Biến Đổi Khí Hậu Và Con Người
Thái Công Tụng
Đầu tháng 12 năm 2015 có cuộc đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh tại Paris (Pháp) với hàng trăm nguyên thủ các nước để cùng bàn thảo kế hoạch chung, hầu đối phó với hiện tượng khí hậu biến đổi. Như vậy, biến đổi khí hậu phải có một tầm quan trọng đặc biệt lắm thì Liên Hiệp Quốc mới tổ chức hội nghị nói trên. Cần biết không phải đây là lần đầu tiên mà là hội nghị thứ 21 về Biến Đổi Khí Hậu, còn các hội nghị trước diễn ra tại nhiều nơi khác trên thế giới chỉ là những cuộc tọa đàm giữa các chuyên gia.
1. Khí hậu khác với thời tiết.
Khi ta xem truyền hình để xem nhiệt độ hôm nay, nhiệt độ ngày mai, tuyết sẽ rơi bao nhiều centimét, đó là thời tiết. Còn khí hậu là nói đến diễn biến của thời tiết như mưa, nắng, nóng lạnh v.v. trên một thời gian lâu dài như hàng chục năm. Ta nói đến khí hậu nhiệt đới, khí hậu ôn đới, khí hậu xích đới v.v.
2. Tại sao khí hậu lại quan trọng?
21.Vì khí hậu ảnh hưởng đến sức khoẻ. Khí hậu, thời tiết ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Vùng nhiệt đới, nóng và ẩm là những tác nhân khiến muỗi mòng sinh sôi nẩy nở nhiều, gây ra bệnh sốt rét. Tại Quebec, mùa hè nhiều người bị dị ứng với phấn hoa còn mùa đông dễ bị cảm cúm nên chính phủ phải cho chích ngừa. Mùa đông dài và lạnh ở Gia Nã Đại nên phần đông ít đi ra ngoài, không có mặt trời, thiếu ánh sáng nên dễ bị trầm cảm. Khí hậu nóng ẩm là điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh, đời sống và tuổi thọ của muỗi có xu hướng kéo dài hơn, nghĩa là có điều kiện hoàn thành chu kỳ để gây bệnh hơn. Năm 2003, trời quá nóng bên Âu Châu vào mùa hè đã làm cho 70,000 người chết trong đó 30,000 người già bên Pháp.
22. Vì khí hậu ảnh hưởng đến nông nghiệp. Khí hậu tác động sâu xa đến nông nghiệp vì khí hậu là mưa, là nắng, là ngày dài, ngày ngắn, là gió bão v.v. tất cả các yếu tố này ảnh hưởng đến cơ cấu trồng, thời vụ trồng, năng xuất cây trồng. Chẳng thế mà nông dân ta thường cầu khẩn:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy rơm đun bếp
Nông dân Việt Nam cũng như Đông Nam Á đều trồng lúa mà lúa là cây cần nhiều nước: Phải 3.000 lít nước mới sản xuất được 1kg gạo nên trong những đợt hạn hán, người nông dân và người lao động ở các nông trại không chỉ có ít thứ để ăn hơn và thu nhập bị giảm, mà còn rơi vào cảnh nợ nần. Cây lúa có nhiều giống: Có giống chỉ thích nghi với các vùng có ngày ngắn như các giống lúa nhóm indica nhưng cũng có giống hợp với ngày dài như các giống lúa nhóm japonic
.
Vào mùa hè ngày dài, như tại Montreal, đến 8 giờ, 9 giờ đêm, trời vẫn sáng; càng lên vĩ tuyến cao như Edmonton, Chicoutimi thì đến 10 giờ đêm, 11 giờ đêm vẫn còn mặt trời.
Vào mùa đông, trời mau tối, ngày ngắn lại. Tục ngữ ta cũng có câu:
Tháng năm chưa nằm đã dậy
Tháng mười chưa cười đã tối
Mùa hè, nhiều xứ bị ảnh hưởng gió mùa như Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam nên mưa vào mùa hè như trong bài nhạc:
Em đứng lên, gọi mưa vào hạ
Từng cơn mưa thì thầm gót chân ngà
hoặc:
Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt
Trời không mưa, anh vẫn gọi trời mưa
nhưng cũng có những vùng khác lại có gió Lào rất nóng thổi khô đất, khô cây. Giải Trường Sơn có Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, bên này nắng (Việt Nam), bên kia mưa (phía Ai Lao).
2.3. Vì khí hậu ảnh hưởng đến giao thông vận tải (tuyết, bão..)
Những khi tuyết rơi dày đặc, đường trơn thì xe cộ di chuyển không được, phải có xe ủi tuyết xúc đi đổ; bão tuyết gây khó khăn cho vận tải hàng không; các trận bão ngoài biển làm tàu bè lưu thông khó khăn, dễ bị đắm. Tại Quebec, vào mùa Đông, luật pháp buộc chủ xe phải thay lốp xe dùng riêng cho mùa Đông để tránh xe bị trượt trên chỗ tuyết nhiều.
2.4. Vì khí hậu ảnh hưởng đến an ninh thế giới.
Thay đổi khí hậu với bão lụt, hạn hán sẽ gây ra nạn đói kém với sa mạc hoá đất đai, với mùa màng hư hại, gây ra đói kém khiến chiều hướng di dân môi trường sẽ gia tăng. Hạn hán và dân số quá đông so với các tài nguyên khan hiếm đã thúc đẩy những cuộc xung đột đẫm máu ở Soudan, ở Rwanda . Những người bị thiếu thực phẩm, những người bị thiếu nước, những người không thể di chuyển tới những nước khác sẽ là những người sẵn sàng có những biện pháp tuyệt vọng để nói lên quan điểm của họ. Và những kẻ khủng bố có thể sẽ tìm cách khai thác những căng thẳng đó.
Bangladesh, với một miền duyên hải dài 580 km (360 dặm) nằm trên vịnh Bengal, hiện bị đe dọa vì nước biển dâng cao, gió lốc và hạn hán. Vùng Ðịa Trung Hải và Trung Ðông có thể sẽ nhận được ít mưa hơn do hậu quả của sự thay đổi khí hậu, làm tăng thêm những căng thẳng hiện nay về vấn đề nước.
3. Khí hậu với khí nhà kính làm nhiệt độ tăng lên.
3.1. Thế nào là khí nhà kính?
Bức xạ mặt trời một phần do mây trời hấp thụ, một phần đến được mặt đất, giúp cho đời sống thực vật và động vật. Bức xạ mặt trời chiếu xuống trái đất gồm tia sóng ngắn (tia cực tím[1]), tia sáng nhìn thấy[2] và thường bị lớp khí quyển độ cao 25-30 km hấp thụ . Bức xạ mặt trời từ mặt đất phát xạ vào khí quyển gồm những tia sóng dài (tia ngoài đỏ, còn gọi là tia hồng ngoại[3] ) và bị lớp khí cacbon điôxít (CO2) cũng như hơi nước ngăn lại và bị hấp thụ trong không khí nên nhiệt độ Trái Đất ta ở nóng dần. Nhờ tầng khí cacbon điôxit mà trái đất ấm nhưng hiện nay lớp khí này càng ngày càng nhiều nên gây ra nhiều hậu quả tiêu cực.
Gọi là khí nhà kính làm trái đất nóng lên vì cũng tương tự trong nhà kính trồng cây vào mùa đông, lớp kính (thủy tinh) giữ không cho sức nóng ra ngoài, giúp cho rau hoa sinh trưởng được.
Thật ra, không phải chỉ có khí CO2 tỏa ra do việc đốt các nhiên liệu hoá thạch, do phá rừng mà còn có các loại khí khác như: CH4 (methane), SO2 (anhydric sunphurơ), N2O v.v.
Trung bình, Trái Đất hấp thụ khoảng 60% năng lượng mặt trời, 40% còn lại sẽ phản xạ ngược trở lại vũ trụ. Nhưng do hiệu ứng nhà kính (effet de serre, tiếng Anh là greenhouse effect), lượng nhiệt mà Trái Đất hấp thụ sẽ ngày một tăng. Các phép đo gần đây đã chỉ ra rằng hàm lượng CO2 đã vượt quá 380 ppm và như vậy, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng từ 1,4 – 5,8o C vào 2100. Tóm tắt, khí nhà kính làm tăng nhiệt độ trái đất ta ở.
Trước ngày diễn ra hội nghị khí hậu tại Paris tháng 12/2015 và để hội nghị này thành công, Tổng Thống Pháp Holland đã đi Bắc Kinh để họp riêng với Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Tập Cận Bình về nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó Trung Quốc cam kết sẽ ban hành những quy định gắt gao hơn về khí thải, để đạt mục tiêu từ giờ đến cuối thế kỷ phải giữ mức thay đổi khí hậu toàn cầu dưới 2 độ C.
3.2. Những nguyên nhân làm khí nhà kính tăng lên.
Trước kia dân số thế giới còn ít nhưng ngày nay với tiến bộ y tế nên dân số đông hơn và sống lâu hơn. Sức ép dân số kéo theo sức ép lên tài nguyên, dù là tài nguyên rừng, tài nguyên đất, tài nguyên nước v.v: Xói mòn đất, xúc cát để xây dựng nhà cửa, phân hoá học để tăng gia lương thực, thuốc bảo vệ thực vật để chống sâu bệnh v. Trước kia vào những thế kỷ 18, 19 hầu như chưa có kỷ nghệ, chưa có xe cộ nhiều như ngày nay, chưa có máy bay nên khí thải không nhiều. Ngày nay với nhiều nhà máy sản xuất điện, sản xuất ciment, sản xuất alumin, sử dụng than đá hay dầu cặn làm nhiên liệu, với hàng trăm ngàn xe hơi di chuyển suốt ngày đêm, nên khí thải càng ngày càng nhiều, tạo ra khí nhà kính.
4. Hậu quả của nhiệt độ tăng
Nhiệt độ tăng giúp côn trùng sinh đẻ nhanh hơn nên dễ gây hại cho mùa màng. Nhiều vùng ở Gia Nã Đại và Nga có đất Pergélisols, tức là đất băng vĩnh viễn sẽ bị thu hẹp diện tích vi quá trình tan băng diễn ra nhanh hơn. Lại có vùng bị nước biển dâng cao vì băng hà tan do đó cư dân ven biển sẽ phải di dời lên vùng cao, chưa kể đất duyên hải bị mất, gây tiêu cực cho an ninh lương thực. Hạn hán, lụt lội, nước biển dâng ngập các vùng thấp sẽ làm giá lương thực tăng cao khiến các nước nghèo vốn đã nghèo sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống với vật giá leo thang. Người phụ nữ các nước chậm tiến nhất là ở Phi Châu và nhiều xứ đông dân ở Nam Á, Đông Nam Á sẽ chật vật hơn vì họ phải lo cho gia đình thường đông con. Biến đổi khí hậu sẽ làm giảm số lượng loài gấu Bắc Cực vào giữa thế kỷ này.
Hiện tượng ấm lên toàn cầu kéo theo nhiệt độ tăng cao khiến băng tan nhanh, đe dọa nghiêm trọng môi trường cư trú và sự sống của chúng.
Nhiều thành phố ven biển sẽ có diện tích đất bị thu hẹp lại. Nhiệt độ tăng trên mặt biển khiến bão tố nhiều hơn và mạnh hơn. Nhiều trận bão lớn gây thiệt hại nhiều tại các vùng Louisiana, Texas và gần đây hơn xảy đến ngay tại New York.
5. Các biện pháp giảm khí nhà kính.
5.1.giảm sử dụng các loại nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu hỏa mà dùng các năng lượng tái tạo như năng lượng từ mặt trời, từ gió, từ nước, từ thủy triều, từ địa nhiệt..Càng ngày chi phí sản xuất tế bào quang điện cũng như tuabin gió càng rẽ hơn xưa nên dễ cạnh tranh với các nhiên liệu hoá thạch như than đá, dầu hoả. Ngoài ra, các công nghệ ít cacbon này không làm không khí bị ô nhiễm, giúp bớt bệnh, bớt đau . Dùng khí sinh học (biogas) từ các hầm biogas nhằm sử dụng hiệu quả các phế phụ phẩm trong nông nghiệp (phân heo, vỏ hạt cà phê, tro trấu v.v.) Nông dân không đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa. Thiết kế và chế tạo máy bón phân chôn dưới sâu vào tầng khử, đặc biệt là phân đạm để hạn chế khí nhà kính N2O trong quá trình phản ứng nitrate hóa….
5.2. trồng rừng. Một giải pháp khác là trồng thêm rừng vì cây cối qua hiện tượng quang hợp có khả năng hút bớt khí CO2 trong khí quyển, và chuyển vào không khí nhiều oxy hơn, giúp làm giảm hiệu ứng nhà kiếng.Rừng ngập mặn ngoài khả năng hút khí nhà kính lại có chức năng cản sóng, giữ phù sa trầm tích…
Việt Nam thì đồi trọc không cây cối càng ngày càng nhiều do nạn phá rừng, lấy củi với hậu qủa là lụt lội càng ngày càng nhiều. Rừng ngập mặn thì phá nuôi tôm.
Ngày nay, không phải con hổ nhớ rừng như trong bài thơ của Thế Lữ:
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
mà chính con người ngày nay nhớ rừng hơn bao giờ hết! Chính vi rừng giúp hút bớt được CO2 nên Liên Hiệp Quốc có chương trinh REDD tức Reduced Emissions from Deforestation and Degradation theo đó họ trả tiền cho các làng ven rừng để họ không vào rừng khai thác củi gỗ. Ngoài ra sang giai đoạn tiến hành mua bán quyền phát thải khí nhà kính thì các nước còn nhiều rừng có thể nhận tiền mỗi năm từ việc bán quyền phát thải khí nhà kính cho các nước công nghiệp.
5.3. Thải nhiều thì phạt nhiều và thải ít thì được thưởng: Đó là mục tiêu của thị trường các-bon (bourse du carbone). Mục đích chính là giảm thiểu khí thải từng năm một và cho mỗi xí nghiệp một mức trần ấn định; nếu quá mức trần thì phải mua lại mức ấn định (quota) của các xí nghiệp khác.
Ví dụ: Năm đầu tiên:
20 tấn khí thải trên thị trường phát thải: Công ty A phát thải 10 tấn CO2 với mứa ấn định (quota) là 10 tấn. Công ty B phát thải 10 tấn CO2 với mức ấn định (quota) là 10 tấn.
Năm 1: 18 tấn khí thải trên thị trường phát thải: công ty A phát thải 8 tấn CO2 với một quota là 9 tấn. Công ty B phát thải 10 tấn cho một quota là 9 tấn. Vậy công ty B phải mua lại từ công ty A 1 tấn để tôn trọng quota của mình và như vậy công ty A nhờ có giảm thiểu nên được thưởng. Vào năm 2006, giấy phép phát thải cho mỗi tấn CO2 ở Canada là khoảng 25 đô la.
5.4.Trên các xa lộ hay ngay cả trên các đại lộ trong thành phố xe lưu thông quá nhiều nên bị nạn kẹt xe thì xe hơi phải đóng lệ phí môi trường.
6. Kết luận.
Thiên nhiên đã vận hành tuần hoàn, có chu kỳ thời tiết mưa, nắng, bão, lụt…; nhưng hôm nay, con người đã làm đảo lộn các chu kỳ trên một cách không kiểm soát nổi! Khí hậu nóng lên từ từ nhưng con người không nhận thức ra. Đó là hội chứng con ếch (syndrome de la grenouille) theo đó thì khi cho con ếch vào thùng nước nóng thì con ếch nhảy xổm ngay lập tức ra ngoài trong khi cho ếch vào thùng nước lã và đun sôi chầm chậm thì con ếch vẫn không biết. Bài ngụ ngôn này được cựu Phó Tổng Thống Mỹ Al Gore trong cuốn phim Une vérité qui dérange để nói lên rằng loài người sẽ nguy vong nếu không phản ứng chống lại sự nóng ấm dần dà của Trái Đất.
Với dân số đông, mọi nước đều phải phát triển kinh tế để tăng công ăn việc làm, tăng lợi tức nhưng ngược lại, nhiều dòng sông bị ô nhiễm, những núi đồi bị đốn cây trồng, gây ra nạn lụt, những rừng ngập mặn bị đốn khiến nước mặn vào sâu hơn. Chính vì tầm quan trọng của sự biến đổi khí hậu nên hàng trăm nhà lãnh đạo quốc tế, bao gồm Tổng Thống Mỹ Barack Obama, Tổng Thống Nga Vladimir Putin, Bà Thủ Tướng Đức Merkel, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ Tướng Gia Nã Đại Justin Trudeau v.v.… có tham dự hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris vào tháng 12 năm 2015. Mục tiêu của hội nghị là đạt một thỏa thuận khí hậu toàn cầu nhằm hạn chế khí thải nhà kính để đảm bảo nhiệt độ trái đất tăng ở mức 2 độ C hoặc thấp hơn so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học cảnh cáo nếu cộng đồng quốc tế không hành động nhanh, khí hậu trái đất sẽ trở nên vô cùng khắc nghiệt với các trận siêu bão, hạn hán nghiêm trọng và mực nước biển tăng nhấn chìm nhiều thành phố ven biển.Trước thềm hội nghị Tổng Thống Pháp Francois Hollande cảnh báo: “Kẻ thù lớn nhất của loài người chính là bản thân chúng ta. Con người đang hủy hoại tự nhiên, đe dọa môi trường. Do đó con người phải đối mặt với trách nhiệm này vì thế hệ tương lai”.
Tóm lại, con người càng thách thức thiên nhiên càng phải gánh thêm nhiều hậu quả không thể lường trước đựơc! Do đó cần sự phát triển bền vững trong khung cảnh dân số thế giới bùng nổ: tái chế biến giấy giúp bớt phá rừng để làm nguyên liệu giấy, tái sử dụng, ổn định dân số, trồng rừng chống sa mạc hoá, sử dụng vận tải công cọng để bớt việc giao thông tắt nghẽn đồng thời giúp giảm bớt khí nhà kính. Nhưng vấn đê chính yếu lại là một vấn đê văn hoá: Thay đổi từ một văn hoá tiêu thụ sang văn hoá tri túc, thiểu dục, vì lòng tham con người là vô tận; chẳng thế mà trong tam độc của nhà Phật, chữ Tham đứng trước hai chữ kia là Sân và Si. Phải xây dựng một văn hoá yêu tạo vật, chuộng thiên nhiên vì tài nguyên Trái Đất này là hữu hạn.
Thái Công Tụng
[1] Có độ dài sóng từ 10 đến 380 nm (nanomet)
[2] có độ dài sóng từ 380 đến 780 nm
[3] có độ dài sóng từ 780 đến 340 000 nm, mắt thường không nhìn thấy đư