Sau biến cố tháng tư năm 1975, người Việt tản mác khắp bốn
phương trời. Từ tiểu bang California với hơn
nửa triệu người tị nạn cho đến tiểu bang Montana
chỉ với 367 người, từ thành phố Cabramatta với 15 000 người cho đến Nunavut chỉ với 10
người, bước chân người Việt hiện đang in dấu trên khắp năm châu. Chỗ nào có
người Việt, chỗ đó có chùa, nhà thờ và sách báo tiếng Việt. Nều như khi xưa,
trong cuộc Nam Tiến, hai làng Minh Hương đầu tiên của người Trung hoa sớm được
thiết lập ở vùng Cù Lao Phố và Cao Lãnh trong việc cộng cư với người Việt, thì
hôm nay, trong cuộc « Tây tiến », những thư viện có sách tiếng Việt
là địa danh những nơi quần cư của người Việt trên thế giới.
Từ những nhận định trên, bài viết nhằm khảo sát các thư viện
ngoài Việt Nam đã và đang cống hiến cho người Việt hải ngoại những bộ sách
tiếng Việt và Việt học viết bằng ngoại ngữ khả dĩ góp phần vào nhu cầu đọc sách
và nghiên cứu của người Việt. Bài viết dựa vào các số thống kê, nhưng công việc
tra cứu thống kê của hàng trăm thư viện lớn nhỏ trên thế giới không thể thực
hiện được trọn vẹn vì khuynh hướng hạn chế phổ biến thống kê của một số
thư viện và bản chất dị biệt của các thống kê bởi lẽ tùy thuộc vào phương pháp và
mục tiêu sử dụng, do đó bài viết chỉ có thể xem như một tổng quan, một
nhận diện những nơi quần cư của người Việt. Bài viết cũng là một tài liệu được
hiệu đính và cập nhật hóa một bài viết được phổ biến cách đây 5 năm (năm 2006).
Phương pháp sưu tầm dữ kiện
Những dữ kiện được thu thập qua hai nguồn liệu :
1. Những tài liệu chính thức của các giới chức thư viện cung
cấp qua các điện đàm, điện thư hay trang mạng của thư viện.
2. Đối với các thư viện mà chúng tôi không có được số
thống kê chính thức, bằng những phương pháp thư viện học, chúng tôi truy
cập các tiêu đề (notice) dựa vào họ của tác giả để ước định độ lớn và đặc
tính của bộ sách. Người Việt Nam xưa có trăm họ, nhưng sự cộng cư
với người Trung hoa, người Miên và người Chàm đã khiến người Việt
Nam ngày nay mang hơn 140 họ. Việc tìm kiếm sách trên hàng trăm thư mục
với 140 tên tác giả như trên là điều khó thực hiện, do đó chúng tôi thử tìm với
10 họ người Việt phổ biến nhứt để kiểm nghiệm với một số thư mục xem các tác
giả của 10 họ « top ten » nầy chiếm một tỉ lệ nào trong toàn
thể bộ sách, để từ đó dùng tỉ lệ nầy ước định độ lớn của các bộ sách khác.
Sau khi tra cứu tỉ mỉ thư mục Bulac (Bibliothèque universitaire
des langues et civilisations) ở Pháp với tiêu đề tên tác giả,
ngôn ngữ (recherche avancée) chúng tôi biết được với 10 họ : Nguyễn,
Lê, Trần, Vũ, Hoàng, Phạm, Phan, Ngô, Đặng, Hồ, thư viện Bulac có
4405 tựa sách tiếng Việt trong tổng số 8000 sách của thư viện (thống kê tháng
1/2011). Như vậy, sách của các tác giả thuộc 10 họ «top ten» nầy chiếm khoảng
55% bộ sách của thư viện. Tiếp tục tra cứu với phương thức advanced
search (author, language) với 10 họ nầy ở Seattle Public Library, chúng
tôi có được 3106 tựa với 5590 tài liệu (sách và tài liệu thính thị) trên toàn
bộ sách là 12 150 tài liệu (thống kê cung cấp bởi Rachel Martin ngày 25/1/201
qua điện thư), như vậy 10 họ «top ten» chiếm tỉ lệ 46%. Từ nhận định như trên,
để ước định số lượng của một bộ sách, chúng tôi áp dụng một tỉ lệ trung
bình là tài liệu của các tác giả mang 10 họ phổ biến như trên chiếm khoảng 50%
toàn thể bộ sách. Nếu không có thống kê chính thức, chúng tôi truy cập số tài
liệu của 10 tác giả «top ten» nầy rồi nhơn lên gấp đôi.
Phương pháp nầy, phương pháp duy nhất để có thể phỏng định
độ lớn của một bộ sách khi không có thống kê chính thức và ngay khi có số thống
kê chính thức cũng không nhất thiết chính xác vì những lý do sau đây :
- Cách sắp xếp
thư mục của thư viện : nhiều thư mục kể tất cả tên các tác giả, hay ba tên
(theo thể thức thư viện học) hay chỉ tên một tác giả trong trường hợp các tác
phẩm viết chung bởi nhiều tác giả.
- Mức độ sai lầm
của những biên mục viên Tây Phương (catalogueur) hay nhầm lẫn họ và tên của
người Việt. Để tránh khó khăn nầy, nhiều thư mục làm bảng dẫn mục (index) cả họ
và tên cho cùng một quyển sách.
- Không thể truy
cập được các quyển sách chỉ làm biên mục theo tựa (trường hợp quá 3 tác giả,
theo phương pháp làm biên mục) hay tác giả là các bút hiệu.
Hậu quả của hai lý do đầu là gia tăng thêm số sách thực sự
có, và lý do thứ ba là làm giảm đi số sách của thư mục. Với những nhận định
trên, sai suất của những ước định số thống kê các thư mục có thể đến 10%.
Ngoài ra, với sự bùng nổ của các hệ thống biên mục khác biệt
và sự cắt giảm ngân sách của các thư viện, việc thiết lập những số thống kê
chuyên biệt không phải là một ưu tiên của nhiều thư viện.
Một giới chức của Thư Viện Library of Congress, thư viện lớn
nhứt của thế giới đã hồi âm cho chúng tôi như sau :
« The Library of Congress is very big and complex. The
Vietnamese collections at the Library of Congress are under the juridiction of
two divisions : the Eastern Law Division and the Asian Division. Thus, to
give statistics of Vietnamese collections at the Library of
Congress is an impossible thing to do… » Và ngày 28/1/2011, cũng một câu trả lời tương tự qua
điện thư :«The Asian Division at the LC does not keep statistics of how many
books and magazines we have...» (LH , Southeast Asia
Reference Librarian)
Bài viết gồm 2 phần :
-
Phần I : Các thư viện đại học, thư viện nghiên cứu và thư viện
quốc gia
-
Phần II : Các thư viện công cộng
Phần I
Các thư viện đại học, thư viện
nghiên cứu và thư viện quốc gia
Âu châu
Pháp
Nước Pháp có một truyền thống liên hệ lịch sử với Việt Nam gần một thế
kỷ nên các thư viện nghiên cứu là các kho tài liệu về lịch sử và văn hóa viết
bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Ngoài ra, các tài liệu của hai miền Nam-Bắc trong
giai đoạn 1954-1975, các tài liệu xuất bản trong và ngoài nước sau 1975 cũng
được lưu trử và phổ biến.
1-
Thư Viện BULAC (www.bulac.fr)
BULAC là tập hợp các mẫu tự đầu của Bibliothèque universitaire
des langues et civilisations là thư viện đại học và nghiên cứu
tập trung 22 bộ sách về ngôn ngữ và văn minh của các quốc gia không thuộc
khối Tây Phương (Đông Phương, Slave, Á Rập…) hiện đang lưu trử tại 9 đại học và
trung tâm nghiên cứu ở Paris :
-
Université de Paris I –Panthéon-Sorbonne
-
Université de Paris III – Sorbonne –Nouvelle
-
Université de Paris IV- Sorbonne
-
Université de Paris VII- Denis Diderot
-
École pratique des hautes études (EPHE)
-
École des hautes études en sciences sociales (EHESS)
-
École française d’Extrême-Orient (EFEO)
-
Institut national des langues et civilisations orientales (INALCO)
-
Centre national de la recherche scientifique (CNRS)
Thư mục Bulac (www.catalogue.bulac.fr)
đã bắt đầu thành hình từ năm 2001 và hiện nay có 1 200 000 tiêu
đề (notices) các tài liệu dưới đủ mọi thể loại. Độc giả có thể tìm
sách trên thư mục nầy bằng internet từ tháng 6 năm 2005. Đối với ngành
thư viện học, Bulac cung cấp một nguồn tài liệu quí giá với những tiêu đề chuẩn
hóa tên họ tác giả (notices d’autorité normalisées) thuộc nhiều chủng tộc khác
nhau. Bulac lại có ưu điểm khác là các tiêu đề được biên mục bằng các mẫu
tự không thuộc dạng chữ La-Tinh như chữ Á Rập, Trung hoa, Đại Hàn, Nhựt,
Persan… và độc giả có thể truy cập với các loại mẫu tự nầy (các tiêu đề được
trình bày dưới dạng mẫu tự gốc và mẫu tự La Tinh hóa)
Tháng 10 năm 2011, các bộ sách nầy sẽ được dời về tập trung
tại thư viện Bulac, một kiến trúc mới tân kỳ với kinh phí xây cất và trang bị
độ 50 triệu euros, tọa lạc ở 65, rue des Grands Moulins (Paris 13è).
Khi khai mở, Bulac sẽ là thư viện chuyên về các ngôn ngữ và
văn minh lớn nhất thế giới và sử dụng các kỹ thuật khai thác thư viện hiện
đại với 100 ngôn ngữ (350 nếu kể cả các tử ngữ hay địa phương ngữ), 1,5 triệu
sách dự trử, 225 000 sách cho độc giả tự do lựa chọn (libre accès),
22 000 tựa tạp chí, 40 hệ thống mẫu tự.
Theo thống kê công bố, Thư viện Bulac có 8000 sách tiếng
Việt phần lớn thuộc lãnh vực ngữ học, văn chương, sử địa. Bộ sách cũng có
nhiều sách xưa thí dụ như Dictionnaire /du Père Alexandre de
Rhodes xuất bản năm 1651, các sách chữ nôm, các tài liệu thời Pháp thuộc.
Thư mục BULAC là thư mục của thư viện BULAC. Ngoài ra, Pháp
còn có một thư mục tập thể to hơn gọi là Thư mục SUDOC (Système
Universitaire de Documentation) là một thư mục gồm 9 triệu
tiêu đề tài liệu các thể loại (sách, tạp chí, luận án, tài liệu thính
thị, vi phẩm, bản đồ, âm nhạc) của các thư viện đại học và nghiên cứu, các thư
viện công cộng trên nước Pháp. Thư mục BULAC cũng nằm trong thư mục SUDOC nầy,
do đó, khi truy cập thư mục SUDOC (www.corail.sudoc.abes.fr)
độc giả có thể tìm được tài liệu trong thư viện BULAC và các thư viện khác.
Thí dụ, truy cập với họ Nguyễn, SUDOC có 7586 tiêu đề tiếng
Việt và các ngôn ngữ khác, nhưng nếu giới hạn với tiếng Việt, SUDOC có 2807
tiêu đề và BULAC có 1757. Một cách cụ thể hơn, nếu tìm quyển Le vietnamien
fondamental của Nguyễn Phú Phong, SUDOC cho biết có 3 nơi có quyển sách
nầy : BULAC, Paris 5- Bib.SHS Descartes, và Lyon
3- Bib.
Liên quan đến sách về Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng
Pháp, Thư viên Paris III là một trong 22 thành viên của Bulac đã
lần lượt chuyển vào thư mục Bulac phần lớn bộ sách của EFEO (Trường Viễn
Đông Bác cổ = École française d’Extrême -Orient) và các sách mới xuất bản
đang tồn trử tại các chi nhánh Dauphine, Clichy và Lille của Thư Viện
BIULO (Bibliothèque inter-universitaire des langues et civilisations
orientales).
Ngoài các sách, BULAC còn cung ứng danh mục 152 tựa tạp chí
tiếng Việt, phần lớn xuất bản ở Hanoi, một ít ở Saigon và hải ngoại. Các tạp chí nầy hiện lưu trử ở thư
viện EFEO và hai chi nhánh Lille, Clichy. Tuy nhiên,
một số tựa không đầy đủ các số. Các độc giả hải ngoại có thể tìm về quá
khứ qua Bách Khoa (số 1, 1957- số 338,1971), Đại Học, Tập San Sử Địa, Phô
Thông, Văn hóa nguyệt San, Việt Nam khảo cổ tập san…
Theo thông tin của giám đốc Thư viện trường Viễn Đông
Bác cổ thì « bộ sách EFEO độ 5000 quyển phần lớn là sách và tạp chí. Khi
thư viện Bulac hoạt động, một số sách của EFEO sẽ chuyển về Bulac, nhưng bộ
sách tiếng Việt vẫn tiếp tục lưu trử ở Thư viện EFEO ở địa chỉ 22 Avenue
Président Wilson, 75116 Paris, trong tòa nhà Maison de l’Asie»
(e-mail của Cristina Cramerotti, conservatrice de la bibliothèque de l’EFEO ngày
8/2/2011)
Thành lập ngày 3 tháng giêng năm 1994 bởi sự sát nhập Thư
viện quốc gia và các thư viện thuộc hệ thống Bibliothèque de France, Thư
viện quốc gia Pháp hiện có độ 30 triệu tài liệu đủ loại (chỉ riêng sách
và ấn phẩm có 14 triệu trong số đó có 600 000 tài liệu trên kệ cho độc giả
tự do lựa chọn) phân phối tại 7 địa điểm. Địa điểm mang tên Bibliothèque
Francois Mitterrand được xem như trụ sở chính của thư viện.
Bộ sách về Việt Nam viết bằng tiếng Việt và tiếng
Pháp (một số ít Anh ngữ) được đặt ờ Thư viện Francois Miterrand, phòng Tolbiac.
Tìm trong Catalogue général
Tìm trong thư mục tổng quát, độc giả sẽ tìm được rất nhiều
sách xuất bản dưới thời Pháp thuộc, thời Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam dân chủ
Cộng hòa và sách xuất bản ở hải ngoại sau 1975. Nói chung là một bộ sách khá
quân bình về các khuynh hướng, các thời đại. Thư mục dễ tìm qua Internet, các
danh mục chữ Việt đọc được rõ ràng, ít có sự nhầm lẫn tên và họ người Việt.
Những tiêu đề tên tác giả có ghi chú thêm ngày sinh, ngày tử, biên mục chính
xác, đúng tầm vóc của một thư viện quốc gia. Tuy nhiên, khi tìm số sách căn cứ
vào họ tác giả, người nghiên cứu phải thận trọng giảm bớt số đơn vị đối với một
tác phẩm viết bởi nhiều tác giả vì quyển sách được dẫn mục (index) dưới
tất cả các tên.
Thí dụ : quyển Đại Nam Cuốc Sử Kí Diễn Ca / Lê
Ngọc Cát, Phạm Đình Toái, transcrit vietnamien par P.J.B. Trương Vĩnh Ký
Saigon, Bản in nhà nước, 1875 được dẫn mục với ba tiêu đề mang họ Lê,
Phạm và Trương.
Người nghiên cứu văn sử thời xưa sẽ hứng thú tìm được nhiều
tài liệu xưa đã tuyệt bản.
Thí dụ trong 1757 tiêu đề tác giả họ Nguyễn, chúng ta
tìm thấy :
- Bạch Viên tôn các / Nguyễn Jules Văn Việt, 1914
- Tàn Đường diễn nghĩa / Nguyễn An Khương, 1906
- Kim Vân Kiều / Nguyễn Du : pièce en trois actes par
Trương Minh Ký, 1897.
Thí dụ trong 602 tiêu đề với họ Trần, có La Thông Tảo Bắc
của Trần Phong Sắc, 1907.
Về tạp chí có nhiều tựa nguyên bộ, dưới dạng nguyên thủy chứ
không phải chụp trên vi phim. (thí dụ bộ Trung Bắc chủ nhật (1940-1945).
Tìm trong Bibliothèques numériques Gallica
Thư viện quốc gia Pháp không những cung cấp thư mục để tìm
sách lưu trử tại các thư viện ở Pháp mà còn cung cấp một khối lượng khổng
lồ tài liệu đọc được trên trang mạng (documents numérisés). Trong Bibliothèques
numériques Gallica, BNF có hơn 1,3 triệu tài liệu, phần lớn là tiếng Pháp có
thể đọc được trên màn hình, trong đó có 206 000 sách, 797 000 tạp chí và
33 000 tài liệu của các nhà sản xuất e-books. Thí dụ khi truy cập chữ Cochinchine,
độc giả sẽ đọc được nhiều công báo, tài liệu rất xưa như Bulletin
officiel de la Cochinchine, xuất bản từ năm 1863-1945, hay về thơ văn tiếng
pháp dưới dạng e-books thì vô số.
Thư tịch
Ngoài các sách đã có trong thư mục, các độc giả có thể biết
đầy đủ các tựa sách tồn trử ở Thư Viện Quốc Gia Pháp bằng cách tra cứu các quyển
thư tịch sau đây tồn trử ở Salle des catalogues et des
bibliographies :
- Catalogue du fonds vietnamien:1890-1921/réd. par Mme Le
Thi Ngoc Anh. Paris:
BN, 1988
-Catalogue du fonds vietnamien: livres vietnamiens imprimés
en quoc ngu 1922-1954. Paris :BN,1991(microfiches)
- Inventaire des livres imprimés vietnamiens,
1969-1979. Paris :
BN, 1987
- Catalogue des périodiques vietnamiens de la Bibliothèque
nationale / par Jean-Claude Poitelon et Nguyen Tat Dac. Paris : BN, 1993 (15 microfiches)
Bộ sách
Theo điện thư trả lời của nhân viên thẩm quyền của Thư
viện thì : «bộ sách tiếng Việt của BnF là một trong những bộ sách phong
phú nhất ở Âu châu và là một trong những lãnh vực ưu thế của thư viện. Phòng
Tài liệu viết tay (département des manuscrits) lưu trử 245 tài liệu. Bộ ấn phẩm
gồm khoảng 38 000 quyển sách và 126 tựa tạp chí, ngoài ra phải kể
đến bộ sách nộp bản (dépôt légal) gồm các ấn phẩm thời Đông Dương (fonds
«indochinois») từ 1922 đến 1954 dưới dạng vi phẩm. Tuy nhiên, độc giả không thể
tìm được tất cả các tài liệu qua thư mục. Mỗi năm, bộ sách gia tăng thêm độ 550
quyển » (Isabelle de Cours, điện thư 8/2/2011)
4-
Centre d’information et de documentation sur le Vietnam
contemporain (CID) . Điạ chỉ : 19 bis, rue Albert, 75013 Paris (www.cidvietnam.org)
Như tên gọi, CID vừa là một thư viện vừa là một cơ
quan thông tin cung cấp các tài liệu tin tức về nước Việt Nam hiện nay.
Thư viện có 6000 sách tiếng Việt (2/3 bộ sách), tiếng Pháp và một
số ít tiếng Anh. Trong vòng 20 năm nay kể từ lúc thành lập, CID nhận tặng dữ
của Thư viện quốc gia VN (HàNội), các nhà xuất bản VN và các tác giả VN. Một
cách tổng quát, CID là một thư viện của Việt Nam hiện nay ở đất Pháp. Giám
đốc của thư viện nầy là Alain Ruscio, một sử gia thiên Cộng. Ông đã viết hay
sưu tập nhiều tài liệu về Hồ Chí Minh mà quyển mới nhất (2007) là : Le procès
de la colonisation francaise et autres textes de Hồ Chí Minh.
5-
Maison Asie-Pacifique (MAP)– Université de Provence (Marseille)
Bộ sưu tập Đông Nam Á thuộc thư viện Maison Asie-Pacifique
(MAP) được thành lập năm 1994 ở Université de Provence. Đến năm 1999, MAP được
chuyển về Marseille, đặt dưới quyển quản trị của Université de Provence, trung
tâm nghiên cứu quốc gia CNRS và École des hautes études en sciences sociales.
Trong số 120 000 tài liệu của MAP, bộ sách tiếng Việt độ 6 000
quyển, đa số là sách xuất bản ở Việt Nam sau 1975.
6-
Institut d’Asie Orientale (IAO) (Lyon)
Cùng hợp với MAP, Viện IAO là một trung tâm nghiên cứu
về Đông Nam Á ở ngoài Paris.
Trung tâm có 30 000 sách và 350 tạp chí chuyên về xã hội và nhân văn về ba
quốc gia Trung Quốc, Nhật và Việt Nam (thêm một ít về Đại Hàn). Sách tiếng Việt
và sách về Việt Nam
độ 7000 (2/3 là tiếng Việt và phát triển nhiều những năm gần đây).
7-
Centre des archives d’Outre-mer –CAOM (Aix-en Provence)
Thành lập năm 1966, Văn Khố CAOM (www.archivesnationales.culture.gouv.fr/caom/fr)
tàng trử 37 km chiều dài các tài liệu, 60 000 bản đồ, 150 000 hình
ảnh và 100 000 quyển sách và 2600 tạp chí thuộc các cơ quan chánh phủ
Pháp đã quản trị các thuộc địa từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 và các văn khố
của các thuộc địa chuyển về Pháp sau khi các nước nầy độc lập.
Riêng về Việt Nam, Văn khố CAOM tàng trử các tài
liệu sau đây :
- văn khố các đô đốc và các toàn quyền Đông Dương (1858-1945)
- văn khố Cao Ủy Pháp ở Saigon
(1946-1954)
- văn khố bộ tham mưu quân sự Đông Dương (1880-1899)
- văn khố chánh quyền bảo hộ ở Bắc Kỳ(1874-1945) và ở Trung
Kỳ (1875-1942)
(riêng chánh quyền bảo hộ ở Nam Kỳ còn để lại ở Saigon sau khi người Pháp ra đi năm 1954)
Từ năm 2002, một số tài liệu và hình ảnh xưa có thể truy cập
qua Internet hay có thể gởi thơ để tìm tài liệu, xin hay mua bản sao các tài
liệu.
8-
Các trung tâm nghiên cứu khác có sách tiếng Việt Sách tiếng Việt
hay tiếng Pháp về Việt Nam là những sách chuyên đề về lịch sử, văn hóa ,thường
phải đọc tại chỗ.
- Société asiatique (52, rue du Cardinal Lemoine,
Paris) là thư viện tư, thành lập từ năm 1822, thuộc Collège de France. Bộ
sưu tập của thư viện gồm 100 000 sách, 1800 tựa tạp chí, phần lớn
trước 1945 (vì thư viện không có mua thêm sách chỉ nhận những tặng dữ của
các cá nhân hay các thư viện quốc gia như trường hợp bộ sách tiếng Việt).Tuy
nhiên, bộ sách tiếng Việt có nhiều tài liệu quý hay bản duy nhất còn tồn tại.
- Bibliothèque asiatique des missions étrangères (
28, rue de Babylone Paris 75231) trong số bộ sưu tập độ 20 000 sách
và 100 tạp chí thuộc các phái đoàn truyền giáo từ thế kỷ 17 đến nay, bộ sách
tiếng Việt có 800 quyển, một phần là chữ Nôm.
Anh
Thư viện quốc gia Anh Quốc hiện có một bộ sách tiếng Việt
khá quan trọng gồm 10 000 quyển và 290 tựa tạp chí và nhật báo, đặc
biệt có 5 tài liệu xưa chép tay và nguyên bản bằng Hán Nôm. Năm tài liệu
quý nầy là:
-Truyện Kiều viết theo chữ hán-nôm thực hiện năm 1894, trên
mỗi trang có hình vẻ minh họa cốt chuyện diễn tả qua các câu thơ, bìa có mạ
vàng.
- Hai sắc chỉ của vua ban cho Lord Macartney năm 1793.
- Bộ sách 10 quyển bằng chữ nôm gồm 46 vở kịch và 3 tiểu
thuyết.
- Bộ Annam Chí Lược bằng chữ Hán xuất hiện khoảng thế kỷ 18
- Bộ du ký của sứ thần của vua Tự Đức mô tả cảnh vật, đường
sá, sông ngòi, núi non, thành quách từ Hà Thành đến Bắc Kinh trong cuộc công du
vào năm 1880.
Ngoài ra có bộ Đại Nam Nhất Thống Chí bằng Hán–nôm in
tại Huế năm 1909 với bản đồ khắc trên gổ, quyển tự điển Việt-Bồ Đào Nha
(Dictionarium Annammiticum Lusitanum et Latinum in tại Rome năm 1651. Thư
viện British Library cũng còn lưu giữ độ 80 tài liệu quý ấn hành bởi Société
des missions étrangères ở Hong Kong.
Về bộ sách 10 000 quyển và bộ tạp chí 290 tựa nầy, phần
lớn là tài liệu xuất bản bởi miền Bắc từ 1954 đến 1975 do các chương
trình trao đổi ấn phẩm giữa thư viện quốc gia Hà Nội và Luân Đôn và sau 1975 từ
các nhà xuất bản ờ VN ( e-mail 14/2/2011 của Sud Chonchirdsin , curator
of Vietnamese collection)
Thư viện có đầy đủ bộ Công Báo của chánh phủ Hà Nội từ 1936
và toàn bộ Văn Kiện Đảng Cộng Sản từ năm 1924.
Ngay cho các sách báo xuất bản sau năm 1975, sách báo Cộng
Sản chiếm gần như toàn diện. Thí dụ tra cứu các sách với họ Trần, trong số 257
tựa chỉ có 7 tựa các tác giả ở hải ngoại, nhưng sách của tác giả trong nước thì
có nhiều sách mới xuất bản. Thí dụ Nguyễn đắc Xuân có 2 tựa trong đó có quyển 700
năm Thuận Hóa, Phú Xuân vừa mới xuất bản năm 2009. Cũng giống như Trung Tâm
CID của Pháp, bộ sách tiếng Việt của Thư Viện Quốc Gia Anh Quốc được xem như
một bộ phận của thư viện quốc gia VN Cộng Sản.
Xu thế chính trị thiên Cộng của British Library đã biểu hiện
rõ rệt trong việc chọn sách và cách ghi chú trong biên mục. Khi tìm danh sách
tạp chí và nhật báo với tiêu đề Hand lists of the Vietnamese periodicals, chúng
tôi nhận thấy trong số 293 tựa có độ 30 tựa xuất bản thời VNCH và hải ngoại, nhiều
tựa xuất bản ở hải ngoại có ghi chú thích: anti-communist
Muốn tìm bộ sách tiếng Việt đã được nhập vào thư viện trước
2005, độc giả phải tìm với thẻ thư viện ở phòng đọc sách Asian and African
Studies Reading Room. Các sách được mua sau năm 2005 có thể tìm trên trang mạng
với Integrated Catalogue (chúng tôi đếm với 10 họ «top ten» có
2460 tiêu đề).
Thư viện cũng có nhiều tài liệu về địa lý, bản đồ bằng tiếng
Việt và tiếng Anh, có thể tìm với copac.webcatalogue.
2-
Thư viện đại học
-Thư viện School of Oriental and African Sudies (SOAS) (www.soas.ac.uk/library/) thuộc University
of London có một bộ sách tiếng Việt độ 10 000 quyển trong
đó phân nửa bằng tiếng Việt và phân nửa bằng tiếng Anh và tiếng Pháp viết về
Việt Nam. Bộ sách phát triển một phần qua chương trình trao đổi với Thư Viện Quốc
Gia Hà Nội, một phần qua hai nhà phát hành độc quyền cho các thư viện hải ngoại
là Xunhasaba (Hà Nội) và Fahasa (Saigon)
(Nguồn liệu : Nicholas Martland, thư viện trưởng của SOAS)
-Thư viện Brynmor Jones Library thuộc University
of Hull cũng có một bộ sách tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp viết về VN
độ 1000 quyển, gần như tất cả là sách xuất bản ở VN sau 1975 (có đến 45 tựa
sách về Hồ Chí Minh).Nhưng theo trang nhà của thư viện, thì bộ sách nầy là
« the best collection of South East Asia Studies in Britain ouside of
London. » Dĩ nhiên, các tài liệu của thời VNCH trước đây và ở hải ngoại
rất hiếm.
Đức
1-
Thư viện Asie-Afrika Institut thuộc đại học Hamburg (www. kataloge.uni- hamburg.de)
có một bộ sách tham khảo và tiểu thuyết độ 4000 quyển.
Truy cập trong Campus Katalog Hamburg
(recherche avancée : Erweiterte Suche) có 2164 tựa đề của 10 họ VN phổ
biến. Tiểu thuyết xưa in lại cũng nhiều như Hồ Biểu Chánh có 35 tựa, Bình
Nguyên Lộc có 18 tựa, kể cả các tác giả ăn khách hiện nay như Nguyễn Ngọc Tư
cũng có 4 tựa.
2-
Thư viện đại học Berlin
(www.sbb.spk-berlin.de)cũng có bộ sách
tham khảovà tiểu thuyết độ 5000 quyển.
Hoa Kỳ
Là thư viện lớn nhất thế giới với 29 triệu sách, 75 triệu
tài liệu dưới các dạng khác nhau bằng 460 ngôn ngữ, 850 km chiều dài các
kệ sách .
Thư viện quốc gia Hoa Kỳ cũng như phần lớn các thư viện đại
học ở Mỹ thường bố trí bộ sách tiếng Việt trong Thư Mục Đông Nam Á
(Southeast Asia Collections) gồm nhiều quốc gia như Việt, Miên, Lào, Mả
Lai, Thái Lan… Nhân viên hữu trách của Thư Mục nầy cho biết bộ sách gồm
174 969 quyển và 11 198 ấn phẩm liên tục (serials), nhưng không
thể phân định riêng biệt cho số sách tiếng Việt, ngoại trừ danh sách 37
nhật báo hiện hành và 63 nhật báo xưa trên vi phẩm (microform)
Bằng phương pháp sưu tập theo tên tác tác giả và ngôn ngữ,
chúng tôi tìm được 19 100 tiêu dề với 10 họ phổ biến, nhưng khi giới hạn
với ngôn ngữ tiếng Việt, chúng tôi tìm thấy 15 390 tiêu đề. Từ những con
số tìm trên thư mục như trên, chúng tôi phỏng định bộ sách tiếng Việt ở Library
of Congress độ 30 000 tài liệu, nhưng nếu kể thêm sách ngoại
ngữ viết về VN của các tác giả người Việt thì khoảng 38 000 tài liệu.
Trong số 6801 tiêu đề tựa sách kể cả tiếng Pháp và tiếng Anh
mang họ Nguyễn, Thư viện có nhiều ấn bản xưa thí dụ như :
- Nguyễn Đình Chiểu. Lục Vân Tiên ca diễn / traduction par
Abel des Michels, 1883.
- Nguyễn Du. Kim Vân Kiều tân truyện / publié et traduit
pour la première fois par Abel des Michels, 1884.
Vì lẽ trong thời chiến tranh Việt Nam (1945-1975) thư viện
ít có liên hệ với Saigon hơn là với Hà Nội, do đó, tài liệu của VNCH và ngay
cho sách báo xuất bản ở hải ngoại sau 1975 cũng rất ít tại thư viện nầy. Thí dụ
như trong số 5401 tài liệu tiếng Việt mang họ Nguyễn, số tài liệu xuất bản
ở miền Bắc trước 1975 và Việt Nam sau 1975 là 5106 tài liệu, như vậy số tài liệu
xuất bản thời VNCH và hải ngoại chỉ có 295 tài liệu, chỉ chiếm tỷ lệ là 5%.
Hiện tượng sách vở báo chí tiếng Việt ở Miền Nam ít thấy
trong Thư viện Quốc Gia cũng như hầu hết các thư viện đại học ở Mỹ còn bắt
nguồn từ một lý do căn bản là ngay từ năm 1962, Jakarta Field Office
đã đặc trách chọn trước và cung cấp sách Á Châu cho các thư viện ở Mỹ và thông
lệ nầy vẫn tiếp tục cho đến hôm nay. Bản chất của các bộ sách tiếng Việt do đó
tùy thuộc hoàn toàn vào mức độ am tường văn hóa và địa chính trị của người chọn
sách.
Để giải quyết phần nào sự khan hiếm sách báo của Miền Nam,
thư viện vừa nhận được sự chuyển nhượng một lô sách của giáo sư NVT, nguyên
khoa trưởng Đại Học Văn Khoa Saigon mà theo lời của nhân viên thẩm
quyền «… this is to fill in the gap of books, which the Library of
Congress could not buy during the Vietnam War ». Thư viện cũng đang hợp
tác với Viện Hán Nôm Hà Nội để in lại 600 tác phẩm.
Thư viện có xuất bản hai thư mục liệt kê tài liệu tiếng
Việt, nhưng không được cập nhật hóa:
-Vietnamese holdings in the Library of Congress : a
bibliography, published in 1982, 236 p.
(list of monographs, periodicals titles
and newspapers in Vietnamese language)
-In 1987, it was updated and was re-titled: Vietnamese
holdings in the LC. Supplement 1979-1985
Thư viện Cornell, một trong mười thư viện đại học lớn nhất
của Hoa Kỳ có một bộ sách tiếng Việt quan trọng nhất ngoài Việt Nam.
Sách tiếng Việt được bố trí ở Kroch Library. Những tài
liệu ít lưu hành được lưu trử ở Annex Library.
Thư mục gồm các ấn phẩm thật xưa, loại tài liệu hiếm, thời
Pháp thuộc, thời chiến tranh Việt Nam.
Tại Kroch Library Asia, độc giả có thể đọc được :
- Phép giảng 8 ngày cho kẻ muốn chịu phép rửa tội /
Alexandre de Rhodes soạn năm 1651
- HoàngViệt thi văn tuyển / Bùi Huy Bích, 1825.
- Annam
vũ công / Nguyễn Trải, 1435. Microfilm of the original in the EFEO.
- Vũ Trung tùy bút / Phạm Đình Hổ, 1790.Microfilm of the
original in the EFEO
Điểm đặc biệt, Cornell có khá đầy đủ sách báo thời Việt Nam
Cộng Hòa và các ấn phẩm công (publications officielles) là những tài liệu về
chánh sách, công tác của các phủ bộ của chánh phủ từ 1955 đến 1975. Ngoài ra,
độc giả sẽ vô cùng ngạc nhiên tìm đọc được những đặc san Xuân của các trường
đại học, trung học, thậm chí cả những trường trung học nhỏ như Cần Giuộc, Kiến
Phong, tư thục Bồ Đề. Cornell đã và đang thực hiện chuyển sang vi phim
(microfilm) hàng trăm tạp chí và tài liệu về chiến tranh Việt Nam xuất bản ở
Miền Nam. Đây là một kho tài liệu quan trọng cho các nhà nghiên cứu tìm hiểu
Việt Nam
cả hai miền. Những năm gần đây, Cornell phát triển ngoài sách nghiên cứu còn có
thêm nhiều tiểu thuyết, hồi ký, sách cho độc giả quần chúng.
Theo điện thư trả lời của Gregory Green, giám đốc Kroch
Library ngày 17/2/2011, thì «bộ sưu tập về VN (tiếng Việt và ngoại ngữ) có 72 099
tài liệu gồm 60 607 sách, 8210 ấn phẩm liên tục (serials), 2263 tài
liệu thính thị, 526 tài liệu âm nhạc, 378 thu băng nhạc, 95 bản đồ,19 tài liệu
vi phim. Ngoài ra còn một số tài liệu khác mà chúng tôi không thể kiểm kê hết
được bởi lối biên mục khác nhau »
Sau Cornell, Harvard-Yenching (Cambridge, MA)
là thư viện đại học thứ hai có bộ sách tiếng Việt quan trọng. Bộ sách tiếng
Việt dồi dào về các khoa nhân văn và xã hội, đặc biệt về lich sử. Các nhà
nghiên cứu sử Việt sẽ tìm đọc được nguyên bộ tài liệu về triều Nguyễn dưới dạng
vi phẩm.
Ngoài một số sách báo xuất bản thời Pháp thuộc, đa số tài
liệu đều xuất bản ở Hà Nội ngay trong giai đoạn trước 1975. Những vi phẩm của
vài tạp chí xưa có thể tìm đọc ở đây như :
- Nam
Phong tạp chí : no.1 (juillet 1917)- no.208 (nov. 1934)
- Lục Tỉnh Tân Văn : no 1(avril 1910) – no. 70 ( sept.
1944) không đủ các số
- Gia Định báo : no. 1-2(1865)- 1897 (thiếu
vài năm)
Ngoài giá trị của bộ sách, cách sắp xếp thư mục rất rõ ràng,
biên mục đầy đủ, dễ truy cập.
Theo thống kê 1997 « bộ sách tiếng Việt bắt đầu được
thành lập từ năm 1973 và đến 1997 có hơn 10 000 quyển » (Harvard
University Gazette, Dec.11, 1997).
Năm 2007, trong số 1 triệu sách của thư viện Yenching, sách
tiếng Việt có 15 000 quyển (sách tiếng Tàu và tiếng Nhật nhiều
nhất : 659 000 tiếng Tàu và 296 000 tiếng Nhật). Ngoài ra, tài
liệu tiếng Việt còn tìm thấy ở các thư viện Harvard Law
School, Fine Arts, và Harvard
Map Collection.
4-
University of California, Berkeley
Libraries (UCB)
Southeast Asia Collections (www.library.ohiou-edu/sea/catalogs.html)
là một trong những bộ sách về Đông Nam Á quan trọng sau Cornell
và Harvard-Yenching gồm 400 000 quyển . Sách về Việt Nam, bao gồm các
lãnh vực từ triết học đến văn chương, từ chính trị đến kinh tế, xã hội, viết
bằng tiếng Việt, Anh, Pháp có thể tìm được ở thư viện Gardner Main
Stacks và Northern Regional Library Facility.
Đặc biệt Indochina Center được thành lập và phát triển
bởi Douglas Pike, là một trong những trung tâm lớn nhất thế giới tập trung các
tài liệu về Đông Dương, phần lớn bằng tiếng Anh, gồm các tài liệu chính thức
của các chánh phủ, đoàn thể, báo chí, và tư nhân được xếp theo hồ sơ đặc biệt
và chủ đề. Trung tâm còn lưu trử đầy đủ các tạp chí xuất bản sau 1975 (86 tựa
bằng tiếng Việt, Anh, Pháp). Chiều dài của các kệ sách, tủ tài liệu đến 525
feet
Độc giả nghiên cứu về Việt Nam (hai miền Nam Bắc) có thể tham
khảo các hồ sơ và chủ đề : lịch sử, kinh tế (mọi lãnh vực từ canh nông đến
kỹ nghệ, tổ chức tài chánh…), quân sự, giáo dục, ngoại giao, quốc hội, chính
trị, đảng phái, Saigon-Hanoi và các thành phố lớn. Hai cuộc di cư 1954 và 1975
cũng có dồi dào bài viết và hình ảnh. Từ năm 1999, một phần bộ tài liệu về
chiến tranh Việt Nam dưới dạng vi phẩm đã được di chuyển về Texas Tech
University, trong Vietnam Project gồm Vietnam Center và Vietnam Archive
là trung tâm tàng trử các tài liệu về chiến tranh Việt Nam viết bằng tiếng Anh.
Indochina Center
hợp với Vietnam Project được
xem như trung tâm tài liệu lớn nhất về chiến tranh Việt Nam. Hiện nay, Indochina Center
trực thuộc Center for Southeast Asia Studies.
Trong lãnh vực nghiên cứu Việt học, năm 2006, Center for
Southeast Asian Studies và University California Press đã xuất bản một chuyên
san tựa là Journal of Vietnamese Studies.
Ngoài ra, trong bộ Southeast Asia Microform Collections có
nhiều tựa các tạp chí tiếng Việt xuất bản trong khoảng thời gian 1920-1945 (thí
dụ La tribune indochinoise, Hà Thành thời báo, Đuốc Nhà Nam, Phong hóa…)
5-
University of California, Irvine
Libraries (UCI)
Southeast Asian Archive của UC Irvine Libraries (http://seaa.lib.uci.edu) được thành lập năm
1987 với mục đích chính là ghi nhận tài liệu về số dân Đông Nam Á sống
tại quận Cam. Những tài liệu đầu tiên đến từ các nhà hảo tâm ở California, các
nơi khác trên đất Hoa Kỳ, và từ hải ngoại « …Sứ mệnh của Văn Khố là bảo
tồn và ghi nhận đời sống xã hội, văn hóa, tôn giáo, chính trị và kinh tế của
người Mỹ gốc Đông Nam Á, khởi đầu từ sự ra đi khỏi vùng Đông Nam Á trong năm
1975 và tiếp tục trong tương lai với sự mở mang không ngừng của những cộng đồng
mới…» (tài liệu của Văn khố trên trang Web).
Riêng về bộ sách tiếng Việt và tiêng Anh viết về VN , vào
đầu năm 2011 có độ 2350 tựa sách, 4000 quyển, 200 tựa ấn phẩm liên
tục, 158 tài liệu thính thị. Ngoài ra, Irvine có 33 tủ hồ sơ (dài 390 feet) gồm các
tài liệu đa dạng linh tinh : diễn văn, thuyết trình, báo cáo, bài báo về
các chủ đề chuyên biệt (Nguồn liệu :e-mail Anne Frank 2007,
Christina Woo, 2/2011). Bộ sách nầy đặt tại LangSon Library.
Ngoài ra, trong sưu tập SEAAdoc (Documenting the Southeast
Asian American Experience)
http://seaadoc.lib.uci.edulưu
trử hình ảnh và tài liệu cuộc lập cư của người Việt, Miên, Lào tại California và trên đất
Mỹ.
Nói tóm lại, thư viện nầy vừa là một thư viện nghiên cứu,
vừa là một văn khố tàng trử tài liệu lịch sử của cuộc định cư của người Đông
Nam Á tại vùng California , nước Mỹ và một phần nào của cả thế giới
6-
University of California, Los
Angeles (UCLA)
Truy cập với 10 họ phổ biến trong Southeast Asian Collection
(www.catalog.library.ucla.edu)
có 3012 tiêu đề tài liệu tiếng Việt. Bộ sưu tập độ 5000 sách tiếng Việt
của Thư viện UCLA rất dễ tìm qua thư mục vì các chữ Việt có dấu rõ ràng, phân
biệt loại tài liệu (sách, tài liệu thính thị). Sách tiếng Việt được lưu trử ở Young
Research Library và Southern Regional Library Facility.
UCLA cũng có một
Center for
Southeast Asian Studies được thành lập năm 1999 để hổ trợ việc nghiên cứu
và giảng dạy văn hóa và lịch sử Đông Nam Á.
7-
Stanford University (California)
Vietnamese Subject Collection 1950-1990 gồm các tài liệu dồi
dào về chiến tranh Việt Nam, các vấn đề ngoại giao và chính trị của ba chánh
phủ Việt-Mỹ-Pháp viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đặc biệt bộ sưu tập các tài
liệu, thư từ của sinh viên Việt Nam ở Đông Đức (viết bằng tiếng Đức).
Các tài liệu nầy lưu trử ở Hoover Institution Archives.
(www.hoover.org/hila/collections/19188049.html)
8-
University
of Michigan
Là
một trong «top ten» thư viện đại học Hoa Kỳ, Thư viện Michigan có một bộ sách quan
trọng độ 15 000 quyển về tiếng Việt và ngoại ngữ viết về Việt Nam.
Truy cập với họ Nguyễn, thư viện có 4096 tựa nhưng nếu giới hạn với ngôn ngữ
Việt Nam, thư viện có 3178 tựa tiếng Việt mà đa số là sách xuất bản ở VN (2793),
kế đó là Hoa Kỳ (243). Bộ sách được lưu trử chính yếu ở hai thư viện là Hatcher
Graduate và Buhr Shelving Facility. Đây là bộ sách có thể tìm được nhiều tác
giả xuất bản thời VNCH, thí dụ sách của Nguyễn Hiến Lê (19 tựa), Nguyễn Thị Hoàng
(19), Nguyễn Văn Trung (11).Nguyễn Thụy Long (11), Nguyễn Văn Sâm (cả 4 tựa đã
xuất bản). Riêng Nguyễn Du có 45 tựa xuất bản tại nhiều nơi và nhiều thời kỳ.
9-
Yale University Library- Southeast
Asia Collection
Ngoài bộ sách tiếng Việt khá quan trọng độ 15 000 quyển
được lưu trử ở Sterling Memorial Library, (www.library.yale.edu/rsc/sml/),
trực thuộc thư viện còn có Council on Southeast Asia Studies là
một trung tâm giảng dạy và nghiên cứu các bộ môn văn hóa, lịch sử, địa lý, nhân
chủng, chính trị, về các quốc gia Đông Nam Á. Riêng về Việt Nam, dưới
quyền điều khiển của Giáo sư Huỳnh Sanh Thông, Trung tâm đã xuất bản hai bộ
sách nghiên cứu song ngữ Anh , Việt tựa là Lạc Việt và
Vietnam Forum.
10- Ohio University-
Southeast Asia Collection
Ngoài bộ sách tiếng Việt và tiếng Anh độ 3 000 quyển,
Thư Viện Ohio (www.library.ohiou.edu/sea) có một
bộ vi phim quan trọng về chiến tranh Việt Nam và Đông Nam Á. Bộ vi phim nầy
gồm có :
- John M. Echols Collection : là bộ sách tiếng Việt của
Thư Viện Cornell vể giai đoạn Mỹ tham chiến ở Việt Nam
- Hồ sơ mật về Đông Dương mang mã số 59 liên quan đến bang
giao giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á từ năm 1945 đến năm 1959 gồm hơn 100
bobines.
- Hồ sơ của CIA về Việt Nam và Đông Nam
Á từ 1946 đến 1976
- Hồ sơ về quân đội Mỹ ở Việt Nam, 1946-1976
- Tài liệu của tướng Westmoreland hơn 10 000
trang
11- Các thư viện
đại học khác
Ngoài ra, dưới tiêu đề Southeast Asia Collection
một số đại học khác cũng có một bộ sách tiếng Việt và sách tiếng Anh viết về
Việt Nam.
Các bộ sách nầy còn dung để hổ trợ các chương trình giảng dạy về Việt học và
tiếng Việt tại các đại học nầy.
Theo thông tin của các giới chức thư viện hay truy cập trên
thư mục, các bộ sách nầy có số thống kê như sau :
- University
of Washington (Suzzallo/Allen
Stacks Library),
- University of Hawaï-Manoa (Hamilton Library): độ 10 000
tài liệu (sách, báo, tài liệu thính thị)
- Arizona
State University
(Hayden Library)
- University of Wisconsin-Madison (Memorial Library) :
độ 5 000 tài liệu
- Northern Illinois University (NIU-Southeast Asia
Collection) có 6000 tài liệu về VN trong đó có 1700 tài liệu tiếng Việt
(re:Hao Phan, e-mail 9/2/2011)
-University
of Oregon :
(Knight Library) : độ 3 000
- University
of California, Riverside : độ 1000 tài liệu.
12- Viện Việt Học
(California)
Viện Việt Học (Institute of Vietnamese Studies) (www.viethoc.org) là một trung tâm nghiên cứu,
quảng bá và giảng dạy ngôn ngữ, văn học, văn hóa, lịch sử, địa lý Việt
Nam cho người Việt ở hải ngoại. Viện Việt Học có một thư viện gồm
nhiều tài liệu, sách, tạp chí nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn học, ngữ
học, giáo dục và văn minh Việt Nam cũng như tài liệu lịch sử về sự hình thành
và phát triển của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại. Vào tháng 2 năm 2011, Thư
viện Viện Việt Học có 2320 tựa với 2720 quyển sách, chưa kể các sách
tặng đang chờ làm biên mục trong đó có bộ sách của GS Tôn Thất Thiện gồm 800
quyển (điện thư PTLH, Viện Việt Học ngày 09/02/2011)
Á Châu
Nhật
Bản
Thư viện Quốc Gia Nhật Bản (National Diet Library) ở Tokyo www.ndl.go.jp
có một bộ sách chuyên biệt về Á Châu gồm 260 000 quyển , nhưng phần lớn là
tiếng Trung hoa (230 000 quyển). Bộ sách tiếng Việt có 2900 quyển.
Riêng về ấn phẩm liên tục, Thư viện có 133 tựa tạp chí, 18 tựa niên giám và 16
tựa nhật báo, tất cả đều xuất bản từ Việt Nam Cộng Sản (thống kê tháng 12/2008)
Singapore
thành lập năm 1968 là một trung tâm nghiên cứu về Đông Nam Á
có bộ sách 574 000 tài liệu gồm các thể loại và các ngôn ngữ. Trong số
180 603 tựa sách thuộc vùng Đông Nam Á, bộ sách tiếng Việt có 14 639
tựa (thống kê tháng ba 2010).Bộ sưu tập nầy có nhiều sách thời Việt Nam
Cộng Hòa.
Úc Châu
1-
Thư Viện Quốc Gia (National Library of Australia) www.nla.gov.au
Điều ngạc nhiên thích thú là Thư viện quốc gia Úc có một bộ
sách tiếng Việt khá quan trọng gồm 4000 sách và 200 ấn phẩm liên tục,
ngoài các tựa xưa dưới hình thức vi phim, trong đó có 10 nhật báo và tạp chí
xuất bản hiện nay ở Việt Nam (e-mail Amelia McKenzie, Director Asian Collections,11/2/2011).
Trong thời gian chiến tranh Việt Nam (1954-1975), Thư viện quốc gia nhận được
sách báo của hai miền Nam Bắc, nhưng đa số bộ sưu tập của thư viện là tặng phẩm
của Thư viện Quốc Gia và Viện Xã Hội ở Hà Nội. Hiện nay, Thư viện phát triển bộ
sách chính yếu là tài liệu cận đại về chính trị, lịch sử, văn hóa viết bằng
tiếng Việt, Pháp và Anh, không kể các tài liệu tiếng Việt xuất bản tại Úc theo
qui chế nộp bản .
Giá trị của bộ sách là bộ sưu tập của George Coedes
(1866-1970), nguyên là Giám Đốc trường Viễn Đông Bác Cổ. Năm 1970, Thư viện
Quốc Gia Úc đã mua toàn bộ tủ sách 6000 tài liệu của Coedes với giá 72 000
Úc kim gồm sách, báo, bản đồ và các bản văn chép tay (manuscrit) viết về Đông
Dương trước 1945, và những sách hiếm từ thế kỷ 19..Độc giả nghiên cứu về thời
kỳ Pháp thuộc cũng có thể đọc được độ 500 chuyên khảo (monograph) về thời Đông
Pháp và của trường Viễn Đông Bác Cổ.
2-
Các đại học, phân khoa Asian Studies cũng có bộ sách tiếng
Việt (đa số sách từ Việt Nam
sau 1975)
và sách nghiên cứu về Việt Nam viết bằng Anh ngữ tại Đại học
Australian National University (Canberra, ACT) có độ 10 000 tài
liệu và Monash University ( Matheson Library)có độ 2000.
Phần 2 . Các Thư Viện Công Cộng
Hoa
Kỳ
Với hơn một triệu người Việt tản mác khắp 50 tiểu bang Hoa
Kỳ, sách tiếng Việt được các thư viện các thành phố (city public
libraries) hay các quận (county public libraries) phát triển để phục vụ cộng
đồng người Việt.
California
California là tiểu bang có sách tiếng Việt
nhiều nhất ngoài Việt Nam.
Trong số 167 thư viện trung ương, 646 chi nhánh, 310 thư viện nhỏ (library
stations) và 63 trạm thư viện (mobile libraries), California có hơn 100 thư viện
công cộng có sách tiếng Việt.
Các thư viện có sách tiếng Việt được tập trung trong 4 khu
vực : khu Los Angeles-Orange Counties, khu Greater Bay, khu Sacramento-
Mother Lode và khu San Diego- Imperial Counties. Số sách tiếng Việt chỉ có tính
cách tượng trưng ở bốn khu : Riverside-San Bernardino-Inyo Counties;
Monterey Bay; North Bay &Wine County; và Central Valley. Hai khu còn lại
San Luis Obispo-Santa Barbara-Ventura và North State
gần như không có.
Vì lẽ không có thống kê chính thức cho từng khu vực, chúng
tôi áp dụng phương pháp truy cập 10 họ quan trọng như trên trong thư mục
của California Public Library (www.publiclibraries.com/california.htm)
để ước định bộ sách tiếng Việt.
Kết quả cho thấy bộ sách tiếng Việt gồm sách và các tài liệu
thính thị (vidéo, CD, DVD) tại số thư viện trên ước định khoảng 90 000
quyển sách và các phim ảnh, băng nhạc.
Đây là bộ sách thực sự gần gũi với độc giả người Việt bởi lẽ
đa số là sách báo xuất bản ở hải ngoại hay các tác giả ở miền Nam trước 1975.
Những năm gần đây, một số sách xuất bản trong nước đã lần lần xuất hiện
.Thư mục nầy dễ tìm và các chữ Việt đọc được, không như một số rất lớn
các thư mục trên các trang web có những tiêu đề với những mẫu tự gồm những dấu
lạ kỳ, không đọc được vì chương trình điện toán không thích nghi với chữ Việt
(trường hợp những chữ có dấu đặc biệt Việt Nam hay một mẫu tự có hai dấu)
Các thư viện công cộng có sách tiếng Việt:
Vùng Los Angeles và Orange Counties
Alhambra, Beverly Hills, Buena Park, Bruggemeyer Mem.,
Burbank, Cerritos, County of Los Angeles, El Segundo, Covina,, Glendale,
Fullerton, Hungtington Beach, Long Beach, Los Angeles, Mission Viejo, Orange,
Orange County, Oxnard, Palmdale City, Palos Verdes, Pasadena, South Pasadena,
Pomona, San Marino, Santa Ana, Santa Monica, Thousand Oaks.
Vùng Greater Bay
Alameda County, Alameda Free, Berkeley, Contra Costa Cnty,
Hayward, Mountain View, Oakland,Redwood City, Peninsula Syst., San
Francisco, San Jose, San Leandro, Santa Clara County, Santa Clara,
Sunnyvale.
Vùng Sacramento- Mother Lode
Nevada County, Placer County, Roseville, Sacramento,
Stockton- San Joaquina County, Stanislas, Yolo County, Yuba County.
Vùng San Diego
– Imperial Counties
ChulaVista, Coronado, Escondido, San Diego, San Diego County,
Oceanside.
Vùng Riverside-San Bernardino Inyo Counties
Beaumont, Hemet,
Palm Springs, Riverside,
Riverside County,
San Bernardino,
Rancho Mirage.
Vùng Monterey
Bay : Monterey County,
San Benito,Santa
Cruz.
VùngNorth Bay &Wine Counties : Belvedere Tiburon, Marin County,
Richmond, San Rafael,
Solano County.
Vùng Central Valley : Fresno, Kern County
Chú thích :
Danh sách trên gồm phần lớn là thư viện trung ương, không kể
các chi nhánh. Thí dụ như tại Thư viện Orange County có các chi nhánh có sách
tiếng Việt như : Aliso Viejo, Brea, Costa Mesa/Mesa Verde, El Toro,
Foothill Ranch, Fountain Valley, Garden Grove Regional, Irvine Heritage Park
Regional, Tustin, Westminster…
Vùng Seattle- Tacoma-Bremerton
Đây là vùng tập trung đông đảo người Việt ở hai tiểu bang
phía Bắc của California.
Thư viện công cộng Seattle ( www.spl.lib.wa.us)
có 12 150 quyển sách cho người lớn và trẻ con
trong đó Thư viện trung ương có độ 4500 quyển không kể số tài liệu thính
thị (CD và DVD nhạc). Số sách còn lại phân phối cho các chi nhánh như China
Town Branch, Beacon Hill, Rainier Beach, Columbia và Lake City. Thư viên Seattle cũng có 54 tạp
chí tiếng Việt phân phối ở thư viện trung ương và 12 chi nhánh. Ngoài ra,
phải kể thêm các thư viện công cộng Tacoma, Bremerton, Spokane, mỗi nơi
có khoảng 1000 sách và CD, DVD nhạc
Thư viện Mulnomah
County (www.multcolib.org)
là thư viện công cộng lớn nhất của tiểu bang Oregon, tập
trung độ 5000 tài liệu (sách, CD, DVD nhạc) cho người lớn và 1000
tài liệu cho trẻ con để phục vụ cộng đồng người Việt khu Portland. Số sách
nầy phần lớn ở Thư viện trung ương và các thư viện chi nhánh như Fairview,
Gregory Heights, Holgate, Hollywood, Midland, North Portland, Saint-John,
Woodstock.
Texas
Texas là tiểu bang thứ hai có đông đảo
người Việt sau California.
Hệ thống thư viện công cộng Houston (www.houstonlibrary.org)
có 4080 tựa (trong đó có 3850 tựa sách), trung bình
mỗi tựa có độ 2 đơn vị sách và tài liệu thính thị tập trung đa số tại Thư viện
trung ương và độ 20 chi nhánh như : Alief, Bracewell, Collier,
Hillendahl, Jungman, Kashmere Gardens, Park Place, Robinson, Stella Link,
Walter .
Từ những năm gần đây, Houston đón nhận thêm nhiều người Việt
và những cố gắng của nhiều chính quyền địa phương nhằm cung ứng các dịch vụ về
văn hóa cho người Việt (nguồn : Houston Public Library e-mail ngày 31/1/2011.
Thư viên Austin cũng không cung ứng đủ sách tiếng Việt cho người Việt.
Little Walnut có 1173 tựa, trong khi thư viện John Henry Faulk Central
Library chỉ có 348 tựa và chi nhánh Saint John chỉ có 311(nguồn
liệu : Stephanie Neely)
Hệ thống thư viện Arlington (www.pub-lib.ci.arlington.tx.us)
có độ 4000 sách và CD, DVD phân phối ở Thư viện
trung ương và hai chi nhánh East và Southeast.
Vùng Fort Worth - Dallas cũng có một số thư viện có sách tiếng Việt, nhưng số
lượng ít hơn.
Tại Fort Worth có độ 2000 quyển sách ở Thư viên
trung ương và các chi nhánh : East Regional, Halton City, Meadowbrook,
Riverside, Seminary South, Summerglen.
Tại Dallas cũng có độ một số sách tương tự ở Thư viện trung
ương và các chi nhánh : Casaview, Forest Green, Fretz
Park, Oak Lawn,
Renner Franfort.
Điểm đặc biệt lưu ý là trái với bộ sách tiếng Việt ở vùng
California có ít sách xuất bản ở Việt Nam, bộ sách tiếng Việt ở Texas đa
số là sách của Việt Nam Cộng Sản. Phải chăng, bộ sách ở đây được chọn lựa
bởi những người không am tường sở thích đọc sách của người Việt.
Vùng Washington
DC-Virginia
Thư viện Fairfax
County (www.fairfaxcounty.gov/lbrary/)
là thư viện lớn nhất trong vùng có bộ sách tiếng Việt. Chỉ
với 10 họ quan trọng, thư viện có 2225 tựa và mỗi tựa trung bình có 2 quyển.
Tính ra Fairfax
có độ 10 000 sách và tài liệu thính thị phân phối ở Thư viện trung
ương và các thư viện George Mason, Thomas Jefferson và Woodrow Wilson.
Đây là một trong các thư mục tiếng Việt trên thế giới có
nhiều ưu điểm : ít nhầm lẫn tên và họ, dễ đọc, sắp xếp theo năm xuất bản
gần nhất, phân biệt sách, báo, tài liệu thính thị, và nhất là có sự quân bình
giữa sách các tác giả Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam dân chủ Cộng Hòa.
Các thư viện tiếng Việt ở một số tiểu bang và các thành phố
lớn
-Florida : có khoảng 3000 tài liệu
(sách, DVD) tập trung ở vùng Orlando thuộc
Orange County Library System gồm các thư viện như : Main Library, Alafaya,
Edgewater, Hendon, North Orange, South trail, Washington Park.
-Georgia : có khoảng 5000 tài liệu tập trung
trong hệ thống Georgia Public Libraries gồm các thư viện Central Library,
Atlanta-Fulton, Dekalb, Hall Country, Athens, Cobb County, Newton County, Live
Oak.
-Philadelphia: có 6000 tài liệu (nguồn : Laura Clover) tập trung
trong hệ thống Free Library of Philadelphia gồm các thư viện Central Library,
và các chi nhánh South Philadelphia, Paschalville,Wyoming, Kensington, Logan,
Santore,Whitman, Olney.
-Boston : khoảng 4000 tài liệu thuộc
hệ thống Boston Public Library (2500) và Worcester&Lawrence (1500)
-New York : khoảng 4000 tài liệu ở
Bloomingdale, Donnel, Bronx, Francis Martin,
Sulfolk County Public Library.
Colorado : khoảng 3000 tài liệu ở Central Colorado
Public Libraries và Denver Public Library.
Tuy không thể liệt kê đầy đủ tất cả các thư viện công cộng ở
Hoa Kỳ, nhưng với một số lượng khoảng 160 000 quyển sách và tài liệu
thính thị tiếng Việt hiện lưu hành trong hơn 200 thư viện công cộng và khoảng
200 000 tài liệu tiếng Việt và ngoại ngữ tại 20 đại học để phục vụ cho hơn một
triệu người Việt, sự kiện nầy đã gợi lên được bản chất trọng chữ nghĩa
của một dân tộc vừa phải tái xây dựng trong nhục nhằn mà vẫn không quên gìn giữ
nền văn hóa cội nguồn.
Canada
Canada là một trong những quốc gia Tây Phương ít có
liên hệ lịch sử và ngoại giao với Việt Nam do đó tài liệu về Việt Nam hay sách
tiếng Việt trong các thư viện rất ít.
Tính chung, tài liệu tiếng Việt tại 3 tỉnh bang có đông đảo
người Việt là Ontario, Québec và British Columbia, bộ sách tiếng Việt chung cho
cả Canada độ 45 000 (sách và băng DVD nhạc), đa số là sách xuất bản ở hải
ngoại và tác giả miền Nam trước 1975 được tái bản. Số tài liệu tiếng Việt được
phân phối như sau :
-Tỉnh bang Ontario :
khoảng 30 000 tài liệu thuộc :
* Toronto Public Libraries : 22 000 ở
Central Library và 21 chi nhánh
* Ottawa Public Libraries : 5000 ở Central
Library và 3 chi nhánh
* Mississauga : 2000
* London Public Library :1000
-Tỉnh bang Québec: khoảng 10 000 gồm
* Bibliothèque de Montréal
(BIC) : 7 000
* Thư viện Quốc gia tỉnh bang (Bibliothèque nationale du Québec) : độ 500 phần lớn là sách nộp bản.
* Thư Viện Trung Tâm Giáo Dục Hồng
Đức (hội đoàn tư) : 2000
-Tỉnh bang Colombie-Britannique : 3238 tựa sách báo và
tài liệu thính thị ở Central Library và 7 chi nhánh (e-mail Gilian
Guilmant-Smith, 1/2/2011)
Pháp
Hệ thống thư viện công cộng ở Pháp không
quan tâm đến văn hóa các sắc tộc. Tại Paris, chỉ có chi nhánh Jean-Pierre
Melville (Paris 13è) có bộ sách tiếng Việt và chỉ có 1500 quyển.(e-mail de Jean
Claude Utard, conservateur général 15/02/2011). Độc giả muốn đọc sách Việt phải
đến Thư Viện quốc gia hay EFEO.
Ngoài ra, tại Paris có Thư viện Diên
Hồng là một thư viện tư nhân, do các người Việt thiện nguyện quản trị,nhưng
số giờ mở cửa rất hạn chế. Theo thư mục, thư viện có độ 4000 sách. Thư viện ở 7
rue du Disque, Paris 75013.
Anh
Đa số cộng đống Việt Nam tập trung ở vùng Luân Đôn,
Manchester và Birmingham, do đó tại các thư viện công cộng của các thành
phố nầy có bộ sách tiếng Việt.
Tại Luân Đôn, sách và tài liệu âm nhạc tiếng Việt tìm
thấy ở Hackney Central Library.
Tại Manchester, ngoài Thư viện trung ương còn có ở
các chi nhánh như Crumpsall, Language and Literature Library, Longsight,
Miles Plating và North City. Sách và âm nhạc tiếng Việt cũng có ở Thư
viện trung ương Birmingham.
Số sách và âm nhạc của mỗi thư viện không quá 1000 tựa, và đa số là sách
từ trong nước sau 1975.
Bắc Âu
Cộng đồng người Việt tại Bắc Âu là những thuyền nhân chỉ có
mặt trên dãy đất băng giá nầy từ cuối thập niên 70. Tuy các chánh phủ Na Uy,
Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan có chánh sách đãi ngộ đối với những di dân đến
đất nước họ vì lý do nhân đạo, người Việt tại vùng đất mới nầy gặp nhìều
khó khăn hơn trong việc hội nhập văn hóa và thích nghi phong thổ so với các nơi
khác. Sách báo, băng đĩa nhạc tiếng Việt, trong trường hợp nầy, là một nhu cầu
cần thiết và do đó các thư viện công cộng đã phát triển bộ sách tiếng Việt để
đáp ứng nguyện vọng của ngưởi Việt.
Bộ tài liệu tiếng Việt (sách, báo, tài
liệu thính thị) tại bốn quốc gia ở Bắc Âu (20 000 tài liệu các loại)
8760 sách, 287 DVD và 167 DVD tại thư viện trung ương và các
chi nhánh Hoved, Bjerke,Furuset, Holmlia, Majorstuen, Romsas,, Stovner,
Torshov.
-
Thụy Điển :Internationelle Biblioteke Stockhoms (www.biblioteket.stoccholm.se)
có 5000 quyển
-
Đan Mạch : Bibliotekscenter for Integration (www.kvinfo.dk) có 4000 quyển.
-
Phần Lan : Helsenki
City Library (www.helmet.fi/search) có 3000 quyển ở
thư viện trung ương và
các chi nhánh Pasila, Sello,
Tikkirula, Omena, Kirjasto.
Bộ sách thường tập trung ở Thư viện trung ương (thông
thường, thành phố tài trợ 25% và quốc gia 75%) và những lô sách nhỏ từ 50
đến 100 quyển được gởi đến một số chi nhánh trong thời gian ba tháng rồi luân
chuyển đến chi nhánh khác hay trả về trung ương. Chỉ trừ độc giả ở gần thư viện
trung ương được đến mượn sách trực tiếp, độc giả ở các nơi xa thủ đô phải điền
phiếu mượn sách gởi qua thư viện địa phương để các thư viện nầy chuyển về trung
ương. Việc chờ đợi độc giả khác hoàn trả sách lại cho thư viện cũng như thời gian chuyển vận là
những yếu tố trở ngại khi có được một tài liệu tiếng Việt như ý trong tay.
Đặc điểm của các bộ tài liệu tiếng Việt ở vùng nầy gốm cả
sách báo băng đĩa nhạc xuất bản ở hải ngoại và Việt Nam. Sách cho trẻ con cũng được
phát triển.
Úc Châu
Nếu bản chất ưu ái của chánh quyền đối với các di dân được
biểu lộ qua việc phát triển bộ sách sắc tộc, nước Úc quả là một quê hương thứ
hai mến yêu của người Việt.
Tại tiểu bang Victoria, có 15 thư viện trung ương và gần 50 thư viện
chi nhánh với 54 230 quyển sách và 10 800 băng, DCD,
dĩa nhạc các loại.(thống kê tháng 8 năm 2005)
Tài liệu (sách, báo, băng nhạc) ở thư viện công cộng tiểu
bang Victoria
Thư viện
|
tài liệu
|
Thư viện
|
tài liệu
|
Thư viện
|
tài liệu
|
Mooney Valley
|
15000, 800
|
Moreland City
|
4560,1601
|
Whitehorse Mann.
|
818, 38
|
Yarra-Melbourne
|
8500, 3000
|
Yarra Plenty
|
2210, 1087
|
Kingston
|
685, 263
|
Maribyrnong
|
7100, 1348
|
Dairebin
|
1390, 960
|
Hume Global
|
600
|
Cityof G. Dandenong
|
5820, 232
|
Hobsons Bay
|
950, 204
|
Geelong
|
250
|
Brimbank
|
5245, 1267
|
Monash
|
900
|
Eastern Regional
|
202
|
Chú thích : Con số đầu là sách, số sau là tài liệu thính thị
Tiểu bang New South Wales, có 17 thư viện trung ương có sách tiếng
Việt với 47 354 sách và
băng nhạc. (thống kê 2010)
Thư viện
|
tài liệu
|
Thư viện
|
tài liệu
|
Thư viện
|
tài liệu
|
Thư viện
|
tài liệu
|
Fairfield
|
11439
|
Aubum
|
4975
|
Holroyd
|
1245
|
Strathfield
|
505
|
Marrickville
|
5798
|
State Library
|
1944
|
Wollonggong
|
700
|
Randwick
|
304
|
Banstown
|
5744
|
Hurstville
|
1095
|
Blacktown
|
1160
|
Campbelltown
|
472
|
Canterbury
|
4574
|
Parramatta
|
1766
|
Willoughby
|
584
|
||
Liverpool
|
3228
|
Sydney
|
1821
|
Tổng cộng
|
47 354
|
Các vùng khác có bộ sưu tập tiếng Việt (sách, báo,
tàiliệu thính thị) ít hơn :
Vùng Australian Capital Territory (ACT) : 2022
tựa phân phối ở thư viện Tưggeranong và Balconnen
Vùng South Australia :
City of Charles Sturt
có độ 2500 tựa ở Civic Library.
Vùng Queensland :
2500 tựa phân phối ở South Brisbane, Stanley Place, South Bank Precinct.
Vùng New Zealand : Aucland City
có 1000 tựa ở Otahuhu Community Library.
Tổng kết bộ sách tiếng Việt và sách ngoại ngữ viết về Việt Nam tại các thư viện ngoài Việt Nam
Vùng
|
Thư viện quốc gia
đại học
|
Thư viện
công cộng
|
Tổng số
|
Hoa Kỳ
|
200 000
|
160 000
|
360 000
|
Canada
|
45 000
|
45 000
|
|
Pháp
|
70 000
|
5 000
|
75 000
|
Anh
|
20 000
|
2 000
|
22 000
|
Đức
|
10 000
|
10 000
|
|
Bắc Âu
|
20 000
|
20 000
|
|
Úc Châu
|
16 000
|
110 000
|
126 000
|
Á châu
|
18 000
|
18 000
|
|
Tổng cộng
|
334 000
|
342 000
|
676 000
|
Kết luận
Người Việt ham thích đọc sách, nhưng thực sự phải hỏi là
người Việt nào? Chúng ta có ít nhất ba giới độc giả chữ Việt.
Giới thứ nhất là những người Việt rời Việt Nam sau 1975,
hiện nay tuổi trên dưới sáu mươi, đã hấp thụ ít nhiều nền giáo dục và ý thức hệ
của hai chế độ Pháp và Việt Nam Cộng Hòa. Họ thực sự là những độc giả chuyên
cần, nhưng họ chỉ thích đọc những tác giả cùng sống với những chế độ
chính trị giống như họ. Họ thờ ơ hay từ chối sách vở xuất bản bởi Việt Nam Cộng
Sản bởi họ nghi ngờ thành tín của những người viết. Họ không muốn đọc
những bản văn tuyên truyền, thù hận họ dù rằng chiến tranh đã chấm dứt đã ba mươi
lăm năm. Họ cũng là những người tiếp tục viết hay bắt đầu viết ở ngoài quê
hương, nhưng kiến thức họ mòn dần với sinh kế và năm tháng. Đó là thế giới độc
giả của hơn nửa triệu tài liệu tiếng Việt trong các thư viện công cộng và các
trường đại học gần nơi họ cư trú. Cùng với người viết, thế giới độc giả nầy
cũng càng lúc càng lão hóa và hiện tượng tre già mà không có măng mọc, hay có
măng mà chẳng giống tre, khiến viễn tượng của bộ sách nửa triệu tài liệu nầy thực
đáng bi quan . Có thế nào, trong năm ba thập niên sắp đến, tiếng Việt sẽ
là một thứ tiếng La Tinh của đa số người gốc Việt ở ngoài nước Việt?
Giới thứ hai, mà người di tản thường gọi là thế hệ thứ hai
và nay đã đến thế hệ thứ ba là thế hệ những người Việt mà đa số không
biết đọc chữ Việt và dĩ nhiên họ không cần đến thư viện tiếng Việt. Trong gần
ba mươi năm gần gũi với văn hóa Việt Nam và bản địa, chúng tôi ít gặp
độc giả trẻ tuổi người Việt. Điều nầy cũng dễ hiểu vì chuyện trẻ con Việt
Nam
không nói được tiếng Việt suôn sẻ thì chờ đợi thế hệ nầy đọc sách tiếng
Việt là chuyện mộng mơ. Những lớp dạy tiếng Việt, biểu tượng thiện chí đáng
phục của các bậc thức giả ưu tư đến việc bảo tồn văn hóa Việt Nam, thực ra
không đào tạo đủ cho trẻ con có khả năng đọc và hiểu biết được cái thâm thúy của
một quyển sách tiếng Việt. Trẻ con Việt Nam, phần lớn dưới áp lực của cha
mẹ, theo học vài lớp sơ đẳng để chỉ bập bẹ một số đối thoại với một giọng đọc
ngượng ngập để rồi sau đó lãng quên trở về trọn vẹn với cái ngôn ngữ của trường
học và sở làm. Chỉ sau một thế hệ, người Việt đã bị đồng hóa ngôn ngữ, nếu
không muốn nói là cả văn hóa. Hiện tượng đàn áp ngôn ngữ (diglossie) thông
thường phải trải qua nhiều thế hệ đối với nhiều sắc tộc khác, nhưng với người
Việt lại quá tàn khốc vì quá nhanh. Nhưng nghĩ cho cùng, phải chăng đó là
cái giá mà cộng đồng Việt Nam
ở Bắc Mỹ đã tự nguyện chấp nhận để đánh đổi sự hội nhập. Đó cũng là cái
thảm trạng văn hóa của một dân tộc xây dựng một cộng đồng trong bất cập và bất
hạnh, phát triển trong tinh thần nỗ lực cá nhân nhưng phân tán tập thể, cơ cấu.
Giới thứ ba là giới những người Việt còn ở lại trong nước,
những người không muốn đi hay không đi được, và những người Việt sinh ra
và lớn lên trên quê hương sau 1975.
Họ là những người mà thư viện học gọi là những người « không
độc giả » (non lecteurs).Họ không dốt nhưng không đọc vì họ không có sách
để đọc bởi những sách họ thích đọc đã bị tiêu hủy và bi đát hơn, họ không có
tiền mua sách để đọc. Thế hệ con cháu họ, những người được giáo dục trong
các trường học với các giáo điều Cộng Sản không có ý niệm gì về
sách vở, văn hóa bởi trường học không dạy cho họ đọc sách, học văn
hóa.Thế giới nầy, già trẻ bé lớn, đa số đều ít đọc sách.
Trong khi liên lạc xin tài liệu, một đồng nghiệp người ngoại
quốc đã gay gắt với chúng tôi qua một điện thư: Ngân sách đã bị
cắt giảm mà phải ngắt ra để mua sách tiếng Việt. Độc giả người Việt các anh
không đọc sách mà chúng tôi có, và đòi hỏi chúng tôi những sách mà chúng tôi
không có. Chúng tôi phải làm gì ?
Câu hỏi có nhiều vế khúc mắc, và câu trả lời không đơn giản
chỉ thuộc phạm vi thư viện học. Cái thảm trạng chính trị và văn hóa của một dân
tộc điêu linh từ hơn một thế kỷ qua, trên quê hương và ngoài quê hương, mới
đích thực là câu trả lời.
Lâm Văn Bé
(Montréal, tháng 2/2011)