Thiện Ý
Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 10 tháng 12 năm 1948, Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (The Human Rights Declaration)
đã được Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua, với 48 phiếu thuận,
không có phiếu chống nào, duy chỉ có Liên Xô cũ, Saudi Arabia và Nam Phi
từ chối bỏ phiếu. Tiến sĩ Herbert, Chủ tịch phiên họp Ðại Hội đồng Liên
Hiệp Quốc lúc bấy giờ đã nhận xét, rằng “Lịch sử sẽ ghi nhận Bản Tuyên ngôn này như là một trong những thành tựu nổi bật của Liên Hiệp Quốc.”
Như vậy là đã 67 năm qua (1948-2015), Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân
quyền đã cho thấy một giá trị phổ quát và vĩnh cửu. Bởi vì Bản Tuyên
ngôn ấy đã thể hiện một chân lý được khẳng định trong phần mở đầu, rằng “Mọi
thành viên trong gia đình nhân loại đều có nhân cách, có quyền bình
đẳng bất khả chuyển nhượng. Sự công nhận nhân cách và các quyền này là
nền tảng của tự do, công chính và hoà bình trên thế giới”; và rằng “mọi
sự coi thường và khinh thị nhân quyền đều đưa đến những hành động dã
man, xúc phạm đến lương tâm nhân loại và ước vọng về một thế giới mà mọi
người đều được hưởng tự do ngôn luận, tín ngưỡng và không bị đe dọa,
bởi đã được tuyên bố đó là khát vọng cao cả nhất của loài người”.
Trong 30 điều khoản của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, đã đưa ra
được những nguyên tắc và liệt kê các nhân quyền và dân quyền có giá trị
như một Bản Hiến pháp Quốc tế mà các quốc gia hội viên có nghĩa vụ phải
tuân thủ trong việc tôn trọng, bảo vệ và hành xử các nhân quyền căn
bản.
Tuy nhiên, trên thực tế, từ quá khứ đến hiện tại, vẫn còn nhiều quốc
gia không tuân thủ các điều khoản của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.
Ðó là các quốc gia có chế độ độc tài phản dân chủ các kiểu, điển hình
như chế độ độc tài đảng trị kiểu cộng sản ở Việt Nam; hay các chế độ độc
tài tôn giáo tại một số nước Trung Đông; hoặc chế độ độc tài quân phiệt
ở Miến Ðiện trước đây, nay đã chuyển đổi qua chế độ dân chủ đa
đảng...Tất cả các kiểu chế độ độc tài này, dù là thành viên Liên Hiệp
Quốc, có trách nhiệm tuân thủ Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, song
thực tế các nhà cầm quyền vẫn thách thức công luận bằng những hành vi
xâm phạm trắng trợn nhân quyền và các dân quyền căn bản.
Ðến đây một câu hỏi được đặt ra là vì sao chính quyền trong
các chế độ độc tài tại các kiểu lại dám thách thức công luận như vậy?
Câu trả lời tổng quát, theo thiển ý của chúng tôi, là vì 30 điều
khoản của Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền chỉ liệt kê các quyền mà
không dự trù các biện pháp chế tài hữu hiệu. Trên thực tế, các biện pháp
chế tài đối với các chính quyền vi phạm nhân quyền thường là đều xuất
phát từ các cường quốc có ảnh hưởng hay Liên Hiệp Quốc, vốn là tổ chức
mà các cường quốc chiếm ưu thế tuyệt đối (với quyền phủ quyết). Sự chế
tài này thường là các áp lực mạnh hay yếu lại tùy thuộc vào mục đích vụ
lợi song phương hay đa phương của các cường quốc.
Tỷ như những áp lực của Hoa Kỳ đối với các hành động vi phạm nhân
quyền bao lâu nay của chế độc độc tài toàn trị tại Việt Nam, thường chỉ
là biện pháp được sử dụng như một phương cách để đạt được một lợi ích
kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự nào đó cho Hoa Kỳ. Cộng sản Việt
nam chỉ cần đáp ứng phần nào hay tất cả lợi ích này cho Hoa Kỳ là họ có
thể an tâm tiếp tục đàn áp nhân dân, chà đạp nhân quyền, nhân danh cái
gọi là “vấn đề nội bộ của Việt nam”. Vì vậy, sự kết án của Hoa Kỳ hay
quốc tế nếu không đi kèm với biện pháp chế tài triệt để và hữu hiệu, thì
vẫn chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ, không có mấy hiệu quả thực tế.
Thực tế là tại Việt Nam, từ lâu nay nhà cầm quyền vẫn ngang nhiên xâm
phạm các quyền dân chủ, dân sinh và nhân quyền, dù Hoa Kỳ và quốc tế
bao lâu nay đã nhiều lần lên tiếng phàn nàn, kết án, cảnh cáo, kèm theo
những biện pháp pháp lý, hành chánh, kinh tế… cũng chỉ có tác dụng nhẹ
nhàng, đủ xoa dịu sự phẫn nộ của công luận và nếu có hiệu quả thì quá
lắm cũng chỉ buộc được Việt cộng lùi một bước (thả một số tù chính trị…)
để đối lấy một lợi ích giai đoạn nào đó , hơn là vì lợi ich tự do dân
chủ lâu dài cho nhân dân Việt Nam.
Thực tế là tại Việt Nam, ngay cả sau khi được kết nạp vào TPP, với
nhiều điều kiện ràng buộc về dân quyền và nhân quyền (tự do thành lập
công đoàn, tổ chức xã hội dân sự…), nhưng nhà cầm quyền cộng sản vẫn
thẳng tay bắt bớ, giam cầm và đầy ải các nhà đấu tranh cho các quyền tự
do chính trị và tôn giáo trong các nhà tù và các trại tù trá hình gọi là
“Trại Cải tạo” được thiết lập trên toàn cõi Việt Nam.
Đứng trước thực tế này, về phần mình, người Việt Nam yêu chuộng tự
do, dân chủ ở hải ngoại cũng không biết làm gì hơn là đẩy mạnh các cuộc
đấu tranh hổ trợ cho các nhà đấu tranh cho dân chủ trong nước, bằng cách
lên tiếng tố cáo và báo động trước công luận quốc tế về các hành động
vi phạm tự do, dân chủ và nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam.
Tựu chung, dù thực tế có thế nào chăng nữa, thì Bản Tuyên Ngôn Quốc
Tế Nhân Quyền vẫn mang giá trị phổ quát và vĩnh cửu. Vì đó là chân lý
muôn thuở của loài người, có giá trị qua mọi thời đại, vượt không gian
và thời gian. Tuy nhiên, ngày nào Liên Hiệp Quốc và các cường quốc không
có được những biện pháp chế tài hữu hiệu, vẫn sẽ không ngăn chặn được
các chế độ độc tài vi phạm tự do, dân chủ và nhân quyền trên hành tinh
này, tức là vi phạm Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền vậy.
Điển hình là Cộng sản Việt Nam, sở dĩ vẫn ngang nhiên tiếp tục các
hành vi đàn áp tôn giáo, tiêu diệt đối lập chính trị và các nhân quyền
căn bản như từ bao lâu nay, chính là vì thực tế Hoa Kỳ nói riêng, cộng
đồng quốc tế nói chung, có thể vì những lợi ích và toan tính khác, nên
chưa có những biện pháp chế tài triệt để, hữu hiệu và chưa thể hiện
quyết tâm thực hiện các nguyên tắc và các điều khoản của Bản Tuyên ngôn
Quốc tế Nhân quyền, vì lợi ích của nhân loại nói chung, nhân dân Việt
Nam và các nước sống dưới ách các chế độ độc tài nói riêng.
***
Chú thích:
38 năm trước đây, sau khi Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam, vi
phạm Hiệp định Paris ngày 27-1-1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa
bình cho Việt Nam, chúng tôi và một số anh em khác cùng chung lý tưởng,
đã sớm thành lập Mặt trận Nhân quyền Việt Nam trong ý hướng trường kỳ
đấu tranh chủ yếu bằng vũ khí nhân quyền cho mục tiêu chống độc tài, dân
chủ hoá đất nước, phù hợp với chiếu hướng chiến lược toàn cầu mới, hậu
“Chiến tranh Lạnh”của các cường quốc.
Trong nhiệm vụ Ủy viên Nghiên huấn của Mặt trận Nhân quyền Việt Nam, chúng tôi đã được giao trách nhiệm khởi thảo bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Việt Nam 1977. Tuyên
ngôn Nhân quyền này đã được công bố đúng vào ngày 10-12-1977 là ngày
bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông
qua. Chúng tôi còn nhớ, phần mở đầu của bản tuyên ngôn này đã viết:
“Khẳng định rằng, con người sinh ra có quyền sống và phải được sống xứng đáng với nhân phẩm và cương vị của một con người.
“Sống xứng đáng với nhân phẩm và cương vị của một con người, là
con người không phải chỉ sinh ra để được sống như một con vật mà còn có
yêu cầu khẩn thiết hơn là phải được sống và sống tự do.
“Sống tự do là mọi người, không phân biệt giai tầng xã hội, sắc
tộc, tôn giáo, phải được tôn trọng, bảo vệ và hành xử những nhân quyền
căn bản đã được ghi trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Hiến
chương Liên Hiệp Quốc: Quyền tự do chính trị, tự do kinh tế, tự do cư
trú và vãng lai, tự do tư tưởng bao gồm quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo, ngôn luận v.v….
“Bởi vì tự do và con người là một thực thể bất khả phân, có con
người là phải có tự do, thiếu nó con người sẽ sống trong lo âu, sầu tủi
và nhân phẩm bị hạ thấp ngang tầm loài vật.
“Tiếc thay, một dân tộc đã và đang phải sống ngang tầm loài vật,
đó là dân tộc Việt Nam. Bởi vì dân tộc này đã và đang phải sống dưới chế
độ độc tài đảng trị của những người Cộng sản Việt Nam, duới chế đô này
mọi nhân quyền và dân quyền căn bản đã bị chà đạp hay bị tước đoạt..”.
Những dòng cuối cùng của Bản Tuyên ngôn viết:
“…Như một quy luật, ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh; và rằng
một chế độ thiết lập bằng bạo lực, duy trì bằng bạo lực,như chế độ độc
tài đảng trị đương thời tại Việt Nam, thì sớm muộn cũng sẽ bị hủy diệt
do tự bản chất và do sức mạnh vùng lên của những con người bị áp bức,
bóc lột.”
Nguồn: VOA