Hòa bình nơi cửa Phật
GS Nguyễn Đăng Trúc
Nếu ảnh hưởng của Lão học bàng bạc, khó tìm thấy một dấu
tích nào cụ thể nơi nếp sống của người Việt Nam, thì ảnh hưởng của Phật
học ăn sâu vào tâm thức con người, thể hiện ra trong ngôn ngữ, trong
cách xử sự hằng ngày của mọi giới, qua hình ảnh linh thiêng và thanh
tịnh của ngôi chùa, qua bước đi chậm rãi khiêm cung của các bậc khất
thực, qua âm thanh đều đặn và trầm ấm của tiếng chuông, nhịp mõ… Những
từ ngữ Trung hoa “từ bi, hỉ xả” như đã Việt hóa từ đời nào, hàm
ngụ một sức mạnh thần thánh của lòng yêu thương đồng thời diễn tả sự độ
lượng, bao dung, cứu người, vô chấp, giữa lòng đời đầy gian trá, bạo
động.
Dẫu có nhiều cách hiểu về Phật học khác nhau như lối nói của nhà Phật gọi là “tùy duyên khai hóa”, nhưng bất cứ ai là người Việt cũng cảm nhận được rằng cửa Phật là nguồn văn hóa của tinh thần mở rộng ra với kẻ khác, không phân biệt hoàn cảnh bên ngoài của họ. Ngỏ mở lòng người là “Từ bi”, là chia nhau một nỗi “khổ” chung của thân phận làm người trong thời gian, nơi xã hội. Và từ chỗ cảm được nỗi khổ chung ấy, người người nỗ lực giúp nhau tìm đường giải thoát.
Các học giả thường nêu lên Khổng, Lão và Phật
là tam giáo đồng nguyên, và tính cách đồng nguyên ấy không những phát
sinh từ một nguồn chân lý chung mà thôi, mà còn thể hiện những nét chung
nơi bước khởi đầu của kẻ nhập môn tìm Đạo. Thật thế, cả ba nền văn hóa
Khổng, Lão, Phật đều nêu lên một tiến trình tu tập, dẫu cách nói khác
nhau:Tu thân, vô vi hay vô chấp là điều kiện khởi đầu để
ngộ được Đạo, là Chân lý. Kiến tạo hòa bình khởi tự nơi tâm hồn mỗi
người, vì sự gẫy đổ trật tự uyên nguyên không phải nơi thiên tai, hạn
hán, nơi thiếu sót của các cơ chế xã hội... Nhưng do nơi lòng người chỉ
biết có mình,”chấp ngã”, xa lòng nhân, quên Đạo, tự tôn tự mãn.
Đức Khổng không minh nhiên nói mình là người trời sai
lên tiếng, nhưng gián tiếp nói Đạo Nghiêu Thuấn thiên hạ đã quên, nay
ông có bổn phận truyền đạt mà thôi. Và hiểu được ông chỉ có Trời. Lão
không nhắc đến Trời, vì Trời đã bị người thời ông lạm dụng danh nghĩa để
làm nên “đạo giả tạo” theo ý riêng mình, nhưng ông cũng nêu lên là lời
ông có gốc mà các thánh nhân thời xa xưa thực thi. Ông không nói cơ
duyên nào mà một mình ông, cũng là một con người như trăm người trong
thiên hạ, có thể thấy được Đạo, vượt lên khả năng của mọi người. Và sự
thinh lặng đó nói rất nhiều!
Đức Phật không nói gì nhiều, nhưng lấy hành trình tìm Đạo, ngộ Đạo của mình để chứng thực chân lý của nhân sinh.
Ngài được kinh sử chép lại là con của quốc vương
Tịnh-Phạn cai trị thành Ca-tì-la-vê. Ngài đã kết hôn với công Chúa
Câu-tát-la là Da-du-đà-la. Một hôm, vào gần tuổi 30, Ngài đi ra khỏi
hàng cung và gặp những hiện tượng sinh, già, bệnh, chết. Các hiện tượng
tiêu cực đó gợi lên nơi Ngài những câu hỏi về chân lý cuộc đời con
người. Và sau khi suy nghĩ, Ngài xuất gia tìm Đạo. Lúc nầy Ngài vừa có
đứa con tên là La-hầu-la. Ngài tìm đạo theo sự hướng dẫn của hai ẩn sĩ
qua phương pháp thiền định. Nhưng sau một thời gian, Ngài thấy đây chưa
phải là con đường giải thoát. Ngài liền tự mình đi sâu vào rừng, ẩn
mình, ép xác cùng với năm người bạn của nhóm Kiều-trần-như. Sáu năm khổ
hạnh, kiệt sức mà không tìm ra lẽ đạo. Ngài bỏ con đường truy tìm nầy và
trở lại cuộc sống bình thường. Một hôm đang ngồi dưới cây Bồ-đề, Ngài
tự nhiên “đắc đạo” vào năm 35 tuổi. Thế là một vị Phật đại giác đã xuất
hiện trên thế gian. [1]
Tác giả cuốn lịch sử triết học Ấn độ, Thích Mãn Giác,
cũng cho biết đương thời của Phật, tư tưởng Nhà Phật đã gây nên chấn
động và làm cớ cho nhiều cuộc tranh cãi gay gắt. Nói cách khác, có một
cái gì mới mẻ khác thường đã xảy ra, chỏi lại với truyền thống suy tư và
hành đạo của người Ấn độ đương thời. Không nói rõ ra, nhưng gián tiếp
qua tiến trình tìm Đạo và ngộ Đạo của Đức Phật, ta thấy được nguyên do
của điểm khác lạ nầy.
Các trường phái tư tưởng vào thời Phật, dẫu đa biệt,
nhưng tinh thần của văn hóa thời đó được gói ghém trong bước đầu tìm Đạo
của Phật. Các tác giả Tây phương mấy thế kỷ qua cũng từng chú tâm vào
việc giải thích Tứ Diệu Đế nhưng không lưu ý đến “cửa” Phật, tức là chìa
khóa để thấy cái khác, cái mới nơi chân lý nầy.
“Cửa ” đó là câu chuyện cuộc đời của Phật, sự thất bại của “tìm”, và con đường chân lý của “ngộ=gặp”.
Nếu lấy cặp mắt của kẻ “tìm “với luận chứng liên
hệ, thì thật ra Tứ Diệu Đế cũng chỉ là một trong muôn ngàn câu nói khác
trong các học thuyết đương thời với Phật, và hẳn nhiên không có cớ gì để
có những tranh chấp gay gắt ngay từ thời Phật còn sống nơi dương thế.
Tìm ở đây hàm
ngụ rằng chân lý đương nhiên ở trong tầm tay của mình. Sự bất toàn, khổ
đau hiện tại chẳng qua là hiện tượng nhất thời mà con người tiền kiến
rằng tự sức mình mình có thể vượt qua với những kỷ thuật tu đức, chiêm
ngắm hay khắc thì đương nhiên đạt được chân lý và hạnh phúc… Con đường
đi tìm của Tất Đạt Đa là tận dụng các kỷ thuật tu đức của các bậc thầy
đương thời, hoặc do công trình tu luyện riêng để đạt cho được điều mà
ngôn ngữ triết học ngày nay gọi là “một bản chất đã tiền kiến được xét
về mặt hữu thể học”. Theo lối diễn tả của Lão học là con người tiền kiến
có thể biết được, đánh giá trước được đâu là đúng, đâu là sai, đâu là
thật, đâu là giả rồi. Vấn đề là chỉ áp dụng phương pháp [2] đi tìm cho được điềm mình đã thấy trước mà thôi.
Phần lớn sách nghiên cứu Tây Phương dừng lại trong tiền kiến tìm đạo như thế nầy để trình bày về Phật học. Và Chân lý của Tứ Diệu Đế thường được diễn tả tuần tự theo nguyên lý nhân quả như sau:
Những hiện tượng khổ nơi sinh, lão, bệnh, tử => khổ
Cuộc đời phù hoa, thân xác => tập
Bỏ cung vua, thiền định, ép xác => diệt
Đạt Đạo sau khi coi mọi sự là hư không => Niết Bàn
Nhưng, hiểu như thế có xuyên tạc Phật là Đấng ngộ Đạo hay không?
Nơi thế giới của tiến trình đi “tìm”, mỗi người, mỗi nền văn hóa, tùy lúc có thể tiền kiến một ý niệm nào đó để trụ, để
đặt nền cho chân lý mà mình tìm: khi thì bản chất của một vật thể tự đủ
cho mình, không thay không đổi, khi thì cho rằng một Đại Ngã mà Tiểu
Ngã mỗi người có thể đồng hóa sau những tiến trình tu luyện, khi thì sự
sống năng động luôn linh hoạt trong vũ trụ bao la…. Nhưng mãi cặm cụi tìm làm
như mình vốn có thể biết mình là ai, mình tìm gì và để được cái gì rồi,
kỳ thực thì con người có thể đơn sơ tự hỏi mình như lời thơ của sách Job trong Kinh Thánh Do Thái giáo và Kitô giáo nhắc nhở:
Ta sẽ vặn hỏi ngươi và ngươi hãy cho Ta hay.
Ngươi ở đâu khi Ta đặt móng cho đất?
Nói đi, nếu sự hiểu biết của ngươi được soi sáng[3]
Tất Đạt Đa đã đi đến bước cùng của con đường tìm đó,
đến độ mòn mỏi cả cuộc sống thân xác, nhưng không đạt đến kết quả tích
cực nào trên con đường giải thoát. Cũng một kinh nghiệm tương tự, các
môn đệ Đức Kitô đã từng “vất vả suốt cả đêm, mà chẳng bắt được con cá nào” (xem Gioan 21,3). Vì con đường đi tìm là đêm, khi ánh sáng chưa đến để gặp con người.
Thế giới thứ hai mà Phật nhận ra khi nhìn vào nhân sinh là thế giới được thấy dưới con mắt của kẻ gặp (= ngộ).
Phật tức là Tất Đạt Đa được chiếu sáng (Illuminé). Nói cách khác như lời Thích Mãn Giác, Ngài nay là “một vị Phật đại giác”. Một ánh sáng xuyên qua Ngài, ban cho Ngài sự hiểu biết cao cả. Theo ngôn ngữ thông thường ta gọi Ngài đã “ngộ”.
Nhưng ánh sánh nào đã đến gặp Ngài? Gặp ai hay cái gì?
Phật, kẻ đã gặp, không hề nói ra bao giờ, phải
chăng vì không thể nói ra, nếu không thì sẽ ngược lại với chính chân lý
của ánh sáng lạ lùng đã xuyên qua Ngài!
Nhưng với con mắt của kẻ đã được chiếu sáng, Ngài nói đến yếu tính của cuộc sống con người qua Tứ Diệu Đế. [4]
- Khổ - Các học giả đã nói đến khổ khi
nêu lên những hiện tượng nào sinh, lão, bệnh, tật..., những khổ đau đa
biệt trong cuộc sống con người. Nhưng phải can đảm để nói lên rằng đó là
những hiện tượng mà Tất Đạt Đa đã từng nêu lên trong bước đầu tìm đạo. Khổ từ cái nhìn của kẻ đã gặp không dựa trên sự đánh giá theo tiêu chuẩn kẻ tìm. Khổ là toàn thân phận con người ta, vì nó là người[5]. Và hơn thế nữa đây là hồn sống ban cho con người trong tương quan với Chân lý: Con người khao khát Sự Thật.
Thánh Kinh Kitô giáo gọi “khổ” nầy là “khát” và cũng là khổ nạn của Đức Kitô, con người trọn nghĩa: “Ta khát” (Gioan 19,28; Tv 69,22)
Khát gì? Khát Chân Lý, là điều mà con người và xã hội không thể ban cho.
Khổ, là vì trong thân phận con người, con người khát và tìm chân lý, nhưng chân lý luôn ẩn mặt như bỏ mặc kiếp con người: “Tại sao Ngài che mặt, và xem con như kẻ thù Ngài.” (Job 13,24). Job nơi
Cựu Ước đã nêu lên cái khổ sơ nguyên nầy; và trên thánh giá Đức Kitô
cũng đã thốt ra như thế để hoàn tất công trình cứu độ của Ngài, diễn tả
trọn vẹn chân lý thân phận làm người trong dương thế:
Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, tại sao Ngài đã bỏ rơi con? (Mt 27,46; Tv 22,2)
Người ta cho rằng giáo lý nhà Phật bi quan vì đâu
đâu cũng thấy là khổ. Thực ra nếu chỉ hiểu khổ như một hiện tượng thể
lý, tâm lý tiêu cực thì nhận định nầy thật chí lý. Trong khuôn khổ hạn
hẹp tâm lý thể lý, hẳn nhiên nhân sinh có khổ đau, nhưng cũng có biết
bao điều hay đẹp trong trần thế nầy mà Tạo Hóa ban cho, không thể nào vô
ơn để mãi than van. Nhưng « con người linh ư vạn vật » ngộ được
rằng hơi thở của sự sống linh thiêng cao cả nơi mình là cảm thức thiếu
vắng, là khát khao chân lý tuyệt đối. Tiếp cận lại hơi thở nầy, cảm nhận
nỗi khát khao nầy thì con người mở tung ra với một cảnh vực khác: cảnh
vực của một chân trời mà không một cái gì con người đủ sức tưởng tượng
ra có thể là nó cả, không một ngôn ngữ nào của con người diễn tả được
cả. Với hơi thở sức sống mới, của khổ cứu độ nầy, con người được đưa qua
bên kia bờ, hay nói cách khác là được quay đầu lại để thấy bến bờ của
quê thật, để uy dũng sống nhân tính cao cả của mình.
Một người đang sống trong thân xác làm người mà
không biết đến đói khát nữa hẳn không phải là triệu chứng đáng lạc quan!
Cũng tương tự như vậy, Ngộ được ý nghĩa của khổ như sự sống của
nhân tính chân thật của con người trong trần thế là thoát được cảnh mê
lầm, làm sao có thể cho đó là bi quan ?
- Tập - Chân lý thứ hai về thực trạng nhân sinh là Tập. Tập là làm ( karma, nghiệp lầm lạc, gốc chư « kr » tiến sancrit là làm) , là chuyển “khổ” vốn là sự sống thật nơi thân phận làm người của mình thành dục.
Nhà tư tưởng Frédéric Nietzsche đã nói về « Tập » rất chu đáo. Ông cho
rằng “khổ” như là sự sống con người trong thời gian, là khát chân lý,
là một nghiệp chướng không vượt qua nổi nữa rồi. Hãy diệt luôn tất cả
những tơ vương về Thượng đế, Chân lý, kể cả bóng dáng của nó. Hãy dám làm lại một thế giới của cuộc sống nầy từ cái tôi quyền năng của mình. Ông gọi “khởi nguyên mới” trấn áp được “khổ căn nguyên”, nghiệp làm người đó, nay phải là ý chí quyền lực của cái tôi.
Cách đây hơn 25 thế kỷ, Phật đã thấu đáo cuộc phiêu lưu
thực tế của con người trong trần thế và nơi lịch sử như Nietzsche trình
bày.
Có phải « Tập » là nguyên nhân sinh khổ không?
Nhiều người đã giải thích như thế khi muốn ghép
Tứ Diệu Đế thành một hệ thống có nhân có quả, có đầu có đuôi. Nhưng cần
phân biệt khổ như một thực tế tiêu cực của con người và cuộc sống
(sinh, lão, bệnh, tử…), mà lúc ban đầu Tất Đạt Đa gặp khi ra khỏi cung
điện của mình, và khổ uyên nguyên là chân lý về thân phận tại thế của
con người mà Ngài đã ngộ trong Chân Lý như một ánh sáng đến với Ngài (Xem nhận xét của Walpola Rahula nơi chú thích trên).[6] Vì khổ nguyên sơ là nỗi khát khao chân lý, là thời gian trọn nghĩa (la plénitude du temps), nên khi thấm nhập vào « khổ cứu độ nầy » như ánh sáng soi đường thì con người mới thấy được Tập.
Qua ánh sáng của « Khổ », con người nhận ra thực tại nhân sinh đang mê lầm trong vòng vi của « Dục ». Dục gắn bó với thân phận (nghiệp) con người trong khả năng tự do có thể chuyển khổ nguyên sơ, khát khao và mở ra với Tuyệt Đối thành vòng vi của ý chí quyền lực của cái tôi. Khả năng kỳ quái nầy của Dục như trăm ngàn bàn tay (=hành tạo nghiệp) kết dệt nên muôn ngàn « thế giới », karma nhân tăng karma ; nhưng toàn thể vô vàn thế giới do Dục làm
ra, dù mang trăm vạn nhãn hiệu khác nhau, kể cả việc nhân danh thần
thánh và các giá trị cao cả nhất, thì đằng sau lớp vỏ nầy là Dục, sức mạnh kinh hoàng mà Fr. Nietzsche gọi là « ý chí quyền lực của cái tôi ».
Con người trong trần thế không ngộ được ánh sáng của khổ
uyên nguyên là chân tính của mình, là mối tương giao sống động với « ai
khác », thì vẫn mò mẫm và vất vả trong đêm tối dày đặc của Dục.[Trong đêm ấy họ chả bắt được con cá nào (xem Gioan 21,3)].
Nguồn bất an, vô trật tự ở tại Dục và ngã chấp,
vì đây là căn nguyên của sai lạc và bạo lực. Vì thế kiến tạo hòa bình,
trước hết là tìm lại Phật tính, tức là xóa con đường Dụccủa chấp
ngã để ngộ “khổ” nguyên sơ. Vào được cửa của khổ uyên nguyên thì chấp
ngã vở tung ; bấy giờ con người nhìn ra được người chung quanh là kẻ
khác, khác với mình để mình tôn trọng tự do của họ; đồng thời cũng nhận
nơi kẻ khác nét cao cả của khổ uyên nguyên chung. Nỗi khổ ấy nối kết,
bao trùm con người, mở ra cái nhìn mới (huệ nhãn = cái nhìn do ân
phúc mang lại) giúp chúng ta thấy được, và nối kết được với chúng sinh
trong sự thật. Tương quan mới mà con người nay cảm nghiệm được trong khổ
uyên nguyên làtừ bi « cùng chia nhau nỗi khổ = com-passion, sym-pathie).
- Diệt - Niết-bàn, còn gọi là “Không”. Con người đang ở trong cái có của cái tôi, của Dụcnhư một nghiệp chướng, một “tội nguyên tổ”. Từ thực trạng « tăm tối » mà con người tưởng là « khôn ngoan phân biệt được lành với dữ, có với không…» nầy [7], con người định giá về có và không. Trong ánh sánh của kẻ đã ngộ, đã đi vào chân lý của khát và khổ uyên nguyên, thì có và không nầy
đều là mê lầm. Thánh Phao-lô và thánh Augustinô hay nói rằng: Tôi sống
nhưng thực ra là tôi đã chết từ lâu rồi!. Thánh Kinh Kitô giáo hay dùng
hình ảnh “bóng đêm, cõi chết” để chỉ thực tại nầy. Nirvana, Niết Bàn, là
Lời Chân Lý chối từ, phủ định tất cả cái có và cái không mê lầm nầy. Lời phủ định (Vô, Không) đó đúng là sự hiện diện của Chân Lý đang vắng mặt nơi thế giới ảo tưởng. Nói đến Niết Bàn cũng nói đến sự diệt bỏ căn nguyên làm nên thế giới giả ảo, nên Niết Bàn cũng là Vô ngã, Vô chấp.
Nếu chỉ hiểu “ngã” là thân xác, là vật chất…, thì ta
quên rằng căn cơ của “ngã chấp” không phải là thân xác mà là ý chí quyền
lực, là tự mãn[8].
Chấp Ngã trong nhà Phật không nằm nơi xác hay hồn, nơi cảm tính hay mơ ước. Ngã là Dục muốn thu hết toàn bộ thuộc về mình. Chấp ngã đó,
trong ngôn ngữ Kitô giáo, là con người cũ, Adam cũ. Toàn bộ thế giới và
con người cũ đó phải chết đi, phải diệt đi để mặc lấy con người mới,
nhận biết chân lý và mở ra với tha nhân.[9]
Và muốn chết đi thế giới có – không của Ngã Chấp, thì cần gặp áng sáng nơi chân lý của khổ uyên nguyên. Nên có lúc Phật lại nói, thấy Khổ là thấy Niết Bàn[10].
Con người chết đi cái tôi tự mãn, đóng kín…, mặc lấy sự khao khát chân
lý trường cửu mà mình không làm ra được, để mở ra với Tuyệt Đối và tha
nhân, tạo lại cảnh thái hòa, đó là ngộ.
- Đạo - Bát-Chánh-Đạo là những cách thức sống mới khi cái tôi giả ảo đã bị diệt. Đường đi đó gọi là chính (Samyak). Chính là « an », cư
ngụ trong Chân Lý, cư ngụ nơi nhà thực của mình. Thế giới thực trong
chân lý nầy không phải là một cảnh giới nào khác ngoài vũ trụ đổi thay,
ngoài thân phận con người hay chết; nhưng thực trạng ấy của nhân sinh
nay là trời mới đất mới nơi tâm từ bi, nơi huệ nhãn … của kẻ ngộ được
khổ uyên nguyên.
Bát là tám, biểu
tượng của vô số, của toàn thể. Bát Chánh Đạo là đường đi cho từng giây
phút của cuộc đời. Sách Trung Dung của Nho học gọi “ Đạo không lìa một giây phút, nếu không thì không phải là Đạo”, Thánh Phaolô thì nói rằng: khi ăn, khi uống, khi làm bất cứ việc gì khác … Bát Chánh Đạo là Đạo hiện diện giữa toàn nhân sinh.
Con đường bát chánh cũng gọi là Trung Đạo: Trung không phải ở giữa, ba phải, lương ương, nhưng Trung là trúng, là cư ngụ trong sự thật, như ta đã thấy khi phân tích hai chữ Trung Dung trong Nho học.
Đạo, con đường chân lý đó là nền của Hòa Bình
*
Qua việc lược qua những ảnh hưởng văn hóa được hội nhập
nhuần nhuyển vào cuộc sống của người Việt, chúng ta có thể tóm lược các
nội dung đó qua mấy câu kết của truyện Kiều, để cảm nhận rằng Hòa Bình là ân huệ nơi Tâm Duy Vi, là nơi nhân tính cư ngụ:
“Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần!
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa,
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài.”
(Nguyễn Du- Kiều. 3247-3252)
[2] Cũng nằm trong lối nhìn nầy, René Descartes đã viết cuốn Luận về phương pháp (Discours de la méthode)
[4] Xem Thích Mãn Giác ! « …Chung
qui, không ngoài sự trình bày và giải thích tứ-diệu-đế……Thành ra, giáo
lý của Phật dạy, nếu có hệ thống hóa thì người ta có thể xếp vào những
giải thích và trình bày bốn thánh đế ấy » sđd, tr 109
[5] « Đúng là trong lối nói hằng ngày, chữ phạn dukkha (tiếng sancrit là duhkha) có nghĩa là khổ, đau, cực, khốn đốn…, đối nghịch lại với chữ sukha, có nghĩa là hạnh phúc, thoải mái, dễ chịu.Nhưng từ ngữdukkha trong
khuôn khổ diễn tả Chân Lý cao cả theo quan điểm của Đức Phật về cuộc
đời và thế giới thì hàm ngụ một ý nghĩa triết lý sâu xa hơn và những nội
dung rộng rãi hơn nhiều…
Trong Tập Sách
Anguttara-nikàya là một trong những bản gốc được kết tập bằng tiếng Phạn
chứa đựng những bài thuyết pháp của Đức Phật, người ta kể ra nhiều hình
thức hạnh phúc (sukhani), như
hạnh phúc cuộc sống gia đình, đời độc thân, khoái lạc thân xác, khoái
lạc trong tu thân quên mình, trong dấn thân và từ bỏ, hạnh phúc thể xác
và hạnh phúc tâm linh…Nhưng tất cả đều nằm trong khổdukhha: ngay
cả những trạng thái thanh tịnh của thiền định (dhyàna), như lâng lâng
thoát khỏi những tơ vương khổ đau theo nghĩa thông thường, những trạng
thái được diễn tả là hạnh phúc thuần khiết; ngay cả trầm mình vài cảnh
thiền dhyàna giải thoát hết mọi cảm giác sướng (suhka) hoặc khó chịu
(dukkha), chỉ còn là thanh tịnh thuần túy - ngay cả những trạng thái
linh thiêng cao độ đó cũng nằm trong KHỔ - Dukkha” Walpola Rahula, L’enseignement du Bouddha, Paris, Seuil, 1961, tr. 36-37.
[6] Ta
cũng gặp một lối giải thích nhân quả tương tự về việc đánh giá mọi khổ
đau bên ngoài là hậu quả của gian ác, khi các môn đệ Đức Kitô hỏi Ngài
xem sự mù lòa của một người mà họ gặp là kết quả của tội lỗi gì nơi
người ấy hay nơi tổ tiên hắn. Đức Kitô trả lời rằng mọi sự xảy ra vì
vinh quang Thiên Chúa (xem Gioan 9,1-3 )
[8] Trong
sứ điệp Kitô giáo, chúng ta cũng đọc được câu truyện về điều làm cho
con người ô uế. Trước tiền kiến văn hóa cho rằng chỉ có vật chất làm ô
uế con người, Đức Kitô nhắc cho người chung quanh Ngài biết rằng : điều
làm cho con người thành ô uế, hư hỏng phát xuất từ tâm trí con người;
chứ không do thân xác bên ngoài.
[9] Lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi dùng lối nói nầy : Xin cho con biết chết đi, để vui sống muôn đời…
[10] “Ai thấy Khổ Đế thì thấy Tập Đế, và cũng thấy Niết- Bàn và Bát Chánh Đạo” Xem The book of the kindred sayings (Samyutta-nikàya) or grouped suttas, 5 t, Oxford, Pali Text Society, 1992-1994 : tome V, tr. 437.