Đảng Cộng sản Trung Quốc chia rẽ vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung


Đảng Cộng sản Trung Quốc chia rẽ 

vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gây chia rẽ trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một số quan chức cho rằng quan điểm của Bắc Kinh quá dân tộc chủ nghĩa, đây có thể là nguyên nhân khiến Washington trở nên cứng rắn hơn.

Cảm giác bất an này có thể nhận thấy ở cấp cao nhất của chính quyền. Người ta nhấn mạnh, ông Vương Hộ Ninh (Wang Huning), một người thân tín của chủ tịch Tập Cận Bình, là « quân sư » đã đề ra chiến lược và chủ thuyết của ông Tập, đang bị chỉ trích dữ dội.
Vương Hộ Ninh là người vẽ ra « Giấc mơ Trung Hoa » cho Tập gia gia - giấc mơ một đế quốc hùng mạnh và thịnh vượng. Nhưng hình ảnh mang nặng tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc là một sự khiêu khích đối với Hoa Kỳ.
Một trong những quan chức Trung Quốc được hãng tin Reuters phỏng vấn đã nhận định : « Vương Hộ Ninh đang gặp khó khăn do quản lý kém việc tuyên truyền, và khua chuông gióng trống ầm ĩ về Trung Quốc ».
Cùng với tình trạng xấu đi trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ - đôi bên thi nhau áp thuế hải quan lên hàng hóa - ngày càng có nhiều nhân vật trong chính quyền Trung Quốc cho rằng tương lai của Trung Quốc « đang u ám đi ». Một cố vấn chính trị của chính quyền không muốn nêu tên cho biết như trên.
Cảm tưởng này được nhiều tiếng nói có trọng lượng khác cùng chia sẻ. Một giáo sư đại học thuộc một think tank, cũng yêu cầu giấu tên, nói rằng : « Nhiều nhà kinh tế và trí thức cảm thấy khó chịu với chủ trương chiến tranh thương mại của Trung Quốc. Có một nhận định phổ biến là quan điểm hiện nay của Trung Quốc quá cứng nhắc, và các nhà lãnh đạo rõ ràng đã đánh giá sai tình hình ».
Ẩn mình chờ thời
Cái nhìn này tương phản hẳn với những ý tưởng được các học giả Trung Quốc phát biểu hồi đầu năm, khoe khoang khả năng đối phó của Bắc Kinh trước những cuộc chiến tranh thương mại, mà họ cho rằng tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở vào thế yếu tại Hoa Kỳ.
Trung Quốc tin rằng có thể thỏa thuận được với Washington hồi tháng Năm để tránh được một cuộc chiến thương mại. Bắc Kinh đã bị sốc trước việc mà họ coi là một sự quay ngoắt của chính quyền Mỹ.
Vị cố vấn chính trị trên giải thích : « Chuyển biến từ xung đột thương mại thành chiến tranh thương mại đã khiến người ta phải suy xét lại ». Theo ông : « Việc một số định chế và học giả phóng đại sức mạnh của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự đánh giá của Mỹ, thậm chí đến quan điểm trong nước ».
Theo một quan chức, thông điệp được chính sách tuyên truyền của Trung Quốc đưa ra là không hay ho chút nào. « Trong cuộc chiến thương mại, chủ trương tuyên truyền là nói rằng ông Trump bị điên. Thực tế ông ấy lo sợ là Trung Quốc trở nên quá mạnh ».
Dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, những người có trách nhiệm ngày càng có thói quen cao giọng tuyên bố chỗ đứng chính đáng của Trung Quốc phải là lãnh đạo thế giới. Họ đã bỏ xó khuyến cáo của Đặng Tiểu Bình, người đã mở cửa kinh tế Trung Quốc vào cuối thập niên 70, là Trung Quốc « phải chờ đợi thời cơ và giấu đi thế mạnh của mình ».
Sự tự tôn này trở thành đương nhiên với việc đề cao sáng kiến Con đường tơ lụa mới nhằm phát triển những tuyến đường thương mại giữa phương Đông và phương Tây, hoặc khi cứng rắn khẳng định chủ quyền trên Biển Đông và đối với Đài Loan.
Bắc Đới Hà hứa hẹn gay go
Một trong những giọng ténor ca ngợi rằng Trung Quốc đã đạt đến « quyền năng toàn cầu » là Hồ An Cương (Hu Angang), giáo sư kinh tế trường đại học Thanh Hoa và là chuyên gia trong lãnh vực « biệt lệ Trung Quốc ». Quan điểm này được một số nhân vật có chức quyền chia sẻ.
Thế nhưng trong những tuần lễ gần đây, ông Hồ An Cương phải đối mặt với nhiều chỉ trích. Ông bị phê phán là làm cho Hoa Kỳ trở nên nghi ngại đối với Trung Quốc, khi phóng đại quá mức sức mạnh kinh tế, kỹ thuật và quân sự.
Sự rạn nứt trong ĐCSTQ xảy ra vào một thời điểm khó khăn đối với quyền lực Bắc Kinh. Đồng nhân dân tệ và các thị trường chứng khoán đang sa sút, trong khi chính quyền cố gắng hỗ trợ nền kinh tế, để làm giảm nhẹ những hậu quả của cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ. Các ngân hàng được yêu cầu linh hoạt hơn trong việc cấp tín dụng, và biện pháp giảm thuế cũng được nêu ra.
Nhưng tình trạng này dường như không ngăn trở các nhà lãnh đạo hàng đầu duy trì cuộc thảo luận bí mật thường niên tại thành phố biển Bắc Đới Hà. Tập Cận Bình và các quan chức khác đã biến mất trên báo chí chính thức. Theo như những gì diễn ra các năm trước, thì hội nghị này có thể kéo dài hai tuần lễ.
Một nguồn tin thứ ba có liên quan đến ban lãnh đạo nói với Reuters là tình trạng căng thẳng xung quanh Vương Hộ Ninh là từ việc ông này phản đối nạn sùng bái lãnh tụ Tập Cận Bình.
Bài học phải trả giá đắt
Dù sao đi nữa, người đứng đầu cơ quan tuyên truyền vẫn hiện diện trên báo chí Nhà nước. Theo các nhà ngoại giao và giới thân cận chính quyền, khó thể có việc ông này bị tước các chức vụ trong ủy ban thường trực Bộ Chính trị Đảng Cộng sản – cơ quan quyền lực cao nhất của Trung Quốc.
Mặc dù báo chính chính thức trong những ngày gần đây không tiếc lời đả kích Hoa Kỳ và cuộc chiến thương mại, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong thông điệp của Trung Quốc.
Bắc Kinh bắt đầu lắng tiếng về « Made in China 2025 » - kế hoạch chiến lược nhằm phát triển kỹ nghệ, được Nhà nước đề ra từ tháng 5/2015 – nhưng hiện nay đang là trung tâm các vụ kiện của Washington liên quan đến tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Kênh truyền hình tin tức bằng tiếng Anh CGTN phát chủ yếu ra nước ngoài, cũng nhấn mạnh đến khía cạnh giá hàng tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất đang rẻ bỗng trở nên đắt hơn sẽ ảnh hưởng đến người dân Mỹ.
Nhưng trong phạm vi riêng tư, các quan chức Trung Quốc cho rằng điều tệ hại đã xảy ra, rằng Trung Quốc đã học được bài học với giá đắt, là tuyên truyền ầm ĩ trong nước nay được nước ngoài « soi » kỹ hơn bao giờ hết.
Một trong những người được Reuters hỏi chuyện nhận định : « Đối với Trung Quốc, không thể chờ đợi thời cơ và giấu đi sức mạnh, nhưng ít nhất chúng tôi có thể kiểm soát được khối lượng tuyên truyền của chính mình, và có những tuyên bố thích hợp hơn ».