Những giới hạn ngoại giao của Đức Giáo Hoàng

Những giới hạn ngoại giao của Đức Giáo Hoàng tại Miến Điện
       RFI ngày 1.12.2017

 Báo chí Pháp có nhiều bài nói về chuyến tông du Miến Điện và Bangladesh của giáo hoàng Phanxicô.
Báo La Croix cho biết, « Tại Bangladesh, giáo hoàng kêu gọi hành động giúp người Rohingya».
 
 media

Sau bốn ngày làm việc tại Miến Điện, hôm qua, giáo hoàng Phanxicô đã tới Bangladesh và một trong những câu hỏi được một số nhà tranh đấu cho nhân quyền đặt ra là liệu ngài có dùng từ Rohingya để kêu gọi sự giúp đỡ cho sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi đã phải chạy trốn khỏi Miến Điện để tị nạn tại đây. Cũng như tại Miến Điện, giáo hoàng vẫn không dùng từ Rohingya, nhưng lại một lần nữa, và rất cụ thể, ngài nhắc đến hoàn cảnh của cộng đồng này.

 Thực ra, thay vì nói, giáo hoàng hành động và thông thường là hành động kín đáo. Trên đường từ Rangoon Miến Điện sang Dacca, Bangladesh, ngài đã bay qua các khu tị nạn của người Rohingya. Trong cuộc gặp giới lãnh đạo Bangladesh và ngoại giao đoàn, ngày hôm qua, giáo hoàng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần « tiến hành các biện pháp quyết định để đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này », không chỉ tìm cách giải quyết các vấn đề chính trị đã gây ra cuộc di dân ồ ạt, mà còn phải trợ giúp vật chất ngay lập tức cho Bangladesh để đáp ứng một cách có hiệu quả các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp.

Cũng theo hướng này, Le Figaro đưa tin, « Tại Bangladesh, giáo hoàng ủng hộ người Rohingya ». Theo tờ báo, giáo hoàng Phanxicô đã biết giữ im lặng để sau đó, tiếng nói của ngài được lắng nghe hơn. Tuy không dùng từ Rohingya, nhưng trong bài diễn văn đầu tiên ngay khi tới Bangladesh, ngài đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ những người tị nạn từ bang Rakhine, Miến Điện, ồ ạt chạy sang đây. Bang Rakhine là nơi sinh sống của đại đa số người Rohingya.

Thực ra, từ Vatican, nhiều tuần trước chuyến tông du này, giáo hoàng đã chuẩn bị lời kêu gọi cứu giúp người Rohingya. Nếu như tại Bangladesh, ngài không ngần ngại nêu ra thảm cảnh của sắc tộc Rohingya, đó là bởi vì giáo hội Công giáo Miến Điện đã thuyết phục ngài không nên dùng từ này, lo ngại là giới quân sự sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng Rohingya để tấn công giải Nobel Hòa Bình, bà Aung San Suu Kyi, nhằm xóa bỏ tiến trình chuyển đổi hướng tới dân chủ.

Tối thứ Tư, phát ngôn viên của giáo hội Công Giáo Miến Điện đã nhắc nhở rằng, hòa đồng với làn sóng quốc tế để chỉ trích giáo hoàng và bà Aung San Suu Kyi là rơi vào bẫy của giới quân sự Miến Điện. Nếu không có sự dũng cảm tranh đấu của bà Aung San Suu Kyi thì không thể có chuyến tông du của giáo hoàng. Hàng ngàn người đã ngã xuống để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi dân chủ và chúng ta không thể phản bội những ai đã đổ máu cho cuộc đấu tranh này.

Le Monde có bài xã luận nhận định về « Những giới hạn của ngoại giao Vatican tại Miến Điện ».

Trong chuyến tông du thứ 21 bên ngoài nước Ý, kể từ khi được bầu, đức giáo hoàng Phanxicô đã chấp nhận một rủi ro chính trị rất cao. Khi tới Miến Điện, một quốc gia đang vất vả thoát ra khỏi 50 năm chính quyền quân sự độc tài, ngài biết là mọi người chờ đợi ngài có một thông điệp mạnh mẽ về sự trấn áp phũ phàng đang giáng lên cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya, sinh sống tại bang Rakhine từ nhiều thế hệ qua.

Từ hồi tháng Tám, quân đội Miến Điện đã tiến hành một chiến dịch trấn áp, hãm hiếp và xua đuổi cộng đồng này, bị Liên Hiệp Quốc tố cáo là một cuộc thanh lọc chủng tộc thực sự. Khoảng 600 ngàn người Rohingya vô tổ quốc đã phải trốn chạy sang Bangladesh. Đối với đa số người Miến Điện, bị khích động bởi một nhóm lãnh đạo Phật giáo, thì người Rohingya là dân nhập cư, thậm chí một số người còn coi họ là khủng bố.

Thế nhưng, theo Le Monde, giáo hoàng đã thể hiện sự khéo léo của ngoại giao Vatican. Ngày 28/11, ngay khi vừa đến Miến Điện, trước một cử tọa bao gồm các quân nhân và cả Giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi, giáo hoàng đã kêu gọi « tôn trọng các quyền của tất cả những ai coi mảnh đất này là nhà của họ »

Ngài khẳng định, « tương lai của Miến Điện phải là hòa bình, một nền hòa bình dựa trên sự tôn trọng phẩm giá, các quyền của mọi thành viên trong xã hội, tôn trọng mọi nhóm sắc tộc và bản sắc của họ, tôn trọng Nhà nước pháp quyền và trật tự dân chủ cho phép mỗi cá nhân và mọi nhóm sắc tộc - không loại trừ bất kỳ ai – đóng góp một cách chính đáng vào lợi ích chung. »

Thứ Tư 29/11, tại Hội Đồng Tăng Già, quản lý khoảng 500 ngàn phật tử, giáo hoàng đã nhắc lại những phát biểu trước đó và thậm chí còn trích dẫn đức Phật : « Hãy loại bỏ giận dữ bằng cách không giận dữ, hay thắng người làm điều xấu bằng điều tốt ».

Tại Miến Điện có 700 ngàn tín đồ Công giáo và lãnh đạo tòa thánh Vatican đã cố tìm cách thuyết phục Phật giáo tiến hành đối thoại liên tôn giáo để chấm dứt các căng thẳng tôn giáo và « thắng vượt mọi hình thức hiểu lầm, bất khoan dung, thiên kiến và hận thù ». Lại một lần nữa, từ Rohingya không được ngài nhắc đến nhưng dường như lãnh đạo Hồi Đồng Tăng Già chấp nhận những lời kêu gọi hòa giải, ngoại trừ việc vị lãnh đạo này lo ngại là các tín ngưỡng tôn giáo có thể bị sử dụng vào việc hỗ trợ khủng bố và cực đoan.

Kết quả chuyến tông du Miến Điện của giáo hoàng chỉ là vừa phải. Người ta nghe thấy những lời kêu gọi của giáo hoàng nhưng chắc chắn không nghe theo. Khi không dùng từ Rohingya, phải chăng ngài đã tỏ ra thận trọng quá mức ? Phát ngôn viên của tòa thánh Vatican giải thích rằng giáo hoàng không thể giải quyết được những vấn đề nan giải. Đúng là ngài đã có những phát biểu mạnh mẽ và không mập mờ về nội dung. Ngài đã tránh chỉ trích giới quân sự hiện vẫn nắm giữ các vị trí quan trọng. Giáo hoàng cũng khéo léo ủng hộ bà Aung San Suu Kyi vì khả năng hành động của bà cũng hạn hẹp. Kể từ khi được bầu, giáo hoàng không bỏ lỡ cơ hội nào để kêu gọi, ủng hộ những người bần hàn, thua thiệt. Thế nhưng, ảnh hưởng của ngài cũng có giới hạn.