Ngày quốc tế
bài mìn chống người
Linh Tiến Khải
Mùng 4 tháng 4 vừa qua là Ngày quốc tế bài trừ mìn chống người. Với 168 chiến cuộc tàn phá thế giới trong thế kỷ XX, trong đó có hai thế chiến, các quốc gia lâm chiến đã chế tạo đủ mọi thứ mìn, trong đó có mìn chống người tiếp tục khiến cho rất nhiều thường dân bị thiệt mạng hay trở thành người tàn phế, cụt tay, cụt chân, mù mắt và mang thương tích suốt đời trên nhiều phần trên thân thể.
Không thể biết chính xác đã có bao nhiêu chục hay trăm triệu mìn chống người đã được gài dưới lòng đất, kể từ đệ nhất thế chiến cho tới nay tại mọi chiến trường trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Có những trái bom, và đủ mọi loại mìn chưa nổ vẫn còn nằm sâu đâu đó trong các cánh đồng, trong rừng, và đôi khi ngay trong các làng mạc, khu phố, thành thị.
Theo bản tường trình năm 2006 của tổ chức UNICEF, trên thế giới có 68 quốc gia hàng ngày có các nạn nhân bị chết hay bị thương vì mìn chống người, đa số là thường dân, trong đó có rất nhiều trẻ em. Số người sống sót sau các vụ nổ mìn là 473.000 người. Tuy có 155 quốc gia đã ký nhận Thoả hiệp loại bỏ mìn chống người do Liên Hiệp Quốc đề xướng năm 1997, nhưng các cam kết rất thường khi chỉ là chữ viết trên giấy tờ. Khi xảy ra chiến tranh, các lực lượng lâm chiến nào cũng mua và gài mìn chống người, để gây thiệt hại cho đối phương.
Đây đã là các kinh nghiệm thương đau trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn tại Việt Nam trong mấy chục năm trời biến Việt Nam thành nơi thử nghiệm các vũ khí tối tân và bãi thải vũ khí đạn dược dư thừa của các cường quốc Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc. Ngoài mấy triệu người chết, đã có hàng chục triệu người bị thương trở thành tàn phế suốt đời, trong đó có hằng triệu trẻ em. Đó là chưa kể tới các trẻ em sinh ra tàn tật vì ô nhiễm nguồn nước và môi sinh do bom đạn gây ra.
Một thí dụ điển hình khác nữa là chiến tranh trong vùng Trung Đông hiện nay. Nó là một bằng chứng hiển nhiên khác nữa cho thấy khi giới lãnh đạo các quốc gia nhược tiểu không khôn ngoan và nhìn xa thấy rộng, thì các nước trong vùng trở thành nơi thử nghiệm các thứ vũ khí tối tân đời mới có sức tàn phá kinh khủng, hay là bãi rác để thải các vũ khi thặng dư của các cường quốc tây âu có kỹ nghệ chế tạo vũ khí giết người đủ loại. Đó đã là thảm cảnh của Libăng trong thập niên 1970, và từ 7,8 năm qua của Libia, Iraq và Siria.
** Trong các ngày qua tổ chức Sức Khoẻ Thế Giới OMS và tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động chung chấm dứt các tàn phá và hậu quả của vũ khí đối với sức khoẻ cuả dân chúng, đặc biệt là các loại bom đạn và mìn chống người. Chiến cuộc kéo dài từ 7 năm qua đã khiến cho hơn 400.000 người Siri thiệt mạng và 9 triệu người phải tản cư lánh nạn. Họ có nguy cơ trở thành nạn nhân của các mìn chống người tại Siria, trong đó có 3 triệu trẻ em. Năm 2017 đã có ít nhất 910 trẻ em đã bị chết vì mìn chống người và 361 em bị tàn tật. Chỉ trong vòng hai tháng đầu năm 2018 đã có hơn một 1.000 em bị chết và bị tàn tật vì mìn chống người.
Tình hình tại thành phố Raqqa đặc biệt nghiêm trọng. Từ tháng 10 năm vừa qua đã có khoảng 200.000 trẻ em, phụ nữ và nam giới đã tìm cách trở về lại thành phố và các vùng ngoại ô. Các gia đình này gặp nguy cơ rất lớn có thể bị giết hay trở thành tàn phế vì các loại mìn chưa nổ vẫn còn nằm đâu đó. Đã có khoảng 658 người bị thương và 130 bị chết vì mìn nổ trong các ngày từ 20 tháng 10 năm 2017 tới 23 tháng 2 năm 2018, nghĩa là trung bình mỗi ngày có 6 nạn nhân. Trong cả thành phố này hiện chỉ có hai nhà thương còn hoạt động. Nhà thương công gần Raqqa nhất là ở Tal Abyad, cách đó hơn 100 cây số. Đối với các người bị thương nặng hay mất chân cụt tay chỉ có hai trung tâm hồi phục tại Siria có thể cung cấp tay giả chân giả: một trong thủ đô Damasco một tại thành phố Homs.
Các vết thương trẻ em phải gánh chịu thường nghiêm trọng và đòi hỏi nhiều thời gian để lành vì thiếu các chữa trị thích hợp và đầy đủ, cũng như thiếu các trợ giúp tâm lý giúp các em thắng vượt các chấn thương tâm thần. Cần cấp thiết có các cung cấp dụng cụ y khoa và thuốc men chuyên biệt hơn để giúp các em hồi phục và nâng đỡ tâm lý cho các em sống sót. Các trẻ em tàn tận lại thường gặp các nguy cơ bạo hành lớn hơn nữa, vì các em không thể có được các phục vụ căn bản, trong đó có việc săn sóc sức khoẻ và giáo dục. Ban đầu các nguy cơ chỉ liên quan tới người lớn nam giới, khi họ về nhà kiểm soát nhà cửa sau các vụ dội bom và giao tranh. Nhưng sau đó số các trẻ em bị tử vong vì các loại bom mìn chưa nố gia tăng, khi các em theo gia đình trở về nhà trong các vùng đã xảy ra giao tranh.
Bà Alessandra Dentice, phó giám đốc UNICEF Siria, cho biết ngoài các hoạt động loại trừ mìn chống người tại Raqqa, cũng cần phải cố gắng hơn nữa để bảo vệ các trẻ em và gia đình các em khỏi nguy cơ bị mìn nổ. Chính vì thế việc gây ý thức liên quan tới nguy cơ này rất quan trọng, làm sao để các em và gia đình các em biết nhận ra các nguy cơ của mìn chống người.
** Cũng chính vì thế tổ chức UNICEF yểm trợ việc gây ý thức liên quan tới nguy cơ của mìn chống người trong mọi trường học toàn nước Siria, trong các trại tỵ nạn và trung tâm tiếp cư, bằng cách dậy các trẻ em và những người trông nom các em các phương thế bảo đảm giúp nhận diện và tự bảo vệ mình khỏi các mìn chống người. Trong năm 2017 đã có 1, 8 triệu em và 100.000 người lớn săn sóc các em được đào tạo liên quan tới các nguy cơ của mìn chống người. Tổ chức OMS hiện đang gia tăng việc trợ giúp các người Siri bị thương và tàn tật vì bom đạn và mìn chống người, bằng cách tài trợ hai trung tâm hồi phục và xây thêm 2 trung tâm khác nữa. Tổ chức OMS cũng đã xin các tổ chức bác ái cung cấp các dụng cụ và phương tiện cho các trung tâm hồi phục thể lý, do các tổ chức phi chính quyền điều hành trong toàn nước Siria.
Vẫn theo các thống kê của Liên Hiệp Quốc trẻ em chiếm hơn một phần ba tổng số các nhân nhận của các loại bom mìn chưa nổ trong các chiến cuộc. Hồi năm 2006 chiến dịch quốc tế loại bỏ mìn chống người cho biết đã có 6.000 người thiệt mạng hay bị tàn phế vì mìn chống người. Đây là con số thấp nhất kể từ khi có Thoả hiệp loại bỏ mìn chống người do Liên Hiệp Quốc đưa ra hồi năm 1997.
Các trẻ em là các nạn nhân chính của mìn chống người chưa nổ trong các cuộc chiến, bao gồm các các bom chùm thường có mầu sắc lóng lánh rất đẹp, vì thế hấp dẫn tính tò mò của các em coi chúng là các đồ chơi. Vì có thân mình nhỏ bé các em thường bị thiệt mạng hơn người lớn, khi mìn nổ. Đã có 85% các trẻ em nạn nhân của các vụ mìn nổ bị chết trước khi tới nhà thương. Các trẻ em tỵ nạn thường gặp nguy hiểm và là mục tiêu chính của mìn chống người, vì các em không ý thức được sự nguy hiểm khi chơi đùa hay đi qua các bãi có gài mìn chống người. Các thương tích do mìn chống người gây ra thường là cụt mất chân tay, mù mắt hay điếc tai vĩnh viễn. Nếu không được săn sóc thuốc men đầy đủ, các trẻ em bị thương do mìn chống người thường không thể tiếp tục đến trường đi học. Chính vì thế tương lai của các em trong lãnh vực giáo dục và nghề nghiệp bị hạn chế và chịu nhiều thiệt thòi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên chính gia đình của các em phải săn sóc con cái tàn tật.
Các mìn chống người tàn hại cuộc sống của các trẻ em, khi chính các cha mẹ hay những người săn sóc các em cũng bị thương hay bị tàn tật vì mìn chống người. Trong trường hợp mẹ các em bị chết hay bị tàn phế, các em sẽ có ít cơ may được nuôi nấng đầy đủ, được bảo vệ che chở, và vì thế dễ trở thành nạn nhân của khai thác bóc lột và lạm dụng. Khi cha của các em là nạn nhân của mìn chống người, các trẻ em thường bị bó buộc phải bỏ học để bắt đầu làm việc trợ giúp kinh tế cho gia đình. Toàn tương lai cuộc đời các em bị thiệt thòi vì không đuợc giáo dục học hành tới nơi tới chốn nên sẽ không có công ăn việc làm chắc chắn.
Chi phí thuốc men săn sóc cho các trẻ em nạn nhân của mìn chống người thường khi rất cao, và nhiều gia đình không có khả năng tài chánh để chi trả. Các nhà thương phục hồi thường khi cũng quá mắc mỏ, nếu không nói là không thể nào tới được vì xa xôi.
** Mìn chống người chưa nổ không chỉ giết người và gây tàn phế, mà chúng còn ngăn cản việc xây cất nhà cửa, đường sá, trường học, các trung tâm y tế, nhà thương, và các dịch vụ an sinh xã hội. Chúng cũng ngăn cản việc khai thác đất đai và dẫn thủy nhập điền. Nghĩa là chúng gây thiệt hại cho cuộc sống và sự phát triển nông nghiệp, kinh tế của con người.
Mìn chống người cũng như bom đạn chưa nổ của các chiến cuộc tại khắp nơi trên thế giới này là một vi phạm trầm trọng các quyền con người như xác định trong Hiệp ước về các quyền của trẻ em: quyền sống, quyền có sức khoẻ, quyền được vui chơi trong một môi sinh an ninh bảo đảm, , quyền có nước trong lành để uống và có các điều kiện săn sóc sức khoẻ, cũng như quyền được giáo dục đầy đủ tới nơi tới chốn.
Ngày quốc tế bài mìn chống người cống hiến cơ may cho cộng đồng quốc tế gia tăng yểm trợ cho các hoạt động gỡ các bãi mìn còn tồn đọng trong các chiến cuộc khắp nơi trên thế giới, tại Á châu, Phi châu, châu Mỹ Latinh, vùng Trung Đông cũng như tại Âu châu. Ông John Flanaghan, giám độc Phân bộ chống mìn của Liên Hiệp Quốc, cho biết đã có nhiều điều được thực hiện trong việc loại trừ các mìn chống người và các bom đạn chưa nổ còn nằm trong lòng đất tại nhiều nơi. Sự yểm trợ của dân chúng và của các ân nhân tài trợ cho các hoạt động này rất quan trọng và cấp thiết. Liên Hiệp Quốc nhất quyết tiếp tục dấn thân trong các sinh hoạt gỡ mìn chống người cho tới khi nào các quốc gia liên hệ phát triển các dụng cụ giúp đương đầu với các bãi mìn chưa nổ. Ông cũng cho biết hồi năm 2009 đã có nhiều quốc gia từng có chiến tranh đã thành công trong việc giải toả các bãi mìn của mình, thích hợp với Thoả hiệp bài mìn chống người. Phân bộ này của Liên Hiệp Quốc sẽ cố gắng bảo đảm cho các quốc gia còn ở trong tình trạng khó khăn có các kỹ thuật, chuyên viên và nguồn tài chánh để thực hiện mục đích này. Cần phải có sự phối hợp giữa các quốc gia liên hệ với tổ chức Liên Hiệp Quốc và các tổ chức bài mìn chống người trong các hoạt động gây ý thức cũng như giáo dục và tháo gỡ mìn còn tồn đọng. Còn rất nhiều việc phải làm để đạt mục đích giảm số người bị chết và bị tàn phế vì mìn chống người xuống con số không. Ngoài ra cũng cần cố gắng yểm trợ việc cung cấp các phương tiện hồi phục và tái hội nhập 473.000 nạn nhân sống sót sau các vụ nổ bom và mìn chống người. Việc trợ giúp gia đình của các nạn nhân cũng phải là một mục tiêu khác nữa làm sao để họ có thể tự lực mưu sinh và duy trì nhân phẩm của mình.
Vẫn theo ông Flanaghan, hiện có 14 tổ chức của Liên Hiệp Quốc cung cấp các dịch vụ loại trừ mìn chống người hoạt động tại 40 quốc gia và vùng miền. Trong các sinh hoạt có việc tìm và vô hiệu hoá các trái mìn chống người chưa nổ, trợ giúp các nạn nhân, dậy các kỹ thuật cần áp dụng trong các vùng có mìn, phá huỷ các kho mìn, và gây ý thức cho mọi người hiểu biết và áp dụng các điều khoản của Thoả hiệp loại trừ mìn chống người. Tuy nhiên, cần có sự hiệp lực của mọi chính quyền, mọi tổ chức quốc tế, và mọi tổ chức địa phương trong nỗ lực loại trừ mìn chống người. Và đó là mục đích của Ngày quốc tế bài trừ mìn chống người cử hành hàng năm vào ngày mùng 4 tháng tư.
Linh Tiến Khải