Thùy Dương
Phương Tây lúng túng trước thảm kịch Miến Điện
Trong
mấy ngày gần đây, cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo thiểu số Rohingya ở
Miến Điện Điện thu hút nhiều sự quan tâm của báo chí Pháp. « Phương Tây lúng túng trước thảm kịch Miến Điện » là tựa đề một bài viết trên Le Monde.
Dòng
người Hồi Giáo thiểu số Rohingya rời bang Rakhine, miền Tây Miến Điện,
để tránh chiến dịch truy quét trên quy mô lớn của các lực lượng an ninh
Miến Điện, sau khi các phiến quân Rohingya tấn công một số đồn cảnh sát ở
Arakan vào ngày 25/08, vẫn không ngừng tăng.
Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi bị Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chỉ trích là "vô trách nhiệm" với người Rohingya.REUTERS/Soe Zeya Tun
Theo số liệu mà Cao
ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn công bố ngày 05/08/2017, chỉ trong
hai tuần qua, đã có tới 123.000 người Rohingya sang tị nạn tại nước láng
giềng Bangladesh. Phát ngôn viên Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn
cho biết phần lớn số người Rohingya nói trên phải đi bộ nhiều ngày, vượt
sông, leo núi, trốn tránh trong rừng rậm. Họ đói khát, yếu ớt và lâm
bệnh.
Le Monde
cho biết nhiều tổ chức phi chính phủ và cơ quan của Liên Hiệp Quốc tại
các khu vực khủng hoảng đã bị buộc phải rời đi. Một lãnh đạo các cơ quan
trên cho rằng chính quyền Miến Điện không muốn để các tổ chức nhân
quyền chứng kiến quân đội thực hiện chính sách đốt phá làng mạc như thế
nào. Ngoài ra, quân đội chỉ giúp đỡ các tín đồ Phật Giáo ở bang Rakhine
thay vì giúp đỡ người Rohongya. Các lực lượng an ninh dường như cũng
không phân biệt dân thường và phiến quân.
Việc chính quyền Miến
Điện trấn áp người Rohingya đã khiến chính quyền các nước Hồi Giáo và
thế giới nói chung phẫn nộ. Hôm thứ Hai 04/09, tổng thống Indonésia,
Joko Widodo, đã cử ngoại trưởng sang gặp lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu
Kyi và tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing. Trong khi đó, ở Djakarta, hàng
ngàn người biểu tình trước cửa đại sứ quán Miến Điện.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, gọi vụ trấn áp là « nạn diệt chủng ».
Hôm thứ Tư, ông Erdogan cũng đã nói chuyện với bà Aung San Suu Kyi. Còn
Pakistan, Iran và Ả Rập Xê Út đều tỏ thái độ quan ngại. Lãnh đạo Aung
San Suu Kyi hứng chịu rất nhiều chỉ trích vì thái độ yên lặng của bà.
Phương
Tây cũng không khoanh tay đứng nhìn cuộc khủng hoảng Miến Điện mà họ
gọi là một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Liên Hiệp Châu Âu đã yêu cầu
thiết lập trở lại hoạt động cứu trợ nhân đạo và nhấn mạnh tới nỗi thống
khổ hiện tại của người Rohingya. Châu Âu tố cáo quân đội Miến Điện phải
chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng, nhưng lại rất thận trọng khi nói
về chính phủ dân sự.
Còn theo nhà nghiên cứu Renaud Egreteau, chuyên gia về Miến Điện, «
có một thỏa thuận ngầm trong dân chúng về việc vấn đề người Rohingya sẽ
chỉ được giải quyết bằng cách trục xuất cộng đồng này hoặc cách ly họ,
đẩy họ ra ngoài lề xã hội. Một số đông trong chính giới, cả những người
thuộc đảng dân chủ, cũng đồng ý về điểm trên. Chính vì thế, rất khó đi
ngược lại xu hướng đó. Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi biết rõ điều
này. »
Phương Tây nhấn mạnh rằng bà Aung San Suu Kyi không có
quyền hành về các vấn đề an ninh và bà cũng đã cố gắng trong bối cảnh bị
kẹt giữa một bên là quân đội nắm quyền thực tế, và bên kia là dân
chúng, vẫn chống thiểu số người Hồi Giáo Rohingya mà họ coi là người
nước ngoài. Theo chuyên gia Renaud Egreteau, đó chính là lý do mà châu
Âu thấy cần ủng hộ bà Aung San Suu Kyi, cho dù hiện tổ chức nhân quyền
Human Rights Watch không ngần ngại nhấn mạnh chính bà Aung San Suu Kyi « có vấn đề », còn Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Zeid Ra'ad Al-Hussein cho là bà Aung San Suu Kyi " rất vô trách nhiệm ».
Brexit: Anh Quốc muốn ưu tiên việc làm cho người bản xứ
Chuyển sang thời sự châu Âu, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết “Luân Đôn muốn ưu tiên cho lao động người Anh hơn là người lao động tới từ châu Âu”.
Theo
một văn bản của bộ Nội Vụ về chính sách nhập cư sau Brexit được báo The
Guardian đăng tải ngày 06/09, một báo cáo mật và nhạy cảm, Luân Đôn
muốn ngưng những chính sách ưu đãi đối với các công dân châu Âu nhập cư
vào Anh. Thay vào đó là các quy định vô cùng chặt chẽ: visa có thời hạn
tối đa 2 năm cho lao động châu Âu trình độ thấp, 3-5 năm cho lao động
châu Âu có trình độ cao, kèm theo các điều kiện về thu nhập, hạn chế
nhập cư theo kiểu đoàn tụ gia đình, không cho người châu Âu nhập cư vào
Anh nếu họ không xin được việc làm … Mục đích là kiểm soát nhập cư và
tạo thêm cơ hội việc làm cho người bản xứ.
Một số dân biểu đã chỉ trích, gọi đó là các biện pháp “tàn nhẫn và vô liêm sỉ”. Thị trưởng Luân Đôn, ông Sadiq Khan, viết trên mạng xã hội Twitter là ông có cảm giác đang đọc “một bản kế hoạch để bóp nghẹt kinh tế Luân Đôn”.
Liên Đoàn Lao động Anh Quốc nhắc lại là việc mở cửa thị trường lao động
mang tính sống còn đối với nền kinh tế Anh và nhấn mạnh tỉ lệ thất
nghiệp tại Anh hiện đang ở mức thấp nhất từ 40 năm qua.
Các doanh
nghiệp Anh Quốc, vốn đang sử dụng rất nhiều nhân công tới từ các nước
thành viên Liên Hiệp Châu Âu, cũng ngay lập tức phản đối, lo ngại thiếu
hụt nhân công tay nghề cao. Đáp lại, bộ trưởng Quốc Phòng Anh, trả lời
phỏng vấn hôm qua, phát biểu là các công ty của Anh sẽ phải đào tạo cho
người lao động Anh.
Mặc dù văn bản 82 trang của bộ Nội Vụ Anh còn
phải được trình lên chính phủ và Ủy ban châu Âu cũng chưa có phản ứng
chính thức, nhưng La Croix nhận định dự luật trên chắc chắn sẽ khiến đàm
phán về Brexit giữa chính phủ của thủ tướng Theresa May và Liên Hiệp
Châu Âu trở nên khó khăn.