GS. Thái Công Tụng
Môi trường và con người ở miền Sông Tiền, sông Hậu
1.
Nhập
đề
Ngày nay, với thế kỷ 21,
nhiều vấn đề môi sinh được đặt ra, vì dân số tăng, vì ô nhiễm, vì tài nguyên
thiên nhiên thì có hạn mà sự tiêu thụ thì vô hạn; mãi đến những năm cuối cùng
của thế kỷ 20, vào năm 1992, nhiều xứ họp tại
Rio ký bản thoả ước về bảo vệ tài nguyên trên trái đất, rồi đến hiệp ước
Kyoto về giới hạn các sự phát thải các khí
trên bầu trời ... Dĩ nhiên các đề tài
của những năm cuối thế kỷ 20 sẽ là tiền đề cho các cuộc thảo luận và
thực thi để bảo vệ ngôi nhà chung của thế giới tránh khỏi các phá hủy môi sinh
như phá rừng, nạn nhân mãn, thiên tai, sự liên hệ môi sinh và sức khoẻ, sự trở
về thiên nhiên nối tâm linh vào khoa học.
Những danh từ mới về môi sinh đua
nhau xuất hiện vào các năm cuối thế kỷ 20 như sinh khối (biomass), kiểu sinh
học (biotype), sinh cảnh (biotope), quần xã sinh vật (biome), hệ sinh thái
(ecosystem), ổ sinh thái (ecological niche), đa dạng sinh học (biodiversity),
bền vững (sustainability), lỗ hổng ozon,
sự sưởi ấm toàn cầu (global warming), tái chế biến.. Các tổ chức bảo vệ
môi sinh ra đời, đặc biệt nhất là tổ chức phi chính phủ Green Peace. Rồi ngày
Earth Day xuất hiện, trong đó nhiều công dân đứng ra tổ chức vận động các chính
phủ khuyến cáo các nhà lãnh đạo về năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng. Chân
trời của thế kỷ 21 khác với chân trời thế kỷ 20. Phát triển bền vững trong môi sinh là một vấn
đề liên ngành vì nó liên quan đến nhiều thông số của trái đất: giáo dục, kinh
tế, dân số, an toàn lương thực, bảo vệ môi sinh; do đó tiếp cận nhiều chiều
kích nhằm tìm toàn bộ các khía cạnh văn hoá, môi sinh, kiến thức bản địa, kinh
tế để cứu xét vấn đề, ngày nay đã trở nên thông thường.
Bài này chỉ giới hạn
trình bày một góc nhìn môi sinh tại đồng bằng sông Cửu long (ĐBCL), quê hương
của người dân sông Tiền, sông Hậu và tương tác giữa các yếu tố môi sinh và các
vấn nạn môi sinh ngày nay.
2. Các hệ sinh thái
Hệ sinh thái bao gồm cả
quần thể với môi trường quanh ta như như đất: đất phù sa ven sông, đất phèn,
đất mặn, đất cát ven biển.., như nước: lụt lội, hạn hán, chất lượng của nước
như nưóc mặn, nước lợ, nước ngọt, như không khí ta thở: không khí trong lành,
không khí ô nhiễm. Cả ba yếu tố nước, đất, không khí có tác động hỗ tương lên
nhau.
Có bốn thành tố quan
trọng trong môi sinh là: thạch quyển tức đá đất, thủy quyển như sông nước, sinh
quyển như động vật, thực vật, khí quyển như không khí, bầu trời, khí hậu.
Ảnh hưởng qua lại giữa các yếu tố môi sinh
Sơ đồ trên giúp ta hiểu
rõ các mối tương quan giữa nhiều thành tố của môi sinh: khí quyển, thổ quyển,
thủy quyển và các thành tố này có ảnh hưởng tương tác nhau. Không có một thực
thể nào đứng riêng biệt trên trái đất này.
Khí quyển là không khí ta
thở, là mặt trời, là ánh sáng ban mai, là hoàng hôn khi trời lặn, là hai mùa
mưa nắng...
Thủy quyển là dòng sông
Tiền, sông Hậu, là kinh rạch ngổn ngang trong đó tôm cá, ốc, nghêu sinh trưởng
cung cấp cho ta thức ăn hàng ngày mà nếu các hoạt động kỹ nghệ cứ xả nước thải
ra không xử lý thì tôm cá chết hay ăn phải ngộ độc. Thạch quyển tức đá mẹ sinh
ra đất nuôi ta với lúa, khoai, cây ăn trái.
Sinh quyển tức các sinh
vật như nhờ có tác động của con người mới khai thác được: con người đã phải đào
không biết bao nhiêu là kinh rạch, nào kinh Vĩnh Tế, kinh Đồng Tiến, kinh trong
Đồng Tháp.. để xả phèn, để thoát thủy và cũng con người đã phải đắp đê ven
biển, làm cống ngăn mặn .
Và các tương quan, tương
tác giữa các thành tố trên như sau:
Tương
quan Thủy quyển-Sinh quyển:
Nước ảnh hưởng và có
nhiều tương quan với sinh vật vì nhờ nước tưới ruộng nương, vườn tược; nước
chứa nhiều tài nguyên như tôm, cá; nước giúp thuyền bè di chuyển trên kinh rạch
Tương
quan Khí quyển-Thạch quyển:
Khí quyển với không khí,
nhiệt độ, mưa nắng hai mùa ảnh hưởng đến đất đai; nhiệt độ khí quyển có ảnh
hưởng đến nhiệt độ đất. Miền nam, nhờ nhiệt độ nóng quanh năm nên có thể làm
nhiều vụ trồng trọt quanh năm, khác với Canada, mùa đông, không trồng tỉa gì
được
3.
Tổng quan về môi sinh ĐBCL
Đồng bằng này bằng phẳng
với mạng lưới sông ngòi, kinh rạch ngổn ngang làm cho toàn vùng đều chịu ảnh
hưởng của thủy triều hình thành những loại hình nơi mặn, nơi
chua, nơi cả mặn lẫn chua, nơi bị
ngập lụt và phèn nặng .
Nông dân có vô số từ ngữ để gọi kinh rạch:
ngoài các chữ thông dụng như sông, ngòi, mương, lạch, kênh, bàu, ao, hồ,
v.v còn có thêm rạch, xẻo, ngọn, rọc,
lung, láng, bưng, biền, đầm, đìa, trấp, vũng, trũng, gành, xáng .
Môi trường sông nước với
thủy triều lên xuống cũng có nhiều từ ngữ: ngoài chữ nước lớn (thủy triều dâng)
và nước ròng (thủy triều hạ), còn có nước giựt, nước bò, nước nhảy, nước đứng,
nước nằm.
Cũng là người Việt di
dân, cũng là văn hoá nông nghiệp, nhưng khi người Việt từ miền Thuận Quảng vào
vùng đất mới sình lầy vùng đồng bằng sông Cửu long, phải trải qua một quá trình
thích ứng nên văn hoá cũng hơi biến đổi :
Người
đi dao rựa dắt lưng
Ngó
sông sông rộng, ngó rừng, rừng cao
Cũng là miền đồng bằng
phù sa mới bồi đắp do biển cả trước kia là một vịnh, cũng có đất phù sa, đất
phèn, đất mặn nhưng miền này không bị lụt lội tàn phá như châu thổ sông Hồng.
Thực vậy, dòng sông Cửu Long rất dài và đã trải qua nhiều xứ duyên hà như Nam
Trung Hoa, Miến Điện, Ai Lao, Kampuchea trước khi vào lãnh thổ miền Nam Việt
nam; ngoài ra, nhờ Biển Hồ của Kampuchia trữ được nước lụt rất nhiều và chỉ từ
từ hạ nước xuống, đem theo muôn vàn cá con về miệt Kiến Phong, An Giang làm
giàu thủy sản nước ngọt ở đây.
4.
Các loại đất chính miền Châu Thổ Cửu Long
Đất cát
giồng
Các loại đất cát giồng
được thành lập do sóng biển và gió dồn cát lại mà thành. Giồng có địa hình cao
hơn các đơn vị trầm tích khác kế cận. Những giải đất giồng chứng tỏ đó là những
bờ biển ngày xưa, nay ở trong sâu vì châu thổ tiến dần ra biển. Có thể gặp
nhiều giồng dưới dạng những hình vòng cung song song với bờ biển, rải rác ở các
tỉnh Bến Tre, Trà Vinh (huyện Cầu Ngang, Trà Cú ..) ..Càng gần biển thì tuổi
các giồng cát càng trẻ hơn. Đất giồng thường cao ráo nên là nơi có tập trung
nhiều làng mạc.
Đất mặn
Ven biển có nhiều đất
mặn, có thảo mộc thiên nhiên là rừng sát gồm cây bần, cây đước, sú vẹt là những
thảo mộc chịu mặn:
Quê
hương tôi đất mặn đồng chua
Những đất mặn ở dưới rừng ngập mặn, bị ngập
nước triều quanh năm; ngoài ra cũng có những đất mặn không bị ngập triều mà chỉ
bị mặn trong mùa khô, thường có cao độ 0.5-0.8 mét .Đất mặn gặp các vùng duyên
hải như ở huyện Bình Đại, Thạnh Phú, Ba Tri tỉnh Bến Tre, ở huyện Cầu Ngang,
Trà Cú tỉnh Trà Vinh và dĩ nhiên các huyện tỉnh Cà Mau. Vùng duyên hải ven biển,
với những 'chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm, nghe chất muối thấm dần trong
thớ vỏ', trong một khung cảnh 'khi trời trong, gió nhẹ sớm mai hồng' (Tế Hanh)
là những phong cảnh thường gặp.
Trong khung cảnh môi sinh
của các rừng ngập mặn, có nhiều đàn cò trú ẩn:
Mây
biếc về đâu bay gấp gấp
Con
cò trên ruộng cánh phân vân
Chim
nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa
lạnh chiều thưa, sương xuống dần (Xuân Diệu)
Những đàn cò trên cánh
rừng làm ta bất giác nghỉ đến ca dao:
Con
cò mà đi ăn đêm
Đậu
phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông
ơi ông vớt tôi nao
Những vùng trước kia là
biển nay có nhiều đất phèn.
Đất
phèn
Nhóm đất phèn chiếm nhiều
diện tích nhất và có thể gặp:
-vùng Đồng Tháp Mười (các
tỉnh củ Kiến Tường, Kiến Phong)
-vùng Tứ giác Long Xuyên
(An Giang, Kiên Giang)
Hàm lượng phèn biến đổi
theo thời gian và không gian; thực vậy, nước phèn di chuyển từ vùng cao đến vùng thấp trũng, kéo
phèn xuống tích tụ ở các rốn phèn tức những lòng chảo, hứng phèn của các vùng
cao xung quanh. Trong mùa mưa, nước lôi phèn xuống các rốn phèn, liên tiếp dồn
phèn xuống làm cho dung dịch phèn ngày càng đậm đặc nên các vùng này phải bỏ
hoang.
Những chỗ phèn nhiều như
Đồng Tháp Mười thì nước kinh rạch rất trong veo vì phèn là những chất sunfat
alumin; các chất này hợp với các giao chất sét nên các chất sét bùn trong dung
dịch bị kết tủa và lắng chìm:
Cụ Nguyễn Du nói cuộc đời
Kiều, muốn êm xuôi mà ' hết nạn nọ đến nạn kia'
cuộc đời vẫn lên xuống, đã dùng 2 câu thơ sau đây so sánh với nước đã
đánh phèn mà bùn cứ không chịu trầm tích trong dung dịch :
Tiếc
thay nước đã đánh phèn
Mà
cho bùn lại vẩn lên mấy lần. (Kiều)
Đất
phù sa
Đất này được hình thành dọc theo các dòng sông
lớn như sông Tiền, sông Hậu. Phù sa ven sông thường ở địa hình cao hơn là các
phù sa ở xa sông; độ cao của các bờ sông phụ thuộc vào lượng phù sa và chế độ
thủy văn của sông. Ta có thể phân biệt:
Đất phù sa địa hình cao
có thể trồng lúa 2-3 vụ hoặc lúa+màu
Đất phù sa địa hình thấp
thường ngập nước và chua
Các loại đất phù sa mới
được hình thành cách đây chỉ khoảng 6 000 năm nay và không có lớp laterit hoặc
sạn sỏi. Có giá trị lớn về mặt nông nghiệp: cây ăn trái, rau cải, hoa màu
Đất
than bùn
Nhiều ở rừng U Minh, giàu
lớp hữu cơ. Hiện nay, nhiều rừng tràm bị đốt cháy nên lớp hữu cơ cũng bị mất đi
và do đó diện tích đất hữu cơ càng hẹp dần.
Đất
xám
Đất xám trên phù sa cổ (địa hình cao) thường
gặp tại các vùng ranh với biên giới Campuchia như Mộc Hoá, Hồng Ngự, Đức Huệ. Trong
đất loại này, có lớp laterit dưới sâu. Tuổi tuyệt đối dùng phương pháp C14
quãng 40 000 năm
5.
Nước như một yếu
tố môi sinh
Tục ngữ ta có câu: 'Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống'
đủ thấy ngay tầm quan trọng của yếu tố nước.
Nói đến ĐBCL là nói ngay
đến nước: thực vậy, kinh rạch ngổn ngang, bàu, ao, sông sâu sóng cả. Tuy nhiều
nước như vậy nhưng không phải muốn sử dụng là được: tại vùng Đồng Tháp Mười thì
nước phèn, tại vùng duyên hải lại gặp nước mặn, nhất là vào mùa khô. Đó là chưa
kể nước sinh hoạt sạch thì vẫn thiếu. Nước lũ sông Cửu Long 40 ngàn m3/ giây,
gấp đôi lũ sông Hồng nhưng nhờ có Biển Hồ nên chỉ dâng lên từ từ để làm ngập
trên cả triệu mẫu đất trong vùng Châu thổ. Lưu lượng con sông ấy mùa nước kiệt
chỉ có 2000 m3/giây từ tháng 3 đến tháng 5 trong khi nhu cầu nước cho sinh hoạt
châu thổ trong khoảng thời gian này là 4 tới 5 ngàn m3 /giây và nhu cầu ấy dự
trù tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ 21. Vào mùa mưa, nhờ lưu lượng nước khá lớn
nên có thể đẩy lùi nước mặn từ dòng sông chính và kênh lớn ra biển còn vào mùa
khô nước triều biển Đông xâm nhập sâu vào nội địa nên nhiều khu vực bị nhiễm
mặn, không trồng lúa được.
Sông Tiền và sông Hậu vừa
chuyển vận một dòng nước khổng lồ mang theo hàng trăm triệu tấn phù sa mỗi năm
nên động lực dòng nước lủ đã đào xới đáy lòng sông và xói mòn bờ sông để bồi
đắp chỗ khác nên tạo ra một mạng lưới sông với cù lao hoặc cồn 'lơ thơ cồn nhỏ
gió đìu hiu', có nơi uốn khúc, nhiều nơi bãi bồi, nhiều chỗ sụt lở đất bờ sông
(Tân Châu)
Nhiều ca dao phản ánh
kinh rạch chằng chịt với ghe thuyền buôn bán:
-Chèo ghe sợ sấu cắn chưn,
Xuống
bưng sợ đĩa lên rừng sợ ma
-Ghe
anh đỏ mũi xanh lường,
Ở
trên Gia Định xuống vườn thăm em
-Cái
Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Có
thương em, anh mua cho một chiếc đò
Để
em lên xuống thăm dò ý anh
-Anh
đi ghe gạo Gò Công
Vô
vàm Bao Ngược, gió giông đứt buồm
-Bước
xuống bắc Mỹ Tho, thấy sóng xô nước đẩy
Bước
lên bờ Rạch Miễu, thấy nước chảy vòng quanh
Anh
biết chắc nơi đây là đất Châu thành
Sao
tìm hoài không thấy trong đám bộ hành có em
Kinh rạch, sông ngòi là
nơi gặp đủ loại ghe buôn bán, chuyên chở hàng hoá và những câu hò chèo thuyền
(hò Đồng Tháp, hò Bén Tre, hò Sa dec..) đối đáp của trai gái là
cả một kho tàng văn học dân gian. Điệu hò mộc mạc, khoan thai từ những ghe
thuyền lờ lững trên kinh rạch và phản ánh tình yêu đương trai gái, rất trữ tình:
Chim
buồn tình, chim bay về núi
Cá
buồn tình, cá lủi xuống sông
Anh
buồn tình, anh dạo chốn non Bồng,
Dạo
miền sơn cước, xuống tới chốn ruộng đồng mới gặp được người thương
Tình yêu trắc trở, người
con gái phải bỏ người yêu để đi lấy chồng như trong thơ của T.T.K.H:
Nếu
biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời
ơi người ấy có buồn không
Nhưng chàng trai cũng
không oán người yêu:
Ra
đi anh có dặn rằng
Đâu
hơn bậu lấy, đâu bằng đợi anh
Dọc kinh rạch, người nông
dân không có phương tiên bác cầu sắt nên chỉ làm tạm cầu tre:
Ví
dầu cầu ván đóng đinh
Cầu
tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi
Khó
đi, mẹ dắt con đi
Con
đi trường học, mẹ đi trường đời
Và gặp sông lớn, đò đông
người thì hãy nhớ những lời khuyên của người mẹ:
Ra
đi mẹ có dặn dò
Sông
sâu đừng lội, đò đầy đừng đi
Hò trên bộ (có chỗ còn
gọi là lý) như hò cấy lúa, gặt lúa đêm trăng. Hò dưới sông thì có hò chèo ghe,
đem theo chút thi vị trên sông nước bồng bềnh:
Nước
chảy lơ đờ, đôi bờ xuôi ngược
Đường
đi non nước rộng rãi, thênh thang
Ta
vui đi khắp xóm làng
Mặc
cho chớp biển, mưa ngàn vẫn vui
hoặc:
Đèn
treo ngọn ái, nước xoáy gò ân
Phải
lương duyên thì xích lại cho gần
Kẻo
mai kia vắng mặt, hai đứa thầm nhớ thương
Gặp
anh vô cớ, em chẳng dám nhìn
Sợ
chị lớn ở nhà, chị sanh tâm biến tính, hốt lửa lôi đình
Chỉ
rình ngã ba, chỉ đón ngã bảy, không biết chết mình hay hại em
Chất
lượng của nước
Trong ĐBCL, có 4 loại
nước khác nhau: nưóc ngọt, nước phèn, nước lợ, nước mặn
Nước
ngọt (không phải là nước xá xị đâu!) có những đặc tính như
nưóc mưa, uống được, dùng trong sinh hoạt
Nước
phèn
là nước chứa nhiều sắt và nhôm, có nồng độ acid lớn nên không uống được
Nước
lợ (nước chẻ hai) là nước pha giữa nước ngọt và nước mặn,
gặp ở các vùng trung gian giữa ngọt và mặn
Nước
mặn
là nước gần vùng cửa biển chứa nhiều clorua natri (ClNa)
Vào mùa nắng, lưu lượng
dòng sông thấp nên nước mặn từ các cửa biển vào sâu trong nội địa hơn mùa mưa
Thủy
triều
Cũng như nhiều nơi trên
thế giới, miền biển châu thổ Cửu long có 2 thủy triều lên và 2 thủy triều xuống
trong 24 giờ (chế độ bán nhật triều), còn miền biển Bắc bộ chỉ có một lần thủy
triều lên và một lần thủy triều xuống (chế độ nhật triều).Đó là vì có nhiều yếu
tố khác như dạng bờ biển, chiều sâu đại dương ..
Nước lên-nước xuống chi
phối đời sống dân ven biển. Một chu kỳ biến động của mực nước-từ lúc nước biển
rút xuống đến mức tối đa đến lúc nước biển lên cao đến mức tối đa- kéo dài 15
ngày và được gọi là một con nước .Như vậy, mỗi tháng có 2 con nước.
Tuy miền châu thổ Cửu
long có chế độ bán nhật triều (biển Đông)
nhưng biên độ triều của hai lần không đều nhau : ta có nước lớn cao,
nước lớn thấp, nước ròng cao, nước ròng thấp; như vậy, ở đây mỗi ngày 24 giờ có
một lần nước lớn cao, một lần nước lớn thấp, một lần nước ròng cao, một lần
nước ròng thấp .Nhìn nước lớn, nước ròng, nhìn cuộc đời sớm còn, tối mất, người
ta ca rằng:
Bìm
bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn
bán không lời, chèo chống mỏi mê
Trước khi đổi con nước,
dòng sông ngưng hẳn, gọi là nước đứng:
Nước
không chưn sao kêu bằng nước đứng
Cá
không giò sao gọi con cá leo?
Mực nước thủy triều có
ảnh hưởng lớn đến đồng bằng, từ chuyên chở trên sông rạch đến nông nghiệp. Nước
triều cao sẽ dễ dàng lấn sâu vào nội địa và làm nhiễm mặn nước sông và đất đai.Tại
vùng châu thổ Cửu long, ảnh hưởng của thủy triều có thể lên đến Nam Vang, còn
nước mặn ảnh hưởng nhiều vùng duyên hải như Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Sóc
Trăng, Cà. Mau
Hệ thống sông ngòi miền
Nam với các cửa sông Cửu Long: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Định An,
Cung Hầu, Ba Sắc, Tranh Đề (riêng Bến Tre đã có 4 cửa là Đại, Ba Lai, Hàm
Luông, Cổ Chiên). Nhưng trong tương lai, sông Cửu Long sẽ chỉ ra biển bằng 8
cửa vì sẽ đắp đập ngăn sông Ba Lai biến sông này thành hồ chứa nước ngọt
6.
Khí hậu, một yếu tố môi sinh
Khí hậu là gió, mưa, giông
bão, nó tác động lên nhiều yếu tố môi sinh khác như đất đai, hoa màu, nước,
sông ngòi, xói mòn, sập lở. Trong văn học dân gian, có vô vàn những câu tục
ngữ, ca dao đúc kết các kinh nghiệm của nông dân vì nông dân phụ thuộc nhiều
nhất vào khí hậu trong công việc đồng áng:
Trông
trời trông đất trông mây
Cũng có nhiều vè nắng hạn
như:
Kẻ
thời cầm ruộng bán trâu
Không
mưa thấy nắng nghĩ lâu thêm sầu
Nắng
sao ông nắng li bì
Ngày
thời dàng dặc còn gì ruộng nương
Thấy
trâu kêu thảm kêu thưong
Nắng
sao hết nước, còn xương với sừng
Nắng qúa, không mưa nên
chất mặn mao dẫn lên lớp đất mặt không thể cấy lúa được, nhất là tại các ruộng
cao:
Ruộng
sâu cấy đặng, ruộng đèo khô rang
Cũng có thể gặp nhiều trận bão từ biển Đông
nên dễ xảy đói kém thổi tới, làm ghe thuyền đánh cá chìm ngoài duyên hải, cây
cối trong vườn bị cuốn trôi
7.
Thảo mộc như một yếu tố môi sinh
Đồng bằng châu thổ sông
Cửu Long trưóc kia toàn là rừng với đầm lầy; vì chỉ mới lồi ra khỏi biển chừng
6000 năm về trước, nên với sự trầm tích của các phù sa, lúc đó châu thổ mới có nhiều rừng
ngập mặn hoặc rừng đầm lầy (swamp forest). Phải kể cây tràm (Melaleuca) vùng U
Minh. Vào mùa khô, trái tràm rụng xuống đất và đến mùa mưa, cây tràm con đã lên
xanh tốt. Cây tràm nhỏ và thấp hơn cây đước và thân cây thường vặn vẹo không
thẳng đứng như cây đước. Những cây thân tương đối thẳng thì dùng làm cột nhà,
còn trong xây cất nhà cửa, cây tràm dùng làm cọc chống lún rất bền chắc .Gỗ
tràm dùng làm cột nhà mà không bị mọt mối phá hư. Hoa tràm có vị thơm và nhụy
hoa ngọt nên loài ong thường đến hút nhụy làm mật. Rừng tràm là nơi ẩn náu
nhiều loài chim, cá đồng chưa kể các động vật như trăn, rùa, khỉ, heo rừng.
Rừng ngập mặn ven biển thì có cây đước (Rhizophora) phát triển rất nhanh tại
các bãi bồi còn sình lầy. Cây đước làm cột nhà, cắm trụ đáy trên các sông và
ngoài biển khơi. Gỗ đước còn dùng làm
mái chèo. Ngọn, nhánh đước dùng làm củi và thân cây đước dùng để hầm than: có
hàng trăm lò than đước ở huyện Năm Căn (Cà Mau). Vỏ đước dùng để nhuộm chài lưới
và là nguyên liệu chế tanin phục vụ cho ngành thuộc da. Cây bần (Sonneratia acida), mọc theo bờ kinh
rạch. Mọc gần bùn thì có cây choại (Stenochlaena
palustris), mọc gần nước thì có cây dừa nước (Nipa fruticans), cây móp (Alstonia).
Những vùng đất bồi ngập mặn có lác (Cyperus
malacensis) dùng để dệt chiếu:
Đồng
Bến Tre nhiều bưng nhiều lát
Đường
về Ba Vát, nặng chĩu sầu riêng
Anh
ra đi ba bốn năm liền
Sao
không ở lại kết bạn hiền với em
Cỏ bàng (Leipironia
articulata) dùng làm đệm. Cỏ bàng có nhiều vùng đất phèn, miệt Thủ Thừa lên
tới Mộc Hoá. Những dân nghèo đến đó cắt đem về bán cho các vựa ở Chợ Đệm và Chợ
Đệm có tên như vậy vì đó là nơi sản xuất đệm dùng để phơi lúa, làm buồm chạy
ghe.
Trên kinh rạch, đủ loại
bèo: bèo tai chuột (Salvinia), bèo lục
bình (Eichornia), bèo cám (Pistia)
8.
Sinh vật như một yếu tố môi sinh
Nói đến đồng bằng Cửu
Long thì phải nghĩ ngay đến cá: "ăn cơm không cá như má không con" vì miền này
có đủ loài cá:
Nhóm
cá đen như cá lóc, cá rô, cá trê, cá trạch là những loài
thích sống trong đồng ruộng hoặc ao đầm ; nhóm cá này xuất hiện nhiều sau những trận mưa trên
ruộng đồng nhưng khi nước cạn dần trên ruộng, chúng lại rút xuống các ao đầm
chứ không phải xuống sông rạch như nhóm cá trắng. Những nơi nổi tiếng cá đen
(cá đồng) có thể kể ra như Cái Nước, Đầm Dơi, U Minh
Nhóm
cá trắng thích sống ngoài sông rạch như cá mè, cá bống, cá
linh, cá he, cá chẽm. Nhóm này lúc nước ruộng bắt đầu rút khi mùa mưa chấm dứt
thì theo dòng nước lũ ào ra sông rạch; đó là lúc đua nhau chài lưới và đặc biệt
là bắt cá linh. Cá linh tươi từ miệt Châu Đốc, Tân Châu theo các ghe để bán
khắp các chợ còn số cá ngộp, yếu sức thì đem cân ký cho các lò làm mắm. Cá linh rẻ nhất trong nhóm cá trắng và
làm được nhiều món: cá linh nấu mắm ăn với rau bông súng, cá linh chiên ăn với
rau sống và nước mắm, chanh tỏi ớt, cá linh nấu chua với bông so đũa.
Xưa kia cá đồng rất nhiều
nhưng ngày nay, với dân số đông, với thuốc sát trùng, môi sinh bị hủy hoại nên
cá đồng hiếm dần. Do đó phải nuôi cá bè: cá được nuôi ăn bằng thực phẩm, thay
vì phải đi tìm mồi. Một trong những loài cá được ưa chuộng trong việc nuôi cá
bè là loài cá chình (Anguilla anguilla) vì cá này xuất cảng dễ dàng, nhất là
sang Nhật.
Ngoài cá, có tôm sú, cua,
nghêu cũng là những thủy sản của vùng châu thổ Cửu long:
Muốn
ăn bông súng, mắm kho
Thì
vô Đồng Tháp ăn no đã thèm
Đồng
Tháp Mười cò bay thẳng cánh
Nước
Tháp Mười lấp lánh cá tôm
Gió
đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng
Về
sông ăn cá, về đồng ăn cua
Trong châu thổ Cửu Long,
cũng có vô số rắn, chuột như các bài vè sau đây đã mô tả:
Vè rắn U Minh kể ra rắn
lục, rắn ngựa, rắn hổ, rắn roi, rắn nước..:
U
Minh nước đỏ,
Choại,
dớn, cóc kèn
Ăn
ở cho hiền
Dạo
chơi với rắn
Bất
kỳ sâu cạn,
Rắn
nước, rắn râu
Bay
trêntrời cao,
Rắn
rồng uốn khúc
Chạy
ngang chạy dọc,
Rắn
ngựa phóng theo
Hút
gió thật kêu
Là
con rắn lục
v.v..
Vè chim chóc thì kể rất
nhiều loài chim như chim mỏ nhát, sa sả, chèo bẻo, cà cưỡng, sáo, qụa, manh
manh, bìm bịp
Các động vật (cá, tôm,
lươn, nghêu, mực..) cùng các thực phẩm từ cây rau cải, cây quanh vườn đã tạo ra
một văn hoá thức ăn khác với miền Bắc hay miền Trung. Thực vậy, bắp chuối, thân
chuối, rau đắng, giá sống, khổ qua, trái thơm, cải bẹ xanh, cùng với nhiều loại
rau quế, dấp cá, kinh giới, ngò gai, bông súng, ngó sen, đọt xoài, đọt điều,
hẹ, cùng với nhiều loại mắm được chế biến từ mắm đồng (mắm sặc, mắm linh, mắm
lóc) đã tạo cho món ăn miền sông Tiền, sông Hậu những nét cá biệt:
Hà
tươi cửa bể Tourane
Long
Xuyên chén mắm, Nghệ An chén cà
(Tản Đà)
9.
Các tiểu vùng sinh thái
Các yếu tố đơn độc như
nước, như núi, như mây trời đều tác động lẫn nhau chứ không đứng riêng rẽ, để
tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái. Có những núi cao, có những đồi thấp, có những
động cát duyên hải, có những đồng bằng. Núi cao như vùng Bảy Núi nam Châu Đốc
có những phong cảnh thực vật khác các vùng đầm lầy, úng nước. Địa hình ảnh
hưởng đến đất đai; từ địa hình, ta có một loạt tiền đề về nước lưu chuyển, sự
mùn hoá, sự xói mòn, các loại thảo mộc.
Thảo mộc thiên nhiên khác
xa, tùy theo điều kiện môi trường; thực vậy, cây cối phụ thuộc nhiều vào đất và
nước.
Tại miền châu thổ, đồng
bằng mới nhìn qua thì bằng phẳng nhưng về ẩm độ trong đất, có vùng nước ngập
nông cạn, có vùng đất ngập sâu. Ruộng cao thì dễ thoát nước hơn, nước trong
ruộng ít hơn, khó tát nước hơn; ruộng sâu úng thủy, đất nặng hơn nên kỹ thuật
canh tác cũng khác:
Ra
đi mẹ có dặn dò
Ruộng
sâu cấy trước, ruộng gò cấy sau
Không phải chỉ là nước
ngập nhiều, nước ngập ít mà lại còn nước phèn, nước mặn, nước lợ nên có những
tổ hợp như những vùng đất phèn ngập cạn, những vùng đất phèn ngập sâu, những
vùng đất phù sa ngọt ngập cạn, phù sa ngập sâu. Ta có thể phân biệt 12 tiểu
vùng sinh thái sau:
* Vùng đất phèn-đất mặn dưới rừng sát cửa sông Saigon, Đồng
Nai: vùng này có đất vừa phèn vì có bùn non chứa pyrit, vừa mặn vì nước mặn xâm
nhập do thủy triều lên xuống
* Vùng
đất mặn-phèn cửa sông Cửu Long: đây là vùng đất vừa bị mặn, vì gần cửa
biển, vừa bị phèn tiềm tàng trong đất
* Vùng
đất mặn Sóc Trăng, Bạc Liêu chỉ làm lúa mùa mưa, còn mùa nắng phải bỏ hoang
vì không đủ nước ngọt
* Vùng
đất mặn-phèn dưới rừng sát Năm Căn, Cà Mau
* Vùng
đất than bùn phèn tiềm tàng dưới rừng U Minh: đất nhiều chất hữu cơ do cây
tràm bị hủy hoại lâu này tích tụ ở trên đất
* Vùng
đất trũng phèn Tây sông Hậu, ở miệt Kiên Giang Rạch Giá, Hà Tiên
* Vùng
đất phèn ngập nông (cạn) tứ giác Long Xuyên.
* Vùng dất trũng phèn ngập sâu Đồng Tháp Mười:
vùng này dễ bị ngập lụt hơn các vùng khác
* Vùng
đất xám Thất Sơn An Giang: vùng này ở các gò đồi chân núi
*
Vùng đất ngọt ngập sâu An Giang, Đồng Tháp (Sadec, Cao Lãnh): vùng này
chính là vùng lúa nổi vì nước ngập sâu, có mực nước cao hơn 1 m, có nơi
3-5mét., nhưng nước lên từ từ. Hết mùa
mưa, khi nước rút dần, có thể làm một vụ hoa màu khác như bắp, đậu nành, lúa
miến vì đây là đất ngọt, không phèn, không mặn
Men sông Hậu, nhất là Tân
Châu, hiện tượng sụt lở ven bờ sông thường xảy ra, nhất là những năm gần đây vì
chế độ thủy văn mất thăng bằng do đào nhiều kinh thoát lũ nhưng cũng đồng thời
thay đổi hướng chảy ngay trong các sông chính, thay đổi luôn động lực của dòng
sông.
Sông Tiền và sông Hậu đón
nhận lượng nước của cả toàn lưu vực sông Cửu Long gần 500 tỉ khối/ năm, trong
đó mùa lũ chiếm tới 400 tỉ khối. Dòng nước đó chuyên chở 250 triệu tấn phù sa
và ở những chỗ nền địa chất của vỏ lòng sông mềm yếu thì lượng trầm tích vĩ đại
kia có cơ hội đào xới, dòng chảy xoáy mạnh, tạo ra những vực sâu và sụt lở bờ
sông, bên bồi bên lở, phân dòng, rẽ nhánh
* Vùng đất phù sa ngọt ngập sâu Cần Thơ-Sóc Trăng: nước trong ruộng từ 30 đến
100cm. Xưa kia, đây là vùng lúa cấy 2 lần vì đất ngập sâu nên sau khi cấy lần
đầu, lại phải nhổ mạ cấy lần thứ hai để cây lúa chống được nưóc sâu. Ngày nay
nhờ du nhập nhiều giống lúa khá cao chịu đựng được cấy một lần dù mực nước
50-60cm, nên càng ngày càng hiếm thấy lúa cấy 2 lần
* Vùng đất phù sa ngọt ngập nông Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre: vùng này không
có vấn đề nên hiện nay, nông dân sử dụng đất vào các lại cây cho lợi tức cao
hơn lúa như cây ăn trái, rau cải
Trong mười hai tiểu vùng
sinh thái thì có bốn tiểu vùng hoàn toàn có tính cách hướng lâm, không nên khai
thác trong nông nghiệp như vùng 1, 2, 4 và 5. Các vùng khác thì phải hoặc sống
với lũ, hoặc chống lũ. Sống với lũ có nghĩa là thích nghi với lũ như chỉ trồng
trọt khi nước lũ xuống, trồng giống lúa vượt lũ. Còn chống lũ thì phải đắp đê
bao, xây bọng để thoát nước v.v
10.
Các vấn nạn môi sinh - Overpopulation
Năm 1979, toàn ĐBCL có 11.914.000
người và chỉ 14 năm sau (1993), đã tăng lên đến 15.531.600 người, nghiã là tăng
thêm 2.2% mỗi năm.
Theo đà đô thị hoá và
tăng gia dân số, nhịp độ chuyển từ đất nông nghiệp sang đất xây dựng (đất nhà
ở, đất trường học ..) ngày một nhanh do đó, tỷ lệ đất nông nghiệp cũng sẽ giảm
nhanh, kéo theo sự sút giảm diện tích canh tác cho mỗi lao động nông nghiệp.
Diện tích canh tác nhỏ dần kéo theo tình trạng khiếm dụng nhân công
(underemployment) đang xảy ra ở thôn quê: phần lớn hiện nay chỉ làm việc dưới
200 ngày trong một năm và kéo theo tình trạng thất nghiệp vì không có việc làm.
Chính vì tăng gia dân số
qúa nhanh nên vấn đề an toàn lương thực, vấn đề xuất cảng gạo để có ngoại tệ
được đặt ra; do đó phải làm nhiều công tác thủy lợi như đào kinh, đắp đê ven
biển. Đào kinh rẽ một dòng nước vĩ đại làm thay đổi chế độ thủy văn, thủy chế
của dòng sông, chưa kể các chương trình xây đập nước trên thượng lưu nên cân
bằng nước trong lưu vực bị đảo lộn, sinh thái thay đổi đột ngột: sụt lở, nước
mặn vào sâu trong đất liền
Chính vì tăng gia dân số
qúa nhanh, số người tràn vào đô thị ngày càng tăng: Phố phường chật hẹp, người
đông đúc, nên đô thị gặp thêm một số vấn đề ô nhiễm khác: ô nhiễm tiếng động, ô
nhiễm bụi bặm, những khu kỹ nghệ nằm xen vào khu dân cư, nhiều khu ao hồ bị lấp
đi để mở rộng đất xây dựng, gây thêm nạn ngập úng. Saigon, hiện nay, chỉ sau
một cơn mưa thì đường sá như một dòng suối! Nhiều nguồn thải các nhà máy (nhà
máy đường, nhà máy dệt, biến chế thực phẩm..) đưọc thải ra sông rạch mà không xử lý, do đó môi trường nước bị ô
nhiễm với hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ cao hơn nhiều lần mức chấp nhận được.
Overfishing
Nhiều vùng có mật độ đáy
phân bố trên sông rất dày. An Giang, Đồng Tháp có những đáy dài đến 100-150 mét
và các đáy có mắt lưới rất nhỏ nên nhiều cá con kể cả con ruốc cũng bị chết nên
không thể làm giống để nuôi được do đó nhiều người gọi
đáy là ngư cụ 'lọc nước lấy cá'; đối với đáy cá tra bột ở các tỉnh An
Giang, Đồng Tháp khi vớt cá tra bột cũng đồng thời vớt các loại cá cám, cá chỉ,
số lượng các loài cá này lại gấp 3 lần số lượng của cá tra bột mà sau đó ngư
dân loại bỏ đi, làm hao hụt nguồn giống
các loài cá này .Đối với cào cũng vậy:
mắt lưới nhỏ và cào sát đáy nên cũng lạm
sát cá-tôm đồng thời gây cản trở lưu
thông trên sông. Lại thêm cào điện làm mọi loài cá đều bị chết. Nhìn chung thì
sản lượng khai thác cá tôm ở ĐBCL có tăng gia nhưng so với sự gia tăng của số
lượng ngư cụ và biện pháp cải tiến kỹ
thuật thì sự gia tăng này không cân đối; chứng tỏ việc khai thác bừa bãi làm
ảnh hưởng đến nguồn lợi cá tôm ở ĐBCL. Nhiều loài cá có giá trị trên sông trở
nên hiếm như cá hô, cá tra dầu, cá bống tượng. Tránh overfishing: quy định
khoảng cách các nền đáy; nghiêm cấm cào điện; mỗi địa phương phải phân lô khai
thác: chỉ khai thác ở một số trọng điểm còn những chổ khác phải cấm đánh bắt để
bảo vệ cá-tôm sinh sản, quy định cỡ mắt lưới cho các ngư cụ lạm sát cá tôm như
đáy và cào
Overpumping
Sự an toàn lương thực đòi hỏi tài nguyên nhiều
hơn, trong khi nguồn nước là một vấn đề nan giải vì nước sinh hoạt, nước trồng
tiả, nước dùng trong kỷ nghệ, nhà máy có giới hạn của nó. Bơm nước nhiều làm
nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất nội địa, chưa kể dến cản trở lưu thông trên
sông ngòi vì lượng nước thấp tàu bè trọng tải lớn không chạy được.
Overhunting
Tại miền châu thổ, có
nhiều bãi chim sống tại các rừng tràm; ven duyên hải nhiều loại cò : cò quắm,
cò xám, cò nâu, cò vàng, cò trắng mỏ đen, cò trắng mỏ vàng, cò trắng đầu đỏ và
nhiều chim các loài như cưỡng, sáo. Có thể sử dụng các bãi chim làm du lịch
sinh thái, thay vì giết hàng loạt hoặc đốn rừng khiến chim muông không nơi trú
ẩn.
Overcutting
Những sự so sánh bằng
không ảnh, vệ tinh cho thấy diện tích rừng ngập mặn ven duyên hải biển Đông bị
suy giảm nghiêm trọng: phá rừng nuôi tôm trong khi đó rừng này là nơi tôm cá
sinh trưởng; phá rừng bừa bãi làm giảm luôn đa dạng sinh học. Rừng rú chứa
nhiều thực vật hoang dã vốn là cả một kho gen vĩ đại; trong nông nghiệp cũng có
nhiều giống lúa, có giống chịu hạn, có giống chịu mặn, có giống chịu ngập. Đa
dạng các giống lúa giúp bớt đi các bất trắc rủi ro trong trồng trọt. Các thực
vật chứa nhiều gen có thể dùng để tháp gen vào các chương trình di truyền thực
vật như có giống lúa có gen kháng rầy nâu, kháng cháy lá có thể sử dụng để lai
giống, để bớt đi lượng thuốc sát trùng, vì thuốc sát trùng cũng vào đất, vào
nước
Phá rừng nên chim không
còn nơi trú ẩn, vắng hẳn tiếng hát líu lo của chim; nhiều loài thực vật biến
hẳn do phá rừng và nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Các rừng tràm bị đốn phá
lấy củi; nước mặn làm hủy hoại rừng tràm vì tràm chịu vùng nước lợ mà thôi. Tóm
lại phải có cân bằng sinh thái song song với lợi ích kinh tế xã hội vì khi cán cân sinh thái đã nghiêng rồi thì cũng khó
lập lại cân bằng.
Và sự cọng lại của các
cái O như trên (Overcutting + Overfishing + Overhunting + Overpopulation..) tạo
ra một hậu qủa là sự giảm đa dạng sinh học
11.
Kết luận
ĐBCL, cách đây 300 năm,
là nơi 'muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh' ngày nay đã là một vùng
giàu có nhất nước: lúa, cây ăn trái, kỹ nghệ, đó là nhờ nhiều công trình thủy
lợi, ngay từ đời nhà Nguyễn, qua Pháp thuộc mãi cho đến ngày nay: kênh mương,
công trình ngăn mặn, rửa phèn . Tuy nhiên càng ngày càng có những dấu hiệu hạn
chế do nhiều lý do:
a/ sự bùng nổ dân số, sự đô thị hoá làm quỹ đất
canh tác càng ngày càng giảm dần
b/ các công trình thủy
lợi trên thượng lưu sông Mekong làm giảm lưu lượng trên sông, khiến nước mặn
xâm nhập sâu hơn vào nội địa nên không thể làm lúa vào mùa nắng ở các vùng
nhiễm mặn. Thực ra, lúa là một cây lương thực có nhiều nhu cầu nước, vả lại không
đem nhiều lợi tức vì chi phí sản xuất qúa cao (Phân bón, thuốc sát trùng, nhân
công) so với giá bán ra, do đó nên giảm bớt diện tích trồng lúa để trồng các
loại cây ít nhu cầu nước mà tiêu thụ dễ, thu nhập nhiều như cây ăn trái. Thực
vậy, nhà nông làm quần quật suốt ngày mà thu nhập chẳng bao nhiêu. Nghề làm
nông rất vất vả vì phụ thuộc nhiều yếu tố môi sinh (mưa, nắng, đất, nước..),
kinh tế (thị trường tiêu thụ trong nước, ngoài nước, nhân công). Hãy nghe vài
câu ca dao:
Rạng
ngày vác cuốc ra đồng
Tay
cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu
Ruộng
đầm nước cả bùn sâu
Suốt
ngày cùng với con trâu cày bừa
Việc
làm chẳng quản nắng mưa
Cơm
ăn đắp đổi muối dưa tháng ngày
Ai
ơi bưng bát cơm đầy
Biết
công kẻ cấy người cày mấy nao!
Hoặc:
Thân
anh khó nhọc trăm phần
Sáng
đi ruộng lúa, tối nằm ruộng dưa
Vội
đi quên cả cơm trưa
Vội
về quên cả trời mưa ướt đầu
c/ sự phá rừng bừa bãi trên các giải duyên hải
để nuôi tôm bán thâm canh, sau những năm đầu phấn khởi nhưng ngày nay, hàng
loạt tôm chết trong khi đó các đìa nuôi tôm thành hoang phế mà rừng duyên hải
là nơi tôm cá sinh sản và giúp chống sự xói
mòn các sóng biển
d/ vì quỹ đất canh tác
càng ngày càng hẹp dần do dân số tăng nhanh nên cần có những giải pháp lâu dài và
đồng bộ như tạo ra những nguồn thu khác nhau trong nông nghiệp (cây ăn trái,
rau đậu, hải sản) lẫn ngoài nông nghiệp như các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm,
thương mãi, chuyên chở ..Cần đẩy mặn sự chế tạo các sản phẩm xuất cảng được
ngay ở vùng nông thôn để sử dụng nhân công dư thừa, song song với việc phát triển
cơ sở hạ tằng ở nông thôn (điện, nước, đường ) chứ không nên tập trung quá đáng
vào các vùng đô thị và cận đô thị .
Thực vậy, mọi người đều
đồng ý có sự liên quan giữa dân số với tài nguyên thiên nhiên. Phân tích những
động lực và cản trở phát triển, đi tìm những khả năng và hạn chế trong xu thế
phát triển là tìm kiếm một chính sách
phát triển lâu bền.
Trong sự phát triển bền lâu, phải có sự cân đối giữa 3 khía
cạnh sau đây:
Phát triển kinh tế (nông
nghiệp, công nghệ), tiến bộ xã hội (y tế, giáo dục, nâng cao dân trí, sinh đẻ
có kế hoạch ..) và bảo vệ môi sinh; đó là 'cái kiềng ba chân' của sự phát triển
bền vững (PTBV); đó là khai thác đúng mức tài nguyên, không lạm thác, không cạn
kiệt để cho các thế hệ sau cũng còn hưởng lợi nữa.
Tóm lại, sự cần thiết có một
sự hài hoà giữa con người và thiên nhiên, hài hoà giữa thiên nhiên và phát triển kinh tế, một sự hài hoà mà
chính hệ thống triết học Á Đông luôn luôn đề cao, nghĩa là cần tránh 5 LESS sau
đây:
Ruthless:
hiện nay sự phân hoá giàu nghèo qúa cách biệt nên cần có phát triển hài hoà,
sao cho các thành tựu phát triển kinh tế cũng phải được phân phối đồng đều, chứ
không có cảnh người qúa giàu, kẻ qúa nghèo
Rootless:
phát triển nhưng phải giữ căn tính, bản sắc văn hoá dân tộc
Jobless:
phát triển nhưng tạo công ăn việc làm, chứ không phải phát triển với các dự án
không tạo thêm công việc: cần các dự án sử dụng nhiều nhân công như phát triển
hạ tằng cơ sở: cầu, đường, trường, điện
Futureless:
phát triển nhưng phải lo bảo toàn môi sinh vì chính môi sinh như đất, nước,
rừng phải được sử dụng trong đường lối phát triển bền vững để cho các thế hệ
sau này còn được hưởng dụng.
Voiceless:
phát triển nhưng trong sự trong sáng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, khiến
người dân nào cũng có thể nói mà không sợ bị bắt bớ, giam cầm
Thái Công Tụng