DẪN NHẬP:
Vậy mà đã 54 năm kể từ ngày Liên Hiệp Quốc khai sinh Ủy Ban Sông Mekong
[1957] và cũng đã 16 năm kể từ ngày thành lập Ủy Hội Sông Mekong[1995]. Trung
Quốc đã và đang tiếp tục xây những con đập thủy điện khổng lồ chắn ngang dòng
chính thượng nguồn sông Mekong, Thái Lan có kế hoạch chuyển dòng lấy nước từ
sông Mekong, và nay lại có thêm dự án 12 con đập hạ lưu.
Đến nay 2011, Trung Quốc đã hoàn tất 4 trong số 14 dự án đập Vân Nam. Con
đập thứ 5 Nọa Trác Độ / Nuozhado lớn nhất cũng đang được tiến hành xây cất cùng
với con đập thứ 6 Công Quả Kiều / Gongguoqio. Sau con đập Tiểu Loan, chỉ trong
vòng 2 năm nữa, , khi con đập Nọa Trác Độ khổng lồ hoàn tất, có thể nói về tổng
thể Trung Quốc đã hoàn tất kế hoạch chuỗi đập bậc thềm Vân Nam và làm chủ dòng
sông Mekong.
Không có dấu hiệu các dự án xây đập thủy điện trên suốt dọc chiều dài
sông Mekong sẽ chậm lại. Tuy chỉ với 4 con đập Vân Nam, các quốc gia hạ nguồn
đã bắt đầu chịu những hậu quả “nhãn tiền”: những cơn lũ bất thường trong Mùa
Mưa, nhiều khúc sông cạn dòng trong Mùa Khô và nạn nhiễm mặn trầm trọng hơn
nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ngót 70 triệu cư dân trong Lưu vực Sông Mekong
và gần 20 triệu dân vùng ĐBSCL đang và sẽ phải làm gì để thích nghi và sống
còn?
Ủy Hội Sông Mekong / MRC đã chứng tỏ vô hiệu và không có một nghiên cứu cụ thể
nào về các biến đổi hạ nguồn do tác động từ các con đập Vân Nam. Các quốc gia
Mekong không thể trông chờ các hoạt động thiếu hiệu quả của MRC lâu hơn nữa,
mà phải tự cứu mình làm các nghiên cứu này, đi tìm những giải pháp và công bố
trên các diễn đàn quốc tế.
Và đang có manh nha một sáng kiến từ Hội Sinh Thái Việt: tiến tới vận động hình
thành một Tổ Chức Lancang-Mekong mở rộng với 6 quốc gia bao gồm cả Myanmar và
Trung Quốc.
Đó là nội dung của 2 bài viết ngắn: một của nhà văn Ngô Thế Vinh, tác giả cuốn
Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, một của kỹ sư Phạm Phan Long, thành viên sáng lập
Hội Sinh Thái Việt http://www.vietecology.org.
*
GIẤC MỘNG LỚN KHÔNG THÀNH
Rất sớm từ thập niên 40 thế kỷ trước, các nhà xây đập Mỹ đã quan tâm tới tiềm
năng thủy điện của con sông Mekong. Năm 1957, giữa thời kỳ chiến tranh lạnh,
với bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, một Ủy Ban Sông Mekong [Mekong River Committee]
được thành lập bao gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Nam Việt Nam với một
văn phòng thường trực đặt tại Bangkok. Khi soạn thảo kế hoạch phát triển sông
Mekong, Liên Hiệp Quốc đã chia Lưu Vực Lớn sông Mekong [GMS, Greater Mekong
Subregion] thành hai tiểu lưu vực cách nhau bởi khu Tam Giác Vàng:
Lưu Vực Trên (Upper Basin) thuộc Vân Nam Trung Quốc.
Lưu Vực Dưới (Lower Basin) thuộc 4 quốc gia hạ nguồn.
Kế hoạch phát triển Lưu Vực Dưới sông Mekong của Liên Hiệp Quốc như một “Giấc
Mộng Lớn” đầy tham vọng, nhằm cải thiện cuộc sống cho toàn thể cư dân sống trong
vùng hạ lưu.
[ Cho dù có một nửa chiều dài sông Mekong chảy qua Vân Nam nhưng Trung Quốc
lúc đó còn là một quốc gia khép kín và ít được nhắc tới.]
Nhưng rồi, Chiến Tranh Việt Nam đã lan rộng ra cả ba nước Đông Dương qua hơn
ba thập niên, nên kế hoạch xây các đập thủy điện lớn như Pa Mong, Sambor, Khemmerat
trên dòng chính sông Mekong vùng hạ lưu, và các chương trình khai thác khác
đã phải gián đoạn, khiến cho con sông Mekong còn giữ được sự nguyên vẹn thêm
một thời gian nữa.
VẪN CÒN NHỮNG CÁNH ĐỒNG CHẾT
Chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, nhưng vẫn còn một cuộc chiến diệt
chủng diễn ra trên Xứ Chùa Tháp. Không có Cam Bốt, một Ủy Ban Mekong Lâm Thời
[Mekong Interim Committee] được thành lập [1978], với hoạt động hạn chế. Cũng
trong thời gian này, Thái Lan có kế hoạch chuyển dòng sông Mekong nhằm đưa một
lượng nước lớn bơm tưới cho vùng đông bắc Thái khô hạn nhưng gặp sự chống đối
của Việt Nam. Thái Lan đi tới phủ nhận tính cách pháp lý của Ủy Ban Sông Mekong,
viện lý do là tổ chức này đã lỗi thời không còn phù hợp với những thay đổi về
chánh trị, kinh tế và xã hội trong vùng. Trong điều kiện phân hóa như vậy, Ủy
Ban Mekong Lâm Thời hầu như bị tê liệt.
TỪ ỦY BAN 1957 TỚI ỦY HỘI SÔNG MEKONG 1995
Bước vào thời bình, con sông Mekong đã trở thành mục tiêu khai thác của 6
quốc gia trong toàn Lưu Vực Lớn Sông Mekong [GMS, còn được gọi là Tiểu Vùng
Sông Mekong Mở Rộng]. Cùng là những quốc gia ven sông nhưng mỗi nước lại có
những ưu tiên phát triển khác nhau với những quyền lợi đôi khi mâu thuẫn. Do
đó, phục hồi một tổ chức điều hợp liên quốc gia tương tự như Ủy Ban Sông Mekong
trước đây là cần thiết.
Ngày 05 tháng 04 năm 1995, chỉ có 4 nước hội viên gốc thuộc Lưu Vực Dưới của
Ủy Ban Sông Mekong đã họp tại Chiang Rai, bắc Thái, để cùng ký kết một “Hiệp
Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Hạ Lưu Sông Mekong” và đổi sang một tên
mới là Ủy Hội Sông Mekong [Mekong River Commission] với một thay đổi cơ bản
trong Hiệp Ước mới này – thay vì như trước đây, mỗi hội viên trong Ủy Ban Sông
Mekong có quyền phủ quyết bất cứ một dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại
tới dòng chính sông Mekong – thì nay, theo nội quy mới không một một quốc gia
nào có quyền như vậy.
Ủy Hội Sông Mekong gồm 3 cơ cấu: [1] Hội Đồng Đại Diện [cấp bộ trưởng], [2]
Ủy Ban Hỗn Hợp, [3] Văn Phòng Thường Trực. Nay có văn phòng đặt tại Vạn Tượng.
Khác với tham vọng chiến lược ban đầu của Ủy Ban Sông Mekong, mục tiêu của Ủy
Hội Sông Mekong có phần khiêm tốn và thu hẹp hơn bao gồm (3):
- Ba Chương Trình Nòng Cốt [core programmes]: (a) Chương Trình Sử Dụng Nước,
(b) Chương Trình Phát Triển Lưu Vực, (c) Chương Trình Môi Trường.
- Năm Chương Trình Khu Vực [5 sector]: 1/ Canh Nông, 2/ Thủy Lâm, 3/ Ngư nghiệp,
4/ Giao Thông và 5/ Du lịch.
- Một Chương Trình Yểm Trợ [Capacity Building Programme]
Ủy Hội Sông Mekong được bảo trợ bởi các tổ chức quốc tế, hội tư nhân, các viện
nghiên cứu và tổ chức quốc gia. Sau 16 năm hoạt động [1995-2011], Ủy Hội chỉ
đạt được vài thành quả rất khiêm tốn như đi tới thỏa thuận chia xẻ thông tin
giữa 4 nước thành viên, thiết lập đưa vào sử dụng “mạng lưới internet” tiên
đoán lũ lụt và theo dõi dòng chảy Mùa Khô; và ký kết được một thỏa ước [tháng
4, 2002] nhằm trao đổi rất hạn chế các dữ kiện thủy văn với Trung Quốc v.v.
Nhìn chung, thì hiệu năng và uy tín của Ủy Hội đã không được đánh giá cao bởi
chính các cơ quan bảo trợ và cũng là một thất vọng cho các tổ chức hoạt động
môi sinh.
LƯU VỰC TRÊN – LANCANG NGHẼN MẠCH
Lancang Jiang / sông Lan Thương, tên Trung Quốc của con sông Mekong thuộc
Lưu Vực Trên [Upper Basin]. Chiến lược ngăn sông Lan Thương để xây 14 con đập
bậc thềm Vân Nam của Bắc Kinh đã có từ thập niên 70. Trong hơn ba thập niên,
Trung Quốc đã ào ạt khai thác con sông Lan Thương, bằng cách xây các đập thủy
điện khổng lồ chắn ngang dòng chính.
Tuy chỉ mới có 4 con đập hoàn tất [Mạn Loan / Manwan 1,500 MW, Đại Chiếu Sơn
/ Dachaoshan 1350 MW, Cảnh Hồng / Jinhong1,350 MW, Tiểu Loan / Xiaowan 4,200
MW] trong dự án Mười Bốn Con Đập Vân Nam, vậy mà chưa bao giờ trong Mùa Khô,
mực nước con sông Mekong lại có thể xuống thấp đến như vậy. [Hình 1]
Ở một số nơi, có những khúc sông hầu như cạn dòng và trơ đáy. Nguồn cá và nông
nghiệp đã trực tiếp bị ảnh hưởng. Không chỉ đơn giản vì “thiếu mưa”, sự kiện
sông Mekong cạn dòng năm 1993 mà không vào Mùa Khô, trùng hợp với thời điểm
Trung Quốc bắt đầu lấy nước vào con đập thủy điện Mạn Loan ngang dòng chính
sông Mekong.
Để có đủ nước cho 4 đập thủy điện đang hoạt động, Trung Quốc đã thường xuyên
đóng các cửa đập khiến mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất. Bắc Kinh đã
không cung cấp thông tin về chu kỳ vận hành của các con đập ấy để các quốc gia
hạ lưu có thể kịp thời ứng xử và đối phó.
Odd Bootha 38 tuổi, anh lái đò bến Chiang Khong Bắc Thái đã phải than thở:
“Nếu Trung Quốc cứ xây thêm đập thì sông Mekong chỉ còn là một con lạch.”
Chainarong Sretthachau, giám đốc Mạng Lưới Sông Đông Nam Á [Southeast Asia
Rivers Network] cho rằng “Trung Quốc đã có quyền lực để kiểm soát dòng sông
Mekong.” (2)
Do nhu cầu điện của Trung Quốc tăng 5-6% /năm, để đáp ứng tốc độ phát triển
kinh tế, với khát vọng vô hạn về năng lượng, không có dấu hiệu nào Trung Quốc
sẽ dừng bước hay chậm lại kế hoạch khai thác nguồn thủy điện phong phú của con
sông Mekong.
Nhận định về các kế hoạch khai thác sông Mekong của Trung Quốc, Tyson Roberts
thuộc Viện Nghiên Cứu Nhiệt Đới Smithsonian [Mỹ] đã phát biểu: “Xây các đập
thủy điện, khai thông thủy lộ, với tàu bè thương mại quá tải sẽ giết chết dòng
sông... Các bước khai thác của Trung Quốc sẽ làm suy thoái hệ sinh thái, gây
ô nhiễm tệ hại, khiến con sông Mekong đang chết dần.” (3)
Với Cam Bốt, trái tim Biển Hồ chỉ còn đập khi con sông Tonle Sap còn duy trì
được dòng chảy hai chiều theo mùa. Trong Mùa Mưa, sông Mekong phải đủ nước chảy
ngược vào Biển Hồ, như một “điều kiện sống còn” cho nguồn cá và vựa lúa của
người dân xứ Chùa Tháp. Nhưng chưa hề có bảo đảm nào cho một tương lai như vậy.
Năm 2005, trước khi bay sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, Thủ tướng Hun
Sen đã công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh, đối với kế hoạch khai thác sông
Mekong, cho dù điều ấy đi ngược lại ý kiến quan ngại gần như báo động của các
chuyên gia bảo vệ môi sinh. [AFP, 6/29/2005]
Và chỉ mới đây thôi, tháng 11, 2010, sau Hội Nghị Thượng Đỉnh ACMECS ở Nam
Vang, ông Hun Sen lại một lần nữa, đã bác bỏ mọi mối quan ngại về ảnh hưởng
của các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng chảy sông Mekong. Ông khẳng
định chu kỳ lũ lụt hay hạn hán mới đây là hậu quả của thay đổi khí hậu / climate
change và khí thải carbon / carbon emissions chứ chẳng liên hệ gì tới chuỗi
những con đập thủy điện của Trung Quốc. [The Phnom Penh Post, Nov 17, 2010]
Trong khi chính một học giả uy tín Trung Quốc, giáo sư Tần Huy / Qin Hui thuộc
Đại học danh tiếng Thanh Hoa / Tsinghua Bắc Kinh cũng đã phải lên tiếng chỉ
trích các ứng xử thiếu trong sáng của Bắc Kinh về các con đập Vân Nam: “Bảo
rằng chỉ có 14% lưu lượng nước từ Trung Quốc đổ ra Biển Đông, nhưng với con
đập thứ tư Tiểu Loan đã có tới 70% dung tích các hồ chứa nằm trong lãnh thổ
TQ – và dung tích ấy sẽ tăng tới 90% khi con đập thứ năm Nọa Trác Độ hoàn tất.
Và điều kỳ là là các giới chức TQ lại chỉ có nhắc tới 3 hồ chứa nhỏ trên sông
Mekong.” (9)
Cho dù một đất nước Tây Tạng đang khắc khoải và không có tự do, nhưng Đức Đạt
Lai Lạt Ma với tầm nhìn rất xa, đã chọn ưu tiên bảo vệ môi sinh Cao Nguyên Tây
Tạng trước cả chánh trị. (8) Tây Tạng vẫn được coi như Cực Thứ Ba / Third Pole
của toàn cầu, nơi phát sinh những con sông lớn của Châu Á.