Việt Khang: Sức mạnh một bài hát, một bản án



Nhạc sĩ bất đồng chính kiến Việt Khang vừa mãn hạn 4 năm tù vì hai bài hát chống Trung Quốc và chất vấn chính sách cai trị của nhà cầm quyền Việt Nam: ‘Việt Nam tôi đâu’ và ‘Xin hỏi anh là ai’.
Nhạc sĩ bất đồng chính kiến Việt Khang vừa mãn hạn 4 năm tù vì hai bài hát chống Trung Quốc và chất vấn chính sách cai trị của nhà cầm quyền Việt Nam: ‘Việt Nam tôi đâu’ và ‘Xin hỏi anh là ai’.



Sức mạnh của một bài hát lay động hàng triệu con tim người Việt khắp nơi đã khiến một nhạc sĩ phải đi tù, nhưng sức mạnh của bản án đó đã không lay chuyển được tinh thần và ý chí của một trái tim khao khát dân chủ-tự do.   

Đó là câu chuyện của Việt Khang, nhạc sĩ trẻ vừa mãn hạn 4 năm tù vì hai bài hát chống Trung Quốc và chất vấn chính sách cai trị của nhà cầm quyền Việt Nam: ‘Việt Nam tôi đâu’ và ‘Xin hỏi anh là ai’.

Nhạc sĩ bất đồng chính kiến Việt Khang tên thật là Võ Minh Trí, sinh năm 1978 tại Tiền Giang. Anh bị bắt vào năm 2011 sau khi tự trình bày và phổ biến lên Youtube hai nhạc phẩm gây chú ý đặc biệt cho công luận trong và ngoài nước.

Việt Khang trở thành một ‘hiện tượng’ khi trường hợp của anh khơi dậy một chiến dịch thỉnh nguyện thư quy mô chưa từng có của người Việt trong và ngoài nước gửi thẳng vào Tòa Bạch Ốc kêu gọi chính phủ Mỹ tăng áp lực buộc Hà Nội tôn trọng nhân quyền, phóng thích tù nhân lương tâm vào năm 2012.

Tạp chí Thanh niên VOA hôm nay mời các bạn cùng gặp gỡ với tác giả của những ca từ ‘Xin hỏi anh là ai? Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?’

Việt Khang: Sức mạnh một bài hát, một bản án


Là người sinh sau đẻ muộn, tôi nghe và  tìm hiểu những gì đã xảy ra trước khi tôi ra đời cũng như hiểu được những gì của thời bây giờ. Tôi tích góp, xâu chuỗi lại, và kể thành một câu chuyện dài rằng qua nửa đời người, quê hương tôi đã trải quá nhiều cay đắng, nghiệt ngã mà giờ đây lại đứng trước họa ngoại xâm như vậy có đáng hay không?

Trà Mi: Hai câu hỏi bắt đầu bài hát của anh ‘Xin hỏi anh là ai, sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?’ anh đã có lời giải đáp cho mình chưa?
Việt Khang: Hình như đã có câu giải đáp. Người khác sẽ trả lời cho tôi câu hỏi này vì với tôi, thật sự khó trả lời, khó mà nói trong lúc này.

Trà Mi: Sau hai câu hỏi ‘Anh là ai?’ và ‘Việt Nam tôi đâu?’ anh bị lãnh 4 năm tù. Anh nghĩ sao về câu trả lời đó?

Việt Khang: Nói chung rất nhiều đắng cay, giống như câu hát sau đó ‘Đã quá nhiều đắng cay’. Câu hỏi ‘Anh là ai, sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?’ tôi không cần trả lời nhiều, để những người đã đối xử với tôi, tôi muốn tự họ hãy trả lời cho bản thân họ. Tôi muốn dành câu hỏi đó cho những người đã bắt tôi họ suy ngẫm lại.

Trà Mi: Đi tù vì 2 bài hát, anh có hối hận vì điều này?

Việt Khang: Những gì xảy ra đối với tôi là kết quả, không phải hậu quả. Tôi không ân hận gì.

Trà Mi: Hai bài hát của anh làm lay động con tim hàng triệu người Việt khắp nơi, anh muốn nói gì về hai đứa con tinh thần của mình?

Việt Khang: Chưa đầy 1 tháng hai bài hát đó ra đời. Hai đứa con tinh thần này chính là hoài bão, nỗi niềm, tình yêu của tôi. Tôi muốn đất nước mình tốt đẹp, bình an và người dân được hạnh phúc, ấm no. Trước những khó khăn và hiểm họa ngoại xâm, hai đứa con tinh thần của tôi đã giúp tôi nói lên sự thật vì thật sự tôi không thể ngồi yên hay lặng im. Hai bài hát đó tôi cũng không nghĩ là sẽ chạm được tới trái tim của nhiều người đến như vậy. Tôi thật sự rất bất ngờ khi đồng bào trong và ngoài nước quan tâm đến hai bài hát này và, quan trọng hơn là, quan tâm đến tình hình đất nước. Tôi cũng cảm ơn hai đứa con tinh thần của tôi.

Nhạc sĩ Việt Khang trở về trong vòng tay của người thân và bạn bè (Facebook: Do Tung).
Nhạc sĩ Việt Khang trở về trong vòng tay của người thân và bạn bè (Facebook: Do Tung).

Trà Mi: Mong muốn đất nước được bình an đã khiến anh phải trả giá bằng sự bình an của bản thân…

Việt Khang: Không có gì làm tôi phải đắn đo suy nghĩ vì tôi không thể so sánh sự bình an của tôi với sự bình an của quê hương đất nước. Tôi không dám so sánh.

Trà Mi: Nhưng mọi việc có được như anh mong muốn hay hoàn toàn ngược lại?

Nói chung rất nhiều đắng cay, giống như câu hát sau đó ‘Đã quá nhiều đắng cay’. Câu hỏi ‘Anh là ai, sao bắt tôi tôi làm điều gì sai?’ tôi không cần trả lời nhiều, để những người đã đối xử với tôi, tôi muốn tự họ hãy trả lời cho bản thân họ. Tôi muốn dành câu hỏi đó cho những người đã bắt tôi họ suy ngẫm lại.

Việt Khang: Tôi nghĩ đã được như ý tôi mong muốn. Rất nhiều người quan tâm đến hai bài hát và tình hình đất nước là tôi vừa ý lắm chứ.

Trà Mi: Có nhiều bản nhạc yêu nước ở Việt Nam, vì sao hai bài hát yêu nước của anh bị nhà nước xem là chống đối, nhạc sĩ Việt Khang suy nghĩ thế nào? 

Việt Khang: Tại vì mình nói không đúng quan điểm của người ta thì họ cho là chống đối. Nhưng ở một thời điểm nào khác, họ sẽ cảm thông được. Suy cho cùng, tôi vì quốc gia, dân tộc và vì sự yên bình của đất nước chứ không vì một mục đích nào khác.

Trà Mi: Trong tác phẩm của mình, anh nói ‘chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam’ nhưng rốt cuộc anh lại bị coi là chống nhà nước, anh hiểu thế nào?

Việt Khang: Tại vì người ta không tách riêng ra. Chẳng hạn như tôi có nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói đại ý là một thước đất, một tấc biển của quê hương kẻ nào dám lấy làm mồi cho giặc thì đáng tội. Câu nói đó cũng giống câu nói của tôi thôi. Tôi chỉ muốn cảnh tỉnh, nhắn nhủ mọi người về cái họa ngoại xâm. Tôi chống kẻ thù xâm lược và chống lại những sai trái, những người có suy nghĩ lạc lối.

Trà Mi: Luật sư của anh, ông Trần Vũ Hải, cho báo giới biết anh thừa nhận bài hát của mình có nội dung ‘chống nhà nước Việt Nam’ , thừa nhận có tham gia Tuổi trẻ yêu nước, có tập hợp tài liệu nhằm chống nhà nước Việt Nam, và anh đã xin khoan hồng tại tòa. Thực hư việc này thế nào?

Những gì xảy ra đối với tôi là kết quả, không phải hậu quả. Tôi không ân hận gì.

Việt Khang: Hoàn cảnh của tôi xuất thân từ một tỉnh lẻ. Khi tôi đấu tranh, nói lên sự thật, tôi cũng phải nghĩ đến những người thân yêu xung quanh tôi. Tôi không phải là một anh hùng, tôi chỉ là một công dân yêu nước. Còn cách làm, đó là quyền tự do chọn cách thức đấu tranh.

Trà Mi: Nhận tội-xin khoan hồng là điều kiện tiên quyết để được giảm án. Trong suốt thời gian thọ án, có bao giờ đề nghị này được đặt ra với anh?
Việt Khang: Đầu tiên tôi chọn cách là nhìn nhận các việc làm của tôi và tôi xin khoan hồng. Sau đó, tôi thay đổi. Tôi đã nói với họ rằng tôi đã chọn con đường này thì tôi phải đi, không gì lay chuyển được tôi. Cho nên, tôi ở tù đủ 4 năm mới về.

Trà Mi: Anh nghiệm ra điều gì từ bản án này?

Việt Khang: Tôi nghiệm ra rằng mọi chuyện không thể khác được, buộc phải xảy ra như vậy, buộc tôi phải làm theo cách của tôi, và buộc ngày hôm nay tôi phải nhận đủ 4 năm tù mới về trong thời điểm này để cho những chuyện gì xung quanh tôi xảy ra và có chiều hướng tích cực hơn, tốt hơn.

Tại vì mình nói không đúng quan điểm của người ta thì họ cho là chống đối. Nhưng ở một thời điểm nào khác, họ sẽ cảm thông được. Suy cho cùng, tôi vì quốc gia, dân tộc và vì sự yên bình của đất nước chứ không vì một mục đích nào khác.

Trà Mi: Hài lòng với tất cả những gì mình đã đi qua, anh cảm nhận thế nào về sức mạnh của một bài hát và sức mạnh của một bản án?

Việt Khang: Trong cuộc sống này phải có sự đánh đổi, phải có sự hy sinh. Là một người công dân yêu nước, tôi dùng nghề nghiệp của tôi để nói lên lòng yêu nước của tôi để nhiều người nghe, cảm nhận, cảm thông được với tôi về tình hình quê hương đất nước đang gặp khó khăn, hiểm nguy. Điều này được nhiều người quan tâm, đối với tôi là đủ rồi.

Trà Mi: Còn sức mạnh của bản án anh vừa lãnh, nó có đủ lay chuyển tinh thần-ý chí của cá nhân anh?

Việt Khang: Cá nhân tôi mà có lay chuyển chắc có lẽ tôi đã không dám ngồi đây để nói chuyện với chị đâu vì có những cái không…vì tôi còn đang trong thời hạn 3 năm quản chế.

Trà Mi: Trong điều kiện chính trị không dung chấp bất đồng tại Việt Nam, bài hát của anh bị xem là thách thức nhà cầm quyền, là đụng chạm. Anh có lường trước mọi chuyện trước khi chấp bút viết lên những ca từ đó?
Việt Khang: Có chứ, tôi biết chứ, nhưng không làm khác được. Tôi phải làm thôi. Tôi cũng phỏng đoán một là có thể mình gặp khó khăn, cam go; hai là biết đâu mình không bị sao cả và mọi chuyện sẽ tốt đẹp như mình muốn rằng đất nước của mình sẽ được tự do, ấm no, hạnh phúc. Nhưng cuối cùng, trong cuộc sống này không có trải nghiệm nào mà không có ý nghĩa của nó.

Trà Mi: Vì lường trước nên anh đã tự hòa âm, trình bày ca khúc, và phổ biến lên Youtube chứ không nhờ một ca sĩ nào thể hiện?

Việt Khang: Tôi không dám đụng chạm tới ai cả vì tôi biết việc làm này không đơn giản. Cho nên, tôi đã chọn cách làm một mình mình.

Tôi không muốn có ai phải trải qua những khó khăn như tôi. Tôi muốn những tấm chân tình yêu thương đất nước, yêu thương con người Việt Nam sẽ được yêu thương một cách công khai, chân thành, thật nhất mà không bị gì cả. Tôi hy vọng đất nước của mình ngày càng thay đổi tốt đẹp hơn, sánh vai với các nước tự do-dân chủ.

Trà Mi: Hai bài hát xuất phát từ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc như mọi người vẫn nghĩ,  nhưng mở đầu với câu ‘Thời gian quá nửa đời người. Và ta đã tỏ tường rồi’ nghĩa là những suy ngẫm ấy tích tụ từ bao nhiêu năm chứ không phải chỉ từ vài cuộc biểu tình?

Việt Khang: Đúng, bài ‘Việt Nam tôi đâu’ là tôi tích góp lại tất cả vì tôi cảm nhận được những gì xảy ra. Là người sinh sau đẻ muộn, tôi nghe và  tìm hiểu những gì đã xảy ra trước khi tôi ra đời cũng như hiểu được những gì của thời bây giờ. Tôi tích góp, xâu chuỗi lại, và kể thành một câu chuyện dài rằng qua nửa đời người, quê hương tôi đã trải quá nhiều cay đắng, nghiệt ngã mà giờ đây lại đứng trước họa ngoại xâm như vậy có đáng hay không?

Trà Mi: Là ‘người sinh sau đẻ muộn’ thuộc thế hệ trẻ, từ bao giờ anh bắt đầu ‘Xót dạ nhìn đời’?  

Việt Khang: Cuộc sống của tôi rày đây mai đó đi ca hát. Tôi nhìn thấy những đứa bé bán vé số hoặc nhiều hoàn cảnh tương tự, mình xót xa chứ. Mình thương mà mình không làm gì được cho người ta, xót xa lắm.

Trà Mi: Vẫn lời bài hát của anh, ‘Tôi không thể ngồi yên khi nước Việt Nam ngã nghiêng’, những tiếng nói ‘không thể ngồi yên’ như thế lần lượt bị tù, vậy tuổi trẻ Việt Nam có thể làm gì để Việt Nam không bị ‘ngã nghiêng’?

Việt Khang: Thì trước mắt phải có hy sinh, phải giống như tôi như thế này, nhưng tôi không muốn có ai phải trải qua những khó khăn như tôi. Tôi muốn những tấm chân tình yêu thương đất nước, yêu thương con người Việt Nam sẽ được yêu thương một cách công khai, chân thành, thật nhất mà không bị gì cả. Tôi hy vọng đất nước của mình ngày càng thay đổi tốt đẹp hơn, sánh vai với các nước tự do-dân chủ.

Là một người công dân yêu nước, tôi dùng nghề nghiệp của tôi để nói lên lòng yêu nước của tôi để nhiều người nghe, cảm nhận, cảm thông được với tôi về tình hình quê hương đất nước đang gặp khó khăn, hiểm nguy. Điều này được nhiều người quan tâm, đối với tôi là đủ rồi.

Trà Mi: Kêu gọi đáp lời sông núi bị đáp trả bằng án tù thì ai còn dám hưởng ứng lời kêu gọi đó? Nếu có ai đặt ra câu hỏi này, anh phản hồi thế nào?

Việt Khang: Không có cuộc đấu tranh nào mà không có hy sinh, mất mát. Nó buộc phải như vậy.

Trà Mi: Nhưng nếu ‘Xót dạ nhìn đời’ để cuối cùng xót dạ nhìn bản thân bị tù tội, giới trẻ Việt Nam thao thức không biết nên hay chăng?

Việt Khang: Mình nói sự thật. Cái cần nói mình phải nói thôi. Tôi hy vọng tương lai sắp tới, đất nước mình sẽ được bình yên, không phải bị đau thương mất mát gì nữa, không phải trải qua một cuộc chiến nào nữa. Tôi mong đất nước tốt đẹp hơn để khắp nơi kéo về cùng xây dựng một quê hương tự do, thanh bình , dân chủ, ấm no, hạnh phúc với tất cả mọi người.  Nhân đây, tôi xin cảm ơn tất cả quý vị luôn nghĩ về tôi. Xin tri ân tất cả. Tôi cầu mong Chúa sẽ ban ơn lành, an vui hạnh phúc cho tất cả, đặc biệt trong mùa Giáng sinh sắp tới.

Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.

Nguồn: VOA