Gia đình người Việt-nam tại hải ngoại


Huỳnh văn Công
HOENSBROOK, Hòa Lan
Gia đình người Việt-nam
tại hải ngoại

I. Lời mở đầu

Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, có nhiều gia đình Việt-nam bỏ nước ra đi tìm tự do. Con số này tại hải ngoại lên đến khoảng 2 triệu người và trong đó rất ít gia đình toàn vẹn. Ngoài ra còn có những thanh niên nam nữ gặp nhau trên đường tha hương họp nhau tạo thành đời sống lứa đôi. Được may mắn cùng ra đi với đầy đủ vợ chồng, con cái, thì cũng còn kẹt lại những người thân yêu như cha mẹ già yếu, ông bà tuổi đã xế bóng chiều, anh chị em trong đại gia đình theo dõi ngóng trông.

Hầu hết người Việt-nam đến định cư tại các quốc gia hào hiệp, đầy lòng nhân đạo như Hoa Kỳ, thu nhận khoảng 1 triệu người, Pháp thu nhận khoảng 200 ngàn người, Canađa thu nhận khoảng 200 ngàn người và số còn lại được các quốc gia như: Úc, Đức, Bỉ, Hòa Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Đan-mạch, Anh v..v... thu nhận. Những người Việt-nam tỵ nạn như chúng ta đã lìa bỏ quê cha đất tổ của mình một cách bất đắc dĩ, không kịp chuẩn bị về mọi mặt, có khi không kịp gặp người thân để nói lời từ giã! Những khía cạnh tâm lý, văn hóa, xã hội, và tôn giáo...đôi khi phải tủi thẹn đánh mất để sớm hòa mình vào xã hội hoàn toàn mới lạ! Ngôn ngữ mới, văn hóa mới, phong tục, tập quán mới, nhu cầu ăn uống mới...
Mỗi người phải đành lòng chấp nhận giao tiếp với văn minh Âu Mỹ mà tư duy, cảm nghĩ, quan niệm sống, tính tình, sỡ thích...có nhiều khác hẳn với đời sống người dân Việt Nam.
Những giao động và xáo trộn trong đời sống mới, và đơn vị gia đình trở thành vấn nạn. Xung đột giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, giữa ông bà và con cháu, và nhiều hiểu lầm đáng tiếc! Nhiều đổ vỡ hạnh phúc, nhiều hố sâu ngăn cách giữa thế hệ già trẻ...ít nhiều đã xảy ra trong mỗi gia đình Việt-nam đang sống tại hải ngoại .


II. Xây dựng gia đình
Gia đình là gì? Có thể đơn giản giải thích rằng gia đình là sự bắt đầu bằng một tổ uyên ương thương yêu nhau đậm đà từ giữa hai người nam và nữ. Họ hứa hẹn sống chung trọn đời vợ chồng, chung thủy cho đến chết và từ tình yêu này các đứa con thân yêu ra đời, được âu yếm nuôi dưỡng và giáo dục cho thành người hữu dụng.
            Trong đức tin Cơ đốc giáo, gia đình là một đơn vị thánh, đơn vị xã hội căn bản được chính Thiên Chúa tạo dựng và chúc lành. "Nhưng từng lúc đầu sáng thế, Đức Chúa Trời làm ra một người nam và một người nữ...và hai người cùng nên một thịt mà thôi. Như thế vợ chồng chẳng phải là hai nữa mà chỉ là một thịt. Vậy người ta không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp. (Mác 10: 6-9)

            Kể từ ông tổ A-đam và bà tổ Ê-va, gia đình đã được thành lập và chúc phúc! Ngày nay chúng ta có thể hiểu rằng gia đình là nền tảng căn bản tối cần nhất để nâng đỡ và xây dựng cuộc sống trong tình yêu; thông cảm và chia xẻ. Hơn bất cứ điều gì, gia đình phải chính là tổ ấm tình yêu để đặt nền tảng cho mọi thứ tình yêu khác.

2.1 Gia đình với xã hội Việt-nam
            Chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, xã hội Việt-nam xem gia đình là một thực thể, nền tảng hình thành xã hội, cá nhân chỉ là thứ yếu. Gia đình Việt-nam vì vậy cũng là một đại gia đình theo kiểu nới rộng vì gồm có vợ chồng, con cái, và ông bà sống chung dưới một mái nhà với nhiều kỷ niệm. Bà con cô cậu, chú bác, dì dượng, và họ hàng là một cộng đồng nhỏ đầy thương yêu và đùm bọc che chở cho mỗi người trong đại gia đình này. Hài hòa trong tinh thần Lạc-Việt, những người chết trong gia đình cũng được kính yêu và tưởng nhớ.
            Gia đình Việt-nam và xã hội Việt-nam chịu nhiều ảnh hưởng của Nho Giáo; hơn một ngàn năm từ tư tưởng, học thuật, nghệ thuật, luân lý, đạo đức...vì vậy cách suy nghĩ, tâm tình, nếp sống, cách ăn ở, giao tiếp, phong tục, tập quán...đả trở thành quen thuộc. Hơn thế nữa, hầu hết người Việt-nam quen đời sống văn minh nông nghiệp, gần gũi với trời đất, thiên nhiên vạn vật. Hạnh phúc của người Việtnam nói riêng hay gia đình nói chung là ý muốn và bắt nguồn từ thừa hưởng phúc đức của trời đất ban phát, do ông bà tổ tiên để lại và thể hiện trong ung dung thư thái của bản thân hòa hợp với sự yêu thương lẫn nhau trong tiểu gia đình và đại gia đình. Có thể nói tình yêu thương chan hòa, hạnh phúc miên viễn từ ông bà tới cha mạ, lứa đôi vợ chồng đến con, cháu, chắt, chút, chít!
Các gia đình nho phong được xã hội tôn kính và trọng vọng vì ông bà, cha mẹ con cái thương yêu nhường nhịn, kính trọng lẫn nhau và nhất là tuyệt đối vâng lời dạy bảo của kẻ bề trên: đi thưa về trình; dựng vợ chồng tuân theo ý kiến cha mẹ.
Đơn vị gia đình đó đã bị lung lay hoặc có khi bị gió bão thổi ngã với sự tiếp cận văn minh Âu-Mỹ?

2.2 Gia đình với xã hội Âu Mỹ
Gia đình và xã hội Âu Mỹ thừa hưởng tư duy, triết lý của nền khoa học cực thịnh, kỹ nghệ phát triển toàn diện. Máy móc thay người sản xuất hàng hóa rất nhiều và rất nhanh. Con người sống hưởng thụ chỉ biết dùng, biết mua, biết phá hay làm cho hư hỏng để rồi tiếp tục trả tiền mua một vật dụng khác. Đó là văn minh cơ khí giúp con người tiêu thụ và tiêu khiển! Gia đình của xã hội Âu Mỹ gần như không được đặt thành vấn đề quan trọng! Trong một xã hội, cá nhân con người được đề cao trên mọi lãnh vực thì gia đình chỉ trở thành một hợp đồng được hợp thức hóa trước mặt pháp luật một cách tạm thời bằng một hôn thú. Hôn thú nầy có thể như một hợp đồng hợp thức việc sống chung với nhau. Pháp luật được lập ra và đồng ý cho xé bỏ tờ hợp đồng sống chung nầy qua thủ tục ly dị trước tòa án. Điều đó cho chúng ta thấy rằng gia đình của xã hội Âu Mỹ không được xem là thực thể thiêng liêng mà chỉ là hợp đồng sống chung tạm thời. Làm sao gia đình được xem là tổ ấm, là nơi mọi người chung sống, chia ngọt xẻ bùi; khi cá nhân được coi như thực thể nền tảng thành hình xã hội? Cá nhân được đề cao thái quá trên mọi lãnh vực. Khi chủ nghĩa cá nhân được đề cao, con người sống trong xã hội Âu Mỹ thật khó có thể lấy quyết định sống chung suốt đời với người khác phái dù rằng họ đã thương yêu. Đã lập gia đình nhưng mỗi người trong họ còn nghĩ rằng mỗi người còn có nhiều thay đổi bất thường như vì tuổi tác, vì hoàn cảnh, công ăn việc làm và nhu cầu thăng tiến v..v... Cá nhân của họ muốn hưởng thụ thật nhiều mà không bị ràng buộc vào bất cứ một khế ước hay hợp đồng sống chung nào! Ngày nay trong quan niệm hẹp hòi đó có nhiều thanh niên, thiếu nữ sống chung như vợ chồng mà không muốn làm lễ cưới hay hôn thú vì họ phải sống thử bên nhau và thử xem có hợp với nhau hay không! Có rất nhiều người Âu Mỹ trong đời mình đã đổi thay 5, 7 lần chồng vợ. Gia đình tan nát và con cái bơ vơ hoặc thiếu cha hoặc thiếu mẹ. Chúng lạc lõng, thiếu chăm sóc giáo dục đầy đủ.

2.3 Hạnh phúc gia đình
Hạnh phúc của người Việt-nam ít tính cách cá nhân hơn nơi người Âu Mỹ. Khi đời sống cá nhân được đề cao và thích hưởng thụ cho bản ngã thì những người thân chung quanh như ông bà, cha mẹ, con cháu trở thành xa lạ mà ngay cả người vợ, người chồng thường được gọi là " một nữa của chính mình" hay  " cái ta khác của chính ta “ cũng nhiều khi bị phân biệt với chính mình trong cách ăn uống, suy nghĩ, cảm xúc hoàn toàn tự do, biệt lập và không cần chia ngọt xẻ bùi!
Nơi người Việt-nam, vợ chồng thân yêu khắng khít nên chồng gọi vợ là "mình"  vợ gọi chồng là "mình" và khi phải xưng hô với người khác thì các từ "nhà tôi, nhà con, nhà em"... nghe thật thắm thiết, êm tai, yêu thương, và thân mật. Vợ chồng được chúc phúc " trở nên một thịt " là vậy.
Hạnh phúc của người Việt-nam có nhiều tích liên hệ, liên đới hơn. Dù sống ở bất cứ nơi nào họ cũng được cảm thấy không thể nào không ràng buộc với cha mẹ yêu quí, với những người thân gần xa. Nhiều gia đình người Việt-nam chịu khó di chuyển, dời chổ để được đến gần bên người thân yêu trong đại gia đình, bên bà con thân thiết. Trong khi đó người Âu Mỹ không muốn bị ràng buộc mãi vào một mái nhà hay một chổ định cư nhất định. Họ ưng di chuyển, bán nhà, tìm nơi xa lạ để phát triển, để đời sống được thoải mái hơn. Họ cũng thường di chuyển vì công ăn việc làm. Nếu người Việt-nam ưa thích gìn giữ các món đồ trong gia đình như bảo tàng trân quí thì người Âu Mỹ, chẳng món đồ nào họ xử dụng, xài lâu vì vậy đem bán đấu giá, bán rẽ để rồi mua những món đồ mới mang lại trang trí cho nhà, cho tiện nghi vừa mắt.

 III. Gia đình Việt-nam tại hải ngoại

           Gia đình được xem như trọng tâm của nền văn minh tình thương nhưng có nhiều người lầm tưởng rằng gia đình chỉ là sản phẩm của khoa xã hội học hay là một tổ hợp qui tụ các cá nhân chấp thuận sống chung với nhau. Nếu phân chia được những người Việt-nam ra đi và đang sinh sống tại hải ngoại thì sẽ thấy có hai thế hệ. Thế hệ thứ nhất là những người lớn đã đưa trọn vẹn gia đình hay bán phần gia đình rồi lần hồi đoàn tụ; những thanh niên, thiếu nữ lớn lên và được trưởng dưỡng, giáo dục, hấp thụ văn minh văn hóa dân tộc gặp nhau cưới hỏi nên vợ chồng. Thế hệ thứ hai trẻ hơn, theo cha mẹ hoặc anh chị ra đi, lớn lên và hấp thụ văn hóa mới; giáo dục khác hẳn với phụ huynh của mình. Thành phần này chưa đông lắm, và gần gũi với những gia đình Âu-Mỹ hơn hay cách diễn đạt cách khác là thế hệ này đã Âu Mỹ hóa rất nhiều.                             


3.1 Đời sống vợ chồng
Những cặp vợ chồng này sống trong đất nước mới, xã hội mới, phong tục, tập quán khác lạ với tâm hồn, phong tục, tập quán, giáo dục... còn rất Việt-nam. Theo đà hội nhập không tiên liệu hiện nay các gia đình này đang đối đầu với những khó khăn mới phát xuất từ sự dị biệt giữa hai nguồn văn hóa mà tình nghĩa vợ chồng đặt trên căn bản, nền tảng tiểu gia đình trong nghĩa hẹp, trong đại gia đình theo nghĩa rộng. Tiểu gia đình sẽ là đôi vợ chồng và con cái trong tương lai và đại gia đình gồm ông bà, cha mẹ, chú bác, cô cậu và họ hàng đôi bên. Hành vi, cư chỉ xấu tốt của một người không chỉ liên quan đến người đó mà còn liên quan đến cả bà con dòng họ (tam đại đồng tông, ngũ đại đồng dường hoặc một người làm quan, trăm họ được nhờ).
" Hoa thơm, thơm cả cụm rừng. Thơm dây thơm rễ người trồng cũng thơm ".
Đời sống chồng vợ gắn bó với nhau và cũng gắn bó với mọi người trong gia đình. Tiêu chuẩn nhân, lễ, nghĩa, trí, tín ở vai trò người chồng hay người đàn ông và tam tòng, tứ đức ở vai trò người vợ hay người đàn bà... đã làm cho xã hội Việt-nam được ổn định.
Tại hải ngoại, hoàn cảnh kinh tế và xã hội đã đổi thay, một vài quan điểm về luân lý dường như không còn thích hợp nhưng những người lớn tuổi vẩn còn chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa đó vì đã hấp thụ từ lâu. Chuyện vợ chồng thì nhiều người lầm tưởng rằng khi ra đi và được sống nơi hải ngoại thì đời sống đầy đủ; hôn nhân, chồng vợ sẽ được hạnh phúc hơn lên... nhưng sự thực thì bẽ bàng, xáo trộn và ngược lại với mọi ý nghĩ ban đầu. Những con số thống kê hiện nay hay bị thay đổi và không chính xác lắm nhưng ai cũng công nhận rằng con số ly dị của đồng bào mình tại hải ngoại cao hơn khi còn ở Việt-nam rất nhiều. Tại sao như vậy?
            Đây có phải là mặt tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân (individualisme), chủ nghĩa duy vật (matérialisme) và chủ nghĩa thực tế (réalisme). Con người khi vật chất đầy đủ có nhiều tự do, chỉ nghĩ đến mình thì có khuynh hướng độc lập, không thích lệ thuộc vào chồng hay vợ của mình hoặc gia đình mình. Khuynh hướng này được bảo vệ qua luật pháp, thành thử ta nhận thấy nền tảng gia đình xã hội Âu Mỹ lung lay nhưng người Việt-nam mới tới tưởng rằng hay đẹp, dường như tiêu chuẩn hấp dẫn nên đón nhận dễ dàng và sự đổ vỡ hạnh phúc trong tình nghĩa vợ chồng không thể tránh được!
Cuộc sống lứa đôi nào chẳng có những lúc bất đồng xảy ra nhưng rồi cũng có thể giải quyết được, không gây đổ vỡ khi còn sống trong môi trường đại gia đình như ở Việt-nam nhưng trái lại dễ dàng chấm dứt, ly dị tại hải ngoại. Khi còn trong nước, hôn nhân là vấn đề hệ trọng của cả đời người, chẳng phải chỉ yêu thương hợp nhau cưới hỏi mà còn phải quảng đại hy sinh. Vợ chồng bất hòa trước khi nhờ luật pháp giải quyết được ông bà cha mẹ hai bên góp ý và vị lãnh đạo tôn giáo, hướng dẫn tinh thần khuyên răn tạo nhiều cơ hội hòa thuận trở lại, cùng nhau nuôi nấng, dạy dỗ con cái, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà... gây dựng đại gia đình. Mục đích hôn nhân ở đây theo truyền thống, nối dõi tông đường và tạo hạnh phúc cho nhau. Một người trong nhà hoặc vợ hoặc chồng không hạnh phúc cả dòng họ buồn lây. Điều này tránh được nhiều bản án ly dị, hậu quả đưa con cái đến cảnh bơ vơ, gia đình tan nát.
Trong một khía cạnh khác của đời sống lứa đôi là xã hội và luật pháp Âu Mỹ công nhận vấn đề nam nữ bình quyền. Người đàn bà sống tại các nơi này có quyền ngang hàng như đàn ông, khác với phong tục tập quán nước nhà người vợ được sắp xếp thứ yếu sau người chồng. Người vợ hay người phụ nữ  tại Âu Mỹ cũng đi làm, có xe riêng, có trương mục riêng, có thể mua các bảo hiểm riêng tư và tự giải quyết một số vấn đề liên hệ đến cuộc sống riêng của mình mà không cần đến sự giúp đỡ của người đàn ông hay chồng mình. Vì chung đụng và chịu ảnh hưởng của xã hội mới, văn hóa mới của một nền văn minh như thế nên gia đình Việt-nam hay cảnh sống dể bị đổi thay rất nhiều. Sự thay đổi của xã hội bên ngoài vang đội vào nếp sống gia đình, ảnh hưởng lứa đôi vợ chồng là vậy.

3.2  Giáo dục con cái
Đã sống thành vợ chồng thì mong sớm có con cái và nuôi dưỡng cho chúng lớn khôn nên người. Nhìn các con, cha mẹ mong chúng thành danh, hữu ích, tìm được người yêu, tìm trường học tốt, tìm học bỗng, tìm được nghề tốt... Con cái mới lớn lên thì còn theo sự hướng dẫn dạy bảo nhưng nhiều khi vừa xấp xỉ tuổi thành niên (17, 18, 19...) thì thấy khung cảnh gia đình chật hẹp, cần phải ra đi, thoát ly lối sống cũ để vào cuộc sống mới, tự lập, hào hứng hơn, phiêu lưu hơn... nhưng rồi nhiều đổ vỡ đau thương cho đời sống các em này và gây nhiều các phiền cho cha mẹ, họ hàng. Hiện nay, rải rác các nơi ở Âu Mỹ, người Việt-nam đang gặp một hiện tượng lạ và có thể gọi là " hiện tượng trái chuối ". Ở trái chuối vỏ màu vàng nhưng trong thì trắng. Thành ngữ này chỉ về một số thanh thiếu niên Việt-nam, bên ngoài dung mạo, vóc dáng hoàn toàn là Việt-nam nhưng bên trong tâm tình không còn thuần túy Việt-nam nữa! Cá tính, cử chỉ, lời nói, lối sống của các em đã Âu Mỹ hóa rồi!
Các em lập luận rằng không trách chúng tôi vì chúng tôi đến đây từ nhỏ hoặc sinh ra và lớn lên ở đây, học hành ở đây, bạn bè ở đây, sống ở đây thì phải hấp thụ nền văn hóa ở đây. Có điều gì sai trái khi con cá nước mặn bơi lội trong biển cả? Các em nói đúng nhưng quên mất một điều là từ lý thuyết đến thực tại có một khoảng cách rất xa. Hai mươi sáu năm qua đủ cho một thế hệ trưởng thành nhưng kinh nghiệm thực tế đồi hỏi chiều dài và kích thước của đời sống? Các phong trào bài ngoại và kỳ thị chủng tộc đang gia tăng? Văn hóa của mỗi dân tộc như mảnh vườn có hoa đẹp thì cũng có cỏ rác! Biết học hỏi cái đẹp của người, nhưng cái đẹp của mình cũng nên trân quý gìn giữ, bảo vệ. Nếu vì tinh thần thực tế người Âu Mỹ chú trọng ngày sinh thiết tưởng lòng nhớ biết ơn ta chú trọng ngày người thân quá vãng cũng là cái đẹp?
             Nói đến giáo dục con cái ở Âu Mỹ, người ta quan niệm trẻ cũng là một con người, nó có nhân cách của nó; do đó phương pháp và nguyên tắc giáo dục là để cho trẻ tự phát triển bằng cách khuyến khích uốn nắn chứ không khiển trách, rầy la hay đánh đập. Với tâm lý và xã hội học người ta chứng minh tỷ lệ tù nhân bị kết án trọng tội, đa số đều có khoảng thời thơ ấu bị đánh đập, hất hủi, bỏ rơi và nơi người lớn tội phạm xảy ra cũng thường là hình thức trả thù quá khứ ấu thơ bị hà khắc, bạc đãi, bạo hành...
Chúng ta phải nghĩ thế nào khi người Việt-nam mình thường rầy la, đánh đập trẻ con và cho đó là răn dạy vì viện dẫn "thương cho roi cho vọt; ghét cho ngọt cho bùi"! Đây là cách thương của người Việt-nam nhưng liệu ở hải ngoại này con cái chúng ta có hiểu được như vậy không?
Con em chúng ta muốn được cha mẹ bày tỏ tình thương cách cụ thể nhưng thường thường các em không được tình thương đó! Các em ở tuổi thiếu niên rất cần tình thương của cha mẹ và cần hơn khi còn nhỏ dại vì các em có những biến đổi nhiều trong đời sống tâm sinh lý. Ở tuổi này các em có nhiều lần nhìn vào chính mình và cũng dễ dàng không chấp nhận chính mình. Mặc cảm thua thiệt, mặc cảm bị bỏ bê, mặc cảm học kém, vụng về... Làm cha mẹ phải bày tỏ tình thương với con cái một cách tế nhị và kín đáo; tránh làm các em phải hổ thẹn trước bạn bè và người chung quanh. Đừng bao giờ la rầy, nhắc nhở... nếu chưa biết rõ nguyên nhân tại sao con mình có hành động, cử chỉ khác thường và khi đã biết rồi khéo léo, dịu dàng yên ủi, giúp đỡ để con cái mình cảm thấy được an ủi che chở hơn trách phạt nặng nề.
             Một trong những phương cách bảo vệ và trao truyền văn hóa là tạo cơ hội khuyến khích con em mình học hỏi Việt-ngữ. Ngôn ngữ là chuỗi dài ký âm đã được hệ thống hóa dưới hình thức, tiếng nói và chữ viết  để diễn đạt tư tưởng con người. Làm sao truyền đạt được cái hay cái đẹp, tinh hoa của dân tộc nếu con cái mình không am hiểu tiếng mẹ đẻ? Phải rành tiếng Việt thì sự ngăn cách giữa các thế hệ già trẻ mới khỏa lấp đi được. Nhiều bậc làm cha mẹ cho rằng học Việt-ngữ sẽ làm mất thì giờ, chương trình của con cái ở học đường, sức học của trẻ sẽ yếu đi, nên khuyến khích chúng học giỏi các thứ tiếng Âu Mỹ hơn tiếng mẹ đẻ của chúng. Cuối cùng là các thứ tiếng, các con em học rất giỏi và cha mẹ theo không kịp và nhờ các em giải thích lại bằng tiếng Việt thì các em không biết gì, " ngọng " luôn! Khoảng cách bắt đầu ở đây và lớn dần theo ngày tháng vì con cái và cha mẹ có hiểu nhau thì mới gần gũi nhau hơn và thương yêu gắn bó nhiều hơn. Một điểm nữa cần nhấn mạnh là sau này tình hình đất nước đổi thay và chế độ độc tài vắng bóng trên quê hương, thế hệ trẻ từ bốn phương trở về Việt-nam như hoa muôn hồng nghìn tía. Lúc đó sẽ không có người Hoa Kỳ gốc Việt, người Canada gốc Việt, người Úc gốc Việt, người Pháp gốc Việt, người Anh gốc Việt, người Đức gốc Việt v..v... nhưng có người Việt-nam từ Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Anh, Đức v..v... trở về. Ta tự hỏi các em sẽ nói thứ tiếng gì nếu không biết tiếng Việt-nam; hay một lần nữa các em lại bơ vơ lạc lõng và cảm thấy lưu đày ngay trên chính quê hương mình.
             Con em chúng ta nếu được may mắn, được cha mẹ chú ý trao truyền ngôn ngữ nước nhà, văn minh văn hóa dân tộc và từ cử chỉ, lối sống thể hiện là một em bé hoàn toàn Việt-nam. Nơi tạm dung, ở nhà trường và môi trường xã hội giúp em học hành hiểu biết ngôn ngữ, nếp sống văn minh, văn hóa bản xứ thì chắc cũng không có xung đột nào nhưng sẽ dễ dàng cho đời sống tại gia đình, với cộng đồng người Việt-nam tại hải ngoại và mai sau khi về Việt-nam cũng vậy. Đi đâu, ở đâu em cũng có hạnh phúc vì em có nhiều điều kiện để hạnh phúc.

3.3 Trong đại gia đình
Hầu như rất ít người Việt-nam có may mắn khi ra đi đem được trọn vẹn gia đình hay đoàn tụ gia đình, thì nói chi đại gia đình là cả vấn đề khó khăn. Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees; viết tắt UNHCR) chú trọng giúp đỡ các gia đình tỵ nạn, cho việc đoàn tụ gia đình gồm những người thân yêu gần gũi nhất như ông bà, cha mẹ và con cái. Càng lớn tuổi thì sự hội nhập càng khó khăn, ngôn ngữ mới không học được, đời sống mới không dung hòa được, khí hậu nơi ở mới không quen chịu đựng được, thức ăn mới mẻ không hạp khẩu vị. Xã hội Việt-nam mở rộng như căn nhà ở Việt-nam mỡ rộng, tâm tình người Việt-nam cởi mở, vồn vã thân mật, dể dàng. Người lớn tuổi Việt-nam cũng có tính cả nể, dĩ hoa vi quý, không thích đụng chạm nên hay nói cái điều người ta muốn nghe hơn là nói thật điều mình muốn nghĩ. Trái lại người Âu Mỹ tính tình bộc trực thẳng thắng muốn diễn tả điều gì thì rõ ràng, đi vào thẳng vấn đề, họ cũng hay lạc quan, tự tin, không thích ai thương hại.
          Ông bà hay cha mẹ lớn tuổi thương con, thương cháu nhưng vì sợ làm phiền muộn con cháu và đôi khi cảm thấy rất cô đơn ngay bên con cháu của mình nên lui đi sống riêng để tránh vướng vít vì vậy quạnh quẽ, tủi thân! Gia đình Âu Mỹ là kiểu mẫu gia đình đơn vị, trong đó chỉ có cha mẹ và con cái, một kiểu gia đình hạt nhân. Rất ít khi thấy ở đây có gia đình nào sống chung với nhau tới 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ và cháu.
         Các hãng bảo hiểm sức khỏe hoặc xã hội ở đây cũng không chịu bảo hiểm cho ông bà và chỉ bảo hiểm cho gia đình gồm vợ chồng con cái mà thôi! Những đổi thay của xã hội mới không đồng đều giữa người già và người trẻ, giữa người lớn tuổi và thanh thiếu niên vì vậy thường xảy ra nhiều điều đáng tiếc. Điều này cũng dễ hiểu vì ông bà hay cha mẹ con cái lớn tuổi có một căn bản văn hóa và nếp sống đạo đức vững vàng hơn các con em, do đó họ ít chịu ảnh hưởng của nền văn hóa mới, nếu có chỉ là những đổi thay bắt buộc để thích nghi dễ dàng vào một xã hội mới mà thôi.
Người trẻ tuổi hay con em ngược lại, vì tâm lý còn nhiều hăng say, nhiệt thành. Để khắc phục khó khăn, ngôn ngữ mới nên cũng dễ dàng hội nhập vào nền văn hóa mới, vào những lối sống mới một cách tự nhiên hơn các bậc ông bà, cha mẹ lớn tuổi nhiều.
           Nếu tâm lý của người trẻ hăng say, năng động vì dể chịu ảnh hưởng của các trào lưu mới như thụ hưởng gia tài dân chủ, tự do của xã hội mới nên dễ dàng thành công hơn người già trong sự nghiệp và công ăn việc làm. Để tránh những xung đột đáng tiếc giữa thế hệ già trẻ, những xung khắc, đỗ vỡ, thiếu thông cảm thì không có gì tốt hơn là nên ngồi lại với nhau để tìm ra đâu là khuyết điểm, sai lầm của các bạn trẻ cũng như của ông bà cha mẹ là những người lớn tuổi. Đâu là những ưu tư khắc khoải của ông bà, cha mẹ? Đâu là những ước mơ mong đợi của con em cần nơi ông bà, cha mẹ? Đặc biệt hơn hết, đâu là đầu mối của dây liên hệ tinh thần trong gia đình, trong cộng đoàn và xã hội để hàn gắn đổ vỡ cho gia đình được hạnh phúc an vui, cho mọi người trong gia đình biết tin yêu trong hoan lạc chân thiện mỹ! Ngoài ông bà, cha mẹ là người lớn tuổi trong gia đình còn có thể có các người thân thuộc như chú bác, cô dì dượng, cậu mợ... trong bối cảnh mới chắc cũng ít có cơ hội gặp gỡ nhau như tại quê nhà thường hằng? Vì vậy ảnh hưởng của đại gia đình không còn nhiều vào mỗi đơn vị tiểu gia đình. Lối sống mới trong hoàn cảnh mới, những người thân trong gia đình chỉ còn thăm hỏi qua thư từ hay đôi ba năm trong kỳ hè lại đến thăm nhau và tâm tình chưa cạn đã lui về với nếp sống riêng tư nên ít còn chịu ảnh hưởng lẫn nhau nữa.

IV. Gia đình Việt-nam tại hải ngoại với đức tin Cơ đốc giáo

Trong làn sống người ra đi tìm tự do và định cư tại các nước Âu Mỹ có rất nhiều gia đình tín nhân Cơ đốc giáo. Cũng như đồng hương của mình có cùng hoàn cảnh tha hương, thay đổi môi trường sống, mọi sinh hoạt đều đổi thay mới mẻ... đời sống các tín nhân và gia đình của họ đã hội nhập như thế nào?

4.1 Như gặp môi trường thuận lợi?
Hầu hết các quốc gia Âu Mỹ, nơi thu nhận nhiều người Việt-nam tỵ nạn có tỷ lệ dân số rất cao theo Cơ đốc giáo. Nếu không có gì thay đổi chắc chắn các gia đình người Việt-nam tại hải ngoại dễ hội nhập vì cùng một niềm tin, cùng thể thức hành đạo. Nhưng trớ trêu thay, các quốc gia Âu Mỹ ngày nay, khoa học kỹ thuật tiến bộ, các triết lý mới mẻ, các chủ thuyết hiện sinh, duy vật, biện chứng, cá nhân... làm cho đời sống niềm tin không còn bền vững, nhiều người thối lui trong đức tin. Nhiều ngôi giáo đường rộng lớn nhưng thiếu vắng tín nhân lui tới, những truyền thống tốt đẹp đã bị lãng quên, nhiều người thậm chí chỉ còn mang nhãn hiệu bên ngoài và đời sống của họ ích kỷ, tham lam, cầu danh, đoạt lợi... gia đình bị xáo trộn, những nạn ly dị, thay chồng đổi vợ, con cái bơ vơ, thiếu được chăm sóc giáo dục trở nên thảm họa cho ngày nay và trong tương lai! Luân lý thiếu vắng, lời Kinh Thánh không còn được giảng dạy, ít có người chịu khó ham thích học hỏi những dạy bảo để trở thành người đầy nhân tín, sống thánh thiện, hạnh phúc cho mình và chu toàn cho gia đình.
Giáo lý căn bản và lòng yêu Thiên Chúa không còn thể hiện, đời sống tâm linh trống rỗng, nguội lạnh thì lời dạy sống đạo, thực hành cho đời sống và gia đình trở nên biếng trễ, lạnh nhạt, thờ ơ!
Dù vậy cũng còn những tín nhân và gia đình tiếp tục sống trong tình thương, che chở, dắt dìu của Thiên Chúa. Chính những người này và những gia đình này là nguồn yêu thương, là ân sủng của Chúa Cứu Thế còn để lại trong vòng người hư hoại, phá hủy căn bản nếp sống. Chính những người này, ý thức tâm linh, như ánh sáng của đèn trong nơi tối tăm, là chất mặn của muối làm thêm hương vị cho đời. Hơn bao giờ hết, hạnh phúc gia đình được các nhà lãnh đạo tôn giáo kêu gọi cũng cố và phát triển, nhất là Cơ đốc giáo. Hơn ai hết tín nhân và gia đình Cơ đốc giáo biết rõ gia đình là nền tảng, là yếu tố gắn liền với nhân tính, với đời sống lứa đôi, chồng vợ và sinh sản nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Bổn phận của tính nhân không phải chỉ có đòi hỏi đặc quyền hôn nhân tôn giáo nhưng xây dựng gia đình vững bền trong đức tin tông truyền, là cơ ấu có tự do và được bảo vệ. Bổn phận của tín nhân là gì há chẳng phải " Kính Chúa yêu người ". Yêu người đây chắc chẳng ai là tín nhân mà chẳng yêu thương người phối ngẫu là chồng hay vợ hoặc con cái của mình, những thân tộc họ hàng nhà mình? "Hỡi người làm vợ hãy vâng phục chồng mình y như điều đó theo Chúa đáng phải nên làm vậy. Hỡi kẻ làm chồng hãy yêu vợ mình chớ hề ở cay nghiệt với người" .(Côlôse 3:18-19)
Người tín nhân Cơ đốc giáo biết rõ hôn nhân đã được Thiên Chúa thành lập và gia đình là sự chúc phúc:
               " Đức Chúa Trời dựng nên hình người như hình Ngài, Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời, Ngài dựng nên người nam cũng như người nữ. Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản thêm nhiều làm cho đầy dẫy đất, hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên đất".
"Đức Chúa Trời phán rằng: loài người ở một mình thì không tốt, ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó... và cả hai sẽ nên một thịt". (Sáng Thế Ký 1:27-28, 18:24)
Được tiếp xúc với văn minh Âu Mỹ qua ánh sáng tôn giáo, qua giáo lý căn bản để nuôi dưỡng đời sống thuộc linh và trong môi trường mới cũng còn rất nhiều điều thuộc lãnh vực giáo dục, văn hóa, phong tục, tập quán được ảnh hưởng bởi Kinh Thánh và nếp sống hành đạo nên gia đình Việt-nam của các tín nhân không phải xa lạ ngỡ ngàng lắm. Nếu nói rằng " cá gập nước " thì cơ hội thuận lợi cho tín nhân là có gặp được những giao lưu văn hóa giữa đức tin và nếp sống đạo nơi các quốc gia đã thể hiện và thực hành ít nhiều trong văn hóa và đức tin đó vậy.

4.2 Phát huy thăng tiến đời sống gia đình      
Không phải chờ đợi đến sự cổ võ kêu gọi của Liên Hiệp Quốc dành năm 1994 là năm quốc tế gia đình, lúc đó mới thấy gia đình cần phải thăng tiến! Những mục tiêu nhắm tới của mỗi tín nhân Cơ đốc giáo cho gia đình mình ở các quốc gia Âu Mỹ từ lâu vẫn là tình yêu, sự sống, và gia đình ngày nay. Gia đình tái quy tụ và con cái, gia đình qua các biến cố xã hội; gia đình với phụ nữ, trẻ em và người già cả, yếu đau; gia đình và các biến động qua các biên giới v..v...
            Từ nếp sống chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền học thuật Á đông, luân lý và đạo đức, phong tục và tập quán hay đẹp được lưu giữ và lời Kinh Thánh làm khuôn vàng thước ngọc cho cuộc sống, gia đình các tín nhân Việt-nam tại hải ngoại ít bị ảnh hưởng của các cuộc sống vội, sống cuồng, ích kỷ hẹp hòi trái lại thực hành lối sống đạo:
"" Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự ". (I Côrinhtô 13:4-7)
Phép tắc, lễ nghĩa, nhân ái, trung dung... là những đức tin và nguyên tắc đào tạo con người. Chịu ảnh hưởng học thuật Á đông thì về mặt sống có trật tự qui củ, có trật tự trên dưới, có phép tắc hành động, có kính nể nhường nhịn lẫn nhau trong mọi giao tế, có luân thường và trọng nhân cách. Những điều đó tín nhân Cơ đốc giáo được giáo dục cộng thêm lời dạy của Thiên Chúa nên cuộc sống cho mình, cho gia đình, hành xử đẹp đạo đẹp đời, trở nên hạnh phúc. Việc huấn luyến dạy dỗ con cái giữa xã hội mới, văn minh mới không phải là điều khó hội nhập. Hơn ai hết gia đình tín nhân Cơ đốc giáo bước đi mỗi ngày với Chúa Cứu Thế và biết rằng trong Ngài và bên Ngài bình an và sung mãn, gia đình nhuận đầy phước hạnh và sung mãn trong cuộc sống. Cũ và mới, trong nước hay hải ngoại không phải là nan đề, nhưng mỗi ngày bên Thiên Chúa thăng tiến.

V. Kết luận

Thiên Chúa là Chúa của tình thương, tình tha thứ, vì Thiên Chúa khoan dung độ lượng. Trong đời sống gia đình, nhất là của người Việt-nam tại hải ngoại gặp biết bao nhiêu thay đổi xáo trộn và đời sống yên hàn; vui vẻ, hạnh phúc hay gặp biết bao nhiêu khó khăn nghiệt ngã đôi khi làm đỗ vỡ, con cháu bơ vơ lạc lõng? Nếu hằng ngày mỗi người trong gia đình từ ông bà, cha mẹ, chồng vợ, con cái... dành thì giờ để thờ phượng Chúa thì chính những giờ phút ngắn ngủi đó sẽ làm cho tình yêu của mỗi người trong gia đình thêm bền chặt vì không ai còn giận ai điều gì, không còn ai bực tức trong lòng... với lời Kinh Thánh, với lời cầu nguyện, với tâm tình cởi mỡ giữa ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái... những âu lo phiền não tại cơ sở làm việc, tại nơi học đường, tại nơi nào đó tiếp xúc gặp khó khăn sẽ sớm được giải quyết với nhau, giúp đỡ nhau qua sự thử thách, qua bồn chồn lo âu. Người tín nhân Cơ đốc giáo và gia đình có chỗ vựa yên trong tình yêu ấp ủ của Cứu Chúa Jêsus!
Tiếc thay, nhiều gia đình người Việt-nam tại hải ngoại chịu nhiều sóng gió cuộc đời, chia ly khi ra đi, mất mát người thân trên đường tìm tự do; ở lại trông chờ, ra đi trông chờ ngày đoàn tụ nhưng đến nơi lòng người thiếu chung thủy, đổi thay gây cảnh rã đàn tan nghé, con cái lạc lõng bơ vơ; rất ít người giữ được hạnh phúc gia đình với đầy đủ vợ chồng con cái. Phong tục, tập quán, học vấn, và kinh nghiệm tự nó dễ nghiêng ngã trước học thuật mới, văn minh mới, xã hội mới, tiện nghi kỹ thuật tạo nếp sống hưởng thụ ích kỷ, vui chơi cá nhân nhiều hơn cho gia đình, con cái và xã hội. Trong ánh sáng và văn minh Cơ đốc giáo, qua tình yêu của Cứu Chúa Jêsus là môi trường thuận lợi làm sống lại những tươi đẹp của học thuật, của văn hóa, phong tục, tập quán tốt vì chính những gì tốt đẹp đã hài hòa như Lời Hằng Sống hữu ích cho đời người và gia đình của người. Hãy nối lại dây liên hệ tinh thần trong gia đình, trong cộng đoàn và xã hội để được hạnh phúc yên vui, hãy đoàn kết, tin yêu.