Một vết thương nghìn đời vẫn còn rướm máu

Một vết thương
nghìn đời vẫn còn rướm máu

 

            (Nhìn lại những vụ việc đã xảy ra ở Hà Nội…)
 TS Nguyễn Văn Thành

Trong lịch sử của Đất Nước Việt Nam, những sự kiện như Nam Bắc phân tranh, Con Sông Bến Hải… tuy dù đã lùi dần vào quá khứ, vết thương vẫn còn rướm máu và nhức nhối, trong cõi lòng của tất cả những ai đang mang nặng mối tình Nước Non.

Hẳn thực, mặc cảm Sơn Tinh và Thủy Tinh, cho đến ngày hôm nay vào thời đại Nghìn Năm Thứ Ba, vẫn còn là một ung nhọt đang lở lói, lan tỏa, chưa được điều trị một cách dứt điểm, trong cõi lòng của mỗi người Việt Nam ở trong cũng như ngoài Nước..
Bao lâu chúng ta chưa có một tầm nhìn thẳng, cố quyết nhận diện và đối diện vết thương lòng ấy, một cách can đảm và trung thực, chúng ta sẽ không bao giờ tìm cách hóa giải mặc cảm ấy tận gốc rễ và ngọn nguồn. Bóng hình nó vẫn thấp thoáng đó đây, đeo đưổi tâm tư của nhiều người, len lỏi nằm vùng trong mọi công trình đóng góp và xây dựng của chúng ta. Và cứ như vậy, mỗi lần hai ba người Việt Nam có cơ hội ngồi lại với nhau, làm việc với nhau, trong bất cứ lãnh vực nào, mặc cảm Sơn Tinh và Thủy Tinh được hà hơi tiếp sức, sống lại và trở về. Họ chỉ gây ra bão lụt, mất mùa, đói khát, lầm than, chia rẽ, hận thù, chiến tranh và tàn hoại, trong chính cuộc đời và bản thân mình. Có bao giờ họ biết giật mình, thức tỉnh, nhận thức một cách sáng suốt rằng tất cả anh chị em đồng bào, không loại trừ một ai, đang khát khao hòa bình, hạnh phúc, no cơm ấm áo, trên mỗi nẻo đường của Quê Hương, từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau ?
Dưới ánh sáng của FREUD, tôi muốn phân tích cặn kẽ và chi li, mặc cảm Sơn Tinh và Thủy Tinh. Tôi cố gắng đào bới lên, để khám phá cho kỳ được bao nhiêu tầng lớp đã đóng lớp rêu phong trong tâm hồn của người Việt Nam và tạo nên một thế kẹt, từ đời nầy qua đời khác. Nói khác đi, nội kết hay là thế kẹt nghìn đời của chúng ta nằm ở đâu, bao gồm những yếu tố nào ? Khi nhận diện và đối diện, một cách thành tâm và can trường, ba cấu trúc Tự Ngã, Bản Ngã và Siêu Ngã, đang có mặt trong nội tâm, chúng ta sẽ có cơ may chuyển hóa bao nhiêu vấn đề đang bủa vây và làm tê liệt mọi công trình xây dựng Đất Nước và phục vụ anh chị em đồng bào.
1.- Siêu Ngã của chúng ta là gì ?
Tác giả HOÀNG Trọng Miên, trong tác phẩm « Việt Nam Văn Học Toàn Thư », do Tiếng Đông Phương xuất bản, Saigon 1973, đã đưa ra những dữ kiện sau đây :
« Thuở bấy giờ, Vua Hùng Vương đang trị vì ở Phong Châu, có người con gái rất đẹp tên là Mỵ Nương…Hùng Vương, trước lời xin cầu hôn cùng một lượt của hai thần Sơn Tinh và Thủy Tinh, mới bảo đôi bên thi tài. Thấy cả hai thần đều tài giỏi, không ai kém sút ai, Hùng Vương không biết nhận lời bên nào, mới hứa gả cho ai đem nhiều vật lạ của quý làm đồ sính lễ đến trước nhất, trong ngày hôm sau. Sơn Tinh đến trước. Hùng Vương giữ đúng lời hứa, cho Sơn Tinh rước Mỵ Nương về Núi Tản Viên ».
Trong câu chuyện nầy, nhằm tìm hiểu Siêu Ngã là gì, chúng ta cần ghi nhận những yếu tố cơ bản sau đây :
Thứ nhất, trong vấn đề tương lai và hạnh phúc đôi lứa của đứa con gái của mình, Vua Hùng Vương, với tư cách là người cha, đã đơn phương quyết định mọi chuyện, không có một lời và một lần tham khảo ý kiến của đứa con gái, như «Con yêu người nào trong hai thần Núi và Sông ».
Thứ hai, động cơ thúc đẩy hành động và tiêu chuẩn quyết định, trong vấn đề chọn lựa giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, là «Ai tài giỏi hơn ai ». Và vì hai người có tài ngang nhau, Vua Hùng Vương đã nêu ra một tiêu chuẩn thứ hai. Nhưng tiêu chuẩn nầy nằm ở ngoài con người của hai thần. Đó là tiêu chuẩn thời gian «Ai đến trước, người ấy sẽ là người thắng cuộc ».
Xét cho cùng, đây là một loại quyết định « Tránh Né ». Khi phó thác trách nhiệm cho yếu tố thời gian, Vua Hùng Vương không dám đảm nhận một cách sáng suốt mọi hậu quả của hành động.
Thêm vào đó, dựa vào thời gian để quyết định, là một bất công trắng trợn. Hẳn thực, khoảng cách giữa Núi Tản Viên, nơi ở của Sơn Tinh và Thử Đô Phong Châu làm sao có giá trị ngang bằng về mặt thời lượng, giữa Phong Châu và Biển Đông, nơi cư ngụ của Thủy Tinh ?
Sau cùng, trong thực tế, Vua Hùng Vương đã chọn lựa Sơn Tinh, vì biết rõ thế nào chàng cũng sẽ đến trước một cách dễ dàng. Tuy nhiên Vua Hùng Vương không dám bộc lộ tình cảm của mình, một cách trung thực và trực tiếp.
Thứ ba, trong tình huống cụ thể, chỉ có một người có khả năng  đề xuất tiêu chuẩn đánh giá, có giá trị và đáng khảo sát một cách nghiêm chỉnh, đó là Mỵ Nương. Nàng yêu người nào ? Ai sẽ làm cho nàng hạnh phúc ? Nàng có quyền diễn tả tiếng nói của con tim, vì đây là vấn đề riêng tư của nàng.
Tuy nhiên, Vua Hùng Vương đã nghĩ đến tài nghệ và của cải, khả dĩ mang lại lợi ích cho mình. Tâm tình của đứa con không được coi trọng. Tình cảm giữa cha con là vấn đề thứ yếu, so với tiền tài và uy lực…
Xuyên qua tất cả những nhận xét ấy, chúng ta có thể khám phá những đặc điểm, có mặt trong tâm hồn và tính tình của Vua Hùng Vương :

·        Xu thế áp đặt và kiểm soát tất cả, từ bên trên và từ bên ngoài, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi,
·        Lập trường Hơn-Thua chi phối mọi quyết định,
·        Tình cảm Cha Con bị chối từ hay là quá coi nhẹ,
·        Ý đồ trục lợi biện minh mọi quyết định và hành động.
Hai nhận xét sau đây còn bộc lộ thêm tính nghiêm trọng và tầm độ phổ quát của nội kết, hay là vấn đề truyền kiếp của người Việt Nam:
·        Theo lịch sử, Họ Hồng Bàng gồm có 18 đời vua, từ Hùng Vương thứ nhất đến Hùng Vương thứ muời tám. Thế nhưng, trong câu chuyện tranh chấp sống mái giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, người cha của Mỵ Nương là Vua Hùng Vương không niên lịch. Phải chăng câu chuyện muốn nói đến tư cách, tính tình và cách thiếp lập quan hệ của mọi người cha Việt Nam, trải qua mọi thời đại, từ nguyên thủy cho đến ngày hôm nay ?
·        Thêm vào đó, quan hệ hay là lập trường HƠN-THUA không phải chỉ có mặt ở đây mà thôi. Trong câu chuyện Bánh Chưng Bánh Dầy, để tìm người nối ngôi, Vua Hùng Vương thứ nhất đã tổ chức một cuộc thi tài. Từ ngày ấy, trong lòng Quê Hương Việt Nam, « chữ TÀI liền với chữ TAI một vần ».
 Hẳn thực, bao lâu còn có những cuộc « thi tài », để xếp đặt HƠN-THUA, là bấy lâu còn có CHIA RẼ, HẬN THÙ. Nói cách khác, « Nồi da xáo thịt » phải chăng là một vòng luân hồi bất tận, tiếp nối nhau, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác, phát xuất từ loại tư duy nhị nguyên nầy ?
2.- Bản Ngã của chúng ta là gì ?

Nhân vật chính yếu, cần đưa ra quyết định cuối cùng, trong câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh, đáng lý phải là Mỵ Nương, người con gái duy nhất của Vua Hùng Vương. Tuy nhiên, Mỵ Nương phải chăng là tên tuổi đích thực của nàng công chúa ? Hay đó chỉ là tên chung của mọi người con gái thùy mị, nết na, đức hạnh… trên Đất Nước Việt Nam, tư thời Hồng Bàng đến nay ?
Tuy nhiên, « thùy mị, đức hạnh… », phải chăng đồng nghĩa với tình trạng « không có tiếng nói, không có ý kiến, không có quan điểm và lập trường, không có ý muốn và nhu cầu » ?
Thùy mị phải chăng còn có ý nghĩa « Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy » ? Người con gái Việt Nam –Bất kỳ người con gái nào- phải chăng chỉ là « đồ vật » được gả bán, cho người nào mang đến nhiều vật lạ, của quí, làm đồ sính lễ, trước tất cả những người khác ?
Thùy mị là « xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử », nghĩa là lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con. Tòng cũng còn mang ý nghĩa là phục tùng, vâng lời. Hẳn thực, trong lối nhìn của nhiều người chồng, thậm chí vào thời đại văn minh ngày nay, tòng vẫn còn mang ý nghĩa là trở thành đồ vật, thuộc quyền sở hữu của vị hôn phu. Nhân cách và bản sắc hay là bản ngã của người phụ nữ Việt Nam hệ tại ở chỗ nào ? Từ đời Hồng Bàng cho tới ngày hôm nay, Mỵ Nương vẫn còn là mẫu mực và khuôn thước của mọi người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, để trở thành tấm gương được mọi người qui chiếu, bắt chước, phải chăng nàng phải đánh mất tất cả, thậm chí NHÂN CÁCH và NHÂN PHẨM của mình ?
Thêm vào đó, trong câu chuyện Sơn Tinh và Thủy Tinh, người MẸ không có mặt. Vấn đề cũng dễ hiểu, vì nếu người vợ đã không có tiếng nói, thì người mẹ cũng không có mặt mũi và chân dung, chân tướng gì cả. Vấn đề sẽ ít nghiêm trọng hơn, nếu kỳ thực người mẹ vắng mặt hoàn toàn.
Theo Phân Tâm Học, có mặt mà xa lòng, có mặt mà không có giá trị, có mặt mà không được kính trọng, trong đầy đủ mọi chiều kích…còn tệ hơn là không có mặt. Người mẹ có mặt bên cạnh người cha, mà đồng thời chỉ là « con người hạng hai, hạ đẳng », đó là một tình huống tâm lý kinh hoàng, hãi hùng, khả dĩ phát sinh nhiều khủng hoảng nội tâm và gây ra bao đổ nát, hoang tàn, trong cuộc đời làm người và thành người.
Trong tình cảnh tâm lý bế tắc nầy, lối thoát duy nhất và cuối cùng của đứa con thương mẹ, là GIẾT cha, để lập lại vị trí của người mẹ, đối tượng yêu thương của mình, tư ngày sinh ra.
Đưa con có thể giết cha, bằng gươm. Bằng súng, bằng bom đạn, để chiếm đoạt ngai vàng của cha. Một cách giết khác, bằng hình tượng và gián tiếp, là hủy diệt mọi công trình của người cha. Trong đó, có bản thân và giá trị đích thực của chính mình.
Tình cảnh hai người cha mẹ Việt Nam, có mặt nhưng không đồng hành, không trở thành « một xương một thịt », gắn bó với nhau… Hay là vắng mặt, nhưng không bỏ nhau, vẫn lui tới với nhau, khi cần thiết… Tình cảnh nầy, thực ra đã có mặt giữa Bà Âu Cơ và Lạc Long Quân, tổ tiên của người Việt Nam :
« Ta thuộc giống RỒNG, nàng là giống TIÊN, thủy hỏa khác nhau. Người thích ở cạn, người ưa ở nước, tính tình đôi bên khác nhau, không cùng ở chung với nhau một nơi lâu được. Bây giờ một nửa các con theo tôi, về Thủy Phủ. Còn một nửa thì ở lại với mẹ. Tuy đôi bên, kẻ ở rừng. Người ở biển, song đến khi có việc gì, thì tin cho nhau, không được bỏ nhau ».
Theo Phân Tâm Học, tình cảnh « vừa ở lại, vừa bỏ đi », là nguyên nhân của tất cả mọi khủng hoảng và xung đột nội tâm.
Từ tình cảnh khai nguyên này, hai đứa con Việt Nam mang tên là Sơn và Thủy –hay là Núi và Sông- không gặp nhau, trong yêu thương, đối thoại, chia sẻ, đồng cảm và đồng hành. Không cùng ngồi lại với nhau. Không cùng nhau nhìn về một hướng. Tranh chấp, xung đột, chém giết lẫn nhau… cũng là những cách « tìm cho có việc, để gặp nhau ». Nhưng khi gặp nhau bằng cách nầy, hai người chỉ làm nên những bãi tha ma, những Đại Lộ Kinh Hoàng, những con Sông Nhật Lệ và Bến Hải.
Thêm vào đó, chiến tranh triền miên cũng là một hình thức giải quyết tình cảnh « sống xa nhau, nhưng không được bỏ nhau ».
Theo Phân Tâm Học, đây là một cơ chế « DỜI CHỖ », giải quyết bằng con đường chiến tranh, hận thù, tố cáo, chụp mũ, gắn nhãn hiệu, khi chúng ta không có đủ can đảm để thú nhận : « Anh đi  đường Anh, tôi đi đường tôi, TÌNH NGHĨA đôi ta chỉ thế thôi ».

3.- Tự Ngã của chúng ta là gì ?
Tự Ngã, theo cách giải thích của Phân Tâm Học, là năng động tạo nên hứng khởi thôi thúc con người đi tới, vươn lên, xây dựng, đóng góp… nghĩa là dấn bước trên con đường YÊU THƯƠNG và HẠNH PHÚC.
Sơn Tinh và Thủy Tinh là hai năng động ngược chiều, chỉ vì Mỵ Nương là đối tượng tranh chấp và xung đột. Nói đúng hơn, chính Vua Hùng Vương là người khởi xướng tình huống mâu thuẫn nầy, do những đòi hỏi độc tài và phi lý của mình, còn được gọi là Siêu Ngã độc tài và độc tôn. Bên cạnh Siêu Ngã nầy, Mỵ Nương chỉ là một Bản Ngã nhợt nhạt, yếu ớt, bạc nhược, vô danh, lệ thuộc và hoàn toàn bị động.
Sơn Tinh hội tụ mọi đức tính của Bà Âu Cơ. Thủy Tinh phản ảnh tâm hồn của Lạc Long Quân. Xét riêng từng người, đây là hai tài năng vượt bực. Nhưng những tài năng ấy đang được sử dụng không đúng chỗ. Nói đúng hơn cả hai người bị lèo lái bởi một Siêu Ngã hoàn toàn ở ngoài và ở trên.
Đang lý ra, mỗi người cần ý thức mình là một giá trị đích thực, và người đối diện cũng là một giá trị đích thực ngang hàng và giống như mình. Từ đó, họ học tập NGỒI LẠI với nhau, cùng nhau góp sức sáng tạo một con đường thích ứng với giá trị của nhau. Đồng thời họ sáng suốt chấp nhận từ bỏ những con đường không tương ứng với giá trị cao cả và bao la của mình.
Đối với Mỵ Nương, nếu cả hai thần thực sự YÊU nàng, theo ý nghĩa toàn vẹn là CHO và NHẬN, họ sẽ đối xử với nàng như một CON NGƯỜI có khả năng quyết định và chọn lựa. Của Cải, Tiền Tài, hay là Thời Gian không phải là những yếu tố quyết định. Duy tình yêu mới có tiếng nói cuối cùng. Chính vì lý do độc nhất và cuối cùng nầy, khi Mỵ Nương đã diễn tả quyết định và chọn lựa của mình, một trong hai người sẽ biết TRI CHỈ, dừng lại, can đảm rút lui, chọn lựa một con đường khác.
***
Trong tinh thần và lăng kính ấy, TÌNH YÊU đâu phải là con đường độc lộ và một chiều. Trái lại, đó là ĐẠI LỘ thênh thang và bát ngát. Đó cũng là một vườn hoa có trăm hoa kiều diễm. Mỵ Nương cho dù tài sắc đến đâu, cũng chỉ là một trong muôn ngàn đóa hoa muôn màu muôn sắc, trên Đất Nước Vạn Xuân và Đại Việt hay là Việt Nam.
Nói một cách vắn gọn, cho dù tài giỏi xuất chúng, Sơn Tinh và Thủy Tinh đang thiếu tự tin một cách trầm trọng.
Trái lại, con người tư tin có khả năng CHO một cách vô điều kiện, không cần người đối diện ĐÁP LỄ.
Hẳn thực, con người TỰ TIN tìm cách giải quyết những xung đột, bằng con đường tiếp xúc qua lại, trao đổi hai chiều, đối thọai. Nói cách khác, họ NÓI với nhau bằng lời nói lịch sự và thanh nhã, thay vì dùng tay chân để đấm đá hay là sử dụng những phương tiện bạo động, những ngôn từ đao to búa lớn…để tố cáo và bội nhọ lẫn nhau.
Thêm vào đó, con người tự tin khám phá những đồng điểm, để xích lại gần nhau hơn mỗi ngày. Khi có những dị điểm, họ biết tìm cách bổ túc và kiện toàn cho nhau, ngày ngày mở lòng đón nhận quà tặng mà kẻ khác đang mang đến, nhất là những gì mình chưa có.
Sở dĩ Sơn Tinh và Thủy Tinh đang còn thiếu tự tin, vì người Mẹ của cả hai người đang vắng mặt. Hay nói một cách đứng đắn hơn, Mẹ đang VẮNG MẶT trong tâm tưởng của họ. Cho nên họ lăng xăng, loạn động, đi tìm một hình ảnh của mẹ ở ngoài. Và vì lý do ấy, họ tìm cách chiếm đoạt một vài mảnh vụn của mẹ, khi có một người phụ nữ xuất hiện ở bất cứ nơi đâu…
Chừng nào hai Thần Sơn và Thủy « sáng mắt và sáng lòng », họ sẽ ý thức được rằng Mẹ Âu Cơ đang hiện diện một cách tích cực và năng động, trong huyết quản của họ, cũng như đang có mặt trong máu mủ của mỗi người anh chị em, trước mặt và hai bên cạnh.
Lúc bấy giờ, mặc cảm Sơn Tinh và Thủy Tinh sẽ nhường bước cho khả năng đồng cảm và đồng hành, giữa những người đang chia sẻ cùng một Nước Non như nhau và với nhau.
Chính Thi sĩ Tản Đà đã và đang nhắc nhở cho chúng ta :
« NƯỚC Non nặng một Lời Thề,
« Nước đi đi mãi, Nước về cùng NON ».
__________________
Sách tham khảo :
1.- HOÀNG Trọng Miên  -  Việt Nam Văn Học Toàn Thư  - Tiếng Phương Đông, Saigon 1973.
2.- NGUYỄN Văn Thành  -  Đường vào Nội Tâm với Phân Tâm Học  - Tủ Sách Tình Người, Lausanne 1997.
3.- NGUYỄN Văn Thành  -  Sơn Tinh và Thủy Tinh : Hai con đường, một Nước Non  - Tủ Sách Tình Người 2003.
4.- NGUYỄN Văn Thành  -  Huyền Sử Việt Nam : Con đường luyện vàng của Con Rồng Cháu Tiên  - Tình Người, Hè 2004.
5.-NGUYỄN Văn Thành  -  Đồng Cảm để Đồng Hành  - TN, Xuân 2003