Nhà giam CS nơi hoàn tất việc trả thù



 Nguyễn Quang
 

Nhà giam CS nơi hoàn tất việc trả thù



Trầm nhược và tự sát thường xuất hiện sau những thất bại liên tiếp, vì do kỳ vọng quá cao “tham vọng lớn, mất mát lớn”. Trong môi trường tù, các tham vọng nầy thường tự cá nhân đặt lên vai mình. Trầm nhược cũng có thể là một phản ứng đối với sự mất mát thực thể hay huyễn tưởng do xa cách người thân, mất tình yêu hay mất lòng tự trọng. Các tù nhân mắc chứng trầm nhược thường buồn rầu, ủ rũ, không tiếp xúc với ai, chán nản mệt nhọc. Một bạn tù trên bốn mươi tuổi, án hai mươi năm với những hoài vọng bị thất bại, bị bắn trọng thương lúc bị bắt, chân bị gãy dù đã lành nhưng mảnh đạn hãy còn bên trong, sự đau nhức thường xuyên cùng nhiều thất bại liên tiếp khiến anh trở nên trầm nhược, anh treo cổ tự sát nhiều lần nhưng được các bạn tù phát hiện kịp thời.
Tù nhân trẻ có tên Phúc, tuổi ba mươi, án chung thân, kỳ vọng về một nền dân chủ thật sự và các công dân được hưởng những quyền cơ bản của con người, hầu như lúc nào anh cũng đăm chiêu về những vấn đề nầy, anh thích tự lập một mình, không xin ai một món gì và thậm chí trong lúc quá thiếu thốn, Thiện Nam nhận thấy anh đi bươi rác để nhặt những cọng rau muống già còn sót lại của các bạn tù khác đã vứt đi để mưu sinh, có lẽ anh không muốn làm phiền đến ai, trong những hoàn cảnh đáng thương như thế cũng có người lên giọng đạo đức với anh: tù chính trị mà làm như thế và lá thư cuối cùng trong trầm uất, thất vọng, anh đã tự tử ngay tại phòng giam của trại Thung Lũng Tử Thần.
Vô cảm dửng dưng với tất cả những việc gì xảy ra chung quanh, hờ hững với hoàn cảnh của mình, không có gì gây được thích thú và phản ứng cảm xúc. Tù nhân thụ động lờ đờ, không thiết tha gì cả, thích nằm lì tại chỗ nếu có thể, hoặc ngồi lánh xa một góc nào đó như thường gặp trong tâm thần phân liệt. Sự vô cảm đến không còn cá tính. Cuộc sống mất tự do của các tù nhân, nó hạn chế mọi thứ đến mức tối đa như bữa cơm hằng ngày vắt lại bằng quả trứng vịt, với thức ăn là nước muối khiến các yếu tố bẩm sinh cũng như di truyền tàn lụi. “Hãy cho chúng ăn thật ít và bắt chúng làm thật nhiều”. Có một viên Trung tá khi vào tù đến bữa cơm đã yêu cầu phải dùng cân tiểu ly để chia cơm mới công bình, thật vậy các buổi chia cơm thường xảy ra những vụ đánh cãi chửi nhau… dù đây đó có người từng là các viên chức ngày trước. Một Thiếu úy cán binh cộng sản, án mười năm, trên bốn mươi tuổi, hầu như mất liên lạc hoàn toàn với gia đình, có lúc chính anh lại nhặt chính lá thư của mình gửi về gia đình bị vứt ngay nơi anh làm vệ sinh quanh phòng giám thị, sự chịu đựng trong những điều kiện quá khắc nghiệt khiến anh trở nên bất bình thường thấy rõ như miệng lúc nào cũng lầm bầm chửi bới chế độ: toàn là một lũ cướp, tham ô nhũng lạm, vốn là phần lớn phạm tội giết người rồi kéo vào chiến khu để dung thân và nay nắm chính quyền chứng nào tật nấy, tao rành tụi bay quá mà.v.v. Tù nhân nầy vốn là một sĩ quan cộng sản trong chiến khu về sau chống lại chế độ độc tài… Tù nhân trẻ khác, án hai mươi năm, tuổi hai mươi, mặc dù còn trẻ nhưng chỉ còn da bọc xương, sống nhờ vào các bạn tù, hầu như suốt ngày không nói tiếng nào, ai cho thứ gì thì mừng, ai nhờ việc gì thì giúp, kể cả các cai tù sai đâu chạy đó, mọi sự như phó mặc cho số phận.
Đàng khác, do phần lớn các quan hệ gia đình bị cắt đứt, như thư tín bị hạn chế nếu không nói bị cấm. Các tù nhân thường bắt gặp thư của chính họ hoặc từ gia đình gửi đến bị xé vứt lung tung có khi ngay cả trên đường đi đến hiện trường lao động. Ngoài ra do địa điểm của các nơi giam giữ quá hiểm trở, nên việc thăm gặp của người thân rất khó khăn. Có gia đình khi trở về mang theo bệnh tật do tai nạn, hoặc suýt mất mạng vì sốt rét rừng… Việc quan hệ gần gũi giữa các tù nhân cũng bị cấm đoán, nhiều tù nhân bị gọi đích danh và cấm hẳn việc quan hệ với mọi người. Có giai đoạn tại trại Thung Lũng Tử Thần chỉ cho phép thăm gặp ba tháng một lần và chỉ được nhận 3 kg quà tiếp tế từ gia đình. Một tù nhân, tuổi trên ba mươi, án mười lăm năm, hầu như không có sự liên lạc với gia đình, cơ thể anh gần như khô đét lại vì phải lao động khổ sai với vắt cơm cùng nước muối và rau trời. Anh trở nên trầm mặc ít nói, phó mặc theo tiếng kẻng dục lên thì đi, gọi về thì nằm phờ ra đó. Nhiều tù nhân, mỗi năm gia đình mới đến thăm, thêm các chứng lao phổi và suyễn, khiến họ trở nên ngày càng mệt mỏi, yếu dần, làm biếng nói năng, hầu như bàng quan với mọi thứ chung quanh.
Chính những yếu tố vật chất và tinh thần như thế khiến các tù nhân biến đổi dần đến thân xác còn đó nhưng vô hồn, mà nét chung về thể trạng của họ chỉ còn da bọc “thây ma”, hai má hóp vào, mắt lõm sâu, nước da xanh xao người nào cũng tái mét. Họ trở thành những hữu thể đặc thù trong sự triệt hạ của con người chứ không phải nhằm chữa trị con người. Và “vật cùng tất biến” như quan niệm triết lý Á đông. Các hữu thể đó được cải tạo dần đến mức không còn nhận ra chính mình rồi đi thật xa mãi mãi đến cái chết như vị Linh mục hùng biện một thời khả kính, Dòng Chúa Cứu thế, sau ba năm kiên giam cơ thân teo lại chỉ còn bé tí, rọm người lại, trông thấy rõ về sự khốn cùng của thân phận con người sắp chết đói. Hữu thể đó đã được cải tạo thành quái vật người trong nền văn hoá vật người. Nhiều tù nhân trên sáu mươi tuổi, án cao, gia đình hầu như rất khó khăn, nên bữa ăn chỉ có nước muối là chính cùng vắt cơm nhỏ, phần lớn huyết áp cao ngày càng cao hơn khiến họ thường bị đột quỵ và có cụ chết ngay sau giờ lao động khi ráng lê bước trở về.
Các yếu tố di truyền như thông minh, bén nhạy, sáng tạo… trong sinh hoạt hằng ngày chỉ còn ở mức thấp nhất. Phần lớn các tù nhân không còn năng lực để tư duy vì thức ăn chính yếu hằng ngày là khoai mì và lá mì làm dưa, nếu không muốn nói là tiêm chất độc dần vào cơ thể. Có tù nhân lùn, có lẽ anh ta lùn nhất ở trại Thung Lũng Tử Thần, tuổi hai mươi, án trên mười năm, chỉ còn biết lo cải thiện, anh hay nói: bây giờ chỉ có ăn, ăn để tồn tại còn mọi chuyện sẽ tính sau. Nhiều tù nhân khác, tuổi bốn mươi, án trên mười năm, có cùng quan điểm phát biểu: bây giờ không còn phải suy nghĩ gì nữa, chỉ mong sao cho qua ngày vì đã kiệt sức lắm rồi.
Việc giáo dục chỉ là phương tiện tuyên truyền lập đi, lập lại theo một khuôn mẫu không có gì mới, nhất là giữa lý thuyết và thực tế là sự khác biệt vô cùng. Trưởng trại Bảy đầu rìu, khi thăm các tù trọng án và bảo: các anh hãy bảo trọng… Nhưng y vừa rời khỏi phòng giam, các cán bộ của y đã mang cả giày ủng nhảy lên người các tù nhân đang bị cùm và đánh đá túi bụi khiến ai cũng một phen kinh hoàng và xảy ra lập đi lập lại như vậy thường xuyên. Đó là sự giáo dục, an ủi của những người cộng sản. Các buổi học tập chính trị thường xuyên được tổ chức như nào hiến pháp đều có ghi đầy đủ việc tôn trọng các quyền cơ bản của con người: tự do tôn giáo, hội họp, thông tin… Nhưng cụ thể khi gặp quý tăng ni, tu sĩ đang bị tù, các trưởng trại đều thường gọi là “thằng”, như trưởng trại Bảy khi gặp các Nhà sư còn gọi “ mày, tao”. Trong khi chính y vẫn thường xuyên tuyên bố trước toàn trại: Đảng ta rất tôn trọng tự do tôn giáo… Các tù nhân chỉ biết cúi đầu thầm lặng: những người cộng sản nói vậy, nhưng không phải dzậy!
Con đường thật sự mở ra trong việc chuyển biến con người của chế độ toàn trị không phải là mở đường để tạo ra một khởi đầu mới mà nó là cái chết. Đó là sự hoàn tất tốt nhất trong việc trả thù. Sự khốn cùng của triết lý: đó là điều quan trọng không phải làm cho con người được sống và sự sống lại mà chết đi, chết lại nhiều lần và rồi chết thật. Một tù nhân rất trẻ, chưa ngoài ba mươi, đã chết vì bệnh chó dại ngay tại trại giam, nguyên do chính là giám thị trại giam không cho ra ngoài điều trị, họ buộc phải điều trị bằng thuốc Nam do một Nhà sư phụ trách về Đông y ở đây. Vị Đại đức nầy đứng ra lãnh trách nhiệm và sau nhiều thang thuốc Nam do ông chế… Song đúng ba tháng mười ngày thì tù nhân nầy trào nước bọt, tru tréo như chó rồi chết. Tù nhân đáng thương mang án phạt 11 năm, can tội chống chế độ. Còn Cha Luân bất khuất chỉ bị một mụt nhọt nhỏ ở lưng, thế nhưng không được chữa trị khiến vết ung lan dần cho đến lúc nhiễm trùng và chết. Khi sắp chết, Người được ra khỏi kiên giam, vào bệnh xá trại giam, vị Linh mục vẫn bình thản lạc quan nhắn nhủ những người Việt Nam hãy vì con người, và luôn đấu tranh cho quyền con người.
Những hình thức lao động khổ sai để trả thù như đập đá, ngâm mình trong sình lầy suốt tám tiếng mỗi ngày, chưa kể việc tranh thủ làm đêm. Các tù nhân thường phải đi sớm về muộn, những hôm nào có sương mù thì được đi trễ vì bọn cai tù sợ xảy ra trốn trại, rồi nhiều buổi chiều tối cho đến buổi chiều cuối cùng trúng phải nơi người tù bất hạnh nào đó thật là bi đát trong tiếng kêu tuyệt vọng: thôi chết cho khoẻ tấm thân hơn là sống với cái ác đến bi đát quá. Tù nhân Trần Xuân án tử hình, nguyên là một trong số các Viện trưởng kiểm sát của chế độ cộng sản, luôn nhắn nhủ các tù nhân khác về bản chất chế độ giam giữ trong chế độ chuyên chính vô sản: Đến đây thời ở lại đây… bao giờ bén rễ xanh cây mới về… Một Linh mục tuyên uý quân đội trong chế độ miền Nam trước đây, án tập trung, ngoài năm mươi tuổi, lao động đến kiệt sức do ngâm mình suốt ngày trên ruộng sình, lâu ngày bị sưng phổi, ho nhiều từng cơn rồi ói ra nước vàng và chết tại trại giam. Đặc biệt vị Linh mục nầy vẫn ung dung không van xin để nghỉ bịnh, Người vẫn đi làm khổ sai cho đến khi gục ngã. Đặc biệt hơn nữa, lúc chết đi Người được các cán bộ cộng sản chôn một nơi riêng cao ráo hơn và chôn sâu để chứng tỏ Nhà nước tôn trọng tôn giáo… Vì họ biết chắc thế nào cũng có ngày Toà Giám mục lên thăm. 
Mất cảm giác tâm thần là mất mọi phản ứng cảm xúc, nhưng nếu môi trường được thay đổi thì vẫn tiếp xúc được. Có loại mất hết phản ứng cảm xúc như trên nhưng lại còn cảm xúc đau khổ về hiện tượng mất cảm xúc của mình, triệu chứng nầy gọi là mất cảm xúc tâm thần đau khổ. Nhiều khi vì quá đau khổ mà người bệnh có hành vi tự sát. Triệu chứng nầy gặp trong loạn tâm thần hưng trầm cảm, trầm cảm thoái triển, tâm thần phân liệt. Các tù nhân do bị cùm lâu ngày trong nhà kỷ luật nên nửa thân người hầu như bị mất cảm giác, lúc ra khỏi kiên giam họ phải tập đứng ngồi ngay tại chỗ thật khó khăn, nhiều khi sự cử động làm toàn thân đau đớn khiến hầu như đều có lời than vãn muốn chết cho khoẻ. Một tù nhân trẻ, án chung thân, tuổi ba mươi, một chân mất cảm giác dần do bị bắn lúc bị bắt và mảnh đạn vẫn còn. Nỗi đau cùng sự tiếc rẻ về cái chân đang bị chết dần do không được chữa trị của mình… khiến anh có lúc nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời .
Cảm xúc không ổn định, người tù dễ chuyển từ cảm xúc nầy đến cảm xúc khác một cách nhanh chóng, từ vui chuyển sang buồn, từ khóc sang cười, từ lạc quan sang bi quan. Thường gặp trong các bệnh có tổn thương thực thể não bộ, các trạng thái suy nhược. Có người bị mất vợ lúc ở tù, và một trường hợp tù nhân thuộc nhóm nầy, án hai mươi năm, tuổi bốn mươi, hầu như không có gia đình thăm viếng, có lúc thật vui vẻ, song có lúc lên cơn thật hung dữ sẽ gây gổ với bất cứ ai nếu có sự xích mích với anh ta. Người ta được biết sau khi được tha khỏi trại giam, anh đã dùng súng gây với công an địa phương và bị bắn chết ngay tại chỗ trên thành phố biển Nha Trang. Các bạn tù đã đoán trước được việc nầy và luôn khuyên anh ta nên kiềm chế khi trở về nhưng đã không tránh khỏi: viên công an nầy đã lấy vợ của anh trong lúc anh thụ án.
Cảm xúc say đắm là một trạng thái tăng cảm xúc mạnh có tính chất nhất thời. Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng vừa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, vừa có khả năng đem lại cho cá nhân một sự hấp dẫn về mặt tình cảm. Khi hứng thú con người có ý thức đầy đủ, có cảm xúc, cảm hứng đặc biệt với đối tượng. Nhà giam, nơi con người bị cưỡng chế, trấn áp, nên các tù nhân không còn hứng thú trong công việc bị áp đặt, hoặc có thái độ ngược lại và lấy đó làm thích thú. Các hành động phá hoại ngầm trở thành yếu tính của các tù nhân. Chính họ lấy làm hứng thú trong cuộc đấu tranh bất bạo động nầy để đối kháng lại với các cai tù. Sự hứng thú giúp con người vượt qua những khó khăn trở ngại, nó tăng sức đề kháng về nhiều mặt và kích thích con người hoạt động, hy vọng. Các tù nhân trẻ trong sự bí mật đầy hứng thú, hồi họp cùng các thanh niên ở các phòng khác đồng loạt tung bướm khắp toàn trại để phản kháng và đòi cải thiện chế độ lao tù… Họ vui vẻ tình nguyện giả vờ đánh nhau, hái dừa trộm cốt được kỷ luật để mang thuốc men, quần áo… cho các tù nhân bị kiên giam lâu dài. Họ đều ở lứa tuổi hai mươi.
Câu nói “nước sông công tù” là đặc trưng tinh thần làm việc của hầu hết các tù nhân: động tác lập đi, lập lại lờ đờ chậm chạp như đập xơ dừa đến tơi tả thành xơ… những nhát cuốc, đúng hơn là những “nhát gừng” mỗi khi vắng bóng cán bộ… thậm chí quét cái sân cũng sợ tốn sức lực. Thế nhưng, đào tường khoét vách để trốn trại thời rất nhanh nhẹn, thông minh, ý thức trỗi lên một cách toàn diện vì có hứng thú nhất là đứng trước sự sống còn. Cũng như những vụ đánh cắp hoa màu để mưu sinh thật là bén nhạy, các tù nhân dù chân chất đến đâu, sau một thời gian ở tù vì lý do sinh tồn đều biết đánh cắp hoa màu để tồn tại. Họ không còn mặc cảm tội lỗi vì như thế sẽ có thể đánh mất bản thân mình trong một tình huống nếu không ăn cắp cũng phải biết che dấu cho các tù nhân cùng cảnh ngộ, để cùng sống với nhau trong lúc đói khổ tột cùng. Một trường hợp đặc thù, người nầy tuổi ba mươi, từ án thấp và mỗi lần trốn trại bị tăng án đến chung thân. Bình thường trông rất lù đù, chậm chạp, nhưng không ai ngờ lúc bạo động trốn trại diễn ra, anh là người la lớn nhất và xông xáo vô cùng, mặc dù nhỏ con ốm yếu thật, song những tiếng hô hào vang dội, cổ động nhất đều phát ra từ anh. Lần trốn trại đưa anh lên chung thân, khi bị phát hiện và không thể chạy kịp, chính anh từng hô hào kích động trước đó thế nào thì lúc nầy lại kêu lớn ngược lại: cứu tôi với cán bộ ơi, bọn chúng đang đào thoát kia kìa… Cứu tôi với cán bộ ơi…
Hình ảnh cán bộ quản giáo và quản chế trong vụ bạo loạn trốn trại có tù nhân dạng đặc thù ở trên, tại Cổn Sơn, trước đó quản giáo nầy rất hung dữ, khắc nghiệt vô cùng với tù, nhưng vào lúc bạo loạn nổi lên y đã quá sợ hãi chạy tháo thân chui vào chuồng heo gần đó mà trốn, các tù nhân tự giác cũng nhớn nhác chạy theo, cho đến khi tình hình bị đảo ngược lại, người ta thấy cán bộ quản giáo nầy quần áo đầy phân heo và tiếp tục quát tháo. Các tù nhân nghe rất rõ tiếng y trả lời viên trưởng trại về việc: “ tại sao mày nhơ bẩn đến thế…” – “Dạ thưa… em đang phục kích”.
Thiện Nam trở về, chàng ở tù gần hai chục năm, nhiều người may mắn còn sống với mức thi hành án còn cao hơn chàng. Thiện Nam nhớ lại những gì trên đất nước nơi mình sinh ra mà phân nửa cuộc đời bị giam trong tù: một đất nước có nhiều núi cao, sông sâu, có cả cao nguyên êm đềm với rừng vàng biển bạc, các đồng bằng và ruộng muối phì nhiêu. Tất cả những yếu tố môi trường đó, có lẽ đã tạo ra những con người Việt Nam mang những đối cực khác nhau, trong tù không có ngày nào mà không có đánh nhau, cũng như trên đất nước nầy không có giai đoạn lịch sử nào mà không có chiến tranh –Chiến tranh gây hận thù đến ngay cả những kẻ gieo mầm không hận thù cũng trở thành kẻ bị hận thù. Bao con người làm điều phi nghĩa nhưng luôn dựng cờ chính nghĩa, một dân tộc có nhiều đền thờ nhưng các bậc chân tu khả kính rất ít, giống như các vì vua minh triết đếm được trên đầu ngón tay ở đất nước này.
Một đất nước với nhiều đối cực đến hận thù rồi trả thù, đây cũng là nét đặc trưng của nhiều dân tộc về tính dã man vẫn tồn tại trên hành tinh nầy. Trong huyền thoại về sự hình thành của người Việt: khởi thủy từ một trăm cái trứng nở ra trăm người con, thời năm mươi lên núi và phân nửa kia xuống biển… nghĩa là ngay từ đầu đã là một đối cực. Và một khi đối cực đó không còn là sự tương sinh mà là đối đầu, rồi được trang bị bằng các học thuyết từ bên ngoài; ở đây và bây giờ, việc giết người trở nên có chính nghĩa qua cái được gọi là: đấu tranh giai cấp.
Chính trường Việt Nam từ thôn xã đến phường, quận, huyện là một bãi chiến trường tranh giành, đố kỵ, tỵ hiềm vì miếng đỉnh chung. Ngày trước miếng đỉnh chung nầy được chia cho các dòng tộc, nhưng dù sao trong thời kỳ nầy còn có dòng họ nầy dòm ngó dòng họ khác, khiến nó luôn tồn tại trên căn để dòng tộc nào tốt hơn. Song hiện nay nó là thứ độc quyền đảng trị, không có mặt đối lập, nếu có là triệt hạ đối phương, nó không xuất phát từ khát vọng hay nhằm giải quyết các mâu thuẫn, nhưng chỉ gây nên các hận thù, đến triệt hạ nhau hoàn toàn, nó không xây dựng trên lề luật của các giá trị chung, giá trị đạo đức phổ quát mà nhân loại cùng công nhận. Một dân tộc đã có thể đi từ nhà nước tự nhiên đến văn minh làng xã qua triết lý Cái Đình – là biểu tượng cho sự khiêm tốn, đoàn kết, biết tha thứ trong yếu tính dân chủ để bầu lên những nhà lãnh đạo từ dân qua các nghị hội, như hội nghị Diên Hồng thật sự là ngày đoàn kết của dân tộc.
Thiện Nam suy nghĩ, như vậy chính yếu tố nào đã tạo nên dân tộc nầy “bất đảo ông”, các yếu tính xuất phát từ bên trong nhiều khi tưởng chừng như tan biến: nào tình làng nghĩa xóm, một xã hội làng tộc đượm tình người: biết kính Trời, yêu Người, thảo kính Cha Mẹ và giết người quả là điều thật kinh tởm hoàn toàn xa lạ với người Việt Nam… Nhưng nó quả là một thứ di truyền mang tính lặng, nó là trụ cột chống đỡ theo biến dịch của thời gian.
Ở đây và bây giờ, vào một buổi sáng, xảy ra cuộc hội thảo về Hiến pháp Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tại trại giam Xuân Lộc miền Nam Việt Nam, các tù nhân đã đứng lên và yêu cầu sửa đổi Hiến pháp, yêu cầu tự do dân chủ, nhất là tự do tôn giáo, đa nguyên chính trị. Họ là những con người không có một tấc sắt trong tay, nhưng có trái tim sắt quả cảm. Tất cả đều bị kiên giam cùm kẹp sau đó. Họ là Quý Đại đức thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, cùng sự nhiệt tình ủng hộ của Quý Tu Sĩ thuộc Dòng Đồng Công, có cả sự hiện diện cổ võ của các Đảng viên cấp tiến cao cấp bị vào tù; còn một Linh mục học giả khả kính Lê Thanh Quế, Dòng Tên, trước đó, ngay tại trại giam Thung Lũng Tử Thần đã đòi mang tất cả các Tổng bí thư cộng sản ra xét xử vì tội chống nhân loại cùng kêu gọi mọi người biết kiềm chế bao dung, và nhiều tù nhân khẳng khái khác như có vị Bác sĩ từng được đề cử giải Nobel Hoà Bình đã chất vấn viên đứng đầu việc quản lý tù nhân cả nước:
-Các anh đã dùng thuế của dân vào việc gì khi điều kiện giam giữ con người quá tồi tệ - rồi Bác sĩ Nguyễn Đan Quế chỉ tay vào mặt Tướng quân nầy và nói: -Chính các anh mới cần được cải tạo.
Cả phòng giam lúc đó xôn xao lên cùng tán dương: -Hãy lượn đi cho nước nó trong.
 Quả thật, Họ là những con người không sợ chết và cái chết nếu có xảy ra, nó chỉ là sự khởi đầu. 

Chàng trở về, dù chưa thật về nơi vĩnh hằng, nhưng Thánh vịnh như trỗi lên trong tâm trí chàng: “Khi Chúa thương gọi con về lòng con hân hoan như trong một giấc mơ”.
Đúng thật là một giấc mơ khi ra khỏi các trại tập trung dưới chế độ cộng sản.
Chàng đi về trên cõi quê, chắc chắn là thế, vì nơi nào có Ba Mẹ chính đó là quê hương.
Và như trong mơ, Thiện Nam tiếp tục cầu nguyện: Lạy Con người tự thân Con người. Nguyện danh Con người tỏa sáng. Nước Con người trị đến: Ý Con người thể hiện như nguyên uỷ vốn Thiện. Xin cho Con người hằng ngày dùng đủ. Và tha thứ cho nhau như Con người đối xử với nhau cho ra Con người. Chớ làm cho nhau sa chước cám dỗ, nhưng cùng nhau cứu khổ, cứu nạn. Ước được như vậy.

***

- Trích từ tác phẩm Chiến Tranh & Hòa Bình Việt Nam
- Thiện Nam: tên của nhân vật trong tác phẩm.