Hồi chuông báo tử cho một nền Văn Học miền Nam!
Lê Phụng đã nằm xuống. Sự ra đi của ông làm tôi trăn trở tới
số phận một con người làm văn học. Một con người hầu như để cả nửa cuộc đời từ
sau 1975 đọc và nghiên cứu, rồi cầm bút để nhận được sự thờ ơ, ghẻ lạnh của mọi
người.
Sự hãnh diện ấy thật
chính đáng mà không có gì phải lấy làm hổ thẹn. Sự hãnh diện ấy tôi đã nhiều
lần bày tỏ công khai trên các diễn đàn báo chí hải ngoại trong nhiều năm nay.
Nhưng nay đến lúc phải nhìn ra sự thực
Trước đây, có lúc
tôi còn vương vấn và còn gọi gián tiếp là một dòng văn học bị “nghẽn mạch”.
Nhưng nghẽn là tạm thời rồi vẫn có cơ hội thông suốt.
Nhưng nay phải gọi
cho đúng tên của nó. Một dòng văn học đã chấm dứt.
Thật vậy. Nay mất
một người là mất một người. Chiếc ghế trống để lại không ai thay thế. Mai Thảo
mất thì không có Mai Thảo thứ hai. Đơn giản như vậy bởi vì không có kế thừa.
Chỉ vài năm nữa một vài người còn sống sót trong bóng tối lẻ loi như một Nguyễn
Văn Trung, Doãn Quốc Sỹ cũng sẽ không còn nữa.
Hoàn cảnh nào đã đấy
người cầm bút đến chỗ như thế? Tất cả là do thay đổi hoàn cảnh xã hội; họ như
bị bứng gốc đi trồng ở một nơi khác. Nhãn Hưng Yên, Bưởi Biên Hòa trồng ở
California hẳn có điều gì khác, huống chi một con người?
Phải chăng, nếu còn
VNCH thì chỗ đứng của Lê Phụng cho một người cầm bút có tầm vóc như ông sẽ như
thế nào? Thật ra, suy cho cùng, số phận người cầm bút như Lê Phụng cũng là số
phận dành cho đa số người cầm bút trước 1975 và cả sau 1975.
Câu trả lời của tôi
là cách đây đã lâu — khoảng hơn 20 năm — tôi có viết một bài nhan đề như một
lời cảnh báo về tương lai Văn Học Việt Nam Hải Ngoại. Nhan đề bài viết của tôi
là “Hiện trạng lão hóa trong văn học Việt Nam Hải ngoại”.
Tôi gọi đó là hiện
tượng “Lão hóa kép” chẳng những về phía tác giả như về đề tài, về sức viết, về
khả năng sáng tạo, v.v.. Và “lão hóa” cả về phía người đọc như tính trì trệ,
tính thờ ơ “tính không đọc sách”, hay thiếu một vốn văn hóa đọc.
Nói như thế chẳng có
ý trách ai hoặc nhắm vào người nào. Trách ai cũng là một cách gián tiếp trách
chính mình.
Một xã hội người di
tản vốn là thiểu số, lại thiếu một gốc gác văn hóa “truyền thống”, thường chỉ
có một thứ văn hóa vay mượn từ nước Tàu mà tưởng là của mình. Hãy chỉ cho tôi
có cái gì thuộc di sản thuần túy Việt Nam? 20 năm văn học miền Nam là một thành
tựu đáng nể, nhưng chưa đủ cắm sào ở bất cứ bến Văn Học nào thì quy luật của đa
số sẽ “ nuốt trửng” cái thiểu số đó và ngày một ngày hai sẽ nó sẽ bị tan loãng
trong cái đa số theo luật “melting pot”.
Cuộc di cư năm 1954
là một bài học khác hẳn về môi trường xã hội, văn học cũng như chính trị. Thay
vì nó bị “hóa lỏng, hòa tan” thì nó trở thành một dòng chảy văn học từ một dòng
sông nhỏ biến thành dòng sông lớn. Dòng chảy này đẹp biết là bao vì nó bao gồm
được tính nhân bản, khai phá, sáng tạo và đa dạng, tính kế thừa. Mà mỗi chữ tôi
dùng là một nét đẹp và nói mãi không hết. Mà nhắc đến nó là nước mắt lưng
tròng. Mà nó nhỏ hay nó lớn thì chưa chắc đã quan trọng bằng cái nó là của
người dân miền Nam đã nuôi dưỡng và tạo ra nó.
Nó mất đi và nay nó
không còn nữa chỉ vì có cuộc đổi đời. Một cuộc đổi đời thô bạo nhất mà chỉ
người trong cuộc mới thấm đẫm cái đau của nó.
Vẫn biết rằng sự hội
nhập và công việc giữ gìn bản sắc luôn là một thử thách, một cái không dễ gì,
mà vẫn cố trì kéo, cố níu nó lại, giữ gìn bản sắc để cái “tôi là” trước áp lực
của cái “tôi sẽ là”. Một quy luật xã hội cho mọi cộng đồng, mọi sắc dân, một va
chạm cọ sát với đầy những huyền thoại và thực tế.
Sụ biến chất do cọ
sát hàng ngày làm ta thay đổi đến chính ta cũng không nhận ra những thay đổi
ấy. Nhưng nếu có dịp về lại Việt Nam hôm nay, ta sẽ ngỡ ngàng về sự “biến chất”
từ cái văn hóa vật thể thấy được bề ngoài như cách ăn mặc, cử chỉ , điệu bộ,
ngôn ngữ đến cả cái văn hóa phi vật thể là tinh thần, tâm linh, cách suy nghĩ,
nền tảng đạo đức đến cả tôn giáo nữa.
Đối với mọi người,
ta chỉ còn có cái tên gọi, hai chữ Việt Nam và mầu da vàng đối với người ngoại
quốc. Còn thực sự ta không thể chính thức là người Việt Nam hoặc người bản xứ
dù đã hơn nửa đời người sống ở xứ người. Ta là “nửa người nửa ngợm” chăng? Và
này dân số trẻ sinh ra và lớn lên ở xứ người, chiếm phân nửa, ít nói tiếng
Việt, làm sao bắt chúng chia sẻ cái phần gia tài văn hóa, cái căn cước Việt như
tiếng nói, bài ca, tình tự đất nước, hay nỗi vinh nhục của một lá cờ hay những
hội chứng sau một cuộc chiến? Bình Giả hay Pleime, Đức Cơ là nghĩa quái gì cơ
chứ?
Sự mâu thuẫn có tính
nội tại, phi thực nằm ngay trong chính chúng ta, sống phi thực, sống giữa một
huyền thoại quá khứ đã sói mòn và áp đặt một cách “xuẩn ngốc” lên người khác,
lên giới trẻ.
Đến lúc nào cho phép
chúng ta nói lên được câu: Giã từ quá khứ?
Mặc dầu lý lẽ thì
như vậy, người Việt di tản vẫn cố gắng tìm cho mình một căn cước Việt tính như
một lẽ sống còn, như một chỗ trú ẩn. Căn cước Việt tính ấy không cần tìm đâu xa
xôi như trong truyền thống, lịch sử, văn hóa, tôn giáo, v.v..
Nó rất gần, còn như
sôi sục. Đó là cuộc chiến tranh và sự thua cuộc còn như vết thương nhức nhối.
Nó trở thành một cái “trung tâm văn hóa và kỷ niệm” phi vật thể như một trục
xoay mà người ta chỉ nhận thấy và nhận ra nhau trong các buổi hội họp, trong
các buổi văn nghệ hay trong lúc trà dư tửu hậu.
Hơn lúc nào hết, cái
ta hiện hữu được phô trương rõ rệt và muốn được mọi người nhìn nhận. Phô trương
là một trong những nét cá tính của người Việt di tản.
Không lạ gì, nếu vứt
bỏ cái quá khứ đó đi thì còn lại gì?
Nhiều người sẽ buồn
chán đến phát điên. Theo nghĩa xã hội học, người ta gọi cái đó là Hội chứng sau
1975, hội chứng thua cuộc. Hội chứng di tản hay còn bi kịch hơn, “Hội chứng lưu
vong”.
Tất cả mọi người có
mặt trong đám đông đó chỉ muốn vực dậy, làm sống lại quá khứ đó mà nay nhiều
khi nó chỉ còn là sự tô hồng quá khứ, như một huyền thoại. Nó mắc sinh một sự
quá đà là căn bệnh nói phét.
Ở một mặt khác,
người ta nhận ra rằng, càng có một truyền thống văn hóa hoặc tôn giáo truyền
thống ăn sâu vào tâm thức người dân thì sự hội nhập vào một xã hội càng trở nên
khó khăn. Hành lý càng nặng nề thì sự hội nhập càng khó khăn theo tỉ lệ thuận.
Trong nhiều sắc dân
như Do Thái, người da đen, dân Hồi giáo, dân Palestine với một truyền thống lâu
đời và một nền văn minh cố cựu bám rễ cho thấy sự đụng chạm giữa các nền văn
minh càng trở thành một bi kịch của xã hội trong việc hội nhập. Như ta thấy
hiện nay giữa Do Thái và Palestine.
Trong một cuốn sách
nhan đề: “Juifs&Noirs, Du Mythe à la réalité”, nxb In Presse, dưới sự điều
hợp của Shmuel Trigano, do nhiều tác giả cộng tác cho thấy sự mất còn của căn
cước người tỵ nạn là những nhan đề gây những mối căng thẳng, đi đến kết quả là
sự kỳ thị chủng tộc, sự căng thẳng đối đầu, sự cưỡng chế và khuất phục hầu như
không tránh khỏi.
Nghĩ như thế, để
nhìn lại căn cước người tỵ nạn Việt Nam Hải ngoại là một cuộc hội nhập tương đối
êm dịu và có thể chưa hề bùng nổ một cuộc va chạm “nảy lửa và sắt máu” nào với
dân bản địa.
Cho nên, không lạ
gì, người Việt sinh sống tại Pháp thì dễ dàng ăn mừng lễ Noel và thói quen uống
rượu vang. Trong khi người Việt tại Mỹ thì nay lại ăn mừng trọng thể ngày lễ Tạ
ơn. Đây không còn là giai đọan thích ứng, hội nhập mà là đồng hóa rồi.
Ngay các đồng hương
ở Ba Lan, mặc dầu chính phủ hiện nay có khuynh hướng siết chặt cánh cửa cho tỵ
nạn, vậy mà người Việt ở đây xem ra vẫn ung dung, thoải mái. (Vẫn xả thịt chó
ngay trong “ấp” với tiết canh, rựa mận và dồi chó.)
Bởi vì họ biết thích
ứng tương đối dễ dàng, bởi vì.. bởi vì thiếu vốn “văn hóa…truyền thống” mặc dầu
giữa người Việt với nhau thì “ăn thua đủ”. Ăn thịt chó, chửi tục, “ăn thua đủ”
là “nếp sống” văn hóa chứ không phải truyền thống văn hóa.
Như thế thì chúng ta
nên mừng hay nên lo?
Nghĩ thế, có lẽ chỉ
có một nhà văn Việt Nam ở Hải ngoại là Mai Thảo xem ra có bản sắc, có “căn cước
Việt tính” rõ nét và ông không dễ dàng chịu hội nhập vào xã hội mới là Hoa Kỳ.
Xin trích dẫn bài viết của Nguyễn Mộng Giác về Mai Thảo:
“Anh là hiện thân trọn vẹn hai tiếng “lưu vong”, hơn thế nữa, trong
khi những bạn văn khác tìm cách thích nghi với hoàn cảnh mới, Mai Thảo khăng
khăng sống y như cũ, từ chối tất cả những thay đổi cần thiết để hội nhập. Anh
không học Anh Văn, không lái xe, chữ viết nắn nót trang trọng trên trang giấy
kẻ hàng, thậm chí hàng tháng cứ dùng viết Big viết từng địa chỉ và họ tên của
700 độc giả dài hạn của tạp chí Văn lên phong bì chứ không dùng phương tiện
điện toán hiện đại. Tinh thần anh đề kháng với những gì đang đổi thay trước
mắt.”
(Thư quán bản thảo,
số đặc biệt tạp chí Sáng Tạo, số 60 tháng 7-2014, trang 37 Nguyễn Mộng Giác,
“Nỗi cô đơn lớn lao của Mai Thảo”. Nguồn chính:tạp chí Văn Học, số 143, tháng 3
năm 1998.)
Nhìn lại các cộng
đồng người di dân khác trên khắp thế giới hiện nay, sự có mặt của các sắc dân
đa tạp chủng tộc trở thành mối lo cho các chính quyền đã tiếp nhận họ như tại
Pháp, tại Mỹ và nhiều Quốc gia khác. Và họ tạo thành những ghettos.
Theo Vincent Viet,
trong cuốn “Histoire des Francais venus d’ailleurs de 1850 à nos jours” ông đã
viết:
“Chẳng hạn ở trung tâm thành phố Marseille, có những khu như:
Auvergnats trên đường Roquette, ở khu 11, dân Bretons thì tụ tập chung quanh
nhà ga Montparnasse, dân Alsaciens thì quần tụ chung quanh vùng Villette, ở
phía Đông Bắc thành phố, ở khu 19.
Đặc biệt những nhân công di dân làm phu thợ, phu đập đá, phu lợp
mái nhà, sống theo lề thói của họ từ nếp sống bản địa. Họ cùng đi làm một nơi,
cùng về một khu nhà chung cư, ăn chung cùng một món súp do người chủ nhà trọ
nấu, nói chung một thứ tiếng hay nói chung một thổ ngữ.”
(Vincent Viet,
Histoire des Francais venus d’ailleurs de 1850 à nos jours, nxb Perrin, 2004
trang 22)
Bài viết này chú
trọng nhiều đến vấn đề văn học với các nhà văn của cộng đồng người Việt mà
không quan tâm nhiều đến các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị của cộng đồng
người Việt.
Thoạt đầu, sau 1975,
nhất là sau đợt Boat people, 1979, số lượng các nhà văn, các tác giả cầm bút trước
1975 vượt biển tìm tự do khá đông, rộ lên một đợt di dân đã từng có kinh nghiệm
sống dưới chế độ cộng sản. Họ hừng hực khí thế đấu tranh và thề sẽ có ngày trở
về giải phóng quê hương. Trong một bài phỏng vấn ông bà Võ Kỳ Điền, do báo Sóng
ở Montréal thực hiện, qua đó nó cũng phản ảnh cái tâm tình của người tỵ nạn
Việt Nam lúc bấy giờ (năm 1992), tôi đọc được phát biểu của chị Diên như sau:
“Tội nghiệp, vì trong khi ai ai cũng đang nghĩ đến công tác “dọn
đường về nước”, mọi người chúng ta cũng đang hướng lòng về quê hương Việt Nam
khốn khó, về đồng bào ruột thịt của mình.”
(Trích Phỏng vấn của
Võ Bá Điền, báo Sống phỏng vấn nhà văn Võ Kỳ Điền, nạn nhân của chiến dịch thư
nặc danh. Tháng 9-92, Tài liệu riêng của Võ Kỳ Điền)
Cho đến bây giờ,
nhiều người trong cộng đồng vẫn có tham vọng chống Tàu và cộng sản cùng lúc.
Nhưng thực tế, tôi vẫn thấy họ tổ chức các bữa tiệc tại các Restaurants Tàu,
vẫn du lịch sang Trung Quốc và vẫn ra vào tiệm 1$ (Un Dolllar).
Ở thập niên 90, họ
đã đem lại niềm phấn khởi, một không khí đấu tranh và một tin tưởng về một
tương lai Văn Học hải ngoại? Thế giá người cầm bút lúc ấy vì thế còn cao lắm.
Tôi còn nhớ, trong
số báo Hợp Lưu đặc biệt có chủ đề để tưởng niệm học giả Hán-Nôm Tạ Trọng Hiệp.
Bài vở đã tạm đầy đủ với nhiều cây bút có thế giá, chờ lên khuôn. Chỉ còn thiếu
có bài của Nguyễn Văn Trung ở Montréal. Tòa soạn quyết định tạm chưa in, chờ
bài viết của Nguyễn Văn Trung. Bài viết của Nguyễn Văn Trung viết tay, phải gửi
bằng bưu điện sang Mỹ, thời gian chờ đợi trong 10 ngày. Báo đành ra trễ.
Xin ghi lại nguyên
văn lời tòa soạn, số 34 tháng 4&5, 1997 như sau ở Lời tòa soạn:
“Lẽ ra số báo này không đến tay bạn đọc trễ nải như đã. Chỉ vì tòa
soạn đã cố gắng – ngót mười ngày – chờ đợi bài viết dưới đây của giáo sư Nguyễn
Văn Trung.
Những vị nào đã từng đọc bản thảo của giáo sư Nguyễn Văn Trung ,
đều hiểu là rất khó đọc (hình như khó nhất trong các tác giả viết tay), các
chuyên viên đánh máy đều “chạy”, nên tòa soạn đã phải vừa đọc (đoán) vừa thực
hiện công việc này.”
(Hợp Lưu, số 34, năm
1997. Bài Nguyễn Văn Trung: Tạ Trọng Hiệp, Ông Đồ gàn thời nay, trang 26)
Đó là 1997; nào có
xa xôi gì!
Như thế cho thấy,
tác giả viết bài còn có giá lắm chứ! Hơn 10 năm sau, Nguyễn Văn Trung ngưng cầm
bút, nay sống lủi thủi ở nột góc nhà, không một bạn bè, it ai thăm hỏi. Và hoàn
toàn bị rơi vào quên lãng! Phải chăng sự bỏ rơi này chỉ là luật cung cầu? Và
nếu cần trách cái gì và trách ai bây giờ.
Trong số những người
cầm bút hết lòng với văn học miền Nam Hải Ngoại từ 1979 kể ra thì nhiều lắm.
Như một Nguyễn Mộng Giác, Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong, Bùi Vĩnh Phúc, Phạm
Quốc Bảo, Võ Đình, Vũ Huy Quang, Nguyễn Bá Trạc, Trịnh Y Thư, Khánh Trường, Mai
Kim Ngọc, Nguyễn Đức Lập, Trần Vũ đều xả thân với văn học với đầy thiện chí.
Nhưng tôi vẫn thấy
có hai người để hết tấm lòng cho văn học miền Nam như Viên Linh và Trần Hoài
Thư.
Nếu như báo Văn Học
ít lắm có mặt được 16 năm mà vẫn cứ “ Xìu xìu ểnh ểnh” chết lên, chết xuống,
thay mấy đời chủ bút mà dần đần số người đọc ít hơn số người viết.
Và nếu có cuốn sách
nào được in ra thì đó không phải là nhu cầu của người đọc mà là nhu cầu của
người viết.
Sau này, nhiều tác
giả muốn có danh đã tự bỏ tiền in sách, mời bạn bè thân hữu đến ăn uống. Khi ra
về, mỗi người còn nhận một cuốn sách biếu. Đúng là vừa được ăn, vừa được gói
mang về. Vấn đề là người được tặng sách có đọc hay không lại là một chuyện
khác.
Đó quả thực không
phải là một sinh hoạt văn học lành mạnh và thiếu một điều quan trọng là niềm tự
trọng.
Trở lại báo Văn Học.
Mỗi khi hết tiền để trả tiền in, tiền tem thì Trịnh Y Thư chủ nhiệm lại móc
tiền túi ra trả các chi phí. Có thế nào được coi là bình thường khi từ chủ
nhiệm, chủ bút đến người viết bài trong 16 năm ấy, chưa một ai nhận được tiền
nhuận bút dù chỉ một lần.
Sau này viết cho một
“tờ báo chợ”, chắc chắn có tiền, nhiều thì không có, nhưng rủng rỉnh thì có.
Hiện nay thì có thêm
nạn “Ti vi chợ” Từ 10 năm nay, nhiều đài Tivi chợ xuất hiện mà mục đích chính
là quảng cáo thương mại về các sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ. Tệ thêm một bậc là
quảng cáo đủ loại các thuốc men trị bá bệnh. Thuốc thật hay giả là chuyện của
luật pháp của chính quyền Mỹ.
Nhưng tôi cảm thấy
hổ thẹn thay cho một bọn người nay có danh phận đã đồng lõa một cách vô lương
tâm để lừa bịp những người dân, phần đông là có lợi tức thấp.
Sự trơ trẽn của họ
làm tôi không vui. Nghĩ lại thời nào họ cũng chống Cộng vung vít lắm. Sự “xuống
cấp” văn học Việt Nam hải ngoại với báo chợ, tivi chợ thì theo tôi thà chúng
không có.
Nhưng tôi vẫn thấy
có hai người để hết tấm lòng cho văn học miền Nam như Viên Linh và Trần Hoài
Thư.
Viên Linh là tờ Khởi
Hành, một mình một chợ, chủ nhiệm kiêm chủ bút, kiêm tất cả cặm cụi suốt năm
tháng với Khởi Hành.
Cuối tháng 3-2014,
Viên Linh phải trải qua một cuộc giải phẫu tim thập tử nhất sinh để thay thế
các “aortic valve, mitral valve và coronary valve” 31 tiếng đồng hồ sau mới
tỉnh dậy, ông viết,
“Chủ trương lúc lên đường từ 1996 tới nay vẫn được tiếp tục: Khởi
Hành có mặt để bảo tồn, duy trì và phát triển di sản văn học miền Nam, Văn Học
Việt Nam.”
(Viên Linh, Chủ
nhiệm, chủ bút Khởi Hành, số 209-210, May-July, 2014, lời mở đầu)
Có lẽ tờ Khởi Hành
với Viên Linh là tờ báo có mặt lâu nhất cho đến nay nếu tính từ năm 1996.
Người thứ hai là
Trần Hoài Thư. THT tự mua máy in, rồi một mình sưu tầm các tác giả là các nhà
thơ trẻ có thơ trước 1975 cũng như các nhà văn trẻ mà một số ở trong quân đội,
các nhóm như Sáng Tạo, v.v.. Ông đặt tên cho các tuyển tập ấy nằm trong Thư
Quán Bản Thảo với nhiều chủ đề. Cặm cụi làm việc một mình, ngoài việc phải chăm
sóc cho người vợ nằm liệt một chỗ, rảnh là chúi đầu vào in ấn, cắt xén và gửi
bạn bè.
Trong số những tác
giả lạc quan nhất về tương lai Văn học hải ngoại lúc ấy có Nguyễn Mộng Giác và
Mai Kim Ngọc. Nhưng trong một số báo Văn Học, xem ra niềm tin vào sự trường tồn
của văn học hải ngoại của ông Nguyễn Mộng Giác có phần lung lay. Ông đã viết
một bài nhan đề“Triển vọng của văn học hải ngoại” trong đó, ở phần kết luận ông
viết:
“Sinh hoạt văn nghệ di dân không còn biệt lập, dần dần yếu đi,
khiêm nhường, đóng vai trò “đại lý” y như những người Thụy Sỹ gốc Pháp, gốc Ý,
gốc Đức, hoặc những người Mỹ gốc Hoa ở New York, San Francisco.”
(Nguyễn Mộng Giác
Văn Học, số 103, tháng 11 năm 1994, trang 39)
Người viết đông đảo
với số lượng tạp chí văn học sầm uất như thuở nào với Văn, Văn Học, Thế kỷ 21
rồi Khởi Hành, Hợp Lưu, Làng Văn. Tại chỗ tôi ở, Montréal, có tờ Đi Tới và có
tới ba tiệm sách.
Nhưng có một hiện
tượng ngược chiều là số người đọc mỗi ngày một ít đi. Cắt nghĩa hiện tượng này
thì có thể trong quá trình Hội Nhập vào bản địa từ giai đoạn: Thích ứng-Hội
Nhập và Đồng hóa, có hiện tượng melting-pot. Trong đó cái đa số, số đông áp đảo
cái thiểu số theo cái tinh thần rất thông tục là “Ở bầu thì tròn, ở ống thì
dài”.
Các tiệm sách thay
nhau đóng cửa. Tôi cũng đã thấy có người từ khi di tản năm 1975 sang đây, chưa
hề đọc một cuốn sách nào. Nhà trang trí nào đàn Piano, tủ kính đựng bát đĩa.
Nhưng thiếu tủ sách, ngay đến một kệ sách cũng không có.
Trên bàn thờ, có bầy
hương án, bài vị, dòng họ con quan cháu quan, các vị tổ tiên áo mũ, cân đai,
thẻ bài trước ngực. Nhưng con cháu xem ra “mù chữ” theo nghĩa không đọc sách
tiếng Việt.
Nhận xét như trên có
vẻ sống sượng. Nhưng đó lại là sự thật.
Chỉ cần đưa ra một
nhận xét rất đơn giản là: văn học hải ngoại mà chất liệu sáng tạo là quá khứ.
Quá khứ kéo dài được bao lâu? Trí nhớ người cầm bút thì như mặt lõm của một
ngọn đồi — nhớ nhớ quên quên. Chuyện hiện tại thì như mặt phẳng của một ngọn
đồi, vừa nói xong đã quên.
Mà mất cái quá khứ
thì như thể mất cái căn cước người tỵ nạn, mất chỗ trú ẩn, mất cái làm nên họ
là họ.
Người giữ được quá
khứ, theo tôi, không ai khác là nhà văn Xuân Vũ. Một cán bộ hồi chánh trước
1975.
Nhưng tệ hại nhất và
vô cùng tệ hại là họ chuyển hóa những hoài niệm quá khứ thành lý tưởng, thành
một chủ trương, một đường lối, một chỉ hướng soi đường để họ hành xử và phê
phán bất cứ ai không theo họ hay nghĩ khác họ.
Tệ hại này là lớn
nhất, bi kịch nhất, đã kéo dài trong nhiều năm cho đến tận bây giờ. Cộng đồng
người Việt khắp nơi dần trở thành những ghetto để bêu xấu, chửi bới nhau. Họ
“mềm” và dễ sai bảo đối với người dân bản địa. Nhưng họ trở thành “cứng” hung
dữ đến sẵn sàng “ ăn thua đủ” chỉ vì một nhận xét, một ý kiến trái chiều. Họ là
nhất, ai không theo họ là bị chụp mũ, đủ thứ mũ. Họ độc tài hơn cả những kẻ độc
tài mà họ từng phải bỏ chạy.
Đã có thời thư rơi,
thư nặc danh hay ngay cả thư rơi có tên người viết nhiều như bươm bướm bêu xấu
đời tư, chửi bới nhau thậm tệ và không cần bằng chứng. Người chửi và người bị
chửi cùng ở trong cộng đồng người tị nạn chống cộng sản.
Tìm hỏi người đã “ký
tên” trong một lá thư rơi tôi được biết chỉ có một tên — người đã viết lá thư
rơi — là thật, còn lại những người “ký tên” khác cũng chỉ là nạn nhân. Tôi có
lá thư này do do một nạn nhân giao lại. Nội dung những lá thư nặc danh, thư rơi
giả tên người viết là rác bẩn trong cộng đồng người Việt, không đáng được nhắc
đến. Chúng đã tạo ra một bầu khí vẩn đục, gây sự nghi kỵ giữa những người cùng
trong cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản.
Khắp nơi, cộng đồng
người Việt dần trở thành những ghetto để bêu xấu, chửi bới nhau mà những người
làm báo, viết văn có trách nhiệm không nhỏ.
Nghĩ tới việc người
Việt chửi bới người Việt, tố cáo chụp mũ nhau thân cộng. Tôi nghĩ đến cuốn
truyện của nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhan đề “Mảnh đất lắm người nhiều ma”.
Cuốn truyện cho thấy cùng trong làng xã, nhưng hai họ có mối thủ riêng, truyền
hết từ đời cha dến đời con như thể không bao giờ dứt.
Phải chăng đó cũng
là hoàn cảnh người Việt hải ngoại hiện nay? Tệ hại này sẽ còn kéo dài mãi cho
dù nền Văn Học của hải ngoại đã khép lại.
Cái yếu tố làm cho
nền văn học hải ngoại chết non, ngoài những yếu tố vừa nêu trên, còn có vấn đề
nền văn học đó không có kế thừa.
Trên tờ Hợp Lưu, số
72, tháng 8-9, 2003 có dành hẳn một số báo cho các nhà văn được gọi là “Thế hệ
sau chiến tranh” với các bài viết Đỗ Lê Anh Đào, Thơ Thơ, Quang Thanh, Nguyễn
Hương, Bùi Hoằng Vị, Lê Quỳnh Mai, Bảo Phi, Nguyễn Việt Hà, Trần Tiến Dũng,
Phan Huyền Thư, Đinh Linh, Phạm Thị Ngọc, Thận Nhiên, Nguyễn Hữu Hồng Minh,
Nguyễn Quốc Chánh, Đình Trường Chinh, Nguyễn Thanh Hùng Tylur, Thu Hiền ngô,
Trần Tiễn cao Đăng, Đông Triều, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Nam Trân, v.v..
Lúc đó các nhà văn
trẻ trên dưới 40 tuổi trên không bị triệu chứng hậu chiến tranh, lại có trình
độ, đủ mọi điều kiện vật chất.
Nghĩa là họ hội đủ
các yếu tố khách quan để thành danh trớ thành những nhà văn như lớp kế thừa.
Vậy mà họ dần dần buông bứt. Nhiều người chỉ vỏn vện có vài truyện ngắn rồi im
bặt. Và tôi tự hỏi, bây giờ họ ở đâu?
Sau đó, tôi có viết
trên Tờ Hợp Lưu, lúc bấy giờ người chủ bút là anh Trần Vũ, yêu cầu viết để
khuyến khích các cây viết trẻ như: Đỗ Hoàng Diệu, Miêng, Mai Ninh, Trần Vũ,
Nguyễn Thị Thanh Bình, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Bình Phương và rất nhiều nhà văn
trẻ khác.
Những nhà văn trẻ
trên dưới 40 tuổi này liệu họ làm được gì? Kỳ vọng gì vào họ?
Theo tôi, họ thường
viết cho họ thay vì nghĩ đến chuyện kế thừa hay nghĩ tới chuyện thay thế ai?
Một nhận xét rất
khác thường là họ cầm bút khá muộn và tính đến nay thì họ đã trên 60 tuổi! Tính
đến năm 1995 thì Đặng Thơ Thơ sinh năm 1962, Hoàng Mai Đạt, 1960, Lê Thị Thấm
Vân 1961, Lê Minh Hà 1962, Lê Thị Huệ 1953, Nguyễn Thị Ngọc Lan 1957, Nguyễn Ý
Thuần 1953, Phan Thị Trọng Tuyến 1951, Trần Vũ 1962.
Nhận xét chung của
tôi về họ là họ không còn viết như trước nữa.
Và cho đến hôm nay,
không mấy người trong số họ tạo được một thế giá văn học.
Nhưng khi Trần Vũ ra
đi khỏi Hợp Lưu thì như có một sự tan rã khó cắt nghĩa. Các nhà văn trẻ tứ tán
mỗi người một nơi trên Web điện tử như Da màu, Gio-o.com. Theo tôi, cho đến
nay, ít người nào có được tiếng tăm theo kiểu một Võ Phiến, Mai Thảo, Nguyên
Sa. Ngay cả trường hợp Trần Vũ mà tôi trân trọng, quý mến.
Có thể nói, cái thời
của một miền Nam Việt Nam trước 1975 với bao hào quang và vinh dự đã không bao
giờ trở lại nữa. Vâng không bao giờ.
Những người còn ở
lại sống vất vưởng và bị bỏ quên một cách rất vô tình trước sự bạc bẽo của tình
người.
Họ không hẹn mà ra
đi không kèn không trống.
Chỉ trong tháng
10-2017, nhà thơ kiêm nghệ sĩ thổi sáo Tô Kiều Ngân ra đi. Còn mấy ai nhớ đến
Chương trình Tao Đàn của thi sĩ Đinh Hùng.
Rồi học giả Lê Hữu
Mục, một nhà Hán Nôm, đồng thời là tác giả cuốn: Tác giả Ngục Trung Nhật Ký
không phải của Hồ Chí Minh cũng lặng lẽ ra đi
Rồi đến lượt Lê
Phụng. Và mới đây nhất đến lượt ông Trần Thiện Đạo, ở Pháp ra đi ngày 25-11.
Trước 1975, ông là nhà dịch thuật các tác phẩm của các triết gia Hiện sinh như
các dịch giả khác như Vũ Đình Lưu, Trần Phong Giao, Trần Thiện Đạo, Nguyễn Minh
Hoàng, Bùi Ngọc Dung, Võ Lang, Lê Thanh Hoàng Dân, Mai Vi Phúc, Phùng Thăng,
Dương Kiềnvv..
Nhìn lại ngày hôm
nay, số lượng các nhà văn nhà thơ trước 1975 còn lại bao nhiêu? Nguyễn Văn
Trung, Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Đình Toàn hầu như đã vắng mặt. Những người khác
như nhà thơ Viên Linh, nhà văn Trần Hoài Thư kể như suốt những năm ở Hải ngoại
miệt mài với chữ nghĩa… với sưu tầm với nhiều tâm huyết. Những người còn lại
như thi sĩ Cung Trầm Tưởng, Du Tử Lê thỉnh thoảng xuất hiện. Những nhạc sĩ như
Phạm Mạnh Cương, Lê Dinh là những nhạc sĩ nằm trong danh sách chót còn sót lại.
Trong khi đó không
có người kế thừa chỗ của những kẻ đã ra đi. Ghế trống mỗi ngày một nhiều không
ai ngồi thay thế. Ai có thể thay thế được những người ấy?
Requiem in Pacis cho
nền Văn Học Miền Nam đã một thời sáng chói và nay đã tắt.