Stephen Hawking:
'Hãy theo đuổi công việc có ý nghĩa'
Bryan Lufkin -
BBC Capital
Stephen Hawking để lại một di sản
vượt ra ngoài cả lĩnh vực học thuật: nó hiện diện trong điện ảnh, trong
các đầu sách bán chạy, và cả ở nhiều thứ khác nữa. Niềm đam mê
khoa học của ông và việc ông mở ra những bí mật của vũ trụ đã tạo cảm
hứng cho hàng triệu người khắp thế giới, khiến họ trở nên quan tâm, muốn
biết nhiều hơn về vũ trụ.
Hawking làm thay đổi quan niệm về người khuyết tật?
Vì sao Stephen Hawking 'là người Anh vĩ đại'?
Giáo sư Stephen Hawking qua đời
Liệu triết lý của ông về công việc có thể áp dụng cho tất cả chúng ta hay không? Liệu cuộc sống có thực sự trống rỗng khi ta không có được một công việc không chỉ đem lại thu nhập mà còn giúp hiện thực hóa những đam mê cá nhân?
"Nếu bạn yêu công việc thì những trở ngại lặt vặt sẽ không làm bạn cảm thấy tổn thương, không khiến bạn muốn bỏ việc. Điều này tốt cho cả cá nhân và tổ chức," Sally Maitlis, giáo sư về lãnh đạo và hành vi trong tổ chức tại Đại học Oxford, nói.
"Nhưng nếu bạn yêu nó tới mức công việc thực sự trở thành tâm điểm, trở thành thứ giúp bạn hiểu bản thân và những gì bạn đóng góp cho xã hội, thì điều đó lại trở nên tai hại."
Maitlis hồi năm ngoái đã cùng tìm hiểu khái niệm này với Kira Schabram, giáo sư quản trị từ Đại học Washington.
Họ tiến hành nghiên cứu trên 50 nhân viên làm việc ở trung tâm cứu trợ động vật tại Bắc Mỹ: nhiều người bị thu hút với công việc vì tình yêu động vật họ đã có từ khi còn bé thơ, hay bởi niềm tin họ có đủ kỹ năng cần thiết để tạo ra sự khác biệt.
Kết quả là nhân viên ở đây chịu làm thêm giờ, xung phong làm việc trong những ca khó, liên tục chia sẻ ý tưởng. Thế nhưng rất nhiều người cuối cùng đã kiệt sức hoặc trở nên căng thẳng, ức chế.
Họ thường xuyên đối mặt với việc phải cho các con thú chết một cách êm ái, hoặc phải làm việc trong điều kiện nguồn lực ít ỏi và cách quản lý yếu kém, là những yếu tố vốn đã khiến nhiều trung tâm cứu hộ động vật lâm vào cảnh bế tắc. Một số người cuối cùng đã bỏ việc.
Tuy nhiên, Maitlis và các chuyên gia khác đều đồng ý rằng việc chọn một nghề nghiệp có thể giúp bạn có định hướng sâu sắc về mục đích sẽ có tác động tích cực cho cuộc sống của bạn. Từ lâu nay, kết quả nghiên cứu đã chứng minh điều này.
Hồi tháng 2/2018, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ xuất bản bài báo tổng hợp các phát hiện về chủ đề này đã được đưa ra kể từ năm 1993 tới nay.
Nghiên cứu của giáo sư Teresa Amabile từ trường Harvardcho thấy "dù mức độ quan trọng của mục tiêu là gì - để nhằm chữa bệnh ung thư hay giúp đỡ đồng nghiệp - thì cảm giác mình đang làm điều có ý nghĩa, cảm giác mọi việc diễn ra theo chiều hướng tiến bộ khiến người ta thấy vui ở nơi làm việc."
Làm cách nào để lưu danh muôn thuở?
Bí mật đáng buồn của sự thành công
PowerPoint: 'cây đũa thần' hay tội đồ nơi công sở?
Nhưng với nhiều người, để tìm ra công việc có ý nghĩa lại là điều rất khó khăn.
Anat Lechner, giáo sư ngành quản lý tại Đại học New York, cho biết vấn đề là bạn cần phải biết mình thích làm gì.
Khi bạn quá say mê với những gì đang làm thì rất khó để tách bạch đâu là sở thích, đâu là công việc thực sự. "Bạn không thể tách Elon Musk khỏi những thứ mà ông đang làm," bà nói.
Và dù có rất nhiều người có thể thực sự biết đam mê của mình - những việc mà họ bị cuốn hút một cách tự nhiên và cảm thấy vui khi theo đuổi nó hết ngày này qua ngày khác - nhưng họ thường không thực sự hành động để biến nó thành sự nghiệp.
"Họ là thà đi làm tại hãng JP Morgans vì họ nghĩ đó là chọn lựa an toàn," Lechner nói. "Họ dừng chân, không theo đuổi những thứ lẽ ra có thể phát triển rực rỡ, tạo thêm giá trị gia tăng, những thứ mà thế giới lẽ ra đã có thể tưởng thưởng cho họ một cách xứng đáng."
Amy Wrzesniewski, giáo sư chuyên về hành vi tổ chức tại Đại học Yale cho rằng cách vượt qua điều này là phải "sáng tạo ra công việc": tìm ra những phần bạn yêu thích trong công việc hiện tại, và sau đó biến nó thành công việc gì mới, xứng đáng hơn.
Điều này có thể áp dụng với những kiểu người lao động mà Schabram và Maitlis đã nghiên cứu: những người đã chọn được công việc mơ ước, nhưng rồi nhận ra nó không như họ tưởng.
"Liệu có cách nào đó để tiếp tục gắn bó với âm nhạc hoặc bất cứ nghề nghiệp nào khác, để bạn có thể kết nối với nghề nghiệp một cách ý nghĩa nhất," Wrzesniewski đặt câu hỏi, "thay vì bị bó buộc bởi những mô tả, những yêu cầu đi kèm với nghề nghiệp, vị trí đó?"
Một số người lao động trong nghiên cứu của Schabram và Maitlis đã làm được điều này bằng cách rời khỏi trung tâm cứu hộ động vật và chuyển sang các công việc khác vẫn liên quan đến động vật, như làm đẹp hay huấn luyện thú cưng.
Wrzesniewski cũng chỉ ra rằng chính cách nghĩ của nhiều người đã tự khiến cho họ không tìm ra được thứ mà họ yêu thích.
Một số người nghĩ rằng "bạn phải khám phá ra nó, phải đào xới đủ mức mới tìm thấy nó," Wrzesniewski nói. "Việc này có thể gây ra tâm trạng căng thẳng." Thay vào đó, theo ông, việc tìm kiếm điều mình đam mê nên được thực hiện theo kiểu thử nghiệm, vừa làm vừa học hỏi và tự điều chỉnh.
Làm công việc mà bạn yêu thích sẽ đem đến nguồn năng lượng giúp bạn dung hòa giữa sự nghiệp và niềm đam mê cá nhân, và điều đó khiến công việc đem lại cho bạn những mục tiêu, ý nghĩa lớn hơn thay vì chỉ là việc tìm cách thăng tiến hay lo đủ trang trải cho cuộc sống.
"Khi bạn quá đắm chìm vào những gì bạn đang làm, bạn sẽ trở thành chính thứ đó," Lechner nói. "Tôi nghĩ Hawking là người như vậy."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.
http://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-43618312