Beatrice Fihn, Giám đốc Điều hành Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) , ằn mừng tin ICAN đoạt giải Nobel Hòa Bình 2017 hôm 6/10/2017. Ảnh REUTERS/Denis Balibouse
Nobel Hòa Bình 2017 về tay tổ chức ICAN
Tổ chức quốc tế vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đã được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình năm 2017.
Phát biểu vào lúc loan báo tin này, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen nói:
“Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nguy cơ vũ khí hạt nhân được mang ra sử dụng tại thời điểm này, cao hơn so với bất cứ lúc nào trong một thời gian dài vừa qua.”
Quyết định của Ủy ban Nobel trao giải cho liên minh vận động bãi bỏ vũ khí hạt nhân được công bố giữa lúc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đe dọa Iran và Triều Tiên về khả năng hạt nhân của hai nước này.
Nhà lãnh đạo Mỹ có khả năng hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, một thỏa thuận mà ông miêu tả là “tệ hại nhất từng được thương thuyết.”
Ông Trump mới đây còn tuyên bố trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng ông có thể bị dồn vào thế phải “hoàn toàn tiêu diệt” Triều Tiên về chương trình hạt nhân của họ.’
“Bây giờ là một thời điểm khi mà căng thẳng trên toàn cầu đang rất cao, khi mà những lời lẽ nảy lửa có thể dễ dàng dẫn chúng ta tới thảm kịch không sao diễn tả bằng lời, một cách không sao tránh khỏi. Bóng ma của một cuộc xung đột hạt nhân một lần nữa lại bao trùm thế giới. Nếu có một thời điểm để các quốc gia tuyên bố lập trường dứt khoát, rõ ràng chống đối vũ khí hạt nhân, thì thời điểm đó là bây giờ”, trang Facebook của ICAN viết.
Ủy ban Nobel nói trong một bản tuyên bố rằng ICAN đoạt giải Nobel quốc tế “nhờ các nỗ lực của mình nhằm thu hút sự chú ý của thế giới chú tâm vào các hậu quả thảm khốc về mặt nhân đạo của bất cứ quyết định nào sử dụng vũ khí hạt nhân, và nhờ các cố gắng của mình để thực hiện các thỏa thuận dựa trên hiệp định cấm vũ khí hạt nhân.”
ICAN là một liên minh các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại hơn 100 quốc gia nhằm cỗ vũ cho việc tuân thủ và thực thi Hiệp ước cấm phổ biện vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước toàn cầu này đã được phê chuẩn tại New York vào ngày 7/7/2017. Tuy nhiên thỏa thuận này không bao gồm các quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.