Tác Phẩm: Việt Nam Ngày Mai

GS Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm

Tác Phẩm: Việt Nam Ngày Mai


Tiếp theo quyển “CUỘC CHIẾN CÔ ĐƠN" ra đời năm 2007 nay thẩm phán Phạm Đình Hưng cho ra mắt một tác phẩm quan trọng nữa với nhan đề “VIỆT NAM NGÀY MAI". Cuộc Chiến Cô Đơn là một hồi ký kể lại cuộc đời làm chính trị của tác giả. Việt Nam Ngày Mai mở rộng hon, cho thấy cái nhìn của ông về lịch sử hiện đại của Việt Nam và những nhận định của ông về hướng đi của đất nước trong những ngày sắp tới.

Là một nhà hành pháp, lập pháp, tư pháp và giám sát, trải qua hai chế độ Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hoà của Miền Nam Tự Do, thẩm phán Phạm Đình Hưng không chỉ là một chứng nhân quan trọng của chiến tranh Việt Nam 1945-75, ông còn là một chính trị gia từng trải đã có nhiều công lao trong việc xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ nhân bản tự do của Việt Nam Cộng Hoà. Ông lại cũng đã phải đi tù Cộng Sản sau 1975, và phải sống những ngày đen tối khốn khổ dưới chê độ độc tài, phi nhân của xã hội chủ nghĩa trước khi định cư trên nước Mỹ. Trong tư cách đó, tiếng nói của Phạm Đình Hưng có tầm cỡ quan trọng đáng cho giới thức giả hôm nay cũng như những thế hệ trẻ Việt Nam sau này lưu ý.

Mục đích của ông là cùng người đọc "ôn cố" để "tri tân, như người xưa thường nói. Ôn cố là tìm biết cái cũ để có cái nhìn đứng đắn về những sự việc đã xảy ra, tức lịch sử, để từ đó có thể tri tân, có thể suy ra để biết được cái mới, biết được những gì đang hay sắp xảy ra. Công việc ôn cố tri tân cũng có giá trị không khác gì công việc dự đoán (prediction) khoa học tựa trên những dữ kiện đúng đã xáy ra trước đó. Dự đoán chỉ có thể đúng nếu những yếu tố quyết định (determining factors) đúng. Ôn cố mà không đúng thì tri tân chắc chăn là phải sai. Những yếu tố quyết đinh ở đây là những sự kiện lịch sử. Nếu lịch sử bị bóp méo, hay bị nhìn thiên lệch thì những kết quả suy ra từ lịch sử sẽ không có giá trị gì. Tác giả Phạm Đình Hưng hiểu rõ điều đó. Cho nên ngay trong phần mở đầu ông đã dẫn lời của vặn hào Voltaire rằng "sử gia không phải là kẻ nịnh bợ” để cho biết rằng ông tôn trọng sự thật lịch sử, nhìn lại quá khứ với tinh thần khách quan không để cho khuynh hướng chính trị cá nhân làm cái nhìn của mình trở nên thiên lệch. Thành ra tuy là mang căn cước ty nạn cộng sản, và với thế đứng vững chắc của người Việt Quốc Gia, ông không cố ý viết lại lịch sử qua lăng kính của người chống Cộng Sản mà cố gắng có cái nhìn khách quan của một sử gia và những nhận định không thiên lệch về tình hình của đất nước. Việt Nam Ngày Mai được viết ra trong tinh thần khách quan, khoa học đó.

Ngoài phần Dẫn Nhập ở đầu, với phần Kết Luận ở sau cùng, sách gồm 7 chương tất cả. Ba chương đầu nói về những cuộc nội chiến xảy ra trên đất nước Việt Nam, từ cuộc nội chiến trước kia dưới thời quân chủ (chương l) đến hai cuộc nội chiến gần đây ở thời dân chủ (nội chiến 1945-54 ở chương 2, và nội chiến !954-75 ở chương 3) với những diễn tiến chi tiết, những kế hoạch thực hiện của phía cộng sản và những phản ứng đối phó của phe Quốc Gia, những hậu quả ghê gớm của chiến tranh cùng những bài học lịch sừ rút tỉa ra từ những cuộc nội chiến này. Chương 4 dành cho lịch sử của Việt Nam dưới sự độc tài toàn trị của Cộng Sản từ 1975 đến giờ từ những đàn áp, cướp bóc, hành hạ, kiềm kẹp dân quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà đến những đổi mới làm giàu cho các cấp đảng viên cộng sản và sự nô lệ và bán đất dâng biển cho cộng sản Tàu. Chương 5 cho một cái nhìn tổng thể về Miền Nam Việt Nam từ lúc thành hình cho đến nay về các phương diện địa lý kinh tế, chính trị. Chương 6 nói về con người Hồ ChíMinh và đảng Cộng Sản Việt Nam, quá trình hoạt động của nhân vật này cùng với những nhận định về công và tội của ông ta (và đảng Cộng Sản) đối với đất nước và dân tộc. Chương 7 cống hiến một cái nhìn về tương lai, dự đoán một ngày mai của đất nước và dân tộc Việt Nam. Mỗi chương được phân chia thành nhiều đoạn và mỗi đoạn thành nhiều tiểu đoạn sắp xếp một cách công phu, hợp lý, tỉ mỉ và khoa học. Phạm Đình Hưng có phong cách làm việc của một học giả từ việc thu thập tài liệu, dữ kiện, phân tích suy luận đến cách thức trình bày và diễn tả trong tác phẩm. Ông không viết như nhà vặn hay nhà báo, ông cũng không viết để biện minh hay thuyết phục, ông chỉ trình bày một cách khách quan như nhà biên khảo báo cáo kết quả của một công trình nghiên cứu của mình. Chủ đề là Việt Nam Tương Lai. Vậy theo chủ đề, tương lai dự đoán cho Việt Nam như thế nào".

Tác phầm nói lên một nghịch lý của lịch sử bằng một hình ảnh tương phản hết sức trớ trêu: tác giả mở đầu chương Dẫn Nhập với nhan đề "Một Bình Minh Rực Rỡ" để đi đến kết thúc bằng một Kết Luận không mấy sáng sủa với nhan đề "Một Hoàng Hôn Thê Lương". Theo tác giả, lịch sử Việt Nam, từ 1945 đến nay, đã đi ngược chiều tiên hoá của nhân loại. Thay vì quốc gia Việt Nam tiến lên, càng lúc càng sáng chói rực rỡ, càng phú cường, hùng mạnh như các nước Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore, Đài Loan, v v . . thì đằng này từ một vị trí khá cao hồi năm 1945 nó đi thụt lùi đến chỗ trở thành một nước nghèo đói, chậm tiến, càng lúc càng lệ thuộc ngoại bang (chẳng khác một An Nam Đô Hộ Phủ thuở nào).


Sự nghịch lý của lịch sử Việt Nam từ sáu thập niên qua với hình ảnh hết sức trớ trêu nói trên sở dĩ đã xảy ra được là vì sự ra đời của đảng Cộng Sản Việt Nam và người lãnh tụ của đảng này là Hồ Chí Minh. Hai cuộc nội chiến thời dân chủ đều do Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản gây ra, khởi từ việc cướp chánh quyền năm 1945, tiêu diệt các đảng phái đối lập, dành toàn quyền điều khiển các cuộc khảng chiến chống Pháp, đánh Mỹ. Là một đảng viên của Cộng Sản Quốc Tế, Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam là một bộ phận của Cộng Sản Quốc Tế (Đệ Tam) thi hành chánh sách chung của cộng sản thế giới. Sau lưng Hồ Chí Minh là cộng sản Nga hay Tàu, hoặc Nga và Tàu. Rất nhiều chi tiết về viện trợ quân sự, kinh tế, vê cố vấn chính trị cũng như về việc đưa cán bộ cao cấp sang điều khiển bộ máy đầu nảo của Việt Cộng bởi Tàu Cộng đã được tác giả ghi rõ trong tác phẩm. Hai cuộc nội chiến do Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản tạo nên đã huỷ diệt bao nhiêu triệu mạng người, đã tàn phá bao nhiêu tài sản của đất nước, và sau khi chiếm hết nước Việt đã đưa nước này đến chỗ nghèo đói tụt hậu, hoàn toàn nô lệ cho Tàu Cộng. Các chương 2, 3, 4, 5 cung ứng đầy đủ các chứng liệu lịch sử để chứng minh cho những điều này. Trong phần gần cuối của chương 6, nói về công và tội của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản, Phạm Đình Hưng viết: "Là cán bộ trung kiên của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, Hồ Chí Minh đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam vào thảm cảnh nồi da xáo thịt, chém giết lẫn nhau, hận thù giai cấp để thực hiện chủ nghĩa cộng sản và xây dựng một chế dộ độc tài toàn trị do đảng Cộng Sản lãnh đạo trên bán đảo Đông Dương. Nếu không có Hồ Chí Minh, nước Việt Nam đã tránh được thảm hoạ của hai cuộc chiến tranh đã kéo dài 30 năm và không phái hy sinh xương máu của cả chục triệu người Việt vô tội. Nếu không có Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam, nước ta đã được thật sự độc lập đối với Trung Quốc và đã không mất hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vì giác thư bán nước của Thú Tướng Bắc Việt Phạm Văn Đồng. Nếu không có Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản Việt Nam, nước ta đã phát triển không kém gì Thái Lan, Singapore, Đài Loan và Nam Hàn, nhân dân Việt Nam đã có đầy đủ quyền con người, đã được hưởng tất cả quyền tự do dân chủ của người dân một nước độc lập và đã thoát khỏi cảnh lầm than khốn khổ của người bị trị. Nhiều thức giả có đọc nhiều tài liệu về Hồ Chí Minh và về chiến tranh Việt Nam, có nhiều hiểu biết về lịch sử hiện đại của Việt Nam chắc sẽ không thể nào không đồng ý về những nhận định này.           Kết quả của diễn tiến nghịch lý nói trên của lịch sử là "một hoàng hôn thê lương" như tác giả nói. Hình ảnh không mấy sáng sủa của tương lai đất nước nêu lên ở đây là một viễn tượng đúng, rất gần với sự thật chớ không phải chỉ là nói đe doạ để kích động lòng người. Vậy thì những ai còn gắn bó, còn nghĩ đến quốc gia dân tộc, có thấy mình cần phải làm gì trước tình cảnh này không" Với cộng sản, không có quốc gia, không có dân tộc, chỉ có cộng sản và thế giới đại đồng, không cần phân biệt giống người, văn hoá, lãnh thổ, biên giới. Chỉ có người quốc gia là còn nghĩ đến dân tộc, đất nước một cách chân thành mà thôi. Và chỉ có sự đoàn kết của người quốc gia trong và ngoài nước mới có thể cứu vãn tình thế. Kết luận tất yếu ở đây là như tác giả viết: "Đảøng Cộng Sản Việt Nam phải lãnh trách nhiệm đã gây ra nguy cơ mất nước và mất dân tộc Việt Nam đang ló dạng trên quê hương thân yêu của chứng ta. Trước âm mưu của Trung Cộng muốn sáp nhập Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc và Hán hoá dân tộc Việt với sự tiếp tay của tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước phải dũng cảm đứng lên bảo vệ độc lập của Tổ Quốc, sự toàn vẹn của lãnh thổ, sự sinh tồn và giá trị của dân tộc Việt Nam. Chỉ có nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng mới có đủ sức mạnh để đập tan đại hoạ nội thực và ngoại xâm từ phương Bắc. Nền Đệ Tam Cộng Hoà phải được thành lập nhanh chóng để giải cứu nước Việt Nam khỏi quốc nạn cộng sản vả ách đô hộ của đế quốc Trung Hoa". Đây là một kết luận hợp lý mà tất cả những ai còn có lòng với đất nước, muốn làm cái gì cho quốc gia dân tộc đều không thể không đồng ý.

Tóm lại, có thể nói đây là một tác phẩm soạn thảo công phu, với nhiều tài liệu, dữ kiện giá trị, sự suy luận đúng đắn, đáng dùng lảm sách tham khảo, hướng dẫn cho nhiều người, nhất là cho các thế hệ trẻ trên đường phục vụ cho xứ sở trong tương lai. Đây cũng là một đóng góp đáng kể vào công cuộc đấu tranh, giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ của Cộng Sán và bảo vệ nền độc lập quốc gia trước âm mưu thôn tính, đô hộ của Trung Cộng. Là một cựu cán/chính Việt Nam Cộng Hoà, và hiện là thành viên của một số hội đoàn văn hóa chính trị chống chánh sách toàn trị độc tài của Cộng Sản, tôi hết sức đồng ý với những gì tác giả Phạm Đình Hưng viết trong Việt Nam Ngày Mai. Xin cám ơn tác giả đã nói phần lớn những gì tôi muốn nói và xin trân trọng giới thiệu tác phẩm giá trị này đến những ai có nhiệt tâm với đất nước và dân tộc.

Nguyễn Thanh Liêm, Ph.D.
Cựu Thứ Trưởng Bộ Văn Hoá, Giáo Dục và Thanh Niên Việt Nam Cộng Hoà
Chủ Tịch Lê Văn Duyệt Foundation, Chủ Biên Tập San Văn Hoá Đồng Nai Cửu Long.