Vatican nên thương thảo
với Bắc Kinh như thế nào?
Quan điểm của cựu đại sứ Canada tại Bắc Kinh
Đặng Tự Do
Giáo sư David Mulroney từng là đại sứ Canada tại Bắc Kinh từ năm 2009 đến năm 2012. Ông hiện đang là hiệu phó trường Đại học St Michael's ở Toronto, Canada. Trong một bài đăng trên Catholic Herald hôm thứ Năm 12 tháng Tư, 2018 với tựa đề “This is how the Vatican should deal with China” – “Đây là cách Vatican nên thương thảo với Trung Quốc”, ông viết như sau:
Trung Quốc có một khả năng đáng nể trong việc lừa dối những người trí thức. Cuộc “Đại nhảy vọt” của Mao, một thử nghiệm cuối thập niên 1950 đã được thiết kế để biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghiệp, là một thất bại khổng lồ làm cho hàng triệu người phải chết đói. Nhạy cảm với những lời chỉ trích gia tăng, Trung Quốc đã tổ chức các chuyến tham quan được nghiên cứu cẩn thận cho các nhà lãnh đạo công luận quốc tế với hy vọng họ sẽ tuyên bố điều mà Trung Quốc muốn họ nói ra.
Tổng thống Pháp François Mitterrand và tướng Anh Field Marshal Montgomery đã phát biểu một cách dại dột rằng không hề có nạn đói ở đất nước này. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng không hoàn toàn tránh được cạm bẫy này của Trung Quốc trong một tuyên bố được đưa ra hồi năm 2013 khi ông ca ngợi “nền độc tài chút đỉnh” của Trung Quốc đã mang lại những thành công vang dội cho kinh tế của nước này.
Và các nhà quan sát Trung Quốc lại có cơ hội mỉm cười toe toét trước tuyên bố gần đây của Đức Giám Mục Marcelo Sánchez Sorondo, giám đốc tất cả các viện hàn lâm khoa học của Giáo Hội Công Giáo tại thánh đô Rôma, rằng chúng ta nên nhìn Trung Quốc như một gương mẫu thực hiện xuất sắc các học thuyết xã hội Công Giáo.
Trước những thành tích vi phạm nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc, nạn bán cơ phận tử tù, phá thai cưỡng bức, triệt hạ các thánh giá, san bằng các thánh đường, bắt bớ hàng giáo sĩ, những người Công Giáo trên thế giới bối rối trước một tuyên bố ngu xuẩn như vậy. Sorondo là một quan chức cao cấp tại Vatican, hiện đang đàm phán với chính phủ Trung Quốc về một hiệp ước mới, trong đó bên cạnh những điều khác, sẽ có việc loại bỏ những trở ngại trong việc bổ nhiệm các giám mục, với hy vọng mang lại cho Giáo hội một sự thừa nhận nào đó đã được mong đợi rất lâu từ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cho đến nay, đảng đã lúc nóng lúc lạnh chuyển đổi liên tục giữa thái độ thù hằn hoàn toàn với Giáo Hội, như đã từng xảy ra từ thời Mao cho đến những năm 1980, và cả trong thời gian gần đây; và một sự khoan dung giới hạn khiến cho một số cộng đồng Công Giáo có thể phát triển ở một số nơi trong khi các linh mục và giám mục ở các nơi khác bị bỏ tù, các nhà thờ và thánh giá bị phá hủy và triệt hạ.
Trong một số khía cạnh, các nhà ngoại giao Vatican đang tham gia vào các loại đàm phán với các quan chức Trung Quốc, là những kẻ rất quyết liệt với các đối tác của họ trong các vấn đề về chủ quyền quốc gia, cần phải giữ trong trí một vài quy tắc cơ bản.
Thứ nhất, chúng ta cần xem Trung Quốc như nó là, chứ không phải như chúng ta muốn nó là. Bất chấp tất cả các tiến bộ không thể phủ nhận của nó, Trung Quốc vẫn còn dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, với mục tiêu chính là nắm vững quyền lực, bằng mọi giá. Đảng cảnh giác với bất kỳ tổ chức hoặc hệ thống tín ngưỡng nào khác có khả năng thúc đẩy hoặc truyền cảm hứng tự do cho các công dân Trung Quốc. Tôn giáo, do đó, được xem là một mối đe dọa, đặc biệt là Hồi giáo, Phật giáo Tây Tạng và Công Giáo, là những niềm tin vượt biên giới các quốc gia. Đó là lý do tại sao đảng đã thường xuyên khăng khăng khẳng định rằng tôn giáo ở Trung Quốc cần phải được “Trung hoa hóa”, nghĩa là làm sao để giới hạn trong phạm vi Trung Quốc nhiều hơn và có thể kiểm soát được.
Chuyến đi từ sân bay đến khu thương mại rực rỡ của Bắc Kinh nói lên sự tiến bộ to lớn mà Trung Quốc đã đạt được, là một ấn tượng rõ ràng không kém phần quan trọng đối với các nhà đàm phán Vatican, là những người đang được các quan chức khéo léo Trung Quốc tán tỉnh với những lời ngọt ngào nhất. Nhưng thực tế thì lộn xộn và phức tạp hơn nhiều. Các quyền tự do cơ bản, bao gồm cả tự do tín ngưỡng, vẫn bị đe doạ, và đó là những điều càng khó có khả năng thay đổi hơn bao giờ khi chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực của mình.
Thứ hai, chúng ta cần phải gắn bó với các nguyên tắc của chính mình và biết lúc nào thì nên đứng dậy bước ra khỏi bàn đàm phán. Các nhà thương thuyết Trung Quốc là các chuyên gia trong việc giữ cho một thỏa thuận sắp đạt được cứ tiếp tục chơi vơi ngoài tầm với, để dẫn đến những nhượng bộ nhiều hơn nữa từ phía bên kia. Một khi cây bài đã được đặt xuống, nó không thể bị cướp lại. Nhưng nó sẽ được phân tích cẩn thận. Sự sẵn lòng của Vatican từ bỏ quan điểm trước đây của mình và chấp nhận bảy giám mục do chính phủ chỉ định, thậm chí còn phải trả giá cao hơn nữa là buộc hai giám mục trung thành của mình phải đứng qua một bên, đặc biệt khích lệ giới lãnh đạo Trung Quốc.
Thứ ba, và cuối cùng, cần nhớ rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc không bao giờ kết thúc. Bất kỳ thỏa thuận nào đạt được với Trung Quốc cũng chỉ được tôn trọng cho tới một lúc nào đó, khi mà Trung Quốc tuyên bố rằng các “điều kiện thực tế đã thay đổi”. Điều thực sự có ý nghĩa là các thỏa thuận sẽ chỉ được tôn trọng chừng nào mà người Trung Quốc cảm thấy rằng các thỏa thuận này phục vụ lợi ích của họ. Nếu có vẻ như bên nước ngoài đang đạt được quá nhiều, thoả thuận sẽ được yêu cầu mở lại hoặc bị bác bỏ.
Có thể có những điểm tương đồng trong cuộc đàm phán giữa Trung Quốc với Vatican; và giữa Trung Quốc và các quốc gia khác. Tuy nhiên, chắc chắn có một sự khác biệt quan trọng. Bất kỳ cuộc trao đổi công khai nào giữa Giáo hội và Trung Quốc phải là một cơ hội cho việc phúc âm hóa. Đối tượng quan trọng nhất của Vatican không phải là bộ chính trị hay đảng cộng sản Trung Quốc, mà là người Trung Quốc. Năm 1956, Đức Hồng Y Ignatius Kung, Giám Mục của Thượng Hải, đã bị diễu hành thị chúng trước các khán giả trong sân vận động đua chó của thành phố này. Ngài đã bị giam cầm trong một cuộc đàn áp của nhà cầm quyền đối với Giáo hội, và nếu ngài công khai đầu hàng những người cộng sản tại sân vận động đua chó này, ngài có thể được đối xử tốt hơn. Nhưng khi micro đã được đặt trước mặt mình, Đức Hồng Y Kung đơn giản nói: “Vạn tuế Chúa Kitô. Vạn tuế Đức Giáo Hoàng.” Với mấy lời tung hô vạn tuế ấy, ngài phải ở trong tù cho đến năm 1985, sáu năm sau khi được Đức Gioan Phaolô II phong Hồng Y “in pectore”. Những năm tháng tù đầy của ngài là xứng đáng vì chứng tá dũng cảm và trung tín của ngài đã truyền cảm hứng cho người Công Giáo Trung Quốc qua nhiều thập kỷ bị khủng bố.
Source: Catholic Herald - This is how the Vatican should deal with China
http://www.vietcatholic.net/News/Html/243354.htm