mẹ thầy chết năm 1850, lúc thầy mới
ba tuổi và bố thầy hơn 46 tuổi. Năm 1860, thầy nghe Tây đánh chiếm thành Gia
Ðịnh. Năm 1862, bố thầy mất khi Tây lấy Bà Rịa. Năm 1864, sau một năm rưỡi học
chữ quốc ngữ, thầy vào học trường La Tinh. Năm 1866, thầy học trường d’Adran.
Năm 1870, thầy đi thi tại Sài Gòn, mấy tháng sau được cử làm thông ngôn và lấy
vợ. Thầy nhận được bức thư đề ngày 14 tháng 8 năm Tân Mùi, tố cáo vợ thầy ngoại
tình với bạn là Vêrô Liễu. Hơn một tuần lễ sau, thầy sát hại người thầy cho là
tình địch. 15 ngày sau đó, thầy đầu độc vợ. Giữa năm 1873, vợ thầy chết, thầy
đi tu. Năm 1882, thầy được phong chức. Ngày 7 tháng 1 năm 1884, thầy mất. Năm
sau, 1885, tôi, người trần thuật, viếng mộ Lazarô Phiền. Thật như một
bản khai sơ yếu lý lịch.
Việc kê khai ngày tháng quá đầy đủ, chi tiết,
nhất là thời điểm câu chuyện kết thúc quá gần thời điểm viết và xuất bản (viết
năm 1886, xuất bản năm 1887), làm cho người đọc dễ quên đây là chuyện hư cấu,
trái lại có cái ảo giác một câu chuyện có thật, nóng hổi nữa. Cái ảo giác này
càng tăng khi tác giả hai lần sử dụng chú thích, một là những chi tiết cụ thể
về ngôi nhà thờ nơi chôn Lazarô Phiền, và một là của chính nhân vật tôi, nêu
lời của mẹ mình về vụ giam cầm giáo dân tại ngục Bà Rịa, để chứng tỏ điều
Lazarô Phiền kể là đúng sự thực. Như thế, không thể xem chú thích ở đây là một
cái gì bên ngoài truyện, ngược lại phải thấy đó là một cách làm có dụng ý nghệ
thuật. Việc sử dụng chú thích trong truyện hư cấu như thế là thủ pháp mãi đến
năm 1925 mới gặp trong “Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu” của Nguyễn
Ái Quốc[7].
Có thể nói Truyện thầy Lazarô Phiền là cuốn
truyện đầu tiên sử dụng kỹ thuật đan cài những chi tiết có vẻ phi hư cấu vào
chuyện hư cấu.
*
Ðánh giá Truyện thầy Lazarô Phiền, có
người cho là “kỹ thuật thô sơ non kém” (Bùi Ðức Tịnh 1998:7). Những gì phân
tích trên đây tưởng đủ để chứng tỏ rằng lời chê đó thiếu hẳn một cái nhìn lịch
sử.
Truyện thầy Lazarô Phiền là một sự đột phá về kỹ thuật. Tiếc thay, sự đột phá đó nói chung không được những tác giả đi sau kế thừa. Ðiều ấy có nhiều lý do, trong đó hẳn có áp lực của người đọc. Trong văn chương truyền thống, tác động của người đọc đối với người viết còn tương đối nhẹ nhàng: văn chương là chuyện tinh thần thuần túy, để mình, hay rộng hơn chút nữa là bạn bè, ngâm ngợi khi chén rượu khi cuộc cờ. Việc tiếp xúc với phương Tây đã cho phép du nhập một khí cụ mới: máy in. Chính cái thứ không văn chương lắm này làm cho văn chương phải thay đổi. Người viết in tác phẩm của mình để bán kiếm lời. Và một khi văn chương đi vào thị trường, thì người đọc có cái sức mạnh của người tiêu thụ hàng hóa: nó buộc người viết phải sản xuất cái mà người đọc thích. Truyện thầy Lazarô Phiền là sáng tác đầu tiên theo kiểu phương Tây, mà lại quá mới. Công chúng xưa nay chìm trong bể văn chương truyền thống, chưa hề được chuẩn bị, được làm quen, trách sao được có thái độ thiếu nồng nhiệt. Nhìn theo chiều hướng này, việc các tác giả sau, kể cả những người tự nhận có chịu ảnh hưởng của Truyện thầy Lazarô Phiền, như Hồ Biểu Chánh chẳng hạn[8], chọn một giải pháp trung dung hơn, có yếu tố mới mẻ của châu Âu, mà cũng có yếu tố đã quen thuộc với khẩu vị của độc giả, cũng là điều dễ hiểu.
Tài liệu trích dẫn
Bùi Ðức Tịnh, 1998. Lời giới thiệu. Trong Cao Xuân Mỹ, 1998, tr. 7-8.
Cao Xuân Mỹ
(biên soạn) 1998. Truyện dài đầu tiên và tuyển tập các truyện ngắn Nam Bộ
cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí
Minh.
Nguyễn Hiến
Lê, 1968. Văn học Trung Quốc hiện đại (1898-1960), q. thượng. Nguyễn
Hiến Lê: Sài Gòn.
Nguyễn Văn Trung, 1987. Những áng văn
chương Quốc ngữ đầu tiên – Thầy Phiền, truyện của Nguyễn Trọng Quản, Tài
liệu tham khảo sau đại học và năm cuối bậc đại học (ronéo). Ðại học Sư phạm tp.
Hồ Chí Minh.
Trần Nghĩa, 1973. “Thử bàn về nguồn gốc truyện
Lục Vân Tiên”. Trong Nguyễn Ðình Chiểu, tấm gương yêu nước và lao
động nghệ thuật, Viện Văn học và Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tr. 485-497.
Vũ Ngọc Phan 1960 [1942]. Nhà văn hiện đại,
q. 2. Thăng Long: Sài Gòn.
[1] Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội: sách ký hiệu M.8330:
L’Histoire de Lazarô Phiền: Ed. de l’Asie nouvelle / Nguyễn Trọng Quản ; Avant
propos de P. Midan ; Trad. de français de Nguyễn Trọng Đắc. – Saigon : Impr. de
l’Uinion Nguyen Van Cua, 1934. – 31p. ; 23cm
[2] Hồi những năm 1990s tôi tìm thấy tên sách “Thầy Lazaro Phiền” bản in
1887 tại Thư viện Khoa học xã hội, 26 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Hiện nay thư viện
này đã chuyển về số 1 Liễu Giai, Q. Ba Đình, Hà Nội. Hy vọng cuốn sách trên vẫn
còn trong kho của cơ quan này.
* Đăng lần đầu trên Tạp chí Văn học số 10. 2000.
[3] Truyện thầy Lazarô Phiền thuộc thể loại nào? Nguyễn Văn Trung
(1987) và Bùi Ðức Tịnh (1998) gọi đó là tiểu thuyết, Cao Xuân Mỹ (1998) cho đó
là truyện dài. Những ý kiến ấy liệu thỏa đáng chăng khi cuốn này chỉ hơn 25
trang, theo bản in lại trong Cao Xuân Mỹ (1998), đành rằng gọi là tiểu thuyết
hay truyện dài không chỉ căn cứ vào độ dày của tác phẩm?
[4] Chỉ hai mươi năm sau khi Tố Tâm xuất bản, mà đã không thể chê
câu văn của cuốn tiểu thuyết này rồi, vì “hai mươi năm giá ở vào một nước đã
tới một trình độ tiến hóa đầy đủ thì chỉ là một thời gian không đáng kể, nhưng
ở vào nước Việt Nam ta sự tiến hóa đang rất mau, rất bồng bột từ khi tiếp xúc
văn minh Tây phương, hai mươi năm có thể coi là một thế hệ” (Vũ Ngọc Phan
1960:350). Truyện thầy Lazarô Phiền cách Tố Tâm đến gần 40 năm,
thì càng phải như vậy.
[5] Ở Trung Quốc cuối năm 1916 mới bắt đầu dấy lên phong trào bỏ văn biền
ngẫu, sử dụng bạch thoại (bị chê là “ngôn ngữ của bọn phu xe, bọn bán tương”)
như là một phương cách để hiện đại hóa văn học (xem Nguyễn Hiến Lê 1968:106ss).
[6] Xem thêm Trần Nghĩa 1973: 488s.
[7] Nguyễn Ái Quốc chú thích dưới dạng
tái bút ở cuối truyện.
[8] Trong hồi ký Ðời của tôi, Hồ
Biểu Chánh cho biết sau khi được đọc Truyện thầy Lazarô Phiền
cùng hai cuốn khác, Hoàng Tố Oanh hàm oan của Trần Chánh Chiếu (1910) và
Phan Yên ngoại sưû của Trương Duy Toản (1910), là ba cuốn truyện bằng
văn xuôi đầu tiên ở Nam Kỳ kể chuyện trong nước, ông chuyển hướng sáng tác,
tiếp thu kỹ thuật phương Tây (dẫn theo Nguyễn Văn Trung 1987:27).