Dân chủ cho Việt Nam
trong khung cảnh
văn hoá ngày hôm nay
GS Nguyễn Đăng Trúc
Trong bối
cảnh xã hội của Việt Nam hôm nay chúng
ta chứng kiến một số hiện tượng nghịch thường:
- Các định chế xây dựng nên bộ máy cai trị Việt Nam hiện
nay luôn gắn liền tên nước Việt Nam với
thành ngữ dân chủ.
-
Người dân trong và ngoài nước về phần mình låi đấu
tranh đòi dân chủ, mặc nhiên không chấp nhận định chế gọi là dân chủ đang cầm
quyền (và sự kiện nầy không phải là
kinh nghiệm riêng lẽ của xã hội Việt Nam hôm nay, mà là thực trạng xã hội của
các nước trước đây ở trong khối cộng-sản , đặc biệt các nước Đông-Âu).
- Nhân danh quyền bảo vệ truyền thống văn hóa cá biệt của
mỗi vùng địa lý chính trị, một số người khởi xướng chủ trương không nên cổ động
và phát huy nếp sinh hoạt dân chủ tại các nước thuộc văn hóa truyền thống
Á-đông.
Trong khuôn khổ giới hạn của bài nầy , chúng tôi không đi sâu cào các phân
tích lý thuyết, hoặc truy nguyên tận căn cơ sở tư tưởng nền tảng triết học
chống đỡ nội dung của dân chủ, nhưng chỉ nêu lên một cách ngắn gọn các nhận xét
khách quan dựa vào thực tế lịch sử.
(Để tiện việc đối chiếu và
đánh giá thực tế lịch sử, xin xem các bản trích dẫn tài liệu đính kèm trong
phần Phụ- đính)
1- Chế độ cộng sản: một định chế tự xưng dân chủ
1.1- Lý thuyết cộng sản và dân
chủ
Trong lý thuyết cũng như trong thực tế, CS chủ trương đồng thời một lối
quan điểm dân chủ nào đó đi đôi với một thể chế độc tài đảng trị. Hai điểm
nghịch lý ấy qui kết trong khẩu hiệu: chuyên chính vô sản.
Sự kết hợp ấy mặc nhiên được biện minh dựa vào thực tế lịch sử và giá trị hầu như tiên thiên của tương quan lao động,
sản xuất và tiêu thụ tài vật :
- Vào thời kỳ phát sinh lý thuyết CS, giới lao động, vô sản chiếm đa số dân chúng. Dựa vào quan niệm đa số nầy, chữ dân chủ được Marx, Lênin sử dụng
để vận động quyền lực cho giới vô sản .
- Giá trị con nguời và toàn bộ nhân
phẩm hoàn toàn dựa vào tiêu chuẩn lao động - sản xuất và tiêu thụ tài vật. Chỉ
có giới lao động vô sản là thành phần không những thực thi giá trị toàn vẹn
nhân tính như thế mà còn mang sứ mệnh cứu độ toàn nhân loại trong đó có thành
phần thiểu số sa đọa ( nghĩa là ở bên ngoài giai cấp vô sản). Công cuộc cứu độ
ấy còn gọi là cuộc đấu tranh giai cấp,
một tiến trình được xem cần thiết và khách quan của lịch sử nhân loại. Đi vào
vận hành của cuộc đấu tranh nầy, đứng vào phe người bị áp bức (vô sản, lao động), là ta "làm ra" chân
lý, ta hành động "một cách khoa
học" [1][1][1]
Theo quan điểm CS, từ điểm khởi đầu và trong suốt vận hành phát triển của
lịch sử, chuyên chính vô sản hay chế độ độc tài đảng trị cũng như chủ trương cách mạng bạo lực không có gì
ngược với nội dung vừa lượng vừa phẩm của dân chủ cả.
1.2- Nhận định
1.21. Ý thức hệ ảo tưởng
Tiếp theo Hegel, Marx muốn dựa vào một số tiền đề rất giới hạn để chủ
trương một hệ thống tư tưởng giải thích toàn bộ tư tưởng lịch sử con người cũng
như vận hành vũ trụ. Sau Hegel, lịch sử
nhân loại chứng thực rằng ý thức hệ của Hegel hay của Marx kÿ thực chÌ
là cao vọng tuyệt đối hóa suy tư hữu hạn
của con người trước một hiện tượng xã hõi nhất thời thôi.,
Trong ý thức hệ mác-xít, những luận chứng đồng hóa giới lao động với giai
cấp vô sản, xung đụng giữa các giai cấp như định luật tất yếu của vận hành lịch
sử, đặc biệt là đồng hóa những người nghèo, lao động với một nhóm bạo động muốn
nắm chính quyền gọi là đảng CS..., không những không dựa trên một lý chứng gì
nội tại vững chắc xét về mặt lý thuyết, mà cũng không ăn nhập gì với sinh hoạt
thực tế của xã hội trong hai thế kỷ qua. Chúng ta chỉ nhìn vào lịch sử thực sự
đã xảy ra, ngay chỉ trên bình diện lao động - sản xuất - tiêu thụ của những
nước đã áp dụng ý thức hệ CS để đối chiếu. Ở đây chỉ nêu lên một "sự kiện lịch sử tiêu biểu đó là
Công-đoàn Đoàn-kết" ở Ba-lan trong thập niên 80, để thấy không thể nào
đồng hóa được vận hành lịch sử với đấu tranh giai cấp, giới lao động và đảng
CS, chuyên chính vô sản và sinh hoạt dân chủ (theo lối hiểu của người dân
Ba-lan và nhân loại ngày nay). Một chủ trương lấy lịch sử và thực tế khách quan
làm nền tảng để qui chiếu và hành động như lý thuyết và chế độ CS không thể nào biện minh được trước những sự
kiện lịch sử trái ngược nầy.
1.22- Một quan niệm dân chủ quá bất cập
Đề cao giá trị lao động, với ước mơ xây dựng một xã hội bình đẳng, tự chúng
là những giá trị, những ý hướng tích cực và tốt đẹp. Nhưng giản lược toàn thể
phẩm giá con người vào khuôn khổ lao động - sản xuất - tiêu thụ, cũng như dựa
vào tiêu chuẩn thuần vật chất đó để định chuẩn cách xử sự của con người và cộng
đồng xã hội, thì chủ trương đó quá bất cập. Con
người không chỉ sống bởi bánh mà thôi !...
Thật thế, không cần phải suy tư quá cao siêu để có thể ý thức được rằng
quan điểm dân chủ gò bó trong khuôn khổ thuần kinh tế (làm chủ lấy các phương tiện sản xuất, bố trí lao động
cũng như phân phối các sản phẩm tiêu thụ) là một chủ trương què quặt.
Và nếu tiêu chuẩn lao động - kinh
tế không đủ để thiết định hết toàn bộ
nội dung phẩm chất của dân chủ, thì số lượng người lao động đông đảo cũng không
phải là tiêu chuẩn thiết yếu và nền tảng cho dân chủ.
Các thể chế dân chủ (ngoài
CS) vẫn dựa vào số lượng, nghĩa là dựa vào đa số thành phần cấu tạo nên một cộng
đồng để có những quyết định điều hành cộng đồng ấy. Nhưng quan niệm về số lượng
của hai bên dựa trên những nền tảng văn hoá hoàn toàn khác biệt.
Thật vậy, ý thức hệ CS có hai nội
dung khác nhau về người: Người như
Nhân-loại, một ý tưởng rất trừu tượng hiểu như Một-toàn-thể, mà tất cả các giá
trị từ đó phát sinh và qui về đó; và người cũng là con người cụ thể, không có giá trị tự nó, không có thể nào
"độc lập, tự do" đi lạc ra ngoài vận hành của ý niệm Nhân loại.
Bấy giờ chúng ta hiểu được tại sao các cuộc bầu cử trong bất kỳ một chế độ
CS nào đều chỉ có nghĩa là tuyên dương một quyết định của Đảng, được hiểu là
hiện thân ý chí của ý tưởng Nhân loại xét như một Con- người -Tập- thể. Và các
cuộc biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, hay bất cứ sinh hoạt nào khác cũng nằm
trong khuôn khổ lý luận nầy: những cuộc diễu hành đồng bộ rợp trời, ca nhạc
đồng điệu...
Số lượng trong ý thức hệ CS
không phải là dấu chỉ của sự chọn lựa , ưng thuận trong tự do, độc lập của mỗi
người kết dệt thành cộng đồng như quan niệm dân chủ truyền thống chủ trương. Nhưng là một ý niệm trừu tượng có sẵn hàm ngụ trong con
người Tập-thể và Toàn-thể mà đảng CS độc quyền sử dụng.
Qua lối lý luận kỳ lạ nầy, ý thức hệ CS không thấy có gì nghịch thường và
quai lý khi gắn liền chuyên chính của
đảng CS và dân chủ (được hiểu
như tập thể hay toàn thể trong ý niệm về Người = Nhân lọai).
Dân chủ trong các chế độ chính trị (ngoài chế độ CS) mặc nhiên coi con người tự
do, tự chủ là trọng tâm. Và chính sự tự
do, tự chủ của mỗi cá nhân là điều kiện nền tảng thiết yếu để một cộng đồng xã
hội được phát sinh và phát triển đúng theo phẩm giá đặc loại của bản tính con
người toàn diện, mà tất cả các chiều kích: thân xác, tâm lý, xã hội, tinh thần và cuộc sống siêu
nhiên, phải được tôn trọng. Chế độ dân chủ theo nghĩa truyền thống nầy được xem
là phương cách thực hiện sự thuận ý của các cá nhân làm nên cộng đồng. Chế độ
ấy, mặc dù còn thiếu sót nhiều mặt, luôn bị những quyền lực bất nhân lạm dụng,
đôi lúc còn làm cho ý nghĩa dân chủ nguyên sơ mất ý nghĩa, nhưng nói như
Winston Churchill chế độ dân chủ là chế độ ít bất nhân nhất mà nhân loại hôm
nay có thể áp dụng. Câu nói đó nhắc nhở rằng tự nó dân chủ không phải là một
bản chất vĩnh viễn, một trong những ý tưởng tuyệt đối, ảo tưởng mà các ý thức
hệ bày vẽ ra; nhưng là một kỷ thuật điều hành xã hội thích hợp nhất hiện nay,
trong khung cảnh văn hóa nhân loại ở các thế kỷ hiện đại, để thực thi sự thuận
ý của những con người bằng xương bằng thịt làm nên cộng đồng. Giá trị nền tảng,
thiết yếu, vĩnh viễn là phẩm giá con người cụ thể, mỗi người bất kỳ ai, mỗi con
người tự chủ và tự do; nhân phẩm đó cao
hơn bất cứ một sự đánh giá, định chuẩn nào của mỗi một triết thuyết, của một
nền văn hóa bất cứ vào thời đại nào.
Do ý thức mặc nhiên đi kèm với quan niệm dân chủ như thế (khác với dân chủ
mác-xít), môt số phong cách dân chủ đương nhiên phải được triển khai: khiêm
tốn; nhìn nhận những giới hạn của mình và tôn trọng ý kiến của người kể cả
những người khác chính kiến và trong thành phần thiểu số; tinh thần tương dung
vượt lên trên những lập trường độc đoán, tự tôn, quá khích, bài ngoại; cổ võ và tạo
thúận lợi cho những đổi thay nhân
sự, cách tổ chức bộ máy công quyền; phát triển giáo dục và truyền thông để huy
động sự tham gia thiết thực của mỗi người vào việc quyết định và sinh hoạt cộng
đồng; cụ thể hơn cả xét về mặt chính trị là cổ võ và chấp nhận đương nhiên tính
đa nguyên chính trị.
2- Dân chủ, một thể chế ngoại
lai ?
Sau bao nhiêu năm nhục nhằn dưới sự khống chế của các cường quốc Tây
phương, dấu tích khổ đau đương nhiên còn ghi khắc đây đó trong tâm tình, ngôn
ngữ của chúng ta. Chữ "ngoại lai" tương quan với các biến cố lịch sử
nầy như một cái gì "căn đế xấu xa". Đây đó người ta chê trách, lối tư
duy, cách sống, chế độ chính trị nầy khác là ngoại lai, có nghĩa là hoàn toàn
phản lại dân tộc mình, hoặc hàm ngụ nhiều nội dung tiêu cực khác.
Kỳ thực, tự bản chất của văn hóa, và ngay cả trong truyền thống văn hóa
Việt Nam, chúng ta bình tĩnh để chân nhận rằng tinh hoa nếp sống văn hóa không
phải là xung đột nhưng là trao đổi, thâu hóa giữa cuộc sống
văn hoá chúng ta và các nền văn hóa khác. Chúng ta không có mặc cảm ngại ngùng
gì khi nói văn hoá Việt Nam thâu hóa và phát triển ba luồng tư tưởng Khổng,
Lão, Phật, và sau nầy tư tưởng Kitô giáo và văn minh Tây phương. Nếu ngoại lai
được hiểu là xa lạ với nhân tính chân thật, hay đi ngược lại với nhân tính theo
truyền thống xác quyết con người là linh
ư vạn vật, thì "ngoại lai"
ở đây phải dựa trên tiêu chuÄn nhân phẩm, nhân tính của mọi con người, ở mọi
nơi, trong mọi nước, chứ không dựa trên tiêu chuẩn là dân tộc Việt Nam hay không phải là dân tộc Việt Nam.
(Trong câu
chuyện Họ Hồng Bàng dựng nước, mà hôm nay mọi người Việt đều biết đến và mến
chuộng, chúng ta đọc được sứ điệp văn hóa ở đây qua biểu tượng của các thành
ngữ Hồng và Bàng. Hồng là cao cả, to lớn,
và Bàng là bao phủ khắp hết. Hồng Bàng ấy làm sao cao cả, làm sao bao khắp
nếu không ôm hết toàn nhhân loại vào trong bào thai chung của một mẹ! Chủ
trương dân tộc tự tôn, tự mãn, đóng kín quá khích không có nghĩa là phản ảnh
tình tự yêu quê hương, yêu mến đồng bào hay tiếp nối được tinh hoa truyền thống
văn hóa Việt Nam. Sau kinh nghiệm CS ,sau
kinh nghiệm quốc gia quá khích (quốc xã), cần phải can đảm chân nhận những chủ trương tiêu cực đó như một
trang sử đau thương của nhân loại cần vượt qua).
Gần đây, trong đầu thập niên 90 khi có những thay đổi dân chủ ở các nước Đông-Âu,
một số nước tại Á châu còn nặng thể chế độc quyền e ngại. Một số vị lãnh đạo tự
biện minh cho lối điều hành quốc sự của mình đã nêu lên rằng: thể chế dân chủ
Tây-phương chỉ có thể áp dụng trong vùng văn hóa Tây-phương, và không thể áp
dụng cho các xứ khác.
Chúng ta nêu lên hai điểm: dựa trên
kinh nghiệm lịch sử và dựa trên phương thức áp dụng:
- Về kinh nghiệm lịch sử, ngay
giữa lòng Âu-châu là nơi phát xuất các
cuộc cách mạng dân chủ, trong một thời gian rất lâu, giáo quyền Công
giáo cũng không thể quan niệm được rằng, thể chế dân chủ có thể ứng dụng hữu
hiệu để điều hành xã hội một cách tốt đẹp [2][2][2]. Thế nhưng trong thế kỷ 20 vừa qua, Giáo-hội ấy đã là một trong những tác
nhân cổ võ cho dân chủ; và thực tế các nước ảnh hưởng văn hóa Kitô giáo đã ứng
dụng đứng đắn thể chế dân chủ nầy.
Mặc dù có rất nhiều dị biệt văn hóa và phương cách biểu lộ, Tây-phương và
Đông Nam-Á (ĐNÁ) cũng có nhiều tương
đồng về quan điểm xây dựng tổ chức cộng đồng trước khi có cuộc cách mạng dân
chủ. Tây-phương cũng có những đế quốc, chế độ phong kiến, các định chế quốc
gia, các thể chế quân chủ... Họ đã không nại đến một truyền thống biện minh cho sự chính đáng của thể chế quân
chủ trước đó để chận đứng bước tiến của
lịch sử. Thử hỏi, vùng ĐNÁ nhân danh truyền thống nào để tiếp nhận các kỹ thuật
khoa học và ngay cả các ý thức hệ như
CS, và loại trừ tinh thần và thể chế dân chủ hiện nay?
- Việc áp dụng chế độ dân chủ đã
từng được thực hiện một cách uyển chuyển ngay tại từng nước, từng vùng, từng
thời kỳ lịch sử khác nhau với những mô thức khác nhau. Nhưng đằng sau những
chính thể dân chủ dị biệt, luôn luôn có những yếu tố căn bản làm mẫu số chung,
đó là tinh thần dân chủ, nghĩa là sự tôn trọng nhân phẩm, tự do, dân chủ, bình
đẳng của mỗi thành phần làm nên cộng đồng và các định chế bảo đảm cho tinh thần
dân chủ tồn tại và phát triển. Một số
các vị lãnh đạo tại vùng Đông Nam-Á đã
hiểu chế độ dân chủ trong khuôn khổ nào đây để bài bác chế độ dân chủ đang được
thế giới áp dụng và cổ võ thiện nay? Việc bài xích nầy sẽ mặc nhiên chối bỏ giá
trị của tinh thần dân chủ, việc tôn trọng nhân phẩm và quyền tự do, bình đảng
của mỗi người dân, cũng như một số định chế đương nhiên phải đi kèm, như việc
phổ thông bầu phiếu, tính cách đa nguyên trong chính trị, phát triển văn hóa
giáo dục, điều kiện để người dân tự quyết định thay đổi giới lãnh đạo... [3][3][3], hay chỉ muốn nói đến một thể chế dân chủ nhất
định nào đó của một nước Tây-phương?
"Đồng qui như thù đồ", tính
tương cận, tập tương viễn", những khác biệt về ứng dụng và diễn tả các
nội dung văn hóa, không có nghĩa là tự căn có những chân lý khác nhau trong
phần tinh hoa của các nền văn hóa nhân
loại. Tinh thần dân chủ không phát sinh
từ một sáng kiến của một thời đại, nhưng bắt nguồn và xây dựng trên việc nhìn
nhận nhân phẩm và tự do của mọi người. Truyền thống văn hóa ĐNÁ, truyền
thống một dân tộc nào tại đây, trong đó có Việt Nam, không thể nhân danh một
tập tục, cơ chế của quá khứ để phi bác tinh thần dân chủ, nghĩa là việc tôn
trọng phẩm giá của mỗi con người.
Còn nếu phi bác chế độ dân chủ dựa vào một mô thức cá biệt của một nước,
một giai đoạn lịch sử nào đó, thì lối phát biểu nầy như không cần biết đến việc
ứng dụng một cách nghệ thuật, uyển chuyển các định chế dân chủ mà các nước trên
thế giới (mỗi nước có những quá khứ lịch sử, những tập quán, những nếp văn minh
riêng) đã thực hiện.
3- Dân chủ và Văn hóa
Tuy nhiên, lời phát biểu bất cập nầy của các nhà lãnh đạo ĐNÁ nhắc nhở chúng ta rằng, nói đến dân chủ, đòi
hỏi và thực thi dân chủ không phải chỉ là vấn đề kỷ thuật điều hành thuộc lãnh
vực chính trị. Cổ võ và xây dựng dân chủ không phải là nhập cảng hay đúc ráp
một máy bơm mới hay chế tạo một chiếc xe hơi. Dân chủ trước hết phải được xây
dựng trên văn hóa.
- Không cắm sâu vào bề sâu văn hóa để nhận chân được gía trị nhân phẩm của
mỗi người, thì thể chế dân chủ chỉ là một trò bịp. Phương thức đồng thuận, ủy
quyền dựa vào đa số trong chế độ dân chủ là con dao hai lưỡi: hơn bao giờ hết
các quyền lực phe nhóm có thể tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng,
các kỹ xảo vận động tâm lý quần chúng... để nắm lấy vận mệnh của cộng đồng bất
chấp ước vọng của người dân.
- Một nền dân chủ thật sự đòi hỏi giáo dục về văn hóa để mỗi một người dân
có thể sử dụng hữu hiệu quyền tự do của mình.
Làm sao người dân tham gia được vào việc điều hành cộng đồng khi hiểu
biết về mọi mặt còn quá sơ đẳng? Câu châm ngôn từ xưa nay vẫn còn nói "dân nào thì vua đó"; do đó, dân chủ
không thể tách rời khỏi dân trí. Vào đầu thế kỷ 20, các nhà cách mạng của chúng
ta đã am tường điểm nầy khi đề xuất các phong trào phát triển dân trí để sớm
thực hiện dân chủ.
- Và cuối cùng văn hóa gắn liền cho dân chủ, khi bước nhập môn của bất cứ
nền văn hóa nào cũng nhắc nhở : "hãy
tự biết mình và sửa mình". Dân chủ không phải chỉ là đòi hỏi kẻ khác
phải thực thi các bổn phận đáp ứng với quyền lợi của mình. Dân chủ còn là ý
thức bổn phận của mình, của nhà mình, của đảng mình, của nước mình đối với kẻ
khác.
Bên cạnh nổ lực chính trị, đãu tranh để có ngay một cơ chế dân chủ cho Việt
Nam, cần thiết và tích cực hơn nữa là thực hiện dân chủ trong khuôn khổ nhà
mình. Vì mọi người chúng ta đều biết : không
ai cho điều mình không có.
________
Phụ-đính
A- Một lối định nghĩa "dân chủ" có
tính cách phổ thông
- Dân chủ : nguyên tự của
tiếng gốc Hy lạp:
démocratie - demos = dân; kratos
: quyền hành
Thể chế dân chủ : chính quyền của dân do dân; chủ quyền của nhân dân.
* Nội dung tóm gọn của các bộ
tự điển
Theo nghĩa hẹp, dân chủ là việc hành xử (trực tiếp hoặc gián tiếp) quyền hành xã hội do nhân dân.
Lề lối tổ chức chính trị nầy mặc nhiên đi đôi với một cộng đồng xã hội (quốc gia, hoặc liên quốc gia, hay quốc tế) trong đó mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và có
những quyền hạn y như nhau. Những quyền lợi cá biệt dành cho một số công dân
phải được các thành phần xã hội chuẩn nhận (minh nhiên hoặc mặc nhiên), vì trách vụ hoặc bổn phận đặc biệt; nhưng mọi công dân không phân
biệt đều có thể được ủy thác những quyền
hạn nầy: mọi người dân đều có thể tham gia vào các chức năng điều hành cộng
đồng; không một điều luật, một thói quen hay một lối xử sự nào ngăn cản tận căn
khả năng tham gia vào các trách vụ xã hội của mọi người dân, hoặc thiết định
một lớp người cai trị và một lớp người bị trị riêng biệt.
Thể chế dân chủ tất yếu phải thực hiện và phát triển một số định chế tương
hợp:
Mọi nền dân chủ phải chống lại các hình thức nô lệ. Người công dân cần được
hỗ trợ để tài bồi cuộc sống tinh thần và đạo đức, có đủ khả năng để thực thi
một cách hữu hiệu và trách nhiệm các phần vụ được cộng đồng trao phó.
Do đó, một nước dân chủ có bổn phận phải thực hiện các định chế cần thiết :
1- Các cơ sở đào tạo và giáo dục.
2- Các cơ sở xã hội và liên đới, nhắm xóa giảm các
ngăn cách xã hội ngược lại với đòi hỏi về
bình đẳng của mọi công dân.
3- Hình thức chính quyền dân chủ, nghĩa là lề lối tổ
chức cộng hòa và phổ thong bầu phiếu.
4- Cổ súy tinh thần dân chủ, phát
triển văn hóa dân chủ. Đây là điều kiện quan trọng hơn cả cơ cấu tổ chức nhất
thời nào đó. Vì không thấm nhuần tinh thần dân chủ và phát triển văn hóa dân
chủ, thì người ta có thể nhân danh đa số
hoặc nhân danh một ít chiêu bài ý hệ
nhất thờI, lạm dụng các phương tiện
truyền thông các lề lối tổ chức dân chủ, để lừa bịp dư luận, dấy lên môt loại
bạo quyền ghê rợn hơn các thể chế "Thần quyền, quân chủ, độc tài..."
trước đây.
B- Dân chủ và nhân quyền trong
xã hội hiện nay
Quyền tham gia
Mọi công dân có quyền tham gia
vào đời sống cộng đồng: đó là xác tín được mọi người chia sẻ. Tuy vậy, quyền đó không còn nghĩa gì khi tiến trình dân
chủ mất hết sức năng động của nó do nạn phe phái và các hiện tượng tham nhũng
không những chúng ngăn cản việc tham gia chính đáng vào việc hành xử chính
quyền, mà còn chận đứng việc sử dụng một cách công bằng các tiện ích và phục vụ
công cộng ngay cả các cuộc bầu cử cũng có thể bị tráo trở để tạo phần thắng
riêng cho một số đảng phái hoặc một số người. Đây là làm tổn thương cho dân
chủ, đưa đến những hậu quả gia trọng. Người công dân không những có quyền mà
còn có bổn phận tham gia; khi họ bị ngăn cản không thực hiện được quyền và bổn
phận nầy, thì họ mất đi hy vọng có thể can thiệp một cách hữu hiệu và đi vào
tình trạng thờ ơ thụ động. Việc phát triển một hệ thống dân chủ lành mạnh bấy
giờ trở nên bất cập thực sự.
Gần đây, nhiều biện pháp khác nhau được áp dụng để thực hiện những cuộc bầu
cử chính đáng trong các nước đã gian khổ, cố gắng vất bỏ chế độ độc tài chuyên
chế bước qua một chế độ dân chủ. Hẳn nhiên, những nổ lực đó hữu ích và hữu hiệu
trong những hoàn cảnh khẩn trương; nhưng còn phải đem lại cho tâm thức người
công dân toàn bộ niềm tin tưởng thành thật có sức đẩy lui một cách dứt khoát
các lối thủ thuật gian trá trong phương thức áp dụng tiến trình dân chủ.
Trong khuôn khổ cộng đồng quốc tế, các nước và các dân tộc có quyền tham
gia những quyết định thường thay đổi sâu xa nếp sống của họ. Tính cách chuyên
môn có tính cách kỷ thuật của một số vấn đề kinh tế tạo cho người ta có khuynh
hướng chỉ bàn thảo lãnh vực nầy trong các nhóm giới hạn; nguy cơ ở đây là tập
trung quyền chính trị và tài chánh vào tay của một số chính phủ hoặc nhóm quyền
lợi hạn chế. Việc tìm kiếm công ích trên bình diện quóc gia và quốc tế đòi hỏi
phải thực thi rõ rệt quyền của mọi người được tham gia vào các quyền quyết định
liên quan đến họ, ngay cả trong lãnh vực kinh tế.
(Trích Sứ-điệp của Đức Giáo-hoàng Gioan Phaolô II, nhân
ngày Hoà-bình Thế-giới
ngày mồng một tháng giêng năm 1999 "Bí quyết
Hòa-bình ..." - Bản dịch Định Hướng)
C. Dân chủ theo cái nhìn của Học-thuyết Xã-hội
Công-giáo
I- Sứ điệp Phúc âm và đời sống xã hội
Với tư cách là chuyên viên về nhân tính, Giáo-hội
công giáo qua Học-thuyết Xã -hội của mình cống hiến toàn bộ những nguyên tắc
suy tư và tiêu chuẩn phán đoán [4][4][4] cũng như những chỉ dẫn hành
động [5][5][5] để nhằm đưa đến những thay
đổi sâu xa trước các hoàn cảnh khốn cùng và bất công, phục vụ lợi ích chân thật
của mọi người.
Những nguyên tắc cơ bản
73. Điều răn tối thượng của tình
yêu dẫn đến việc nhìn nhận một cách đầy đủ phẩm giá của mỗi con người, được tác tạo giống hình ảnh Thiên
Chúa. Những quyền
lợi và bổn phận tự nhiên phát sinh từ phẩm giá đó. Trong ánh sáng của chân lý,
con người là hình ảnh Thiên Chúa, sự tự do là giá trị tối thượng thiết yếu của
nhân vị được khai mở trong tất cả chiều kích sâu xa của nó. Các nhân vị là hữu
thể tích cực và trách nhiệm của cuộc sống xã hội [6][6][6].
Nguyên tắc về liên đới (principe de solidarité) và nguyên tắc về ủy nhiệm (principe de subsidiarité) liên hệ mật thiết với nền tảng
nầy, tức là nhân phẩm.
Nguyên tắc đầu thúc đẩy con người cộng tác với kẻ khác để phục vụ công ích xã hội, ở mọi cấp độ và địa hạt [7][7][7]. Từ đó ta thấy học thuyết của
Giáo-hội chống lại tất cả các hình thức cá nhân chủ nghĩa trong các lý thuyết
xã hội và chính trị.
Nguyên tắc thứ hai cho thấy quốc gia cũng như xã
hội không bao giờ có thể thay thế được sáng kiến và trách nhiệm của cá nhân
hoặc các đoàn thể trung gian trong các phạm vi sinh hoạt mà họ có thể hành
động, cũng như không thể phá bỏ môi trường và điều kiện cần thiết để họ thực
thi quyền tự do của mình [8][8][8] . Từ đó ta thấy, học thuyết
xã hội của Giáo-hội chống tại tất cả các hình thức chủ nghĩa tập thể hóa.
Những tiêu chuẩn phán đoán
74. Những nguyên lý nầy đặt nền tảng cho các tiêu chuẩn
để phán đoán khi đối diện với các hoàn cảnh, các cơ cấu và hệ thống xã hội.
Vì vậy Giáo-hội không ngần ngại lên tiếng tố giác những hoàn cảnh của đời
sống xúc phạm đến nhân phẩm và tự do con người.
Những tiêu chuẩn nầy cũng giúp ta đánh giá các cơ
cấu. Cơ cấu là toàn bộ các định chế và ứng dụng mà người ta chấp nhận hoặc tạo
ra trên bình diện quốc gia và quốc tế để hướng dẫn hoặc tổ chức đời sống kinh
tế, xã hội và chính trị. Tự bản chất cơ cấu cần thiết cho đời sống xã hội,
nhưng thường chúng có khuynh hướng đóng khung cứng ngắt và trở thành những bộ
máy mù quáng hầu như độc lập với ý chí con người, làm tê liệt hoặc làm suy đồi
công cuộc phát triển xã hội, tạo ra bất công. Tuy nhiên con người luôn có khả
năng và trách nhiệm để thay đổi các chế độ đó, chứ không phải nhìn các cơ chế
đó như là một hình thức biểu lộ của một
thứ tất định chủ nghĩa về lịch sử.
Các định chế và luật lệ, một khi thích ứng với luật
tự nhiên và hướng đến công ích, lại là những bảo đảm cho tự do của nhân vị và
làm cho sự tự do đó được triển nở. Người ta không thể cứ lên án các bình diện
chế tài của luật pháp, cũng như sự ổn định của chính phủ xứng hợp với chức phận
của mình. Do đó, ta có thể nói đến cơ chế ghi khắc dấu tích của tội lỗi, nhưng
không thể lên án các cơ chế một cách chung.
Các tiêu
chuẩn phán đoán cũng liên quan đến các hệ thống kinh tế, xã hội và chính trị. Học thuyết xã hội của Giáo-hội không đề xuất
một hệ thống cá biệt nào, nhưng dưới ánh sáng của các nguyên tắc nền tảng,
trước hết nó giúp ta thấy được trong mức độ nào các hệ thống hiện hành thích
hợp hay không thích hợp đói với những đòi hỏi của nhân phẩm.
Nhân vị có ưu thế trên các cơ chế
75. Hẳn nhiên, Giáo-hội ý thức được sự phức tạp của các vấn đề mà xã hội phải
đương đầu và những khó khăn để tìm ra những giải pháp thích hợp. Tuy nhiên
Giáo-hội nghĩ rằng trước hết cần kêu gọi đến những khả năng siêu nhiên và đạo
lý của con người cũng như sự canh tân trường kỳ cuộc sống nội tâm nếu muốn có
được những thay đổi về kinh tế và xã hội thực sự phục vụ con người.
Việc ưu tiên đề cao các cơ cấu và tổ chức kỹ thuật,
coi thường nhân vị và các đòi hỏi của nhân phẩm là lối phát biểu của một nền
nhân học duy vật đi trái với việc xây
dựng một trật tự xã hội công bằng [9][9][9].
Tuy nhiên,
việc ưu tiên nhìn nhận sự tự do và hoán cải nội tâm không loại bỏ sự cần thiết
phải xúc tiến công cuộc thay đổi các cơ chế bất công. Vì thế những ai chịu đựng sự áp bức do quyền lực của tiền tài hoặc
chính trị có quyền hành động để có được những cơ cấu và định chế biết tôn trọng
những quyền lợi của mình, bằng những phương thức mà đạo đức cho phép, việc đó
hoàn toàn chính đáng.
Nhưng phải hiểu rằng các cơ chế được thành lập nhằm
phục vu lợi ích con người, tự chúng một mình không có đủ khả năng để đem lại
mục tiêu mong muốn, cũng như không thể bảo đảm việc thực thi đúng mức. Trong
một vài nước, nạn tham nhũng nơi kẻ cầm quyền, nạn quan liêu cậy quyền phá tán
đời sống lành mạnh của xã hội là một bằng cớ. Đạo đức xã hội bây giờ là điều
kiện cho sức khoẻ của xã hội. Do vậy, cần có sự hối cải, canh tân tâm hồn con
người đồng thời với việc cải tiến các cơ chế, bởi vì tội lỗi là căn nguyên tạo
ra các hoàn cảnh bất công, là hành vi của ý chí phát xuất từ tự do của con
ngươi; đây là ý nghĩa nguyên thủy và thật sự của tội lỗi. Chỉ vì tội lỗi tràn
vào cơ chế, bấy giờ nó mang một ý nghĩa phụ thuộc và gián tiếp, nên ta có thể
gọi hiện tượng đó là "tội lỗi xã hội" [10][10][10].
Ngoài ra trong tiến trình giải phóng, ta không thể
bỏ quên hoàn cảnh lịch sử của đất nước dân tộc và bản sắc văn hóa của nó. Nên
ta không thể thụ động chấp nhận và lại càng không thể nỗ lực hỗ trợ các nhóm
người chiếm đoạt bộ máy nhà nước bằng vũ lực hoặc đánh lừa dư luận, áp đặt trên
các nước một ý hệ xa lạ đi ngược lại các giá trị văn hóa chân thật của dân tộc
mình [11][11][11]. Về điểm nầy, cần nhắc
nhở trách nhiệm nặng nề của giới trí
thức trên bình diện đạo lý và chính trị.
Những chỉ dẫn hành động
76. Những nguyên lý căn bản và những tiêu chuẩn phán
đoán soi dẫn các chỉ dẫn hành động: bởi vì công ích của xã hội loài người nhằm
phục vụ con người cụ thể, các phương thế hành động phải xứng hợp với nhân phẩm
con người và xúc tiến việc giáo dục về tự do. Đó là một tiêu chuẩn phán đoán và
hành động chắc chắn. Không thể có được
giải phóng nếu ngay từ đầu các quyền tự do không đuợc tôn trọng.
Cần tố cáo ảo tưởng đem lại bao tàn phá mở đường
cho nhiều hình thức vong nô, ảo tưởng dựa vào bạo lực một cách qui mô được trình
bày như là con đường tất yếu phải đi để
hướng đến công cuộc giải phóng. Ta cũng phải tố cáo quyết liệt không kém đối
với bạo lực do những kẻ lắm tiền nhiều của đang đè bẹp kẻ nghèo khổ, việc sử
dụng bộ máy cảnh sát công an một cách hồ đồ, cũng như tất cả các hình thức bạo
lực phát xuất từ hệ thống quyền hành độc tôn của nhà nước. Trong các lãnh vực nầy, cần rút tỉa những bài học của các
kinh nghiệm tang thương mà con người đã phải gánh chịu và còn chứng kiến trong
lịch sử của thế kỷ nầy. Ta cũng không thể chấp nhận thái độ thụ động đồng loã
với tội lỗi của các chính quyền trong một số các cơ chế dân chủ, vì tại các xứ
nầy một số lớn đang sống trong những diều kiện khó mà nói được là thích hợp với
những đòi hỏi về nhân quyền, cá nhân cũng như xã hội đã từng được ghi trong
hiến pháp của họ.
Một cuộc đãu tranh cho công lý
77. Khi
hỗ trợ việc thành lập và đẩy mạnh sinh hoạt các hội đoàn, cũng như các công
đoàn để đãu tranh bảo vệ các quyền hạn và lợi ích chính đáng của giới lao động
và xây dựng công lý xã hội, không phải như thế là Giáo-hội chấp nhận lý thuyết
chủ trương lấy đãu tranh giai cấp làm đòn bẩy tạo ra cơ cấu cho cuộc sống xã
hội. Hành động mà Giáo-hội chủ xướng không phải là cuộc đãu tranh của giai cấp
nầy chống lại giai cấp khác nhằm mục tiêu tiêu diệt kẻ đối phương; hành động đó
không phát xuất từ thái độ buông xuôi trước cái mà người ta hiểu là luật tất
yếu của lịch sử. Nhưng nó là một cuộc đãu tranh cao cả và có suy xét nhằm kiến
tạo sự công bằng và liên đới xã hội [12][12][12]. Người Kitô hữu luôn yêu chuộng đường lối đối thoại và bàn luận với
nhau.
Chúa Kitô đã ban cho chúng ta điều răn yêu mến kẻ thù của chúng ta [13][13][13]. Sự giải phóng trong tinh thần của Phúc-âm không thể cùng đi với sự hận
thù kẻ khác, dù cá nhân hay tập thể, ngay cả sự thù hận kẻ tình địch của mình.
Huyền thoại cách mạng
78. Những hoàn cảnh bất công trầm trọng cần đến những thay đổi sâu xa và can
cường, xóa bỏ những đặc ân không thể nào biện minh được. Nhưng ai không tín
nhiệm vào con đường cải cách để chủ xướng một huyền thoại cách mạng không những
người đó nuôi ảo vọng về một sự thay đổi ngoạn mục chỉ cần dẹp bỏ một tình
trạng bất công nầy là có ngay một xã hội đày nhân tính hơn, mà còn tiếp tay tạo
ra những chế độ độc tài [14][14][14]. Đấu tranh chống những hình thức bất công chỉ có nghĩa khi nó hướng đến
việc thiết lập một trật tự xã hội chính trị mới thích hợp với các đòi hỏi của
công lý. Ngay từ đầu
công lý đã phải có mặt trong các giai đoạn thành lập. Nói cách khác, có một nền
đạo lý trong việc sử dụng các phương tiện [15][15][15].
Giải pháp tối hậu
79. Những nguyên tắc đó phải đặc
biệt áp dụng trong trường hợp tối hậu cần đến đãu tranh võ trang, mà giáo huấn
Giáo-hội định chuẩn như là phương thức cuối cùng nhằm chấm dứt " một sự
độc tài tàn bạo hiển nhiên và kéo dài, vi phạm một cách trầm trọng các quyền
căn bản của con người và làm tổn hại nặng nề công ích của một xứ sở" [16][16][16]. Dù sao việc
áp dụng cụ thể phương thế nầy chỉ có thể
đặt ra sau khi đã phân tích thật kỹ lưỡng tình hình. Thật ra, với sự phát triển
liên tục các kỹ thuật được sử dụng và vì các mối nguy hiểm quá trầm trọng khi
phải nại đến vũ lực, ngày nay việc mà người ta quen gọi là "chống đối bất bạo động" mở ra một đường lối thích ứng
với các nguyên tắc luân lý và không kém phần kiến hiệu.
Không bao giờ
ta có thể chấp nhận, từ phía kẻ cầm quyền cũng như người chống đối, việc sử
dụng các phương tiện gây tội ác, như giết hại dân chúng, tra tấn, các phương
pháp khủng bố và âm mưu giết hại người khác
trong các cuộc biểu tình của quần chúng. Những chiến dịch bỉ ổi nhằm bôi
nhọ, hủy hoại thân xác hay tổn hại đến tinh thần của bất cứ ai đều không thể
nào chấp nhận được.
Vai trò giáo dân
80. Những vị chăn dắt Giáo-hội
không nên trực tiếp can thiệp vào việc xây dựng chính trị và tổ chức đời sống
xã hội. Phận vụ đó thuộc về ơn gọi của giáo dân. Họ cần hành động theo sáng kiến riêng của mình cùng
với đồng bào của họ [17][17][17]. Họ phải hoàn thành phận vụ
nầy, ý thức rằng cứu cánh của Giáo-hội là phổ biến Nước Chúa Kitô đẻ tất cả mọi
người được thật sự xếp đặt theo tinh thần của Chúa Kitô [18][18][18].
Như thế công
cuộc cứu độ gắn chặt với phận vụ cải tiến và nâng cao các điều kiện sinh hoạt
của con người trần thế.
Sự phân biệt
giữa trật tự siêu nhiên của ơn cứu độ và trật tự trần thế của sinh hoạt con
người phải được nhìn từ bên trong ý định duy nhất của Thiên Chúa, là qui kết
mọi sự vào Chúa Kitô. Vì vậy, trong mọi địa hạt đạo đời, người giáo dân, vừa là
tín hữu vừa là công dân phải luôn được hướng dẫn bởi ý thức Kitô giáo [19][19][19].
Hành động xã
hội hàm ngụ có nhiều giải pháp cụ thể nhưng luôn nhắm đến công ich và thích hợp
với sứ điệp của Phúc âm và giáo huấn của Giáo-hội. Phải hành động thế nào để sự khác biệt về quan điểm không làm hại
đến ý nghĩa của sự hợp tác, và tạo ra tình trạng tê liệt không thể sinh hoạt
hoặc hoang mang bất động trong cộng đồng người Kitô hữu.
Sư hướng dẫn của Giáo-hội qua học thuyết xã hội phải gây hứng khởi để sở
đắc các kiến thức kỹ thuật và khoa học cần thiết. Nó cũng phải giúp ta trau
giồi tư cách đạo đức và đào sâu đời sống siêu nhiên. Khi cống hiến các nguyên
tắc và lời khuyên bảo đạo đức, học thuyết nầy không vì thế mà quên đi việc giáo
dục cần thiết để có được sự cẩn trọng trong chính trị rất cần cho việc cai trị
và quản lý các thực tại của đời sống con người.
II-Những đòi hỏi của Phúc-âm về việc thay đổi sâu xa
Cần thiết phải có sự thay đổi về văn hóa
81. Ngày nay hơn bao giờ hết, Kitô hữu đang chứng kiến
sự thách đố phải cố sự tâm thực hiện nền văn minh tình thương, tóm kết tất cả
gia sản văn hóa đạo đức của Phúc-âm. Phận vụ đó đòi hỏi cần phải suy tư lại mối
tương quan giữa điều răn tối thượng về
tình yêu với trật tự xã hôi cũng như tất cả các nét phức tạp của nó.
Cùng đích trực tiếp của sâu xa đó là việc kiến tạo thực thi các chương
trình hành động táo bạo nhằm giải phóng từng triệu con người đang bị khống chế
bởi hoàn cảnh áp bức về kinh tế, xã hội và chính trị không thể chịu đựng nổi.
Hành động đó
phải bắt đầu bằng một nổ lực giáo dục thật qui mô, lớn lao: Giáo dục để thích
ứng với nền văn minh lao động, giáo dục hướng đến liên đới, làm sao mọi người
cập nhật nội dung của văn hóa.
(Trích trong Tự-do Kitô-giáo và Giải-phóng - Huấn thị của Thánh-bộ Đức-tin
Định Hướng Tùng-thư xuất bản, 1993, tr. 100-108)
[20][1][1] Xem Tự do Kitô giáo và Giải-phóng - Huấn thị
của Thánh-bộ Đức tin, bản dịch Định
Hướng, 1993, tr. 24.
[21][2][2] Xem Nhân-quyền và Giáo-hội, Tài liệu của Hội-đồng Giáo-hoàng "Công-lý và Hòa-bình" - Bản dịch Việt
ngữ, Định Hướng, xb. 1999.
[23][4][4] Phaolô VI - Tông Thư Octogesima Adveniens số 4; Gioan-Phaolô II- Diển văn
khai mạc Puebla III, 7.
[27][8][8] Piô XI - Thông điệp Quadragesimo Anno số 79-80ù; Gioan XXIII - Thông-điệp Mater et Magistra số 138 ; Tđ Pacem in Terris số 74.
[30][12][12] Gioan
Phaolô II - Thông-điệp Laborem Exercens số 20 ; Huấn thị Libertatis Nuntius VII, 8.
[34][16][16] Phaolô VI - Thông-điệp Populorum Progressio
số 31; Piô XI Thông-điệp Nos es muy
conocida, 208-209.