Tìm Hiểu Vụ Án Mạng Kim Jong Nam (phần I)

Erich Follath - Phạm Hồng-Lam dịch.

Tìm Hiểu Vụ Án Mạng Kim Jong Nam (phần I)


Ngày 2 tháng 10 tới đây toà án Mã-lai sẽ mở phiên toà xét xử vụ hai phụ nữ nghi phạm – một người Việt và một người Indonesia – trong vụ đánh thuốc độc giết người anh của nhà độc tài của Bắc Hàn. Ai giết? Tại sao? Tái tạo lại một thảm kịch gia đình đầy uẩn khúc.

Ông ngước nhìn lần cuối tấm bảng các chuyến bay khởi hành từ phi trường quốc tế Kuala Lumpur: Chuyến bay AirAsia số 182 từ thủ đô Mã-lai tới vùng đặc quản Macao của Trung Quốc xem ra đúng giờ. Lúc này mới 8.55 giờ sáng ngày 13 tháng 2 năm 2017 mà ở Terminal 2 đã nhộn nhịp lắm rồi. Hàng trăm hành khách ra vào những cửa hàng bán đồ kỉ niệm hoặc đang điểm tâm chờ bay. Ông đứng giữa đám đông đó, với dáng người phì nộn trong bộ âu phục màu xanh lợt. Các máy quay hình kiểm soát trong phòng đợi cho thấy ông ôm sát vào mình cái túi đeo vai màu đen và lần bước tới cửa ra phi cơ. Về sau mới biết người hành khách lạ đó mang một hộ chiếu ngoại giao và có tên là Kim Chol. Không phải tên thật của ông.
Bổng dưng diễn ra chuyện kì lạ. Hai cô gái trẻ bận quần áo mỏng manh mùa hè chạy bổ ập tới ông. Nhanh như chớp một cô thoa lên mặt ông một chất lỏng, và gần như cùng lúc một cô khác từ phía sau chụp một chiếc khăn ướt lên mắt ông. Ông sửng sốt đứng yên. Sau đó hai cô đưa ngón tay cái lên làm dấu cho bốn người đàn ông bận âu phục thương gia màu xám mà họ vừa ăn sáng chung với nhau trong một quán cà-phê gần đó. Rồi mỗi cô một phía rời bỏ hiện trường đi vào phòng vệ sinh gần nhất để rửa tay. Cả hai mỉm cười từ giã phòng đợi cất cánh.
Mấy người đàn ông bận đồ xám thong thả hơn. Họ cẩn thận quan sát những diễn biến tiếp theo. Họ dõi xem người bị tấn công nhờ mấy nhân viên phi trường đưa ông tới phòng cấp cứu, ở đó ông được đặt nằm trên một cáng bệnh nhân. Cả bốn đều tin chắc, là họ sẽ không bị ai bắt trong những giờ tới. Họ đã đặt vé đi Jakarta chuyến 12 giờ trưa và từ Jakarta bay tiếp tới Bình-nhưỡng, thủ đô Bắc Hàn. Ngay trước cửa kiểm soát cuối cùng vào phòng đợi máy thu hình phi trường ghi được cảnh một nhân viên cao cấp toà đại sứ Bắc Hàn ở Kuala Lumpur đang giã từ bốn người áo xám kia.
Nhân viên trạm i tế phi trường sớm biết đây là chuyện không lành. Ông Kim Chol được mang ngay ra xe cứu thương. Theo các nhân viên cứu thương, ông Chol rên rỉ: „Cứu tôi… chất độc… đau quá“. Tới bệnh viện, các bác sĩ bó tay. Nạn nhân tắt thở chưa đầy 20 phút sau khi bị tấn công.
Ngay sau khi những hình ảnh tội phạm đầu tiên được phổ biến, thì qua khảo sát DNA, người ta cũng xác định được người khách lạ chính là Kim Jong Nam, 45 tuổi, anh của nhà độc tài Kim Jong Un. Ông này trước đây có lúc đã được chỉ định kế nghiệp cha làm chủ tịch nước, nhưng đã cùng với gia đình rời xứ đi tị nạn tại các nước Đông Nam Á. Dù Nam chẳng còn chút quyền gì nữa, nhưng vẫn là một mối nguy cho Jong Un, 33 tuổi, vốn đang hành hạ dân mình bằng một chính sách hà khắc và đang làm cho thế giới hồi hộp vì những tên lửa ngày càng hoàn chỉnh của y. Un nghĩ, Nam có thể là người sẽ được đưa lên thay thế mình.
Ba ngày sau cuộc án mạng, hai nữ hung thủ bị bắt ở hai địa điểm khác nhau tại Kuala Lumpur, nhờ hình ảnh để lại trên máy thu hình và nhờ những chỉ dẫn của người dân. Cô Siti Asiyah, 25, người Indonesia, và cô Đoàn Thị Hương, 29, người Việt Nam, tỏ ra hoàn toàn sửng sốt. Cả hai xác nhận đã có mặt ở phi trường. Và việc họ làm chỉ là hoạt cảnh cho một chương trình truyền hình diễu cợt của Mã-lai nhái theo chương trình „Bạn có biết chuyện hài hước không“ của tây phương. Cả hai cho hay, họ không quen biết gì người khách lạ kia cả. Khi cảnh sát cho biết cái chết của nạn nhân, cả hai đã tỏ ra bối rối cùng cực, biên bản thẩm vấn ghi như thế.
Khám xét tử thi, người ta phát hiện có sự hiện diện của VX, một hoá chất dùng cho chiến tranh mà quốc tế lên án, nhưng quân đội bắc hàn đang dự trữ một „lượng vô cùng lớn“. Chỉ cần đụng vào vài miligram VX là có thể mất mạng. Chất độc hình thành từ việc trộn lẫn hai chất khác nhau ít độc hơn – có lẽ hai cô thoát chết là vì họ không cùng một lúc xát chất độc lên mặt nạn nhân.
Sau khi lượng giá các hình ảnh được ghi lại, chính quyền mã-lai tố cáo Bắc Hàn đã chủ mưu trong vụ này. Nhưng chế độ của Un phủ nhận hoàn toàn sự việc và cho rằng, đây là một âm mưu của quốc tế tạo ra để chống Bình-nhưỡng. Cả hai không muốn cắt đứt các liên hệ ngoại giao. Mã chỉ trục xuất một số lớn nhân viên ngoại giao của Bắc Hàn tại Kuala Lumpur. Thi thể của Nam được trả về Bình-nhưỡng. Không biết Un rồi sẽ làm gì với cái xác này: chôn vùi, thiêu hay để bêu đó hầu làm gương cho các cán bộ chính quyền – chắc chắn sẽ chẳng mấy ai, cả dân chúng lẫn thế giới, hay biết được điều nào sẽ xẩy ra.
Trong những ngày tháng 2 đó thiên hạ xầm xì về một câu chuyện liên quan tới chính trị quốc tế cũng như tới cuộc thanh toán dã man của gia đình Kim. Đó là một câu chuyện liên can tới những kẻ nhiều quyền lực nhất, tới những sòng bài đầy quyến rũ, tới các khu đèn đỏ trong các thành phố lớn cũng như tới đám dân khố rách áo ôm trong các làng mạc hẻo lánh tại Á châu. Một câu chuyện nằm đâu đó giữa các thảm kịch gia đình của Shakespeare và các truyện trinh thám của John le Carré, mà giờ đây sau nửa năm trời, nhờ lời các nhân chứng, các tài liệu thẩm vấn của cảnh sát và các sưu tầm của kí giả, ta có thể kể lại một cách chính xác hơn. Hai nhân vật chính trong câu truyện là Kim Jong Nam, con của một nhà độc tài bắc hàn và Siti Aisyah, một công nhân lang thang người indonesia; cả hai đã cố phá vỡ vòng vây quá khứ của mình để làm lại cuộc đời – và họ đã thất bại thảm thương.

Bích-du sơn, Bắc Hàn.

Quê hương của gia đình nhà Kim


Những ai tới thăm Bắc Hàn đều cảm thấy như bị đóng gông trong một chương trình thăm viếng cứng nhắc. Vừa bước chân tới, họ phải viếng và đặt vòng hoa trước tượng người lập quốc, Kim Il Sung, giữa trung tâm thành phố. Ngày hôm sau đi xem viện bảo tàng lịch sử của Bình-nhưỡng, qua đó họ được giải thích là năm 1950 Hoa-kì đã tấn công Hàn Quốc, khiến cho dân nước này phải anh hùng đứng lên chống trả lại (dĩ nhiên không đúng với thực tế). Gần như trên mọi công trường và dọc hai bên mọi con đường lớn đều được trồng hai loại hoa mang tên hai vị lập nước, Kimilsungia (Kim Sung cha, người „thủ lãnh vĩ đại“) và Kimjonggilia (Kim Il con, vị „lãnh đạo mến yêu“). Hai ông này đã có một chính sách man rợ tuyệt đối trên 25 triệu người dân Bắc Hàn trong suốt hơn 60 năm qua. Cho tới năm 2011, là lúc phải tìm cho được một kẻ thừa kế ngôi vương mới.
Có những kí giả đã được mời tới thăm Bắc Hàn, một đất nước hoàn toàn khép kín, đầy bí ẩn và vô lường hơn mọi quốc gia khác trên thế giới; và họ đã may mắn – như chính người viết đã có được vài năm trước đây – có được một cuộc du ngoạn hiếm hoi: không phải được phép tới các trại lao động khổ sai, nơi theo tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho hay có tới 100.000 tù nhân bị giam cầm; cũng không phải tới các địa điểm bí mật, nơi chế tạo bom nguyên tử. Mà tới ngọn Bích-du sơn (Peaktusan) ở độ cao 2750 mét ở phía bắc Bắc Hàn, với đầy những bảng hướng dẫn dọc theo một lối đi hành hương cho hay, đây hoàn toàn không phải là một ngọn núi lửa bình thường. Mà là một ngọn núi thánh của một gia đình thần linh. Nơi xuất phát của vương triều nhà Kim.
Từ đỉnh Bích-du này nghe đâu Kim Il Sung đã thảo kế hoạch và tổ chức trận chiến Triều-tiên. Nghe nói đó là nơi sinh ra của Kim Jong Il (trái với quan điểm của các sử gia). Theo tuyên truyền của nhà nước, lúc Il chào đời, xuất hiện một cặp cầu vồng bao lấy ngọn núi, một đàn chim ca hót vang trời và một ngôi sao rực sáng trên bầu trời toả sáng mọi vật trần gian. Những hiện tượng vượt tự nhiên cho những con người vượt bình thường. Hình thái chính quyền của Bắc Hàn mang tính chất sta-lin, đồng thời đậm nét tôn giáo của Khổng Giáo. Nhân dân phải vâng lời một gia đình lãnh tụ do trời chọn. Trong một hệ thống như thế việc cha truyền con nối là lẽ đương nhiên.
Kim Jong Nam – nạn nhân ở phi trường Kuala Lumpur – là con cả. Ông sinh năm 1971, lẽ ra đương nhiên là người thừa kết triều đại. Nhưng đã không có một huyền thoại nào, đã không có một phép lạ nào được kể về nhân vật này, vì có một vết đen khi ông sinh ra. Ông là người con ngoài giá thú. Cha của ông đã tư tình với một nữ tài tử nổi tiếng đã có gia đình. Nhưng điều này không có nghĩa là Nam không được hưởng các quy chế đặc ưu: Ở Bình-nhưỡng cậu có một tài xế riêng, được ở cùng với thân quyến trong một căn nhà rộng và sau đó được gởi sang học trong một trường tư ở Genève. 17 tuổi cậu trở lại quê hương và ghi tên cho có vào đại học, theo học về lịch sử quân đội. Nhưng sở thích của cậu, vốn là người ít nói và dễ nổi nóng, là phim ảnh và các hệ thống truyền thông tân tiến. Vì say mê máy tính, cậu được cha cho làm lãnh đạo Uỷ Ban Kĩ Thuật Truyền Thông của nhà nước và cho cậu một vị trí lãnh đạo trong Bộ An Ninh Công Cộng.
Nhưng cũng từ lúc đó Nam không còn được kể là kẻ ưu tiên trong việc thừa kế ngai vàng. Vì cha cậu còn lập hôn thú với nhiều người vợ khác và ông có được tất cả ba người con: hai trai một gái. Nam được coi là người yếu cá tính, ngoài ra „sử sách“ chẳng có thêm chi tiết nào nữa về cậu. Em của cậu là Kim Jong Un.
Trong bối cảnh gia đình rối rắm đó Nam bắt đầu làm cho mọi người khó chịu về mình; điều này nghe nói là do chính cậu sau này kể lại với một nhà báo nhật-bản. Cậu phê bình chế độ. Cậu không coi tất cả mọi thứ của chế độ tư bản là xấu; cậu đề nghị một số cải cách. Và cậu thích chu du ngoại quốc bất cứ lúc nào có thể. Năm 2001 cậu được theo cha sang thăm Thượng-hải; không khí hồ hởi của Trung Quốc làm cậu hứng khỏi. Cậu còn mê hoặc hơn nữa về những phát triển xã hội và về nền kĩ thuật cao cấp của Nhật. Nhưng các phát triển này cậu chỉ được biết qua mạng lưới truyền thông điện tử mà thôi. Nhật là kẻ thù. Không bao giờ cha cậu cho phép cậu bước chân sang đó.
Nam nghĩ ra một kế. Cậu nhờ người thân tín làm cho mình một sổ thông hành giả của Cộng Hoà Dominic. Mọi chuyện bị vỡ lở tại phi trường Tokio-Narita vào tháng 5 năm 2001. Chẳng ai muốn tin lời biện bạch của cậu: mình sang Nhật chỉ để tới xem Disneyland. Và cũng chẳng ai hiểu do đâu cậu lại tự đặt cho mình tên „Gấu Bự“ trên tấm hộ chiếu giả. Báo chí loan tin về chuyến đi kì lạ của Nam. Nhật trục xuất cậu về Trung Quốc. Tại quê hương cậu bị mọi người xa tránh.
Đường danh vọng chính trị của người con cả kết thúc từ đó. Kim Jong Nam sẽ không còn là vị „Kim Đệ Tam“ cầm quyền Bình-nhưỡng nữa. Ông đi tìm một cuộc sống tị nạn với nhiều đổi thay và vui nhộn hơn – lúc đó còn được cha chu cấp tài chánh khá phong phú. Năm 2003 ông dừng chân lưu trú tại thiên đường sòng bạc Ma-cao, nơi có mấy người bạn người hoa của ông rất có uy tín và làm chủ nhiều căn nhà. Rất nhanh, ông trở thành khách thường đều của các sòng bạc, uống nhiều, hút nhiều, gái cũng nhiều, lần lượt sáu người con được sinh ra. Từ một kẻ thừa kế ngai vàng ở Bắc Hàn ông trở thành như một thứ Playboy.
Khi cha chết, Nam được phép âm thầm trở lại Bắc Hàn để tiễn đưa cha lần cuối. Trên tấm ảnh tang chính thức ngày 29 tháng 12 năm 2011 không có hình của người anh cả, vốn là kẻ phải đứng đầu đám tang theo truyền thống khổng giáo. Người em khác mẹ Kim Jong Un được báo đảng coi là vị „lãnh đạo tối cao“ và cậu cũng được nâng lên hàng Nguyên Soái, cấp cao nhất trong quân đội. Chẳng bao lâu xuất hiện những nét kì lạ của việc tôn thờ cá nhân, cũng như trước đây cha và ông của Un. Un để cho báo chí tôn mình là „thiên tài của mọi thiên tài“ và xuất hiện nhiều giờ trên đỉnh Bích-du như một vị „cứu độ“ dưới ống kính truyền hình.
Sau cái chết của cha, thế giới của Nam tan vỡ. Un ra lệnh cúp mọi khoản trợ cấp cho Nam. Và điều mà Nam chưa biết: cậu có tên trong danh dách những kẻ phải bị thanh toán.

Kampung Rancasamur, Indonesia

Làng quê của gia đình Aisyah


Phải gần với những vùng có khách sạn năm sao và những sòng bài của nhà giàu thì mới sống được. Ngay Serang, thị xã của tỉnh nằm ở phía bắc đảo Java, cũng cách làng độ một giờ lái xe. Trên các thửa ruộng, nước ngập đầu gối những bà nhà nông. Xe bò chở mùa màng ì ạch vật lộn với bùn đất. Một con đường ruộng lầy lội vì mưa và gần như không thể sử dụng được dẫn về cuối con đường làng tới một căn nhà màu vàng ẩn khuất. Đây là nhà của ông bà Aisyah, cha mẹ của cô Siti Aisyah.
Bà mẹ thắt lại tấm khăn phủ đầu cho chặt thêm. Ông bố đứng đàng sau. Họ mời khách ngồi xuống nền nhà. Một người cháu mang trà và bánh ngọt tới. Ở phòng bên máy truyền hình vẫn chạy, bên cạnh giường ngủ là một chiếc xe Honda, dấu chỉ của một sự khá giả tương đối. Cuộc gặp gỡ khởi đầu với những hỏi han xa gần; cô thông dịch từ một thị trấn nhỏ tìm cách phá vỡ sự e dè để đi vào câu chuyện. Và rồi hai ông bà, trước còn dè dặt, về sau càng lúc càng cởi mở hơn, nói về câu chuyện của gia đình họ. Câu chuyện liên quan tới đứa con gái đang có cơ nguy bị kết án tử hình bằng giá thắt cổ.
Bà Benah và chồng Asria nghèo lắm, chẳng có gì bán ra ngoài ít cà chua và củ nghệ thu hoạch từ mảnh ruộng nhỏ của mình. Nghèo nhưng vẫn cố cho hai người con trai đi học. Siti là người con thứ ba.
Bà mẹ nói: „Dù sao chúng tôi cũng phải lo cho chúng nó ăn học.“
Cô gái học sáu năm tại trường làng. Dù có điểm tốt, cô đã không dám nghĩ tới chuyện học cao hơn. Học bổng là điều không thể có trong thế giới của gia đình Aisyah. Thầy giáo của Siti là một đạo chủ; ông là người duy nhất trong làng đã hành hương tới Mekka. Cũng giống như bao đạo chủ khác ở đất nước có số người hồi giáo đông nhất thế giới này, ông giảng dạy về một Islam ôn hoà, tránh xa mọi cực đoan. Cùng với thầy giáo, mỗi chiều tối Siti chỉ tay trên tấm bản đồ nơi lớp học, tìm về Âu châu, Mĩ châu và đặc biệt Ba-tây là miền đất mà cô mơ tưởng được tới nhất. Nhưng chính ông đạo chủ cũng đã không thuyết phục được ông bà Aisyah đổ chút tiền dành dụm ra cho đứa con gái tiếp tục theo học.
16 tuổi, Siti được gả cho một gia đình ở ngoại ô của một thành phố cách xa làng ngót 100 cây số, đi xe hết một ngày đường. Hai năm sau cô sinh hạ một con trai. Cô đặt tên cho con là Rio. Cô cố gắng chu toàn mọi việc: may vá, buôn bán, giặt giũ và là ủi quần áo trong cửa tiệm nhỏ của chồng. Gia đình chồng cho ông bà Aisyah hay, họ rất hài lòng về Siti.
Chỉ một cô bạn cùng lớp kể về con người thật sự của Siti: Cô ấy cay ghét cuộc sống, gặp trắc trở với ông chồng nghe đâu bắt đầu rơi vào nghiện ngập – cuộc hôn nhân đi vào bế tắc: „Tao cảm thấy như ở trong tù, như bị án chung thân.“ Cô bạn cho biết, Siti đã nói với cô như vậy. Nhưng Siti vẫn không từ bỏ những giấc mơ của mình; cô muốn tự do, đi ra tìm hiểu thế giới. Cô đã thành công thuyết phục chồng li dị. Để Rio lại cho ông bà nội nuôi. Cô tin Rio sẽ có được một tương lai sáng sủa khi ở với ông bà. Ngoài việc sẽ là chỗ dựa kinh tế sau này cho ông bà, nó còn là kẻ nối dõi tông đường cho nhà chồng.
Với 20 tuổi, Siti bước vào cuộc đời, hơi trễ. Cô cho bố mẹ hay, cô muốn tới một thành phố công nghiệp ở miền bắc Java. Thật ra, cô tới quốc gia láng giềng phía bắc: Mã-lai. Cô nghe nói, thủ đô Kuala Lumpur của Mã là nơi có rất nhiều cơ hội cho các phụ nữ trẻ.
2012 là năm bắt đầu đen tối cho cậu Nam của Bắc Hàn, nhưng lại mở ra ánh sáng cho Siti. Chưa có gì cho thấy cuộc đời của hai nhân vật sẽ gặp nhau và thủ đô Mã-lai sẽ là thành phố sinh mệnh của hai người.
(còn tiếp phần II)