Nước Úc tỉnh ngộ trước "người bạn" Trung Hoa
Libération
mở đầu bài viết với ghi nhận về « quan hệ kinh tế đặc biệt » giữa Úc
và Bắc Kinh. Trong nhiều năm trời, Trung Quốc được coi là « thị trường xuất
khẩu số một » của Úc (một phần ba tổng số). Trung Quốc cũng được coi là
nguồn thu du lịch số một : Năm 2017, khách du lịch Trung Quốc mang lại cho Úc 7
tỉ đô la (hơn một nửa thu nhập ngành này). Trung Quốc cũng đầu tư vào hàng loạt
dự án bất động sản, trên khắp nước Úc, với những dự án như trong mơ : đầu tư
xây mới hoàn toàn một thành phố trên đảo Tasmania, gần Melbourne, thành phố lớn
thứ hai của Úc, hay một công viên giải trí với các màn trình diễn mang phong
cách Trung Quốc, gần Brisbane, thủ phủ bang miền tây Queensland.
Trung
Quốc còn mang lại những đóng góp trong hàng loạt lĩnh vực khác. 180.000 sinh
viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Úc, đóng góp hơn một nửa nguồn
tài chính, đến từ bên ngoài. Tóm lại, có thể coi Trung Quốc là « đầu máy »
tăng trưởng của Úc
Đằng
sau con số ấn tượng
Tuy
nhiên, đằng sau con số ấn tượng này, là một thực tế hoàn toàn khác.
Biến cố
khiến người Úc sực tỉnh đó là hợp đồng cho thuê đất 99 năm, giữa chính quyền
bang Lãnh thổ miền Bắc với một công ty Trung Quốc có quan hệ mật thiết với
chính quyền Cộng Sản. Tổng số diện tích đất thuê là 14 triệu hecta, chưa kể đến
nhiều khu mỏ. Vùng đất mà Bắc Kinh tìm cách vươn tay kiểm soát, chỉ cách một
căn cứ quân sự Mỹ có vài cây số.
Bị «
đồng minh lịch sử » phản ứng, chính phủ Úc đã tiến hành hai cuộc điều tra
về mối nguy Trung Quốc, ngay trong năm 2015 và 2017. Các điều tra dẫn đến cùng
một kết luận, về nguy cơ gián điệp công nghiệp và gia tăng phụ thuộc vào Trung
Quốc về kinh tế. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn tiến hành nhiều biện pháp vận động
hậu trường, gây áp lực khác để Úc « giữ khoảng cách » với các vấn đề
liên quan đến chính sách quốc tế của Trung Quốc.
Nhà
nghiên cứu Clive Hamilton, tác giả cuốn « Cuộc xâm lăng lặng lẽ », cho
biết chính quyền Canberra, sau khi nhận được các báo cáo phản gián và những
thông tin đáng tin cậy từ báo giới đã « xét lại một cách triệt để lập
trường với Trung Quốc ». Tháng 6 vừa qua, Quốc Hội Úc vừa thông qua 38
luật mới, đặc biệt liên quan đến các tội gián điệp, cũng như gây ảnh hưởng
thông qua các tổ chức có quan hệ với một chính phủ nước ngoài. Chính quyền của
thủ tướng Turnbull hiện tại muốn đi xa hơn, với một dự luật cấm các doanh
nghiệp, hay công dân nước ngoài, tài trợ cho các đảng phái chính trị tại Úc.
Một biểu
hiện cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của Bắc Kinh trong đời sống chính trị Úc là
cựu ngoại trưởng Úc Bob Carr, được mệnh danh là ông « Bob Bắc Kinh ».
Sau khi về hưu, nhân vật này trở thành giám đốc Viện quan hệ Úc-Trung, nơi tổ
chức nhiều chuyến đi thăm Trung Quốc cho các phóng viên người Úc. « Những
người bạn » mới của Trung Quốc, khi trở về, sẽ bảo vệ quyền lợi của Bắc
Kinh trên truyền thông Úc.
Gián điệp
Trung Quốc : Điều nguy hiểm là Liên Âu thiếu chiến lược chung
Cũng về
hiểm họa Trung Quốc, Libération có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Mỹ cảnh báo
nguy cơ các doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc xâm nhập vào châu Âu, đặc biệt
trong lĩnh vực truyền thông, đe dọa nghiêm trọng an ninh.
Nhà
nghiên cứu Nadège Roland, thuộc National Bureau of Asian Research, ở
Washington, nhắc lại việc trụ sở của Liên Hiệp Châu Phi, ở Addis-Abeba
(Ethiopia), từng bị tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei), theo dõi toàn bộ. Bắc
Kinh có chính sách cung cấp miễn phí phương tiện, thiết bị truyền thông cho
chính phủ nhiều nước, và thông qua đó mà đánh cắp thông tin. Hoa Kỳ đã coi Hoa
Vi cũng như nhiều tập đoàn truyền thông Trung Quốc khác là « mối đe dọa với
an ninh quốc gia ». Nhiều tập đoàn Trung Quốc đang hợp tác với các nước
châu Âu trong mạng 5G, một lĩnh vực rất dễ có nguy cơ bị thâm nhập sau này.
Châu Âu
có điểm mạnh tương đối là luật pháp đòi hỏi các hợp đồng phải minh bạch, chính
vì vậy Trung Quốc ít có cơ hội thao túng. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Mỹ nhấn
mạnh là chính sách tạo dựng ảnh hưởng của Trung Quốc là « rất tinh tế »
và được tiến hành từ từ, nên « rất khó chứng minh về mặt pháp lý ».
Nhà
nghiên cứu Mỹ đặc biệt nhấn mạnh đến ví dụ công ty sản xuất vi mạch Pháp
Linxens, đang trên đường bị doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm (Tsinghua muốn mua
lại Linxens với giá hơn 2 tỉ đô la). Bộ Tài Chính Pháp không coi đây là «
một doanh nghiệp chiến lược ». Thế nhưng, rất có khả năng, một khi kiểm
soát được Linxens, các tập đoàn Trung Quốc sẽ có được một phương tiện hiệu quả,
để bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh Pháp trong cùng lĩnh vực.
Đàm
phán kinh tế Mỹ - Trung cuối tháng 8 khó dự đoán
Vẫn liên
quan đến Trung Quốc, báo Les Echos chú ý đến cuộc đàm phán giữa Wahsington và Bắc
Kinh, với mục tiêu tìm lối thoát cho cuộc chiến thương mại vừa khởi sự. Theo
lời mời của Mỹ, một thứ trưởng thương mại Trung Quốc sẽ đến Washington vào cuối tháng này. Nếu không tìm
được thỏa hiệp với Mỹ, dường như Bắc Kinh đang lâm vào ngõ cụt, bởi không có đủ
phương tiện để trả đũa trên lĩnh vực thuế quan.
Les Echos
dự đoán, Bắc Kinh rất có thể sẽ mở cửa thị trường tài chính cho các doanh
nghiệp Mỹ, và gia tăng nhập hàng từ Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng hết
sức thận trọng, với dự đoán, còn quá sớm để nói trước. Kinh nghiệm cho thấy đàm
phán Mỹ-Trung không hề đơn giản. Cuộc đàm phán hồi tháng 6, giữa bộ trưởng
Thương Mại Mỹ và một phó thủ tướng Trung Quốc đã không mang lại kết quả.
Donald
Trump chinh phục giới đầu tư quốc tế
Les Echos
hôm nay dành nhiều bài nhận định về kinh tế Mỹ, đặc biệt đáng chú ý có bài «
Donald Trump chinh phục được các nhà đầu tư quốc tế như thế nào ». Bài
viết cho biết, kể từ tháng 11/2016 (tức từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống)
chỉ số chứng khoán S&P500 (của 500 doanh nghiệp hàng đầu) trên thị trường
Mỹ tăng hơn 32%, tức tăng gấp ba lần so với chỉ số S&P500 trên thị trường
tài chính châu Âu, cũng như các nước đang trỗi dậy. Chỉ có Nhật Bản là đạt mức
gần ngang Mỹ (29%).
Thế
thượng phong của nền kinh tế Mỹ trước hết là do các doanh nghiệp công nghệ cao.
Trong một thời gian, các doanh nghiệp Mỹ bị các tập đoàn Trung Quốc mới nổi lên
đe dọa (đặc biệt là Baidu, Tencent và Alibaba), nhưng gần đây, các công ty của
thung lũng Silicon đã lấy lại được sinh khí. Bên cạnh đó, tín dụng Mỹ với lãi
suất 2,86% đối với các khoản vay 10 năm được coi là một thế mạnh khác, trong
bối cảnh Ngân hàng trung ương không phải siết chặt lại chính sách tiền tệ.
Theo một
số kinh tế gia, thế mạnh của kinh tế Mỹ hiện tại là do kế thừa được các thành
quả của nhiệm kỳ trước, với tình trạng tăng trưởng vững chắc, cộng thêm với
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của chính quyền Trump. Nhưng bài phân tích của
Les Echos đánh giá cao các tác động của « chính sách quốc tế » của
tổng thống Trump, đặc biệt do các trừng phạt thương mại nhắm vào nhiều quốc
gia, khiến nhiều nhà đầu tư chọn cách quay sang mua cổ phiếu Mỹ để được bảo đảm
an toàn. Theo một điều tra, Hoa Kỳ đang dần dần trở thành hướng đầu tư hứa hẹn
nhất, « lần đầu tiên kể từ năm năm nay ».
Tuy nhấn mạnh
đến lợi thế của nước Mỹ trong hiện tại, Les Echos cũng cảnh báo về tính chất
con dao hai lưỡi của chính sách hung bạo của chính quyền Trump hiện nay, có thể
ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng thế giới, đặc biệt là khiến đồng tiền của một số
nền kinh tế đang trỗi dậy bị mất giá, góp phần làm chững lại tăng trưởng toàn
cầu.