Trong các ngày từ 30 tháng 11 cho tới 11 tháng 12 này Hội nghị quốc tế về
thay đổi khí hậu, gọi tắt là COP 21, đang diễn ra tại Paris, thủ đô nước Pháp.
ĐHY Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Toà Thánh, cũng hướng dẫn phái đoàn Toà Thánh
tham dự, và cùng với 150 vị tổng thống và thủ tướng chính phủ lên tiếng trong
những ngày đầu tiên của hội nghị.
Nhắc lại lời ĐTC Phanxicô nói trong diễn văn đọc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở
Nairobi, ĐHY cầu mong hiệp định dựa trên các nguyên tắc của tình liên
đới, công lý, công bằng và tham dự, nhằm đạt được ba mục tiêu phức tạp tùy
thuộc nhau kể trên. Thật là thê thảm, nếu các lợi lộc riêng tư thắng thế công
ích, và đặc biệt đưa tới chỗ lèo lái thông tin. Theo ĐHY một hiệp định toàn
diện và biến đổi phải dựa trên ba cột trụ sau đây.
Cột trụ thứ nhất hệ tại việc đưa ra một định hướng luân lý đạo đức rõ ràng,
gợi hứng cho các lý do và các mục đích của hiệp định. Vì những người dễ bị tổn
thương nhất là người nghèo và các thế hệ tương lai, phải gánh chịu các hậu quả
nghiêm trọng nhất của việc thay đổi khí hậu, mà thường khi họ không có trách
nhiệm. Đây là một hiện tượng không có biên giới, cũng không có hàng rào chính
trị xã hội, cho phép chúng ta tự cô lập hóa mình. Chính vì thế cần củng cố ý
thức chúng ta là một gia đình nhân loại, và toàn cầu không thể thờ ơ.
Trước sự cấp bách của một tình trạng đòi hỏi sự cộng tác rộng rãi
chừng nào có thể nhằm đạt tới một chương trình chung, thật quan trọng là Hiệp
định phải dựa trên việc thừa nhận và bó buộc luân lý đạo đức hành động trong
một bối cảnh của tình liên đới toàn cầu, cũng như tinh thần trách nhiệm chung
nhưng khác biệt của từng người, theo các khả năng và điều kiện riêng.
Cột trụ thứ hai liên quan tới Hiệp định đó là không phải chỉ nhận diện các
mô thức cho việc thực hiện, mà còn và nhất là phải thông truyền các dấu hiệu rõ
ràng định hướng cho các thái độ hành xử của tất cả các tác nhân liên hệ, bắt
đầu từ các chính quyền, kể cả các chính quyền địa phương, thế giới kinh doanh,
cộng đoàn khoa học và xã hội dân sự nữa. Điều này đòi hỏi phải xác tín đi theo
con đường hướng tới một nền kinh tế sử dụng các chất liệu thải ít thán khí vào
không trung. Các quốc gia có nhiều tài nguyên và khả năng phải làm gương trong
việc đem các tài nguyện đó tới cho các nước cần có, để thăng tiến các đường lối
chính trị và các chương trình phát triển có thể chịu đựng nổi. ĐHY Parolin đặc
biệt khuyến khích việc sử dụng các năng lượng có thể đổi mới và việc canh tân
kỹ thuật tái biến chế, cũng như phát triển sự hữu hiệu năng lượng, hay việc
quản trị thích đáng rừng, vận chuyển và rác rưởi; việc phát triển một mô thức
vòng tròn của nền kinh tế; thực hiện các chương trình thích đáng, có thể chịu
đựng nổi và khác biệt liên quan tới an ninh thực phẩm và chống lại việc phung
phí thực phẩm; các chiến thuật giúp chống lại việc đầu cơ tích trữ và các phụ
đới không hữu hiệu và đôi khi tồi bại; việc phát triển và thuyên chuyển các kỹ
thuật thích hợp. Đó là tất cả các khía cạnh mà việc thực hiện hữu hiệu phải
được gợi hứng bởi Hiệp định.
Cột trụ thứ ba liên quan tới viễn tượng tương lai. Hội nghị thượng đỉnh về
thay đổi khí hậu không phải là điểm tới, cũng không phải là điểm khởi hành, mà
là một giai đoạn định đọat của một tiến trình không kết thúc với năm 2015. Một
Hiệp định có viễn tượng thời gian rộng rãi phải thấy trước các tiến trình duyệt
xét các dấn thân, và theo dõi trong sáng, hữu hiệu và năng động, có khả năng
gia tăng từ từ mức độ tham vọng, cũng như bảo đảm một sự kiểm soát thích đáng.
Ngoài ra cũng phải nghiêm chỉnh duyệt xét việc thực hiện các mô thức sản xuất
và tiêu thụ có thể chịu đựng nổi, cũng như các thái độ và kiểu sống mới. Các
giải pháp kỹ thuật tuy cần thiết, nhưng không đủ, nếu không bước vào
trong việc giáo dục các kiểu sống có thể chịu được và một ý thức trách
nhiệm cao. Kiểu sống hiện nay với nền văn hóa của việc xài rồi vứt bỏ là
điều không thể chịu đựng nổi, và nó không được phép có chỗ trong các mô thức
giáo dục và phát triển của chúng ta.
Ngày 28 tháng 11 ĐHY Claudio Hummes, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ, Chủ tịch
Mạng lưới Toàn Amazzonia, đã trao cho ông Nicolas Hulot và bà Christina
Figueres một thỉnh nguyện thư với chữ ký của 1,8 triệu người, trong đó có 800
ngàn tín hữu công giáo, yêu cầu các phái đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh về
khí hậu COP 21 đạt quyết định giảm việc thải thán khí vào không trung để làm
chậm tiến trình hâm nóng trái đất; xác định một thời hạn loại trừ mọi thứ nhiên
thạch, và lấy năm 2050 làm mức thời gian loại trừ thán khí hoàn toàn. Ngoài ra
thỉnh nguyện thư cũng yêu cầu các nước giầu trợ giúp các nước nghèo trong việc
chống lại các thay đổi khí hậu với sự trợ giúp tài chánh và các dụng cụ thích
hợp. Tưởng cũng nên nhắc lại là hồi tháng 10 năm nay các Hồng Y, Giám Mục và
các Thượng Phụ toàn thế giới cũng đã đưa ra lời kêu gọi Hội nghị thượng
đỉnh về thay đổi khí hậu COP 21 tại Paris cố gắng đạt được một Hiệp định có
tích cách bắt buộc giúp thay đổi tình hình môi sinh hiện nay, có nguy cơ đưa
thế giới tới bờ vực thẳm của các tai ương thê thảm.
Ngày 30 tháng 11, trong cuộc phỏng vấn trên máy bay tử Bangui vể
Roma, có nhà báo đã hỏi ĐTC Phanxicô liên quan tới giải pháp mà mọi người
chờ đợi nơi Hội nghị thượng đỉnh tại Paris. ĐTC Phanxicô đã ghi nhận rằng ngay
từ đầu các Hội nghị về môi sinh và khí hậu đã đạt rất ít thành quả cụ thể. Và
càng ngày tình hình càng nghiêm trọng hơn. Các khối đá băng bắc cực đang tan
chảy nhanh chóng. Biết bao nhiêu tai ương thiên nhiên đã và đang xảy ra ngày
càng nhiều. Sẽ có nhiều nước biến mất. Thế giới đang chứng kiến một cuộc
tự tử tập thể. Vì thế, hoặc là phải đạt được kết qủa cụ thể ngay bây giờ, hay
là không bao giờ nữa.
Quả vậy, cho đến nay các cường quốc kỹ nghệ dã chỉ nghĩ tới các lợi nhuận
của mình, không ký nhận, hay ký nhận mà không thi hành các đòi buộc của các
thỏa hiệp môi sinh. Nhưng nếu thế giới cứ tiếp tục đà này, thì chẳng bao lâu
nữa sẽ qúa muộn để có thể đảo ngược tình hình của cuộc tự sát tập thể.
Linh Tiến Khải