Chiến Dịch Cứu Heo Rừng
Moritz Aisslinger. P. H-Lam dịch
Suốt hai tuần lễ các em ở Thái-lan bị giam cầm trong hang động dưới sâu. Không khí cạn dần, mà các em lại không biết bơi. Làm sao để thoát ra khỏi hang động đầy nước? Và phép lạ đã xẩy ra.
Bảy tiếng đồng hồ trước khi phép lạ diễn ra,
không khí trong căn nhà thờ nhỏ tại miền bắc Thái-lan hoàn toàn yên tĩnh. Hôm
nay là sáng chủ nhật, trời oi ả, ngoài kia, ở bản Wiang Phan, cách biên giới
Miến-điện mười phút xe hơi, trời bắt đầu mưa. Trong nhà thờ Maesai Grace
Church, nằm cuối một con đường nhỏ, linh mục coi xứ bắt đầu nói về Adul. Mọi
tiếng xầm xì chuyện trò thoáng chốc im bặt.
Nhà thờ đầy kín người, vài ba tín hữu phải
đứng, mọi người lắng nghe tiếng cha xứ, nhưng đồng thời họ cũng nghe tiếng mưa
rơi lộp độp trên mái. Tiếng mưa át tiếng cha xứ, nên ông càng phải nói to lên,
để chống lại cơn mưa mà toàn thể người dân Thái đang lo sợ trong những ngày
này, vì nó mang lại bất hạnh, bất hạnh cho Adul và những em khác.
Cha xứ nói rằng, Thiên Chúa yêu thương Adul, và tất cả những ai được Người
thương, đều sẽ được Người cứu, bất cứ ở đâu, kể cả ở trong hang động sâu. Chủ
nhật nào Adul cũng tới đây dự lễ, mọi người đều biết em. Từ 15 ngày nay không
ai thấy em đâu nữa. Em đã đi xa.
Cuối lễ, họ cùng hát với nhau, với tiếng nhạc
đệm của chiếc phong cầm nhỏ. Rồi họ cùng nhau cầu nguyện cho Adul, cho người
bạn của họ, cho cậu bé hàng xóm của họ, và các bạn của cậu sớm được cứut thoát.
Adul Sam-on là một trong mười hai cậu cầu thủ
đội banh, đang cùng với người huấn luyện viên của đội bị kẹt trong hang
Tham-Luang ở miền bắc Thái-lan. Thứ Ba tuần vừa rồi, hai ngày sau thánh lễ
trong nhà thờ Maesai Grace Church, tin vui vang khắp địa cầu: Adul và các bạn
đã được cứu thoát. Có lẽ việc giải cứu nhóm thiếu niên này là một chiến dịch
cứu người lớn nhât trong lịch sử nhân loại. Đối với nhiền người trong bản làng
công giáo này thì đây là một phép lạ lớn nhất trong đời họ.
Bi kịch của những tuần lễ này diễn ra trên hai
mặt, bên ngoài và bên trong, giữa ánh sáng và bóng tối.
Dưới sâu trong lòng đất: 12 đứa trẻ và người
huấn luyện viên 25 tuổi đã sống qua 9 ngày mà không có một miếng ăn gì vào
bụng, cô đơn, không hi vọng được cứu thoát, thiếu ánh sáng, không hơi ấm, quần
áo sơ sài, phải ngủ trên nền đá lạnh.
Bên ngoài, thoạt tiên đã chẳng mội ai nghĩ là
sẽ cứu sống được những đứa bé. Dù vậy đã có tới hơn 1000 người sẵn sàng giúp đỡ
từ khắp nơi trên thế giới đổ về. Những nhà nghiên cứu hang động, các thợ lặn,
chuyên viên leo núi, bác sĩ, y tá, các nhà tâm lí. Tài xế xe đò, phi công,
chuyên viên điều khiển máy bay không người lái (Drohnen). Những người nấu bếp,
thợ hớt tóc, các chuyên viên vật lí trị liệu. Các linh mục, nhà sư, các nhà tỉ
phú từ Thung Lũng Silicon. Tất cả đều muốn đóng góp phần mình để cứu thoát các
em và người dẫn dắt chúng.
Trong số những người tới giúp có cả các kí giả
truyền thanh và truyền hình, báo chí, các blogger; họ chuyển những tin tức về
các em tới tận các chân trời xa xôi, tới hàng triệu con tim khắp thế giới đang
thấp thỏm lo ngại.
Trong bản Wiang Phan, người ta biết mức độ căng thẳng nào đang diễn ra ở Mae
Sai dưới chân công viên đi dạo Tham Luang. Nhưng từ công viên này trở lên sự
căng thẳng không còn gia tăng nữa, vì báo chí bị chận tại đây. Phải giữ yên
tĩnh, đó là điều quan trọng nhất đối với mọi người trong buổi sáng chủ nhật
này, trong những giờ phút bước vào cuộc giải cứu, những giờ phút của vô định và
âu lo. Tại bàn làm việc của mình, nhỏ nhẹ nhưng đầy lạc quan, Shin Maung tin
chắc „Thế nào rồi Adul cũng trở về“.
Shin Maung, 41 tuổi, là cha sở của nhà thờ
Maesai Grace Church; ông biết Adul cách đây mười năm, khi bắt đầu bước lên tòa
giảng. Lúc đó Adul bốn tuổi, một cậu bé mảnh khảnh nhưng sáng sủa. Adul càng
ngày càng già dặn thêm và cậu xuất hiện bất cứ lúc nào cần tới sự giúp đỡ của
cậu. „Cứ sau thánh lễ là Adul cầm chổi quét nhà thờ, chẳng cần ai sai bảo cả“.
Shin Maung cho biết như thế. Adul dọn bàn ăn cho các tín hữu trong giáo xứ sau
mỗi thánh lễ, cậu rửa chén, mỉm cười với mọi người.
Đôi khi cậu ngồi đệm đàn phong cầm hoặc đệm
ghi-ta, đặc biệt cho người ta hát thánh ca; đó là hai nhạc cụ cậu rất sành. Ở
Trường Wiangphan cậu thuộc vào nhóm những học sinh trổi vượt nhất. „Cậu nói bốn
thứ tiếng.“ Thái, Quan-thoại, Miến-điện – và Anh ngữ. Chính khả năng Anh ngữ
khiến cậu rồi đây sẽ nổi bật thêm.
Cha xứ tiếp: „Mỗi sáng chủ nhật Adul cùng với
cha mẹ và hai người em đều đặn tới dự thánh lễ. Chủ nhật vừa rồi là ngày tôi
gặp em lần cuối.“ Đó là ngày 17 tháng Sáu.
Sáu hôm sau đó, ngày 23 tháng Sáu, lúc 13 giờ,
Adul – một cầu thủ trung phong 14 tuổi với biệt danh Đun - đi dượt banh cùng với
các bạn trong đội „Heo Rừng“ (Moo Pa). Trên sân hôm đó có 14 cầu thủ, nhiều hơn
số 12 em sau đó bị mắc kẹt trong động; có lẽ chúng đã chạy làm nóng, đã chia
đôi thành hai nhóm đấu với nhau...
Hai đứa gặp may không rơi vào thảm kịch là
Thaveechai Nameng và Songpol Kanthavong, cả hai 13 tuổi.
Sau buổi tập dượt, cả đội còn muốn cùng chơi thêm với nhau một cái gì đó. Và
một í kiến được đưa ra: Cùng đạp xe tới động Tham Luang. Người huấn luyện cũng
đồng í. Thaveechai Nameng muốn theo, nhưng không đi được, vì cha mẹ bảo sau giờ
chơi banh phải về nhà ngay, để làm bài vở cho xong. Songpol Kanthavong được mẹ
chở tới bằng xe gắn máy, không sẵn xe đạp để sau đó có thể theo nhóm tới động.
Thế là cả bọn cùng với huấn luyện viên thong
dong đạp tới động.
Báo chí Thái sau đó đã tìm cách mô tả từng cầu thủ của đội banh tí hon đó:
người nào giữ phận vụ nào, điểm yếu điểm mạnh của từng cầu thủ, tên lóng của
chúng. Từ những thông tin góp nhặt đó, ta có thể phác họa lên toàn cảnh của đội
banh đã làm cho một nửa thế giới phải chú í đến như sau.
Ekkarat Wongsookchan, 14 tuổi, biệt danh Biêu,
thủ môn, người không bao giờ phàn nàn chuyện phải một mình thu góp dụng cụ của
cả đội sau mỗi buổi tập dượt.
Panumas Saengdee, 13, biệt danh Mích, hậu vệ, nổi tiếng về luyện tập cơ bắp
và có những cú đội đầu đẹp.Duangpetch Promthep, 13, biệt danh Đôm, tiền đạo và là thủ quân của đội „Heo Rừng“, đá giỏi, đến nỗi đã được mấy đội hạng trên ngấp nghé.
Chanin Wiboonrungrueng, 11, biệt danh Ti-tan,
tiền đạo, trẻ nhất trong đội, đã được nhận vào từ ba năm nay.
Bên cạnh Đun, Biêu, Mích, Đôm và Ti-tan còn có
sáu heo rừng khác, mà cha mẹ người Thái vẫn thường hay gọi con cái bằng biệt
danh, đó là Mạc, Ních, Nốt, Ti, Tlê và Nai.
Và cuối cùng là Ekaphol Chantawong, 25 tuổi,
vẫn được gọi là anh Ếch, huấn luyện viên. Không ai biết, số phận của anh sau
thảm kịch này rồi ra sao. Khi Ếch còn ngồi trong động với lũ heo rừng, có người
đã yêu cầu đưa anh ra tòa, vì theo họ, anh đã không làm tròn bổn phận. Nhưng
không biết yêu sách đó có đúng không.
Khi tới hang động, các heo rừng vứt xe đạp
trước miệng cửa. Có một tấm biển nhỏ cảnh báo: không được vào động vào mùa mưa.
Nhưng biển đề: cấm „từ tháng Bảy tới tháng Mười một“. Lúc này hãy còn tháng
Sáu.
Ếch và đám Heo Rừng theo nhau vào động.
Anh Sakda Srisakul cho hay, động này vốn là nơi
giải trí phiêu lưu cho các trẻ quanh vùng. Để chúng leo, chạy, la, hú, diễn trò
bạo phổi với nhau. „Trong khi các trẻ nhà giàu tới vui chơi ở các công viên
giải trí trong thành phố, thì các trẻ nhà nghèo tới Tham Luang.“
Sakda Srisakul là một nhà thể thao trên dưới 45
tuổi; ông có chút tiền nhờ buôn bán các loại áo cầu thủ túc cầu hàng nhái - của
Real Madrid, của Juventus Turin, của Manchester United. Giờ đây ông là người
quản lí sân banh, nơi đám heo rừng tới tập dượt. Ông ngồi dưới một mái tôn
nhựa, trời mưa như trút. Srisakul cho hay, quái lạ không hiểu sao mùa mưa lại
tới sớm như vầy.
Sau lưng Srisakul, trên sân cỏ, đang diễn ra
một trận đấu. Một số thanh niên từ Miến-điện chân trần và áo quần sờn mòn, mỗi
bên sáu người đang quần nhau trên sân. Họ băng qua biên giới gần đó sang đây
chơi, vì bên họ không có sân thích hợp. Srisakul cho họ mượn sân với một ít
tiền còm. Ông cho hay, những người Miến kia còn nghèo hơn tất cả mọi người
khác. Và cũng theo ông, đa số các cậu heo rừng đều thuộc giới hạ lưu, nhiều cha
mẹ không mua nổi áo cầu thủ và giày đá bóng cho con.
Vài năm trước đây, khi thành lập đội, tụi nhỏ
rất mừng vì đã có thể cùng nhau trở thành một đội đúng nghĩa. Sở dĩ có được như
thế là nhờ một ông bán thịt lợn sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho chúng. Và khi cần
phải đặt một cái tên cho đội, ông bán thịt đã đề nghị tên „Heo Rừng“. Tên đó
cũng vừa một công hai chuyện cho nghề của ông.
Tụi trẻ chẳng quan tâm gì tới cái tên. Điều
chính là đá banh. Sakda Srisakul còn nhớ một một trận của Heo Rừng, trận chung
kết của một cuộc thi đấu. Đội thắng sẽ được mời lên Bangkok dự giải toàn quốc. Adul và đồng bọn
nhất quyết phải làm sao để được lên thủ đô. Nhưng mới hiệp đầu chúng đã thua
6:2; không thể nào còn xoay ngược được tình thế, vậy mà „bọn trẻ đã cố gắng
chạy cho đến đứt hơi. Chúng không đầu hàng“. Điều đó làm Srisakul vô cùng cảm
động.
Srisakul biết rành mạch phía trong động Tham Luang. Lúc còn nhỏ, ông thường
vào trong đó. Theo ông, đó là một hang động vô cùng quyến rũ, với những phòng rộng
mênh mông và những ngõ ngách chằng chịt. Hoàn toàn cách biệt với thế giới bên
ngoài. Nhưng có một nguy hiểm trong đó: ở trong hang không nghe được tiếng mưa
rơi. Cũng không nghe được tiếng nước mưa như thác gầm từ trên các vách đá cheo
leo đổ xuống. Srisakul còn cho biết thêm một điều nữa. Một khi nước đã vào hang động, nó tràn ngập các lối đi và căn phòng nhanh như chớp mắt.
Chiều tối ngày 23 cha mẹ của bọn trẻ bắt đầu tỏ
ra lo lắng. Họ hoảng hốt gọi điện hỏi nhau. Chẳng bao lâu có ai đó gọi hỏi Songpol
Kanthawong, thằng bé không có xe đạp, vì được mẹ chở tới. Songpol cho hay, cả
đội đi chơi ở hang động.
Nhưng không ai nhìn thấy bọn chúng ở đó, chỉ
thấy 13 chiếc xe đạp vứt ngoài cửa hang. Hang động ngập nước. Hẳn là chúng cả
đám đang ở đâu trong đó.
Và chuyện gì xẩy ra ở Mae Sai, giờ đây sẽ đời
đời đi vào sử sách của Thái-lan và Hollywood
sẽ chuyển thành phim. Một chiến dịch đi tìm và giải cứu bắt đầu, vượt ra ngoài
mọi mức độ tưởng tượng.
Từ khắp nơi trên thế giới người người đổ về. Bộ
Chỉ Huy Thái Bình Dương của Hoa-kì gởi lính tới, Nhật gởi các chuyên viên thoát
hiểm, Úc gởi y sĩ và huấn luyện viên Jürgen Klopp ở Anh phòng ra một thông điệp
truyền hình. Từ Anh các thợ lặn hang động bay tới, từ Trung-quốc các chuyên
viên cấp cứu leo núi. Các chuyên viên từ Miến-điện, Lào, Nga, Ukrain, Do-thái
và Phần-lan đổ về nơi xẩy ra tai họa. Từ Đức, một chuyên viên dạy lặn đáp lời
mời của một tổ chứ lên đường.
Ngay trong nội địa thái-lan cũng không thiếu sự
sẵn sàng cứu giúp. Các thợ lặn của biệt đội người nhái (Navy Seals) lên đường.
Dân chúng quanh vùng cố gắng đóng góp tất cả những gì họ có thể: người giúp một
tay đấm bóp, kẻ hớt tóc, kẻ mang đồ ăn. Một thầy cúng giết gà, để đầu con gà
cùng với mấy đồng tiền kẽm bên cạnh nắm gạo và nhúm thuốc lá trên một cái dĩa
đặt trên bàn thờ dựng gần bên cửa động.
Fongjian Jirasit tới động vào ngày thứ ba, lúc chiến dịch giải cứu vừa mới
bắt đầu. Cô là một kĩ sư chuyên về xây dựng cao ốc; cô theo dõi truyền hình
chuyện các em gặp nạn và nắn óc xem mình có thể đóng góp được gì. Và cô đã có
một í nghĩ.
Cô gọi các đồng nghiệp và bạn hữu tới, những
người có thể cùng nhau lập thành một đội công tác. Rồi đóng cửa phòng làm việc
của mình tại Đại Học Chiang Mai, lên đường tới Mae Sai.
Fongjian Jirasit, 42 tuổi, mang theo mình một
máy điện toán xách tay và trình làng một đồ hình sống động về động Tham Luang.
Đội của cô đã nhờ một tay leo núi thông thạo mọi ngõ ngách trong động, ngoải ra
còn sử dụng các hình chụp của máy bay không người lái và nhờ các tính toán của
máy tính, để lập nên bản đồ này. Cô cho hay, „Ngay từ đầu chiến dịch giải cứu
chẳng có một bản đồ tốt nào cả“. Đồ hình ba chiều của cô cho thấy toàn cảnh
ngọn núi và mọi ngõ ngách trong động, chằng chịt nhau tới đến mười cây số bên
trong.
Các bản đồ của Jirasit là một trong những nguồn
định hướng quan trọng cho những nhân viên giải cứu, giúp họ biết ở đâu có những
lỗ thông hơi xuyên khối đá, biết chiều sâu và độ dài của những ngõ ngách. Có
một chỗ trong hang hẹp tới độ một người lớn phải bò mới chui qua nổi. Những chỗ
khác lên thác xuống ghềnh phải leo lên hoặc leo xuống những mỏm đá nhọn. „Hệ
thống hang bên trong có độ chênh lệch cao thấp nhau tới 600 mét… Các đường hang
nằm dưới độ cao cửa miệng trung bình 800 mét.“ Jirasit cho biết như thế. Như
vậy không thể nào dùng dụng cụ kĩ thuật từ ngoài liên lạc được với các
em. Sóng không thể xuyên tới chỗ các em.
Dù có sơ đồ tốt, những nhà giải cứu đã không thể tiến xa được trong những
ngày đầu. Thợ lặn gặp phải những trở ngại khủng khiếp. Quá tối và nước đục như
phải lặn trong cà-phê sữa. Và những luồng nước làm cho việc lặn không dễ dàng
một tí nào.
Fongjian Jirasit nghiên cứu các luồng nước và
chẳng bao lâu rơi vào bế tắc, bởi vì một hang động như thế này là một hệ thống
địa chất và thủy đạo phức tạp. Hẳn là ở đâu đó có các khối nước bị dồn lại làm
tăng áp suất, tạo ảnh hưởng lên dòng chảy của nước ở những nơi khác. Giữa tình
thế căng thẳng đó, cô kĩ sư hiểu ra, bên cạnh các lối vào đã biết hẳn phải có
những lối vào và các chỗ trũng chứa nước khác ở trong núi phía bên trên hang
động, từ đó nước chảy ra. Nếu tìm ra được những chỗ này, có thể hút nước ra
khỏi động.
Người ta toả ra từng nhóm đi tìm, tìm cách băng
xuyên hết ngõ ngách rậm rạp của cả vùng núi. Cả Fongjian Jirasit cũng đi theo.
Và họ đã tìm thấy những khu chứa nước cách nhau hàng cây số, ẩn khuất trong
rừng. Ngay lập tức Jirasit cho đưa những máy bơm cao áp tới. Rốt cuộc có tới
hơm 100 triệu lí nước đã được bơm đi. Nhưng bơm đi đâu? Các nông dân quanh vùng
đã đồng í hi sinh mùa màng của mình; họ cho phép xả nước ngập tràn các ruộng
lúa và hoa màu của họ.
Lượng nước giảm, sức ép các luồng nước trong
động cũng giảm. Ngày 2 tháng Bảy hai thợ lặn thuộc Uỷ Ban Giải Cứu Hang Động
của Anh-quốc tiến sâu đến bốn cây số vào động; họ men theo một sợi dây, muốn
vào tiếp, nhưng hết dây. Cả hai ngoi lên mặt nước. Và họ bỗng thấy những thứ gì
đó long lanh: con mắt của các em.
Cuộc tìm kiếm được tổ chức thật công phu. Nhưng cái giây phút quyết định này
lại hoàn toàn chỉ là một may mắn.
Khi thấy thợ lặn trồi lên mặt nước, đám heo
rừng ngỡ là những người đi thám hiểm hang động. Chúng đã chẳng biết là ngoài
kia cả thế giới đang lo lắng dõi theo số phận của chúng.
Adul chính là người lúc này trao đổi với hai người Anh, vì trong đám chẳng
có ai ngoài em biết tiếng.Một trong hai thợ lặn hỏi, cả đám có bao nhiêu người tất cả: „How many are you?“
„Thirteen“, Adul trả lời.
„Thirteen?“
„Yeah, thirteen.“
„Brilliant.“
Tất cả 13 mạng. Như vậy là tất thảy còn sống.
Rồi Adul cho hai thợ lặn hay, là chúng đói lắm,
và em hỏi họ, hôm nay là ngày thứ mấy. Những em khác không hiểu nội dung trao
đổi của bạn mình, tất cả nhao lên mỗi một tiếng mà chúng biết: „Eat, eat, eat.“
Adul quay lại cho các bạn hay, là mình đã nói với họ điều đó rồi.
Khi được hai thợ lặn báo tin cuộc khám phá của
họ, mọi người, ngay cả những chuyên viên cứu vớt dày kinh nghiệm, cũng ngạc
nhiên. Mười hai thiếu niên và một thanh niên sống sót qua chín ngày, hầu như
không có chút gì ăn, quả là một phép lạ. Làm sao chuyện không thể có được đó
lại có thể xẩy ra? Vài đâu là vai trò của anh thanh niên bị nhiều người nguyền
rủa trong phép lạ này?
Ekaphol Chantawong, biệt danh Ếch, trải qua thời thiếu niên trong một tu
viện; vì cha mẹ mất sớm nên anh được đưa vào sống với các thầy. Các nhà sư dạy
cho anh thiền. Ếch sống nhiều năm trong cảnh cô độc. Chỉ khi bà nội đau nặng,
cậu mới rời tu viện, về nhà chăm sóc bà. Cách đây mấy năm, anh đứng ra làm huấn
luyện viên cho bọn trẻ. Bọn trẻ thần phục anh.
Suốt chín ngày vô vọng trong hang, Ếch dạy cho
đám trẻ thiền. Nhờ đó chúng đã có thể dự trữ được số năng lượng quan trọng cần
thiết. Anh có mang theo một ít thức ăn, nhưng suốt chín ngày không đụng tới một
chút gì, anh dành tất cả cho bọn trẻ chia nhau. Vì thế tình trạng của anh xem
ra nguy kịch nhất.
Trong một lá thư gởi từ hang động ra cho cha mẹ
các em, anh ngỏ lời xin lỗi và hứa sẽ làm mọi cách để các em được may mắn tốt
đẹp. Các phụ huynh nhắn với anh, là đừng buồn. Không ai bực tức gì về anh cả.
Sau khi tìm được đội banh, các chuyên gia suy nghĩ tìm cách để đưa chúng ra.
Trời vẫn mưa, mưa, mưa, thời tiết làm cho cuộc giải cứu không thể nào tiến hành
nhanh được. Thêm nữa, các em quá yếu, không có nổi sức để thoát được đoạn đường
dài cam go, dù với sự trợ giúp của thợ lặn.
Người ta trao đổi về phương cách giải cứu. Một
đề nghị bảo, cứ để các em trong động, đợi cho vào thu, hết mùa mưa, mới đưa
chúng ra. Một đề nghị khác bảo, nên khoan lỗ từ trên xuyên qua đá tới chỗ các
em. Với những bản đồ của kĩ sư Fongjian Jirasit người ta có thể xác định được
vị trí đặt khoan. Nhà tỉ phú và là chủ của hãng Tesla và của một công ti dàn
khoan, Elon Musk, sẵn sàng gởi dàn khoan tới. Nhưng với máy khoan tối tân nhất
hiện nay thì người ta cũng chỉ khoan xuyên đá được tối đa 400 mét mà thôi. Hơn
nữa người ta không nắm vững cấu trúc của đá ở đây. Một đồng nghiệp của Jirasit
thử khoan một tảng đá, thì cả tảng vỡ ra.
Vậy chỉ còn khả năng thứ ba: phải dạy lặn thật
nhanh cho bọn trẻ. Rồi những thợ lặn ưu tuyển sẽ giúp các em thoát ra. Đây là
giải pháp được nhiều người hỗ trợ nhất. Cho tới ngày 4 tháng Bảy.
Không lâu trước khi mất vào ngày này Saman Gunan – người thợ lặn duy nhất
phải bỏ mình trong chiến dịch này – còn phát ra tín hiệu hi vọng cho thế giới.
Gunan dùng điện thoại cầm tay của mình quây một đoạn phim ngắn. Trong đó cho
thấy anh đang đứng trên phi đạo và đàng sau anh là chiếc máy bay sẽ đưa anh tới
động, ở đó anh sẽ thực hiện chuyện phi thường.Saman Gunan nói vào máy quay phim: „Tôi đang chờ bước lên máy bay, để tới hỗ trợ sứ vụ. Tôi được các bác sĩ của Hải Quân và thợ lặn của Sea World đồng hành và được Sea World cung cấp đầy đủ dụng cụ lặn. Chúng ta sẽ gặp nhau vào chiều tối nay.“ Và rồi thêm: „Chúng ta sẽ mang các em về nhà.“
Gunan phục vụ lâu năm trong biệt đội người nhái
(Navy Seals) của hải quân Thái-lan. Anh là một thợ lặn có tài, một lực sĩ dự
thi ba môn phối hợp, yêu và thích tim phiêu lưu. Mười hai năm trước anh bỏ biệt
đội người nhái, để tới Bangkok
làm việc trong phi trường. Nhưng anh vẫn giữ liên lạc với các bạn mình. Nhờ đó,
qua một bữa trò chuyện trong mạng, anh biết được câu truyện và hiểu ngay ra lời
nhắn ngắn ngủi: „See you again in Chiang Mai.“ Saman Gunan thu xếp đồ đạc lên
đường.
Để đưa bọn trẻ ra, theo kế hoạch của anh, cần phải đặt những bình khí dọc
theo lối vào. Bởi vì cần tới năm tiếng đồng hồ để tới được chỗ bọn trẻ và sáu
tiếng để ra lại – đó là đối với những thợ lặn chuyên nghiệp. Vừa vào và ra phải
lặn tới 1000 mét. Do đó phải cần dưỡng khí dự trữ.
Saman Gunam đặt các bình khí tại những chỗ đã
định. Nhưng trên đường ra anh bị bất tỉnh dưới nước. Về sau người ta bảo, là vì
anh đã quá lâu rồi không lặn. Mà cũng có thể là vì anh đâm hoảng.
Một người bạn kéo xác anh ra khỏi khối nước bùn
đục.
Tin về cái chết của anh làm hoang mang những người khác. Họ tự hỏi: Một thợ
lặn chuyên nghiệp như thế mà còn không sống sót ra khỏi hang, thì làm sao mà
bọn trẻ thiếu kinh nghiệm và không biết bơi ra được? Có cách nào khác không?Không, chẳng còn thời gian nữa. Lượng dưỡng khí nơi phòng giam các heo rừng đã từ 21% xuống còn 15%, các em có cơ nguy sẽ chết ngạt. Và dự báo thời tiết cho biết sẽ có mưa lớn. Vị chỉ huy Navy Seals nói trước ống kính: „Chúng tôi tưởng có thể để các em ở lại trong đó một thời gian dài. Nhưng lúc này nhiều chuyện đã thay đổi. Chúng tôi chỉ còn một lượng thời gian có hạn.“
Narongsak Osottanakorn đeo kính, bận áo và khăn
quàng cổ màu vàng, làm mọi người ngạc nhiên, khi cho biết: „Hôm nay là Ngày D.
Chúng ta giờ đây sẽ mang các đứa trẻ ra khỏi động.“
Thiên hạ xầm xì: Những đám mây mới đang vần vũ, mình không thể thắng nổi
thiên nhiên đâu. Ông tỉnh trưởng trả lời: Mức nước hiện đang rất thấp, ta không
có cơ hội nào tốt hơn lúc này. Thợ lặn đã lên đường, các trực thăng đã sẵn
sàng, các bệnh viện cũng đã được thông báo chuẩn bị. Trong mấy ngày qua chúng
ta đã chuẩn bị tinh thần cho các em. „Cả các em cũng sẵn sàng chấp nhận mọi cơ
nguy.“
Các em sẽ được đưa ra theo từng nhóm tiếp theo
nhau, những em mạnh khoẻ nhất ra trước, có một yếu tố tâm lí: Bước đầu mà trót
lọt, thì người cứu và kẻ được cứu sẽ lên tinh thần. Hơn nữa, chuyến đầu sẽ là
cơ hội để thẩm định những khó khăn có thể xẩy ra, hầu có thể mang các em yếu
hơn ra tiếp. Nhóm cứu cấp gồm 90 thợ lặn, 40 Navy Seals và 50 chuyên gia ngoại
quốc.
Các em sẽ được uống thuốc an thần, để khỏi hoảng sợ. Cứ hai người một sẽ đưa
một em lần theo sợi dây thép suốt lộ trình, lặn lội qua nước, bùn, bóng tối –
cho đến khi gặp ánh sáng cuối đường. Giải thoát.Các em sẽ được trực thăng chở tới bệnh viện, ở lại đó một thời gian để đề phòng khả năng bị nhiễm trùng. Hi vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
Chiều chủ nhật bỗng nhiên một trực thăng cất
cánh rời vùng núi và trực chỉ Chiang Rai. Còi hụ của các xe cứu thương vang
vang. Những người hiếu kì hai bên đường hướng mắt về phía núi; mọi người quen
biết hay không đều oà chung nỗi vui mừng. Sau một lúc, chiếc trực thăng thứ hai
cất cánh, rồi sau đó thêm một chiếc nữa. Chiều tối ông Tỉnh Trưởng cho hay, bốn
em đầu đã được cứu thoát. Nước trong hang đã được bơm cạn tới nỗi, các em đã có
thể đi bộ đa phần quảng đường trong hang.
Ngày hôm sau, thứ hai, trôi đi với một sự yên
ắng đầy căng thẳng nơi địa điểm du lịch này, nơi toán Navy Seals nghỉ qua đêm.
Dưới chân núi, một con suối lượn lặng lờ quanh những ngôi nhà nghỉ. Những bộ đồ
lặn được treo trên các dây phơi; đó đây một vài thợ lặn ngồi mơ màng trước sân
nhà. Họ đang tích tụ sinh lực cho chuyến giải cứu tiếp. Các bạn của họ đã lên
đường; họ đã bắt đầu chuyến giải cứu bốn em thứ hai. Khoảng năm giờ chiều, một
trực thăng lại xuất hiện trên bầu trời.
Một thợ lặn trong cuộc nói với các kí giả, anh
không thể nào tưởng tượng được mức độ gan dạ của các em. Lặn trong một môi
trường tối đen và vô cùng nguy hiểm, đó là điều không một em nào trước đó dám
nghĩ tới. Chiều tối thứ ba, trước khi viết xong bài phóng sự này, bốn em còn
lại và anh huấn luyện viên đã được giải cứu.
Trong bản Wiang Phan người ta đang chuẩn bị một cuộc đón tiếp Adul. Sẽ có
hát, nhảy và cơm gà. Shin Maung, vị linh mục coi xứ, dĩ nhiên cho bà con sử
dụng nhà thờ của mình cho cuộc đón tiếp đó. Có một huyền thoại về cái hang động này, mà mọi người trong vùng đều biết: Thủa đó có một cô công chúa phải lòng người dạy cho cô cưỡi ngựa. Vua cha tức giận trước í định của con gái mình. Nhưng Công Chúa không tuân theo lời cha, và đôi uyên ương trẻ đã đưa nhau vào động Tham Luang để trốn cơn thịnh nộ của vua cha. Một hôm anh chồng vừa rời chỗ trú ẩn một lúc, để đi lấy cơm, thì anh bị lính canh nhà vua bắt được và giết. Rồi quân lính chạy vào hang, báo cho Công Chúa hay, người yêu của cô đã bị giết. Công Chúa liền rút cái trâm cài tóc trên đầu chọc vào màng tang mình.
Người ta kể, từ đó hang động này bị chúc dữ. Hồn của Công Chúa tới nay vẫn lảng vảng nơi núi này và hồn cô luôn đòi hỏi những tế vật mới.
Cả nhà sư Pra Boonchum cũng biết hồn ma cô Công Chúa. Khi hay tin những đứa trẻ bị kẹt trong động, ông lên đường đi tới đó. Pra Boonchum muốn cứu đám trẻ, vì ông rất rành hang động này. Ông đã sống suốt tám năm trong một ngõ ngách của động. Ông đã sống ở đó, để đi tìm cái ngộ tối hậu. Đường tu của ông đã tiến xa. Cứ hai tuần một người ta chỉ cần mang tới cho ông chút nước uống và một giỏ trái cây, ông chẳng cần gì hơn.
Pro Booncham là vị sư nổi tiếng trên toàn nước
Thái. Khi ông tới hang động này cách đây hai tuần, lúc đó người ta đang hoang
mang, chưa biết được dấu vết bọn trẻ ở đâu. Công cuộc tim kiếm vừa mới bắt đầu
được vài ngày. Cuộc tìm kiếm càng lúc càng nản chí, hi vọng cứu sống các em heo
hắt theo từng giờ.
Dân trong vùng tin là Công Chúa đã bắt giữ các em. Nhà sư Boonchum cũng tin
như vậy. Ông tới gặp những người cứu và báo cho họ hay, là chẳng bao lâu nữa họ sẽ tìm ra bọn trẻ và chúng hãy còn sống. Rồi nhà sư cho biết, giờ thì ông rút lui để vào thiền. Ông muốn nói chuyện với Công Chúa. Ông cho những bà con đang thất vọng tìm kiếm hay, nếu gặp được Công Chúa, ông sẽ yêu cầu Cô thả các em và người huấn luyện ra.
Có lẽ lời cầu của nhà sư đã tới tai của Công Chúa.
Moritz Aisslinger. P. H-Lam dịch