Thần đồng Robert McNamara

Thần đồng 

Robert McNamara

Nguyễn Quang
Robert S. McNamara tốt nghiệp tại UC Berkeley và trường hành chánh tại Harvard, được Tổng Thống Kennedy mời làm Bộ trưởng Quốc phòng, mặc dù ông chưa có một chút kinh nghiệm gì về quân sự. Khi Tổng Thống Kennedy bị ám sát, ông tiếp tục chức vụ này dưới chính quyền Lyndon B. Johnson, qua đời năm 2009 tại nhà riêng ở thủ đô Washington.

Theo John Hurley, một sĩ quan từng chiến đấu tại Việt Nam và sau này trở thành một phụ tá thân cận của ứng cử viên Tổng thống John F. Kerry năm 2004 “ông McNamara không hiểu chiến tranh là gì và cũng chẳng hiểu cái giá sinh mạng của chiến tranh. Đối với ông ấy Việt Nam chỉ là một con số khô khan trên máy tính."


Tổng Thống Kennedy cả tin rằng điều hành thành công một công ty lớn như công ty Ford, ông McNamara sẽ điều hành nổi bộ máy quân sự khổng lồ của Hoa Kỳ và nhất là vị chủ tịch hãng Ford sẽ có đối sách đúng đối với cuộc chiến Việt Nam. The Washington Post thời bấy giờ, McNamara đã "lay chuyển cả năm tầng lầu để tìm những gì cần thiết nhằm quản lý bộ máy quân sự đồ sộ nhất thế giới".


Tổng Thống Kennedy lúc đó chưa có lập trường dứt khoát về cuộc chiến Việt Nam, nếu không bị ám sát chết năm 1963, có thể ông sẽ xuống thang cuộc chiến vào nhiệm kỳ 2 (1964-1968) và cũng rất có thể ông McNamara sẽ là người làm công việc này một cách trót lọt vì sứ mệnh này có lẽ hợp với vai trò của một nhà kỹ trị có biệt tài về điều hành và thống kê,


Nhưng lịch sử chuyển qua một hướng khác, chỉ có những nhà chế tạo vũ khí mới hiểu hết, Tổng Thống Kennedy chết, Phó Tổng Thống Johnson lên thay và cuộc chiến Việt Nam leo thang trong năm 1964 và trong suốt nhiệm kỳ 1964-1968 của Tổng Thống Johnson.

Ông McNamara tin rằng nước Mỹ sẽ thắng cuộc chiến Việt Nam và sẽ thắng một cách gọn nhẹ với sự điều hành một cách khoa học của ông. Ông tin như vậy và với sự hậu thuẫn của tập đoàn tư bản Hoa Kỳ ông đã thuyết phục dễ dàng Tổng Thống Johnson và quốc hội. Nhưng chiến tranh không phải chỉ thuần là những con số và bằng các biễu diễn của đồ thị từ văn phòng bộ trưởng ở Ngũ giác đài, chính sự thiếu kinh nghiệm chiến lược của ông McNama đã làm cho Hoa Kỳ sa lầy từ đây.

Hoa Kỳ tăng quân mạnh trong giai đoạn thập niên 1960 từ con số 17.000 người dưới thời Tổng Thống Kennedy, vào năm 1965 khi Hoa Kỳ chuẩn bị oanh tạc liên tục miền Bắc Việt Nam, đã có 175.000 quân tại Việt Nam. Tất cả đều do sự điều hành của ông McNamara.

Khi lên đỉnh của cuộc chiến tranh, dường như ông bắt đầu hoài nghi về sự chiến thắng, mặc dù bề ngoài ông vẫn rất diều hâu, năm 1967 ông McNamara bí mật ra lệnh điều tra nguyên ủy của cuộc chiến tranh Việt Nam mà không thông báo cho Tổng Thống Johnson.

Kết quả là tài liệu mật "Pentagon Papers" mà ông Daniel Ellsburg, một thành phần trong ban nghiên cứu đã cung cấp (một phần) cho tờ New York Times năm 1971 tạo chấn động dư luận Hoa Kỳ.

Tổng Thống Johnson biết việc sưu tầm này. 1967, nghi ngờ ông McNamara thu thập tài liệu để giúp ông Robert Kennedy trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ 1968-1972, đo đó quan hệ giữa Tổng Thống Johnson và ông McNamara trở nên căng thẳng và sự nghiệp của McNamara tại Bộ Quốc Phòng cũng dần chấm dứt tại đây.

Cuối tháng 2/1968 ông McNamara từ chức bộ trưởng quốc phòng và được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ngân Hàng Thế giới (World Bank).

Một tháng sau, Tổng Thống Johnson tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 1968-1972 và đề nghị mở cuộc thương thuyết với Hà Nội để chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Cuộc chiến Việt Nam qua đi nhưng hội chứng bại trận (Vietnam syndrome) vẫn còn để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử và nhân dân Hoa Kỳ.

Trên bình diện cá nhân, mãi gần 30 năm sau ông mới công khai nói ra cái nhìn của ông trong cuốn In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam phát hành năm 1995, (tạm dịch: Nhìn lại: Những Thảm Kịch Và Những Bài Học Từ Việt Nam), ông nói rằng sai lầm của cuộc chiến do hoàn cảnh khách quan của tình hình thế giới và sự phức tạp của chiến tranh chứ không phải là sai lầm của cá nhân ông và ông hối tiếc về vai trò của mình trong cuộc chiến này.

Ông gọi cuộc chiến là "vô cùng sai lầm", cả về việc kết hợp bầu không khí chống cộng lẫn việc đưa ra các nhận định sai lầm về chính sách đối ngoại và đánh giá sai sức mạnh quân sự các bên tham chiến.

Cuốn sách đã gây ra nhiều tranh luận tại Hoa Kỳ. Giới quân nhân giải ngũ và thân nhân các tử sĩ bỏ mình tại Việt Nam cho ông McNamara phản bội và chất vấn ông tại sao trong thâm tâm ông biết việc Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam là một sai lầm từ năm 1965, ông vẫn công khai thúc đẩy Tổng Thống Johnson tiếp tục gởi quân sang Việt Nam và nướng thêm
hàng chục ngàn thanh niên Mỹ nữa, chưa nói thêm một triệu người Việt Nam bỏ mình vì cuộc chiến.

Vẫn trong lập trường cố hữu, vào năm 2003 ông McNamara cho nhà đạo diễn Errol Morris thực hiện một cuốn phim bằng cách phỏng vấn ông nhan đề: "the Fog of War" nhưng vẫn cung cách không nhận sai lầm của chính mình mà đổ lỗi cho hoàn cảnh. Do đó càng không chinh phục được lòng tin của người Mỹ.

Chính vì vai trò của mình tại Việt Nam mà McNamara bị chỉ trích nặng nề và không thương tiếc. Bóng ma của cuộc chiến tranh theo đuổi ông cho tới tận cuối đời.

Nhiều học giả vì vậy gọi chiến tranh Việt Nam là "Cuộc chiến McNamara".

Có nhận định là trong cuộc chiến Việt Nam McNamara đã đưa vào toàn bộ kiến thức về công nghệ, thống kê, vũ khí và tổ chức của mình để chống lại một đạo quân du kích, trường kỳ mai phục. Những đối sách của ông với Liên Xô, xem ra hữu hiệu, nhưng với Việt Nam lại dẫn đến các sai lầm khủng khiếp. Từ tiến đến thoái, ông đã không thể cứu chính quyền Johnson khỏi vũng lầy cuộc chiến.

Ông đã lấy cái Có để đánh với cái Vô và một chấm đen theo ông vào Hư vô mãi mãi! Năm mươi tám ngàn binh sĩ Mỹ đã chết trong cuộc chiến này!

Nguyễn Quang Hồng Nhân