Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại.
Là Ai? Làm Gì?
Cách đây đúng 25 năm, tại giáo đô Roma, đã diễn ra một biến cố nhiều í nghĩa cho cộng đồng người Việt tị nạn tại hải ngoại. Đó là ngày các tôn giáo việt nam đáp lời mời của Văn Phòng Trung Ương Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại (VP) cùng nhau về giáo đô của Giáo Hội công giáo, để cầu nguyện cho hoà bình thế giới và đặc biệt cho quê hương việt nam.
Đó là cuộc cầu nguyện liên tôn mang tầm quốc tế đầu tiên trong lịch sử của người Việt tị nạn.
Ngay hôm sau ngày cầu nguyện, ngày 7 tháng 10 năm 1992, đúng ngày lễ Mẹ Mân Côi và cũng tại giáo đô Roma, 40 anh chị em giáo dân đã cùng với đức ông Nguyễn Văn Hoài, Giám Đốc VPTƯPKTĐMVVNHN, khai mở đại hội thành lập Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại (PT). Sau khi nghe bài thuyết trình của đức ông Diarmuid Martin, đại diện Hội Đồng Công Lí Và Hoà Bình, nay là TGM của thủ đô Dublin, Ái-nhĩ-lan, Đại Hội đã thảo luận và đồng thanh chấp nhận bản Hiến Chương Thành Lập.
Sau đó, đức ông Trần Văn Hoài đã long trọng công bố việc thành lập PT như sau:
„Để tạo điều kiện cho giáo dân việt nam hải ngoại ý thức và thực thi sứ mệnh và vai trò của mình trong Giáo Hội và giữa trần thế, được minh định trong các văn kiện của Toà Thánh và được cô đọng trong tông huấn „Người Tín Hữu Giáo Dân“ (Christi fideles laici)…,
Sau khi đã duyệt xét bàn Hiến Chương Thành Lập được Đại Hội Thành Lập PTGDVNHN biểu quyết chấp thuận ngày 07 tháng 10 năm 1992 tại Roma,
Tôi công bố „PTGDVNHN“ là một hiệp hội tư và chuyên biệt của giáo dân việt nam hải ngoại, được thành lập và sinh hoạt dựa theo các điều khoản của … Bộ Giáo Luật hiện hành…“.
Một hiệp hội tư, nghĩa là PT không đại diện cho tất cả mọi tín hữu công giáo tại hải ngoại.
Một phong trào chuyên biệt, nghĩa là PT sinh hoạt trong một số lãnh vực cá biệt và hoạt động với tính cách bổ túc và hỗ trợ: không dẫm chân lên các tổ chức hiện có và chỉ hoạt động những gì các tổ chức khác không hoặc chưa làm.
Từ ngày đó tới hôm nay, PTGDVNHN đã được đúng 25 tuổi.
Ở đây, tôi sẽ không nói về một hành trình nhiều niềm vui mà cũng lắm cam go của 25 năm qua. Tôi chỉ muốn nhân đây nhắc lại một vài trọng điểm của PT, được đúc kết trên bốn tấm Flyer dưới đây.
Hình I: Tóm tắt mục đích thành lập của PT: Đó là góp phần đào tạo một mẫu người công dân – công giáo trưởng thành. Một người công dân biết í thức trách nhiệm xã hội đồng thời là một tín hữu công giáo thấm nhuần giáo huấn xã hội của Giáo Hội, khi hành động.
Hình II: Nhưng PT sẽ làm gì cụ thể, để giúp đoàn viên mình trở thành một người công dân – công giáo trưởng thành? Hoạ đồ „dị nhân ba chân bốn tay“ nói lên bản chất của PT. PT trụ trên ba chân: tình huynh đệ, tinh thần chuyên cần học hỏi và sự sẵn sàng dấn thân xã hội. Đây là ba trụ cột để PT tồn tại và phát triển. Không có tình huynh đệ, sẽ không thể làm việc chung, và như thế sẽ chẳng có được cơ sở nào hình thành. Không có tinh thần học hỏi, đoàn viên PT không thể thăng tiến và trưởng thành. Và nếu không chịu dấn thân xã hội, người đoàn viên PT cũng chỉ là những bộ óc vô tích sự.
Và khi đã sẵn sàng dấn thân vào đời, thì đâu là những lãnh vực hoạt động?
Giữa bao nhiêu công tác và lãnh vực trong đời sống xã hội, PT chọn cho mình bốn lãnh vực để chuyên sâu sinh hoạt: tôn giáo, văn hoá, chính trị và xã hội.
Giữa bao nhiêu công tác và lãnh vực trong đời sống xã hội, PT chọn cho mình bốn lãnh vực để chuyên sâu sinh hoạt: tôn giáo, văn hoá, chính trị và xã hội.
Hình III: Mục tiêu hành động.
Là một đoàn thể tông đồ, PT tất nhiên phải quan tâm tới lãnh vực tôn giáo. Hoàn cảnh lịch sử và chính sách xuyên tạc của cộng sản đã làm cho đạo Công Giáo bị hiểu lầm và đẩy các cộng đồng tôn giáo chúng ta vào nghi kị và hận thù. Vậy đâu là vị trí đúng đắn và đâu là những đóng góp thực tế của Giáo Hội công giáo cho đất nước và xã hội việt nam? Và phải làm gì để tái tạo được sự đả thông và chung sống hài hoà giữa các tôn giáo? Bởi nếu không, đất nước chúng ta trong tương lai sẽ khó có được hoà bình và an lạc. Do đó, PT rất quan tâm tới việc góp phần vào nỗ lực hội nhập tôn giáo và cổ võ việc đối thoại liên tôn.
Chính trị là sứ mạng cao cả nhất và cũng khó khăn nhất của người công dân công giáo. PT cổ võ mọi tầng lớp tín hữu giáo dân tham gia vào sinh hoạt chính trị, đồng thời luôn đồng hành với các tổ chức và đoàn thể trong các nỗ lực nhằm đem lại dân chủ và tự do cho dân tộc.
Văn hoá: PT nỗ lực phổ biến văn hoá ki-tô giáo và góp phần xây dựng một nền văn hoá nhân bản dân tộc, qua việc khuyến khích viết, dịch, phát hành và phổ biến các tài liệu liên quan. Với trên 50 đầu sách đã được xuất bản, đây là lãnh vực có nhiều thành quả nhất cho tới nay.
Xã hội: PT không chú trọng tới việc cứu trợ hay cứu tế, vì lãnh vực này đã có các cộng đồng và nhiều tổ chức lo. Song quan tâm vào câu hỏi, làm sao để loại trừ nguyên nhân gây ra các thảm trạng xã hội. Có loại trừ được gốc nguyên nhân, cuộc sống xã hội mới có được công bằng và an vui thật sự. Và một thảm trạng nguy kịch của dân tộc chúng ta hiện nay là sự tha hoá xã hội và con người việt nam, vì các giá trị đã bị đánh tráo và đảo lộn. Dối trá, vô cảm, vô trách nhiệm, lừa đảo, bất lương, bạo động vì thế đang tràn ngập. Làm sao để góp phần cứu vãn? Một trong những biện pháp, theo chúng tôi, là khuyến khích và vinh danh những mẫu gương sống vẫn còn rải rác hiện diện nơi mọi tầng lớp dân chúng. Trong chiều hướng đó, PT đã đưa ra dự án thu góp các mẫu sống đẹp và lập giải Tự Do Tôn Giáo Nguyễn Kim Điền.
Câu hỏi cuối cùng: Hô hào, khuyến khích đồng đạo mình dấn thân vào xã hội. Nhưng đâu là hành trang vào đời, mà PT có thể giúp họ trong suy nghĩ và hành động? Thưa: Học thuyết xã hội công giáo! Học thuyết này gồm những gì mà Giáo Hội dám tuyên bố rằng, nó giúp cho Ki-tô hữu những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những mẫu mực để hành động? Tới đây, chúng tôi sẽ phổ biến rộng rãi tác phẩm về HTXH của cố hồng i Höffner, một chuyên viên nổi tiếng về lãnh vực này, và sẽ mở ra một chiến dịch học hỏi về nó. Mời quý Vị và các Bạn cùng tham gia trên trang nhà của PT.