Những
Linh mục trong tù CSVN
Nguyễn Quang
Với tuổi đời lúc còn nhỏ, hiểu biết chưa được bao nhiêu, nhưng tôi vẫn băn khoăn sao các Thánh không có người Việt nào cả, thời điểm giữa thế kỷ hai mươi, mãi cho đến năm tuổi đã ngoài “tứ thập nhi bất hoặc”, Giáo hội tôi mới có hơn trăm ngàn các Thánh Tử Đạo được công nhận và chính thức phong Thánh cho hàng trăm Vị khác. Song tôi vẫn luôn đi tìm và tự hỏi về cuộc đời cũng như muốn biết rõ về mỗi con người nên Thánh đã sống và hy sinh làm sao.
Tôi cũng được truyền miệng từ người thân, vào thời bắt đạo,
tổ tiên trong dòng họ nhà mình nhiều người bị xô xuống giếng, bị chôn sống vì
không ai chịu bước qua Thập Tự giá. Cuộc sống của Họ là những con người dân dã
lam lũ bình thường, có gia đình vợ con học hành không nhiều, cũng thuộc lòng
được ít Tứ Thư, Ngũ Kinh cùng các bổn kinh hằng ngày, song cuộc sống rất tuân
giữ Mười Điều Răn như không làm chứng dối, không mê dâm dục, chớ tham của
người…
Nhân khi đất nước bị vô thần thống trị xem tôn giáo như
thuốc phiện, tôi chẳng may bị vào tù cùng nhiều người khác, trong đó có các tín
hữu thuộc nhiều tôn giáo khác nhau, Tu sĩ, Linh mục và đây quả là dịp để thể
nghiệm đức tin, đức mến cùng làm nhân chứng cho thời mình đang sống. Tôi may
mắn còn sống sót và đi vào cách thứ hai theo dòng chảy của thời gian trong quan
sát hữu thể thể hiện tính thể trước bạo quyền.
Nhiều người chứng kiến Linh mục Nguyễn Luân không bao giờ
chịu khuất phục, luôn kêu gọi thực thi nhân quyền, Người đã bị giam giữ những
nơi tồi tệ nhất và cuối cùng đến cái chết khi tuổi mới ngoài bốn mươi. Cuộc
sống Người bình dị, thanh bạch khó nghèo, trong tù thường không giấu giếm gì
nhau được nhiều, Ông là người tận hiến thật sự.
Và không biết Vị này có là chân phước, Ông đã bị đánh hộc
máu đến chết vì tội giữ bánh Thánh, trong tù mà còn giữ những bánh lễ. Linh mục
Nguyễn Quang Minh vụ nhà thờ Vinh Sơn, Sài Gòn đã bị đánh chết, ngoài sáu mươi,
chiếc quan tài của Ngài lắc lư trên cổ xe bò rời khỏi trại giam ra nghĩa trang,
một con người hết mực có lòng bác ái với anh em tù, đơn sơ thanh bạch, không ai
thấy Ngài nói chuyện chính trị gì cả dù bị cộng sản kết tội phản động, ngoài
sống Phúc âm thể hiện ngay trong đời thường.
Một Linh mục khác Nguyễn Phong, tuổi cao nhưng không bao
giờ xin cán bộ Việt cộng một cái gì trong lúc đau ốm. Không xin nghỉ lấy một
ngày cho đến khi nước vàng trào ra khỏi miệng mà chết vì chứng sưng phổi do
phải ngâm mình dưới đầm ruộng lâu ngày. Song Ngài được cái phúc không phải chôn
cạn như các tù nhân trốn trại sau khi bị bắn chết thường chôn hời hợt để mùi
hôi thối bốc lên có khi cả tháng, ngõ hầu mỗi khi các tù nhân trên đường ra
hiện trường lao động ngửi thấy mùi hôi thối đến tởm, rợn cả người mà làm gương.
Sinh hoạt của Linh mục Phong thật giản dị, hằng ngày Ông ăn bánh xe lăng – làm
từ bột khoai mì, như bao tù nhân khác dù Toà Giám Mục có cho người thăm viếng
thường xuyên.
Ân nhân của người Bắc di cư vào Nam sau Hiệp định Genève
1954, Linh mục Nguyễn Huy Chương, dù thăm nuôi đầy đủ từ gia đình, song vật
chất hầu như chia sẻ gần hết cho bạn tù. Ngài đã bị giam đến chết vì cùng các
bạn tù khác đứng ra thành lập Hội Ái Hữu cựu tù nhân chính trị Xuân Phước để
chuẩn bị giúp đỡ anh em khi ra khỏi các nhà giam cộng sản.
Quý Linh mục Tước, Đệ, Ban, Bình, Ngà, Thành, Thạnh, Thể,
Thoại… tuyên úy bị tập trung dài hạn, không biết bây giờ các Ngài còn sống hay
đã chết, nhưng cuộc sống thanh bần, luôn cứu giúp người một cách kín đáo trong
những điều kiện thật khắc nghiệt như trại Thung Lũng Tử Thần hay trại Cổn Sơn
với tên cai tù Bảy Đầu Rìu giết tù như choé.
Linh mục Nguyễn Viết Linh hãy còn sống, đúng là Ông này và
Ông Trần Văn Nguyện như hai Vị Thánh sống trong tù. Ông Linh không có thăm
nuôi, một Linh mục mà vào tù không có thăm nuôi cũng lạ, có chăng mỗi năm một
lần và rồi cũng mang chia hết cho anh em. Sinh hoạt hằng ngày đơn sơ kín đáo
khiến nhiều tù nhân hay đùa nếu cho Ông thăm nuôi nhiều quà không biết có còn
đức thanh bần như những anh em khác.
Đặc biệt Ông Nguyện, ngày ra khỏi trại đến đôi dép cũng cởi
ra trao cho anh em tù còn ở lại và đi chân trần ra khỏi nhà giam. Ông thăm nuôi
rất nhiều nhưng chia hết cho anh em, việc làm thật ngoạn mục rồi ăn bánh xe
lịch sử, tức bánh bột khoai mì đen, nghe nói khi ra tù phải qua đến Mỹ cắt mấy
đoạn ruột, những ngày tù cũng suýt chết vì bị bắt quả tang giữ bánh lễ nhưng
sau khi rời nhà kỷ luật ông may mắn còn sống sót, kể ra việc thành Thánh cũng
là ơn lạ, nếu Ông chết ngay trong tù qua vụ này biết đâu sau này không là ít ra
được phong đến Chân Phước, song còn phải sống và còn nhiều con nhân sư đối mặt
trước dòng đời… Nhiều người nói Ông nhân đức bởi vì Ông sống bên một “ông linh
mục” thăm nuôi rất dữ dằn và chỉ làm bác ái hạn chế.
Nhạc sĩ Huyền Linh, con người luôn tiết chế và điềm đạm,
cuộc sống thanh đạm làm sao và hài hoà với mọi người, không ai biết buổi chiều
cuối cùng nơi ngày phán xét sẽ như thế nào nhưng qua cách sống và niềm tin nơi
vị Linh mục này như có nốt nhạc hân hoan trong ngày ấy. Ngài lao động khổ sai
cật lực với bạn tù trên hiện trường và hầu như không có lời van xin khuất phục
trước Satan. Hãy cầu nguyện và “vũ khí” duy nhất chúng ta có được đó là lời cầu
nguyện với Ngôi Lời.
Linh mục Nguyễn Văn Chức, hai mươi năm tù nhưng luôn như
con trẻ, nơi nào có bất công thời mình lên tiếng vậy, không thăm nuôi nếu có
cũng là thăm ké vì từ ngoài xã hội đã bị Việt cộng rượt đuổi không cho an cư
tại bất cứ nhà xứ nào cho đến ngày vào tù gọi là mất tích, có tin đồn lan
truyền Ông đã bị Việt cộng róc xương da, chặt ra thành từng khúc như Linh mục
Diệp ở miền Tây Nam Việt Nam. Luôn lạc quan cho dù là lạc quan tíu, chan hoà
với mọi người.
Linh mục Nguyễn Văn Vàng, dù nhiều tham vọng nhưng cũng
trên tinh thần nhân bản, không biết tên Ông là Vàng trùng với màu cờ Vàng - với
Ông, cờ Vàng luôn là lá cờ chính nghĩa, biểu tượng của nhân bản tiến bộ, tư do…
Tôi cũng có dịp sống gần bên Ông, những lúc Linh mục được rời khỏi kiên giam ra
bệnh xá, Ngài vẫn luôn trong tươi cười dù cơ thân sau nhiều năm tháng nằm kiên
giam chỉ còn bộ xương như người Sô ma li sắp chết đói… Ông bị kiên giam đến chết vì lý tưởng tự do.
Dòng Tên Việt Nam với Linh mục Lê Thanh Quế, ngay tại Thung
Lũng Tử thần Ông đã đòi mang tất cả các Tổng bí thư cộng sản ra xét xử nhưng
cũng khuyên mọi người trong kiềm chế, bao dung. Ông bạo bịnh tại trại Xuân
Phước suýt chết và không lâu sau khi rời trại giam đã từ trần. Khi Ông về trú
ngụ tại một nhà thờ Dòng Tên tại Tại Thủ Đức, Sài Gòn, các bạn tù có thường đến
thăm Ông, nhưng các Linh mục ở đây đã bảo vệ Ngài quá kỹ, không mấy ai được gặp
vị Linh mục khả kính này dù trong bệnh hoạn. Điều quan trọng không phải những
gì Cha dạy bảo nhưng những gợi ý của Ngài thật minh tuệ. Linh mục Lê Thanh Quế,
một học giả của Dòng Tên, chủ trương Đạo Nhập Thế đã chết trong sự vây kín của
nhà Dòng với bao thương tiếc của anh em bạn hữu Ngài - những người chiến hữu vì
nhân quyền.
Và giương cây gậy đập anh em có Linh mục Đinh Xuân Thụy,
thuộc Giáo phận Xuân Lộc nay là Bà Rịa Vũng Tàu, không ai qua trại B thuộc
Thung Lũng Tử Thần mà không nhớ đến ông này. Mỗi chiều ông cầm gậy chạy quanh
khắp trại giam để xem có ai chuẩn bị đào tường, khoét vách đêm hôm đào thoát…
có lẽ ông là Linh mục duy nhất trong tù đưa cây trượng đập anh em.
Tôi đã thấy và tôi đã gặp các Linh mục, Tu sĩ hầu hết các
Ngài đều can đảm, khiêm tốn, không còn mấy cái tôi khả ố: tất cả đều nhắm đến
con người, trước mắt là các tù nhân đang cùng sống với mình vì dân tộc sau là
đến cái chung của Giáo Hội Hoàn vũ.
Với những người tín hữu theo truyền thống luôn xem Giáo Hội
là Mẹ, dù những năm tháng lâu dài bị đày ải song chúng tôi vẫn luôn hướng về
Giáo Hội bên ngoài như chuyện Đức Giám Mục Huỳnh Văn Nghi khi đi ban phép thêm
sức phải nhảy cổng sau mà về vì bị công an rượt. Tôi vẫn luôn hỏi về những
người bạn năm xưa thuở còn niên thiếu và nay vẫn kiên trì dù bao khó khăn phải
đối phó với công an Việt cộng nhưng một gia đình đến bốn anh em trai đều kiên
trì trở thành linh mục. Anh em họ Trương Đình! Nhiều Linh mục dù không vào các trại cải tạo nhưng vẫn luôn
trong sự không sợ hãi, luôn trong “existant và rất résistant”.
Xuyên suốt cuộc hành trình trong các trại giam, với tôi gần
hai mươi năm giam cầm, hình ảnh của Đức Cha Nguyễn Văn Thuận như luôn ở cạnh
anh em tù nhân Công giáo, cũng như các tôn giáo khác. Tôi nằm biệt giam mười
tám tháng và được biết căn biệt phòng sát bên từng giam Đức Cha, lúc từ Nhà thờ
Cây Vông, Diên Khánh, Khánh Hòa chuyển về trại giam Trần Phú, Nha Trang, trước
khi ra Bắc.
Những gì xảy ra tại căn biệt phòng này không thấy bút tích Ngài
ghi lại điều gì, nhưng giai thoại được kể lại qua các tù nhân tự giác sống tại
đây như Ngài từng bị thổ huyết sau khi chúng bức cung. Biệt phòng là nơi giam
giữ cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, không ai được đến gần, trừ một hai tù
tự giác đặc biệt mang cơm đến mỗi ngày.
Tôi nghe mọi người vào tù sau kể về các Linh mục bị gọi làm
việc về cái tội day giáo lý mà không chịu nộp giáo án… Quý Ngài bị khổ sở cho
những trò chơi masochism của chúng - thứ trò khoái lạc trên đau khổ của người
khác, nhưng rồi với sự cầu nguyện bền vững mọi sự cũng đã qua đi.
Những con người thầm lặng và có cuộc đời như Chị Thánh
Têrêsa và chính những con người đơn sơ như thế này đã làm nên một Giáo Hội vĩnh
hằng với bao lâu còn thế nhân theo truyền thống từ Thánh Phê rô và Phao Lô như
thuở sơ khai có cả Ligia người tín hữu gốc Ba Lan thánh thiện.
Quả là những gì đến từ ngoài nền tảng đá Thánh Pierre vì có
lời từ Logos “Trên Viên Đá này Ta xây Giáo Hội Ta…” như sự thoả hiệp qua
các thời đại của nhiều tăng lữ để được ăn trên ngồi trước, thậm chí có được
nhiều phẩm trật trong Giáo Hội như các Giáo sĩ quốc doanh ngày nay. Tất
cả rồi sẽ qua đi dù áo tím, áo hồng, áo đỏ… Những hòn đá nào ném đi từ Caesar
hãy trả lại cho Caesar, những gì trên nền đá tảng Phêrô sẽ trở về với Phêrô
trong dòng chảy Hư Vô lưu chảy Hư Vô - from Nada to Nada for Nada. Amen.
Nguyễn Quang
***