Lời Chứng Của Một Tù Nhân

Lời Chứng

 Của Một Tù Nhân

 
Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm
tổng hợp, giới thiệu

Trước chứng từ sống của Hồng Y Tổng Giám Mục F.X. Nguyễn Văn Thuận là một thể hiện hồng ân đức bác ái Kitô, tôi không dám và không thể thêm bớt bất cứ một lời nào. Chỉ ghi nhận để tôn vinh một bậc thánh hiền và noi gương sống trong tinh thần Hiệp Thông. Mọi lời phân tích lý do tại sao Giám Mục F.X. Nguyễn Văn Thuận bị bắt giam và cách ứng xử của chính quyền Việt Nam từ sau 30 tháng 04 năm 1975 đối vớI riêng Ngài cho đến nay, chỉ làm vẩn đục sự tinh tuyền của Sứ Vụ Tin Mừng mà đời sống của Ngài là một đáp số vĩnh cửu.

 Không một bộc lộ uất hận hằn thù, mà chỉ có Yêu Thương tràn đày với mọi người, không chỉ đối với những ai có liên quan đến việc bắt giam Ngài, hành xử bất kỳ cách nào đối với Ngài.
Hãy để Ngài yên nghỉ trong Hồng Ân Yêu Thương và Tha Thứ Tất Cả! Requiescat in Pace.
 
1. Lời nói đầu của cựu tù nhân F.X. Nguyễn Văn Thuận
 
Thực đơn "hy vọng" của một cựu tù nhân chuẩn bị, người đã ở trong một tình trạng tuyệt vọng, nói đúng hơn, còn hơn cả tuyệt vọng nữa: người ta tưởng tôi đã chết rồi. Dân chúng đã cử hành nhiều thánh lễ cầu hồn cho tôi. Nhưng Thiên Chúa đã viết thẳng trên những đường cong. Và những thánh lễ đó đã ban ơn cho tôi được sống thêm nhiều năm.
 
Ngày hôm nay [18.03.00], vào lúc bế mạc tuần tĩnh tâm, tôi rất xúc động.
 
Cách đây đúng 24 năm, ngày 18 tháng 3 năm 1976, áp lễ Thánh Giuse, tôi bị đưa từ nơi quản thúc ở Cây Vông, đến chỗ biệt giam nghiêm ngặt hơn trong nhà tù Nha Trang, Phú Khánh.
Cách đây 24 năm, tôi không bao giờ ngờ rằng một ngày kia, chính vào ngày này, tôi kết thúc việc giảng tuần tĩnh tâm tại Vatican.
Cách đây 24 năm, khi tôi cử hành thánh lễ với ba giọt rượu và một giọt nước trong lòng bàn tay, tôi không bao giờ tưởng tượng ngày hôm nay, Đức Thánh Cha tặng cho tôi một chén lễ mạ vàng.
Cách đây 24 năm, tôi không hề nghĩ rằng, chính hôm nay, lễ Thánh Cả Giuse năm 2000, Đức Giám Mục kế vị tôi lại thánh hiến nơi tôi bị quản thúc một nhà thờ đẹp nhất dâng kính Thánh Giuse tại Việt Nam.
Cách đây 24 năm, tôi không bao giờ ngờ rằng ngày hôm nay, khi vừa kết thúc tuần Tĩnh Tâm, một vị Hồng Y giao cho tôi một món quà lớn để giúp cho những người nghèo tại giáo xứ ấy (t.17-18).
Hôm nay, tôi trình diện như một cựu tù nhân đáng thương, đã trải qua hơn 13 năm trong tù, trong đó có 9 năm bị biệt giam (t.28).
 
2.Bắt đầu cuộc đời một người tù (15.08.1975)
 
(1)Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tôi được mời đến Phủ Tổng Thống, "Dinh Độc Lập", vào lúc 14 giờ. Tại đó , tôi bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm. Và đó là khởi đầu cuộc phiêu lưu của tôi.Trong lúc ấy, tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ bị gọi tới Nhà Hát, với mục đích tránh mọi phản ứng của dân chúng đối với vụ bắt tôi.
            (2)Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả. Tôi ra đi, với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao lo âu ấy, tôi vẫn thấy có một niềm vui lớn: "Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời..."
            Từ lúc đó, người ta cấm gọi tôi là "Đức Cha, Cha...". Tôi là ông Nguyễn Văn Thuận. Tôi không được phép mang dấu hiệu gì về chức vị của tôi. Không hề báo trước chút nào, Chúa yêu cầu tôi hãy trở về với điều cốt yếu.
Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Tôi thực sự bị bỏ rơi. (t.33)
 
3.Những ngày tù ngục ở Nha Trang, Phú Khánh (8.1975-11.1976)
 
(1)Sau khi bị bắt hồi tháng 8 năm 1975, tôi bị đưa từ Sàigòn tới Nha Trang, trong một cuộc hành trình dài 450 cây số trong đêm khuya giữa hai người công an. Kinh nghiệm sống tù ngục bắt đầu: tôi không còn có giờ giấc nữa.
Tục ngữ Việt Nam có câu:
"Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại", một ngày trong tù dài bằng cả một ngàn năm sống tự do bên ngoài.
Tôi đã sống kinh nghiệm đó. Trong tù, mọi người đều chờ đợi được trả tự do, từng ngày từng phút.
Trong những ngày tháng đó, biết bao nhiêu tâm tình hỗn độn quay cuồng trong đầu óc tôi: buồn sầu, sợ hãi, căng thẳng. Tim tôi bị xé nát vì phải xa giáo dân. Trong đêm tối dày đặc giữa đại dương của âu lo, dần dần tôi tỉnh thức:
"Tôi phải đương đầu với thực tại. Tôi đang bị tù. Nếu tôi chờ đợi lúc thuận tiện để làm một cái gì đó thật sự vĩ đại, thì sẽ có được mấy dịp như thế? Chỉ có một điều chắc chắn sẽ đến, đó là cái chết. Cần phải nắm lấy cơ hội xảy ra mỗi ngày để chu toàn những công việc tầm thường nhưng một cách phi thường" ( ĐHV số 818)
Trong những tháng kế tiếp, khi tôi bị quản thúc tại làng Cây Vông, Nha Trang, ngày cũng như đêm, ở dưới sự canh chừng thường xuyên của công an, một tư tưởng đã ám ảnh tôi:
"Giáo dân mà tôi rất mến thương đã như một đàn chiên không có chủ chăn! Làm sao tôi có thể tiếp xúc với giáo dân của tôi, chính ngay lúc này đây, khi họ rất cần đến một mục tử?"
Các nhà sách Công Giáo đã bị tịch thu, các trường học bị đóng cửa, các nam nữ tu si giảng viên bị phân tán, một số đi nông trường lao động, một số khác đi "vùng kinh tế mới". Sự xa lìa giáo dân là một cú "sốc" làm tan nát tim tôi.
Tôi tự nhủ:
            "Tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sẽ sống giây phút hiện tại, làm cho nó tràn đày tình yêu. Nhưng như thế nào đây?"
Một đêm kia, tôi chợt hiểu ra rằng:
"Phanxicô, rất đơn giản! Hãy làm như Thánh Phaolô khi ngài bị trong tù:"Hãy viết thư cho các giáo đoàn".
Sáng hôm sau, tôi ra hiệu cho một chú bé 7 tuổi, tên là Quang, khi chú bé đi lễ về lúc 5 giờ sáng khi trời còn tối và tôi xin:
"Con hãy nói với má con, mua cho cha các cuốn lịch cũ".
Khi chiều tối đến, cậu bé đem các cuốn lịch cũ cho tôi. Và tối nào cũng thế, từ tháng 10 cho tới tháng 11 năm 1975, tôi đã viết sứ điệp cho tín hữu. Mỗi sáng chú bé đến lấy tờ lịch ấy về nhà để cho các anh chị em chép lại. Thế là sách "Đường Hy Vọng" được hoàn thành vào ngày lễ Thánh Giuse 19.3.1976.
Hiện cuốn sách này đã được dịch ra mười một thứ tiếng khác nhau.
 
(2)Trong nhà tù Phú Khánh, các tín hữu Công Giáo đã chia nhau mỗi người vài tờ của cuốn Phúc Âm nhỏ mà họ đã đem lén vào trong tù. Họ phân phát và học thuộc lòng. Vì nền nhà tù bằng đất hay bằng cát, nên khi nghe bước chân của lính canh tù, họ dấu lờI Chúa dưới cát.
Chiều đến trong bóng đêm, mỗi người theo lượt đọc phần mình đã học. Thật là cảm động khi nghe Lời Chúa trong đêm tối thinh lặng và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu, "Tin Mừng sống động" được đọc lên với tất cả sức mạnh của tâm hồn, hay khi nghe lời cầu nguyện của linh mục, nghe cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.
Anh em khác tôn giáo cũng lắng nghe với lòng tôn trọng và khâm phục điều mà họ gọi là "Lời Thánh". Nhiều người nói rằng họ kinh nghiệm được Lời Chúa là "thần khí và sự sống"(t.85).
Một sắc thái hoàn toàn đặc biệt khác nữa của tình yêu Kitô đó là yêu thương cả các địch thù của mình. Đây là điều thường khó hiểu đối với người không tin.
 
(3)Nhà tù nơi tôi bị giam  trong những tháng đầu tiên tọa lạc tại khu vực có nhiều tín hữu Công Giáo nhất trong thành phố Nha Trang, nơi tôi đã làm Giám Mục trong 8 năm.
Từ phòng giam, sáng tối tôi đều nghe tiếng chuông Nhà Thờ Chính Tòa ngân vang, và suốt ngày, tôi nghe những tiếng chuông của biết bao nhiêu giáo xứ và nhà dòng. Tôi ước mong được rời đi thật xa, lên miền núi để khỏi nghe những tiếng chuông ấy.
Ban đêm, trong cái thinh lặng của thành phố, tôi nghe lại tiếng sóng Thái Bình Dương mà tôi từng nghe thấy, từ (t.109) cửa Văn Phòng Toà Giám Mục của tôi. Không ai biết tôi ở đâu, dù nhà tù chỉ cách nhà tôi vài cây số.
Tôi sống tình trạng thật vô lý!
 
(4)Năm 1975, khi bắt đầu ở tù, tôi âu lo tự hỏi:
"Tôi có thể dâng lễ được nữa hay không?"
Đó cũng là câu hỏi mà về sau các tín hữu đã hỏi tôi. Vừa khi thấy tôi, họ hỏi:  "Trong tù Đức Cha có làm lễ không?"
Trong lúc thiếu thốn mọi sự, Thánh Thể là điều chúng ta nghĩ đến trước nhất: Đó là bánh hằng sống.
"Ai ăn bánh này, thì sẽ được sống đời đời, và bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta để cho thế gian được sống " (Gioan 6,51) (t.151).
Trở lại kinh nghiệm của tôi. Khi bị bắt, tôi phải ra đi tay không, đi ngay lập tức. Ngày hôm sau, tôi được phép viết cho những người thân, để xin những thứ cần thiết nhất, như quần áo, kem đánh răng... Tôi viết:
"Xin vui lòng gửi cho tôi một chút rượu thuốc để chữa bệnh đường ruột".
Các tín hữu hiểu ngay. Họ gửi cho tôi một chai nhỏ đựng rượu lễ, bên ngoài có ghi: "Thuốc chữa bệnh đường ruột", còn bánh lễ, thì họ giấu vào trong một ống nhỏ chống ẩm thấp.
Giám thị hỏi tôi:
"Ông bị bệnh đường ruột?"

"Phải"

"Đây có ít thuốc cho ông đây"
Tôi không bao giờ có thể diễn tả hết niềm vui lớn lao của tôi: mỗi ngày với ba giọt rượu và một giọt nước trên lòng bàn tay, tôi cử hành Thánh Lễ. Và đó cũng là bàn thờ, là Nhà Thờ Chính Tòa của tôi! Đó là liều thuốc đích thực cho linh hồn và thân xác tôi:
"Thuốc trường sinh bất tử, thuốc giải độc để khỏi chết nhưng luôn được sự sống trong Chúa Giêsu",
như lời Thánh Ignatio thành Antiokia đã nói (Ad Eph. 20,2: Patres Apostolici, I, Ed. F.X. Funk, pp 230-231).
Mỗi lần như thế, tôi được dịp giang tay và đóng đinh vào Thập Giá với Chúa Giêsu và cùng với Ngài uống chén đau khổ nhất. Mỗi ngày, khi đọc lời truyền phép, với tất cả tâm hồn, tôi làm lại một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu giữa tôi và Chúa Giêsu, hòa lẫn Máu Ngài hòa với máu tôi. Đó là những Thánh Lễ đẹp nhất trong đời tôi.
Và thế là trong nhiều năm trời, tôi được nuôi dưỡng bằng bánh sự sống và chén cứu độ. (t.153)
Thế là trong nhà tù, tôi cảm thấy chính trái tim của Chúa Kitô đập trong tim tôi. Tôi cảm thấy rằng cuộc sống của tôi là cuộc sống của Ngài, và cuộc sống của Ngài là của tôi.
Thánh Lễ trở thành một sự hiện diện âm thầm và đầy khích lệ cho tôi và các Kitôhữu khác giữa đủ mọi khó khăn. Chúa Giêsu Thánh Thể được các bạn tù Công Giáo thờ phượng một cách kín đáo, như bao nhiêu lần đã xảy ra trong các trại tù của thế kỷ XX.
Trong trại cải tạo, chúng tôi được chia thành từng nhóm 50 người. Chúng tôi ngủ chung trên một cái giường thật dài, mỗi người được 50 centimét. Mỗi đêm, chúng tôi thu xếp làm sao để có 5 người Công Giáo nằm cạnh tôi. Vào lúc 9 giờ rưỡi tối, tất cả chúng tôi phải tắt đèn đi ngủ. Lúc ấy, tôi cúi mình trên giường để làm lễ thuộc lòng, và phân phát Mình Thánh Chúa bằng cách luồn tay dưới mùng muỗi. Chúng tôi chế cả những túi giấy nhỏ bằng bao thuốc lá, để giữ Mình Thánh và (t.154) mang cho người khác. Tôi luôn mang Mình Thánh Chúa trong túi sao sơ mi.
Mỗi tuần, đều có một buổi học tập chính trị và cả trại đều phải tham dự. Các bạn tù Công Giáo lợi dụng những lúc gíải lao, để chuyển những túi giấy nhỏ đựng Mình Thánh Chúa cho bốn nhóm tù nhân khác: tất cả đều biết rằng Chúa Giêsu ở giữa họ. Ban đêm, các tù nhân thay nhau Chầu Mình Thánh. Sự âm thầm của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể đã làm nên những việc kỳ diệu: nhiều người Công Giáo đã bắt đầu tin tưởng trở lại một cách nhiệt tình. Và xác chứng của họ về sự yêu thương và sự phục vụ có một ảnh hưởng ngày càng lớn trên những tù nhân khác. Ngay cả những anh em Phật Tử và bên lương cũng tìm được đức tin. Sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ không thể cưỡng lại.
Và thế là nhà tù đã trở thành Ánh Sáng Phục Sinh, và Hạt Giống đã được gieo vào lòng đất trong bão tố. Nhà tù trở thành Trường Dậy Giáo Lý. Các tín hữu Công Giáo rửa tội cho các bạn đồng tù và trở thành những người đỡ đầu cho họ.
Tổng cộng có khoảng 300 Linh Mục tù nhân. Sự hiện diện của các vị trong các trại khác nhau thật là một điều do Chúa Quan Phòng xếp đặt, không những cho các tín hữu Công Giáo mà thôi, nhưng còn là dịp cho một cuộc đối thoại liên tôn kéo dài, tạo nên sự cảm thông và tình thân hữu với mọi người.
Chúa Giêsu đã trở thành "người bạn đường đích thực của chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể" như thánh nữ Têrêxa Avila  đã nói (Libro de la Vida, cap. 22, n.6)(t.155).
 
(5)Và trong sự xúc động trước hoàn cảnh mới, diện đối diện với Chúa, tôi nghe thấy câu Chúa Giêsu hỏi Simon:"Simon, con bảo Thầy là ai?" (Mt 10, 15)
Các bạn đồng tù với tôi, những người không có tôn giáo muốn hỏi "lý do tại sao tôi hy vọng".
Với tình bằng hữu thiện ý, họ hỏi tôi:
"Tại sao ông đã bỏ mọi sự: gia đình, quyền thế, giàu sang, để theo Chúa Giêsu? Chắc là phải có một cái gì rất đặc biệt!".
Những người cai tù cũng ngạc nhiên hỏi tôi:
"Có thực có Thiên Chúa không? Có Chúa Giêsu không? Hay đó chỉ là những điều mê tín mà thôi? Những điều đó giai cấp thống trị bịa ra?"
Vì thế, cần phải đưa ra những giải thích dễ hiểu, không phải bằng từ ngữ kinh viện, nhưng với những lời lẽ của Tin Mừng.
 
(6)Một hôm, tôi quyết định đưa ra những giải thích đặc biệt. Và điều tôi nói đây là phản ánh mục vụ nhà tù. Tôi xin anh em đại xá, nếu tôi có phạm tội rối đạo nào trước mặt Giáo Triều:
"Tôi bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu, vì tôi yêu thích những khuyết điểm của Ngài" (t.34)
 
(6a)Khuyết điểm thứ nhất: Chúa Giêsu không có trí nhớ tốt (Lc 23, 42-43)
Trên thập giá, trong lúc hấp hối, Chúa Giêsu nghe tên trộm bên phải nói:
"Thưa ông Giêsu, xin hãy nhớ đến tôi, khi ông vào nước của ông" (Lc 23,42).
Giả sử đó là tôi, thì có lẽ tôi đã trả lời:
"Tôi sẽ không quên anh, nhưng anh phải đền bù các tội ác của mình, ít là khoảng 20 năm trong luyện ngục".
Trái lại Chúa Giêsu trả lời anh ta:
"Ngày hôm nay, ngươi sẽ được ở cùng ta trên Thiên Đàng" (Lc 23,43).
Ngài đã quên tất cả tội lỗi của người ấy (t.34).
Điều tương tự cũng xảy ra với người đàn bà tội lỗi đã xức thuốc thơm cho Chúa. Chú Giêsu chẳng nói gì về quá khứ xấu xa của bà nhưng chỉ nói:
"...Tội của con, tuy nhiều, nhưng đều đã được tha hết, vì con đã yêu mến nhiều" (Lc 7,47).
Dụ ngôn người con trai hoang đàng kể lại cho chúng ta: Trên đường về nhà cha, anh ta đã chuẩn bị sẵn trong lòng điều sẽ nói:
"Thưa cha, con đã phạm tội đối với Trời và với cha; con không còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin hãy đối xử với con như những đầy tớ của cha" (Lc15,8-19).
Nhưng khi người cha thấy người con từ xa, liền quên hết mọi sự và chạy ra đón con, ôm hôn con và không để anh ta rụt rè nói lên bài diễn văn đã soạn sẵn. Người cha gọi những đày tớ đang kinh ngạc và nói:
"Hãy mang quần áo đẹp nhất ra đây và mặc cho anh, hãy xỏ nhẫn vào tay và xỏ giày cho anh. Hãy mang bê béo để làm thịt, va chúng ta hãy mở tiệc, vì con ta đã chết nay được sống lại..." (Lc 13,22-24)
 
(6b)Khuyết điểm thứ hai: Chúa Giêsu không biết toán học (Lc 15, 4-7)
Giả sử Chúa Giêsu thi toán, chắc Ngài sẽ bị đánh rớt. Dụ ngôn người Mục Tử Nhân Lành chứng tỏ điều đó. Một người mục tử có 100 con chiên. Một con chiên bị lạc, và không chần chờ gì, ông ta đi tìm con chiên ấy, bỏ 99 con chiên khác nơi hoang địa. Khi tìm được chiên lạc, ông vác chiên lên vai (Lc 15,4-7)
Đối với Chúa Giêsu, 1 có giá trị bằng 99... và có lẽ còn hơn thế nữa! Có ai chấp nhận được điều đó không? Nhưng lòng thương xót của Ngài trải rộng từ đời này sang đời khác...
Khi phải cứu một con chiên lạc, Chúa Giêsu không nản chí vì bất kỳ rủi ro, mệt nhọc hoặc hiểm nguy nào... Chúng ta hãy chiêm ngắm thái độ từ bi thương xót của Chúa, khi Ngài (t.35) ngồi bên bờ giếng Giacóp để tìm người phụ nữ Samaria, hoặc khi Ngài muốn dừng lại tại nhà ông Giakêu! Thật là đơn sơ...thật là yêu thương dường nào đối với kẻ tội lỗi!
 
(6c)Khuyết điểm thứ ba: Chúa Giêsu không biết luận lý học (Lc 15, 8-10)
Một người đàn bà có 10 đồng bạc. Bà bị mất một đồng, liền đốt đèn lên tìm kiếm. Khi tìm thấy , bà gọi những người láng giềng đến và nói với họ:
"Các bà hãy vui mừng với tôi, vì tôi tìm được đồng bạc bị mất" (Lc 15, 8-10)
Thật là không hợp lý tí nào, khi làm phiền các bà bạn chỉ vì một đồng bạc như vậy! Cũng chẳng hợp lý chút nào cả, khi mở tiệc giữa đêm khuya để ăn mừng vì tìm lại được đồng bạc đánh mất. Và cuối cùng lại càng không hợp lý, khi mời bạn bè đến ăn tiệc, tốn phí tiền bạc còn nhiều hơn đồng bạc tìm thấy. Cho dù có tiêu cả 10 đồng cũng không đù cho phí tổn...
Ở đây chúng ta có thể nói như Pascal:
"Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không biết được"
(B. Pascal, Pensées n. 477, in Oeuvres complètes, Ed. J. Chevalier, Paris, 1954).
Khi kết luận dụ ngôn, Chúa Giêsu đã tỏ lộ lý luận lạ lùng của tâm hồn Ngài:
"Thực, Thầy bảo thực các con, các Thiên Thần của Chúa vui mừng chỉ vì một tội nhân hoán cải" (Lc 15,10).
 
(6d)Khuyết điểm thứ tư: Chúa Giêsu là một người phiêu lưu (Mt 8, 20)
Ai quảng cáo cho một công ty hoặc ra ứng cử, thường chuẩn bị một chương trình rất chính xác, với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng đối với Chúa Giêsu lại không như vậy. Lời tuyên truyền của Ngài, dưới mắt người đời, thế nào cũng bị thất bại. Thực vậy Ngài hứa cho những kẻ theo Ngài nhiều lần bị xét xử và bị bách hại. Với các tông đồ đi theo, Ngài không bảo đảm cho họ nơi ăn chốn ở, nhưng chỉ cho họ chia sẻ cùng một cách sống của Ngài. (t.36)
Một người ký lục muốn gia nhập đoàn môn đệ, Chúa Giêsu trả lời:
"Con cáo có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người không có nơi gối đầu" (Mt 8, 20)
Đoạn Tin Mừng về các Mối Phúc Thật, một "Bức Chân Dung Tự Họa" của Chúa Giêsu như một người phiêu lưu vì tình yêu đối với Chúa Cha và anh em. Từ đầu chí cuối của các Mối Phúc Thật đều nghịch lý, cho dù chúng ta nghe quen.
"Phúc cho người có tinh thần thanh bần..., Phúc cho người sầu khổ..., Phúc cho người bị bách hại vì sự công chính..., Phúc cho các con khi người ta lăng mạ, bách hại, và nói mọi điều xấu chống lại các con vì Thầy. Các con hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng các con thật lớn lao trên trời" (Mt 5, 3-12).
Nhưng các môn đệ đã tín thác nơi người phiêu lưu ấy. Từ 2000 năm nay, và cho đến tận thế, chúng ta vẫn thấy không thiếu hàng ngũ những người phiêu lưu đã theo Chúa Giêsu. Chỉ cần xem qua các Thánh qua mọi thời đại. Nhiều người trong số họ thuộc hiệp hội những người phiêu lưu ấy. Không có địa chỉ, chẳng có điện thoại hay điện thư...!
 
(6e)Khuyết điểm thứ năm : Chúa Giêsu không biết tài chánh và kinh tế(Mt 20, 1-16) (t.34-38)
Chúng ta hãy nhớ lời dụ ngôn những người thợ làm vườn nho:
"Nuớc Trời giống như một chủ nhà từ sáng sớm ra ngoài mướn người làm vườn nho cho ông. Rồi vào lúc 9 giờ, giữa trưa, 3 giờ chiều, và cả lúc 5 giờ, ông tiếp tục mướn người về làm...".
Chiều đến, ông bắt đầu trả lương cho những người đến làm trễ nhất, rồi lần lượt tới những người làm từ sáng sớm, tất cả mỗi người đều được ông trả một đồng (Mt 20, 1-16)
Giả sử Chúa Giêsu được đặt làm quản lý cộng đoàn hoặc giám đốc một xí nghiệp, tố chức ấy chắc sớm bị phá sản. Làm sao lại trả cùng một đồng lương cho những người làm từ sáng cũng như những người chỉ bắt đầu làm từ ban chiều! Phải chăng Chúa Giêsu đã sai lầm? Đã tính sai kết toán? Thật ra, (t.37)không phải thế! Ngài cố tình làm như vậy, như Ngài giải thích:
"Tôi không có quyền sử dụng của cải của tôi theo ý tôi sao? Hay là bạn ghen tương vì tôi tốt lành"(t.38)
 
(6g)Khuyết điểm thứ sáu của Chúa Giêsu
Giờ đây tôi thêm khuyết điểm thứ sáu: Nếu làm giáo sư, Chúa Giêsu chắc chắn sẽ bị Bộ Giáo Dục sa thải. Bởi vì Ngài đã tiết lộ đề thi cuối cùng cho thí sinh. Và còn hơn thế nữa, Ngài cho biết trước kiểu cách thi...:
"Con người sẽ đến trong vinh quang...Tất cả mọi dân tộc trên trái đất sẽ được tụ tập trước mặt Ngài và Ngài...sẽ để kẻ lành một bên, kẻ dữ một bên" (Mt 25, 31-33).
Đề tài cùa ngày phán xét sẽ là tình yêu thương:
"Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm những điều ấy cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi làm cho chính Ta" (Mt. c.40).
Nhưng Chúa Giêsu không chỉ có tội đã tiết lộ đề thi, nhưng còn đơn giản hóa đề thi nữa, vì Ngài tóm tắt mười điều răn thành lại một: Yêu Thương:
"Hãy yêu mến Thiên Chúa và tha nhân"(t.234)
 
Khi còn ở trong tù, xét theo một nghĩa nào đó, việc chọn lựa một mình Thiên Chúa đối với tôi dễ dàng hơn, mặc dầu không thiếu những cám dỗ chiều theo sự thỏa hiệp. Nhưng khi không còn những an ninh trước đó nữa, tôi cảm thấy cần phải tập trung tất cả cuộc sống mình vào một điều "cần thiết duy nhất" (Lc 10.42) trong số những gì được xem là hoàn toàn quan trọng. (t.65)
 
3.Những năm biệt giam ở miền Bắc Việt Nam(1.12.1976-89)
 
(1)Ngày mùng 1 tháng 12 năm 1976, lúc 9 giờ tối, bất thình lình, tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích người này với người kia từng hai người một và được đảy lên xe một cam nhông. Cuộc hành trình ngắn đưa chúng tôi tới Tân Cảng, là hải cảng quân sự mới do người Mỹ mở mấy năm trước đó. Chúng tôi trông thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối để dân chúng khỏi để ý. Chúng tôi bị đưa lên tàu, đi ra miền Bắc - một cuộc hải hành dài 1.700 cây số.
Cùng với các tù nhân khác, tôi bị đem xuống hầm tầu, nơi chứa than. Chỉ có một ngọn đèn dầu leo lét cháy. Còn lại là hoàn toàn tối om. Chúng tôi tất cả là 1.500 ngườI, trong tình cảnh không thể tả được. Một cơn bão nổi dậy trong tâm trí tôi. Cho tới nay tôi còn ở trong giáo phận của tôi, nhưng từ giờ phút này trở đi, không biết tôi sẽ phiêu bạt tới chân trời góc bể nào. Tôi suy niệm lời thánh Phaolô nói:
"Tôi đi Giêrusalem mà không biết điều gì sẽ xảy ra cho tôi tại đó. Tôi chì biết rằng Chúa Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng tại mọi thành tôi tới, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi" (Cv 20, 22-23).
Tôi đã sống trong âu lo suốt đêm hôm ấy. (t.97)
 
Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi, những gường mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi giấy thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng, anh lắng nghe lời tôi. (Cách nay hai năm, trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp lại anh. Mặt mừng rỡ, anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem các vết thẹo còn hằn trên cổ.)
Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, họ đến với tôi, để kể lể các nỗi âu lo của họ. Tôi đã chia sẻ các khổ đau của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng Mười Hai, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây phải cùng Chúa Giêsu, đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng. Phải cùng Ngài ra đi chết "bên ngoài tường thành", bên ngoài tường thánh(t.98).
Trong chuyến hành trình ra Bắc, ba lần tôi đã bị xích chung với một tù nhân không Công Giáo, từ là dân biểu và nổi tiếng là Phật Tử cực đoan. Sự gần gũi trong cùng số phận ấy đã ghi khắc dấu vết sâu đặm nơi trái tim ông. Sau này tôi được biết rằng sau khi được trả tự do, ông ta cảm thấy hãnh diện và thích kể lại sự kiện trên đây. Ông đã luôn luôn tìm cách để được xích chung với tôi và từ đó chúng tôi đã trở thành bạn với nhau.
Trên tầu và sau này trong trại cải tạo, tôi đã có dịp đối thoại với đủ hạng người: Bộ Trưởng, Dân Biểu, các Sĩ Quan và Giới Chính Quyền Dân Sự Cao Cấp, các vị lãnh đạo của các Giáo Hội Cao Đài, Hòa Hảo, Phật Giáo, Brahman, Hồi giáo, và các anh em thuộc các Giáo Hội Kitô khác như Tin Lành Baptist, Tin Lành Methodist... Trong trại cải tạo, tôi đã được bầu để làm quản lý, để phục vụ tất cả mọi người, phân phát thực phẩm, tìm nước nóng, và khuân vác than để sưởi ban đêm, vì các tù nhân khác coi tôi như một người đáng tín cẩn.
Khi rời Sàigòn, suy nghĩ về việc Chúa Giêsu chịu đóng đinh bên ngoài tuờng thành Giêrusalem đã cho tôi hiểu rằng từ nay tôi phải dấn thân trong một hình thức mới của việc rao truyền Tin Mừng, không phải như là Giám Mục của một Giáo Phận, nhưng "ở ngoài thành", nghĩa là như một nhà truyền giáo được sai đi thật xa, bằng cả cuộc sống , với hết tất cả khả năng yêu thương và dâng hiến của tôi. Giờ đây hoàn cảnh giúp tôi thấy thêm một chiều kích khác nữa: đó là đi tới với mọi người.
Trong đêm đen của lòng tin, trong phục vụ, trong khiêm hạ, ánh sáng của niềm hy vọng đã thay đổi quan niệm của tôi. Từ nay, con tàu này, nhà tù này, đã là ngôi nhà thờ chính tòa đẹp nhất của tôi, và các tù nhân này, không loại trừ ai, đã là dân của Thiên Chúa được tín thác cho việc chăm sóc mục vụ của tôi. Sự kiện tôi bị tù đày là do sự quan phòng của Thiên Chúa, do ý muốn của Ngài. Tôi đã nói tất cả những điều này (t.101)cho anh em tù nhân Công Giáo khác biết và đã nảy sinh ra giữa chúng tôi một sự hiệp thông sâu xa, một dấn thân mới: Chúng tôi được mời gọi trở nên những chứng nhân hy vọng cho tất cả mọi người. (t.102)
 
(2)Tới ngày 1 tháng 12 năm 1976, như tôi đã kể, người ta đưa tôi từ nhà tù Thủ Đức xuống tàu Hải Phòng. Tối hôm ấy, trong khi chờ đợi, họ bắt chúng tôi ngồi xuống đất. Xa xa, cách đó 3 cây số, tôi thấy ánh điện của thành phố Sàigòn, trung tâm của Giáo Phận mà tôi được bổ nhiệm làm Giám Mục Phó, ngày 24.04.1975. Tôi biết mình sắp bị đưa đi xa khỏi nơi này. Đau khổ ấy làm tôi rung mình. Tôi nghĩ đến thánh Phaolô Tông Đồ lúc giã từ các kỳ mục thành Êphêsô tại Mileto, khi biết rằng sẽ không bao giờ còn được nhìn lại họ nữa. Tôi cũng không thể an ủi hoặc để lại cho họ lời khuyên nào. Trong thâm tân, tôi từ giã họ, nhất là Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình tôt lành của tôi. Tâm hồn tôi đau dớn, khi nghĩ mính sẽ không bao giờ còn được nhìn lại họ nữa.
Tôi cảm thấy niềm đau khổ mục tử sâu xa trong tất cả những điều đó, nhưng tôi làm chứng rằng Chúa Cha không hề bỏ rơi tôi và  Ngài đã ban sức mạnh cho tôi.(110)
Tôi nhớ lại kinh nghiệm của tôi trong những năm đen tối của cảnh tù đầy. Trong thẳm sâu những đau khổ của tôi, có một vài tâm tình mang lại cho tôi an bình trong tâm hồn: tôi không bao giờ ngừng yêu mến tất cả mọi người, tôi không loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi. Tôi tự nhủ: chính Thiên Chúa là Tình Thương sẽ xét xử tôi, chứ không phải thế gian, không (t.116) phải nhà nước, không phải guồng máy tuyên truyền. Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn lại một mình Thiên Chúa là không thay đổi. Tôi ở trong tay Mẹ Maria. Tôi phải trung thành theo gương các tiền nhân tử đạo của tôi, trung thành với giáo huấn tôi đã học từ mẹ hiền khi còn nhỏ(t.117).
Tôi nhớ tới chứng tá của ông cố nội tôi. Ông đã thường kể cho tôi nghe biết các người trong gia đình bị phân sáp và giao cho các gia đình bên lương canh chừng để họ dần dần mất đức tin thế nào, trong khi cha của ông bị bỏ tù. Như thế, ông cố nội tôi khi mớI lên 15 tuổi mỗi ngày phải đi bộ 30 cây số để tiếp tế cho cha một ít cơm và ít muối mà ông đã dành dụm được nơi gia đình ông sinh sống và làm việc. Ông phải ra đi lúc ba giò sáng để còn kịp trở về làm việc.
Phía ông ngoại tôi còn thê thảm hơn nữa. Vào năm 1885, giáo dân tại giáo xứ bị thiêu sống trong nhà thờ, trừ ông ngoại tôi, vì lúc đó còn là sinh viên du học ở Malaysia. (t129)
 
(3)Trong 9 năm biệt giam cơ cực, có lúc tôi bị giam trong một xà lim không có cửa sổ. Có khi đèn điện bật sáng từ ngày này qua ngày khác. Tôi cảm thấy bị ngộp vì nóng bức và hơi ẩm. Tôi sắp bị điên lên. Lúc bấy giờ tôi là một Giám Mục trẻ, với 8 năm kinh nghiệm mục vụ. Tôi không thể ngủ nổi. Tôi bị dằn vặt bởi ý nghĩ phải bỏ giáo phận, phải bỏ dở những công việc của Chúa. Tôi cảm thấy một sự phẫn uất nổi lên trong tôi.
Một đêm kia, từ trong thâm tâm có một tiếng nói với tôi:
"Tại sao con day dứt như thế? Con phải phân biệt giữa Thiên Chúa và các công việc của Chúa. Tất cả những gì Người đã làm và muốn tiếp tục làm, như các cuộc viếng thăm mục vụ, đào tạo chủng sinh, tu sĩ nam nữ, giáo dân, giới trẻ, xây dựng trường học, các cư xá sinh viên, cứ điểm truyền giáo... đều là việc rất tốt và đúng là công việc của Thiên Chúa chứ không phải là Thiên Chúa! Nếu Chúa muốn con rời bỏ tất cả những việc ấy. Hãy bỏ ngay và hãy tin thác nơi Ngài! Thiên Chúa sẽ giao việc của con cho người khác có khả năng hơn con. Con đã chọn Chúa, chứ không phải những công việc của Chúa!"
Ánh sáng ấy đã mang lại cho tôi niềm an bình mới làm thay đổi hoàn toàn cách suy tư của tôi và giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi và lưu lại trong tôi suốt 13 năm tù đày. Tôi cảm thấy sự yếu đuối của con người mình, nhưng tôi luôn nhắc lại điều đã quyết định khi phải đối diện với nghịch cảnh, nhờ thế tôi không bao giờ mất sự bình an.
Chọn Chúa, chứ không phải công việc của Chúa. Đó chính là nền tảng đời sống Kitô trong mọi thời đại. Và đồng thời, đó cũng là câu trả lời đích thực nhất cho thế giới ngày nay (t. 62-63).
 
Trong những đêm dài trong tù ngục, tôi ý thức được rằng sống trong giây phút hiện tại là con đường đơn sơ và chắc chắn nhất dẫn tới sự thánh thiện. Niềm xác tín đó gây cảm hứng cho lời cầu nguyện sau đây:
"Lạy Chúa Giêsu, con sẽ không chờ đợi nữa. Con sống giây phút hiện tại cho tràn đày tình yêu".
Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thành.(t.72-73).
 
(3)Khi tôi còn là chủng sinh tại Tiểu Chủng Viện An Ninh, linh mục Giáo Sư Giuse M. Nguyễn văn Thích đã giúp tôi hiểu tầm quan trọng của việc luôn luôn đem Phúc Âm trong mình. Cha theo Đạo Công giáo, thân phụ là một vị Thượng thư, một nhà trí thức Nho Giáo. Ngài luôn luôn đeo trước ngực cuốn Kinh Thánh Tân Ước nhỏ y như đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân. Khi Ngài rời chủng viện để lãnh nhận một nhiệm vụ khác, ngài đã để lại cho tôi kho tàng quí báu đó.
Gương sáng của vị linh mục thánh thiện này luôn sống động trong tâm lòng tôi và đã giúp tôi rất nhiều trong tù, trong suốt thời gian bị biệt giam. Trong những năm đó, tôi đã tiến bước được, vì
"Lời Chúa là ngọn đèn cho bước chân tôi", "ánh sáng trên đường đời tôi" ( TV 119, 105)(t.79)
Khi tôi đã mất tất cả và bị giam cầm, tôi đã nghĩ đến soạn một cuốn cẩm nang, giúp tôi sống trong hoàn cảnh này.
Tôi không có giấy mực, nhưng công an cung cấp giấy để tôi viết các câu trả lời các cuộc hỏi cung. Thế là từ từ tôi bớt một vài tờ giấy và làm thành một cuốn sổ tay nhỏ, trên đó có viết khoảng 300 câu Kinh Thánh mà tôi nhớ thuộc lòng. Lời Chúa được dựng lại như thế đã là cẩm nang thường ngày tôi, là kho tàng quí báu tăng cường sức mạnh cho tôi.(t.82)
Trong thời gian ở trong tù, tôi đã viết:
"Con hãy giữ một quy luật thôi: Phúc Âm. Hiến pháp này cao vượt trên tất cả mọi hiến pháp khác. Đó là luật mà Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ". (Mt 4, 23) (t.83)
 
Một ngày nọ có một người canh tù hỏi tôi:
"Ông có yêu chúng tôi không?"
"Có chứ, tôi yêu các anh"
"Nhưng mà chúng tôi đã bỏ tù ông bao nhiêu năm, mà không xét xử, không kết án, vậy mà ông lại yêu chúng tôi à? Đây là điều không thể tin được! Có lẽ không thật đâu!"
"Tôi đã ở với ông nhiều năm, như ông thấy đó, đúng không?"
"Khi nào ông được tự do, ông sẽ không sai bổn đạo đến nhà chúng tôi và giết người thân của chúng tôi đãy chứ?"
"Không, ngay cả khi các anh có muốn giết tôi đi nữa, tôi vẫn yêu các anh".
"Mà tại sao?"
"Bởi vì Chúa Giêsu đã dậy tôi yêu thương tất cả mọi người, kể cả kẻ thù. Nếu không làm như thế, tôi sẽ không xứng đáng là Kitô hữu nữa!"
"Thật là rất đẹp, nhưng khó hiểu quá!"
Chúa Giêsu đã nhấn mạnh rất nhiều đến đặc điểm này của tình yêu Kitô và chỉ với thái độ đó của con tim chúng ta mới có thể kiến tạo hòa bình trên trái đất.
"Nếu các con yêu những người yêu các con... Nếu các con chỉ chào hỏi anh em mình thôi...Ngay cả người ngoại cũng làm như thế sao?... Nhưng Thầy bảo các con: "Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bách hại các con". (Mt 5, 46-47.44) (t.90-91)
Trong cuộc đời tôi, có những lúc chính hoàn cảnh thực tế đã giúp soi sáng tôi khi nghĩ tới nhiệm vụ lớn lao làm chứng tá Kitô.
 
(4)Trong thời gian tôi bị biệt giam, tôi được giao cho 5 người canh gác. Họ thay phiên nhau luôn luôn có hai người ở với tôi. Các cấp chỉ huy nói với họ:
"Cứ mỗi hai tuần, chúng tôi sẽ thay thế các anh bằng một nhóm khác, để các anh không bị "tiêm nhiễm" bởi ông Giám Mục nguy hiểm này".
Sau một thời gian, chính họ lại đổi quyết định:
"Chúng tôi sẽ không thay đổi các anh nữa, bởi nếu không thì ông Giám Mục đó sẽ "tiêm nhiễm" tất cả công an của chúng ta".
Ban đầu các công an canh gác không nói chuyện với tôi. Họ chỉ trả lời có hay là không.
Thật là buồn, tôi muốn tử tế và nhã nhặn với họ mà không được. Họ tránh nói chuyện với tôi.
Đêm nọ, một tư tuởng đến với tôi:
"Phanxicô, con còn giầu lắm, con có tình yêu của Chúa Kitô trong tim, hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương con".
Ngày hôm sau, tôi bắt đầu yêu Chúa Giêsu nơi họ hơn nữa , bằng cách cười nói trao đổi với họ vài câu thân tình. Tôi bắt đầu kể cho họ nghe về những chuyến đi ngoại quốc của tôi, cho họ biết các dân tộc tại Mỹ, tại Nhật Bản, tại Phi Luật Tân... sống như thế nào, và nói với họ về kinh tế, về sự tự do, về  kỹ thuật.
Tôi đã kích thích tính tò mò của họ và đưa họ tới chỗ đặt rất nhiều câu hỏi. Dần dần chúng tôi trở thành bạn với nhau. Họ muốn học tiếng ngoại quốc: tiếng Pháp, tiếng Anh... Và như thế các người canh tù trở thành học trò của tôi!
 
Một lần khác, trong trại tù Vinh Quang, trên núi Vĩnh Phú, vào một ngày mưa, tôi phải bổ củi. Tôi hỏi người canh tù:
"Tôi có thể xin anh một điều được không?"
"Anh cứ nói, tôi sẽ giúp anh"
"Tôi muốn đẽo một hình thánh giá bằng gỗ".
"Anh không biết rằng ở đây cấm ngặt không được phép có bất cứ vật dụng gì mang dấu chỉ tôn giáo hay sao?"
"Tôi biết chứ, nhưng chúng ta là bạn với nhau, và tôi hứa là sẽ giữ kín"
"Sẽ rất nguy hiểm cho cả hai chúng ta"
"Anh hãy nhắm mắt làm ngơ đi, tôi sẽ làm bây giờ và tôi sẽ rất cẩn thận".
Anh ta lỉnh ra xa và để tôi một mình. Tôi đã đẽo những miếng gỗ hình Thánh Giá và đã giấu trong một mảnh xà phòng cho tới ngày được trả tự do. Rồi với một kim loại mỏng bọc bên ngoài, Thánh Giá đó đã trở thành Thánh Giá Giám Mục của tôi.
 
(5)Trong một trại tù khác, tôi đã xin với một người bạn canh tù khác một sợi dây điện. Anh ta hoảng hồn nói với tôi:
"Tôi đã học ở Đại Học An Ninh rằng, nếu một người xin dây điện, có nghĩa là họ muốn tự tử".
Tôi giải thích cho anh ta:
"Các linh mục Công Giáo không được tự tử".
"Nhưng anh làm gì với sợi dây điện đó?"
"Tôi muốn làm một dây xích nhỏ để đeo Thánh Giá".
"Làm sao mà có thể làm một dây đeo với sợi dây điện được? Không thể làm được".
"Nếu anh đem cho tôi hai cái kìm nhỏ, tôi sẽ chỉ cho anh thấy".
"Nguy hiểm lắm".
"Nhưng mà mình là bạn với nhau mà!"
Ba ngày sau, anh nói với tôi:
"Thật khó mà từ chối anh điều gì. Tối mai tới phiên tôi gác, tôi sẽ đem đến cho anh một sợi dây điện. Phải làm xong trong vòng ba giờ đồng hồ".
Chiều hôm sau, từ 7 giờ cho tới 11 giờ, cẩn thận không cho ai trông thấy, với hai cái kìm nhỏ, chúng tôi đã cắt sợi dây điện thành từng đoạn ngắn khoảng một que diêm và chúng tôi muốn và chúng tôi uốn cong chúng để kết lại với nhau. Và ba giờ sau, trước khi đổ phiên canh, sợi dây đeo đã thành hình.
Sợi dây và cây Thánh Giá  này tôi luôn luôn đeo mỗi ngày, không phải bởi vì chúng là kỷ niệm của thời gian ở tù, nhưng là vì chúng giúp tôi thấy xác tín sâu xa lời luôn nhắn nhủ tôi:
"Chỉ chính tình yêu chuẩn bị con đường cho việc loan báo Tin Mừng. Omnia vincit amor, tình yêu thắng được mọi sự!"
Khi có tình yêu chân thật, nó khơi dậy lời đáp trả tình yêu. Khi đó người ta yêu vá được yêu. Khi đó, người ta hiện thực được trên trái đất điều răn mới của Đức Giêsu:
"Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con". (Ga 15, 12).
Yêu thương nhau là chu toàn nghệ thuật yêu thương(93-95).
 
(6)Trong tù, tôi đã viết:
"Hãy nhìn ngắm Thập Giá  và con sẽ tìm thấy giải pháp cho mọi vấn đế tấn công con". (FX NVT, Năm chiếc bánh và hai con cá , Cinisello Balsamo, 74) (130)
Sau khi tôi được trả tự do, có nhiều người nói với tôi :
"Thưa Cha, trong tù Cha đã có nhiều giờ để cầu nguyện".
Nhưng thật không đơn giản như chúng ta nghĩ đâu. Chúa đã cho phép tôi cảm nghiệm tất cả sự yếu đuối và mỏng dòn của thể xác cũng như tinh thần của tôi. Trong tù, thời gian qua chậm chạp, đặc biệt trong thời gian biệt giam. Các bạn hãy cứ tưởng tượng một tuần, một tháng, hai tháng trong thinh lặng... Thời gian dài kinh khủng. Nhưng khi trở thành năm, chúng trở thành vĩnh cửu. Có những ngày tôi bị kiệt lực vì mệt mỏi, bệnh tật, một kinh tôi cũng không đọc nổi!
Nhưng cũng đúng thật là người ta có thể học hỏi nhiều về cầu nguyện, về tinh thần cầu nguyện tinh tuyền, ngay khi phải khổ đau vì không thể cầu nguyện, vì yếu nhược thể xác, vì không thể cầm trí, vì sự khô khan nguội lạnh, cảm thấy Thiên Chúa bỏ rơi và sống xa Ngài tới độ không thể nào nói lên được lời nào với Ngài.
Và có lẽ chính trong những lúc này, người ta mới khám phá ra cái cốt yếu của lời cầu nguyện và mới biết có thể sống giới răn của Đức Giêsu như thế nào:
"Cần phài cầu nguyện luôn" (Lc 18, 1) (139)
Trong tù một vài người trong số các công an đang giữ tôi đã học tiếng Latinh để có thể đọc được các tài liệu của Giáo Hội. Một ngày nọ có người hỏi tôi:
"Ông có thể dạy tôi một bài thánh ca bằng tiếng Latinh không?"
"Được, nhưng có nhiều bài lắm, bài nào cũng hay"
"Vậy, ông hát đi, tôi nghe rồi tôi sẽ chọn"
Thế là tôi hát: Kính chào Mẹ là sao Bắc Đẩu (Ave Maris Stella), Lạy Thần Khí Sáng Tạo, Xin Hãy Đến (Veni Creator, Spiritus). Và anh ta chọn bài sau cùng.
Tôi không bao giờ ngờ rằng một người công an vô thần đã học thuộc lòng bài thánh thi đó và lại không ngờ rằng anh ta hát bài thánh thi đó mỗi sáng vào lúc 7 giờ, khi leo xuống thang gỗ để tập thể dục và đi tắm trong sườn. Anh ta hát đi hát lại bài thánh thi nhiều lần và làm các cử điệu khác nhau khi múc nước tắm:
"Lạy Thánh Thần Sáng Tạo xin hay đến, viếng thăm thần trí các tín hữu Chúa..."
Và anh ta kết thúc các lời cuối cùng của bài thánh thi "cho đến muôn đời. Amen" khi bước vào phòng với quần áo chỉnh tề.
Ban đầu tôi lấy làm lạ lắm, nhưng dần dần tôi nhận ra Chúa Thánh Thần đã dùng anh công an đó để Giám Mục bị tù cầu nguyện, khi vị đó quá yếu nhược và mất tinh thần đến độ không còn cầu nguyện được nữa. Chỉ có công an mới có quyền hát to bài "Lạy Thần Khí Sáng Tạo". Tôi không bao giờ được hát lên như vậy bởi vì làm thế là báo cho mọi người biết có một linh mục đang ở trong ngục.
Khi không thể cầu nguyện được, tôi thường cầu cứu Đức Mẹ và nói :
"Mẹ thấy con kiệt sức rồi, con không đọc được lời kinh nào nữa. Văy con sẽ chỉ đọc Kinh Kính (144) Mừng thôi, với tất cả lòng mến của con. Con đặt mọi sự trong tay Mẹ và con sẽ lập lại "Kính Mừng Maria". Con xin Mẹ phân phát lời cầu này cho tất cả những ai cần đền nó trong Hội Thánh trong giáo phận của con..."
Để đặt mình trong bầu khí cầu nguyện, tôi tìm cách trở nên một Kinh Kính Mừng sống động
Một cách thế khác giúp tôi cầu nguyện là Kinh Lạy Cha.
Khi quá suy yếu không còn sức để cầu nguyện nữa, tôi nghĩ tới lời kinh của Chúa Giêsu trong một công thức khác, rất ngắn gọn và chính xác:
Cho Thiên Chúa Cha: danh Cha, nước Cha, ý Cha
Cho nhân loại: lương thực của chúng con, các nợ nần của chúng con, chước cám dỗ của chúng con.
Thật không thể tưởng tượng được sức mạnh của lời cầu kinh phụng vụ. Trong tù, mỗI khi cảm thấy tinh thần mình xuống dốc, tôi hát Thánh Thi kinh chiều các Thánh Tử Đạo (Công nghiệp các Thánh) và mỗi lần như thế tôi lại như được Chúa Thánh Thần thêm vào một liều thuốc bổ thật mạnh giúp tôi hồi sinh:
"Muôn thử thách, vì Ngài đâu sá kể,
Không hé một lời oán trách thở than!
Chẳng xôn xao, lòng thơ thới yên hàn,
Trước sau vẫn hiền hòa, luôn kiên nhẫn". (145)
 
(7)Khi bị biệt giam, tôi thường nghĩ tới sách Tông Đồ Công Vụ, cuốn "Tin Mừng này của Chúa Thánh Thần"  đã thúc giục tôi hiệp thông sâu xa với toàn thể Hội Thánh.(171)
Câu chuyện về một kinh nghiệm rất đơn sơ cũng trong thời gian tôi  bị cầm tù.
Thật khó tưởng tượng nổi sự kiện: trong những năm bị thử thách cam go (từ sau năm 1958 trở đi), các tín hữu chúng (177) tôi lo âu dường nào, vẫn tìm cách nghe lén Đài Vatican để cảm nghe nhịp đập trái tim của Giáo Hội Hoàn Vũ và liên kết với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô. Họ làm như thế bất chấp nguy cơ có thể bị phạt hoặc bị tù. Vì như thế là nghe "sự tuyên truyền của ngoại quốc, phản động".
Về sau, chính tôi cũng cảm thấy cùng một kinh nghiệm như vậy. Trong khi tôi bị cô lập ở Hà Nội, thì một ngày kia một nữ công an mang cho tôi một con cá nhỏ để tôi nấu ăn. Vưà khi tôi thấy tờ giấy bọc con cá, tôi cảm thấy rất vui mừng, nhưng tôi cố nén lòng không biểu lộ ra bên ngoài. Tôi vui mừng không phải vì con cá, nhưng là vì tờ giấy bọc hai con cá: đó là hai trang của báo "Quan Sát Viên Rôma". Trong những năm ấy, báo này mỗI khi được gởI tới bưu điện Hà Nội, thì thường bị tịch thu và đem đi bán cân ở quay mua giấy cũ ở chợ. Hai trang báo ấy được dùng để gói hai con cá nhỏ. Tôi bình tĩnh, không để cho ai thấy, và rửa sạch những trang báo đó để tẩy hết mùi tanh, rồi phơi khô và giữ nó như một Thánh Tích.
Đối với tôi, trong khi bị biệt giam, những trang báo ấy là một dấu chỉ tình hiệp thông với Rôma, với Thánh Phêrô, với Hội Thánh, và đó là một vòng tay ôm từ Rôma. Giả sử không ý thức mình là thành phần của Hội Thánh, có lẽ tôi đã không sống nổi. (178)
Tôi đã viết khi ở trong tù:
"Hiệp thông là một chiến thắng từng giây phút. Tình thương đưa đến sự hiệp thông với nhau. Trong hiệp thông, con người cùng nhịp bước với anh em.
Vì hiệp thông không phải là hạnh phúc thụ động,
Hiệp thông mở cửa tình huynh đệ cho mọi người, Tự bản chất nó, tình thương tỏa lan ra. Tình thương hay lan sang người khác, đưa mỗi người đến hiệp thông. Con phải tạc dạ rằng: Hiệp thông là một chiến thắng từng giây từng phút. (184)
Sự sơ hở trong chốc lát có thể làm tan vỡ hiệp thông:
Vì một tư tưởng thiếu bác ái, bảo thủ ý kiến.
Vì con bám víu vào một tình cảm, một khuynh hướng bất chính, vụ lợi. Vì con hành động vì con, không phải vì Chúa. Xin Chúa cho con năng xét mình:
"Ai là trung tâm đời con?

Tôi hay Chúa

Nếu Chúa là trung tâm,
Ngài sẽ qui tụ mọi người hiệp thông.
Nếu thấy thiên hạ quanh con dần dần rút lui tản mác,
Ấy là dấu con đang tự đặt mình làm trung tâm".
(Preghiere di speranza. Tre dici anni in carcere, Cinisello Balsamo 1997, pp.44-45) (185).
 
4.Những năm tháng bị quản thúc
(1)Khi tôi bị quản thúc tại làng Giang Xá, cách Hà Nội khoảng 20 cây số. Người canh giữ tôi là một tín hữu Công giáo. Thoạt đầu, ông ta đặt bao nhiêu câu hỏi về tôi: ông giám mục này đã làm gì để bị giam giữ lâu như thế? Khi sống và ăn chung với tôi, ngủ trong một phòng cạnh tôi, dần dần ông ta hiểu, và ông để cho tôi được viết các sách tu đức. Ông cho phép các (198) linh mục đến thăm tôi ban đêm, họ ở cách xa đó 300 cây số, để được nghe tôi nói về Công Đồng Chung Vatican II, vì không một Giám Mục nào ở Bắc Việt đã có thể tham dự Công Đồng. Mỗi tháng, người cán bộ ấy phải thảo một tờ báo cáo về tôi để nộp cho công an. Sau khi viết thư như thế trong một thời gian, ông ta nói với tôi:
"Tôi không viết nữa, tôi không biết phải viết gì"
"Ông cần phải viết! Nếu ông không viết, thì ông sẽ bị thay thế. Một người lính canh khác mà tới đây thì họ sẽ làm khó tôi"

"Vậy thì tôi viết báo cáo, ông chỉ cần sao lại và ký tên"

"Tốt lắm"
Công an Huyện khen ông ta về bản báo cáo và tặng cho ông một chai rượu cam. Thế là ông mang về nhà và tối hôm đó, chúng tôi uống chung với nhau.
Nhờ ông ta mà tôi đã truyền chức cho nhiều chủng sinh thuộc các giáo phận khác do vị bản quyền gửi tới cho tôi. Vì tôi đã ở tù rồi, nên không còn sợ bị rủi ro gì nữa. Ban đêm ông ta dẫn chủng sinh đến gặp tôi. Họ mang theo sách nghi thức của Giám Mục và Dầu Thánh. Đó là những cuộc truyền chức dài nhất thế giớI! Vì các cuộc truyền chức ấy bắt đầu lúc 11 giờ rưỡi đêm và chấm dứt lúc 1 giờ sáng ngày hôm sau.
Cũng vào ban đêm, cán bộ ấy dẫn tôi đi ban Bí Tích cho các bệnh nhân.
Tôi cũng không bao giờ tưởng tượng nổi Chúa Giêsu gọi tôi thi hành loại mục vụ đặc biệt như thế. Quả thật Chúa Thánh Thần xử dụng bất cứ ai để ban Ơn Thánh cho dân Chúa! (199)
Trong thời gian dài chịu cảnh tù ngục giam cầm, bị tước tất cả, tôi càng xác tín sâu xa hơn vào quyền lực của Chúa Thánh Thần như được trình bày trong Sách Tông Đồ Công Vụ. Quyền lực này không thể thiếu trong Hội Thánh ngày nay, để nhờ đó Hội Thánh có thể vượt thắng mọi thử thách.
Chính vì thế từ 1975 đến 2000, tôi luôn luôn xin những người đến xưng tội với tôi hãy đọc kỹ càng một chương trong sách Tông Đồ Công Vụ như việc đền tội.
 
(2)Tôi còn nhớ chuyện này.
Một ngày nọ, một cha sở miền Bắc Việt Nam thấy có một nhóm người dân tộc Hmông muốn đến gặp Ngài. Cha hỏi họ:
"Anh chị em từ đâu đến đây?"
"Chúng con đến từ Lai Châu (nơi quân đội Pháp đã thua trận Điện Biên Phủ). Chúng con đã vượt núi rừng đi bộ suốt 6 ngày nay".
"Lạy Chúa tôi! Để làm gì vậy? "
"Chúng con muốn được rửa tội ngay bây giờ".
"Không thể được! Không có một linh mục hay giáo lý viên nào cả trong vùng của anh chị em, anh chị em không biết gì về đạo hay kinh nguyện, thì làm sao chịu phép Rửa Tội được?"
"Chúng con đã học tất cả từ một Đài Phát Thanh phát đi từ Phi Luật Tân"
"Mà Đài Phát Thanh nào? Đâu có Đài Phát Thanh Công Giáo nào có chương trình phát bằng thổ ngữ của anh chị em đâu!"
"Đó là Đài Phát Thanh Nguồn Sống".
"Một Đài Phát Thanh Tin Lành, và bây giờ anh chị em đến đây để xin trở thành Công Giáo. Thật là điều lạ".
Vị linh mục thật cảm kích bật thốt lên:
"Đây là một Lễ Hiện Xuống Mới. Đây chính là tác động của Chúa Thánh Thần! Chúa Thánh Thần!"
Rồi cha lại hỏi nhóm người Hmông.
"Anh chị em có thể ở lại đây lâu hơn không?"
"Thưa cha, không thể được. Chúng con chỉ đem theo 14 ngày cơm: 12 ngày học hỏi và đọc kinh cầu nguyện".
Cả nhóm đã được Rửa Tội và chịu phép Thêm sức, rồi được dự Thánh Lễ đầu tiên trong đời và được rước Mình Thánh Chúa.
"Anh chị em sẽ không còn có Thánh Lễ nào nữa, anh chị em không có nhà thờ. Anh chị em sẽ làm như thế nào?"
"Ban chiều tối, chúng con tụ họp nhau từng hai ba gia đình để nghe phát thanh và cầu nguyện chung và cùng nhau học hỏi về đạo. Ngày Chủ Nhật, chúng con ra ruộng cày cấy, nhưng đúng 9 giờ 30, chúng con ngưng làm việc, thả trâu tự do ăn cỏ và chúng con dự thành lễ qua Đài Phát Thanh Chân Lý phát từ Manila. Lễ Hiện Xuống Mới của thế kỷ XX".
Tôi muốn lợi dụng cơ hội này để cám ơn Đài Phát Thanh Chân Lý và Đài Vatican đã thực hiện một công tác truyền giáo thật là quý giá qua các chương trình tiếng Việt và tiếng Hmông. Ngày nay dân tộc Hmông thật sung sướng vì có một buổi phát thanh bang ngôn ngữ của họ. (t.211)
Hồi năm 1957, khi học ở Rôma tôi đã được đi Lộ Đức để cầu nguyện với Đức Mẹ...
Nhưng rồi năm 1975 đã đến: tôi bị bắt vào ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bị tù, bị biệt giam. Và tôi đã nhận ra Đức Mẹ  đã muốn chuẩn bị cho tôi ngay từ năm 1957!(t.220)
 
5.Ngày được trả tự do dưới áo Mẹ Từ Bi (21.11.1989)
(1)Năm 1989 sau cùng khi tôi ra khỏi tù, tôi đã nhận được một bức thư của Mẹ Têrêxa Calcutta với các lời này:
"Không phải con số các hoạt động của chúng ta là quan trọng, mà là cường độ tình yêu thương mà chúng ta đặt để vào mỗi hành động của chúng ta" (t.76)
Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta hãy là:
Khoảnh khắc đầu tiên
Khoảnh khắc cuối cùng
Khoảnh khắc duy nhất.(t.78)
 
(2)Trong con đường đen tối của tù ngục, tôi đã cầu nguyện với Mẹ Maria với tất cả lòng đơn sơ:
"Lạy Mẹ, nếu Mẹ thấy rằng  sau này con không còn ích lợi gì cho Hội Thánh nữa, thì xin hãy ban cho con ơn được chết trong tù để dâng trọn đời con. Ngược lại, nếu con còn phục vụ Hội Thánh được, thì xin cho con ra khỏi tù vào một Ngày Lễ của Mẹ"
Một hôm, khi đang chuẩn bị ăn trưa, thì tôi nghe điện thoại của trực tù reo vang:
"Có lẽ cú điện thoại này là cho tôi đây! Hôm nay là ngày 21 tháng 11, Lễ Đức Mẹ Dâng Mình Vào Đền Thánh".
Quả thật , một lúc sau đó một người công an đến hỏi tôi: (t.223)
"Ông ăn cơm trưa chưa?"
"Chưa. Tôi đang nấu"
"Sau cơm trưa ông nhớ ăn mặc tử tế. Ông sẽ lên gặp lãnh đạo. Trưa hôm đó tôi đã được gặp ông Bộ Trưởng Nội Vụ"
"Ông có muốn trình bày ước mong gì không?"
"Khi nào?"
"Hôm nay!".
"Bình thường thì không thể xin hôm nay được, bởi vì các vị lãnh đạo cần có thời giờ để thảo luận, để giải quyết các thủ tục. Nhưng tôi rất vững tin..."
Ông Bộ Trưởng nhìn tôi, kinh ngạc. Tôi giải thích:
"Thưa ông Bộ Trưởng, tôi đã bị tù quá lâu. Dưới ba triều đại Giáo Hoàng rồi: triều đại Đức Phaolô VI, Đức Gioan-Phaolô I và Đức Gioan-Phaolô II. Ngoài ra tôi bị tù dưới bốn đời vị Tổng Thư Ký của Đảng Cộng Sản Liên Xô: Ông Breznev, ông Andropov, Ông Cemenko và ông Gorbachev!"
Ông Bộ Trưởng bật cười và gật gù đồng ý:
"Đúng thật, đúng thật!"
Rồi ông quay sang vị thư ký nói:
"Hãy làm những gì cần thiết để thỏa mãn nguyện vọng của ông ấy. Lòng tôi nhảy mừng: Mẹ Maria đã giải thoát tôi".
"Lạy Mẹ, con cám ơn Mẹ! Con mừng Lễ Mẹ!
Kính chào Maria, Mẹ Chúa Giêsu,
Là Mẹ và là mẫu gương của Hội Thánh Ngài.
Kính chào Mẹ, suối nguồn ơn thánh và lòng từ nhân,
Mẫu gương của mọi sự tinh tuyền.
Mẹ là niềm vui trong châu lệ. (t.224)
Là chiến thắng trong đấu tranh,
Là hy vọng trong thử thách.
Mẹ là đường duy nhất dẫn đến Chúa Giêsu.
Xin chỉ cho chúng con Thiên Chúa Cha và thế là đủ cho chúng con rồi.
Xin hãy tỏ Mẹ ra và nhu vậy cũng là đủ cho chúng con". (t.225)
 
(3)Mười năm, sau khi Ngài [HY TN Khuê] qua đời, lúc được trả tự do, tôi rất cảm động khi nhìn thấy một dấu hình bầu dục do vết chân Ngài để lại trên sân thượng: đó là dấu vết đức tin của một vị chủ chăn già (t.230).
Sau thời gian bị cầm tù, tôi đã bị giải phẫu 5 lần, trong đó có hai lần suýt chết vì bị nhiễm trùng nặng. (t.231) Để có thể hiểu được vai trò của tật bệnh  trong chương trình cùa Thiên Chúa, chúng ta phải đề cao giá trị của thân xác!
Sức mạnh của chúng ta ở nơi Đức Kitô chịu đóng đinh và bị bỏ rơi. Vì thế, khi chúng ta yếu đuối nhất lại là lúc chúng ta mạnh mẽ nhất.
Tôi đã sống kinh nghiệm này trong tù. Khi tôi sống những giờ phút khổ đau tột cùng trên thân xác và trong tinh (t.231) thần, tôi nghĩ tới Chúa Giêsu chịu đóng đinh (t.232).
Cái chết là điều nghiêm chỉnh nhất trong cuộc sống và là thử thách lớn nhất, quyết liệt nhất trong các thử thách: nó là tột đỉnh của cuộc sống chúng ta, là của lễ cuối cùng mà chúng ta có thể dâng cho Thiên Chúa, ở đây trên trái đất này (t.233)
 
6.Lời cám ơn của Đức Gioan-Phaolô II:
 
"Với tư cách là chứng nhân của Thánh Giá trong những năm dài ngục tù tại Việt Nam, Đức Cha [F.X. Nguyễn Văn Thuận] đã kể cho chúng ta nhiều sự kiện và giai thoại trong thời gian bị giam cầm, và qua đó, củng cố trong chúng ta niềm xác tín đầy an ủi, dù khi tất cả sụp đổ chung quanh chúng ta  và có lẽ trong nội tâm chúng ta nữa, Chúa Kitô vẫn mãi mãi nâng đỡ chúng ta". (t.247) (Vatican,18.03.2000)
 
F.X. Nguyễn Văn Thuận, Chứng Nhân Hy Vọng, Bài giảng Tĩnh Tâm cho Đức Thánh Cha và GT La Mã, tại Nhà Nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, Vatican 12-18, 3, 2000. (Dịch giả: Giuse Trần Đức Anh OP và Giuse Hoàng Minh Thắng. Ấn hành,Carthage, Missouri, 2000)
 
 
Dayton, Ohio, ngày 25.01.2004, CN (04, First month of the Year of the Monkey)
Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiêm sắp đặt và tổng hợp