Nguyễn
Đăng Trúc
Reichstett, Pháp
Kiều của NGUYỄN DU (1766-1820)
Một gia sản văn hóa nhân loại
Vĩ nhân không chỉ là người nắm bắt thời đại bằng tư duy của mình, mà
còn giúp con ngời nơi cõi nầy đụng chạm đến vô tận.
Vì thế tự căn nét siêu việt trong
tác phẩm và nơi cuộc sống người ấy cống hiến một tấm gương
soi dẫn mọi thời đại, mỗi một người trong toàn thể nhân loại.[1]
Thi phẩm Kiều của Nguyễn Du là một lời được cảm hứng[2], một tư tưởng.
Vì là lời được cảm hứng, thi phẩm đó ở bên kia
bờ của việc mô tả hay biện minh cho một thời đại hay một xã hội nào bất kỳ.
Lời ấy không bị ràng buộc bởi những định chế và các giá trị đang chi phối nếp
suy tư của xã hội, nhưng đặt vấn đề về ngay chính nền tảng của chúng nhân danh
một quyền uy khác hơn quyền uy đương đại, đó là quyền uy của sự thật, của ý nghĩa về nhân tính con người. Vì vậy lời được cảm hứng
không quan tâm đến việc mô tả những thực tại xã hội, những tập tục của một cộng
đòan, những sáng kiến, giấc mơ hay tình cảm của một nhân vật. Nhưng đưa tòan bộ
thực tại con người, kể cả những nền tảng và định chế xã hội, trực diện với một câu
chất vấn duy nhất và căn đế : chất vấn về ý nghĩa của nhân tính.
Con người là vấn nạn cho chính mình, đó là một câu chất vấn duy nhất gợi hứng cho đạo lý các thánh hiền, cho
minh triết của những nhà tư tưởng đi tiên phong trong các nền văn hoá khác nhau
của nhân lọai
Khi tiếp cận được lời
thi ca, cảm hứng được câu chất vấn đến từ bờ bên kia, - lời vượt lên trên những kiến thức giới
hạn của con người-, các thánh hiền và các nhà tư tưởng chạm đến con tim con
người bất cứ nơi đâu và bất cứ thời đại nào. Sứ điệp của họ được tiếp nhận như
là gia sản văn hóa đối với toàn thể
nhân loại và đi vào Đại Ký Ức của các dân tộc.
Nếu gia sản văn hoá của nhân loại không chuyển đạt điều
gì khác hơn là ý nghĩa về nhân tính, thì sứ điệp văn hóa ấy cũng hé lộ cho thấy
thân phận con người tự căn vốn kỳ lạ và mâu thuẫn. Nét kỳ lạ ấy là dấu chỉ linh ư vạn vật của nhân tính buộc con
người phải dấn thân vào Cuộc Chiến bi thảm, nhưng hào hùng để có thể chu
tòan Mệnh làm người của mình.
Dưới ánh sáng của lời được cảm hứng từ bên kia bờ, Cuộc Chiến ngoại thường nầy [thánh hiền trong văn
hóa Hy Lạp gọi là Khôn Ngoan về nhân tính (άνθρωπίνη σοφία)[3] hay Đức Lý (Ήθος)] vượt
lên trên các hình thái đối nghịch của vũ trụ, trên các biện chứng tư duy và
tranh chấp xã hội, trên mọi hình thức tự phủ định ý chí muốn sống hay con đường
khổ hạnh để tu thân… Cuộc Chiến ngoại
thường nầy là :
·
Cuộc Chiến giữa Đạo sâu
kín, chân thực, đối nghịch với những đạo
giả tạo do trí năng vạch ra (xem
Đạo Đức Kinh của Lão-tử, quyển 1, chương 1).
·
Cuộc Chiến giữa một nhân tính đặt nền
tảng trên Ngã đơn độc và tự mãn bên
nầy bờ của bến mê và một nhân tính đích thực (Vô Ngã) bên kia bờ của Ngã mê
lầm đó, trong đạo lý Phật giáo.
·
Cuộc Chiến giữa Vương Đạo của chính nhân quân tử
và Bá Đạo của tiểu nhân, theo Khổng giáo.
·
Cuộc Chiến giữa Tài (Τέχνη) và Mệnh (Μοίρα) trong Bi
Triết của Hy Lạp (đặc biệt trong Prométhée
bị trói của Eschyle và trong Œdipe-Vua
của Sophocle :
“Cuộc chiến vinh quang mang nguồn sinh lưc cho
quê hương, xin Trời đừng dẹp tắt.”[5]
·
Cuộc Chiến (Πόλεμος) giữa Lời siêu việt (Λόγος ) và lý
lẽ con người trong tư tưởng của Héraclite.
·
Cuộc
Chiến giữa một bên là Đạo Công Chính và Chân Lý[6] : Đạo được
linh hứng bởi Thần Khí và được hướng dẫn bởi những ái nữ của Thần Mặt Trời
, và bên kia là con đường bế tắc của mê lầm mà mọi người đang đi, không trừ
một ai[7] trong
Thi Ca của Parménide.
·
Cuộc Chiến mà Socrate là một chứng
tá sống động trong cuộc sống, trong cái chết bi thương nhưng vinh quang, trong
lời giáo huấn ngược đời của ông.
·
Cuộc Chiến giữa nhân tính đặt nền
tảng trên (Tài), trí năng đo lường các sự vật trong vũ trụ, và
một nhân tính khác được cảm hứng bởi « Lý
của Con Tim » (Đạo Tâm) trong tư tưởng
Pascal...
Chính cuộc chiến đấu bi hùng đó đã khơi nguồn cảm hứng cho
tư tưởng gia-thi sĩ Nguyễn Du và được diễn đạt qua hai câu thơ đầu tiên của
truyện Kiều :
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau (Kiều, c. 1-2)
Toàn bộ thi phẩm Kiều là một sự triển khai trực giác độc
đáo nầy.
Nhân vật Kiều thể hiện cuộc chiến giữa hai căn tính con
người, một căn tính đặt nền tảng trên chữ Tài và căn tính kia trên chữ Mệnh,
ở ngay giữa cuộc sống.
Lời thi ca nơi Âm vọng Khổ Đau từ bờ bên kia (qua bóng dáng Đạm Tiên) thức tỉnh Kiều nhận ra một Kiều
hồng nhan gắn liền với Nghiệp (Tài), và một Kiều chân thực
bên trong (thanh cao) của Mệnh mà Giác Duyên sẽ cống hiến, sau cái
chết rốt ráo của Nghiệp nơi sông Tiền-Đường,
giao thoa giữa Tài và Mệnh.
Con đường của Tài
xuyên qua những hình ảnh tượng trưng như :
-
Sự tự vẫn : con đường vô
sinh, vô cảm.
-
Thúc Sinh – biểu tượng cho khóai lạc cá
nhân và lòng trắc ẩn thường tình.
- Con đường khắc kỷ ở trong một am
thất,
- Từ Hải – biểu tượng sự giải phóng xã hội...
Nhưng những con đường
giải thoát của Tài đều bế tắc.
Tuy nhiên Lời từ bên kia bờ không ngừng âm thầm nhắc rằng thế giới Ảo-tưởng của Tài
sẽ tàn, và Con Đường khác của
Mệnh sẽ hé lộ nhờ Giác Duyên :
- Đạo
của Mệnh, Đạo-Tâm tuyệt đối ở bên kia bờ của Tài và đòi hỏi cái chết tận căn của Tài (Kiều hồng nhan phải chết
trên sông Tiền Đường để sống lại Kiều Giác Duyên).
- Đạo
của Chữ Tâm là Đạo duy nhất của sự cứu rỗi, Đạo tuyệt hảo (Chữ Tâm kia mới
bằng ba chữ Tài). (Kiều c.3252).
Từ hai thế kỷ nay, thi phẩm Kiều của Nguyễn Du đã cảm
hứng tâm hồn và qui hợp con dân Việt-nam. Trong tương lai, hội ngộ nguồn cảm hứng
tư tưởng thi ca của nhân lọai, thi phẩm Kiều hẳn sẽ cống hiến cho mọi dân tộc trên
thế giới một lời mời gọi cấp bách để có thể nhận ra bí nhiệm vô tận, đó chính
là CON NGƯỜI.
*** Tóm lược bài phát biểu của Gs
Nguyễn Đăng Trúc về Văn hóa Truyện Kiều của Nguyễn Du trong buổi
trình diễn Nhạc của nhạc sĩ Quách VĩnhThiện tại Conservatoire de Musique J.S.
Bach, Bussy Saint-Georges
[1]Karl JASPERS, Les grands philosophes, tome 1, trad. C. Floquet et autres, Plon,
Paris, 1989, tr.36.
[2] Socrate đã
mô tả thi ca (lời được cảm
hứng) như sau: « Không phải
do tài năng nào của mình mà các thi sĩ làm thơ, nhưng là do cảm hứng từ một
quyền năng của Thần. Vì nếu dựa vào một tài năng trình bày lưu loát như người
ta thường làm được trong các bộ môn nào đó, thì phải chăng thi ca cũng chỉ là
một bộ môn nào bất kỳ hay sao! Bởi vậy, Thần đã xóa hết tài năng lý trí con
người để dùng họ làm thi sĩ, cho họ nhập Thần và trở nên những tiên tri của
Trời. Nhờ thế khi nghe lời thơ của các thi sĩ, thì chúng ta hiểu được rằng
không phải do chính tài năng họ mà họ có được những giá trị cao cả, bởi lẽ lúc
ấy họ đã bị tước hết tài trí của mình rồi; nhưng chính Thần nói, Thần chuyển
lời của Thần đến với chúng ta qua trung gian các thi sĩ ! »
(PLATON, Ion. 534 c-d;
534 e..).
[3] cf. PLATON, Biện hộ Socrate 20 d-e.
[5] SOPHOCLE, Œdipe-Vua,
c. 879-880.