“Gạn đục khơi trong” trước toàn cầu hóa

GM. Nguyễn Thái Hợp

 “Gạn đục khơi trong” trước toàn cầu hóa[1]

Bài đăng ở tập san Định Hướng
Nhân loại vừa bước vào thế kỷ XXI, một thế kỷ được mệnh danh là kỷ nguyên của toàn cầu hóa hay thời đại của văn minh trí tuệ. Mặc dầu chưa có sự đồng thuận về ý nghĩa và giá trị của toàn cầu hóa, nhưng không ai có thể phủ nhận sự hiện hữu và tầm quan trọng của nó. Đây là một tiến trình lịch sử đa dạng, phong phú, phức tạp và chưa hoàn thành. Nhưng nó là một tiến trình bất khả phục hồi và đang biến đổi sâu rộng không những mô hình kinh tế, cơ cấu chính trị, tổ chức xã hội, mà ngay chính cuộc sống và tất cả bộ mặt của thế giới.
 
Đối diện với “cuộc chơi” và “cuộc chiến” gay gắt của kinh tế toàn cầu này, châm ngôn “biết mình biết người” trở thành một điều kiện cần thiết để tăng thêm phần thắng và để giảm thiểu “cái mất”. Chắc chắn không thể chủ trương “bế quan tỏa cảng”, khước từ hội nhập, nhưng cũng không thể ngây thơ hoàn toàn thụ động chấp nhận luật chơi đã có sẵn, mà cần chủ động tham gia để bổ sung luật chơi đó và nhất là để nhận diện những ưu điểm cũng như những mặt yếu kém của con người Việt Nam trước thách đố toàn cầu hóa. Chính trong ý nghĩa đó vấn đề “gạn đục khơi trong” được đặt ra một cách khẩn thiết.

1-    Toàn cầu hóa: cái được và cái mất
Dù chấp nhận hay chống đối, toàn cầu hoá đã là một hiện tượng. Đây là một kỷ nguyên mới của lịch sử nhân loại, được xây dựng trên mối tương quan chồng chéo, đồng phụ thuộc, hỗ tương và cạnh tranh nhau giữa các nước, cũng như các khu vực. Đây là một tiến trình tổng quát “kết hợp không những kinh tế, mà cả văn hóa, kỹ thuật và quản trị. Khắp nơi các cá nhân được nối kết nhiều hơn và bị ảnh hưởng bởi các biến cố toàn cầu cho dù ở nơi tận cùng góc bể nào. Khủng hoảng tài chánh của Thái Lan, ở Đông Nam Á, đã làm cho hàng triệu người thất nghiệp, hậu qủa của việc giảm cầu trên thế giới cũng kéo việc theo giảm đầu tư vào quỹ xã hội ở Mỹ châu La tinh và tăng một cách bất ngờ giá dược phẩm nhập cảng ở Phi châu”[2].
Với tiến trình toàn cầu hoá, nhân loại đang tiến sang giai đoạn hậu công nghiệp, mà có người gọi nền văn minh trí tuệ hay kinh tế tri thức. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu gay go này, thương trường chính là chiến trường: “Sáng tạo sẽ thay thế truyền thống. Hiện tại và có lẽ tương lai sẽ thay thế quá khứ. Không có gì quan trọng bằng những điều sắp xảy ra, và liệu những điều đó có xảy ra hay không lại tùy thuộc vào khả năng có thể đảo ngược được những gì hiện có”. Thomas L. Friedman có lý để ví nó như “môn chạy nước rút 100 mét, liên tiếp, không ngừng nghỉ. Dù bạn thắng trong ngày hôm nay thì bạn phải đua tiếp vào ngày mai. Và nếu bạn chỉ thua trong một phần trăm giây thì cũng tồi tệ như bạn đã bị chậm mất cả một giờ vậy”[3]. Hơn nữa, trong cuộc chiến nghiệt ngã này, bạn cũng như thù có thể trở thành đối thủ cạnh tranh và đồng minh trong trận này lại có thể biến thành đối thủ trong trận khác.
Yếu tố quyết định của cuộc chạy đua này là chất xám, khả năng sáng tạo và trình độ kỹ thuật của một nước. Hàm lượng về vật chất như năng lượng, nguyên liệu thiên nhiên, thiết bị máy móc, vốn và lao động cơ bắp trong mỗi sản phẩm ngày càng giảm thiểu, nhưng ngược lại thông tin và hàm lượng trí tuệ sẽ gia tăng. Sự thành công trong xã hội tương lai phụ thuộc rất nhiều ở nguồn nhân lực sáng tạo, yếu tố quản trị, khả năng nắm bắt cái mới, quyết định lựa chọn đúng đắn và triển khai cụ thể cho từng lãnh vực phát triển. Người thắng cuộc trong thế kỷ XXI sẽ là người có khả năng phản ứng nhanh, chuyển hướng đúng trong một miền đất đầy trắc trở, phát hiện những chân trời mới và can đảm dấn thân vào những vùng đất chưa ai khám phá.
Ngân hàng Thế giới cũng công nhận “kiến thức là nhân tố chủ động trong công cuộc phát triển cũng như trong mọi lãnh vực: thiếu nó chúng ta sẽ không thể làm được gì. Nói một cách giản dị, để sinh sống chúng ta phải biến đổi tài nguyên sẵn có thành những đồ vật mà chúng ta cần, và để thực hiện điều đó đòi hỏi phải có kiến thức. Nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày mai hơn ngày hôm nay, nếu chúng ta muốn nâng cao mức sống của riêng mình, cũng như của gia đình hay quốc gia – tình trạng sức khỏe khả quan hơn, con cái có một nền giáo dục tốt hơn và môi sinh được bảo vệ tốt hơn – chúng ta không thể chỉ bằng lòng với việc biến đổi nhiều tài nguyên hơn nữa, bởi vì tài nguyên thiên nhiên luôn thiếu hụt. Chúng ta phải sử dụng chúng làm sao để lao động và đầu tư của chúng ta mỗi ngày tăng năng xuất”[4].

Khách quan mà nói, toàn cầu hóa đã góp phần tích cực trong việc tăng trưởng kinh tế và khả năng giúp các nước nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Lầu tiên trong lịch sử, nhờ toàn cầu hóa, một số nước có khả năng thỏa mãn nhu cầu vật chất của người dân và đã có thể mơ tưởng đến một tưông lai sung túc hơn trong một tưông lai không xa lắm. Những tiến triển của kỹ thuật thông tin đã cống hiến cho nhân loại tiềm năng không thể tưởng tượng được trong việc sử dụng lượng thông tin khổng lồ, chế tạo thông tin, đưa thông tin tới bất cứ chân trời góc bể nào và nhất là áp dụng thông tin vào sản xuất.
Việc nối kết giữa thị trường tài chánh quốc tế với việc thay đổi chính sách vĩ mô mang đến những thay đổi lớn về cơ cấu kinh tế, cho phép vốn tư nhân dễ dàng chảy vào các nước đang phát triển. Đây là một cơ hội tốt để đẩy mạnh phát triển kinh tế mà những cố gắng cổ điển về liên đới đã không đem lại kết quả mong muốn. Nếu trong thế kỷ XVIII, tăng trưởng kinh tế thế giới tính trung bình chỉ có 0,5%, sang thế kỷ XIX con số đó đã tăng lên 1%, vào tiền bán của thế kỷ XX mức độ tăng trưởng nói trên là 2% và trong mấy thập niên cuối cùng đã lên khoảng hơn 3,5% - 4%.
Theo “Báo cáo về phát triển con người” của Chương trình Phát triển Liên-hiệp-quốc, trong 50 năm cuối cùng của thế kỷ XX, nghèo đói đã giảm nhiều hơn so với trong 500 năm trước đây. Chỉ số của phát triển con người tăng trưởng mạnh trong các thập niên cuối cùng. Nơi các nước đang phát triển, kể từ năm 1960, tỉ lệ tử vong của trẻ em đã giảm khoảng 10 lần; tỉ lệ thiếu dinh dưỡng giảm thiểu ít nhất một phần ba; tỉ số các trẻ em bị loại khỏi trường tiểu học giảm từ một nửa xuống một phần tư và con số các gia đình nông thôn không có nước uống đã giảm từ 90% xuống một phần tư. Cách đây hơn 10 năm, trong số 10 người Á châu thì có tới 6 người sống dưới mức  nghèo đói, đầu thế kỷ 21 con số đó giảm xuống còn 2 người[5].
Khi điểm lại những thành tựu khoa học mà nhân loại đã gặt hái trong thập niên vừa qua, các chuyên gia đã công nhận: mười năm qua nhân loại đã bước một bước dài hơn tất cả các thế kỷ trước đây. Những thành tựu diệu kỳ trong lãnh vực thiên văn học, khoa học kỹ thuật và thông tin cho thấy kiến thức nhân loại trong thập niên vừa qua tăng theo cấp số nhân, bằng tổng số kiến thức nhân loại trong 5.000 năm trước cộng lại (bản đồ gen, thụ thai vô tính, công nghệ thông tin vươn tới tầm mức toàn cầu, tính tuổi vũ trụ ...).

Dĩ nhiên, cũng như tất cả các hiện tượng và công trình khác của con người, toàn cầu hóa chẳng hoàn hảo gì và cũng không phải là một hiện tượng trung tính vô hại. Trái lại, nó đang gây nhiều căng thẳng, thiệt thòi và nguy hại cho những người nghèo và những người bị thua thiệt. Đối với nhiều người hôm nay, đây là một hệ thống xem ra họat động tốt trong lãnh vực sản xuất, công nghệ thông tin và dịch vụ, nhưng lại quá nghiệt ngã, vô tâm và tàn nhẫn đối với con người. Nó đang làm giàu cho những người giàu và những người có trình độ cao, nhưng lại làm suy giảm một cách đáng lo ngại mức sống của những người nghèo và những người bị loại trừ.
Một câu hỏi day dứt thường được nêu lên : Tại sao bất chấp việc tăng trưởng kinh tế và mậu dịch, vẫn không tăng việc làm và không cải thiện điều kiện sống của người nghèo ? Phải chăng chúng ta đang sống trong một tình trạng kỳ lạ mà Ralf Dahrendorf gọi một cách mỉa mai : “Vĩ mô thành công và vi mô khốn cùng” ?
Chúng ta phải làm gì để giảm thiểu tính tàn bạo của toàn cầu hóa? Chẳng dễ gì đưa ra một câu trả lời nhất quán và khả thi. Điều chúng ta biết chắc là những khuyết tật của toàn cầu hóa chỉ được giảm thiểu từ bên trong tiến trình của nó và tất cả thái độ cự tuyệt toàn cầu hóa, chối từ hội nhập chỉ dẫn đến chỗ mất mát và tụt hậu. Tuy nhiên, chúng ta không thể không đấu tranh chống lại những khuyết tật của mô hình toàn cầu hóa hiện nay như không quan tâm đúng mức về con người và xã hội, đặt lợi nhuận trên con người, bất quân bình trong việc phân phối lợi tức...
2-         Việt Nam đối diện với Toàn cầu hóa

Trong mấy thập niên vừa qua, xác định bản sắc văn hóa dân tộc trở thành nỗi băn khoăn dai dẳng của những nhà ý thức hệ Việt Nam[6]. Nhưng khi phải xác định bản sắc đáng tự hào đó là gì, thì hầu như vẫn chỉ bằng lòng với những quan niệm chung chung như yêu nước, thương nòi, nhân ái, cần cù, lạc quan, thiết thực, mềm dẻo, kín đáo, tế nhị... Đối chiếu với miền Bắc du mục, lạnh lẽo, cứng cỏi... thì ta miền Nam nông nghiệp khuynh hướng hài hòa, nghiêng về âm tính, tình cảm, ấm áp, du di ...
Chúng tôi không có chủ ý tham gia cuộc thảo luận về dân tộc học này. Có điều là cho dù chấp nhận những giả thiết vềø niềm tự hào hay bản sắc dân tộc đi chăng nữa thì bên cạnh những giá trị và di sản tốt đẹp, đáng tự hào của dân tộc, mà nhiều người đã nhiệt liệt ca ngợi như quốc hồn, quốc túy, còn có một số thói quen tiêu cực, tập quán, nếp nghĩ, lối sống, lề lối làm việc, cách ứng xử... bắt nguồn nơi xã hội nông nghiệp hay được hình thành trong thời bao cấp ... đang trở thành sức ỳ và sức cản bước tiến của dân tộc. Cần nhìn rà soát lại khía cạnh tiêu cực trong gia tài quá khứ đó.
Hồi đầu thế kỷ 20, Lỗ Tấn đã can đảm giải phẫu và chữa bệnh cho dân tộc Trung Hoa. Một số người cũng đề nghị nên làm một cuộc giải phẫu tương tự cho dân tộc Việt Nam chúng ta, vì một dân tộc biết tự phê phán mình, tự mổ xẻ mình để vượt lên, sẽ là  dân tộc mạnh. Trái lại, một dân tộc chỉ biết tự ngắm nghía, tự huyễn hoặc mình, sẽ dân tộc yếu.    
Thời bao cấp, chẳng hạn, vì quá đề cao xã hội tính và tập thể tính của con người đến độ lãng quên hay, tệ hơn nữa, phủ nhận nét độc đáo của mỗi nhân vị, vô hình trung đã đi đến chỗ đoàn ngũ hóa và đoàn lũ hóa con người bằng các đoàn thể, phong trào, những cuộc thi đua, bình bầu, xếp hạng, khen thưởng, đạt thành tích … Con người được dựng nên từ những phong trào thi đua và tìm niềm hăng say phấn khởi trong bầu không khí thi đua, chạy theo thành tích, chạy theo đám đông … thì chỉ tìm cách khẳng định mình bằng những thành tích được khen thưởng đó, chứ không xây dựng trên một nhân vị tự tại, tự lập, có trách nhiệm và sáng tạo.
Hôm nay mọi người đều biết rằng “môi trường tập thể đó” ít tạo nên những con người có nội lực, có bản lãnh, biết khẳng định mình bằng tài năng và sáng tạo. Nhiều người đã nhận ra lỗ hổng của một nền giáo dục rập khuôn, giáo điều, chạy theo thành tích, đặt hồng trên chuyên và tập thể trên cá nhân. Giáo sư Trần Đình Hượu nhận định : Ngày xưa, “khi nói đến xây dựng con người mới, ta thường nhấn mạnh yêu nước, giác ngộ chủ nghĩa xã hội, học hỏi khoa học kỹ thuật, biết vì mọi người, dám nghĩ dám làm, sáng tạo, kỷ luật,… Nhưng để là những con người như thế, trước hết họ phải là “con người”, phải là những cá nhân, những công dân có nhân cách độc lập, tự lập, có trách nhiệm và chịu trách nhiệm”[7].
Không riêng gì thời bao cấp, mà ngay cả trong truyền thống văn hóa Việt Nam cũng hàm chưa một số nhược điểm cần được khắc phục. Hơn 50 năm về trước, học giả Đào Duy Anh đã nhận định về con người Việt Nam như sau: “Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay ít thấy có người trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học (...). Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hóa thì rất tài”[8].
Ngay từ đầu thập niên 40, nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên đã viết những dòng sâu sắc mà vẫn còn âm hưởng đến hôm nay: “Nếu như xưa kia ở Việt Nam có một kỷ luật tinh thần, thì lại chưa hề có một nền giáo dục liên tục, một sự phát triển liên tục việc trau dồi trí tuệ. Người ta đưa quá nhiều vào trí nhớ của trẻ em, điều đó làm thui chột một số năng lực não bộ của người Việt, óc suy diễn, rất cần thiết cho nghiên cứu khoa học, chưa bao giờ được phát triển một cách có hệ thống.
Thành ra ở người Việt có sự lười biếng về trí óc, có xu hướng dễ dàng chấp nhận hết thảy và bắt chước hết thảy. Nhà Nho xưa kia, ra làm quan sau khi học nhiều kinh sách chất đầy trí nhớ, phần lớn chẳng còn nghĩ đến sự trau dồi trí tuệ nữa. Họ già trước tuổi. Hoặc là, họ can đảm chịu nhẫn nhục để khỏi bị một ai đó ganh tị mà kiếm chuyện lôi thôi. Hoặc là, họ sa đà vào một thú chơi ngông, đôi khi cũng tinh tế đấy, nhưng dễ làm cạn kiệt đi ở nòi giống cái năng lực phát minh hoặc thậm chí năng lực lập luận khoa học”[9].
 Nhìn chung, văn hóa truyền thống của chúng ta đã xây dựng trên cơ sở xã hội nông nghiệp, cho nên nếp nghĩ, cách sống và đường lối xử thế mang nhiều nét đặc trưng của môi trường và sinh họat nông nghiệp. Sự gắn bó mật thiết với thiên nhiên và nếp sống hài hòa luôn được đặt nổi : lấy tình làm gốc, tình nặng hơn lý, dĩ hòa vi quí, đại khái, du di linh động, xuề xòa dễ dãi, chín bỏ làm mười, một sự nhịn chín sự lành, trên kính dưới nhường, không vạch áo cho người xem lưng, lá lành đùm lá rách, giấy rách giữ lấy lề, cố gắng đóng cửa bảo nhau...
Tất cả biểu lộ một lối sống và một tấm lòng khoan nhượng, nhu hòa, nhẫn nhịn, thiên về xu hướng ổn định. Khuynh hướng hài hòa này biểu lộ rõ rệt qua lối sống tình cảm, mềm dẻo, tế nhị, kín đáo, du di, tương đối... Nhưng hoa hồng nào mà chẳng có gai và mề đay nào mà không có mặt trái của nó. Nhược điểm cố hữu của nó là thói cào bằng, gia đình chủ nghĩa, bệnh ỷ lại, tùy tiện, xuề xòa, đại khái, lờ mờ, thiếu tính khách quan và chính xác. Thành ra, “thương thì thương cả đường đi”, mà một khi đã “ghét thì ghét cả tông ti họ hàng”, hoặc “thương thì trái ấu cũng tròn, ghét thì trái bồ hòn cũng méo”.
Không ai phủ nhận giá trị của tình liên đới trong làng – họ ngày xưa, nhưng tính cộng đồng theo lối “khép kín sau lũy tre làng” nhiều lần cũng dẫn đến thói “đố kị cào bằng”, với chủ trương tai hại “xấu đều hơn tốt lỏi” hay “khôn độc không bằng ngốc đàn”. Trong rất nhiều trường hợp tình gia tộc đã biến thành một thứ tình cảm ích kỷ, khép kín, còn tình liên đới làng xóm trở thành óc địa phương. Cung cách quan hệ này cũng thường biểu lộ một tâm thức chủ quan, hẹp hòi, thiển cận, thiếu tự lập, nghèo nàn về nhận thức và về sáng tạo.
Cũng chính bối cảnh kinh tế nông nghiệp, tình trạng chậm tiến và hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt đã tạo ra cách làm và nếp nghĩ lấy sự sinh tồn làm cốt yếu. Thôi thì nhẫn nhục chịu đựng, du di đại khái, chín bỏ làm mười... miễn sao sống sót hay tai qua nạn khỏi là được. Cái sức nặng của “đất lề, quê thói” và cái vòng kiềm tỏa của hệ tư tưởng Nho gia “Kế, Thuật, Vô cải” (nối tiếp, làm theo, không thay đổi) đã làm cho xã hội chúng ta không thể tiến lên được. Hoàn cảnh mới của đất nước đòi hỏi phải đổi mới cái đầu, đổi mới tư duy và biết gạn đục khơi trong: “Bản chất của vấn đề là ở chỗ phải làm sao để tạo ra trong xã hội một lối tư duy đúng là sáng tạo, không bắt chước, chắp vá, một kiểu nghĩ, kiểu làm đâu ra đấy, đòi hỏi sự triệt để, nhất quán, dài hơi, làm cái gì cũng phải chuyên, phải sâu, theo đuổi đến cùng, tránh “ăn xổi ở thì”, mỗi thứ làm một chút, cái gì cũng làm được mà thật ra không làm được cái gì cho ra hồn. Kết quả là trong khoa học ít có chuyên gia thật sâu, ít có những tác phẩm, công trình lớn có tầm cỡ quốc tế. Tình trạng thợ không ra thợ, thầy không ra thầy hiện nay phổ biến cũng là vì vậy. Trong bố trí cán bộ cũng thế, có người nay làm thủ trưởng ở cơ quan này, mai chuyển sang cơ quan khác, hình như bộ nào, ngành nào cũng lãnh đạo được. Cái lối nghĩ, lối làm ăn không ra tấm ra miếng như vậy hiện nay rất phổ biến. Nếu không khắc phục tôi e rằng mình khó làm được gì lớn cho đến nơi đến chốn, khó tiến nhanh được”[10].
Nói rõ hơn, một mặt cần phải vượt qua cái tâm lý thích an cư lạc nghiệp và ngại thay  đổi của “con người tiểu nông”; mặt khác, cần khắc phục nhược điểm của “con người tiểu kỷ”, dựa dẫm, tùy tiện, xuề xoà, phụ thuộc, ỷ lại, cam chịu, chu chu chăm chắm lo vun vén chút ít cho cái tôi nhỏ bé, để xây dựng một nhân cách tự lập, có sáng kiến, biết lãnh trách nhiệm, tự trọng và biết tôn trọng người khác. Hơn bao giờ hết, cần tạo cơ hội để giúp mọi người phát triển tài năng cá nhân, lòng chân thành, tính năng động và óc sáng tạo.
Có lẽ trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng mấy ngàn năm của dân tộc chưa có giai đoạn nào vừa oai hùng, vừa tang thương bi thảm như trong mấy thập niên vừa qua. Câu hỏi nhức nhối được nhiều người nêu lên và hầu như chưa tìm ra lời giải thỏa đáng: Tại sao một dân tộc có truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm lại rất khó hợp tác với nhau để thực hiện mục tiêu dân giàu nước mạnh? Tại sao một dân tộc đã anh dũng đánh bại tất cả những mưu đồ xâm lược đến từ bên ngoài, nhưng xem ra lại quá nhẫn nhục trong thời bình và hơn nữa bướùc đi quá khó nhọc trên con đường công nghiệp hóa? Tính cách nào mang lại cho dân tộc Việt Nam một sức sống mãnh liệt đến thế, để vẫn tồn tại, vẫn chiến đấu và chiến thắng qua mọi cuộc xâm lăng bạo tàn ?... Nhưng tính cách nào đã có, đang có “trong ta”, để trở thành một lực cản, một sự níu kéo, làm ta bước khó khăn hơn trên con đường hiện đại hóa và công nghiệp hóa đất nước?
Bối cảnh tranh tối tranh sáng đó đã gây hoang mang và đặt ra nhiều nghi vấn về giá trị truyền thống. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần sáng suốt thấy được cái mạnh và cái yếu của truyền thống : trở về nguồn văn hóa dân tộc để kín múc dòng nước nguyên thủy của tổ tiên, nhưng đồng thời can đảm “gạn đục khơi trong” để giữ gìn và phát huy phần tinh hoa, rồi thích ứng nó với hoàn cảnh mới của thời đại. Làm sao duy trì được nét đẹp hôm xưa, mà đồng thời cũng không quên những đòi hỏi về tính khách quan, tính khế ước, thái độ công bằng, giá trị đạo đức và tinh thần sáng tạo của thời đại toàn cầu hóa ?
3-         Vai trò của doanh nhân
Xã hội truyền thống Việt Nam xây dựng trên nền tảng “nông vi bản”, chỉ sống bằng tô thuế, chứ không chú trọng đến sản xuất và kinh doanh. Trong hệ thống giá trị của xã hội “trọng nông ức thương” ngày xưa thì doanh nhân không những bị xếp ở cuối bảng, mà còn bị pháp luật ức chế và xã hội khinh bỉ[11]. Doanh nhân bị miệt thị là “bọn con buôn”. Dưới thời bao cấp, “bọn con buôn” này còn bị hạ giá hơn nữa để biến thành “lũ con phe”, thuộc giai cấp tư sản, bị xóa bỏ bằng “cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh”. Nhiều lần họ bị quy trách về tình trạng bất công, nghèo đói và lạc hậu của đất nước. Nhưng lịch sử đã sang trang.  Các doanh nhân và doanh nghiệp đang giữ vai trò chủ động trong công cuộc phát triển đất nước. 

Ngay từ thập niên 30’, giáo sư Joseph Schumpeter đã đưa ra một phân biệt nền tảng giữa phát minh khoa học và canh tân kỹ thuật. Theo ông, phát minh khoa học thuộc lãnh vực lý thuyết và rất có thể muôn đời vẫn tồn tại ở dạng lý thuyết đó, trong khi đó canh tân kỹ thuật là một hiện tượng kinh tế – kỹ thuật, chủ yếu áp dụng phát minh khoa học vào thực tại cuộc sống để đưa ra những phương pháp, dụng cụ, máy móc và mô hình sản xuất độc đáo. Theo định nghĩa, mỗi một canh tân kỹ thuật là một “đứt quãng – tiếp nối”: vừa tiếp nối những thành tựu trong quá khứ, vừa triệt để vượt qua những mô hình cũ để đưa ra một thay đổi quan trọng trong hệ thống kinh tế nói riêng và đời sống nhân loại nói chung.
Nhờ canh tân kỹ thuật, các xí nghiệp cải tiến những sản phẩm cũ hoặc chế tạo những sản phẩm mới, tốt hơn và rẻ hơn. Tiến trình canh tân kỹ thuật này mang tính bất khả phục hồi và được bổ túc, kiện toàn với thời gian. Tuy nhiên kinh nghiệm cũng cho thấy đây không phải luôn là một tiến trình xuôi xắn và thẳng tắp, trái lại luôn gặp những bất trắc. Mọi người đều biết rõ, bên cạnh những doanh nghiệp thành công, có rất nhiều doanh nhân đã phải trắng tay và phải làm lại cuộc đời nhiều lần. Nhưng từ đống tro tàn của những thất bại hoặc đổ vỡ, sẽ nảy sinh một canh tân độc đáo khác.
Dưới cặp mắt của Schumpeter, “mỗi một canh tân kỹ thuật khởi đi từ những điều kiện khác hẳn và trong một mức độ nào đó, nó là tác phẩm của những con người mới. Nhiều hy vọng và giá trị cũ hoàn toàn bị phá huỷ để nhường chỗ cho những cái mới”. Ông diễn tả hiện tượng này bằng một diễn ngữ có vẻ nghịch lý : “Phá huỷ  sáng tạo”, hủy bỏ cái cũ để khai mở một con đường mới hữu hiệu và tối tân hơn.  

Đã hẳn, cũng như những hệ thống xã hội, chính trị và kinh tế khác, kinh tế thị trường chẳng hoàn hảo và lý tưởng gì. Tuy nhiên, thị trường đã đóng một vai trò quan trọng trong việc canh tân và phát triển kỹ thuật. Giáo sư Joseph Schumpeter đặt nổi mối tương quan giao thoa giữa thị trường tự do và canh tân kỹ thuật. Chính cái lô-gích của thị trường bó buộc các xí nghiệp phải không ngừng đổi mới máy móc thiết bị, cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao phẩm chất và giảm giá thành của mỗi sản phẩm, ngõ hầu có thể đối phó với sự cạnh tranh gắt gao của thị trường và đương đầu với áp lực đòi tăng lương. Trên thực tế, các xí nghiệp luôn tìm cách đưa ra những món hàng mới, tốt, đẹp và rẻ hơn, hoặc cải tiến phẩm chất và giảm giá thành những món hàng cũ.
Khi một xí nghiệp thực hiện tốt canh tân kỹ thuật sẽ chiếm ưu thế trên thị trường và có thể đẩy các xí nghiệp đối thủ đến nguy cơ phá sản. Các xí nghiệp sau cùng này, nếu không muốn bị phá sản dĩ nhiên phải canh tân kỹ thuật và thay đổi phương pháp sản xuất. Chính trong qúa trình chạy đua cạnh tranh liên lỷ này biểu lộ  tính năng động, sáng tạo và đổi mới kỹ thuật của tư bản chủ nghĩa.
Cạnh tranh thị trường cũng bó buộc các xí nghiệp biết xử dụng hữu hiệu, hợp lý và đúng đắn nguyên liệu thiên nhiên ngõ hầu giảm giá thành của mỗi sản phẩm và tăng lợi nhuận tới mức tối đa. Một trong những hậu qủa của cuộc chạy đua này là hiện tượng hạ giá thành và quần chúng hóa các sản phẩm công nghệ. Dĩ nhiên, sự thành công sẽ trực tiếp đem lại lợi nhuận, giàu sang và vinh dự cho các doanh nhân. Nhưng nó cũng gián tiếp phục vụ xã hội qua việc xã-hội-hóa lợi nhuận và quần-chúng-hoá nhiều tiện nghi. Thật vậy, nhiều sản phẩm công nghệ như xe hơi, máy lạnh, máy giặt, máy truyền hình, video, vi tính, v.v… lúc đầu thuộc loại sản phẩm đắt tiền, dành cho lớp người giàu có, nhưng nay đã trở thành sản phẩm phục vụ đại chúng.
Chính ở nơi đây chúng ta gặp thấy năng động sáng tạo của kinh tế thị trường và sự đóng góp tích cực của các doanh nhân cho đất nước, cho đồng bào.  Chắc chắn sinh hoạt kinh tế sẽ khởi sắc, sinh động và phồn thịnh hơn nếu để cho người dân được tự do làm ăn, các nhân tố sản xuất được sử dụng đúng đắn hơn và các doanh nhân có cơ hội để thi thố tài năng. 
Nhiều báo cáo kinh tế cho thấy nếu muốn thành công trên thị trường quốc tế ở giai đoạn toàn cầu hoá này, các doanh nhân phải có khả năng cho thêm “giá trị trí tuệ và sáng tạo” vào mỗi sản phẩm. Ngay cả những sản phẩm bình thường, cũng cần được sản xuất bởi một qui trình kỹ thuật cao, ngõ hầu nâng cao chất lượng và giảm thiểu giá thành. Ngành công nghệ có tương lai và có lợi nhuận cao phải chăng là ngành công nghệ khai thác nhanh và tốt kỹ thuật tiên tiến?
Trong nền kinh tế tri thức và kinh tế số của thời đại chúng ta, phá huỷ sáng tạo trở thành chuyện đương nhiên và tốc độ biến đổi ngày càng nhanh hơn. Doanh nhân chiến thắng trong tương lai phải là người có tầm nhìn chiến lược và có khả năng từ bỏ những đỉnh cao mà mình vừa đạt tới để vươn lên những đỉnh cao mới. Nói tóm lại, điều kiện cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng thay đổi công nghệ, cải tiến quá trình sản xuất hàng hoá và dịch vụ, thay đổi những sản phẩm cũ hay đưa ra những sản phẩm mới[12].  
Đất nước chúng ta không có một truyền thống kinh doanh lâu dài và đặc sắc. Bạch Thái Bưởi chỉ là một con chim én đơn độc trên bầu trời Việt Nam ngày xưa. Hơn thế nữa, trong nền kinh tế bao cấp, lực lượng kinh tế có khả năng đóng góp lớn lao cho đất nước đã bị xóa bỏ một cách thật nghiệt ngã[13] .  Rất mừng là hôm nay đã có một số tín hiệu tích cực : 4 năm sau khi ban hành Luật doanh nghiệp đã có 75.000 doanh nghiệp tư nhân ra đời. Có những người từ nước ngoài về đầu tư trong nước, có những người khác từ trong nước mạo hiểm đi tìm thị trường ở những nơi xa xôi như Nam Phi hay Mỹ châu Latinh. Các doanh nhân Việt Nam đang âm thầm đưa đất nước đi lên, bất chấp vừa phải gánh chịu những khó khăn trong nước, vừa phải đương đầu với sự cạnh tranh ác liệt trên thị trường quốc tế. Nếu được sự yểm trợ tích cực và hữu hiệu của Nhà Nước, như Singapore, Đài Loan và Hàn quốc trước đây đã dành cho các doanh nghiệp của họ, chắc chắn con đường của doanh nhân Việt Nam sẽ thênh thang và tươi sáng hơn. 

4-         Bàn tay liên đới của xã hội dân sự

Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) trở thành “tư duy duy nhất”, được áp dụng hầu như khắp nơi trên thế giới và có lẽ vẫn tiếp tục nắm vai trò chủ động trong những thập niên tới. Nhưng hôm nay thiên hạ đã nhận thức rõ hơn bộ mặt trái nghiệt ngã của nó và cố gắng kiếm tìm một công ước xã hội mới, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, đồng thời trả lời tốt hơn cho những yêu sách chính đáng của con người về việc làm và tính liên đới chống lại hiện tượng loại trừ.
Nếu như xã hội chủ nghĩa đã thất bại vì thần thánh hóa vai trò của Nhà nước, thì chủ nghĩa tân tự do kinh tế cũng rơi vào một sai lầm tương tự khi coi thị trường như thần dược trị bách bệnh. Trên thực tế, thị trường không có chiều kích xã hội và cũng chẳng bao giờ mưa lợi nhuận xuống đồng đều cho tất cả các quốc gia trên thế giới, hay cho mọi tầng lớp trong xã hội. Phát triển khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin, làm tăng thêm hiện tượng tập trung tài sản trong tay những người giàu và những người có chuyên môn cao. Vấn đề nhà ở, sức khỏe, giáo dục, việc làm, an sinh xã hội… trở nên khắt khe và nghiệt ngã hơn đối với đại chúng, vì tất cả những gánh nặng và thiệt thòi do khủng hoảng kinh tế gây nên đều đổ xuống trên vai họ. Chính vì vậy để thị trường có thể làm tốt vai trò của nó, Nhà nước phải đóng trọn vai trò quản lý và chỉ đạo.
Nhiều chuyên viên cho rằng cần thiết một Nhà nước tân tiến, hữu hiệu, năng động, có khả năng nắm bắt thị trường và hoạch định kế hoạch phát triển dài hạn. Nhà nước không nên bao cấp hay làm thay những gì tư nhân có thể làm được và làm tốt hơn trong lãnh vực sản xuất. Tuy nhiên, để hệ thống kinh tế thị trường có thể hoạt động tốt cần thiết phải có cơ cấu luật lệ rõ rệt, tiêu chuẩn đạo đức, tiền tệ ổn định, trình độ văn hóa cao, hạ tầng cơ sở tốt. Nhà nước không những có nhiệm vụ kiến tạo những điều kiện cần thiết nói trên, mà còn đóng vai trò sửa sai những khuyết điểm của thị trường và tạo cơ hội để những người kém may mắn có thể hội nhập thị trường lao động. 
Adam Smith lập luận rằng khi mỗi cá nhân tự động theo đuổi quyền lợi riêng, mặc dù chẳng được điều khiển từ một trung ương nào cả, sẽ được “bàn tay vô hình” dẫn dắt tới chỗ cộng tác vào phúc lợi chung của xã hội. Trong tác phẩm nổi tiếng « Của cải của các dân tộc »(1776), ông để lại cho chúng ta những dòng thâm thúy sau : «Mỗi cá nhân đều cố gắng sử dụng vốn của mình sao để tạo được giá trị lớn nhất. Thông thường anh ta không chú ý tới công ích và cũng chẳng biết làm sao khuyến khích nó. Anh ta chỉ chú ý tới sự an toàn và thành quả của riêng mình. Trong quá trình đó anh ta đã bị bàn tay vô hình dẫn dắt tới một kết cục nằm ngoài dự định. Do việc theo đuổi lợi ích cá nhân, vô hình trung anh ta cũng phục vụ lợi ích cộng đồng một cách có hiệu quả hơn là khi anh ta chủ định làm điều đó ».     
Các nhà kinh tế học hiện đại đã nghiên cứu tỉ mỉ sự thâm thúy tuyệt vời giữa động lực cá nhân với việc phục vụ công ích. Theo Paul Samuelson, « Adam Smith đã khám phá ra thuộc tính rõ nét của nền kinh tế thị trường cạnh tranh. Trong điều kiện cạnh tranh hoàn hảo và không có khuyết tật thị trường, thị trường sẽ có khả năng tạo ra nhiều hàng hóa và dịch vụ hữu ích nhất bằng nguồn tiềm năng sẵn có. Nhưng khi độc quyền, ô nhiễm môi trường hay các khuyết tật khác của thị trường trở nên phổ biến thì thuộc tính hiệu quả to lớn của bàn tay vô hình sẽ bị phá vỡ »[14]. Chính vì vậy, luôn cần được bàn tay pháp lý của Nhà nước và bàn tay liên đới của xã hội công dân yểm trợ.
Trong bối cảnh đó, chúng ta sẽ chẳng có chi ngạc nhiên khi thấy Ngân hàng Thế giới coi “hành động hỗ tương giữa Nhà nước và thị trường” như một yếu tố quan trọng cho phát triển. Thật sai lầm khi cho rằng giữa Nhà nước và thị trường phải chọn một bỏ một. Vấn đề đích thực không nằm ở chỗ phải lựa chọn Nhà nước hay thị trường, bởi vì cả hai đều có vai trò quan trọng và không thể thay thế trong phát triển kinh tế”[15].
            Theo ông Michel Camdessus, cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các biện pháp của Quỹ tiền tệ quốc tế đặt nền tảng cần thiết cho việc tăng trưởng kinh tế và cải tổ xã hội, tuy nhiên “các biện pháp này tự nó không đủ để có thể đưa đến phát triển kinh tế và nhất là phát triển xã hội”. Để đạt được mục đích nói trên, còn cần “nhiều mạng lưới hữu hiệu về an sinh xã hội và một chính phủ tốt”. Ông quan niệm một chính phủ tốt là một chính phủ “không những tôn trọng nhân quyền mà còn tích cực tạo điều kiện và cơ cấu thích hợp ngõ hầu mọi thành phần trong xã hội có cơ hội tham gia, giảm thiểu việc tập trung quyền bính ở trung ương và thúc đẩy tự do đầu tư trong các hoạt động sản xuất, với sự hỗ trợ của một Nhà nước đã được điều chỉnh lại một cách hợp lý”[16].
Trong cùng một chiều hướng đó, ông Enrique Iglesias, thống đốc Ngân hàng quốc tế về phát triển (BID), nghĩ rằng “Nhà nước có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo sự nối kết quan trọng giữa lãnh vực kinh tế với lãnh vực xã hội. Không thể có một giải pháp tự phát và tùy tiện. Thị trường tự nó không có khả năng giải quyết vấn đề này. Thị trường không có chiều kích xã hội (…). Tuy nhiên, vì công ích, những điểm cốt yếu của phát triển xã hội cần được bảo vệ, và điều này đòi hỏi sự có mặt của Nhà nước”[17].
Kinh tế gia Amartya Sen, giải Nobel kinh tế 1998, cũng cho rằng « trong sự thành công của tư  bản chủ nghĩa, vai trò của Nhà nước ngang hàng với vai trò của thị trường. Quan điểm cho rằng từ nay không cần tới Nhà nước nữa đang dần dần lui bước ».

Trong quá khứ, những cuộc tranh luận đầy đam mê và nặng màu sắc ý thức hệ đã không cho phép chúng ta có một cái nhìn quân bình về vấn đề phức tạp này. Có những lúc người ta đã thần thánh hóa vai trò chủ động của Nhà nước để phủ nhận sự đóng góp cần thiết của thị trường. Ngược lại, có những giai đoạn thị trường được phong thần như linh dược trị bách bệnh để hoàn toàn gạt bỏ vai trò của Nhà nước. Hiện nay, chúng ta đã có một khoảng cách và quãng lùi tương đối để có thể đánh giá một cách quân bình và khách quan hơn về ưu cũng như khuyết điểm của cả hai yếu tố Nhà nước và thị trường.          
Chương trình Phát triển của Liên-hiệp-quốc, Uỷ ban kinh tế cho Mỹ châu La-tinh (CEPAL) và ngay cả Quỹ tiền tệ quốc tế cũng đang hướng về một giải pháp tương tác giữa hoạt động của Nhà nước và thị trường. Hơn thế nữa, để nhà nước cũng như thị trường có thể đóng đúng đắn vai trò của mình trong phát triển kinh tế nói riêng và phát triển con người nói chung, cần thêm một yếu tố thứ ba : vai trò của xã hội công dân. Chính xã hội công dân này sẽ là một sức mạnh nối kết nhà nước và thị trường, hai thế lực từng đối kháng kịch liệt trong suốt thời gian qua. Phải “làm sao để dân chúng hướng dẫn Nhà nước cũng như thị trường ngõ hầu cả hai phải làm việc chung và làm sao dân chúng có đủ sức mạnh để có ảnh hưởng hữu hiệu trên cả hai”[18].

            Trong thời đại toàn-cầu-hóa, đa dạng, đa cực và hết sức phức tạp như thời đại chúng ta, làm gì còn giải pháp đơn thuần và đơn giản cho những vấn đề to lớn? Cũng chẳng có nước nào có thể giải quyết một mình những vấn đề kinh tế của thế giới ? Chính vì vậy thiết tưởng cần phải xét lại mối xung đột cũ giữa Nhà nước với thị trường. Dĩ nhiên không hề có chuyện quay trở về với chế độ “bao cấp”, nhưng cũng chẳng có thể chấp nhận chủ trương tự do kinh tế quá khích, muốn loại trừ vai trò của Nhà nước, mà phải tìm một mô hình có khả năng kết hợp « ba bàn tay » : bàn tay vô hình của thị trường, bàn tay pháp lý của Nhà Nước và bàn tay liên đới của xã hội công dân. Sự kết hợp hài hòa giữa “ba bàn tay” giúp đạt tới một tăng trưởng nhanh về kinh tế, nhưng không gây nên những băng hoại về xã hội và luân lý[19]      
Cho đến nay Nhà nước và thị trường đã thay phiên nhau khống chế mô hình phát triển, nhưng trên thực tế cả hai đã tỏ ra bất lực trong sứ vụ thực hiện một chiều hướng phát triển quân bình giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, an sinh xã hội và bảo vệ môi sinh. Hy vọng rằng với những đóng góp tích cực của xã hội công dân, nghĩa là các hiệp hội chuyên nghiệp, tổ chức dân sự, tổ chức phi chính phủ, nhà trường, công đoàn, cộng đồng tôn giáo, làng xóm, khu phố… chúng ta sẽ tìm được một mô hình phát triển lý tưởng hơn.
Sự thành công vẻ vang cũng như kinh nghiệm đau thương của các nước láng giềng, đặc biệt sự băng hoại về văn hóa và đạo đức của một nước như Thái-lan và Cam-bốt, đòi hỏi chúng ta phải vận dụng tối đa sự đóng góp của xã hội công dân, chứ không thể nhắm mắt phó mặc cho thị trường tự do hoặc Nhà nước. Sự hiện diện của xã hội công dân sẽ có khả năng làm giảm nhẹ “tính bao cấp” của Nhà nước cũng như bộ mặt “rừng rú” của thị trường, đồng thời đặt nổi tính liên đới, ý chí quật cường và bản sắc dân tộc.
Tôi xin kết thúc tản mạn này với một gợi ý sâu sắc của cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Chúng ta đang đi trên một con đường chưa có bản đồ, chúng ta đang suy nghĩ và nghiên cứu lý luận, đồng thời chúng ta phải hàng ngày, hàng giờ giải quyết những vấn đề thực tiễn, những bài tóan đầy phức tạp và ẩn số”. Để có khả năng thực hiện điều đó, “chúng ta phải lớn lên và đây chính là sự lớn lên của văn hóa và trí tuệ”[20].





[1] Bài tham luận tại Hội Thảo Quốc Tế: “Toàn cầu hóa: Những vấn đề triết học ở châu Á – Thái Bình Dương”, do Viện Khoa học xã hội tổ chức với sự hỗ trợ của UNESCO, Hà Nội, ngày 22-23 tháng 11 năm 2005.
[2] UNDP, Human Development Report 1999, Oxford University Press, New York, 1999, 17.
[3] Thomas L. Friedman, Chiếc Lexus và cây Ô liu, NXB Khoa học Xã hội, Tp. HCM, 2005, tr. 50-51.
[4] Ngân hàng Thế giới, Knowlegde for Development, Oxford University Press, New York, 1999, tr. 16.
[5] UNDP, Human Development Report 1999, Oxford Univ. Press, 1999, tr. 1-14.
[6] Xem chẳng hạn Kim Định, Việt lý tố nguyên, An Tiêm, Sàigòn, 1970; Nhiều tác giả, Lịch sử Việt Nam, t.I-II,Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976; Trần Văn Giàu, Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước, Nxb Văn Nghệ, Tp HCM,1984; Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Tp. HCM, 1996.
[7] Trần Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn Hoá, in lần thứ hai, 1996,tr. 305.
[8] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Bốn Phương, Sàigòn, 1951, tr.23.
[9] Nguyễn Văn Huyên, Văn minh Việt Nam, NXB Hội Nhà Văn, 2005, tr. 52-53.
[10]  Lê Ngọc Trà, “Đức tính người Việt hôm nay “?,Tuổi Trẻ Xuân 2000, tr. 15.
[11] Xem Phạm Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, sđd., tr. 64.
[12] Xem Nguyễn Thái Hợp, Giá trị đạo đức trong cơn lốc thị trường, Dấn thân, Houston, 2000.
[13] Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhìn nhận cái giá đắt phải trả cho việc xóa bỏ doanh nhân này: “Lấy lòng mong muốn thay cho thực tế … điều nguy hiểm nhất là bất chấp quy luật của lịch sử, muốn đốt cháy giai đoạn, không tính điểm xuất phát về tình hình mọi mặt của nước ta lúc bấy giờ … quay lưng lại với biết bao sự thật hằng ngày diễn ra trước măt mình để lao vào những sai lầm với cái giá đắt phải trả. Rõ ràng đây là một sự thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn” ( Văn Hóa & Đổi Mới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 36).
[14] Paul Samuelson & William D. Nordhaus, Kinh tế học, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 199715,  tr. 77; xem David Begg, Kinh tế học, bản dịch tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992.
[15] Ngân hàng quốc tế, Informe sobre el Desarrollo mundial 1991 : La tarea acuciante de desarrollo, Washington, D.C.,1991, tr. 1-2.
[16] BID-UNDP, Reforma social y pobreza. Hacia una agenda integrada de desarrollo, Washington, D.C., 1993, tr. 66.
[17] Ibidem, tr. 89.
[18] UNDP, Informe sobre el desarrollo humano 1993, Madrid, 1993, tr.4; xem CEPAL,Equidad y transformación productiva : un enfoque integrado, Santiago de Chile, 1992.
[19] M. Camdessus, “El mercado y el Reino. La doble pertenencia”, in Criterio (Mexico), 10-9-1992, tr. 480.
[20] Phạm Văn Đồng, sđd., tr. 67 và 68; xin coi bài thuyết trình của Gs. Tương lai, “Đôi điều suy ngẫm về chiều cạnh văn hóa của sự hội nhập trong bối cảnh của toàn cầu hóa”,