Thái Công Tụng
Từ đồng bằng Trị Thiên đến núi rừng Phi châu
Vào thời đệ nhị thế chiến, tôi là học sinh truờng
tiểu học tại một huyện vùng gò đồi của đồng bằng duyên hải Trị Thiên
. Ngoài một giải đất phù sa hẹp chạy dọc theo những dòng sông ngắn
phát xuất từ giãy Trường Sơn thì toàn những dãy đồi bát úp nghèo nàn,
với rừng cây thứ sinh cao vài mét, có nơi thảo nguyên với cỏ tranh.
Gần phía chân núi thì đó là thiên đàng hạ giới về sự đa dạng muông
thú: cọp, beo, hươu, nai, chim công, trĩ, gà rừng, heo rừng .
Quê tôi thời đó 1940 nghèo lắm. Chúng tôi đi học
không guốc không giày. Rất ít nhà gạch. Lúc đó chiến tranh thế giới
bùng nổ, Pháp thua trận với Đức; thống chế Pétain lãnh đạo nước Pháp.
Riêng ở Đông Dương thì Pháp vẫn cai trị và học sinh khi đứng chào cờ
thường hát bài sau đây mà tôi chỉ nhớ lõm bõm mấy câu:
Maréchal, nous voilà
Devant toi, le sauveur de la France
và cũng hát bài quốc ca Việt Nam, còn gọi là Đăng
Đàn Cung:
Kìa, núi vàng bể bạc
Có sách Trời, sách Trời định phần
Một dòng ta, gầy Non Sông vững chặt
Đã ba nghìn sáu trăm năm
Bắc Nam gồm một nhà:
Con Hồng, cháu Lạc
Văn Minh đào tạo
Màu gấm hoa càng đượm
Rạng vẻ dòng giống Tiên Long
Bài thơ sau đây của nhà thơ Nguyễn Duy (có trình
đọc thơ ở New York và vài nơi khác) vừa hiện thực, vừa châm biếm cho
thấy một làng mạc thuở ấy :
Làng tôi xưa toàn nhà tranh vách đất
Bãi tha ma không một cái mả xây
Mùa gặt hái rơm nhiều thóc ít
Lũ trẻ chúng tôi vầy đất tối ngày
Thuở đến trưòng cũng đầu trần chân đất
Chữ viết loằng ngoằng củ sắn ngọn khoai
Thầy giáo giảng dạy rằng
Nước ta giàu lắm!
Lớp lớp trẻ con cứ thế học thuộc bài !
(Đánh thức tiềm lực)
Từ một đồng bằng nhỏ bé, 'quê em nghèo cát trắng,
ruộng nghèo không đủ thóc, vườn nghèo nong tầm thưa, ngõ buồn màu
hoang loạn' (nhạc Phạm Duy) , thì cũng không ngờ vào thập niên
1980, tôi đã lặn lội nhiều nơi ở châu Phi. Châu Phi ? Đúng thế! Cũng
không ngờ vì lúc học ở Trung học tại trường Quốc Học Huế, năm Đệ Nhị
(lớp 11) chương trình Địa lý học về Việt Nam, năm Đệ Nhất (tức là lớp
12 sau này), chương trình Địa lý chỉ có học về các cường quốc kinh tế
chứ không học về Phi Châu nên cũng chẳng để ý gì về Phi Châu, ngoại
trừ khi đọc báo có thấy tên lực sĩ như Abelee Bikila của Kenya đoạt
giải chạy Marathon nhiều lần.
Tôi có dịp đi làm chuyên viên nông nghiệp ở nhiều
xứ lục địa Phi Châu, nào Đông Phi như Rwanda, nào Tây Phi
như Guinée Conakry, Guinée Bissau, nào miền Sahel ở Nam
Sahara như Niger, Mali .
Khi nói đến châu Phi, ý niệm đầu tiên của mọi người
là nóng, nóng, mặt trời ..Thực ra, Phi Châu cũng có nhiều vùng khí hậu
mát mẻ lắm như các cao nguyên xứ Ethiopie, các cao nguyên Kenya,
Rwanda, Burundi trồng và xuất cảng nhiều cà phê , nhưng cũng có nhiều
xứ nóng cháy sa mạc, gió sa mạc thổi từng cơn mù mịt bụi lốc mù trời
như ở các xứ nam sa mạc Sahara. Nhưng hãy nói đến dự án tôi làm đầu
tiên ở Rwanda vào năm 1982 . Rwanda là một xứ nhỏ, nằm trên đường
xích đạo, gần các xứ như Kenya, Uganda. Muốn đến xứ này, máy bay dù
là Air France hay Sabena đều đáp xuống trạm đầu tiên là Nairobi ở
Kenya. Thông thường, máy bay rời Paris lúc nửa đêm để đến Nairobi
lúc 8 giờ sáng. Hành khách xuống Nairobi rất nhiều vì có nhiều dân
du lịch đi thăm muông thú . Sau đó máy bay tiếp tục đi Kigali là thủ
đô xứ Rwanda. Dự án tôi làm ở tận miền bắc xứ Rwanda, giáp ranh với
Uganda. Mục đích của dự án là biến cải một vùng hoang vu, có vài con
suối chảy, có vài chỗ đầm lầy, nơi trú ẩn di chuyển của sư tử, hươu
sao, nai, ngựa rằn thành một vùng trồng lúa, có hệ thống tưới tiêu,
phân phát đất cho dân nghèo không ruộng nương; thoạt đầu phải xây đập
nước nhỏ ngăn suối, đào kênh mương tưới, tiêu sau khi đã làm bản đồ
địa hình tỷ lệ xích lớn, phóng nọc, nhắm hàng trước khi đào kinh rồi
đến phát đất, rồi đến chỉnh trang khu vực, hướng dẫn nông dân Phi
châu trồng lúa và thu hoạch..Đó là một dự án huy động nhiều chuyên
viên Canada, riêng tôi lo phần nông nghiệp; tôi có du nhập một giống
lúa năng suất cao và hướng dẫn nông dân trồng lúa với kỷ thuật như
bón phân, tưới ruộng theo thời kỳ sinh trưởng. Một nhà báo Canada,
trong tờ Le Devoir ở Montreal, năm 1986, có nhắc đến dự án này với
tên tôi, trong một thiên phóng sự về Phi Châu .Các bạn nào học Pháp
văn có dịp ôn lại Pháp văn cho vui, trong bài báo tựa đề ' De
l'université à la rizière':
'Une région fortement marécageuse coincée
entre les vastes savanes herbeuses du Parc National de l'Akagera (
où s'ébattent lions, antilopes et buffles) et les collines
ondoyantes de la frontière ougandaise. Un vrai projet pour faire
vibrer l'âme des coopérants canadiens toujours sollicités par le
vertige qu'inspire l'appel des grands espaces vierges...Pourtant ce
fut un coopérant d'origine vietnamienne 'Oncle Thai' qui réussit à
implanter une variété de riz particulièrement résistante aux
parasites après l'échec des emblavures et des plants de pomme de
terre'.
Sau này tôi được biết nông dân cứ gọi tên giống
lúa ấy là 'Oncle Thi' .Âu cũng là một an ủi tinh thần lớn. Chính anh
Trần Văn Đạt (CN khoá 5) lúc đó đang làm ở Burkina Fasso (tên củ là
Haute Volta ) có sang Rwanda làm tham vấn viên (consultant)cho FAO
và có đến thăm dự án này. Xứ Rwanda, tôi ở đó đến 2 lần vì mấy năm
sau đó, vào năm 1988, tôi cũng có dịp đi làm cho một dự án ở
Ruhengeri, gần chỗ khỉ giả nhơn (gorila) ở nên cũng đã có dịp lội bộ
vào khu rừng tre này thăm khỉ giả nhơn. Ở Rwanda, bản thân tôi đã gặp
anh Châu Tâm Luân làm cho Tổ chức Lao Động Quốc Tế ở Kigali, sau
qua làm Madagascar, cũng như ông Trần Lưu Cung, có lúc làm Thứ Trưởng
Giáo dục Kỷ Thuật, Bộ Giáo Dục (trào ông Ngô Khắc Tỉnh làm Tổng Trưởng)
làm tham vấn viên cho World Bank .Phi Châu có 3 vùng :
-một vùng gồm nhiều xứ nói tiếng Pháp như
Sénégal, Togo, Mali, Burkina-Fasso, Cọng Hoà Trung Phi (xứ của Fidel
Bokassa), Niger v.v. là các xứ thuộc địa củ của Pháp và các xứ như
Rwanda, Burundi, Cọng Hoà Zaire là các cựu thuộc dịa của Bỉ
-một vùng gồm các xứ nói tiếng Anh
như Nigeria, Kenya, Tanzania, Uganda vì đây là các xứ cựu thuộc địa
của Anh .
-mọt vùng có những xứ như Angola, Mozambique
nói tiếng Bồ (Portugal) : đó là những thuộc địa củ của Bồ Đào
Nha
Tuy vậy trong bất cứ một xứ nào ở Phi châu cũng
có nhiều bộ lạc có ngôn ngữ khác nhau cho nên họ dùng chuyển ngữ
chung để thông đạt : tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Trong một xứ thì tổng
thống thuộc chủng tộc này, tổng trưởng thuộc chủng tộc khác, nên nói
chuyện với nhau phải sử dụng chung một chuyển ngữ là tiếng Pháp hay
tiếng Anh.
Trong những dịp đi làm việc đây đó ở Phi châu,
tôi có dịp gặp (hoặc được nghe nói) nhiều chuyên viên Việt Nam đủ mọi
ngành sau tháng tư đen : giáo dục, kinh tế, lao động, ngân hàng
Tôi cũng có dịp đi làm ở phía Tây Phi gồm các xứ
nói tiếng Pháp. Phía này thì đông người Việt hơn . Nói đến người Việt
ở Phi Châu, phải đề cập đến các quán cơm Việt Nam; nhiều nhất là ở
Abidjean (Côte d'Ivoire); mở niên giám điện thoại thành phố này ra
thì có nhiều quán ăn như Le Haiphong, le Hanoi, le Nam định. Các thủ
đô như Bamako (Mali), Dakar (Sénégal), Niamey
(Niger) đều có quán cơm Việt Nam do nhiều người Việt ở Pháp qua đó
làm ăn, rất phát đạt. Đặc biệt về Canh nông, khi xứ Cote d' Ivoire lập
nhiều nhà máy đường thì cũng có một số chuyên viên Việt Nam trước
làm cho Công Ty Đường Việt Nam qua đó, trong số ấy, có một thầy củ
của Trung tâm Giáo dục Nông Nghiệp, môn Biến chế thực phẩm là anh Võ
Ngọc Trước. Ông Nguyễn Tấn Nam trước Tổng Giám Đốc Công Ty đường Việt
Nam cũng sang làm ngành mía đường bên xứ này rất lâu .
Ở Sénégal, thủ đô Dakar, có ông Bùi Hữu Tuấn, trước
Đổng lý văn phòng Bộ Công Chánh cũng như ông Tôn Thất Trình có thời
làm Tổng Trưởng Canh Nông. Bên Cameroun, có ông Dương Kích Nhưỡng có
thời làm Tổng Trưởng Bộ Công Chánh; cũng phải kể ông Phạm Hữu Vĩnh,
trước làm Tổng Thư Ký Bộ Công chánh sau có lúc làm ở Algérie; tại
Mali và Burkina Fasso, có ông Đoàn Minh Quan với chức vụ sau cùng là
Thứ Trưởng Bộ Nông Nghiệp, sang làm cho World Bank về Khuyến Nông và
sau qua làm ở Madagascar.Ông Quan bị tù cải tạo ở Quảng Ninh 3 năm,
sau đó vượt biên qua Indonesia trước khi qua Mỹ .
USAID có nhiều dự án phát triển nông nghiệp tại
Sénégal và vì đây là một xứ có chuyển ngữ là tiếng Pháp nên họ thường
tuyển dụng chuyên viên Việt, đúng hơn là người Mỹ gốc Việt. Tôi gặp
ỏ đây các anh Lê Nguyên Khôi, Nguyễn Thế Thiệu, Francis Cần, là các
bạn làm trong ngành Nông nghiệp ở Saigon năm xưa. Tôi được biết ở
Sénégal còn có nhiều bạn khác làm ở các dự án tại nhiều địa phương
khác nhau như Hồ Hán Dân làm dự án trâu sữa ở Saint Louis phía Bắc
Dakar . Trong một dịp đi công tác ghé xứ Nigeria năm 1987, tôi có dịp
ghé thăm Ibadan là trụ sở Trung tâm nghiên cứu hoa màu nhiệt đới
(International Institute of Tropical Agriculture) nên lúc đó được
anh Nguyễn Văn Ngưu chỉ dẫn tận tình và đưa đi thăm (sau này, anh
Ngưu, làm cho FAO ở Rome). Tại Gambia một xứ nhỏ nằm giữa xứ
Sénégal, có chị Trần Thị Cẩm Tuyến làm cho Peace Corps; lúc đó Đại
sứ Mỹ là một phụ nữ da đen .
Năm 1992, tôi làm cho một dự án nông nghiệp ở
Mali .Đây là một xứ Hồi giáo, nên nhiều chuyên viên Mali thỉnh
thoảng ngừng xe, trải chiếu, rửa tay và khấn vái phía mặt trời . Xứ
này thiếu nước mà cứ rửa tay liên hồi ! Khi chào từ giã, thay vì nói
Au revoir, thì họ trả lời Inshala, có mghĩa là Si Dieu le
veut ! Trong thời gian tôi làm ở Mali, tại Segou, có một phái
đoàn chuyên viên nông nghiệp của một xứ lân cận là Burkina Fasso đến
thăm dự án tôi làm, họ thấy tôi là người Việt nên họ nói giáo sư của
họ cũng là người Việt, đúng hơn là người Pháp gốc Việt, đó là anh Đỗ
Cao Thiện dạy học ở Burkina Fasso . (mà anh Đỗ Cao Thiện là sinh
viên của tôi ở Trung Tâm Giáo Dục Nông Nghiệp Saigon)
Lúc sang Niger, vào một quán cơm Việt Nam dò hỏi
tin tức người Việt ở Niamey, bà chủ quán nói có một ông dạy đo đất
và cho số phone . Tôi đoán chắc trước kia có làm ở Tổng Nha Điền Địa
. Linh tính cho tôi biết, thế mà đúng . Tôi liền điện thoại, tự giới
thiệu , thì đầu giây bên kia nói 'tôi với anh cùng học Ấp chiến
lược ở Thị Nghè ' .Đó là anh Cao Thái Hưng, định cư ở Pháp. Cũng
ở xứ Niger, tôi có đến thăm anh Nguyễn Hữu Quyền, làm cho cơ quan
nghiên cứu nông nghiệp ICRISAT. Cũng nghe nói có một số chuyên viên
nông nghiệp làm ở Zaire, trong đó có anh Nghiêm Xuân Đài .
Tại Phi Châu cũng có các chuyên viên Việt Nam tốt
nghiệp bên Âu Châu (Bỉ, Pháp, Thụy sĩ), tốt nghiệp xong, không về nước,
qua châu Phi làm việc. Các nước Phi Châu thường thích các chuyên gia
Việt Nam hơn vì nhiều lý do: cùng xuất phát từ những nước chậm tiến,
hiểu và thông cảm vấn đề hơn, còn các chuyên viên da trắng có vẻ trịch
thượng, ta đây, kẻ cả, và vẫn còn giữ hội chứng 'thực dân'như củ (Bỉ,
Pháp)
Còn phải kể thêm nhiều phụ nữ Việt Nam, lấy chồng
là người Phi Châu trước kia đi lính trong đoàn quân viễn chinh Pháp,
nay rải rác bên Phi Châu ..Tại Dakar, một hôm đang đi công tác tại
đó, tôi đang đọc báo địa phương, tình cờ đang lướt qua tờ báo thấy
các chữ Dalat, Saigon, Gia Định, tôi càng chú ý đọc thêm mới hay
tác giả bài báo là một phụ nữ lai giữa Phi và Việt, và viết ra câu
chuyện trên, phỏng theo chuyện do bà ngoại kể chuyện lại. Bà phụ
nữ lai này nói được tiếng Việt, nhờ bà ngoại ! Ở Bamako, Mali, có
nhiều người Phi-Việt (cha Phi châu, mẹ Việt) làm lớn như chủ nhiệm
một tờ báo thủ đô, giám đốc Thông tấn xã Mali . Người cha, chết rồi,
bà mẹ còn sống và tôi có đến thăm. Cọng Hoà Trung Phi có Tổng Thống
Fidel Bokassa, trước kia đi lính cho Pháp ở Viet Nam, có vợ Việt
và có con gái đẻ tại Việt Nam tên là Martine, sau này, làm Tổng Thống,
nhờ Toà Đại sứ Pháp ở Saigon tìm giùm mới khám phá ra Martine: người
kiếm ra đầu tiên không phải là Martine con gái của Bokassa, mà phải
kiếm thêm lần sau mới là chính con Bokassa .Đi máy bay Air Afrique từ
Phi châu qua Paris, nếu gặp người Phi châu mà nước da đen rất nhạt
thì xác suất người đó có dòng máu Việt trong người khá lớn !( tôi
đã hỏi tình cờ như vậy trong máy bay, thế mà đúng)
Cũng cần để ý về phương diện tài chánh, nhiều xứ
Phi Châu nói tiếng Pháp đều sử dụng một đơn vị tiền tệ chung gọi là
CFA (communauté financière africaine) dễ hoán chuyển với đồng quan
Pháp. Tiện lợi lắm vì cùng tiền đó xài cho nhiều xứ (Mali, Niger,
Sénégal, Cote d'Ivoire, Tchad, Gabon).Vì hoán chuyển được với ngoại
tệ mạnh nên buôn bán, giao thương rất tiện lợi .
Các xứ Phi Châu có nhiều tài nguyên thiên nhiên:
xứ Niger có nhiều mỏ uranium, mà không có chất này thì không có chất
liệu cho các nhà máy điện nguyên tử, xứ Gabon thì nhiều dầu hoả và
hơi đốt ngoài thềm lục địa, xứ Côte d'Ivoire thì sản xuất nhiều cây
cacao làm chocolat, Mali thì có dầu hoả trắng tức bông vải xuất cảng
sang Pháp; Guinée-Conakry có nhiều mỏ bauxite trên đất đỏ, nguyên liệu
làm ra chất nhôm mà không có nhôm thì không sản xuất máy bay được.
Zaire và Cọng Hoà Trung Phi thì có mỏ hột xoàn. Trung Quốc hợp tác với
Mali làm nhiều nhà máy kéo sợi bông vải, chuyên viên Trung Quốc đãu
thầu nhiều dự án rất rẽ nên dễ trúng thầu vì lương kỷ sư, lương nhân
viên rất thấp. Trẻ con trong làng gặp tôi tưởng là người Tàu nên
nhao nhao hỏi 'nỉ hảo, nỉ hảo'? (tiếng
quan thoại tương ứng với How are you ?)
Các dự án Trung Quốc đấu thầu trúng thường là các
dự án xây đường sá như ở Rwanda, dự án đào giếng cấp nước sinh hoạt
như ở Mali. Các chuyên viên Trung Quốc tới đâu thì việc đầu tiên là
làm hàng rào, không tiếp xúc với ai; có thể là đường lối Cọng sản sợ
ô nhiễm văn hoá Tây phương; đi chơi thì đi theo đoàn 2, 3 người để
dễ kiểm soát lẫn nhau ..
Đã nói về Phi Châu là phải nói đến nhiều loài thú
hoang dã như Kenya có sư tử, hươu, ngựa rằn, trâu nước, heo rừng,
trâu rừng; Rwanda có loài gorila sống trên các vùng núi cao, ở đây
đã có một phụ nữ Mỹ từng sống một mình trong rừng già với loài
gorila nhiều năm và là chủ đề một cuốn phim 'Gorila in the
mist'. Đây chính là loại du lịch hấp dẫn rất nhiều du khách
Âu Châu . Chỉ tiếc là nhiều xứ loạn lạc liên miên nên du khách là
đối tượng của nhiều vụ khủng bố chứ không đây là một ngành dịch vụ
có nhiều tiềm năng của châu Phi.
*
Tục ngữ ta có câu 'đi một ngày đàng, học một
sàng khôn'; những gì học ở trường học giúp ta có một vốn liếng
căn bản về học vấn, nhưng khi ra đời, chung đụng với đủ mọi người,
cấp bậc khác nhau ở Phi Châu, từ ông préfet (tỉnh trưỏng) khó tính
đến cán bộ lem nhem , mỗi xứ có tập tục riêng, văn hoá riêng thì
khoa học chuyên môn không đủ mà tính linh động, thích nghi, hoà đồng,
tức các 'soft skill' rất quan trọng; giữa các 'hard skill' và
'soft skill' có tương quan chặt chẽ trong khi làm việc; tuy
nhiên, điều quan trọng là trong những ngày tháng ở Phi Châu, nếu gặp
được người Việt dù trẻ, già mà nói với nhau bằng tiếng nói của quê
hương, 'tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui '' thì
rất sung sướng, mà nếu có những người cùng nói 'mô, tê, răng, rứa'
thì càng cảm động hơn, vì được nghe lại tiếng của lời mẹ ru, ru mây
vào hồn..
GS Thái Công Tụng