TRÊN BÀN CỜ MEKONG NHỮNG CON ĐẬP THUỶ ĐIỆN

NGÔ THẾ VINH



TRÊN BÀN CỜ MEKONG NHỮNG CON ĐẬP THUỶ ĐIỆN VÀ TỴ NẠN MÔI SINH


"Để khai thác phát triển nguồn nước tốt, người ta phải thực hiện trên tầm nhìn lưu vực/ basin scale. Theo một nghĩa nào đó, phải nhìn Mekong như một bàn cờ/ game board, chọn địa điểm nào thì nên đặt một con đập, nơi nào thì không và có như vậy mới duy trì được chức năng môi sinh của toàn lưu vực sông Mekong. Thực hiện điều ấy thì vô cùng khó khăn trên sông Mekong." Bran Ritcher, Nature Conservancy
Huỷ Hoại từ Những Đập Dòng Chính Mekong
Với chiều dài 4,800 km, Mekong là con sông lớn thứ thứ ba Châu Á và là thứ 11 của thế giới. Sự phong phú của hệ sinh thái sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon.
Tiềm năng thuỷ điện của con sông Mekong khoảng 60,000 MW: Lưu Vực Trên 28,930 MW là nửa khúc sông nằm trong lãnh thổ Trung Quốc; và Lưu Vực Dưới 30,000 MW là khúc sông Mekong hạ lưu chảy qua 5 quốc gia Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam. Chuỗi 12 con đập dòng chính hạ lưu chủ yếu nằm trong hai nước Lào và Cam Bốt.
Hiện nay Trung Quốc đang xây con đập thứ 8: đập Miêu Vĩ/ Miaowei sẽ hoàn tất phát điện năm 2016, [2] và TQ cũng tiếp tục xây thêm những con đập khác trên dòng chính con sông Lan Thương/ Lancang Jiang tên TQ của con sông Mekong.
Điểm danh, ngược dòng thời gian sáu con đập bậc thềm Vân Nam/ Mekong Cascades đã hoàn tất và đang nhộn nhịp hoạt động phát điện góp phần phát triển nhanh chóng cho toàn vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc:
Hình Ia: Đập Nuozhadu 5,850 MW lớn nhất
hoàn tất 2014 [nguồn: International River]
1/ Noạ Trác Độ (Nuozhadu) 5,850 MW lớn nhất, là con đập dòng chính thứ sáu, khởi công 2006 hoàn tất 2014 [Hình Ia]
2/ Tiểu Loan (Xiaowan) 4,200 MW lớn thứ hai, là dòng chính thứ năm, khởi công 2001 và hoàn tất 2010
3/ Công Quả Kiều (Gongguoqiao) 900 MW là con đập dòng chính thứ tư, khởi công 2008 hoàn tất 2011
4/ Cảnh Hồng (Jinghong) 1,500 MW là con đập dòng chính thứ ba, khởi công 2003 hoàn tất 2009
5/ Đại Chiếu Sơn (Dachaosan) 1,350 MW con đập dòng chính thứ hai, khởi công 1996, hoàn tất 2003
6/ Mạn Loan (Manwan) 1,500 MW con đập dòng chính đầu tiên trên sông Mekong, khởi công 1984 và hoàn tất 1993 [Hình Ib]
Hình Ib: Đập Manwan 1,500 MW con đập dòng chính
Mekong đầu tiên hoàn tất 1993 [nguồn: Ngô Thế Vinh]
Sau khi hoàn tất hai con đập lớn nhất: con khủng long Nọa Trác Độ và con Đập Mẹ Tiểu Loan, về tổng thể Bắc Kinh hầu như đã hoàn thành kế hoạch thuỷ điện của họ trên sông Lan Thương và theo Fred Pearce, Đại học Yale thì con sông Mekong đã trở thành tháp nước/water tower và là nhà máy điện/ electrical powerhouse của Trung Quốc. [6]
Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sông Mekong thuộc Đại học Sydney nhận định: “Hai con đập khổng lồ Nọa Trác Độ và Tiểu Loan sẽ ảnh hưởng trên suốt dòng chảy của con sông Mekong xuống tới tận Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.”
Với sáu con đập dòng chính hoàn tất trên trên khúc sông Mekong thượng lưu, Trung Quốc đã đạt được công suất 15,150 MW – nghĩa là hơn một nửa toàn công suất tiềm năng thuỷ điện của con sông Lan Thương. Với 8 dự án đập dòng chính còn lại, và có thể sẽ còn thêm nhiều dự án mới nữa, và Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng dứt điểm sớm trong vòng mấy thập niên đầu Thế kỷ 21.
Tới Mối Hiểm Nguy Mạng Lưới Đập Phụ Lưu
Nam Ngum 150 MW có thể được xem là con đập thuỷ điện phụ lưu đầu tiên của Lào và được hoàn tất rất sớm 1971 giữa giông bão của cuộc chiến tranh Việt Nam. Nam Ngum là niềm hãnh diện của tiến bộ và phát triển của người dân Lào. Ở một chừng mực nào đó, với từng bước phát triển hài hoà, cùng lúc quan tâm tới bảo vệ sinh cảnh và môi trường, thì không thể phủ nhận được là đập Nam Ngum đã đem lại ánh sáng cuộc sống văn minh tới người dân Lào. [Hình IIa] Với những người Lào có học hiểu biết, họ thấy được tiềm năng thiên nhiên phong phú của đất nước Lào, giới lãnh đạo thế hệ mới ở Lào nuôi tham vọng khai thác tiềm năng thuỷ điện con sông Mekong để trở thành "xứ Kuwait thuỷ điện của Đông Nam Á."
Hình IIa: Nam Ngum, con đập phụ lưu đầu tiên của Lào,
biểu ngữ giăng ngang con đập đánh dấu 25 năm thống nhất nước Lào [nguồn: photo by Ngô Thế Vinh 2000]
Trước khi có kế hoạch phục hoạt dự án chuỗi 12 con đập dòng chính hạ lưu, Lào, Việt Nam, Thái Lan đã và đang liên tục xây những đập thuỷ điện trên các nhánh phụ lưu sông Mekong. Thái Lan với đập Pak Mun 136 MW (1994) trên sông Mun, Việt Nam với con đập Yali 720 MW (1996) cùng với các con đập phụ lưu khác trên sông Sesan và Seprok trên cao nguyên Trung phần, Lào thì từ sau con đập Nam Ngum (1971), đã xây thêm thêm nhiều con đập phụ lưu khác như: Nam Theun-Hinboun 210 MW trung Lào, Nam Leuk 60 MW trong vùng Bảo tồn Sinh thái tỉnh Vạn Tượng, Nam Theun 2 lớn nhất 900 MW trung Lào, Houay Ho 150 MW giữa hai tỉnh Champassak và Attapeu nam Lào, Xe Pian-Xe Namnoy 438 MW trên cao nguyên Bolovens đông nam Lào, Xe Kaman1 468 MW tỉnh Attapeu cực đông nam Lào.
Theo Aviva Imhof, nguyên giám đốc truyền thông Mạng lưới Sông Ngòi Quốc tế/ IRN, trong tài liệu chuyên đề: "Power Struggle: The Impacts of Hydro-Development in Laos" đã rất sớm đề cập tới những tổn hại môi sinh "bất cập" từ các con đập phụ lưu ở Lào. [8]
Cùng với các con đập dòng chính Mekong, mạng lưới những con đập phụ lưu cũng có ảnh hưởng tích luỹ đáng kể đối với tình trạng dòng chảy, lượng phù sa và nguồn cá lưu vực sông Mekong.
Nghiêm trọng hơn cả là con đập phụ lưu Hạ Sesan 2/ Lower Sesan 2/ LSS2 nằm dưới điểm hợp lưu của hai con sông Sesan và Srepok. 3 S là tên hệ thống 3 con sông phụ lưu lớn sông Mekong: Sekong, Sesan, Seprok cùng đổ vào dòng chính sông Mekong nơi tỉnh Stung Treng, đông bắc Cam Bốt. [Hình IIIa]
Hình IIIa: Mạng Lưới 3S, ba sông phụ lưu: Sekong, Sesan, Srepok
cùng hội tụ đổ vào dòng chính sông Mekong [nguồn: Decarboni] 


Đập Hạ Sesan 2 với chiều cao 75 m, diện tích hồ chứa 340 km2 (gần bằng nửa diện tích đảo quốc Singapore), công xuất 400 MW, dự trù nguồn điện sẽ được xuất cảng sang Việt Nam.
Theo các chuyên gia môi sinh, con đập phụ lưu sẽ gây ra những ảnh hưởng môi sinh rất tai hại nếu đặt vào "vị trí trọng điểm" của con sông. Guy Ziv, tác giả chính của cuộc khảo cứu 2012 PNAS/Proceedings of the National Academy of Sciences, cùng các đồng nghiệp thuộc Đại học Princeton nhận định: có một khác biệt lớn về vị trí những con đập ấy với cái giá môi sinh/ ecological cost phải trả. Điển hình là con đập Hạ Sesan 2 được xem là tệ hại nhất: nó đe doạ sự sinh tồn của hơn 50 chủng loại cá và cũng làm giảm 9.3 phần trăm tổng sản lượng cá trong lưu vực [khoảng 200,000 tấn cá/năm]. Ảnh hưởng tác hại đó không chỉ trên lãnh thổ Cam Bốt mà lên xa tới Lào, Thái Lan và xuống tới ĐBSCL, được coi như vựa lúa của Việt Nam. [7]
Câu hỏi được đặt ra là tại sao chính quyền Việt Nam không thể không biết nhưng họ vẫn coi nhẹ những tổn thất môi sinh và xã hội như thế. Câu trả lời rõ ràng: họ là giới lãnh đạo có toàn quyền quyết định, được các nhóm lợi ích chia chác cho hưởng lợi, trong khi người dân không được phép có tiếng nói và họ phải gánh chịu mọi tổn thất và cả di luỵ cho các thế hệ tương lai.
Câu hỏi tiếp theo là liệu có thể vừa khai thác xây đập thuỷ điện trên sông Mekong vừa bảo vệ được tiềm năng phong phú của dòng sông?
Câu trả lời là có thể: nếu thận trọng triển khai một số những con đập trên những địa điểm khác, vẫn có thể sản xuất nguồn điện lớn mà giảm thiểu được những tổn hại trên nguồn cá. [7]
Điện Lực Việt Nam/ EVN/ Electricity of Vietnam đã góp 10% cổ phần trong số 816 triệu MK, phần còn lại là của Nhóm Hoàng Gia Cam Bốt/ Cambodia's Royal Group và Công ty Năng lượng Lan Thương Trung Quốc/ Hydrolangcang International Energy Co., Ltd. Lại vẫn Trung Quốc, ngoài chuỗi đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam, nay cánh tay TQ nối dài xuống xa tới cả những con đập phụ lưu hạ nguồn.
Do hậu qủa tác hại quá lớn của con đập Hạ Sesan 2 trên môi trường, kinh tế và xã hội trong toàn lưu vực, Mạng Lưới Sông Ngòi Quốc Tế/ IRN đã kêu gọi chính phủ Cam Bốt huỷ bỏ dự án này nhưng không được đáp ứng.