Nghị Hội Quốc Tế Về Khí Hậu Tại Paris

Chúng ta muốn để lại cho các thế hệ tương lai một địa cầu như thế nào?
Nghị Hội Quốc Tế Về Khí Hậu Tại Paris


Phạm Hồng-Lam.

Thời Tiết (Weather, Wetter) khác với Khí Hậu (Climate, Klima).
Thời tiết là tình trạng khí hậu của một nơi nào đó trong một thời điểm ngắn hạn. Chẳng hạn: „Thời tiết ở Trung Âu dạo này lạ: sáng nắng, chiều mưa… hay giữa tháng 11 rồi mà có ngày vẫn nắng trên 20 độ Celsius“.
Khí hậu là tình trạng thời tiết của một nơi nào đó trong một thời gian dài. Chẳng hạn: „Ở Đức mùa hè ấm áp, mùa đông tuyết lạnh“.
Thời tiết thay đổi là lẽ thường: sáng lạnh, chiều ấm; tuần trước mưa, tuần này đổ tuyết…

Khí hậu biến đổi và hậu quả

Nhưng Khí hậu thay đổi thì lại là chuyện không bình thường, bởi vì nó làm thay đổi và đảo lộn các hệ sinh thái địa cầu.
Tại Đức, cách đây 15, 20 năm, hễ vào đông, đặc biệt dịp lễ Giáng Sinh, khắp nơi đều có tuyết. Hoặc vào ngày 30 tháng 4 hàng năm, tuy đã vào giữa mùa xuân nắng ấm, nhưng người tị nạn việt nam luôn luôn phải mang theo áo ấm và ô dù, khi ra khỏi nhà đi tham dự biểu tình chống cộng sản. Là vì ngày hôm đó thế nào trời cũng sẽ đổ mưa hay đổ tuyết. Năm nào cũng như thế. Nhưng nay, trên rất nhiều vùng ở nước Đức, chẳng còn cảnh Giáng Sinh trắng nữa. Hết tuyết. Và mùa hè có lúc lại nắng nóng không thua gì ở châu Phi. Thêm vào đó xuất hiện những trận bão càn hay những trận lũ tàn phá nhà cửa, mùa màng, ngày càng tăng.
Còn trên cấp độ trái đất? Giáo Tông Phan-sinh viết trong thông điệp về môi sinh (Laudato si; có thể đọc toàn bản dịch trong http://phongtraogiaodan.org/2015/10/08/laudato-si-chuc-tung-thien-chua/ :
„Khí hậu địa cầu của chúng ta đang ấm lên một cách đáng lo ngại. Trong những thập niên gần đây, việc ấm lên của khí hậu làm cho mực nước biển ngày càng dâng cao, và dường như còn kéo theo những hiện tượng thời tiết vô cùng khắc nghiệt”. (23)
“Địa cầu nóng lên làm ảnh hưởng tới chu kì các-bon. Nó tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn khiến tình trạng đã trầm trọng lại càng trầm trọng hơn. Nó ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên cần thiết sẵn có như nước uống, năng lượng và việc sản xuất nông nghiệp ở các vùng khí hậu nóng, và dẫn đến sự tuyệt chủng phần nào các sinh vật khác nhau của hành tinh. Tình trạng băng hà tan chảy ở hai địa cực và trên các vùng núi có thể dẫn đến việc thoát khí mê-tan rất nguy hiểm, và sự phân huỷ các chất hữu cơ đông lạnh có thể làm phân tán lượng khí các-bon nhiều hơn nữa… Sự ô nhiễm do khí các-bon khiến cho đại dương gia tăng nồng độ a-xít, gây bất lợi cho các chuỗi thức ăn ở biển. Nếu xu hướng hiện nay cứ tiếp tục, thế kỉ này cũng có thể chứng kiến ​​sự thay đổi khí hậu lạ thường và một sự tàn phá chưa từng có nơi các hệ sinh thái, kèm với những hậu quả nghiêm trọng cho tất cả chúng ta. Mực nước biển dâng cao, chẳng hạn, có thể gây nên những tình huống cực kì nghiêm trọng, nếu chúng ta nghĩ đến một phần tư dân số thế giới đang sống ở ven biển hoặc ở gần đó, và nghĩ đến phần lớn các thành phố lớn của chúng ta đều nằm ở các khu vực ven biển”. (24).
Đâu là hậu quả cụ thể của biến đổi khí hậu với sự gia tăng mặt nước biển đối với những dân tộc sống ven biển? Trường hợp quốc gia Malediven ở phía nam Ấn-độ là một thí dụ. Đảo quốc Malediven gồm 400 ngàn dân với 1196 hòn đảo quy tụ chung quanh 26 quần đảo san hô, với độ cao trung bình 1 mét trên mặt nước biển.
Dân malediven đang đứng trước cơ nguy mất quê hương và đang phải tính đường tị nạn. Vì theo các tính toán khoa học, nếu nhân loại vẫn tiếp tục thải một lượng các khí độc như hiện nay, thì tới năm 2100 mực nước biển sẽ dâng cao tới 0,82 mét và nhiệt độ địa cầu sẽ tăng có thể tới 4,8 độ C, so với thời tiền kĩ nghệ, nghĩa là cách đây 200 năm.
Nhưng đấy cũng chỉ là những con số của các nhà hàn lâm. Dù nước biển có dâng lên nửa mét hay 1 mét, Tổng Thống Mohamed Nasheed của Malediven, nguyên là một nhà đại dương học, biết rõ rằng, chỉ vài chục năm nữa, dân tộc ông chẳng còn quê hương. Vì thế, ông tính kế “bảo hiểm nhân thọ” cho dân tộc mình bằng cách chuẩn bị sẵn một quỹ cho tương lai với tiền thu từ nguồn du lịch (du khách là nguồn thu chính của Malediven). Ông cho hay, với quỹ này, khi tình thế đến, Malediven sẽ mua đất ở Úc (là một trong những nước hiện có lượng thải khí độc cao trong thế giới) để dời dân. Ấn-độ và Tân-tây-lan cũng là những đích nhắm dời dân của ông.
Mà chẳng cứ gì Malediven. Việt Nam cũng sẽ là một nạn nhân. Nếu mặt nước cao lên khoảng 1 mét, 40% đồng bằng sông Cửu Long sẽ chìm ngập, vựa lúa miền Nam sẽ biến mất và hơn 20 triệu đồng bào (hiện nay) mất đất sống.
Tương lai có lẽ hãy còn xa, nhưng kế hoạch của Mohamed Nasheed là một gai nhọn đâm vào da thịt của những nước hiện đang là quán quân phun khói và xả rác làm nóng địa cầu (Hoa-kì, Trung-hoa, Liên Hiệp Âu Châu, Ấn-độ, Úc, Nhật, Đại-hàn). Cũng như trước đây năm 2009, khi Nghị Hội Quốc Tế Về Môi Sinh đang diễn ra ở Kopenhagen, tổng thống Nasheed đã tổ chức họp nội các dưới đáy biển sâu 6 mét. Hình ảnh đó đã gây chấn động dư luận. Kế hoạch của Nasheed cũng đang đặt ra cho cộng đồng và luật pháp quốc tế nhiều câu hỏi cần giải đáp: Úc (hay bất cứ một quốc gia nào khác) có buộc phải bán đất cho một dân tộc đang gặp nguy cơ mất nước không, và có buộc phải bán với giá bình thường không? Vấn đề quốc tịch của dân malediven và của con cháu họ sau này sẽ ra sao? Nếu Úc không chịu bán đất, nhưng từng đoàn thuyền chở hàng trăm ngàn dân malediven trực chỉ Úc, thì Úc có quyền ngăn chận họ không, và thế giới phải có thái độ nào?…
Nghiên cứu ảnh hưởng các thiên tai khắc nghiệt nhất trong thời gian từ 1994 tới 2013, người ta xếp hạng thứ tự 10 nước trên thế giới sau đây có độ thiệt hại và có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nhất:

1. Honduras 6. Bangladesch
2. Miến-điện 7. Việt Nam
3. Haiti 8. Cộng Hoà Dominik
4. Nicaragua 9. Guatemala
5. Phi-luật-tân 10. Pakistan

Do đâu khí hậu biến đổi?

Không ai còn phủ nhận thực tế khí hậu biến đổi. Nhưng nó biến đổi do đâu?
Trong Thông Điệp Laudato si, Giáo Tông Phan-sinh khẳng định, biến đổi hoàn toàn do con người tạo ra, bên cạnh một số yếu tố ảnh hưởng phụ như hoạt động các núi lửa, sự thay đổi của quỹ đạo và trục trái đất cũng như của chu kì hoạt động của mặt trời… Ngài dành cả một chương III để luận bàn điểm này. Theo ngài, và các vị tiền nhiệm của ngài, khí hậu biến đổi, vì con người đã quá tin vào khả năng kĩ thuật của mình và quá ích kỉ; và vì họ coi địa cầu chỉ là một vật cho mình sử dụng, nên đã mặc sức khai thác và tàn phá nó.
Nhưng không phải ai cũng đồng í với Giáo Tông Phan-sinh. Điển hình là một số giám mục hoa-kì và đặc biệt là đảng Cộng Hoà ở Hoa-kì. Họ chống Laudato si, vì cho rằng, biến đổi khí hậu không phải chủ yếu do con người gây ra, mà là vì… khí hậu biến đổi, thế thôi; và họ tin rằng, con người có thể dùng kĩ thuật do mình tạo ra để chế ngự các hậu quả của biến đổi khí hậu. Hẳn nhiên, đằng sau lối lập luận này là lợi nhuận. Cộng Hoà ở Mĩ thường là tiếng nói của các nhà đại tư bản, các đại công ti dầu khí, hầm mỏ, máy bay, xe hơi…
Chống là một chuyện. Song thực tế thì khí hậu địa cầu đã biến đổi đến mức báo động. Vì thế Liên Hiệp Quốc đã thành lập Hội Đồng Khí Hậu Thế Giới (IPCC: Intergovernmental Panel on Climate Change) vào năm 1988, để điều nghiên, theo dõi sự biến đổi và đưa ra những báo cáo và đề nghị, hầu các Hội Nghị Thế Giới Về Khí Hậu hàng năm dựa vào đó để tìm biện pháp ngăn chặn đà gia tăng biến đổi của khí hậu địa cầu.
Một trong những thành quả căn bản của IPCC là chứng minh được rằng, sự biến đổi khí hậu đã diễn ra rồi và biến đổi này chủ yếu là do con người gây ra. Các bản báo cáo mới nhất của họ cho biết, biến đổi khí hậu ngày nay đã tác động trên mọi lục địa và biển cả. Hầu hết mọi băng tuyết trên khắp thế giới đang tan. Rồi đây những đợt nắng nóng thiêu đốt sẽ nhiều thêm và kéo dài. Nhiều vùng trên thế giới sẽ gặp lũ lụt gia tăng và lũ càng ngày càng khủng khiếp…
Nhưng thành quả này cũng chỉ là sự xác nhận kết quả 20 năm nghiên cứu của Claude Lorius (nay 83 tuổi), một nhân vật đã mở đường cho khoa nghiên cứu khí hậu hiện đại.
Câu chuyện bắt đầu vào một buổi tối năm 1965 tại trạm nghiên cứu Dumont d’Urville của Pháp trong vùng băng tuyết ở cực nam bán cầu. Trong căn phòng làm việc không quá 20 mét vuông, Lorius và mấy đồng nghiệp ngồi nhâm nhi li Whisky, trong khi bên ngoài nhiệt độ ở – 60 độ C. Bỗng ông để í tới những cái túi khí trắng trong mấy viên đá tuyết trong li rượu, những viên đá đập ra từ những tảng băng nhiều ngàn năm tuổi ở nam cực. Một biến cố tạo ảnh hưởng không thua gì biến cố Heureka (Tôi đã tìm ra rồi!) của Archimedes trước đây, khi ông nhìn trái táo rơi và khám phá ra định luật lực hút của trái đất.
Lorius chợt nghĩ: mấy túi khí kia chắc chắn được hình thành vào thời điểm đóng băng của nước. Nước đá giữ lại không khí của thời điểm lúc nó hình thành. Và khí trong các túi kia sẽ cho mình biết các loại khí của bầu khí quyển nhiều ngàn năm trước đây.
Thế là nhiều trăm mẫu đá băng được đào và nghiên cứu. Đến giữa thập niên 80 của thế kỉ trước, ông và các bạn trình làng những kết quả rúng động: Thứ nhất, ông chứng minh, từ hàng trăm ngàn năm nay các loại khí nhà kính như mê-tan và thán khí ảnh hưởng trên khí hậu địa cầu. Thứ hai, lượng thán khí trong khí quyển đã đột ngột gia tăng mạnh từ 200 năm nay, nghĩa là từ khi bắt đầu tiến trình kĩ nghệ hoá. Khám phá đó dẫn tới kết luận: con người làm biến đổi khí hậu qua việc họ đốt các nguyên liệu hoá thạch như than, dầu hoả và khí đốt. Nhiều năm sau, các nhà nghiên cứu khác cũng đi tới cùng một kết luận.

Nỗ lực cản ngăn của thế giới

Cùng với sự thành lập IPCC, LHQ hàng năm triệu tập những Nghị Hội Quốc Tế Về Khí Hậu. Cuộc nghị hội năm 1992 ở Rio de Janeiro (Ba-tây) cho ra đời bản „Hiệp ước khung của LHQ về những thay đổi khí hậu“, trong đó lần đầu tiên quốc tế đặt ra tiêu đích chung trong việc bảo vệ môi sinh, hạn chế khí thải và LHQ cho hay sẽ triệu tập các hội nghị quốc tế về khí hậu hàng năm.
Sau hai cuộc hội thất bại năm 1995 và 1996, nghị hội năm 1997 ở Kyoto (Nhật) đã đạt tới được một thoả ước gọi là Biên Bản Phụ (BBP) ấn định mức lượng khí thải cho các quốc gia đồng í tham gia. Biên Bản này bắt đầu hiệu lực từ ngày 16.02.2005. Theo đó, cho tới năm 2012, 39 quốc gia kĩ nghệ hàng năm hứa giảm lượng khí thải xuống 5,2% tính trên mức khí thải của năm 1990. Còn các quốc gia đang phát triển (Trung-quốc, Ba-tây, Ấn-độ…) và các quốc gia chưa (kém) phát triển thì không bị giới hạn nào. Hoa-kì không tham gia BBP. Nghị Hội Kyoto là mốc quan trọng của hành trình chống biến đổi khí hậu của thế giới.

10 quốc gia có lượng khí thải cao nhất hiện nay (triệu tấn)
bang 1

Lượng khí thải tính theo đầu người (triệu tấn)
bang 2
Trong Nghị Hội Montreal 2005 nhân dịp mở đầu tiến trình hiệu lực của Kyoto, 189 quốc gia kí kết BBP quyết tâm khẳng định sự nỗ lực của mình và đồng í rằng, các tiêu chí trong BBP sẽ được tiếp tục sau năm 2012 với những tiêu chí cao và ngặt hơn.
Nghị Hội Bali 2007 (In-đô-nê-si-a) tưởng chừng tan vỡ, vì thái độ bất thoả hiệp của Hoa-kì. Nghị hội cuối cùng đã thoả thuận: Vào năm 2009 sẽ tổ chức một nghị hội tại Kopenhagen để đưa ra một chương trình tiếp tục và thay thế BBP của Kyoto; các nước nghèo được hứa trợ giúp tài chánh, để giải quyết các hậu quả của biến đổi khí hậu; thêm vào đó, các nước nhiều rừng già bắt đầu từ năm 2013 được quyền bán định mức khí thải của họ cho các nước kĩ nghệ, để tránh nạn phá rừng.
Nhưng Hội Nghị 2009 Kopenhagen (Đan-mạch) đã thất bại trong việc đưa ra chương trình thay thế BBP. Hội nghị này chỉ đạt tới được một quyết tâm là không để nhiệt độ địa cầu tăng quá 2 độ C cho tới cuối thế kỉ, so với thời tiền kĩ nghệ cách đây 200 năm; 140 nước đồng í kí vào biên bản chung.
Nghị Hội Doha 2012 (Dubai) quyết định gia hạn việc áp dụng các tiêu đích của BBP Kyoto cho tới năm 2020. Sau dó sẽ có một chương trình hành động khác thay thế, chương trình này sẽ được hình thành trong Nghị Hội Paris 2015 tới đây. Nghị Hội Doha còn hứa, kể từ 2020 các nước kém phát triển sẽ được trợ giúp tài chánh để giải quyết các hậu quả của biến đổi khí hậu.
Nghị hội Paris 2015 (Pháp) sẽ khai diễn từ 30 tháng 11 tới 11 tháng 12. Đây sẽ là một nghị hội rất quan trọng, với nhiệm vụ đưa ra một thoả ước để thay thế thoả ước Kyoto. Thoả ước này sẽ gồm các tiêu chí cụ thể bó buộc cho tất cả 196 quốc gia trên thế giới, chứ không chỉ hạn chế cho các nước đã phát triển (kĩ nghệ) như trong BBP. Lần này, các nguyên thủ quốc gia sẽ về hội í ngay từ đầu, chứ không đợi mấy ngày chót tới để kí hoặc để kì kèo bớt một thêm hai, như trong tất cả các nghị hội khác về trước.
Thách đố lớn nhất của Nghị Hội Paris là phải có được một thoả thuận bó buộc cho tất cả các quốc gia thế giới.
10 năm qua, với thoả ước Kyoto, thay vì giảm 5,2% lượng khí nhà kính (so với năm 1990) như các quốc gia kĩ nghệ thoả thuận, thì lượng này lại tăng hơn trước tới 30%, là vì nhiều nước kĩ nghệ đã không giữ lời hứa, như Ca-na-đa, Úc, Tây-ban-nha, để rồi từ năm 2012 tuyên bố không tham gia nữa như Ca-na-đa, Tân-tây-lan, Nga, Nhật. Hoa-kì thì trước sau vẫn đứng ngoài. Đặc biệt lượng khí tăng là vì yếu tố Trung-quốc, một quốc gia đang phát triển và không bị hạn chế bởi BBP Kyoto; với 10.330 triệu tấn khí thải hiện nay, Trung-quốc đã vượt lên hàng đầu bảng những kẻ tàn phá khí hậu, gấp đôi lượng khí thải của Hoa-kì là nước đứng thứ nhì bảng.
Trong Laudato si, Giáo Tông Phan-sinh bảo rằng, đã có biết bao nhiêu là nghị hội, nhưng có thành công bao nhiêu đâu, là vì thế giới không có một thẩm quyền lãnh đạo chung và không có được những biện pháp chế tài. Ngài đề nghị phải làm sao có được hai định chế đó; nếu không, thì rồi sợ rằng cũng chả đi đến đâu, vì sự í thức về hiểm hoạ chung nơi nhiều dân tộc còn thấp và lòng ích kỉ của con người quá lớn.
Tiêu đích là làm sao cho tới năm 2100 phải giữ không để nhiệt độ địa cầu tăng quá 2 độ C (so với thời tiền kĩ nghệ). Nếu vượt mức này, địa cầu hay nói khác đi, các thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai sẽ gặp những tai hoạ khó lường do việc mặt nước biển tăng (hàng tỉ người mất đất sống), do việc đẩy nhanh tiến trình sa mạc hoá (hàng trăm triệu người phi châu sẽ phải dắt nhau tị nạn), khan hiếm nước (các dân tộc trung đông ngồi trên dầu mà chết khát), đa dạng sinh vật biến mất (biển cạn kiệt tôm cá), bão, lụt, hạn hán và các thiên tai khác gia tăng… Muốn thế, 40% lượng dầu hoả, 40% lượng khí đốt và 80% lượng than hiện nay phải được giữ lại trong lòng đất, không được khai thác. Nhưng với những mức độ hạn chế như vậy, xem ra trước mắt khó có được sự đồng lòng của nhiều quốc gia, đặc biệt những nước sống lệ thuộc vào sự khai thác nhiên liệu và khoáng sản.
Một trong những sáng tạo nhất của IPCC là đưa ra được í niệm về một Quỹ khí thải (Emissionsbudget), nhờ đó, ta có thể tính ra được lượng khí mà nhân loại còn được phép thải ra từ nay cho tới cuối thế kỉ, nếu muốn giữ nhiệt độ không tăng quá 2 độ C. Nhưng với mức độ thải khí như hiện nay, thế giới sẽ đạt tới lượng này trong vòng 30 năm tới, chứ chả phải đợi tới năm 2100.
Như vậy, chẳng còn nhiều thời gian nữa, và sự trông đợi nơi nghị hội Paris vô cùng lớn.
Trước đây, người ta tìm cách đề ra các tiêu chí từ trên để áp đặt xuống (top-down), nhưng đã không thành công. Nay đổi chiến thuật, chỉ đưa ra một khung tổng quát, chẳng hạn „cho tới năm 2050, lượng khí thải phải giảm 50%“, để từ đó các quốc gia tự xét khả năng và hoàn cảnh chính trị hầu tự chọn cho mình một tiêu đích thích hợp (bottom-up).
Trong nghị hội Warsaw 2013, 195 nước hạ quyết tâm sẽ thông báo quyết định của mình hạn chót vào tháng 3 năm 2015. Tới đầu tháng 10 đã có 146 quốc gia thông báo định mức của mình. Liên Hiệp Âu Châu xưa nay vẫn là gương sáng trong nỗ lực bảo vệ môi sinh, cho hay sẽ giảm tối thiểu 40% lượng khí thải so với năm 1990. Hoa-kì cho biết sẽ giảm từ 26 tới 28% so với lượng khí thải của năm 2005. Trung-quốc tuyên bố, cho tới 2030 họ sẽ giảm lượng khí thải xuống từ 60 tới 65% so với năm 2005. Ca-na-đa muốn cho tới năm 2030 sẽ giảm 30%. Hi vọng chính phủ mới ở Ca-na-đa sẽ tích cực hơn trong việc này; chứ nước này trước đây đã làm ngược lại lời hứa và bỏ cuộc nửa chừng. Xem ra vì thực tế, đa số các nước đã bỏ định mức so sánh ban đầu là năm 1990, để quay sang chọn lượng phun khói khổng lồ của năm 2005 làm điểm quy chiếu. Nhưng dù vậy cho đến nay, tổng khối lượng tiết giảm tự í của các quốc gia đã thông báo cũng chưa đạt được lượng phải đạt.
Vì thế, Nghị Hội Paris tới đây sẽ phải giải quyết những điểm quan trọng sau đây:
– Làm sao để có một thoả ước vừa có thể giữ được mức nhiệt độ tăng không quá 2 độ vừa mang tính cách trói buộc tự nguyện cho mọi quốc gia.
– Đưa ra được những chỉ tiêu báo cáo cụ thể và minh bạch buộc các quốc gia phải thực hiện, để LHQ có thể theo dõi kiểm soát được tiến độ thực hiện.
– Giải quyết cụ thể việc yểm trợ tài chánh cho các nước nghèo, hầu khuyến khích và giúp họ giải quyết những khó khăn và thiệt hại trong nỗ lực giảm khí thải. Năm 2009 ở Kopenhagen người ta đã đồng í cho tới năm 2020 sẽ tạo một quỹ trợ giúp môi sinh 100 tỉ đô-la, và sau đó hàng năm sẽ đóng thêm 100 tỉ. Nghị Hội Paris sẽ phải cụ thể hoá lời hứa này.

Nghị Hội Paris sẽ là một thách đố lớn cho í thức trách nhiệm của các dân tộc. Vấn đề chẳng phải là chuyện cò kè bớt một thêm hai về những định mức khí thải. Nhưng là câu hỏi, như Giáo Tông Phan-sinh đã nhấn mạnh trong thông điệp của mình:
Chúng ta muốn để lại cho các thế hệ tương lai một thế giới như thế nào? Chúng ta muốn tiếp tục khai thác địa cầu để thoả mãn lòng tham vô biên của mình, hay muốn gầy dựng cho các thế hệ con cháu một gia sản tốt đẹp? Chúng ta muốn để lại cho con cháu một địa cầu tan hoang cạn kiệt tài nguyên, hay muốn xây dựng cho chúng một ngôi nhà khang trang bền vững?
Augsburg, ngày 11.11.2015
Tham khảo:
– Dagmar Dehmer, Neuer Anlauf, trong Das Parlament số 31-32
– Berhard Pötter, „Wir armen Länder“, trong Die Zeit số 45
– Oliver Geden và Silke Beck, Klimatpolitik am Scheidenweg, trong Aus Politik und Zeitgeschichte, số 41-42 (2015)
– Joachim Schnellnhuber, Wir tauchen bald auf, trong Die Zeit số 44