Từ Quảng Nam đến Kiên Giang

Phạm Chí Dũng

Từ Quảng Nam đến Kiên Giang và hai tuyến chiến thuật của TBT Trọng

Rốt cuộc, Quảng Nam đã không thể “nơi đây bình minh chim hót” theo cái cách mà người con đất Quảng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng dùng thơ để ví von về vận hội mới của vùng đất này.


Hai tuyến chiến thuật

Chỉ một tuần sau vụ cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng bất ngờ bị Tổng bí thư Trọng chỉ đạo Bộ Công an khởi tố và tống giam, cùng lúc xuất hiện trên mạng xã hội một số đồn đoán về mối quan hệ có vẻ đang nhạt đi giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc, hàng loạt lãnh đạo cao cấp của tỉnh Quảng Nam bị Ủy ban Kiểm tra trung ương thông báo kỷ luật: ông Đinh Văn Thu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Huỳnh Khánh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, và có lẽ đặc biệt nhất là trường hợp hai cha con ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011-2016 và ông Lê Phước Hoài Bảo, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Sau Quảng Nam và Hậu Giang, sẽ rất có thể là Kiên Giang - “căn cứ địa cách mạng” của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Không biết vô tình hay hữu ý, vào cùng thời gian trên lại hiện ra những tin ngoài lề về khả năng ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch thành phố Đà Nẵng - không còn được “che chở” và sẽ phải “nghỉ non”, thậm chí là nghỉ ngay sau tết nguyên đán 2018.
Từ trước vụ xung đột quyền lực và có thể cả lợi ích nhóm giữa cánh của ông Huỳnh Đức Thơ với Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, nhiều người đã cho rằng ông Thơ thực ra là “người thân” của Thủ tướng Phúc. Nhận định này dường như đã được chứng minh bằng kết quả của Hội nghị trung ương 6 vào đầu tháng 10/2017: trong khi Nguyễn Xuân Anh “mất sạch” thì Huỳnh Đức Thơ vẫn ung dung tại vị, bất chấp nhiều điều tiếng về những công trình tai tiếng ở Đà Nẵng liên quan đến nhân vật này.
Có một bộ phận quan chức trung cao - những người sợ chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng và chẳng ưa ông Trọng đến mức có lẽ chỉ cầu mong ông này bị đột quỵ - đã từng kỳ vọng rằng vụ Đà Nẵng là điểm kết thúc để phần cuối năm 2017 sẽ không có thêm vụ nào khác. Rồi đến khi nổ ra vụ bắt Đinh La Thăng, một số quan chức lại hy vọng rằng đó sẽ là vụ cuối cùng của năm 2017.
Nhưng sự đời lại cứ như khiêu khích ước muốn an lành của con người. Sau Đà Nẵng, đến Quảng Nam. Sau Quảng Nam đến Hậu Giang…
Có thể nhìn rõ là Tổng bí thư Trọng đã và đang vận động song hành hai tuyến chiến thuật: vừa dùng Ủy ban Kiểm tra trung ương để thi hành kỷ luật quan chức, vừa có vẻ thẳng tay dẹp nạn “thái tử đảng”.
Sau ngày 8 tháng Mười Hai năm 2017 - thời điểm có thể được xem là mốc mở màn cho “chống tham nhũng giai đoạn 2” của ông Trọng mà khởi đầu bằng vụ bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng, không chỉ hàng loạt quan chức của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và quan chức ngân hàng bị bắt, một số quan chức lãnh đạo các địa phương Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Nam bị kỷ luật, mà những “thái tử đảng” cũng bị “lên thớt”: Nguyễn Phước Hoài Bảo - con trai cựu bí thư Quảng Nam Nguyễn Phước Thanh, Huỳnh Minh Phong - cậu ấm của cựu bí thư Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc.
Ông Trọng lại chẳng có gì phải “lăn tăn” vì ông ta không bị dính chuyện con cái mình “hót hay nhảy giỏi”. Bởi thế ông Trọng chẳng ngần ngại “chém” những mái đầu trẻ trâu nhưng lại thích làm người lớn.
Tuy nhiên những dấu hỏi lớn bật ra là chiến dịch “Diệt thái tử đảng” của Tổng bí thư Trọng chỉ thuần túy là một động tác hãm bớt “tham vọng cá nhân” như tinh thần nghị quyết của ông, hay còn mang một ẩn ý và nhắm đến một mục tiêu nào khác?
Sau Quảng Nam và Hậu Giang, ông Trọng còn muốn tiến đến đâu nữa?

Đảo ngọc Phú Quốc

Vài blogger “thân đảng” vừa quy hoạch điểm đến của chiến dịch trên. Những lời khuyến cáo lẫn hàm ý đe dọa được tung ra nhắm tới Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết - hai con trai của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đòi hai người “tuổi trẻ tài cao” này phải trả lại chức, nếu không “sẽ có chuyện”.
Nhiều tờ báo nhà nước cũng đang ồn ào hỗ trợ cho chiến dịch “Diệt thái tử đảng” của Tổng bí thư Trọng. Không khí cũng khá giống với cảnh “đấu tố” vụ xe Lexus của Phó chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh vào giữa năm 2016: không đánh trực tiếp ngay tâm, mà “làm” dần từ vòng ngoài hướng vào tâm.
Có thể hình dung ngay rằng trong không bao lâu nữa, vòng vây sẽ khép kín hai người con của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nguyễn Thanh Nghị - Bí thư Kiên Giang, và Nguyễn Minh Triết đang ở Trung ương đoàn.
Từ giữa năm 2017, báo chí nhà nước đã bất ngờ lôi vụ khách sạn Hương Biển xây sai quy hoạch ở đảo ngọc Phú Quốc ra “mần”. Có tờ báo còn bạo gan đề cập đến trách nhiệm của Bí thư Nguyễn Thanh Nghị.
Phải chăng cho truy tố Thăng càng sớm càng tốt bởi ông Trọng đang phải chịu áp lực về thời gian cho một chiến dịch bắt “hổ lớn” khác?
Nhiều khả năng ông Nghị sẽ bị “luân chuyển cán bộ” - một hình thức được xem là ưu đãi - trong thời gian tới. Còn nếu không chịu đi, Nguyễn Thanh Nghị sẽ có thể phải đối mặt với đủ thứ chuyện chẳng hay ho gì.
Nhưng con cái chỉ là một vế. Nếu chiến dịch “Diệt thái tử đảng” đánh từ ngoài vào nhằm hướng đến hai người con của Nguyễn Tấn Dũng, thì sau hai người con đó, Nguyễn Tấn Dũng sẽ là cái đích cuối cùng, mục tiêu lớn nhất.

Cô độc ngay tại “căn cứ địa cách mạng”

Trong cuộc đời “vì đảng vì dân” của Nguyễn Tấn Dũng và ngay cả khi ông quyết định trở lại “người tử tế”, chưa bao giờ Nguyễn Tấn Dũng lại rơi vào tình thế cô đơn như lúc này.
Vào đầu tháng 12/2017, sự kiện đám tang mẹ của ông Dũng mất đã làm lộ ra một sự thật quá đen đúa: quá hiếm quan chức đương nhiệm và cả hưu trí dám đến dự đám tang này. Dường như cả đám người từng một thời anh em xôi thịt như một đàn nhặng quanh Nguyễn Tấn Dũng đã ngửi thấy mùi tử khí phảng phất quanh ông ta nên dạt xa càng nhanh càng tốt.
Hiện tượng báo đảng nói riêng và và báo chí nhà nước nói chung im bặt trước đám tang của mẹ cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể được xem là một chỉ dấu đặc biệt, không chỉ về thói vô cảm chính trị trong chính trường Việt thời nay, mà còn như một biểu trưng cho thói “ăn cháo đá bát” hết sức bạc bẽo của giới quan chức mang não trạng chỉ biết “phù thịnh không phù suy”.
Trịnh Xuân Thanh lại được dư luận xem là đầu mối dẫn đến các nhân vật Vũ Huy Hoàng - bộ trưởng công thương và là cơ quan chủ quản của PVN, Đinh La Thăng.
Một facebooker bình luận: “Là người có khí chất Nam Bộ giao lưu rộng rãi, ông cũng ít nhiều cũng có bộ hạ hay đồng liêu thân tín trong đảng. Thế mà giờ này không một ai tới hay gởi lẵng hoa viếng làm tôi thật sự bất ngờ. Đúng là trước có người so sánh đảng của ông với đảng bọn cướp tôi không tin. Nhưng giờ nhìn lại thấy đảng cướp nó vẫn nghĩa tình với nhau hơn”.
Tình cảnh “đèn nhà ai nấy rạng, thân ai người đó lo, hồn ai người đó giữ” đang phổ biến đến mức ghê gớm trong nội bộ đảng CSVN. Không chỉ với trường hợp Nguyễn Tấn Dũng, mà có lẽ tuyệt đại đa số giới quan chức từ trung cấp đến cao cấp của đảng sẽ phải chịu thân phận “hết quyền hết bạc hết ông tôi” ngay sau khi họ “nghỉ” - cho thấy không chỉ hiện tượng phân hóa sâu sắc mà đang diễn ra giai đoạn phân rã ngày càng nhanh trong đảng.
Vào năm 2016 sau khi Nguyễn Tấn Dũng đã bị hất khỏi Bộ Chính trị sau đại hội 12 của đảng cầm quyền, người ta vẫn nhìn thấy có đến vài ba trăm quan chức cùng lẵng hoa chúc mừng cho buổi sinh nhật của ông Dũng.
Nhưng kể từ quý 4 năm 2016 khi chiến dịch “đánh” Đinh La Thăng – người được xem là một thủ hạ tin cẩn của Nguyễn Tấn Dũng – khởi động, dường như Nguyễn Tấn Dũng cô độc hẳn.
Sau 'hổ' Đinh La Thăng liệu sẽ tới ai?
Sau 'hổ' Đinh La Thăng liệu sẽ tới ai?
Cho đến năm 2017 và đặc biệt cùng với các vụ việc Đinh La thăng bị loại khỏi Bộ Chính trị, vụ đại gia ngân hàng là Trầm Bê – người được dư luận cho là “tay hòm chìa khóa” của gia đình Nguyễn Tấn Dũng – bị bắt và bị đưa ra truy tố, rồi đến vụ Nguyễn Thanh Nghị – con trai Nguyễn Tấn Dũng, đang là bí thư tỉnh Kiên Giang – có thể bị phe đảng của Tổng bí thư Trọng cho “lên thớt” với lý cớ đầu tiên là vụ khách sạn Hương Biển sai quy hoạch ở ngọc đảo Phú Quốc, nghe nói cả một người thân của Nguyễn Tấn Dũng là Lê Thanh Hải – cựu bí thư thành ủy TP.HCM – còn không còn dám đi chơi golf với ông Dũng nữa.
Sau hàng loạt vụ việc trên, ngày càng nhiều dư luận cho rằng đường đi của Nguyễn Phú Trọng trước sau cũng dẫn đến cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng.
Đường đi của Nguyễn Tấn Dũng lại bị cho là đầy tì vết tham nhũng. Nguyễn Tấn Dũng là đời thủ tướng bị cho là “phá chưa từng có” trong lịch sử đảng CSVN, một thủ tướng mà nếu cánh đảng muốn và dám làm, gần như bất cứ lĩnh vực hay công trình cộm cán về tiền bạc nào cũng đều ít nhiều mang bóng dáng của cựu thủ tướng Dũng.
Sau Quảng Nam và Hậu Giang, sẽ rất có thể là Kiên Giang - “căn cứ địa cách mạng” của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Vì sao phải truy tố gấp Đinh La Thăng?

Trong bầu không khí không hề ăn ngon ngủ yên của chính giới Việt Nam, vào ngày 20/12/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đột ngột thông báo về bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Đinh La Thăng cùng các đồng phạm.
Trong một diễn biến liên quan đến Đinh La Thăng, vụ Trịnh Xuân Thanh sẽ được đưa ra xét xử vào tháng Giêng năm 2018. Bà Schlagenhauf - luật sư ở Đức của Trịnh Xuân Thanh - còn cho biết phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh có lẽ sẽ diễn ra vào ngày 10/01/2018.
Trịnh Xuân Thanh lại được dư luận xem là đầu mối dẫn đến các nhân vật Vũ Huy Hoàng - bộ trưởng công thương và là cơ quan chủ quản của PVN, Đinh La Thăng, kể cả… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Vụ truy tố có vẻ rất gấp gáp đối với Đinh La Thăng - với bản kết luận điều tra được hoàn thành chỉ 11 ngày sau khi ông Thăng bị bắt - đang khiến nảy sinh những dấu hỏi mới: phải chăng cho truy tố Thăng càng sớm càng tốt bởi ông Trọng đang phải chịu áp lực về thời gian cho một chiến dịch bắt “hổ lớn” khác? Và phải chăng Tổng bí thư Trọng muốn chủ động đánh phủ đầu cánh quan chức dám phản ứng ông qua vụ bắt Thăng và trấn áp luôn một “âm mưu lật đổ” nào đó còn trong trứng nước?

- Blog Phạm Chí Dũng - VOA