Tổng thống Donald Trump rắn như thép

Tổng thống Donald Trump rắn như thép

Tú Anh

Do ngày lễ Đức Mẹ Thăng Thiên, tất cả báo chí Pháp đều nghỉ, trừ Le Monde phát hành chiều hôm trước : Air France, chuyện dài khủng hoảng không hồi kết, Thị trường tài chính lo âu vì nguy cơ khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng đến các nước đang phát triển, Ninh Hạ căng thẳng do hệ quả của chính sách « Trung Hoa hóa » tôn giáo của Tập Cận Bình là một số thông tin tiêu biểu.

Trên trang "Ý kiến", Le Monde giới thiệu bài tiểu luận của nhà báo Guy Sorman phân tích vì sao ông Donald Trump vẫn lên điểm trong công luận.

Trong thập niên 1980, tổng thống Ronald Reagan có biệt danh là "đốt không cháy". Cho dù có một số tuyên bố lẫn lộn và một vài tai tiếng, tổng thống Reagan vẫn được công luận ngưỡng mộ đến hết nhiệm kỳ. Liệu Donald Trump có được tôi luyện tốt như thế chăng ?

Theo tác giả, tổng thống thứ 45 của Mỹ làm là chuyện đáng để bị chửi nhưng lại là thép tốt không bị rỉ sét : Tác phong "ngông nghênh", phát biểu "điên rồ", khinh khi tư pháp, kỳ thị màu da, xem thường phụ nữ, khiêu khích phóng viên, quyết định chính trị "thiếu xuyên suốt". Thế mà sau 18 tháng nắm quyền, uy tín của chủ nhân Nhà Trắng vẫn không suy suyển.

Từ khi đắc cử, thái độ của nhà doanh nghiệp không đổi một ly : "Ông tiếp tục chống tất cả mọi người, phản bác mọi trào lưu xã hội, môi trường, diễn giải tình hình thế giới theo thông tin chủ quan của truyền thông bảo thủ…" Thế nhưng, cử tri của ông, nay lập thành những "câu lạc bộ người ái mộ" vẫn phấn khởi, vẫn khoan khoái với tác phong ngông nghênh của thần tượng : Tổng thống suy nghĩ và sử dụng cùng ngôn từ như họ, kể cả ngôn ngữ kỳ thị.

Cách phát biểu của Donald Trump là chìa khóa thành công của ông. Trong nước, đảng Dân Chủ đối lập "co rúm" chưa có lãnh đạo mới khả tín. Đã thế, ở nước ngoài, thế giới bị chao đảo, mất hướng vì thái độ không xu thời, những tuyên bố lừa dối và hung hăng của Donald Trump đến mức mà các chính phủ Tây phương không biết phản ứng ra sao từ 18 tháng qua. Vuốt ve để hạ nhiệt ông Trump không xong mà liên kết chống cự lại thì không đủ khả năng. Trong các hồ sơ quốc tế từ NATO, thương mại, Iran, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên, chính Donald Trump đóng vai nhạc trưởng và những lãnh đạo khác phải tìm một vị trí tương hợp.

Sức mạnh của lời nói
Điểm tín nhiệm cao của Donald Trump trong công luận Mỹ đúng là một phần do kết quả kinh tế khả quan mang lại. Nhưng một phần mà thôi vì tỷ lệ tăng trưởng lịch sử 4% trong những tháng qua không phải do Donald Trump tài giỏi. Trong một nền kinh tế thị trường đúng nghĩa như của Mỹ, hành động của chính phủ không có ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, diễn văn của Donald Trump có tác động tạo hưng phấn giới doanh nghiệp chống chính sách bảo vệ môi trường và quyền lợi người lao động.

Thành phần này muốn Hoa Kỳ nối lại với chủ nghĩa tư bản hoang dại, với chủ nghĩa kinh tế quốc dân. Do vậy, họ đầu tư và tuyển dụng nhân viên nhiều hơn là nếu tổng thống không phải là Donald Trump. Chủ trương này sẽ đào sâu thêm bất công xã hội không thế chấp nhận được tại châu Âu nhưng ở Mỹ, cử tri ủng hộ Donald Trump, cho dù thuộc thành phần có thu nhập thấp lại vui vẻ chấp nhận bởi vì họ tin có cơ may sẽ trở thành tỷ phủ như tổng thống .

Nhưng nếu tình hình biến đổi thì sao, khi kinh tế Mỹ theo vòng luân hồi hết thịnh lại suy ?

Nhà báo Guy Sorman cho rằng lúc đó Donald Trump không chắc bị chỉ trích mà trái lại, những người ủng hộ ông tiếp tục ủng hộ và quy hết trách nhiệm cho… thị trường chứng khoán Wall Street.

Với tình hình hiện nay, từ nay đến hết nhiệm kỳ, con đường chính trị của Donald Trump chắc chắn sẽ hanh thông. Ước mơ của đối lập muốn truất phế tổng thống tan thành mây khói vì sau nhiều tháng điều tra tội thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử 2016 vẫn không nắm đủ bằng chứng để truy tố. Điều này cho phép suy đoán ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ một một cách dễ dàng.

Ghét hay thương Donald Trump, cả thế giới này phải sống chung với ông trong nhiều năm nữa. Liệu điều này có nghiêm trọng hay không ?

Theo tác giả thì cho dù Donald Trump có cường điệu nhưng ông không gây ra, hoặc chưa gây ra một cuộc chiến tranh nào, trái với những lãnh đạo ở châu Âu có cùng cá tính trước đây gây ra thế chiến thứ hai.
Bởi lẽ, cho dù Donald Trump có muốn làm lãnh tụ quân phiệt, muốn làm Mussolini cũng không được. Hiến pháp Mỹ không cho phép. Ông muốn vi hiến cũng không được vì ở Hoa Kỳ không một lực lượng nào, một cơ quan nào từ quân đội, cảnh sát, Giáo hội Công Giáo, chính quyền liên bang và địa phương tuân thủ thi hành một lệnh bất hợp pháp.

Tập Cận Bình tạo nghiệp trả nghiệp
Tại Trung Quốc, người Hồi chống chính quyền phá đền thờ. Căng thẳng tại Vi Châu, tỉnh Ninh Hạ minh họa hệ quả của chính sách "Trung Hoa hóa" tôn giáo mà Tập Cận Bình loan báo vào năm 2015.

Vụ việc hàng ngàn dân thuộc sắc tộc Hồi xuống đường chống kế hoạch phá Đền thờ lớn ở Vi Châu từ hơn một tuần nay đã mang lại kết quả đầu tiên theo tường thuật của Le Monde. Sau nhiều ngày đối đầu căng thẳng với dân Hồi giáo, chính quyền Ninh Hạ lùi một bước, cam kết "không phá đền" trước khi đạt được thỏa thuận với tín đồ tìm một địa điểm khác xây đền thờ mới. Đại giáo đường Vi Châu mới được tân trang cách nay một năm nhưng chính quyền muốn phá hủy "phần lấn thêm trái phép".

Để đặt Nhà nước Trung Quốc trước thế kẹt, người biểu tình lấy nguyên văn các khẩu hiệu chính sách và ghép lại trong biểu ngữ : "ủng hộ đảng, bảo vệ đoàn kết dân tộc, bảo vệ tự do tôn giáo".

Theo Le Monde, dự án phá đền thờ ở Vi châu nằm trong chính sách chung của Tập Cận Bình nhắm vào hai tôn giáo "ngoại nhập" là Hồi giáo và đạo Thiên Chúa. Mục tiêu là cắt mối dây liên hệ giữa người dân theo đạo với các nước khác. Từ 2014, hàng trăm nhà thờ Tin lành ở Chiết Giang đã phải gỡ thánh giá, một số bị phá hủy trong sự phẫn nộ của tín đồ. Việc bán Thánh kinh cũng bị hạn chế.

Trường hợp Ninh Hạ, ảnh hưởng của các nước Ả Rập làm Bắc Kinh lo sợ. Hầu hết đền thờ, trường học đạo là do các nước vùng Vịnh tài trợ từ năm 1980. Lúc đầu, Trung Quốc không lo vì người Hồi, tức dân Trung Hoa theo đạo Hồi, được chính quyền sử dụng như là "những đại sứ" của Trung Quốc ở các nước Ả Rập. Bắc Kinh còn khuyến khích người Hoa theo đạo Hồi học tiếng Ả Rập và buôn bán với vùng Vịnh để phát triển Ninh Hạ.

Người Hồi còn đóng vai trò quan trọng, được xem là gương mẫu, làm gạch nối văn hóa và chính trị giữa chế độ do người Hán thống lĩnh và các sắc dân khác, nhất là ở miền Tây. Nhưng từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, chế độ ngày càng tỏ ra nghi kị người nước ngoài một cách bệnh hoạn, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Năm 2015, trong đại hội tôn giáo, Tập Cận Bình đề xuất chính sách "Trung Hoa hóa tôn giáo" với thí điểm là Tân Cương : Cấm tiếng Ả Rập, phá hủy các nóc vòm hình cầu, cấm dạy giáo lý.

Tình hình ở Ninh Hạ thật ra không là nghiêm trọng so với các vụ đàn áp sắc dân Duy Ngô Nhĩ và Kazakhstan ở Tân Cương nơi có tin một triệu người đang bị nhốt vào các trại "cải tạo". Nhưng tấn công vào dân Hồi sẽ khó tránh được những hệ quả nghiêm trọng. Đền Thờ lớn mà chính quyền muốn phá là niềm hãnh diện của dân Hồi, biểu tượng của thái độ hợp tác giữa cộng đồng Hồi giáo và Nhà nước. Nếu dự án phá đền thờ được thi hành, chính quyền sẽ mất đi sự ủng hộ của một bộ

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180815-tong-thong-donald-trump-ran-nhu-sat-thep