Một vài nhận xét về nghệ thuật khảo sử qua tác phẩm
Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu của Nguyễn Lý Tưởng
TS Bửu Sao
Paris, Pháp
Tác phẩm Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu là một cuốn sách nặng ký. Nặng ký vì nó dày đến 557 trang giấy: đấy là một ý kiến. Sở dĩ tôi bảo cuốn sách này nặng ký, thật ra là vì nó chứa đựng đến 25 tập chuyên đề sử học mà thoáng nhìn có vẽ không mấy liên hệ với nhau, rồi mỗi tập lại đặt nhiều vấn đề liên hệ đến nghệ thuật khảo sử, khiến độc giả phải vừa đọc vừa dùng highlighter để gạch dưới những hàng gây thắc mắc mà mình muốn phê bình, khen, chê, thêm, bớt; lại còn ghi chép bên lề, để còn lục tìm, đối chiếu thêm nữa.
Tôi xin báo trước cùng qúy vị độc giả: nếu mỗi buổi tối đi làm về qúy vị muốn yên phận với cái tivi thì chớ khới vào quả táo này, vì sau khi nếm phải mùi vị của nó, quý vị sẽ cảm nhận một thôi thúc săn tìm thêm tài liệu, càng săn tìm lại càng muốn bổ túc; thế rồi không chừng qúy vị lại sẽ biến thành những con chuột thư viện, để rồi, biết đâu? một ngày đẹp trời nào đó quý vị lại trở thành những bậc thầy trong bộ môn khảo sử! Ai là bậc thầy? Văn hào Georges Duhamel nói: ‘’Bậc thầy không phải là người rao truyền một chân lý nào cả; bậc thầy chỉ là người có khả năng khuấy động tư tưởng’’. Tôi ví cuốn sách Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu như là một chiếc đũa bếp mà người đầu bếp Nguyễn Lý Tưởng, tác giả, đang dùng để khuấy động cái lòng chảo Lịch Sử Việt Nam. Dưới đây tôi xin trình bày nghệ thuật khuấy động tư tưởng qua tác phẩm Thuyền Ai Đợi Bến Văn Lâu.
Trước khi bàn về một tác phẩm sử học đang ở thế động, tức là những cuốn khảo sử thuộc loại Thuyền Ai Đợi Bến Vân Lâu thì cũng nên bàn về những cuốn sử học luôn luôn ở trong thế ‘’tĩnh’, như những cuốn sử lược, tiếng Pháp gọi là Manuels d’Histoire, như những cuốn Việt sử mà con em chúng ta học trên ghế nhà trường, thí dụ cuốn Histoire d’Annam của Charles Maybon thời đô hộ Pháp, cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim dưới thời Việt Nam Cộng hòa: những cuốn Việt sử này bằng vào những tập sử liệu cổ xưa như An Nam Chí Lược của Lê Tắc, Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, rồi của Ngô Sĩ Liên, cùng mấy chục pho Quốc Triều Sử của nhà Nguyễn, với một vài thay đổi, thêm bớt tùy cơ, tùy thời, tùy tiện: chung quy đấy là những cuốn Việt sử lược nó giúp giới trẻ có một khái niệm gọi là vô thưởng vô phạt về những biến cố chính trị qua các thời đại lịch sử Việt Nam. Nói là vô thưởng vô phạt là đúng nếu chỉ xem cái vỏ bên ngoài. Nhưng nếu nhìn kỹ bên trong thì mọi cuốn sử lược nói chung và riêng những cuốn Việt sử lược, đều thoát thai từ một triều đại, từ một chế độ chính trị, nên chúng thường lệ thuộc vào một trào lưu nhất thời. Mỗi triều đại, mỗi chế độ đều đã áp đặt một cái nhìn về lịch sử theo chủ trương và đường lối chính trị của mình. Không như tại Âu Châu, tại đấy, chuyện viết sử tùy thời, tùy tiện đã được chấm dứt vào thế kỷ 18, được mệnh danh là ‘’thế kỷ ánh sáng’’. Từ đấy không còn một ai có thể trình bày lịch sử một cách tùy thời, tùy tiện nữa. Tại Việt Nam thì ôi thôi! Trong lĩnh vực sử học cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, dân ta đang còn mãi sống trong tăm tối từ đô hộ Pháp đến đô hộ cộng sản. Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu được viết theo nhãn quan của Triều nhà Lê, hai bộ Cương Mục và Thực Lục lại viết dưới sự chỉ giáo của các vua nhà Nguyễn. Và giờ đây, cuốn Việt Sử của Nguyễn Khắc Viện được thông dụng dưới chế độ cộng sản, trình bày mọi chuyển biến lịch sử theo duy vật sử quan của Karl Marx. Đối với Triều Nguyễn, vua Gia Long là người có công thống nhất sơn hà, nhưng dưới cái nhìn của duy vật biện chứng thì cái công đó thuộc về vua Quang Trung gọi là nhân vật đã tạo dựng lực lượng vô sản Việt Nam, một lực lượng đã được thuyết duy vật sử quan tạo ra trước thời đại của nó. Cho hay lịch sử của các nước chậm tiến chỉ là những cô gái đẹp được chuyền tay giữa những bậc quyền thế từ thời này sang thời khác để cung phụng họ, để chịu sự hiếp đáp của họ. Nếu tôi không nhầm, Tư Mã Thiên là vị sử gia đã bị vua Cao Tổ nhà Hán sai thiến mất cái ‘’của quý’’ chỉ vì muốn nói lên sự thật lịch sử. Song sự thật lịch sử là gì? Sự thật lịch sử là một quả bóng tròn: mỗi người chỉ nhìn được một phía. Sử gia Fustel de CoulangesẠ còn ví Lịch sử như là một tòa nhà Quốc Hội lập pháp, cũng có phe trái, phe phải, phe trung dung, phe nào cũng tự cho mình là đúng cả. Do đó mới phát sinh ra bộ môn khảo sử (critique historique), khiến những tác phẩm sử học thời nay dần dần bị lệ thuộc vào một bộ môn gọi là khảo sử với những phân khoa phụ trợ (sciences auxiliaires) như cổ triện học, sigillographie, giám nghiệm ngữ, herméneutiqueẠ, ngôn chủng học, glotto-ethnologie v.v.
Nhân đọc tác phẩm Thuyền Ai Đợi Bến Vân Lâu, tôi xin phân tích kỹ thuật khảo sử từ những dữ kiện và sự kiện mà tác giả lần lượt trình bày trong 25 tập chuyên đề sử học trong cuốn sách này. Tác giả muốn trình bày những dữ kiện và sự kiện lịch sử liên hệ đến ba thời kỳ: cận đại, từ triều Minh Mạng đến cuối thời ‘’tứ nguyệt tam vương’’(1820-1884), hiện đại từ ngày vua Hàm Nghi bị bắt đến suốt thời kỳ đô hộ Pháp(1985-1945), và đương đại, từ 1945 cho đến nay. Một ít tài liệu liên hệ đến nhiều thời được xen kẽ vào đấy khiến một số người đọc cho rằng cái tít cuốn sách không mấy liên hệ đến nội dung của nó. Còn xét về giá trị trung thực của những tài liệu được trích dẫn và những lời phê phán của tác giả thì, đúng hay sai, đấy là quyền thẩm xét của mỗi người. Đây tôi chỉ xin trình bày vắn tắt, ngắn gọn về ba điểm liên hệ đến kỹ thuật khảo sử trong tác phẩm:
- điểm một, về vấn đề nhân chứng lịch sử,
- điểm hai, về vấn đề sử liệu,
- điểm ba, về vấn đề giải sử.
Điểm I - Môn khảo sử đặc biệt chú trọng đến thân thế và tư cách của các chứng nhân. Khoa sử học không phải là một khoa kọc chính xác (science exacte), tuy nhiên nó cũng đòi hỏi một vài điều kiện tiên quyết để được công nhận là một công trình khoa học. Hai điều kiện căn bản của khoa sử học là sự chính thực, authenticité, và sự trung thực, véracité. Muốn sử dụng một nhân chứng làm nền tảng khoa học cho một vấn đề, nhân chứng ấy phải là một nhân chứng chính thực, và trung thực. Mỗi nhân chứng là một con người đã từng sống trong một môi trường sinh hoạt dị biệt, trong một bối cảnh chính trị, xã hội, văn hóa thuộc thời điểm của lời chứng: đấy là những thành tố thiết cốt nhằm thể hiện cái bản chất chính thực của chứng nhân và trung thực của lời chứng. Về điểm này tác gỉa đã đặt mình vào một ưu thế đặc biệt: người là một nhân chứng gián tiếp, vì là con, là cháu, là đệ tử của những nhân vật chính trong các sự kiện đã xảy ra từ thời kỳ ’tứ nguyệt tam vương’’ đến bây giờ (trang11-26.27-43, tr,73-83). Tác giả lại còn là nhân chứng trực tiếp trong một vài giai thoại thuộc thời kỳ đương đại này nữa. Tác giả có ghi lại một vài lời chứng như là những mảnh hồn linh thiêng hiện về, thí dụ như lời trối của ông Trần Cao Vân nhờ đao phủ chuyển đến thượng thư Hồ Đắc Trung ở trang 15 chẳng hạn. Đấy vốn là những đặc trưng của các chuyên đề sử học (monographies historiques), ghi lại những lời trao đổi giữa các đối tác nhằm linh động hóa những trang sử được tăng bổ. Trong cuốn sách này, mối liên hệ đặc biệt giữa gia quyến tác giả với tòa nhà Phu Văn Lâu khiến nhan đề Thuyền Ai Đợi Bến Vân Lâu, với câu hò:’’ Chiều chiều trước bến Vân Lâu...’’ gợi một nét chấm phá trên biểu đề của tác phẩm (tr.17). Ngoài ra, việc đề cao mối liên hệ thân thuộc giữa các cụ Võ Bá Hạp, Tăng Bạt Hổ, Võ Như Nguyện với gia đình tác giả đã gây một tác dụng là đưa tác giả từ vị thế một người biên khảo đến vai trò của một chứng nhân (tr. 31-77).
Điểm 2 - Xét về sử liệu, tác giả đã đưa ra một số dữ kiện cần được đối chiếu và phân định nguồn gốc theo phương pháp giám định tài liệu gốc (critique des sources), thí dụ như lời đối đáp giữa cụ Nguyễn Hữu Bài và vua Duy Tân (tr.24), như những mối liên hệ trong các tổ chức bài Pháp qua các phong trào Cần Vương, Đông du v.v. như giai thoại tiếp xúc giữa các cụ Võ Bá Hạp, Võ Như Nguyện và Nguyễn Sanh Huy, bố của ông Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh (tr.76-77). Khối sử liệu được sưu tập ngày qua ngày có thể hình dung như một khối tuyết còn tươi non mà trẻ nít lăn cuốn theo triền núi: càng lăn cuốn thì khối tuyết lại càng lớn dần, lớn mãi. Khối sử liệu càng lớn lên bao nhiêu thì sự thật lịch sử lại càng rạng tỏ ra bấy nhiêu. Một đặc điểm khác của khối tuyết là sự trong sáng và trong suốt của nó: những sử liệu được chồng chất, gom góp cũng phải được trong sáng, phát xuất tự nguyên tác (oeuvre de première main), chứ không phải là những tài liệu đã được cóp nhặt sao chép; tài liệu lại còn phải được trong suốt, nghĩa là phải rõ nghĩa, phải minh bạch, không mơ hồ, dị nghĩa. Khi sự thật lịch sử đã được gọi là rạng tỏ thì đã đến giai đoạn thực hiện một công trình gọi là giải sử (histoire explicative).
Điểm 3 - Giai đoạn giải sử. Tại đây có sự phân biệt hai loại sử liệu: thuật sử (histoire événémentielle), tức là thuật lại những sự việc như đã xảy ra, và giải sử, tức là giải đáp những thắc mắc do tiến trình sự việc đặt ra, tức là tìm lối giải thích từ duyên do (causes) đi dần đến hệ quả (effets) để trả lời câu tại sao một sự việc lại đã xảy ra như thế. Ỏ giai đoạn này chúng ta bước vào tiến trình gọi là sử học diễn giải (histoire explicative). Phần này đòi hỏi nhiều thời gian trình bày. Đây tôi chỉ xin nêu lên một vài nét đại cương, bằng vào một thí dụ điển hình là cuộc tranh luận giữa tác giả và một nhân vật mang bút hiệu Triệu Vân trên báo Người Việt về tung tích ông Nguyễn Văn Tường (xin xem trang 299 tth). Câu hỏi được đặt ra là liệu ông Nguyễn Văn Tường có thật là con của vuaThiệu trị hay không? Một đàng dựa vào lời chứng của học giả T.S. Thái Văn Kiểm để cho rằng Nguyễn Văn Tường là người con riêng vua Thiệu Trị, đàng kia dựa vào phương pháp giải sử có vẻ nghiêm túc nhằm phủ nhận sự kiện đó. Đọc đến trang 299 tôi đã bắt ngay điện thoại nói chuyện với cụ Thái Văn Kiểm bên Paris, xin cụ xác nhận điều cụ đã nói. Cụ Thái Văn Kiểm bảo: ‘’đấy chỉ là một lời đồn đại, phải được dùng với tất cả dè dặt.‘’une rumeur à prendre sous toutes réserves’’. Như thế cụ Thái Văn Kiểm không kể sự việc đó như là một dữ kiện lịch sử. Cũng vì thế, giữa hai đối tác trên đây đã có một sự ngộ nhận về hai chữ dữ kiện và sự kiện. Dữ kiện lịch sử tiên khởi là một lời truyền khẩu (tradition orale) đã được viết thành văn và lưu truyền dưới dạng tài liệu biên khảo, tiếng Anh gọi là data, tiếng Pháp, données. Những lời đồn đại, rumeurs, nếu có được ghi chép thường là không biết xuất xứ từ đâu. Vì có xuất xứ thì đã trở thành dữ kiện lịch sử rồi. Còn sự kiện lịch sử là những sự việc đã xảy ra và đã được có người nhìn thấy tận mắt (témoins oculaires). Dữ kiện lịch sử là sự thật lịch sử được nhìn thấy qua lăng kính của các sử liệu, và đây, mỗi người có thể có một cái nhìn khác nhau. Thí dụ: dưới mắt nhà khảo sử, Đức Giêsu hay Đức Phật là những dữ kiện lịch sử. Còn sự kiện lịch sử là sự thật lịch sử đã được nhiều người đương thời chứng kiến, nên được gọi là bằng chứng rõ ràng (evidence). Thí dụ: cuộc thảm sát tết Mậu Thân là một sự kiện lịch sử. Do sự nhầm lẫn giữa dữ kiện và sự kiện mà trên báo chí, giữa người Việt, đã xảy ra những vụ đả kích nhau vì thiếu sự đắn đo, so sánh, và nhất là thiếu một cái nhìn chính xác và quảng đại qua các tài liệu lịch sử được truy cứu. Não trạng của người Việt Nam nói chung là một khi cảm nhận điều này là đúng thì kết luận ngay rằng những điều nói ngược lại là sai cả. Tôi đã có dịp nghe những câu, phát xuất từ miệng những người mà tôi vốn trân trọng như là: ‘’ Anh đọc cuốn sách ấy làm chi cho mất thời giờ... đọc bài báo ấy làm gì cho mệt óc. Đấy là một con số không, nên bỏ qua đi v.v’’ Tôi xin thưa lại rằng: sự phán đoán hư thực về bất cứ một việc gì là quyền của tôi, và đấy hoàn toàn là những phán quyết cá nhân cả, nó hoàn toàn lệ thuộc vào nhãn quan và khả năng suy tư của mỗi người. Tại đây, không biết chừng ai đã hơn ai, nhưng điều chắc chắn là, như triết gia Descartes nói: ‘’lương thức (le bon sens, common sense) là cái vốn trí tuệ được chia đều nhất trong thiên hạ’’, le bon sens est la chose du monde la mieux partagée.
Loài người là con vật có trí tuệ, l’homme est un animal raisonable; loài người cũng là con vật xã hội, l’homme est un animal social: hai định nghĩa này tùy thuộc lối cư xử của con người đối với nhau. Lại còn một định nghĩa thứ ba nữa: loài người là con vật lịch sử: l’homme est un animal historique. Con voi, con kiến không có lịch sử. Chỉ có con người mới có khả năng làm lịch sử, và mỗi người chỉ có thể làm sử, viết sử, hay đọc sử cho chính bản thân mình mà thôi. Thật ra mọi người đều lấy mình làm trọng tâm của lịch sử. Và khi mình đã dày công viết sử, tuy là một công trình biên khảo có bản chất chuyên đề sử học (monographie historique) thì vẫn muốn cho mọi người chấp nhận sự thật lịch sử do mình khám phá ra. Vậy tác dụng của 25 cái chuyên đề sử học gồm trong 557 trang của cuốn sách Thuyền Ai Đợi Bến Vân Lâu là một cái nhìn về lịch sử Việt Nam qua nhãn quan của vị giáo sư sử học Nguyễn Lý Tưởng. Điều mới mẻ mà cuốn sách này đã mang lại cho tôi là nó đã đặt cho tôi một số câu hỏi, mà lời giải đáp sẽ do chính tôi tìm thấy và sẽ mang lại cho tôi nhiều thành tố nhằm điều chỉnh lại cái nhìn của chính tôi về mọi sự việc đã xảy ra mà tôi biết. Do đó, từ 25 chuyên đề cô đọng trong cuốn cách này, sẽ phát xuất 25 cuốn sách thuộc loại lịch sử chuyên đề khác, mà mỗi cuốn sẽ cũng có thể dày đến trên dưới 500 trang. Đấy là những chiếc đũa bếp của những vị khảo sử mà tôi xin ví như những người đầu bếp của lịch sử Việt Nam. Những vị sử gia đầu bếp này đang làm, hoặc là sẽ làm, những công việc khả trọng, để mỗi một con người có thể khai phá kiến thức của mình trong mọi lĩnh vực. Nói đến Việt Nam, nhờ những tác phẩm lịch sử chuyên đề do vị này hoặc vị kia sáng tác giúp chúng ta có khả năng tự giải phóng cho bản thân mình khỏi sự kềm hảm của những cuốn Việt sử lược bị các chế độ áp đặt từ mấy thế kỷ qua, để con người tự do của chúng ta có được một cái nhìn trung thực theo nhãn quan của chính mình mà tôi.