Trần Duy Nhiên
PHỤ NỮ
TRONG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Phụ nữ và tôn giáo. Hai từ ngữ này vừa gần gũi nhau vừa chống đối nhau.
Hình như trong mọi tôn giáo, phụ nữ chiếm đa số thành phần tín hữu giữ
đạo (và đất nước càng phát triển thì thành phần đa số này lại càng lớn);
thế nhưng quyền bính về tôn giáo thì hầu hết lại do người nam nắm giữ.
Phải chăng mọi tôn giáo đều mang cái mầm ‘ghét phụ nữ’ (misogynic) hay
vì các tôn giáo được khai sinh vào thời đại mà quan niệm trọng nam
khinh nữ đã ăn sâu vào trong tổ chức tôn giáo?
Với tư cách là người Việt Nam, chúng ta không thể nào không thấy rằng
mình đang sống trong một thời đại mà người nữ sánh vai ngang bằng với
người nam, ít ra là về mặt luật pháp, xã hội và nghề nghiệp,
Và với tư cách là Kitô hữu, chúng ta lại tin rằng Đức Kitô là đấng
giải phóng, và một trong các chiều kích giải phóng của Ngài là giải
phóng phụ nữ. Có người còn cho rằng chính Ngài là người đã khởi xướng
phong trào giải phóng phụ nữ. Trong xã hội Do Thái của thời Ngài, người
nữ chỉ là một con số không, thế mà Ngài đã đối xử với họ một cách thật
trân trọng. Chúa đã quí mến Matta và Maria. Trong nhóm người theo Ngài
vẫn có những phụ nữ. Dưới thập giá Ngài, ngoài thánh Gioan ra, chỉ
toàn là phụ nữ.
Nhưng cũng bởi vì chúng ta vừa là người Việt Nam vừa là Kitô hữu, nên
chúng ta mang trong trong lòng mình cùng một lúc hai truyền thống:
truyền thống Việt Nam với nhiều dấu ấn của Tam giáo, và truyền thống
Kitô giáo với nhiều vết tích của Do Thái giáo. Vì thế, khi nói đến người
nữ, một số quan niệm - có thể rất lỗi thời, nhưng vẫn âm ỷ sống - cứ
chực trào lên. Về phía Khổng giáo: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”,
“Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Về phía Do Thái
giáo, sách Talmud ghi: “Thà đốt sách Torah (1) còn hơn
là trao sách ấy cho một phụ nữ”.
Xuyên qua dòng lịch sử thăng trầm, chỗ đứng của người phụ nữ trong
Giáo Hội hiện nay như thế nào? Chúng tôi sẽ dựa vào một số tư liệu,
đặc biệt là Actualité des Religions (2) để xem xét vấn đề này.
2- Phụ nữ trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo
Trong Do Thái giáo
Trải qua một thời gian thật dài, người phụ nữ Do Thái chẳng những
không có quyền lên tiếng ở Hội Đường; mà ngay cả trong tổ chức của các
cộng đồng Do Thái, họ cũng không được quyền tham dự. Hai mươi năm trở
lại đây, trong các cộng đoàn Do Thái giáo ở ngoài Israel, người ta đã
thấy người nữ bắt đầu học hỏi về Talmud. Một số phụ nữ đã trở thành
luật sư trong các tòa án cộng đồng Do Thái (avocates des tribunaux
rabbiniques). Một số người đã được công nhận là rabbi, nghĩa
là tiến sĩ luật Do Thái (hiện nay ở Mỹ có hơn 500 nữ rabbi). Tuy nhiên
họ chỉ can thiệp vào những công việc toà án và hành chánh. Trong Hội
Đường, trước sau như một, Luật Do Thái, Halakhah, vẫn cấm họ
lên tiếng; nghĩa là dù họ có tài giỏi và đạo đức đến đâu, thì họ vẫn
không có quyền đọc và giải thích Lời Chúa trong Hội Đường.
Trong Hồi Giáo
Luật Hồi Giáo Charia không nhẹ nhàng gì đối với người nữ. Họ
luôn phải phục tùng chồng, hoặc cha hoặc anh em trai. Ngay về vấn đề
thừa kế họ cũng không có quyền được chia gia sản đồng đều với anh hoặc
em trai mình. Giá trị của họ chỉ bằng một nửa người nam. Ví dụ về giá
trị của một lời chứng, Kinh Coran nói rõ ràng:
lời nói của một người nam có giá trị bằng hai người nữ, vì nếu một người
quên, thì người kia sẽ nhắc
(II, 282). Tuy nhiên cánh cửa về quyền bính tôn giáo không hoàn toàn đóng
đối với họ. Kinh Coran vẫn cho họ được bình đẳng với tư cách là
tín hữu. Cho tới nay một số phụ nữ đã được học thần học, và có thể nói
về đạo ngoài xã hội. Còn trong đền thờ Hồi Giáo (mosquée) thì người nữ
không có quyền lên tiếng. Dĩ nhiên, người nữ chưa thể nào giữ chức vụ
imam, nghĩa là trưởng một cộng đoàn cầu nguyện, người có thể xướng
kinh cho cộng đoàn. Vào thế kỷ thứ XIV, triết gia Ibn Khaldoun - một
người được tôn trọng như Thomas d’Aquin đối với Công giáo -, đã khẳng
định rằng người nữ không thể nào giữ được chức vị ấy vì không bao giờ
đáp ứng được bốn điều kiện sau: kiến thức, sự công minh, khả năng
chuyên môn và sức mạnh thể lý (sic!). Tuy nhiên ông cũng nói thêm rằng:
dù sao đi nữa, chức vụ này không thể trao cho phụ nữ vì sứ điệp Coran
chỉ dành cho người nam.
Trong Phật Giáo
Phật Giáo khó lòng chấp nhận người nữ bằng hàng với người nam. Giáo lý
chấp nhận rằng người nữ ‘cũng’ có khả năng đi đến giác ngộ...
nhưng phải thông qua một số điều kiện, mà một trong các điều kiện là
phải đầu thai làm một người nam. Ví dụ, truyền thuyết về vị
công chúa, con vua Sagara (ngay tên công chúa cũng không được ghi, mà
chỉ ghi tên cha mình). Cô ở vào tình trạng sắp giác ngộ. Khi nghe một
môn sinh của Đức Phật giảng rằng người nữ cũng có thể trở thành Bồ Tát,
cô bèn nhập vào hình hài một người nam (!) và giác ngộ. Qua các
thời đại, người nữ đã bắt đầu lên tiếng. Tuy tại Việt Nam và tại Trung
Quốc không thấy một sự phản kháng nổi bật nào từ phía phụ nữ, thì tại
Kampuchia, tại Sri Lanka, tại Đài Loan, tại Thái Lan, một số phong
trào phụ nữ đã nổi lên đòi quyền bình đẳng giữa các thượng tọa và các
ni cô, nhưng kết quả cũng chẳng đi đến đâu. Quả thật, Đức Dalai Lama
có kêu gọi để cho người nữ được quyền giữ các chức vị trong tôn giáo
như các thượng tọa ở Tây Tạng, nhưng cho đến nay điều này vẫn chưa được
thực hiện. Năm 1966 một lãnh đạo phong trào phụ nữ đề xuất một bộ luật
nhằm đem đến sự bình đẳng trong chức vụ trong Phật Giáo giữa nam giới
và nữ giới. Giới thẩm quyền trong đạo đã dứt khoát: “Không có luật
đời nào có quyền thay đổi giáo huấn của Đức Phật.” Một tạp chí đăng
tải như sau: “Than van về vấn đề kỳ thị nam nữ chỉ là công dã tràng:
sự phân biệt ấy là một thực tại gắn liền với kiếp đàn bà.”
3 - Phụ nữ trong Kitô Giáo
Hoài bão của phụ nữ
Trong Kitô giáo thì chỗ đứng của phụ nữ có vẻ
thuận lợi hơn. Những nền thần học hướng về quyền phụ nữ đã được khởi
xướng từ hậu bán thế kỷ 20, cùng với những sự thăng tiến về vai trò
phụ nữ trong xã hội. Những tiếng nói đòi hỏi quyền bình đẳng phụ nữ
khởi đầu với hai biến cố, đó là sự ra đời của phong trào giải phóng
phụ nữ và Thần Học Giải Phóng. Tuy nhiên đòi hỏi này từng gặp sự nghi
ngờ của hàng giáo phẩm. Dù sao đi nữa, các nhà thần học nữ trong thế
kỷ này có một hoài bão cao hơn: họ muốn được tham gia trọn vẹn vào đời
sống các Giáo Hội, mà không chỉ dựa vào những khuôn mẫu do người nam
đề ra mà thôi. Muốn làm như thế, họ bắt đầu đọc lại Kinh Thánh. Con đường
đến với Kinh Thánh vẫn mở rộng đối với phụ nữ hơn là con đường chức vụ
quyền bính trong các Giáo Hội Kitô giáo. Họ nối tiếp truyền thống các
nữ ngôn sứ thời xa xưa (3) và tìm kiếm trong Kinh Thánh vai trò của họ
với tư cách là người nữ. Họ tin rằng cảm nghiệm người nữ hoàn toàn
khác biệt với cảm nghiệm của người nam, và họ có bổn phận phải đón
nhận gia sản Kinh Thánh cho chính mình.
Những hướng đọc Kinh Thánh dưới cái nhìn phụ nữ
Có ít nhất là ba hướng đọc lại Kinh Thánh dưới cái nhìn phụ nữ.
- Một trong phương hướng nghiên cứu là tìm cách đọc lại những đoạn
Kinh Thánh hầu cho thấy rằng người phụ nữ đã từng bị coi thường. Ví dụ
năm 1984, Phyllis Tribble nêu lên vài câu chuyện điển hình, và viết
lại trong một tác phẩm của bà dưới nhan đề là Tragic Destinies
(Những số phận bi đát): số phận của Haggar, nữ tì của Sarah, đem hiến
cho Abraham rồi sau đó bị đuổi đi; số phận của Thamar, con gái của
David, bị người anh cùng cha khác mẹ với mình là Amnon hãm hiếp; hay
số phận của người con gái Jephté, mà thậm chí ta không biết tên: cô là
nạn nhân vì một lời nguyền của cha mình là sẽ tế sát người đầu tiên
ông gặp khi ông trở về trong chiến thắng. Đối với Phyllis Tribble, đấy
không phải là ‘chuyện đời xưa’, nhưng đấy vẫn còn là điều đang xảy ra
trong thời đại chúng ta: số phận của người nữ bị áp bức.
- Hướng nghiên cứu thứ hai là tìm lại những vị trí của phụ nữ mà cách
đọc của nam giới đã làm mờ nhạt đi. Điển hình là Elisabeth
Schussler-Fiorenza. Trong tác phẩm In Memory of Her (Để tưởng
nhớ đến Bà), bà đã nhắc lại vị trí của người phụ nữ bằng cách lập lại
lời sau đây của Chúa: “Nơi nào Phúc âm được rao giảng, trên khắp
thế gian, thì người ta sẽ kể lại điều bà đã làm, để tưởng nhớ đến bà”.
Qua đó bà cho thấy rằng phụ nữ là yếu tố không thể thiếu được trong
quá trình hình thành Giáo Hội và rao giảng Tin Mừng.
- Một trào lưu thứ ba là xét lại ngôn từ trong Kinh Thánh. Ví dụ
Virginia Molenkott liệt kê những từ ngữ giống cái mà ngôn ngữ Do Thái
dùng để chỉ định Thiên Chúa: như Shekina (Đấng Hiện Diện) hoặc
Ruah (Thần Khí). Điều này cho thấy rằng Thiên Chúa là Cha nhưng
đồng thời Người cũng là Mẹ; nói cách khác, Thiên Chúa cũng có nữ tính,
và nữ tính này đã bị các giáo phụ làm mờ đi qua các thời đại. Do đó,
chỉ có người nữ, với sự nhạy cảm và lối tiếp cận hoàn toàn mang nữ
tính mới cân bằng lại quan điểm đầy nam tính từ trước đến giờ đối với
Kinh Thánh.
Bước thăng tiến của phụ nữ
Tất cả những cố gắng của phong trào bình đẳng nữ giới đã mang nhiều
thăng tiến cho phụ nữ trong các Giáo Hội Kitô giáo. Từ hai thập kỷ
qua, người nữ đã có mặt trong mọi lãnh vực giáo hội: từ giáo lý viên
đến giáo sư thần học, từ vai trò linh hoạt viên đến những chức vụ
trong các hội đồng cao cấp. Riêng trong lãnh vực phụng tự, phụ nữ được
cử hành phụng vụ lời Chúa như người nam, mà không có một sự phân biệt
nào. Tuy nhiên, trong vấn đề chức thánh thì còn có giới hạn. Dù Giáo
Hội Tin Lành tại Pháp đã có mục sư từ 1966 và Anh giáo chấp thuận cho
phụ nữ được phép nhận chức linh mục, thì số lượng người có chức thánh
này cũng còn rất ít so với người nam, trong khi đó số tín hữu giữ đạo
thì nữ giới lại chiếm tuyệt đại đa số. Riêng trong giáo hội Chính
Thống và Công Giáo, người nữ không thể nhận chức linh mục.
4 - Người nữ và chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo
Một giai thoại
Tháng 10 - 1979, một năm sau ngày Đức Gioan Phaolô II được tấn phong
giáo hoàng, Ngài thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ tại Mỹ và có mặt
tại Vương Cung Thánh Đường Washington. Lối chừng 50 nữ tu không mặc tu
phục cầm khẩu hiệu: ‘Nếu phụ nữ có khả năng làm bánh, thì họ cũng
có khả năng bẻ bánh’. Nữ tu Theresa Kane được cử lên tiếp kiến Đức
Giáo Hoàng và bà tuyên bố trong máy vi âm. “Thưa Đức Thánh Cha,
Giáo hội phải đáp ứng những thiệt thòi của phụ nữ bằng cách xét xem khả
năng của họ trong ngay cả việc lãnh nhận chức thánh.” Đám đông
hoan hô, nhưng Đức Giáo Hoàng không phát biểu gì cả.
Vài tuần sau, nữ tu này đến Vatican và được một cha trong Tòa Thánh tiếp
kiến cùng với lời yêu cầu: ‘Đề nghị xơ làm sáng tỏ lời phát
biểu của mình’. Bà đã khẳng định: ‘Con muốn cha hiểu rằng con
bao hàm luôn cả việc thụ phong linh mục cho nữ giới; đúng, cả việc thụ
phong nữa.’ Tòa Thánh vẫn không nói gì, nhưng sau này, khi nữ tu
Theresa Kane xin yết kiến Đức Giáo Hoàng, thì được văn phòng Toà Thánh
phúc đáp rằng “cuộc gặp gỡ sẽ không thích hợp (4)”
Hiện nay nhiều nhóm người ở Âu Mỹ có khuynh hướng xem Đức Gioan Phaolô
II là một Giáo Hoàng ‘ghét phụ nữ’ (misogynic). Những luận cứ họ đề ra
như một bằng chứng là vì Ngài luôn chống đối việc phá thai và việc
phong chức linh mục cho phụ nữ. Sự thật thế nào?
Quan điểm của Đức Gioan Phaolô II đối với phụ nữ
Có lẽ nên trở về với những lời phát biểu của Đức Giáo Hoàng, mà mọi người
chắc chắn là những lời nói xuất phát tự đáy lòng Ngài.
Những lời hay nhất mà Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu về phụ nữ xuất
hiện trong Thư gởi phụ nữ (tháng 6-1995). Những lời cảm động nhất
nằm trong một đoạn của Vita consecrata (tháng 3-1996) [Đời sống
thánh hiến], nói lên rằng phụ nữ là ‘dấu chỉ lòng trìu mến của
Thiên Chúa đối với nhân loại”. Những lời thi vị nhất nằm trong
Mulieris dignitatem (tháng 9-1988) [Phẩm giá người nữ]: ‘Tiếng
reo của người nam đầu tiên khi thấy người nữ vừa được tạo thành là một
tiếng reo ngưỡng mộ và vui mừng, và tiếng reo ấy đã xuyên qua suốt
dòng lịch sử nhân loại ở trần gian’.
Trong Thư gửi phụ nữ, ta có thể đọc:
“Cám ơn người, người nữ, chỉ vì người là phụ nữ!
Nhờ cách nhận thức đầy nữ tính mà người đã làm phong phú cho sự thông
cảm của thế giới và góp phần vào sự chính trực của các tương quan giữa
người và người.
Nhưng, tôi biết rằng chỉ
cám ơn mà thôi thì chưa đủ. Đau lòng là chúng ta đã kế thừa từ lịch sử
nhiều yếu tố tác động khiến cho, ở mọi thời và mọi nơi, con đường của
phụ nữ thật khó đi: người ta coi nhẹ phẩm giá của họ, bỏ qua quyền hạn
của họ, thường gạt họ ra ngoài lề xã hội và thậm chí biến họ thành nô
lệ...
Nhân loại đã mắc một món nợ khổng lồ vì cái “truyền thống” trọng nam
khinh nữ ấy. Biết bao phụ nữ đã và đang bị đánh giá dựa trên ngoại
hình hơn là dựa trên khả năng, trình độ nghiệp vụ, hoạt động trí thức,
sự nhạy cảm phong phú của họ, và tóm lại, dựa trên chính cái phẩm giá
của con người họ !” (Thư gửi phụ nữ, 29-06-1995)
Trong tông huấn Vita consecrata, ta không thể nào bỏ qua đoạn
này:
“Từ kinh nghiệm về Giáo hội và lối sống của người nữ trong Giáo hội,
nữ tu góp phần xóa đi một số quan niệm một chiều; những quan niệm ấy
ngăn cản không cho ta nhận thấy phẩm giá của họ, phần đặc thù mà họ đóng
góp vào đời sống và hoạt động mục vụ và truyền giáo của Giáo hội. Như
vậy, quả là chính đáng nếu nữ tu ao ước được nhìn nhận rõ ràng hơn
chân tính, khả năng, sứ mạng và trách nhiệm của họ, trong nhận thức
của Giáo hội cũng như trong đời thường. [...] Do đó, khẩn thiết phải
thực thi vài bước cụ thể, khởi sự bằng cách mở ra cho người nữ những
không gian để họ tham gia vào nhiều khu vực khác nhau và ở mọi mức độ,
kể cả trong tiến trình soạn thảo các quyết nghị, nhất là những quyết
nghị liên quan đến họ.” (Tông huấn Vita consecrata, tháng
3-1996)
Từ nữ tu, Đức Thánh Cha đã ngỏ lời với toàn bộ phụ nữ, và đề cao giá
trị của họ. Trong một số đoạn của Mulieris dignitatem (1988),
Ngài đã sửa sai thánh Phaolô (chưa một giáo hoàng nào làm như vậy trước
đây) và sửa sai cả lịch sử Giáo hội, về vấn đề người nam “là chủ nhân”
của người nữ và về tội lỗi của bà Eva:
“Một cách nào đó, lời mô tả của Kinh Thánh về tội nguyên tổ trong sách
Khởi nguyên (chuơng 3) “đã phân chia vai trò” của người nữ và người
nam. Sau này, một số đoạn Kinh Thánh khác cũng qui chiếu lại, ví dụ như
trong thư Thánh Phaolô gửi ông Timôthê: “Chính Adam đã được tạo
dựng trước, rồi mới đến Eva. Cũng không phải Adam đã sa ngã khi bị dụ
dỗ, mà là người đàn bà.” (1 Tm 2,13-14). Nhưng không còn nghi ngờ
gì nữa, dù cho bài mô tả của Kinh Thánh có “có phân chia các vai trò”,
thì tội đầu tiên này vẫn là tội của loài người, mà Thiên Chúa
đã dựng nên có nam có nữ. Đấy cũng là tội của những “cha mẹ tiên khởi”,
kèm theo tính chất cha truyền con nối. Và vì thế mà ta gọi là tội
nguyên tổ.” (Mulieris dignitatem, tháng 9-1988, số 9)
Có lẽ không cần phải quảng diễn lâu dài về những điều mà mọi người đều
đọc được và hiểu được về quan điểm của Đức Thánh Cha. Nhưng Đức Thánh
Cha cũng là người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo, vì thế hơn ai hết,
Ngài phải trung thành với lập trường Giáo Hội. (5)
Lập trường Giáo Hội
Về chức linh mục, Giáo Luật chỉ có một câu duy nhất liên quan đến người
nữ, hay đúng hơn chỉ có một câu nói lên điều kiện mà phụ nữ không thể
có được. Điều 1024 ghi một cách ngắn gọn: ‘Chỉ người thuộc nam giới
đã nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy mới được nhận lãnh thành sự chức thánh.’
Có nhiều văn bản nói lên lập trường của Giáo Hội, nhưng ở đây, chúng
tôi chỉ nhắc lại ba văn bản gần chúng ta nhất. Văn bản thứ nhất là
tuyên ngôn Inter Insignores mà Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố
năm 1967, dưới triều đại của Đức Phaolô VI. Đây là văn bản với nhiều
luận cứ và khá ôn hòa, vì trong thời gian Công Đồng Vatican II, vấn đề
chức linh mục của phụ nữ đã được đề ra và ý kiến phản đối cũng như ý
kiến ủng hộ đều có cơ sở vững vàng. Tuy nhiên lời kết luận của văn
kiện ấy thật rõ ràng. Trong phần này có một câu mà người ta đã gán một
cách sai lầm cho Đức Gioan Phaolô II: “Giáo hội... cảm thấy rằng
mình không được phép chấp thuận việc thụ phong linh mục cho phụ nữ.”
Để chấm dứt sự tranh luận kéo dài mãi không ngơi, vào tháng năm 1994,
Đức Gioan Phaolô II đã công bố Tông Thư Ordinatio sacerdotalis.
Văn kiện này là một trong những văn kiện ngắn nhất, chỉ dài có 6 trang.
Và dù Ngài là một Giáo Hoàng thao thức nhất từ trước đến giờ đối với
vai trò phụ nữ, lập trường vào cuối thư vẫn dứt khoát: “Tôi
tuyên bố rằng Giáo Hội không thể nào có quyền trao chức linh mục cho
phụ nữ và lập trường này phải được mọi tín hữu xem là lập trường vĩnh
viễn”.
Vĩnh viễn!
Thế nhưng người ta vẫn tiếp tục bàn ra tán vào. Đến năm 1997, cũng
chính Giáo Hoàng đã phê chuẩn một văn kiện nữa của Thánh Bộ Giáo Lý Đức
Tin và ra lệnh công bố văn kiện ấy. Văn bản ngắn gọn nhưng rõ ràng: ‘Dựa
trên Lời Chúa (nên người ta phải xem lập trường Giáo Hội về vấn đề
chức linh mục của phụ nữ) là một tín điều thuộc Kho Tàng đức
tin... do Huấn Quyền đề ra một cách bất khả ngộ
... Huấn Quyền yêu cầu mọi người qui thuận một cách vĩnh viễn”
(Người viết nhấn mạnh). Văn bản này là văn bản tối hậu và mang tính chất
tín lý. Nhưng rồi những phong trào đòi quyền thăng tiến phụ nữ vẫn tiếp
tục âm ỷ bàn tán, đặc biệt là ở Mỹ châu.
5- Phụ nữ trong Giáo Hội ngày mai?
Nhìn lại các tôn giáo, ta thấy rằng phụ nữ luôn bị thiệt thòi. So với
các tôn giáo bạn, thì hình như Kitô Giáo dành cho người nữ sự tôn
trọng cao hơn, tuy nhiên một sự bình đẳng hoàn toàn là một điều chưa
được thực hiện, đặc biệt là về phương diện chức thánh. Dù sao, vấn đề
này chưa phải là một vấn đề phải ray rứt đối với Giáo Hội Việt Nam.
Trong Giáo Luật hiện hành (1983), điều 204 §1nêu lên như sau:
Các tín hữu Kitô, với tư cách là người đã được sáp nhập vào Chúa Kitô
nhờ Bí tích Thánh Tẩy, cấu thành dân Thiên Chúa và, do đó vì đã được
thông phần, theo cách của mình, vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương
giả của Đức Kitô, nên được mời gọi mỗi người, theo địa vị riêng mình,
thực thi sứ mạng Thiên Chúa trao cho Giáo Hội phải chu toàn nơi trần
gian.
‘Các tín hữu Kitô ... được thông phần vào chức vụ tư tế...’
Tư tưởng này đã được công bố từ thời Vatican II (Lumen Gentium, số
34), và giờ đây đã trở thành Luật. Thế nhưng bốn mươi năm sau, người
giáo dân Việt Nam còn xa tít trên con đường trở nên tư tế theo địa vị
riêng mình. Muốn được như thế, còn cần phải nỗ lực thật nhiều ở cả hai
phía: giáo sĩ và giáo dân. Bởi lẽ hiện nay, hàng giáo sĩ Việt Nam vẫn
tiếp tục ‘đau lòng’ vì giáo dân Việt Nam còn ‘ấu trĩ’; và giáo dân
Việt Nam vẫn tiếp tục ‘xót xa’ vì, ở không ít nơi, họ ‘có bổn phận’
phải tỏ ra là những ‘con chiên ngô nghê và ngoan ngoãn’ để cho các
‘cha’ thể hiện quyền bính ‘chủ chăn’. Chỗ đứng của người giáo dân đã
vậy, thì nói chi đến vị trí và vai trò người nữ. Do đó vấn đề chưa phải
là đến lúc đặt ra ở Việt Nam, và chúng tôi lại càng không bao giờ đặt
vấn đề về chức thánh của phụ nữ tại Việt Nam. Người nữ ở Việt nam, dù
là nữ tu hay giáo dân, rất thoải mái trong gia đình Giáo Hội và họ cảm
thấy hạnh phúc. Không lý do gì lại gieo mầm bất an cho mọi người và người
mất mát đầu tiên lại là chính họ. Tuy nhiên, trong thời đại mà thế
giới đã trở nên một ngôi làng thì mọi thông tin vẫn đến tai mọi người
từ mọi phương trời. Vì vậy, thay cho lời kết luận, chúng tôi xin trích
dẫn lời của Jean Paul Guetny, khi ông nói về quyết định vĩnh viễn
của Toà thánh đối với chức linh mục của phụ nữ:
“Tôi không dám xác quyết về sự phủ nhận ‘vĩnh viễn’ của Giáo
Hội La mã. Không phải chỉ cần quyết định rằng một điều gì đó là vĩnh
viễn thì nó sẽ trở thành vĩnh viễn. Suốt bao nhiêu thế kỷ,
người ta đã quả quyết rằng phép Giải Tội chỉ được ban một lần duy nhất
trong đời, và việc cho vay có lãi là một việc làm phản đạo đức. Thế nhưng
Giáo Hội đã xem xét lại hai vấn đề này. Trong thế giới con người của
chúng ta, mọi thứ điều chuyển biến, kể cả những điều thuộc lãnh vực
tôn giáo. Và những chuyển biến ấy nhiều khi xảy ra do sức ép của các
biến cố trong thực tế cuộc đời.”●
Chú thích
1.
Hai sách thánh trong Do Thái Giáo. So sánh Do Thái Giáo với Công giáo,
thì Torah tương đương với Phúc âm, nghĩa là Lời Chúa; còn Talmud tương
đương với Giáo Luật, nghĩa là những qui định cần phải tuân giữ.
2.
Actualité des Religions, số 3. Le dossier: Pour ou contre les femmes
aux commandes.
3.
Điều ít ai để ý tới là phụ nữ cũng từng là ngôn sứ từ ngày xa xưa.
Trong biến cố Dâng Hiến Chúa Giêsu vào đến thành - Lc 2,22tt - có hai
nhân vật, đó là ‘một người tên là Simêôn. Ông là người công chính và
sùng đạo’ và ‘ lại có một nữ ngôn sứ tên là Anna, con ông
Pơnuen, thuộc chi tộc Ase’. Thế mà ông đạo đức nọ được mọi người nhớ
rõ, còn nữ ngôn sứ kia thì ít ai nhớ đến.
4.
Theo ‘His Holiness John Paul II and the hidden history of our time’
của Carl Bernstein và Marco Politi; xem bản dịch « Đức Giáo Hoàng John
Paul II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta » của Nguyễn bá
Long và Trần quý Thắng. Nhà xuất bản Công An Nhân Dân - Hà nội 1997 -
Chuơng « Bà Eva », tr. 864tt
5.
Về vấn đề thái độ và quan điểm đối với phụ nữ của Đức Giáo hoàng Gioan
Phaolô II, xin tham chiếu tác phẩm: ‘Quand le pape demande pardon’ [Quando
il papa chiede perdono], của Luigi Accattoli, nhà xuất bản Albin
Michel 1997. Phần II, chương 4: Phụ nữ. Trang 125tt.
?¶?