Bài giảng của ĐGM Matthêu Nguyễn Văn Khôi
trong Thánh lễ Tạ ơn Hồng ân Năm thánh
Lời đầu lễ
Trọng kính Đức cha Giuse, TGM
Huế, Chủ tịch HĐGMVN, ĐHY Phêrô, TGM Hà Nội, Quý Đức cha,
Kính thưa quý cha Tổng Đại diện,
quý cha Giám đốc Chủng viện và Bề trên các Hội dòng, quý cha trong và ngoài
giáo phận, quý tu sĩ Bề trên các Hội dòng, quý tu sĩ nam nữ, chủng sinh, quý ân
nhân, quý ông bà anh chị em giáo dân trong và ngoài giáo phận,
Hôm nay chúng ta họp nhau cử hành
thánh lễ Tạ ơn Hồng ân Năm thánh giáo phận Qui Nhơn, kỷ niệm đúng 400 năm Tin
Mừng được rao giảng lần đầu tiên tại Nước Mặn, thuộc giáo phận Qui Nhơn ngày
nay, vào tháng 07 năm 1618. Từ đó, "Lời Chúa đã lan rộng khắp nơi hình
thành các giáo phận của cả miền nam đất Việt", như lời kinh được đọc trong
suốt Năm thánh.
Với thánh lễ hôm nay, Năm thánh
đạt đến đỉnh cao của tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các bậc tiền nhân,
đồng thời cũng là khung cửa mở ra một hành trình mới cho mọi thành phần dân
Chúa hân hoan lên đường, đem Tin Mừng đến khắp mọi nơi trong giáo phận, với gói
hành trang ơn Chúa được tích lũy dồi dào trong suốt Năm thánh. Vì thế, cùng với
tâm tình tạ ơn, trong thánh lễ này chúng ta cũng cầu xin Thiên Chúa tiếp tục
ban muôn ơn lành xuống trên cánh đồng giáo phận, và hướng dẫn, trợ giúp mỗi
người chúng ta phủ sóng Tin Mừng trên khắp địa bàn giáo phận, từ hải khẩu cho
đến sơn đầu, từ vùng cao cho đến vùng sâu, để cho đâu đâu cũng được ánh sáng
Tin Mừng chiếu soi. Sau khi Hy tế Tạ ơn kết thúc và phép lành Toàn xá Năm thánh
đã được ban xuống, nghi thức sai đi sẽ được cử hành để đưa tất cả chúng ta lên
đường thi hành nhiệm vụ tông đồ.
Giờ đây, để cho thánh lễ chúng ta
dâng, tâm tình tạ ơn và lời cầu nguyện của chúng ta đáng được Thiên Chúa đoái
thương chấp nhận, mỗi người chúng ta hãy thành tâm sám hối những lỗi lầm thiếu
sót của mình.
Bài
giảng
Hôm nay, ngày cuối cùng của Năm
thánh mừng 400 năm loan báo Tin Mừng tại giáo phận Qui Nhơn, chúng ta cùng nhau
tham dự Hy tế Tạ ơn đang diễn ra trên lễ đài được thiết kế theo hình dáng chiếc
đại phong cầm, với những đường ống lớn nhỏ hướng lên trời cao, như biểu tượng
của bản hợp ca tạ ơn, phát xuất từ hàng vạn trái tim đang thổn thức dâng lên Thiên
Chúa bài thánh ca Magnificat của Đức Trinh Nữ Maria trong đoạn Tin Mừng hôm
nay.
Năm
thánh Giáo phận đã long trọng khai mạc ngày 26 tháng 07 năm 2017 tại chủng viện
Làng Sông, mở đầu cho một cuộc hành hương vĩ đại của toàn thể cộng đồng dân
Chúa giáo phận, để đi lại lộ trình của hạt giống Tin Mừng được tung gieo theo
dòng chảy của thời gian 400 năm qua và đã nẩy mầm, đâm rễ, đơm bông, kết trái
trên phần đất Đàng Trong, Đông Đàng Trong và Qui Nhơn ngày nay. Hôm nay, cuộc
hành hương đạt đến đỉnh cao đúng vào thời điểm kỷ niệm 400 năm bước chân các vị
thừa sai Dòng Tên bắt đầu ghi đậm những dấu ấn tại Nước Mặn vào tháng 07 năm
1618 và lập cư sở chính thức đầu tiên tại đây, từ đó hạt giống Tin Mừng tiếp
tục được tung gieo trên khắp cánh đồng truyền giáo ngày càng mở rộng.
Trong suốt Năm thánh, lời ca tạ
ơn đã vang dội khắp nơi trong giáo phận, tận đáy lòng mỗi người, trong mái ấm
gia đình, giữa lòng cộng đoàn giáo họ, giáo xứ và dòng tu, trên qui mô giáo hạt
và giáo phận, cùng với sự hiệp thông của các đồng hương và thân hữu ngoài giáo
phận. Tất cả đều cùng chung tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, vì trong suốt 400 năm
qua, Tin Mừng đã được loan báo trên quê hương giáo phận. Nhờ ân sủng và sự trợ
giúp của Chúa, những hạt giống Tin Mừng đã đơm bông kết trái, khiến cho từ mảnh
đất Đàng Trong đã dần dần hình thành các giáo phận thuộc hai giáo tỉnh Huế và
Sài Gòn, với các thế hệ Kitô hữu tiếp nối nhau cho đến ngày nay. Nhờ ánh sáng
Tin Mừng, biết bao người đã thoát khỏi cảnh tối tăm lầm lạc, kiếp sống nô lệ
tội lỗi, để trở thành những người tự do đích thực, thành con cái của Thiên Chúa
và được thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời.
Cùng với tâm tình tạ ơn Thiên
Chúa, trong suốt Năm thánh mỗi người chúng ta đã có dịp bày tỏ tâm tình tri ân
đối với các bậc tiền nhân mà Thiên Chúa đã an bài xếp đặt, để các ngài đóng góp
công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu đào, vào việc vun xới, canh tác và tưới
gội cánh đồng giáo phận, để lại cho chúng ta một gia sản đức tin thật dồi dào
phong phú, những mẫu gương sống đạo anh hùng và sáng chói, có sức sáng soi và
hướng dẫn mỗi người chúng ta khi cuộc đời lạc lối vào những hoàn cảnh tối tăm.
Trong thánh lễ này, chúng ta hãy mượn lời của vua Salômôn trong bài đọc thứ I
để nguyện chúc cho nhau rằng: "Xin Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở cùng
chúng ta, như Ngài đã ở với tổ tiên chúng ta; xin Ngài đừng để mặc, cũng đừng
bỏ rơi chúng ta, nhưng xin hướng lòng chúng ta về với Ngài, để chúng ta bước đi
trên mọi nẻo đường của Ngài và tuân giữ các mệnh lệnh, giới răn và luật pháp
Ngài đã truyền cho tổ tiên chúng ta" (1V 8,57-58).
Thánh lễ Tạ ơn hôm nay được coi
như một sự tổng hợp tất cả những tâm tình tạ ơn của mọi thành phần cộng đồng
giáo phận trong suốt Năm thánh để dâng lên Thiên Chúa. Ngoài ra, trong thánh lễ
này, chúng ta còn đặc biệt tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao ơn lành và hoa trái
liêng liêng mà Ngài đã rộng rãi ban xuống cho toàn thể giáo phận nói chung và
mỗi người chúng ta nói riêng trong suốt Năm thánh, đặc biệt là ơn Toàn xá. Để
lãnh nhận ơn Toàn xá, các tín hữu đã hoán cải đời sống, siêng năng lãnh nhận
các bí tích và trở nên sốt sắng hơn. Nhờ việc đọc lại lịch sử giáo phận, các
tín hữu đã học được những tấm gương sáng của các bậc tiền nhân, thêm lòng yêu
mến giáo phận và ý thức hơn về nhiệm vụ loan báo Tin Mừng.
Cuộc hành hương Năm thánh của
giáo phận có thể được ví như một hành trình lên núi thánh để gặp gỡ Thiên Chúa
mà đỉnh cao là thánh lễ hôm nay. Giờ đây tâm tình tạ ơn hồng ân Năm thánh là
điểm khởi đầu của một hành trình "hạ sơn", để thi hành sứ mệnh Thiên
Chúa đã giao như ngôn sứ Êlia ngày xưa từ núi thánh Khôrép trở về quê hương.
Thánh lễ Tạ ơn này cũng có thể được coi như giờ phút giao thừa giữa 400 năm cũ
sắp qua và tương lai đang mở ra với một chân trời mới, chất chứa những sự kiện
mới và cũng đòi hỏi một chương trình hành động mới.
Chân trời mới của giáo phận được
mở ra trước hết với sự kiện Năm thánh giáo phận được gối đầu và nối tiếp bằng
Năm thánh tôn vinh các thánh tử đạo tại Việt Nam, kỷ niệm 30 năm ngày Đức Thánh
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong hiển thánh cho 117 chân phước tử đạo của
Giáo Hội Việt Nam (1988-2018), trong số đó giáo phận Qui Nhơn có 3 vị là thánh
linh mục Phanxicô Gagelin Kính, thánh trùm cả Anrê Nguyễn Kim Thông và thánh
Giám mục Stêphanô Cuénot Thể. Thật là một sự trùng hợp đầy ý nghĩa khi ngày lễ
mừng kính trọng thể của cả ba đấng thánh đều nằm trong khung cảnh Năm thánh Tử
đạo.
Cũng trong Năm thánh Tử đạo, ngày
12 tháng 11 năm 2018 sắp tới, giáo phận Qui Nhơn sẽ mừng kỷ niệm 100 năm ngày
Tòa thánh ban hành sắc chỉ công bố cha Phaolô Châu và 15 vị tử đạo khác của
giáo phận được đưa lên hàng Tôi tớ Chúa. Hồ sơ tử đạo của các vị tại Rôma đã
đầy đủ và nhân dịp này chúng ta cùng cầu nguyện, để nhờ ơn Chúa, Tòa thánh sớm
tôn phong các ngài lên hàng chân phước hay hiển thánh.
Năm sau, vào ngày 09 tháng 09 năm
2019, chúng ta sẽ long trọng mừng kỷ niệm 360 năm ngày thành lập giáo phận Tông
tòa Đàng Trong (09.09.1659), tiền thân của giáo phận Qui Nhơn ngày nay. Và xa
hơn nữa, vào năm 2025, chúng ta sẽ mừng kỷ niệm 400 năm ngày sinh của chân
phước Anrê Phú Yên, một người con của giáo phận đã trở thành người chứng thứ
nhất của cả Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta cầu nguyện và hy vọng rằng từ đây đến
đó, Tòa thánh sẽ tôn phong ngài lên hàng hiển thánh.
Dọc theo những sự kiện đặc biệt
ấy, chân trời mới của giáo phận đang mời gọi mỗi người chúng ta sử dụng hồng ân
Năm thánh như một gánh hành trang để lên đường tung gieo hạt giống Tin Mừng
khắp nơi, đến tận những địa chỉ xa thật là xa, theo gương Đức Mẹ Maria, như
thánh Luca đã thuật lại trong đoạn Tin Mừng hôm nay (Lc 1,39-56). Để đáp lại
hồng ân được đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa xuống thai trong lòng mình, Đức Maria
đã mau mắn lên đường đem tin vui cứu độ đến cho nhà bà chị họ Êlisabét. Mẹ
đã tự biến mình thành dụng cụ để qua đó Thiên Chúa tuôn tràn hồng ân của Ngài
trên tha nhân, khiến cho hồng ân nối tiếp hồng ân.
Hơn nữa, nếu được đón nhận Tin
Mừng là một hồng ân, thì được sai đi loan báo Tin Mừng cũng là một hồng ân, như
lời ngôn sứ Isaia đã nói: "Đẹp thay bước chân người loan báo tin
mừng" (Is 52,7). Cũng vậy, trong thư gửi tín hữu Êphêsô ở bài đọc II,
thánh Phaolô đã viết: "Trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại
được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và
cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ
ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Ngài thi thố quyền năng của Ngài.
Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân
sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức
Kitô và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an
bài" (Ep 3,6-9).
Ngày lễ Tạ ơn Hồng ân Năm thánh
mà chúng ta đang long trọng cử hành là ngày mở ra một chặng đường mới, ngày mà
tất cả chúng ta phải lên đường sau một năm dài đón nhận ơn Chúa và chuẩn bị
hành trang, ngày chúng ta được sai đi vào cánh đồng truyền giáo để gieo vãi Tin
Mừng theo bước chân của các thế hệ tiền nhân. Xin mượn lời Đức Phanxicô
trong tông huấn Hãy vui mừng và hân hoan, số 138-139, để kết luận cho bài
chia sẻ hôm nay:
"Ta
hãy chạy theo gương của nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân đã dấn thân để rao
giảng Tin Mừng và phục vụ cách trung thành, biết bao lần phải liều mất mạng
sống và rõ ràng là phải trả giá bằng việc hy sinh sự thoải mái của mình. Chứng
từ của họ nhắc ta nhớ rằng Hội Thánh không cần những quan lại và công chức,
nhưng cần những nhà truyền giáo hăng say được lòng nhiệt thành nghiền nát để
chia sẻ sự sống cho người khác. Các thánh khiến ta ngạc nhiên và lúng túng, bởi
vì đời sống của các ngài mời gọi ta ra khỏi tình trạng tầm thường trầm lặng và
tê liệt của mình.
"Ta
hãy xin Chúa ban cho ơn biết không ngần ngại khi Chúa Thánh Thần đòi hỏi ta
tiến lên một bước. Ta hãy xin ơn can đảm tông đồ để chia sẻ Tin Mừng cho người
khác và từ bỏ việc cố gắng biến đời sống Kitô hữu của mình thành một viện bảo
tàng kỷ niệm. Trong mọi hoàn cảnh, xin Chúa Thánh Thần hãy làm cho ta biết
chiêm ngắm lịch sử dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Có thế, Hội Thánh
mới thôi trì trệ để liên lỉ đón nhận những điều đáng kinh ngạc của Chúa".
+ Matthêu Nguyễn Văn Khôi
Nguồn: Giáo
phận Qui Nhơn