Henry Kissinger
Đỗ Kim Thêm dịch
Nguyên tác: Conclusion: World Order in Our Time? p.p. 361- 374 in: World Order - Reflections on the Character of Nations and the Course of History, 2014, Allen Lane
***
(LND) Trong việc định hình cho một trật tự thế giới
mới, Henry Kissinger kết luận rằng theo đuổi quyền lợi quốc gia (theo
kiểu Mỹ) và tuân thủ tinh thần trọng pháp trong hợp tác quốc tế (theo
kiểu châu Âu) là điểm chính yếu. Thực ra, viễn kiến này chỉ đúng trong
một chừng mực giới hạn.
Nếu đặt phần kết luận này trong bối cảnh quốc tế cực
kỳ bất ổn và dồn dập như hiện nay: Pháp bị tổn thương, Liên Âu trên đà
tan rã và văn minh phương Tây tàn lụn, thì Kissinger có hai thiếu sót
chính:
Một là, bốn trụ cột nền tảng của các nước phương Tây
là dân chủ đại nghị, kinh tế thị trường, thể chế pháp quyền và xã hội
dân sự không còn đứng vững. Dù phương Tây có ý thức là phải cải cách
toàn diện, nhưng suy trầm kinh tế kéo dài, nợ công chồng chất, khí hậu
biến đổi khắc nghiệt, nạn khủng bố lan tràn nghiêm trọng, làn sóng di
dân ào ạt và dân số lão hoá đáng ngại, tất cả trở lực này làm cho tình
hình trầm trọng hơn.
Hai là, chính quyền ở các nước nghèo (như tại châu
Phi) còn phải đấu tranh chống bất công xã hội, tham nhũng, bảo vệ môi
trường, kiểm soát an ninh nội địa và gia tăng hợp tác khu vực và quốc
tế. Chính quyền ở các nước độc tải (như tại Việt Nam) không muốn thay
đổi chính thể trong khi dân chúng không quan tâm đến chính sự, nên triển
vọng dân chủ hoá và phát triển càng bi quan hơn.
Bài liên quan:
Kim Them Do: Book Review Essay - Henry Kissinger - World Order:
***
Trong những thập niên sau Thế chiến thứ hai, ý thức
về một cộng đồng thế giới dường như đã khởi sự phát sinh. Khi các khu
vực công nghiệp tiên tiến của thế giới đã cạn kiệt do chiến tranh, thì
các khu vực kém phát triển bắt đầu tiến trình giải phóng khỏi ách thuộc
địa và xác định lại bản sắc. Cả hai xem hợp tác là cần thiết hơn là đối
đầu. Thực vậy, nhờ không bị chiến tranh tàn phá, được đẩy mạnh bởi nền
kinh tế cạnh tranh và lòng tự tin dân tộc, Hoa Kỳ tự đề ra những lý tưởng và cách áp dụng các lý tưởng này mà họ xem là có thể áp dụng cho toàn thế giới.
Khi bắt đầu nắm ngọn đuốc soi đường để lãnh đạo quốc
tế, Hoa Kỳ đã mang thêm một tầm vóc mới trong việc mưu tìm một trật tự
cho thế giới. Là một quốc gia được thành hình có thể hiện rõ nét về một
lý tưởng cai trị theo tinh thần tự do và đại nghị, Hoa Kỳ đã xác định
được sự trổi dậy của mình với sự lan toả của tự do và dân chủ. Hoa Kỳ
cũng tin là những sức lực này có đủ khả năng đạt được một nền hòa bình
lâu dài và công chính mà từ trước đến nay thế giới thất bại. Với một
phương sách truyền thống để mang lại một trật tự, châu Âu xem các dân
tộc và các quốc gia luôn cạnh tranh nhau, đây là một đặc điểm cố hữu;
cách này nhắm làm hạn chế các hiệu ứng do những tham vọng đang cạnh
tranh, nó dựa trên một tình trạng quân bình của một cán cân quyền lực và
một tinh thần hòa hợp của các chính giới biết nhận thức.
Quan điểm khá phổ biến của Hoa Kỳ là họ xem con người
vốn có tính thuần lý và có khuynh hướng thiên về các thỏa hiệp để hòa
hợp, sống theo cảm tính thông thường và ứng sử sòng phẳng. Do đó, sự lan
toả về dân chủ là một mục tiêu bao quát cho một trật tự quốc tế. Các
thị trường tự do sẽ làm thăng tiến cá nhân, làm giàu cho xã hội, và sự
tương thuộc kinh tế sẽ thay cho truyền thống ganh đua quốc tế. Theo quan
điểm này, Chiến tranh Lạnh đã gây ra do các lầm lạc của chủ nghĩa Cộng
sản; sớm muộn gì thì Liên Xô cũng sẽ trở lại với cộng đồng của các quốc
gia. Sau đó, một trật tự cho thế giới mới sẽ bao gồm tất cả các khu vực
trên toàn thế giới; các giá trị và mục tiêu chung làm cho các tình hình
trong từng quốc gia sẽ nhân bản hơn và các xung đột giữa các quốc gia sẽ
giảm đi.
Qua nhiều thế hệ và trong nhiều phương cách, các sự
nghiệp nối tiếp tạo trật tự cho thế giới đã thành tựu mỹ mãn. Các thành
công này được thể hiện trong nhiều quốc gia có chủ quyền độc lập mà họ
cai trị hầu hết các lãnh thổ trên thế giới. Sự phổ cập dân chủ và cai
trị có tham gia của quần chúng đã trở thành một khát vọng chung, nếu đó
không phải là một thực tế phổ quát; thì các mạng lưới thuộc phương tiện
truyền thông trên bình diện toàn cầu và các mạng lưới tài chính hoạt
động trong thời gian đích thực, cả hai làm cho sự tương tác giữa con
người trong một tầm vóc quy mô thành khả thi, thành quả này đã vượt ra
ngoài trí tưởng tượng của các thế hệ trước đây; những nỗ lực chung về
vấn đề môi trường, hoặc ít nhất là một động lực để thực hiện công việc
này còn tồn tại; và một cộng đồng quốc tế hợp tác trong các lĩnh vực từ
thiện, y tế và khoa học chuyên chú hơn về trị liệu các loại bệnh tật và
tai họa, vì cả hai được suy đoán là một loại định mệnh đã an bài.
Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể cho sự tiến triển này. Sức
mạnh quân sự của Hoa Kỳ mang đến một lá chắn an toàn cho các nơi còn
lại trên thế giới, cho dù các nơi thụ hưởng có yêu cầu hay không. Bằng
sự che chắn qua một hình thức bảo đảm quân sự đơn phương của Hoa Kỳ,
nhiều nước phát triển đã liên kết trong một hệ thống của liên minh; các
nước đang phát triển đã được bảo vệ để chống lại các mối đe dọa, mà đôi
khi họ không nhận ra, thậm chí ít khi họ thừa nhận.
Hoa Kỳ đã đóng góp về mặt tài chính, thị trường và
canh tân mọi mặt cho một nền kinh tế toàn cầu phát triển. Có lẽ từ năm
1948 đến cuối thế kỷ này đã đánh dấu một khoảnh khắc ngắn ngủi trong
lịch sử của loài người, nhưng người ta có thể nói về một trật tự của thế
giới còn phôi thai này bao gồm một loại hỗn hợp của chủ nghĩa lý tưởng
theo kiểu Mỹ và các khái niệm truyền thống về một tình trạng quân bình
của cán cân quyền lực.
Tuy nhiên, thành công của Hoa Kỳ đã tạo ra một điều
không thể tránh được là toàn bộ sự nghiệp này cuối cùng bị thách thức,
đôi khi chỉ vì do nhân danh cho trật tự của thế giới. Mối liên quan của
hệ thống (trong châu Âu) theo thoả ước
Westphalia có tính phổ quát và bắt nguồn từ hình thức luật thủ tục, có
nghĩa là, nó mang một giá trị trung dung. Quy luật của hệ thống này có
thể áp dụng cho bất kỳ nước nào: không can thiệp vào công việc nội bộ
của các quốc gia khác; bất khả xâm phạm biên giới; tôn trọng chủ quyền
tối thượng của các quốc gia; thúc đẩy việc tuân thủ luật quốc tế. Sự yếu
kém hệ thống theo thoả ước Westphalia là mặt trái của sức mạnh này. Khi
các quốc gia đã kiệt sức do sự đổ máu, nên lúc phác thảo quy luật, châu
Âu không đề ra một ý nghĩa cho một chiều hướng lãnh đạo. Hệ thống này đề cập đến các phương pháp phân bổ và duy trì quyền lực, không tìm giải đáp cho vấn đề tạo ra tính chính thống.
Trong việc xây dựng trật tự cho thế giới, một câu hỏi
quan trọng đặt ra không thể tránh được có liên quan đến bản chất của
các nguyên tắc thống nhất trong trật tự này – một quy định trật
tự nằm trong sự phân biệt chủ yếu giữa phương sách của phương Tây và
không phải của phương Tây. Kể từ thời Phục Hưng, phương Tây đã tận tâm
theo đuổi một khái niệm là thế giới đích thực có tính cách ngoại tại đối
với người quan sát, những kiến thức này bao gồm các dữ liệu có ghi chép
và phân loại - nếu càng chính xác hơn thì càng tốt - và sự thành công
của chính sách đối ngoại này lệ thuộc vào việc đánh giá thực trạng và xu
hướng trong hiện tại. Hoà bình theo tinh thần thoả ước Westphalia
thể hiện được cách nhận xét về một thực tại, - đặc biệt trong các tình
trạng thực thế của quyền lực và lãnh thổ - như là một khái niệm quy định
theo quan điểm thế tục vượt qua các nhu cầu tôn giáo.
Trong các nền văn minh huy hoàng đương đại khác, đối
với một quan sát viên thì tình trạng thực tế được cảm nhận là do một đặc
tính nội tại, nó được định nghiã bởi niềm tin do tâm lý, triết học,
hoặc tôn giáo. Theo quan điểm Nho giáo, thế giới bao gồm các nước chư
hầu trong hệ thống phân cấp đã được xác định gần giống như văn hóa Trung
Quốc. Hồi giáo phân chia có hai trật tự thế giới, một thế giới hòa bình
theo cách của Hồi giáo, và một thế giới của chiến tranh, đó là nơi sinh
sống của người không phải là tín đồ Hồi giáo.
Như vậy, Trung Quốc cảm thấy không cần phải đi ra
nước ngoài để khám phá một thế giới mà họ coi thế giới như đã định sẳn,
hoặc được quy định một cách tốt đẹp nhất bằng việc trao dồi luân lý của
Trung Quốc, trong khi đạo Hồi có thể đạt được sự hoàn thành lý thuyết
của trật tự thế giới của họ chỉ bằng cách chinh phục hoặc cách giáo hoá
trên toàn cầu, mà các điều kiện khách quan của việc này là không có. Ấn
Độ giáo nhận thức về chu kỳ lịch sử, thực tế kinh nghiệm và thực tại
siêu hình vượt khỏi kinh nghiệm thế tục, tôn giáo này xem thế giới trong
tín ngưỡng của mình là một hệ thống hoàn chỉnh, không cần rộng mở cho
những người tân tòng do việc đi chinh phục hay do cách cải đạo.
Có một sự khác biệt tuơng tự đã chi phối đến thái độ đối với khoa học và kỷ thuật.
Phương Tây thỏa mãn trong khi chế ngự được thực tế bằng kiểm nghiệm,
khám phá những ảnh hưởng lan rộng của thế giới, nên họ thúc đẩy khoa học
và kỷ thuật. Các nền văn minh truyền thống
khác, mà mỗi một nền văn minh này đã tự xem mình là trung tâm của một
trật tự cho thế giới theo cách của riêng mình, họ không có cùng một loại
động lực khích lệ tương tự và bị tụt hậu về mặt kỷ thuật khi so với phương Tây.
Giai đoạn này đã kết thúc. Các nơi khác còn lại trên thế giới đang theo đuổi khoa học và kỷ thuật,
và vì họ không bị cản trở bởi các mô hình được lập sẳn, có lẽ họ có
nhiều năng lực và linh hoạt hơn so với phương Tây, ít nhất là ở các nước
như Trung Quốc và các "con hổ châu Á".
Trong thế giới của khoa địa chính trị, một trật tự
được các nước phương Tây thành lập và tuyên bố là có giá trị phổ quát
đang đứng ở một bước ngoặt. Một giải pháp đơn giản có thể được toàn thế
giới cùng thông hiểu, nhưng lại không có sự đồng thuận về cách ứng dụng;
thực sự, những khái niệm như dân chủ, nhân quyền, và luật quốc tế tạo
ra nhiều cách diễn giảng khác nhau đến độ mà các bên tham chiến thường
xuyên dựa vào các khái niệm này để chống nhau khi gây chiến. Dù các quy
luật của hệ thống đã được ban hành, nhưng cũng đã có chứng minh là việc
chấp pháp không hiệu quả. Việc duy trì về mối quan hệ đối tác và cộng
đồng được đem ra thay thế, tại một vài khu vực có những biện pháp mạnh hoặc ít nhất là cùng song hành để thử thách các mức độ giới hạn.
Người ta cảm nhận là các cuộc khủng hoảng kinh tế và
chính trị trong một phần tư thế kỷ qua được đã gây ra, hoặc ít nhất, gọi
là có tiếp tay do các ý kiến và cách thực hành theo kiểu cuả phương
Tây. Cùng với các bùng nổ trong các trật tự cuả khu vực, các trận tắm
máu trong các giáo phái, khủng bố, và chiến tranh kết thúc với chiến
thắng trong điều kiện ngắn hạn -, tất cả các giả thuyết lạc quan của
thời kỳ ngay sau khi Chiến tranh Lạnh cần được đặt thành vấn đề: liệu sự lan toả của dân chủ và các thị trường tự do sẽ tự động tạo ra một thế giới kết hợp toàn diện, hòa bình và công chính không?
Một động lực đối kháng đã phát sinh ở một số nơi trên
thế giới để xây dựng tấm chắn chống lại những gì được coi là một chính
sách đã gây ra khủng hoảng của phương Tây phát triển, trong đó bao gồm
cả các khía cạnh của toàn cầu hóa. Các kết ước về an ninh đã thể
hiện qua những điều kiện vững chắc, nhưng đến nay thì vấn đề đang được đặt lại, đôi khi ngay trong nước mà khả năng phòng thủ của họ đúng ra phải cố đẩy mạnh.
Khi các nước phương Tây giảm các kho vũ khí hạt nhân
hoặc hạ thấp vai trò của vũ khí hạt nhân theo học thuyết chiến lược một
cách đáng kể, thì các nước trong cái gọi là thế giới đang phát triển lại
dồn hết năng lực để theo đuổi mục tiêu này. Các chính phủ, một khi đã
bám chặt (ngay cả thỉnh thoảng có khi bị lúng túng) vào sự cam kết của
Mỹ để theo đúng với quan điểm của Mỹ về một trật tự cho thế giới, họ đã
bắt đầu tự hỏi là liệu rằng Mỹ còn đủ kiên nhẫn để xem kết quả về những công trình của mình không.
Theo quan điểm này, chấp nhận "quy luật" của phương Tây về một trật tự của thế giới khó kết hợp thêm với các trách nhiệm không thể đoán trước, - một lối giải thích làm phân hoá rõ rệt một số đồng minh lâu đời
của Mỹ. Thực vậy, ở một số nơi, trong khi họ không tuân theo các chuẩn
mực phổ quát (chẳng hạn như về nhân quyền, cách áp dụng luật thủ tục,
hoặc tạo bình đẳng cho nữ giới) thì các quan điểm ưu tiên cuả các nước
Bắc Đại Tây Dương xem đây là một đặc điểm tích cực và trọng tâm của một
hệ thống có giá trị tương ứng. Nhiều hình thức cơ bản của bản sắc được
tuyên dương như là cơ sở mà họ dành độc quyền quan tâm.
Kết quả là không hẳn thuần về một tình trạng đa cực
của quyền lực, nhưng là một thế giới của các thực tế có nhiều mâu thuẫn
ngày càng gia tăng. Người ta không nên giả định rằng hãy phó mặc
cho vấn đề này được tự tung tự tác, đến một điểm nào đó, các xu thế này
sẽ hòa giải một cách tự động hướng về một thế giới của sự quân bình và
hợp tác, hoặc thậm chí hướng về bất kỳ một trật tự nào đó.
Sự tiến triển của một trật tự quốc tế.
Dù sớm hay muộn thì mỗi trật tự quốc tế cũng phải đối
mặt với tác động của hai khuynh hướng đang thử thách về sự nối kết nội
tại của trật tự này: hoặc là xác định lại tính chính thống hoặc là có
một sự thay đổi đáng kể trong cán cân quyền lực. Xu hướng đầu tiên xảy
ra khi những giá trị căn bản của sự thỏa thuận quốc tế thay đổi từ tận
nền tảng - do những người chịu trách nhiệm duy trì các giá trị này đã
từ bỏ nó hoặc có một sự áp đặt do cách mạng của một khái niệm khác về
tính chính danh để thay thế.
Đó là tác động về quyền lực và ảnh hưởng của phương
Tây đối với các trật tự cổ truyền trong thế giới không thuộc về phương
Tây; đó là tác động của đạo Hồi trong làn sóng ban đầu của việc bành
trướng trong thế kỷ thứ VII và VIII; tác động của Cách mạng Pháp đối
với chính sách ngoại giao của châu Âu trong thế kỷ XVIII; tác động của
chế độ độc tài Phát xít và Cộng sản trong thế kỷ XX; và các cuộc tấn
công của Hồi giáo vào cấu trúc nhà nước quá mong manh của Trung Đông
trong thời đại của chúng ta.
Trong khi biến động luôn được cũng cố bằng vũ lực,
thì bản chất của những biến động này có lực đẩy chính thuộc về tâm lý.
Những người bị tấn công, họ bị thử thách là phải bảo vệ, nhưng không chỉ
là vấn đề lãnh thổ của họ, nhưng còn về những suy nghĩ cơ bản về cách
sống, quyền đạo đức để được sinh tồn và quyền được hành động theo một
cách mà họ xem là vấn đề cho đến khi nào còn có các thách thức này.
Khuynh hướng tự nhiên, đặc biệt nhất là khuynh hướng của các nhà lãnh
đạo trong các xã hội đa nguyên, là họ tham gia với các đại biểu cách
mạng, và họ mong rằng những gì họ thực sự mong muốn là phải được thương
lượng trong sự thành tín dựa trên cơ sở của một trật tự hiện có và đi
đến một giải pháp hợp lý. Các trật tự được thể hiện chủ yếu không phải
do một việc thất bại quân sự hoặc mất cân đối trong các nguồn lực (mặc
dù hai tình trạng này thường theo sau), nhưng từ một sự thiếu hiểu biết
về bản chất và phạm vi của những đe doạ.
Trong ý nghĩa này, các thử thách tối hậu về các cuộc
đàm phán hạt nhân của Iran là liệu xem các bày tỏ ý muốn của Iran là có
sẵn sàng để nhằm giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hay không, đó là
một sự thay đổi chiến lược hoặc là một dụng cụ chiến thuật - trong việc
theo đuổi các chính sách ưu tiên lâu dài và liệu xem là phương Tây có
dùng một chiến thuật như là sự thay đổi về chiến lược hay không.
Nguyên nhân thứ hai của cuộc khủng hoảng về một trật
tự quốc tế là khi trật tự này được chứng minh là các siêu cường không đủ
sức thích nghi với một sự thay đổi quan trọng trong mối tương quan
quyền lực.
Trong một số trường hợp, một trật tự bị sụp đổ vì một
trong những thành viên chính không còn đóng vai trò của nó nữa hay
không còn tồn tại, việc này đã xảy ra đối với trật tự quốc tế của Cộng
sản ở gần cuối thế kỷ XX khi Liên Xô tan rã. Hoặc ngoài ra, khủng hoảng
củng xảy ra nếu một cường quốc đang trổi dậy có quyền từ chối vai trò đã
được phân bổ trong một hệ thống mà nước này đã không có tham gia phác
thảo, và các cường quốc đã thành hình có thể chứng minh là họ không thể
thích nghi để kết hợp được với sự trổi dậy này với tình trạng quân bình
của hệ thống.
Sự trổi dậy của Đức như một siêu cường đặt ra một
thách thức về một hệ thống trong thế kỷ XX ở châu Âu, gây ra hai cuộc
chiến tranh thảm khốc mà châu Âu đã không bao giờ hoàn toàn hồi phục. Sự
trổi dậy của Trung Quốc gây ra thách thức tương tự trong thế kỷ XXI.
Các nhà lãnh đạo của các nước cạnh tranh chính yếu
trong thế kỷ XXI - Hoa Kỳ và Trung Quốc – họ đã tuyên bố rằng họ sẽ
tránh lập lại các thảm kịch của châu Âu thông qua một "loại mới của mối
quan hệ siêu cường". Khái niệm này đang trong vòng khởi thảo chung. Nó
có thể đã được đưa ra bởi một hoặc cả hai siêu cường như một phô diễn về
mặt chiến thuật. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn là một con đường duy nhất
để tránh cho những bi kịch trước đây được lập lại.
Tài năng của chính giới là điều then chốt để tạo được
một tình trạng cân bằng giữa hai khía cạnh của một trật tự - quyền lực
và tính chính thống –Những tính toán về quyền lực mà không có mang một
tầm mức về đạo đức sẽ biến mọi bất đồng thành một sự thử thách về sức
mạnh; tham vọng sẽ không có chỗ dừng lại; các nước sẽ phiêu lưu vào các
màn phô trương quyền lực trong sự lượng định quyền lưc đang thay đổi.
Mặt khác, những cấm đoán đạo đức mà không quan tâm đến một tình trạng
cân bằng, thì nó sẽ có xu hướng hoặc là hướng tới một cuộc thánh chiến
hoặc là một chính sách bất lực, tạo ra thử thách; hoặc là các rủi ro
cùng cực sẽ gây ra nguy hiểm cho sự nối kết của một trật tự cho quốc tế.
Trong thời đại của chúng ta - mà một phần vì những lý do (tiến bộ trong các lĩnh vực) kỷ thuật như đã được thảo luận trong Chương IX - quyền lực biến động không thể định trước, trong khi các yêu sách về tính chính thống trong từng thập niên thay đổi
các phạm vi đòi hỏi theo những cách mà cho đến nay chúng ta không tưởng
được. Khi vũ khí có khả năng phá hủy nền văn minh và sự tương tác giữa
các hệ thống giá trị thâm nhập nhau trong một cách nhanh chóng như chưa
từng có trước đây, thì các tính toán được định sẳn cho việc duy trì tình
trạng cân bằng quyền lực hay một tập hợp các giá trị này có thể trở nên
lỗi thời.
Khi những tình trạng mất cân bằng này mở rộng hơn,
thì cấu trúc của trật tự cho thế giới trong thế kỷ XXI đã hé lộ ra cho
thấy là có thiếu bốn tầm mức quan trọng.
Đầu tiên, tự trong bản chất của nhà nước - một đơn vị
hình thức cơ bản của sinh hoạt quốc tế - đã phải chịu vô số áp lực: bị
tấn công và phân hoá do cách cấu trúc, vì
không được quan tâm mà trong một số khu vực bị xuống cấp, thường bị nhận
chìm bởi đủ các loại biến cố. Châu Âu đã vượt qua khỏi phạm vi của nhà
nước và đưa ra một chính sách đối ngoại chủ yếu dựa vào sức mạnh mềm và
các giá trị nhân đạo. Nhưng điều nghi ngờ là liệu các yêu sách về tính
chính thống khi tách ra khỏi bất kỳ khái niệm nào về chiến lược, thì nó
có thể duy trì cho một trật tự của thế giới hay không. Và châu Âu vẫn
chưa tự mình đem lại các đặc tính của một nhà nước, tạo một khoảng trống
về quyền lực trong nội bộ và tình trạng mất cân bằng về quyền lực dọc
biên giới của mình.
Ở một vài nơi của Trung Đông đã bị phân tán thành các
thành phần sắc tộc và tôn giáo trong các cuộc xung đột nhau; lực lượng
dân quân tôn giáo và các chính quyền hỗ trợ cho họ vi phạm biên giới và
chủ quyền tối thượng tùy theo họ thích. Các thách thức ở châu Á là
ngược lại với các thách thức ở châu Âu. Những nguyên tắc về tình trạng
quân bình quyền lực theo các hoà ước Westphalia được áp dụng mà không quan tâm đến một khái niệm thống nhất về tính chính thống.
Và ở một số nơi trên thế giới mà chúng ta đã chứng
kiến, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các hiện tượng về các "quốc
gia bị thất bại", hoặc "một khoảng không gian
không ai cai quản", hoặc một hiện tượng của các quốc gia mà hầu như
không đáng được gọi là quốc gia, các quốc gia này không có độc quyền
trong việc sử dụng vũ lực hoặc có một chính quyền trung ương hiệu năng.
Nếu các cường quốc thực hành những chính sách đối ngoại bằng cách phô
diễn môt sự đa dạng của các đơn vị thứ cấp (không đủ tầm vóc của một nhà
nước) có mang tính chủ quyền của nhà nước, áp dụng những quy cách ứng
xử mơ hồ và thường dùng bạo lực, một vài nước khác dựa trên các sự thể
hiện cực đoan về các kinh nghiệm văn hóa khác nhau, thì tình trạng vô chính phủ là chắc chắn.
Thứ hai, các tổ chức kinh tế và chính trị của thế
giới luôn bất đồng ý kiến với nhau. Hệ thống kinh tế quốc tế đã thành
toàn cầu hoá, trong khi các cơ cấu chính trị của thế giới vẫn còn dựa
trên nền tảng của quốc gia dân tộc. Động lực thúc đẩy kinh tế trong toàn
cầu là tháo gỡ những trở ngại trong việc giao lưu hàng hóa và vốn tư
bản. Hệ thống chính trị quốc tế vẫn chủ yếu dựa trên những ý tưởng tương
phản về một trật tự cho thế giới và việc hòa giải các khái niệm về lợi
ích theo quốc gia. Toàn cầu hóa kinh tế, trong bản chất của nó, thông
qua vấn đề các biên giới giữa các quốc gia. Một chính sách quốc tế nhấn
mạnh đến tầm quan trọng của các biên giới, ngay cả khi nó tìm cách dung
hòa xung đột của các mục tiêu quốc gia.
Năng động này đã đem lại nhiều thập niên tăng trưởng
kinh tế bền vững, bị ngắt quảng bởi các cuộc khủng hoảng tài chính định
kỳ mà dường như cường độ càng leo thang: thí dụ như ở Châu Mỹ La tinh
trong những năm 1980; ở châu Á vào năm 1997; ở Nga vào năm 1998; tại Hoa
Kỳ vào năm 2001 và sau đó một lần nữa bắt đầu vào năm 2007; ở châu Âu
sau năm 2010. Những người thắng cuộc - những nước có thể vượt qua cơn
bão trong một thời hạn hợp lý và tiến về phía trước -, họ còn có một vài
dè dặt về mặt hệ thống. Nhưng những kẻ thua cuộc, - chẳng hạn như những
nước bị sa vào trong những cải cách sai lạc về mặt cấu trúc, như là
trường hợp với các nước thuộc phiá Nam trong Liên minh châu Âu - họ tìm
biện pháp khắc phục bằng các giải pháp như phủ nhận, hoặc ít nhất là gây
cản trở hệ thống kinh tế vận hành trong toàn cầu.
Trong mỗi một cuộc khủng hoảng này đều có một nguyên
nhân khác nhau, nhưng đặc điểm chung là do suy đoán bừa bải, cách đánh
giá quá thấp về các rủi ro trong toàn bộ hệ thống. Công cụ tài chính đã
được tìm ra lại làm lu mờ về các bản chất của sự giao dịch có liên quan.
Người cho vay khó ước tính ra mức độ cam kết của mình và của khách vay,
cả các nước lớn cũng vậy, để họ hiểu được các hệ lụy trong tình trạng
bị lâm nợ.
Vì thế mà một trật tự quốc tế gặp phải một tình trạng
nghịch lý: sự thịnh vượng của các thành viên trong trật tự này lệ thuộc
vào sự thành công của trào lưu toàn cầu hóa, nhưng tiến trình này tạo
ra một phản ứng chính trị khác với các nguyện vọng. Các nhà quản lý kinh
tế của phong trào toàn cầu hóa ít có dịp tham gia vào các tiến trình
chính trị của trào lưu toàn cầu hoá. Các nhà quản lý trong tiến
trình chính trị ít có động lực khích lệ chấp nhận nguy cơ để hỗ trợ cho
các vấn đề tài chính hoặc kinh tế đang kỳ vọng mà tính phức tạp của các
vấn đề này vượt quá tầm hiểu biết của tất cả mọi giới trừ các chuyên
gia.
Trong những điều kiện này, các thách thức trở thành một vấn đề cần phải tự điều hướng đất nước.
Các chính phủ đang phải chịu nhiều áp lực để tìm kiếm các lời khuyên về
tiến trình toàn cầu hóa theo chiều hướng đem lại lợi ích cho quốc gia
hoặc cho quan điểm trọng thương. Do đó, ở phương Tây, các vấn đề toàn
cầu hóa kết hợp với những vấn đề về quy cách ứng xử của một chính sách
ngoại giao dân chủ. Hài hoà các trật tự quốc tế về chính trị và kinh tế
thách thức các quan điểm đã được đặt ra: đó là việc tìm kiếm trật tự cho
thế giới bởi vì nó đòi hỏi mở rộng các khuôn khổ quốc gia; đó là
việc tạo khuôn khổ kỷ luật của một tiến trình toàn cầu hoá vì cách thực
hành bền vững bao gồm việc biến thể của các mô hình thông thường.
Thứ ba là sự thiếu vắng một cơ chế hiệu quả cho các
cường quốc tham vấn và có thể hợp tác về các vấn đề và mang lại hậu quả
nhiều nhất. Điều này có vẻ là một lời chỉ trích khác lạ nếu theo chiều hướng là đang có rất nhiều các diễn đàn đa phương, - nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.
Bên cạnh Hội đồng Bảo an
LHQ - một cơ chế thẩm quyền cưỡng chế chính thức nhưng bị bế tắc trong
các vấn đề quan trọng nhất, - còn có các kết hợp do
các cuộc hội nghị thượng đỉnh thường xuyên của các nhà lãnh đạo thuộc
Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Âu (EU), châu Á -
Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, các nước phát
triển trong khối G7 hay G8, và các nền kinh tế chủ yếu trong khối G20. Hoa Kỳ là một tham dự viên chủ yếu trong tất cả các diễn đàn này.
Tuy nhiên, bản chất và mức độ thường xuyên của các
cuộc họp làm ngăn trở việc phác thảo cho một chiến lược dài hạn. Các
cuộc thảo luận về các lịch trình và các cuộc đàm phán về chương trình
nghị sự chính thức chiếm lấy phần lớn thời gian chuẩn bị; về thời biểu
của các nhà lãnh đạo thì có một số diễn đàn kết hợp chung thành một quỹ
đạo có hiệu quả vì có những khó khăn trong việc tập trung thường xuyên
các nhà lãnh đạo này tại bất cứ một nơi nào. Khi tham gia các diễn đàn,
giới lãnh đạo đất nước, vì do các chức vụ của họ, nên họ tập trung vào các hiệu ứng
công khai về hoạt động của mình tại cuộc họp; họ bị thúc dục phải nhấn
mạnh ý nghĩa chiến thuật hay các khía cạnh trong mối quan hệ với công
chúng. Tiến trình này không cho phép họ vượt qua nhiều hơn là việc soạn
thảo một thông cáo chính thức - cách tốt nhất của họ là họ có một cuộc
thảo luận để đẩy đưa các vấn đề có tính cách chiến thuật, và cách tệ
nhất của họ là tìm một hình thức mới của phiên họp thượng đỉnh là xem đó
như là một diễn biến trong một "truyền thông xã hội". Một cấu trúc
đương đại của luật pháp và chuẩn mực quốc tế, nếu một khi mà nó được
chứng minh là có liên quan, không có thể chỉ được đơn thuần khẳng định
bằng những bảng tuyên bố chung; nó phải được cổ vũ như là một vấn đề
trong một niềm tin chung.
Thứ tư, xét trong toàn bộ thì sự lãnh đạo của Mỹ là cần thiết, ngay cả khi sự lãnh đạo này đã thể hiện một cách mâu thuẩn. Sự lãnh đạo này đã tìm được cân bằng giữa ổn định và bảo vệ
các nguyên tắc phổ quát, mà nó không phải luôn luôn có thể phù hợp với
nguyên tắc bất can thiệp chủ quyền hay kinh nghiệm lịch sử của các nước
khác. Việc tìm kiếm cân bằng giữa tính cách độc đáo của nước Mỹ và niềm
tin về lý tưởng trong tính phổ quát của nó, giữa các đối cực của việc
quá tự tin và sự quán chiếu nội tại, mà hai đặc tính cố hữu của vấn đề
là bất tận. Sự thoái thác các nỗ lực không là giải pháp.
Từ khởi điểm này chúng ta sẽ đi về đâu?
Tái tạo một hệ thống quốc tế là thử thách tối hậu cho
giới lãnh đạo trong thời đại của chúng ta. Sự thất bại trong nhiệm vụ
này sẽ không đem lại hình phat nặng nề như là một cuộc chiến tranh quy
mô giữa các quốc gia (mặc dù ảnh hưởng của một số khu vực trong chiến
cuộc này không thể loại trừ được) mà là một sự thay đổi về
phạm vi gây ảnh hưởng mà ta có thể xác định được qua cấu trúc đặc biệt
trong nước và các hình thức cai trị, ví dụ như các mô hình theo thoả ước
Westphalia chống lại mô hình cực đoan của Hồi giáo.
Chính giới phải rà soát thực lực
trong từng góc cạnh của mỗi lĩnh vực ảnh hưởng để so với các trật tự
khác mà nó được xem là không chính thống. Khi các lĩnh vực được nối kết
nhau để thông đạt tạm thời và liên tục tác động nhau, thì các cuộc phô
trương thanh thế hoặc lợi thế về quy mô trong toàn lục địa hay thậm chí
trên trên toàn thế giới sẽ giảm đi. Một cuộc đấu tranh giữa các khu vực
có thể còn làm mất sức hơn là một cuộc đấu tranh giữa các quốc gia.
Việc mưu tìm hiện nay về một trật tự mới cho thế giới sẽ đòi hỏi một chiến lược liên hoàn để triển khai
khái niệm về trật tự trong từng phạm vi của từng khu vực khác nhau, và
mối liên hệ của các trật tự trong các khu vực này với nhau.
Mục tiêu này không nhất thiết là phải giống nhau hoặc thường tự kết hợp nhau:
chiến thắng của một phong trào cực đoan có thể mang lại trật tự cho một
khu vực, trong khi nó sẽ khơi mào cho một tình trạng hỗn loạn mới và
còn cho tất cả các phong trào khác. Khi một quốc gia khống chế một khu
vực của bằng phương tiện quân sự, thậm chí có vẻ mang lại một trật tự về
mặt hình thức, thì tình trạng ổn định này cũng có thể gây ra một cuộc
khủng hoảng đối với các nơi khác trên thế giới.
Việc đánh giá lại các khái niệm về cán cân quyền lực
đang tiến triển tốt. Về mặt lý thuyết, vấn đề cán cân của quyền lực nên
được cân nhắc; trong thực tế, việc này đã chứng tỏ là rất khó dung hòa
về các tính toán của một quốc gia với các tính toán của các quốc gia
khác và khó đạt được một nhận thức chung về các giới hạn. Một chính sách
ngoại giao dựa yếu tố phỏng đoán - dựa trên nhu cầu phải thích ứng các
hành động mà việc đánh giá ta không kiểm chứng được – thể hiện chính xác nhất
trong khoảng thời gian có biến động. Khi trật tự cũ thay đổi liên tục
thì hình dạng thay thế là hoàn toàn không chắc chắn. Do đó, tất cả mọi sự
đều tùy thuộc vào việc định hình cho một số quan niệm về tương lai.
Nhưng sự thay đổi cấu trúc nội tại có thể đem lại những cách đánh giá
khác nhau về ý nghĩa của xu hướng hiện nay và, quan trọng hơn, về các
chuẩn mực đối nghịch nhau để giải quyết các khác biệt. Đây là khó khăn
tiến thoái trong thời đại của chúng ta.
Một trật tự cho thế giới của các quốc gia khẳng định được phẩm giá từng cá nhân và việc nội
trị có dân chúng tham gia, và sự hợp tác quốc tế theo các luật định do
thoả thuận, thì một trật tự thế giới này có thể là niềm hy vọng và sẽ là
nguồn cảm hứng của chúng ta. Nhưng sự tiến bộ hướng tới một trật tự này
sẽ phải được duy trì thông qua một loạt các giai đoạn trung gian. Tại
bất kỳ khoảng thời gian nhất định nào, chúng ta thường sẽ làm tốt hơn,
như Edmund Burke đã từng viết, "để chấp nhận một số chương trình phù hợp mà
không cầu toàn khi so với các lý tưởng trừu tượng, mà là cần thúc đẩy
cho được hoàn hảo hơn," và nó có nguy cơ khủng hoảng hay bị vỡ mộng khi
ta kiên quyết đạt được ngay lập tức một kết cục tối hậu. Hoa Kỳ cần có
một chiến lược và một chính sách ngoại giao cho phép giải quyết được
tính phức tạp của vấn đề -, ý nghĩa cao cả của mục tiêu, cũng như tính
cách bất toàn cố hữu trong những nỗ lực của con người trong hành động.
Để đóng một vai trò có trách nhiệm trong sự phát
triển của một trật tự cho thế giới trong thế kỷ XXI, Hoa Kỳ phải chuẩn
bị để đáp ứng cho một số vấn đề của chính mình.
Những gì mà chúng ta tìm cách ngăn chặn?, cho dù vấn đề sẽ xảy ra như thế nào đi nữa, và nếu cần thiết, thì liệu có phải chịu đơn độc không? Các câu trả lời này xác định được điều kiện tối thiểu về sự tồn vong của xã hội.
Những gì mà chúng ta tìm cách để đạt được, thậm chí
nếu không có hỗ trợ bởi bất kỳ một nỗ lực đa phương nào? Những mục tiêu
này xác định các mục tiêu tối thiểu của chiến lược quốc gia.
Những gì mà chúng ta tìm cách để đạt được, hoặc ngăn
chặn, chỉ khi được hỗ trợ bởi một liên minh thôi hay sao? Điều này xác
định những giới hạn ngoại tại của một ước vọng về mặt chiến lược của một
quốc gia và coi đó như là một phần của một hệ thống trong toàn cầu.
Những gì chúng ta không nên tham gia, ngay cả khi bị
thúc dục do một tổ chức đa phương hoặc một liên minh? Điều này xác định
các điều kiện hạn chế trong sự tham gia của Mỹ trong trật tự cho thế
giới.
Trên hết, bản chất của các giá trị mà chúng ta tìm
cách nâng cao là gì? Những cách ứng dụng tùy thuộc một phần vào hoàn
cảnh nào?
Trên nguyên tắc, các vấn đề tương tự cũng áp dụng cho các xã hội khác.
Đối với Hoa Kỳ, việc mưu tìm một trật tự cho thế giới
vận hành dựa trên hai cấp độ: tuyên dương các nguyên tắc phổ quát cần
phải được kết hợp song hành với một sự công nhận về tình trạng thực tế
của lịch sử và văn hóa của các khu vực khác. Ngay cả những bài học của
thập niên đầy thử thách cần được rà soát lại, việc khẳng định về đặc thù của Mỹ phải được duy trì.
Lịch sử không cho phép các quốc gia nghỉ ngơi để bỏ
qua các cam kết hay không nhận ra bản sắc nhằm tạo thuận lợi cho các
hành động khả dĩ ít gian nan hơn. Mỹ - khi thể hiện một đề xuất quan
trọng cho thế giới hiện đại trong việc tìm kiếm của con người tự do, và
một lực lượng địa chính trị tất yếu cho sự xác minh của các giá trị con
người - Mỹ phải duy trì ý hướng lãnh đạo này.
Về mặt triết lý và địa chính trị, vai trò lãnh đạo của Mỹ sẽ không thể từ bỏ
những thách thức trong thời đại của chúng ta. Tuy nhiên, một trật tự
cho thế giới không thể đạt được bởi bất kỳ một quốc gia nào khi hành
động đơn phương. Để đạt được một trật tự cho một thế giới đích thực,
trong khi muốn duy trì các giá trị của riêng mình, thì các thành tố cho
trật tự này cần phải có một nền văn hóa thứ hai có tính toàn cầu, theo
cấu trúc, và hợp với pháp luật - một khái niệm về một trật tự để vượt qua được các quan điểm và lý tưởng của bất kỳ một khu vực hay quốc gia nào. Tại thời điểm này trong lịch sử, điều này có nghĩa là hệ thống theo kiểu Westphalia phải được hiện đại hóa để phù hợp các tình trạng thực tế hiện nay.
Làm sao chuyển dịch các nền văn hóa khác nhau vào
chung thành một hệ thống? Hệ thống theo mô hình của Westphalia đã được
soạn thảo bởi một số hai trăm đại biểu, mà không ai trong số họ đã được
ghi tên vào biên niên sử như là một nhân vật quan trọng, những người đã
gặp nhau tại hai thị trấn của Đức cách nhau bốn mươi dặm (một khoảng
cách đáng kể trong thế kỷ XVII) trong hai nhóm riêng biệt.
Họ đã vượt qua trở ngại của mình bởi vì họ cùng chia
sẻ những kinh nghiệm tàn phá của chiến tranh Ba mươi năm, và họ đã kiên
quyết ngăn ngừa tình trạng này tái phát. Thời đại chúng ta, vì phải đối
mặt với các triển vọng thậm chí quan trọng hơn, nên cần phải hành động
về nhu cầu cần thiết của nó trước khi bị chìm đắm trong các thảm hoạ
này.
Những sử liệu tản mác đầy
bí ẩn từ thời cổ đại đã hé lộ một quan điểm về thân phận con người được
đánh dấu bởi sự thay đổi và xung đột mà ta không thể nào chữa trị được.
"Một trật tự thế giới" giống như là một ngọn lửa, "nhen nhúm và tàn lụn
trong mức độ chừng mực," với chiến tranh "Đức Thánh Cha và Đức Vua của
tất cả muôn loài" tạo ra sự thay đổi trong thế giới. Nhưng "sự hiệp nhất
của mọi sự lại nằm ở bên dưới cuả lớp bề mặt; nó phụ thuộc vào tình
trạng phản ứng có quân bình giữa các phiá đối nghịch."
Mục tiêu của thời đại chúng ta phải đạt được là một
trạng thái cân bằng trong khi kiềm chế những hiểm hoạ của chiến tranh.
Và chúng ta phải làm như vậy giữa dòng vũ bão của lịch sử. Các ẩn dụ nổi
tiếng về điều này có truyền đạt trong một ý tưởng là "người ta không
thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông". Người ta có thể so sánh lịch
sử như một dòng sông, nhưng các dòng nước sẽ luôn biến đổi.
Cách đây rất lâu, khi còn trẻ, tôi đã đủ kiêu ngạo để
nghĩ là tự mình có thể diễn đạt về "Ý nghĩa của Lịch sử." Bây giờ, tôi
biết rằng ý nghĩa của lịch sử là một vấn đề cần phải được khám phá,
không phải là vấn đề để tuyên bố. Đó là một vấn đề mà chúng ta phải cố
gắng trả lời tốt nhất là chúng ta có thể làm khi công nhận rằng vấn đề
sẽ vẫn còn mở rộng để tranh luận; mỗi thế hệ sẽ được đánh giá là liệu
xem họ đã có đối diện các vấn đề quan trọng
nhất, có hậu quả nghiêm trọng nhất về thân phận con người đựợc hay
không, và rằng liệu các chính khách có quyết định để đáp ứng những thách
thức này được hay không trước khi có thể biết được kết quả của nó.
***