Lợi, Hại
Đàm Phán Với Bắc Hàn
Vi Anh
Trong chánh trị quyền lợi là cứu cánh tối thượng,
không ai ăn cơm nhà, hưởng lộc nước đi làm công chuyện cho quyền lợi
nước khác. Trong tình hình chấn động dư luận thế giới, TT Trump của Mỹ
tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp thượng đỉnh với lãnh đạo CS Bắc
Hàn Kim Jong un.
Đề tài cốt lõi là giải trừ hoả tiễn và nguyên tử của
Bắc Hàn, mà ba đời nhà họ Kim coi là điều kiện sống chết của chế độ
khép kín nhứt và chỉ có TC là đồng minh kinh tế duy nhứt. Nên không có
gì khó hiểu khi thấy TC có nhiều vận động ngoại giao tích cực nhứt cho
cuộc đàm phán này, nhiều hơn của Mỹ trong việc chuẩn bị cho TT Trump đi
đàm phán này; chưa rõ hội nghị ở đâu, ngày nào của tháng 5, 2018.Thế nên trong thời gian tiền hội nghị, Chủ Tịch Tập cận Bình của TC đích thân mời và tiếp Kim Jong un long trọng như một quốc trưởng đại siêu cường, hai bên giữ kín hoàn toàn, bảo vệ an ninh tối đa cho Kim Jong un dùng xe lửa bọc thép sang Bắc Kinh lần đầu trong 7 năm từ khi y lên ngôi hồi 2011. Kim Jong Un và vợ Ri Sol Ju đã được lãnh đạo tối cao của TC là Tập Cận Bình đón tiếp với nghi thức trọng thể tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh.
Xin lấy một số nhận định của báo Pháp ngoài cuộc, ít nhậy cảm hơn trong thời sự này. Các báo Pháp đều nhìn nhận đây là sự kiện có tầm quan trọng lớn đối với hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên đang diễn ra trong tiến trình ngoại giao có thể xảy ra này. Sự kiện này cũng được nhiều tờ báo chính ở Pháp cho rằng Kim Jong un trước cuộc hội nghị với TT Trump tìm cách củng cố vị thế bằng cách dựa vào người láng giềng khổng lồ, người đồng chí CS, người đồng minh kinh tế duy nhứt là Trung Quốc này đấy.
Còn báo Le Figaro thì nhận xét Tập Cận Bình đã khéo léo thành công đặt mình vào trung tâm ván bài ngoại giao về hồ sơ nguyên tử bắc Triều Tiên, và «Trung Quốc không thể đứng ngoài cuộc để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình».
Và nhật báo Les Echos cũng của Pháp nhận định cuộc gặp bất ngờ này cho thấy Bắc Kinh đang lập lại «mối liên minh thần thánh đối phó với Trump». TC dùng lại lá bài hoả tiễn nguyên tử của CS Bắc Hàn để đối phó với Mỹ. TC bất kể lãnh đạo Bắc Triều Tiên là ai, nền tảng tư tưởng của chế độ là gì, miễn Bắc Hàn giúp cho chiến lược bảo vệ lợi ích của Trung Quốc là điều cần và tốt trong việc TC hạn chế ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á là diện và Biển Đông là điểm.
Đó là khu vực mà Trung Hoa ngày xưa đã thống lĩnh trong nhiều thế kỷ và bây giờ Ô. Tập cận Bình của TC muốn tái hiện lại giấc mộng Trung Hoa. Nhưng Mỹ nhảy vào, chuyển trục quân sự để bảo vệ tự do hàng hải trong vùng biển Á châu Thái bình dương. Trước việc trở lại của Mỹ như có lá chắn, một số nước trong vùng đứng lên bảo vệ biển đảo của mình, khiến giấc mộng Trung Hoa đang trên đà thành ác mộng cho TC.
Nên ngày 30 tháng 3, Ủy viên Quốc vụ Viện Trung Quốc kiêm Đặc phái viên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Dương Khiết Trì, mau mau đi Seoul, bày tỏ sự ủng hộ đối với Hoa Kỳ và Nam Hàn trong nỗ lực tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với Bắc Hàn, đồng thời hy vọng rằng tiến trình này sẽ đạt được một “thành tựu quan trọng."
Vấn đề đặt ra là đàm phán với CS Bắc Hàn ai lợi nhiều?
Phe hiện CS là TC và CS Bắc Hàn lợi nhứt. Hai chế độ CS này làm lành lại. Phe hậu CS là Nga với Putin kết hợp với TC của Tập cận Bình trong việc ‘phá đám’ Mỹ, lúc nào cũng khuyến cáo Mỹ và chỉ thoả hiệp trừng phạt CS Bắc Hàn khi Mỹ không dùng biện pháp quân sự với CS Bắc Hàn dù CS Bắc Hàn nhiều lần hăm tấn công nguyên tử vào nội địa Mỹ.
Lợi kế là CS Bắc Hàn dùng đàm phán để câu giờ để chạy đua võ trang, hoàn thành hoả tiễn và bom nguyên tử. Không bao giờ CS Bắc Hàn phi nguyên tử hoá vì đó là niềm tin, là lẽ sống, lý do sống còn qua ba đời vua CS Bắc Hàn. Bình Nhưỡng vẫn lý giải rằng kho vũ khí nguyên tử và hoả tiễn đạn đạo là phương tiện đáp trả chiến lược trước mối «đe dọa» của Hoa Kỳ. Việc giải trừ vũ khí chỉ có thể khi mà các kẻ thù của họ tức là Mỹ cũng làm tương tự. Nên CS Bắc Hàn sợ Mỹ tấn công khi đàm phán thất bại. Nếu Mỹ tấn công Bắc Hàn, chỉ có TC hậu thuẫn, can thiệp thì điều tệ hại ấy cho Bắc Hàn ít xảy ra.
Cái lợi kế tiếp của CS Bắc Hàn là hy vọng sẽ ly gián, chia rẽ Mỹ và Hàn quốc khi bàn về Liên Triều. CS Bắc Hàn thế nào cũng chống Mỹ đóng quân ở Nam Hàn, chống Mỹ bao vây ngoài biển. Trước mắt, Bình Nhưỡng muốn Hoa Kỳ bỏ thỏa thuận liên minh quân sự với Hàn Quốc và rút 35 nghìn quân ra khỏi khu vực bán đảo Triều Tiên. Nhìn chung là còn rất nhiều điều mà Washington khó có thể, không có thể chấp nhận được.
Mỹ còn đàm phán với CS Bắc Hàn, tức là Bắc Hàn còn tồn tại. CS Bắc Hàn còn thì TC có ba điều lợi. TQ còn trái độn CS Bắc Hàn, quân Mỹ không tiến sát biên giới TQ. TQ không bị hàng triệu người từ CS Bác Hàn di tản qua TQ. TQ được tiếng tốt ngăn chận một chiến tranh huỷ diệt, có tình nghĩa với một nước đồng minh và đồng chí.
Nếu Liên Triều thống nhứt Mỹ thế nào cũng phải giúp kinh tế chánh trị cho Hàn Quốc tái thiết Miền Bắc. Mỹ không thể rút 35.000 quân ở Hàn Quốc, đó là số quân phòng chống TC là mục tiêu chánh. Nhưng Mỹ sẽ bị TQ khiếu nại, trành tròn khi để một số quân quá lớn bao vây CS Bắc Hàn khi Bắc Hàn không còn.
Có lẽ vì thế Mỹ cũng đang vận động và đã thành công, Liên Hiệp Quốc duy trì áp lực đối với CS Bắc Hàn. Tin ngày 30/03/2018 LHQ công bố danh sách trừng phạt nhắm vào gần 50 tập đoàn và chuyến tàu đã vi phạm lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên. Cấm các tàu liên quan cập bến bất kỳ một cảng nào trên thế giới, phong tỏa tài sản của 21 tập đoàn giao thông hàng hải và xuất nhập cảng. Đây là một quyết định trừng phạt nặng chưa từng thấy của LHQ. Nhưng Mỹ còn cứng rắn hơn, Mỹ còn có thêm các biện pháp trừng phạt riêng của Mỹ nữa. "Các nhà ngoại giao tin chắc là các biện pháp trừng phạt nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng đã đem lại hiệu quả và góp phần thúc đẩy Bắc Triều Tiên nối lại đối thoại với Hoa Kỳ.”
TC, Bắc Hàn đang tăng gia vận động cho hai cuộc đàm phán thượng đỉnh liên Triều và Mỹ-Bắc Hàn. Điều đó cho thấy TC và CS Bắc Hàn, nhứt là CS Bắc Hàn quá cần cuộc đàm phán, cần như cân phao cứu sinh cho CS Bắc Hàn. Nên cả hai bày tỏ dấu hiệu để hy vọng vào một viễn cảnh hòa dịu lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Kim Jong un tỏ ra là một người ái mộ vũ nhạc của Nam Hàn đến trình diễn ở Bắc Hàn. Sau chuyến thăm Bình Nhưỡng gặp gỡ lãnh đạo Kim Jong Un, hôm 31/03/2018, Chủ tịch Ủy Ban Olympic Quốc Tế (CIO), Thomas Bach thông báo Bắc Triều Tiên sẽ tham dự Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 và Thế vận hội mùa đông./.(VA)