Xã hội dân sự và nhân quyền Việt Nam

 Nguyễn Quang

 

 Xã hội dân sự và nhân quyền Việt Nam


Một xã hội không thực thi nhân quyền, nghĩa là các quyền cơ bản của người dân không được tôn trọng hà tất chưa thể nói đến xã hội dân sự!

Trước hết phải khẳng định Việt Nam hiện nay chưa có xã hội dân sự vì về phương diện chính trị học, xã hội dân sự chỉ xuất hiện và  tồn tại trên nền tảng các chính phủ không chu toàn trách nhiệm như tham ô, nhũng lạm, bạo quyền, nó đảm nhận vai trò điều hành những vấn đề thường ngày của đời sống các công dân.



Như vậy, xã hội dân sự không chỉ là “Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung”(1)

Theo định nghĩa của  Trung tâm Xã hội dân sự thuộc Trường đại học kinh tếLondon về Xã hội dân sự như sau: "Xã hội dân sự đề cập tới một mảng các hoạt động tập thể tự nguyện xung quanh các giá trị, mục tiêu, ý thích chung. Về lý thuyết, các hình thái tổ chức xã hội dân sự khác biệt hẳn với các hình thái tổ chức nhà nước, gia đình và thị trường. Nhưng trong thực tế thì, ranh giới giữa nhà nước, xã hội dân sự, gia đình và thị trường là khá lẫn lộn, mập mờ và không rõ ràng. Xã hội dân sự thường bao gồm một sự đa dạng về phạm vi hoạt động, các thành viên tham gia và các hình thái tổ chức, khác nhau về mức độ nghi lễ, tự do và quyền lực. Xã hội dân sự thường được hình thành dưới dạng các tổ chức như các hội từ thiện, các hiệp hội, các công đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh, và các đoàn luật sư.


Tóm lại, thuật ngữ xã hội dân sự xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào thế kỷ 16 và trở nên phổ biến vào thế kỷ 18. Theo quan niệm truyền thống châu Âu, xã hội dân sự được coi là một tổ chức (hội) đối trọng với chính quyền, tuy vậy cách hiểu này vẫn chưa được chấp nhận tại Việt Nam vì những lý do chính trị.

Như vậy, xã hội dân sự là một xã hội đủ năng lực để tự quản, khi các công dân có quyền tự do chọn lựa qua lá phiếu của mình. Người dân Việt Nam hiện nay chưa được trả thẩm quyền, tất cả do Đảng Cộng sản quyết định trong chế độ toàn trị: Đảng cử, dân bầu dưới nòng súng!

Ở Việt Nam, các tổ chức như Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Ủy ban đoàn kết tôn giáo... chỉ là những công cụ của thứ nhà nước chuyên chính, thuộc tính của chế độ toàn trị! Nếu gọi những tổ chức trên là xã hội công dân, quả là hệ thống chính trị của Cộng sản nói chung và cá biệt với các nước CS còn sót lại nó không giống ai và ngày càng lộ rõ bộ mặt phi nhân bản của các tổ chức mafia!

Các tổ chức phi chính phủ có phải là các tổ chức xã hội dân sự không? Không ai phân biệt rõ điều đó. Nhưng chắc chắn một điều ngay tại Việt Nam chưa có xã hội dân sự ngay trên bình diện lý thuyết, cụ thể như dự thảo Luật về hội của Nhà nước Việt Nam vẫn chưa được thông qua. Chỉ có những cuộc hội thảo cấp Bộ tốn phí thêm ngân sách quốc dân nhưng không dẫn đến đâu cả…Câu chuyện xã hội dân sự Việt Nam trở thành như thứ chuyện ‘người mù sờ voi’!

Theo Machiavelli quyền lực chính là ‘cánh tay nối dài’, nên các hội đoàn trong chế độ toàn trị không phải là các tổ chức xã hội dân sự hay thuộc về các tổ chức phi chính phủ, nếu có chỉ về phương diện hành chánh, thật sự không phi chính phủ về phương diện chính trị. Trong khi đó bản chất chất của các tổ chức xã hội dân sự là phi chính phủ về phương diện chính trị chứ không phải là phi chính phủ về phương diện hành chính.

Bản chất của bất cứ chế độ độc tài nào đều nơm nớp lo sợ sự phát triển của xã hội dân sự, chúng cũng lập nên những viện nghiên cứu xã hội dân sự nhưng để dò xét từ khái niệm đến các tổ chức phi chính phủ ảnh hưởng như thế nào đến sự tồn vong của chúng. Trong khi thực chất của các xã hội dân sự không những không phương hại đến hoạt động hành pháp mà nó còn là trụ cột chống đỡ cho các công dân mà vốn không một Nhà nước nào có thể chu toàn trong vai trò của mình.

Ngay cả trên bình diện tôn giáo, với các giáo hội quốc doanh cũng nói lên sự can thiệp về sinh hoạt tinh thần từ sự sợ hãi này, nghĩa là tôn giáo nếu muốn tồn tại phải thể hiện sự vong thân phi chính trị của mình, hiểu như chính trị là một thái độ ý thức với tha nhân – hommo politicain, con người là một hữu thể chính trị. Tôn giáo dưới chế độ toàn trị CS như vậy chỉ còn là hình thức với những lễ nghi cờ xí, nội dung nhằm biến đổi con người làm lành lánh dữ không còn, chỉ còn là những lễ nghi và một ngày không xa thành những thứ đồng bóng như đã xảy ra trên đất nước này: Tôn giáo chỉ thỏa mãn những ước mơ nhất thời cho qua cơn nghiện tham, sân, si…của con người khi những nhà lãnh đạo tôn giáo đi vào con đường thỏa hiệp với bạo quyền!

Bài học lịch sử, đó là các tổ chức hội đoàn phi chính trị rất dễ trở thành Đảng phái chính trị. Đây là sự quan ngại, lo lắng vô cùng của các nhà độc tài, người viết không muốn dùng từ CS vì thực sự thứ nhà nước này cũng chỉ tồn tại không lâu nữa với một vài nước còn sót lại trên hành tinh, trong khi vấn đề nhân quyền vẫn còn luôn mãi với con người, cho nên các nhà toàn trị luôn tìm cách tận diệt từ trong trứng nước các hội đoàn khiến sự hình thành và phát triển về dân sự của các tổ chức này, thậm chí ngày càng bành trướng bộ máy công an trị để theo dõi mọi hoạt động của các công dân, cho dù đó là nhưng hoạt động từ thiện!

Đây chính là mảnh đất tốt để tham nhũng phát triển và cũng là một trong những huyết mạch để chữa trị bệnh tham nhũng. Bởi vì một khi bộ máy nhà nước ngày càng phình to, có thể nói là bị phát trướng ra như ung thư gan, các tế bào không phát triển bình thường, giống như số viên chức quá lớn nhưng với đồng lương ít ỏi, họ sẽ tham ô để sống thỏa mái nhờ vào hệ thống công quyền! Trong khi các tổ chức công dân phát triển mạnh mẽ sẽ đảm trách vô số những sinh hoạt dân sự mà không cách gì một chính thể nào có thể hoàn thiện theo dòng lịch sử đã chứng minh!

Quả thật sự cai trị lâu dài của bất cứ một chế độ độc tài nào cũng sẽ là gánh nặng lâu dài đối với dân tộc đó và trên bình diện chung đối với cộng đồng nhân loại!

Cái gọi là nhà nước quản lý chỉ mang lại thảm họa cho con người khi mọi thứ ôm khư khư quyền lực vào tay một nhóm người dùng bạo lực để trấn áp nhân dân. Những chiêu bài như cải cách hành chánh chỉ là những chiêu thức sách lược nhằm cầm quyền lâu dài vì tập đoàn thống trị sẽ không bao giờ chịu cải cách về chính trị, do đó xã hội chỉ có sự giậm chân tại chỗ!

Tính chất thiện nguyện của người dân, nhất là của các Tu sĩ các tôn giáo lại càng bị hoài nghi, trong khi đó lại là yếu tố nền tảng của các xã hội dân sự hình thành. Bao giờ nhà nước cũng cài cho bằng được các tu sĩ quốc doanh hoặc một viên chức đảng viên nghỉ hưu nào đó trong các hội đoàn, trường học…thường phải qua sự xét duyệt của Bộ công an, Nội vụ…Nên không thể có sự hình thành của một xã hội dân sự dưới bất cứ chế độ toàn trị nào, thật vậy!

Tóm lại, Việt Nam hiện nay và mãi sau này nếu còn chế độ toàn trị sẽ không có xã hội dân sự! Tại sao lại như vậy? Bởi vì người dân không có một quyền cơ bản nào hết khi sinh ra làm người như các quyền dân sự được ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Thảo luận vấn đề xã hội dân sự là bàn về nhân quyền, song ở ViệtNam danh từ nhân quyền được nhắc đến sẽ rất dị ứng với nhà cầm quyền, đó là điều tối kỵ nếu muốn an thân!

Thế giới hình thành thế giới, tiến tới một xã hội dân sự thật sự chính là bước đầu thực thi các quyền cơ bản của con người, được thừa nhận qua hiến pháp, bằng không sẽ không bào giờ có được một xã hội dân sự lành mạnh, những tổ chức xã hội trên thực tế. Mãi mãi dân tộc đó vẫn là xã hội ‘vị thành niên’ như quan niệm của Kant, nó gồm những con người không bao giờ biết tự chủ chính mình mà vốn văn minh là biết kiềm chế!
***

(1).Theo Wikipedia.