ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC
PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ĐIỀN
CHỨNG NHÂN CỦA SỰ THẬT VÀ LẼ PHẢI
(1921-1988)
Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền
Kỷ niệm 20 năm ngày qua đời của vị Giám
mục Chứng nhân
08-06-1988 ** 08-06-2008
“Đã có những Giám mục bị tù vì bênh vực
quyền lợi của Hội Thánh.
Nay có Giám mục nào bị tù vì bênh vực
quyền lợi của con người chăng?”
(Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, năm 1971)
*********
MỤC LỤC
Lời dẫn nhập của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim Điền1- Thư Chung gởi Tổng giáo phận Huế ngày 01-04-19752- Lời phát biểu ngày 09-04-1975 trong lễ ra mắt của UB Mặt trận Dân tộc Giải phóng tp Huế.
3-
Lời phát biểu ngày 28-02-1976 về vụ Vinh Sơn, xảy ra tại quận 10, Tp Sài Gòn
4-
Lời phát biểu ngày 15-04-1977 nhân vụ 6 vị sư PGVNTN tại Sài Gòn bị bắt tù
5-
Lời phát biểu ngày 22-04-1977 tại trụ sở UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
BTT,
6-
Thư gửi Mặt trận TQVN tỉnh Bình Trị Thiên ngày 27-10-1977 (phúc đáp Nhận định
của Mặt trận TQVN Tp HCM ngày 06-08-1977).
7-
Văn thư khẳng định quyền tự do điều hành chủng viện và đào tạo Linh mục ngày
17-05-1979 (phúc đáp Quyết định của chính quyền ngày 16-03-1979)
8-
Văn Thư khẳng định về Tiểu chủng viện Hoan Thiện ngày
15-12-1979 (phúc đáp Quyết định của chính quyền ngày 13-12-1979)
9- Thư gửi Linh mục Nguyễn Thế Vịnh, chủ tịch UBLL Công giáo toàn quốc ngày 19-10-1983.
10-
Thư gởi ban Việt ngữ đài phát thanh Vatican và Veritas ngày 19-03-1984
11-
Kinh cầu cho Đức Giám mục Giáo phận (không ghi ngày) XXXXXX
12- Thư gửi ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Quốc Hội CSVN ngày 11-04-1984.13- Thư Chung gởi Tổng giáo phận Huế ngày 17-10-1984
14-
Thư gởi ban Việt ngữ đài phát thanh Vatican và Veritas ngày 24-10-1984
15-
Thư gởi ban Việt ngữ đài phát thanh Vatican và Veritas ngày 10-05-1985
16-
Thư gởi ban Việt ngữ đài phát thanh Vatican và Veritas ngày 20-05-1985
17- Thư Chung gởi Tổng giáo phận Huế ngày 19-10-1985
18-
Thư gửi UBND dân tỉnh Bình Trị Thiên ngày 03-07-1986 về vụ án Nữ tu Trương
Thị Lý
19- Di chúc gởi Tổng giáo phận Huế ngày 08-11-1985
20-
Thư gởi ông Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư ĐCSVN ngày 25-3-1988.
--------------------------------------------------------
21-
Lòng người ngoại đạo (Từ Tâm, 08-06-1988)
22-
Hình ảnh người cha: Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền (Gs Nguyễn Lý Tưởng,
08-06-1998)
23-
Lời Chứng về cái chết của Đức TGM Ng. Kim Điền (Lm Tađêô Nguyễn Văn Lý,
30-01-2001)
24-
“Tinh thần Philipphê” hay lời tâm sự với Đức Cố TGM (Lm Phêrô Phan Văn Lợi,
03-06-2002)
25- Vị Giám Mục uy dũng: Cố Tổng Giám Mục Nguyễn
Kim Điền (Nguyễn An Quý, 08-06-2003)
26- Tưởng niệm Đức TGM Nguyễn Kim Điền (Hòa Ái,
08-06-2003)
27- Đức Tổng Giám mục Philipphê
Nguyễn Kim Điền (Lê Thiên, 4-2005)
28- Con đường đối thoại của
Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền (Đỗ Mạnh Tri, 29-04-2005).
29- Tổng GM Nguyễn Kim Điền,
một niềm tin sắt son không dời đổi (Trần Phong Vũ, 04-2005)
30- 1975-1988: Giai đoạn Đức
TGM Phil. Nguyễn Kim Điền (Lm P. Phan Văn Lợi 18-07-2005)
31- Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền, người
Tiểu đệ khó nghèo (Thi Chương, 13-11-2005)
32- Nhớ lại lúc được tin Cố TGM Nguyễn Kim Điền
chết (Nguyễn An Quý, 08-06-2006)
33- Lòng dũng cảm của Đức Tổng Giám Mục
Philipphê (Lm Augustinô Hồ Văn Quý, 06-2007)
34- Trên cánh đồng vàng (Hoàng Chinh Nguyên,
08-06-2008)
**********************
Lời dẫn nhập của Nhóm Linh mục Nguyễn Kim ĐiềnThấm thoát đã 20 năm trôi qua kể từ ngày Đức Tổng Giám mục Philipphê Nguyễn Kim Điền từ giã thế gian để đi về cùng Thiên Chúa, từ giã Tổng giáo phận Huế thân yêu trong tư cách một chủ chăn để đi vào lịch sử Giáo hội và lịch sử Dân tộc như một chứng nhân cho sự thật và lẽ phải.
Từ chứng, sinh chứng và tuẫn chứng của ngài đã lưu lại
mãi mãi giữa chúng ta, đúc kết qua câu nói thời danh ngài từng phát biểu tại
Thượng hội đồng Giám mục thế giới bàn về Công lý trên thế giới ngày
19-10-1971: “Jam sunt Episcopi qui incarcerantur propter defensionem jurium
Ecclesiae. Eruntne incarcerati propter defensionem jurium hominum?” (Đã có
những Giám mục bị tù vì bênh vực quyền lợi của Hội Thánh. Nay có Giám mục nào
bị tù vì bênh vực quyền lợi của con người chăng?). Một câu nói mà có lần
được hỏi sau năm 1975 rằng: “Đức Cha có nghĩ là sẽ có ngày chính mình phải
thực hiện nó không?”, thì Ngài đã trả lời: “Nếu Chúa thương cho mình phải
thực hành lời đó thì có hạnh phúc nào bằng! Xin cầu cho tôi được như vậy!” (Thư
gởi đài Vatican ngày 19-03-1984). Và quả là ngài đã được như ý nguyện!
Cái gì đã đưa Đức TGM Philipphê đến một số phận vừa
đau thương nghiệt ngã, vừa cao cả vinh quang như thế, khác hẳn hầu hết các
đồng liêu của ngài kể từ 1975 đến hôm nay?
Đó là cả một quá trình dài mà chúng ta có thể khám phá
ra các giai đoạn qua các bản văn ngài để lại, kể từ Thư Chung gửi Tổng Giáo
phận Huế ngày 01-04-1975 đến Thư gởi Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Văn Linh ngày
25-3-1988, 3 tháng trước khi lìa đời. Khởi từ một thái độ hết sức chân thành, cởi mở, thiện chí, sẵn sàng cộng
tác với chế độ mới (bằng cách thiết tha kêu gọi Linh mục, tu sĩ, giáo dân
trong Giáo phận mình dẹp bỏ mọi thành kiến, mọi úy kỵ đối với nhà cầm quyền
“cách mạng” và dấn thân để cùng nhau xây dựng lại quê hương sau những năm dài
chinh chiến), Đức TGM đã dần dần chuyển qua một nỗi thất vọng não nề và một
thái độ cương quyết độc lập theo nguyên tắc Đức Gioan-Phaolô II đã mách cho
(Collaborer en résistant = cộng tác trong khi đề kháng, vừa cộng tác vừa đề
kháng, cộng tác bằng cách đề kháng) chỉ sau hai năm thôi, lúc CSVN đã lột mặt
nạ, hiện nguyên hình là một chế độ toàn trị độc tài, đè bẹp tiếng nói của tôn
giáo và nhất là muốn công cụ hóa các Giáo hội. Đang khi mọi người nơm nớp
nhất trí, nói theo, dù một chút thắc mắc cũng không dám bày tỏ, thì Đức TGM
đã ung dung, nhẹ nhàng nêu lên tiếng nói của lương tri, của lẽ phải, của sự
thật, của Tin Mừng. Đang khi hầu hết các đồng liêu không hay chưa thấy rõ mối
nguy của một tổ chức lũng đoạn, phân hóa Giáo hội do CS dàn dựng là Ủy ban
Đoàn kết Công giáo, thì Đức TGM đã cương quyết không chấp nhận sự hiện hữu
của nó trong Giáo phận ngài. Ngoài ra, ngài cũng lên tiếng khẳng định quyền
độc hữu của Giáo hội trong việc tổ chức chủng viện, đào tạo chủng sinh, tấn
phong và bổ nhiệm linh mục. Đây không chỉ là việc bênh vực cho quyền lợi và
tự do của tôn giáo, của Giáo hội, mà còn là bênh vực cho quyền lợi và tự do
của công dân, của con người.
Thái độ này trước quyền lực chuyên chế đương nhiên là
phải trả giá. Vị Mục tử bị tách biệt khỏi đoàn chiên. Vị Bản quyền bị ngăn
cách khỏi các cộng sự. Vị Đại diện Giáo hội địa phương bị cấm cản gặp Lãnh
đạo Công giáo hoàn vũ. Và đòn thù cuối cùng là vị Chứng nhân phải bị bịt
miệng vĩnh viễn trên cõi đời này bằng một cuộc thủ tiêu hèn hạ trong bệnh
viện. Thế nhưng -Cộng sản không ngờ- cái chết tử đạo đó đã làm cho lời nói và
cuộc sống của Đức TGM càng thêm ngời sáng, hữu hiệu, trường tồn vĩnh viễn.
Vị Giám mục Công giáo nay vừa trở nên Chứng nhân của
Thiên Chúa và Con yêu của Giáo Hội, vừa trở nên Chiến sĩ của Nhân quyền và
Anh hùng của Dân tộc, những tước hiệu mà hầu hết mọi lãnh đạo tinh thần đúng
nghĩa trong các chế độ độc tài, nhất là độc tài CS, đều đã giành được.
Kỷ niệm 20 năm cuộc ra đi của Đức Cha Nguyễn Kim Điền,
chúng tôi muốn gởi đến Quý vị những bản văn tiêu biểu nói lên tinh thần của
vị Giám mục uy dũng cũng như những bài viết của nhiều tác giả đã lột tả được
tinh thần này, với lòng mong ước tinh thần đó sẽ thấm nhập mọi tín hữu Công
giáo Việt Nam hôm nay, dù thuộc đấng bậc nào, để tất cả thể hiện lời Đức
Phaolô VI đã nhắn nhủ: “Làm Kitô hữu trong thời đại này (đặc biệt trong chế
độ CS vô thần độc tài) mà không chịu gian khổ thì không thể thành Kitô hữu
đích thực”.
Nhóm Linh
mục Nguyễn Kim Điền
Tập sách được chia làm hai
phần, và các bản văn được sắp xếp theo thứ tự thời gian. Chúng tôi xin đặc
biệt cảm ơn Giáo sư Đỗ Mạnh Tri, Pháp, đã cung cấp cho nhiều tài liệu quý
giá.
**********************
1- Thư chung gởi Tổng Giáo phận Huế ngày 01-04-1975
Kính thưa các linh mục, tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em tín hữu thân mến,
Chiến tranh đã
chấm dứt trên giáo phận Huế. Đó là điều chúng ta mong ước và cầu nguyện từ 30
năm nay.
Thời gian sống
trong hãi hùng lo âu qua rồi. Thời gian đồng bào chúng ta nghi kỵ, chia rẽ,
thù hận nhau, có khi đến chém giết nhau đã qua rồi. Chúng ta hãy cùng nhau
cảm tạ Thiên Chúa về hồng ân quý giá này. Chúng ta hãy ghi ân tất cả những ai
đã hy sinh để có được những ngày an bình hiện nay. Chúng ta cầu xin Thiên
Chúa cho cảnh thanh bình nầy còn mãi trên quê hương chúng ta !
Giờ đây đã đến lúc
chúng ta hoan hỷ sẵn sàng và hăng say cộng tác với mọi người thiện chí, dưới
sự chỉ đạo của Chính phủ Cách mạng để xây dựng lại quê hương sau bao đổ vỡ
tang tóc, hầu đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào ruột thịt.
Hơn bao giờ hết,
đây là lúc chúng ta cần đoàn kết, yêu thương và phục vụ người khác, giúp đỡ
và chia sẻ cơm áo với đồng bào ; không phải chỉ chia sớt những gì mình
dư thừa, mà còn trao nhường những gì mình chỉ có vừa đủ, theo tinh thần bác
ái của Chúa Giêsu mà mọi người thiệ chí và mọi chính quyền trên thế giới
quyết tâm thực thi mỗi ngày mỗi hoàn hảo hơn. “Này là lệnh truyền của
Ta : các con hãy thương yêu nhau, như Ta đã yêu thương các con” (Gioan 15,12).
Vì yêu chúng ta, Chúa đã chết cho chúng ta, thì còn gì mà chúng ta không làm
được để tỏ lòng yêu mến nhau ?
Giờ đây, chúng ta
hãy khoan dung, tha thứ mọi lỗi lầm, đừng nghi ngờ, thù hận ai và gây sợ hãi
cho ai. Nhưng trái lại, phải hiểu tốt, thông cảm và nhìn nhận thiện chí của
người khác, để tất cả mọi người sống thoải mái, vui tươi, hạnh phúc của những
công dân trong chế độ tự do dân chủ, thịnh vượng và hoà bình. Lý do là vì mọi
người đều là anh em có cùng một Cha trên trời (x. Matt. 23,9).
Trong mọi hoàn
cảnh, chúng ta hãy sống Phúc Âm của Chúa Giêsu cho đến tận cùng : “Con
người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và thí mạng sống mình
làm giá chuộc thay cho nhiều người” (Matt. 20,28).
Nhưng hơn hết,
chúng ta phải sống đời tâm linh, đạo đức và thánh thiện để đạt tới đời sống
vĩnh cửu, khi thân xác này trở về với cát bụi. Chúng ta phải cùng nhau xây
dựng thế giới huynh đệ đại đồng cho hôm nay, nhưng không phải dừng lại đó, mà
để nhờ đó chúng ta đạt tới đời sống huynh đệ trường cửu. Bấy giờ chúng ta mới
thật là anh em của nhau không thể chia lìa được và cùng nhau hưởng hạnh phúc
bất diệt trong Thiên Chúa.
Nguyện xin Thiên
Chúa Ba Ngôi ban mọi phúc lành cho anh chị em.
Huế ngày 01 tháng
04 năm 1975
Nguyễn
Kim Điền
Tgm giáo phận Huế
2- Lời phát biểu ngày 09-04-1975
trong lễ
ra mắt của Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng thành phố Huế
“Ở đời này, không có gì quý
hơn mạng sống con người, không có gì quý hơn độc lập tự do. Bao nhiêu mạng
sống con người được bảo tồn, nếu chiến tranh chấm dứt sớm đi một ngày. Chiến
tranh đã chấm dứt trên một phần lớn của quê hương chúng ta. Độc lập hôm nay
là một sự thực cho cố đô Huế.
Còn tự do thì Mặt
trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã long trọng bảo đảm cho toàn thể
đồng bào, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng cho đồng bào các tôn giáo.
Mạng sống của con
người, độc lập của đất nước, tự do của nhân quyền được bảo đảm, như vậy niềm
vui mừng của chúng tôi, của những người công dân công giáo Việt Nam yêu nước,
được trọn hảo.
Như vậy, đồng bào
công giáo nguyện tích cực góp phần với tất cả đồng bào ruột thịt để cùng với
Mặt trận Dân tộc Giải phóng xây dựng một xã hội đầy tình thương, tự do, dân
chủ, thịnh vượng, hoà bình, trong đó chúng tôi được chu toàn bổn phận đối với
Tổ quốc và đối với Thiên Chúa”.
3- Lời
phát biểu ngày 28 tháng 02 năm 1976
về vụ Vinh Sơn, xảy ra
tại quận 10, Thành phố
Sài Gòn
Kính thưa Quý Vị,
1/ Theo tin
tức của báo chí và đài phát thanh trong nước cho biết về vụ VINH SƠN, xảy ra
từ 19 giờ ngày 12 đến 8 giờ 30 ngày 13-02-1976, tại Quận 10, Thành phố Hồ Chí
Minh, chúng tôi rất xúc động và đau xót. Không bao giờ chúng tôi chấp nhận
một hành động phạm pháp như vậy.
2/ Ngay từ
đầu, Chánh quyền Cách mạng sáng suốt và tế nhị đã tách rời sự việc xảy ra này
với sinh hoạt tôn giáo, tránh được những hiểu lầm và hậu quả có thể do đó mà
ra. Chúng tôi chắc rằng đồng bào thân yêu cũng sáng suốt, không ai lại có thể
nghĩ vụ Vinh Sơn là chủ trương của tôn giáo.
3/ Nhân dịp
này, chúng ta lại có thêm một bằng chứng hùng biện nữa cho thấy Chánh quyền
Cách mạng đã sáng suốt chủ trương Chánh sách “Hòa hợp Dân tộc” trong việc
Thống nhất Nước nhà. Tuy nhiên, trong thực tế, ai cũng đều nhận là việc thống
nhất ý chí và tình thương giữa đồng bào với nhau là một công tác khó khăn
nhưng cấp thiết mà mỗi người chúng ta phải thực thi cho kỳ được trong lúc
này. Ý thức bổn phận trước mắt đó, đồng bào công giáo chúng tôi quyết tâm
thực hiện tốt Chánh sách “Hòa hợp Dân tộc” của Chánh quyền Cách mạng, chính
mình thực thi và động viên mọi người cùng thực thi tình ĐẠI ĐOÀN KẾT, để
chóng hoàn thành Thống nhất Tổ quốc về mọi mặt, nhất là về mặt nhân tâm.
4/ Sau
cùng, chúng tôi minh xác lại lập trường của đồng bào công giáo Thừa
Thiên-Huế-Quảng Trị chúng tôi là luôn luôn nỗ lực tối đa để phục vụ Tổ quốc
và Thiên Chúa, bằng làm thật tốt bổn phận công dân yêu Nước và bổn phận công
giáo phượng thờ Thiên Chúa. Hai bổn phận này, đối với chúng tôi, vẫn là một
không thể tách rời nhau, như không thể tách rời xác với hồn của một con người
vậy.
Chúng tôi xin hết
lời và cảm ơn Quý vị.
Huế, ngày 28 tháng 02 năm
1976
T.M. Đồng bào Công giáo
Thừa Thiên - Huế - Quảng Trị
? Ph. Nguyễn Kim Điền
Tổng Giám mục
(Phát biểu trong buổi họp mở rộng gồm các Vị Đại diện
Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Thừa Thiên-Huế, Ủy ban Mặt trận Dân
tộc Giải phóng thành phố Huế, các đoàn thể quần chúng, các Giáo hội Phật
giáo, Tin lành, Cao đài và Công giáo Thừa Thiên-Huế, tại Trụ sở UB MTDTGP
thành phố Huế, chiều ngày 28-02-1976).
4- Lời
phát biểu ngày 15 tháng 04 năm 1977
nhân vụ 6
vị sư PGVNTN tại Sài Gòn bị bắt tù
Kính thưa đoàn chủ tịch
Kính thưa các vị
đại biểu,
Tôi mới nghe biết
vụ này qua Thông báo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và sự trình
bày của ông ủy viên Mặt trận Tổ quốc (VN) tỉnh vừa rồi thôi. Tôi cũng vừa
nghe ông Trần Văn Long phát biểu và đề nghị phải có biện pháp mạnh cho vụ xảy
ra đó và phải phổ biến sâu rộng; đang khi Thượng tọa Thích Thanh Trí thì xin
Chính quyền khoan hồng cho Tội nhân và nghĩ rằng phổ biến vụ này phổ biến vụ
này như hôm nay đây có đầy đủ đại diện các giới đủ rồi.
Phần tôi không có
ý kiến. Xét xử là việc của chính quyền, xin để chính quyền định liệu.
Tôi xin chia buồn
và thông cảm với tôn giáo bạn. Vì chính tôi đã trải qua cái cảnh tượng như
vậy trong vụ Vinh sơn. Chắc chắn, không ai trong chúng ta có mặt hôm nay chấp
nhận việc làm như bản thông báo kể lại đó. Tuy nhiên, không khỏi xót xa khi
vụ đó liên can đến người cùng tôn giáo với mình. Biết ăn nói làm sao đây!
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!
Nhưng đây là một
biến cố thôi, và các biến cố tương tự có thể còn sẽ xảy ra, nếu không trừ tận
gốc. Theo thiển ý của tôi, nếu còn tựa vào tôn giáo để xách động này khác, là
vì chưa có tự do tín ngưỡng thực sự đó thôi. Thực sự, tôi chưa cảm thấy thoải
mái về tự do tín ngưỡng.
Chính quyền nhiều
lần tỏ ý muốn là nếu có chi không thỏa mãn thì nên nói ngay với cơ quan trách
nhiệm, thay vì tung tin trong quần chúng hoặc rỉ tai này nọ, thì hôm nay, hết
sức chân thành, tôi xin nói lên điều này với Mặt trận Tổ quốc tỉnh và thành.
Mong đừng ai nghĩ như vậy là phản động. Thú thật, nghe hai tiếng “phản động”
tôi ớn lắm, và cũng không biết ngày nào mình phải mang hai tiếng ấy. Tôi muốn
2 điều thôi: là tự do tín ngưỡng và bình đẳng trong quyền công dân.
* * *
Hồ chủ tịch đã nói: “Đoàn
kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Câu nói
ấy rất chí lí, rất sáng suốt.
Tuy nhiên, đoàn
kết trên cơ sở nào đây ? (ngừng giây lát) và đoàn kết bằng những nhân tố nào?
(ngừng giây lát). Theo tôi nghĩ thì chắc chắn phải đoàn kết trên cơ sở TÌNH
DÂN TỘC, và bằng những nhân tố: biết, hiểu để thông cảm nhau, thì mới có đoàn
kết.
Biết, có nhiều
cách biết. Biết khách quan hoặc biết chủ quan. Biết chủ quan thì chắc chắn là
không khoa học và cũng không thông cảm nhau được. Thú thực, chắc tôi không
dám trình bày về các tôn giáo bạn, về giáo lí, vì tôi sẽ nói không đúng, tôi
càng không dám nói về Đảng hơn nữa, vì chỉ có Đảng viên họa may mới nói đúng
về đảng của mình. Bằng chứng là ở trong nhiều cuộc họp hay học tập, tôi nghe
nói về Đạo Công giáo mà không đúng gì cả, gán cho những ý nghĩa hay mục đích
mà từ trước tới giờ, tôi chưa bao giờ nghe dạy trong đạo Công giáo. Do đó,
phải biết và biết đúng, biết khách quan. Mà chỉ có người trong cuộc mới nói
đúng việc của mình. Vậy tôi xin nói lên ý nghĩ của Công giáo về 2 điều trên
Thứ
nhất: Về Tự do tín ngưỡng
Thú thật, sau ngày
giải phóng, khi nghe Nhà nước có chính sách Tự do tín ngưỡng, là tôi hết sức
mầng, hết sức phấn khởi, như những lời phát biểu đầu tiên của tôi. Nhưng 2
năm qua rồi, tôi cảm thấy không thoải mái, vì chưa có tự do tín ngưỡng thực
sự.
Các nghi lễ bị hạn
chế, các linh mục không được đi lại phục vụ đồng bào Công giáo, như ở vùng
kinh tế mới. Một vài nhà thờ bị cấm lễ lạc hay bị chiếm cứ.
Tôi rất hoan
nghênh Nhà nước đã rất sáng suốt chủ trương Chính sách tự do tín ngưỡng. Điều
đó rất rõ ràng trong 5 Sắc lệnh và Thông tư về tôn giáo. Nhưng đó là văn bản.
Còn các khẩu lệnh (lệnh miệng thôi) thì nhiều khi trái ngược với tinh thần
văn bản. Trong trường hợp đó, xin hỏi tôi phải nghe theo ai đây? Cứ theo văn
bản hay nghe khẩu lệnh? Tôi xác tín là chính sách không sai, nhưng khẩu lệnh
lại là của nhân viên chính quyền. Chắc tôi không nên đồng hóa nhân viên làm
việc sai lệch với chính quyền.
Về Nhà thờ, các
nơi thờ phượng, thì tôi xin phép so sánh như vầy. Cái gì là quí nhất của đất
nước chúng ta hôm nay? Thiết nghĩ là các bảo tàng và lăng Hồ Chủ tịch. Các
phái đoàn bạn hữu ngoại quốc, nếu không có thì giờ đi xem các bảo tàng thì ít
ra cũng phải đến viếng lăng Hồ Chủ tịch. Giả sử ngày nào đó lăng Hồ Chủ tịch
bị chiếm, bị dùng vào một việc gì khác, thử hỏi có người Việt Nam nào chịu
như vậy không? Tôi thì không chịu được đó và cá nhân tôi sẽ xin xung phong
cùng đi giải thoát. Thì Nhà thờ của Công giáo cũng vậy, lớn nhỏ, xấu tốt gì
thì cũng là nhà đã dâng cho Thiên Chúa rồi.
Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam trong Đại hội toàn quốc họp tại Thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng hai
vừa rồi có chủ trương: “Bảo hộ Nhà chùa, Nhà thờ, Thánh thất đang dùng làm
nơi thờ cúng của các tôn giáo”.
Về các lễ nghi thờ
phượng, từ 2 năm qua, chúng tôi đã sắp xếp không làm trong giờ lao động sản
xuất. Có lẽ có người cho là thiệt hại sức khỏe, mất sức lao động, nếu thay vì
nghỉ ngơi, còn phải tham dự lễ nghi tôn giáo. Lí lẽ đó có thể đúng cho Nhà
nước khác, mà không đúng cho nước chúng ta. Bằng chứng là lính Mỹ và binh sĩ
của chế độ cũ ăn ngủ dữ lắm, đủ tiện nghi, đủ phương tiện. Nhưng chúng ta đã
thắng. Tôi được nghe ông Phó chủ tịch Tống Hoàng Nguyên đây (đang điều khiển
buổi họp này) kể lại những gian lao thiếu thốn của chiến sĩ ta ở Trường Sơn,
tôi nghe mà rướm lệ thật, nhưng những chiến sĩ này đã thắng! Thắng vì không
phải ăn no ngủ đủ, mà vì có tinh thần, có lý tưởng. Thì người cùng tôn giáo
chúng tôi cũng vậy, tinh thần chúng tôi thoải mái thì mới phục vụ đắc lực
được.
Nhưng 2 năm qua rồi, chúng
tôi cảm thấy chưa có tự do tín ngưỡng.
Thứ hai: Về bình
đẳng trong quyền công dân
Trong hai năm qua, thú
thật người Công giáo chúng tôi cảm thấy làm sao á! Ở đâu, làm gì cũng bị nghi
ngờ, chèn ép.
Học sinh ở trường
thì cứ nghe những bài chống đối Công giáo, mạ lị Công giáo. Thực thì có những
sai lầm trong các thế hệ, nhưng thiết nghĩ góp nó lại và so sánh với 2000 năm
lịch sử Công giáo, thì có thấm vào đâu với những việc tốt và đúng mà không
được nói tới. Đàng khác, thời đại nào, kỷ cương nấy. Đem một việc của thời
đại xa xưa mà phán đoán theo tầm mắt hiện giờ, thì chắc là không khoa học đó.
Trong giới công
nhân, công viên chức bệnh viện hay giáo viên, thường người Công giáo được cho
là tiên tiến, nhưng chắc rồi cũng không làm việc được, vì là Công giáo. Đi
xin làm việc, hoặc bị từ chối, hoặc gặp khó khăn trong việc làm, muốn biết
căn do, thì được rỉ tai cho biết là bỏ đạo hay đừng đi Nhà thờ nữa sẽ êm
xuôi.
Thực như lời phát
biểu của một ủy viên của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp tại
thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi đó, thì người Công giáo có cảm tưởng mình là
công dân hạng hai vậy.
Nhà nước thì chủ
trương mọi người đều bình đẳng, mọi dân tộc trong Đất nước bình đẳng. Nước
Việt Nam chúng ta có 50 triệu dân. Người Kinh 45 triệu. Gần 60 dân tộc ít
người là 5 hay hơn 5 triệu. Người công dân Công giáo tối thiểu là 3 triệu, mà
không được bình đẳng trong quyền công dân.
Trong hai năm qua,
người Công giáo trong tỉnh nhà có cố gắng nhiều, chính quyền cũng thấy đó. Về
lao động cũng không có gì chê trách. Về bầu cử hình như được cho là có kỷ
luật. Chúng tôi chỉ xin được bình đẳng trong quyền công dân thôi.
Trong thông báo về
vụ xảy ra đó của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mà chúng tôi vừa được
phát ra đây, đoạn áp chót có nói: “Ủy ban Nhân dân thành phố và các cơ quan
chính quyền các cấp phải thi hành đầy đủ chính sách tự do tín ngưỡng mà chính
phủ đã xác định. Không cho phép ai vi phạm cũng như cho phép ai lợi dụng”.
Lạm dụng, thì phần
chúng tôi quyết tâm không hề lạm dụng.
Đó là vài ý kiến
nhỏ của tôi, xin phép được góp phần với Mặt trận Tổ quốc trong việc đoàn kết.
Tôi thiết nghĩ nếu
có tự do tín ngưỡng thực sự, thì không ai tựa vào sự đàn áp tôn giáo mà làm
những gì sai trái, rồi đổ hô và xách động để bảo vệ tôn giáo được nữa, và dân
chúng không tin nữa, vì đang có tự do tín ngưỡng rồi.
Xin cám ơn các vị.
(Đây là những ý
nghĩ và thứ tự các ý nghĩ đó trong lời phát biểu đột xuất của tôi, trong buổi
họp ngày 15-04-1977, do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên và
thành phố Huế tổ chức, để thông báo về vụ chính quyền bắt giữ 6 vị Sư Phật
giáo Việt Nam Thống nhất, hệ phái Ấn Quang. Bài ghi lại này được tôi viết ra
ngày 19-04-1977. Có thể là khi phát biểu đột xuất, câu văn và nhiều từ không
được “nguyên văn” như trong bài ghi lại. Nhưng tôi cam đoan về ý nghĩ và thứ
tự các ý nghĩ thì trung thực).
Thành Phố Huế,
ngày 19 tháng 04 năm 1977.
(đã ký tên)
? Philipphê Nguyễn Kim Điền
Tổng Giám Mục Huế
5- Lời
phát biểu ngày 22 tháng 04 năm 1977
dịp tọa
đàm bản dự thảo “Đề cương báo cáo của Ban Chấp hành đảng bộ Đảng CSVN tỉnh Bình
Trị Thiên” cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần I (vòng 2)
tại trụ sở Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh BTT,
có mặt các Đại diện tôn
giáo, nhân sĩ và trí thức tại thành phố Huế
Kính thưa Chủ tịch đoàn
Kính thưa các vị
Đại biểu
Ông Chủ tịch điều
khiển cuộc họp vừa bảo bỏ đi những lời mào đầu, mà nói lên ngay đề tài phát
biểu, để tiết kiệm thì giờ.
Vậy tôi xin nói
liền lời cảm ơn Ban tổ chức đã cho tôi vinh dự được tham gia đóng góp ý kiến
vào bản Dự thảo Đề cương Báo cáo của Đảng bộ tỉnh, một việc làm có tính cách
mới mẻ và cởi mở, vì Đảng và tôn giáo thường không đi chung với nhau (Cử tọa
đột xuất vỗ tay).
Trước hết tôi xin
hoan nghênh “tinh thần” của bản Dự thảo Đề cương này. Tôi nói “tinh thần”, vì
cách làm việc tập thể, có sự đóng góp trí tuệ của nhiều người; vì biết lưu ý
đến từng giới, từng ngành, từng việc nữa; nhất là vì chân thành, khiêm tốn và
can đảm nhìn nhận không những ưu điểm mà khuyết điểm nữa. Theo tinh thần đó,
thì hy vọng hay chắc chắn bản “Đề cương” sẽ được một NỘI DUNG hoàn hảo, phong
phú hơn, nhờ những đóng góp tích cực của các tầng lớp đồng bào trong tỉnh.
Phần tôi là người
phục vụ tôn giáo, tôi xin phép góp một ý nghĩ “nhỏ” về CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO
được nói đến trong phần thứ 2, mục C (Củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh
chính trị và trật tự xã hội) trang 6 báo DÂN.
Nếu tôi không lầm,
thì bản Dự thảo Đề cương dùng chữ “tôn giáo” chỉ có 2 lần: một lần khi
nói đến “Công tác Mặt trận trong giai đoạn mới… nhằm đoàn kết các tầng lớp
nhân dân, trong đó có các tôn giáo” (trong mục B khi nói về “phát huy quyền
làm chủ tập thể của nhân dân); một lần nữa trong mục C khi nói về “Củng cố
quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội”, sau khi đã kể ra bao
nhiêu tội phạm và âm mưu phá hoại…
Có người nghĩ là
bản Đề cương nói đến tôn giáo ít quá. Tôi thì tôi nghĩ Đảng phải lo không
biết bao nhiêu chuyện, mà tôn giáo đối với Đảng là một vấn đề nhỏ thôi; lại
Đảng chủ trương không tôn giáo, vô thần, nên có nhắc đến tôn giáo như vậy
cũng tạm được rồi.
Có người nhạy cảm
thấy nói về “chính sách tôn giáo” trong mục “bảo vệ an ninh chính trị và trật
tự xã hội” thì nghe làm sao á, và hơi sợ. Nhưng đọc kỹ lại, thì tôi thấy có
nói: “Trong công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội, phải nắm
vững và vận dụng đúng đắn đường lối và chính sách của đảng, đặc biệt là chính
sách tôn giáo v.v…” thì tôi an tâm, vì Đảng chủ trương tự do tín ngưỡng, mà
một khi cán bộ phải “nắm vững và vận dụng đúng đắn đường lối chính sách của
đảng”, với tinh thần can đảm biết sửa sai, thì cũng đủ bảo đảm rồi.
Tuy nhiên, không
chắc ai cũng đều hiểu như vậy, nên để tránh những lo âu và cảm tình không mấy
tốt của đồng bào có tôn giáo đối với Đảng, thì tôi xin đề nghị: nếu có thể
được, đem chỗ nói về chính sách tôn giáo lên mục B, nơi nói về “phát huy
quyền làm chủ tập thể của nhân dân”. Hình như trong nghị quyết của Đảng, kỳ
Đại hội IV, đề cập về tự do tín ngưỡng cũng trong mục đó.
* * *
Ông Tống Hoàng
Nguyên, khi khởi đầu buổi họp sáng nay có dặn: nên góp ý vào việc lao động
sản xuất và kinh tế cách trực tiếp hơn.
Theo tôi nghĩ: nếu
cho tự do tín ngưỡng, thì năng suất của đồng bào Công giáo sẽ lên cao lắm.
Thực thì có chính sách tự do tín ngưỡng bằng văn bản đó (có 5 sắc lệnh và
thông tư về tôn giáo). Nhưng cũng có những khẩu lệnh đi ngược với bản văn.
Tôi xin đơn cử một
việc vừa xảy ra ngày 10-04-1977 tại thôn Trí Bưu, xã Hải Trí, huyện “mới”
Triệu Hải (Quảng Trị). Ngày Chúa nhật 10-04-1977 là ngày lễ Phục sinh của
Công giáo, là lễ lớn nhất trong Đạo đã được chuẩn bị bằng cả một tuần trước.
Xã Hải Trí phải làm thủy lợi chính trong thị xã Quảng Trị. Huyện cho làm
trong 10 ngày, nhưng xã rút xuống còn 5 ngày để thi đua. Mỗi thôn được chia
phần của mình và sẽ phát động lao tác vào sáng Chúa nhật.
Ngày thứ 7, thôn
Trí Bưu (gần hết là Công giáo) đã đệ đơn xin xã xét lại cho đồng bào Công
giáo có giờ đi cử hành nghi lễ Đạo, rồi sau đó sẽ đi làm, nếu không kịp thì
xin làm đêm nữa. Nhưng xã không cho, nói là có lệnh phải đi làm.
Có người nói với
xã xin xét lại, vì nếu đồng bào họ không tuân lệnh thì tổn thương phần nào uy
quyền của Chính quyền địa phương đi. Như hôm lễ Giáng sinh 1976, thôn Trí Bưu
cũng đã không đi làm, vì họ phải đi lễ. Nhưng xã cũng cương quyết không xét
lại. Thì rồi thôn Trí Bưu lấy quyền nhân dân làm chủ nên không đi làm thủy
lợi hôm đó, mà đi lễ hết. Nhưng sau lễ, họ huy động cả thôn ra làm thủy lợi,
thì thay vì 5 ngày, họ làm trong 2 ngày rưỡi là xong. Nghe nói xã định tuyên
dương họ, nhưng họ xin không nhận, vì lẽ họ có không tuân lệnh đi làm trong
ngày lễ Chúa Phục sinh hôm đó.
Nếu người công dân
Công giáo được thoải mái về tín ngưỡng của họ, thì họ sẽ phục vụ hăng say có
lợi cho kinh tế lắm. Điều này tôi chắc Đảng và Nhà nước quá hiểu nên đã có
chính sách tự do tín ngưỡng vậy.
Vậy tôi xin phép
mở một cái ngoặc, để xác định lại cái danh từ “Thiên Chúa giáo” và “Công
giáo”. Tôi thấy trong văn thư của chính quyền chỉ dùng có danh từ “Thiên Chúa
giáo” để chỉ người Công giáo. Thực ra, “Thiên Chúa giáo” chỉ chung những con
người tin thờ Thiên Chúa trong đó có gần 200 triệu thuộc Chính thống giáo,
hơn 200 triệu thuộc Tin lành và hơn 650 triệu thuộc Công giáo. Tất cả là hơn
1 tỷ người. Đó là Thiên Chúa giáo theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng thì phải kể
cả thế giới Hồi giáo nữa, vì họ cũng tin thờ Thiên Chúa. Tuy nhiên, giữa
những người cùng tin thờ Thiên Chúa đó, có cơ cấu khác nhau, có tổ chức khác
nhau. Đến đây tôi xin đóng ngoặc lại.
Tôi xin trở lại
chính sách tự do tín ngưỡng. Tôi thiết nghĩ chỉ có tự do tín ngưỡng thực sự
thì những người có tín ngưỡng mới sống thoải mái hạnh phúc trong chế độ xã
hội chủ nghĩa mà thôi. Thực thì Đảng và nhà nước có chủ trương chính sách tự
do tín ngưỡng bằng sắc lệnh, bằng văn bản. Nhưng trong thực tế, vẫn có những
khẩu lệnh đi ngược với chính sách. Việc này chắc còn phải dài lâu và hy vọng
sẽ được giải quyết từng trường hợp.
Đảng chủ trương tự
do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng. Nhưng thiết tưởng không vì thế mà
được mạ lỵ tín ngưỡng.
Ông Tống Hoàng
Nguyên hôm trước có khẳng định: “Đảng chúng tôi không cấm tôn giáo đâu. Vì
coi đó là một yêu cầu xã hội và tâm lý. Bao lâu nhân dân cần đến thì cứ để”.
Tôi cũng nghĩ như vậy: chừng nào đồng bào không thèm tôn giáo nữa thì thôi,
tự nhiên sẽ hết tôn giáo. Còn cấm cản, thì chắc không cấm cản được.
Không thể cấm cản
hay diệt trừ tôn giáo được. Điều này có lịch sử chứng minh. Đạo Công giáo khi
mới còn là một nhóm nhỏ đã bị bắt bớ trong 300 năm ở đế quốc La mã rồi. Nay
đế quốc La mã mất lâu rồi, đạo Công giáo vẫn còn và còn nhiều. Hy lạp cổ xưa
cũng mất lâu rồi, mà đạo Công giáo vẫn còn. Nhật bản đã diệt đạo Công giáo và
đã có trụ đá khắc chữ: người Kitô giáo không còn nữa trên đất Phù tang. Nhưng
năm 1865, người ta phát hiện ra người Công giáo Nhật sau 250 năm vắng bóng
công khai trên đất Nhật. Ở Việt nam, đạo Công giáo có từ năm 1533, chứ không
phải lúc Pháp đến, và do một số người truyền đạo không phải là người Pháp.
Không may, sự hiện diện của các người truyền đạo Pháp trùng hợp với lúc Việt
nam bị mất độc lập và tự do. Đạo Công giáo ở Việt nam bị bắt bớ khi ít khi
nhiều trong vòng 260 năm, nhất là trong triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Các vua này mất hết rồi và đạo Công giáo vẫn còn với khoảng 3 triệu tín đồ
bây giờ.
Tôi có đọc những
tài liệu bài trừ Công giáo ở Liên xô, cũng như trong một số nước ở tại Đông
Âu. Dù cho có cố gắng hay điều chỉnh kế hoạch cũng không tiêu diệt tôn giáo
được. Bằng chứng là sau 60 năm, vẫn còn tôn giáo ở Liên xô và ở các nước kia.
Năm rồi, tại thành
phố Hồ Chí Minh, tôi đã nghe một vị ở trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng nói:
“Chúng tôi, người Cộng sản, thông cảm dễ dàng với người Thiên Chúa giáo, vì
chúng tôi cũng quốc tế, vì chúng tôi cũng bị đàn áp bắt bớ. Trong 30 năm qua,
Cộng sản đâu có quyền sống trên mặt đất Việt nam này, bị tầm nã luôn, gặp đâu
là giết đó. Nhưng có quyền lực nào đàn áp được chúng tôi đâu. Cuối cùng,
chúng tôi thắng. Không thể đàn áp tư tưởng được. Do đó, chúng tôi có chính
sách tự do tín ngưỡng”.
Ở địa phương kia
có xảy ra một biến cố. Dân chúng di tản cả. Nhưng còn sót lại một bé gái 8
tuổi chạy tới chạy lui khóc lóc tìm cha mẹ. Những người có bổn phận ổn định
tình thế hỏi nó thì mới biết nó lạc mất cha mẹ. Họ an ủi nó: “Thôi em, đừng
buồn nữa. Đó là dấu cha mẹ em không thương em đó. Nếu thương thì sao quên con
mình được. Mà em là Công giáo phải không? Này nói cho em biết, từ nay sắp
lên, không còn có đạo ở đây nữa nghe chưa!” Bé gái không khóc nữa mà dõng dạc
nói: “Không đúng, bao lâu còn tôi là còn đạo!”
Đạo ở trong lòng,
cho dù bên ngoài không còn di tích gì nữa, nhưng còn trong lòng, không ai
động đến được. Có thể giết xác, nhưng không thể giết được lòng. Quan niệm của
Công giáo là vậy.
Hôm qua có một vị
phát biểu là đã nghe Hồ Chủ tịch thường căn dặn cán bộ trí thức rằng: “Lao
động trí óc mà không lao động chân tay, hoặc lao động chân tay mà không lao
động trí óc, thì là một con người bán thân bất toại”. Câu nói đó rất chí lý,
sáng suốt. Thì cũng vậy, con người chỉ thoải mái về vật chất mà không thoải
mái về tín ngưỡng, thì là con người bán thân bất toại vậy. Như thế, ích lợi
gì cho Tổ quốc!
Có người nghĩ là
Công giáo tồn tại nhờ dựa trên kinh tế, trên thế lực. Không phải vậy mà ngược
lại. Đấng lập đạo Công giáo đã nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng
Ta không có chỗ gối đầu”. Và Người còn chủ trương một điều mà trên đời không
mấy ai chấp nhận là: “Phúc cho những ai có tinh thần khó nghèo”. Thật vậy,
khi nào vinh quang, có nhiều của cải là lúc Công giáo yếu nhất. Ngược lại,
Công giáo càng nghèo khó, càng túng thiếu bao nhiêu thì càng mạnh bấy nhiêu.
Về các việc từ
thiện, xã hội, thì Công giáo chúng tôi quan niệm thế này. Vì chính quyền
không làm hết các việc đó, nên chúng tôi phụ lực với chính quyền, như con cái
trong nhà phụ việc cho cha mẹ. Ngày nào chính quyền tự làm được hết các việc
đó, thì chúng tôi vui mầng trao lại cho chính quyền. Bằng chứng là sau ngày
Giải phóng, chúng tôi đã trao cho chính quyền hơn 60 cơ sở giáo dục, trong đó
có trường Thiên hựu ở gần đây.
Về nhà thờ, thì dù
lớn nhỏ, xấu tốt chi thì cũng là của đã dâng cho Thiên Chúa rồi, không thể
xâm phạm được, cũng như không thể xâm phạm lăng Hồ chủ tịch vậy.
Vừa rồi có vụ
không hay xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh liên quan tới cô nhi viện Quách Thị
Trang. Chúng tôi cũng có cô nhi viện Kim Long, đã trên 30 năm rồi, chỉ do một
nhóm nhỏ nữ tu điều hành tự túc. Hiện nay có hơn 200 người, từ trẻ sơ sinh
đến ông già bà lão mù lòa, tê bại. Bây giờ, các nữ tu phải lo tự túc ăn uống
hằng ngày cho bao nhiêu người đó. Vậy ngày nào chính quyền tỉnh Bình Trị
Thiên định quản lý là chúng tôi vui mầng trao ngay cho chính quyền.
Đó là những điều
tôi xin chân thành phát biểu với các vị.
Xin cám ơn.
(Bài này được tôi
viết ra ngày 24-04-1977, đã phát biểu ứng khẩu ngày 22-04-1977. Có thể khi
phát biểu ứng khẩu, câu văn và nhiều từ không được “nguyên văn” như trong bài
ghi lại. Nhưng tôi cam đoan về ý nghĩ và thứ tự các ý nghĩ thì trung thực).
Thành Phố Huế,
ngày 24 tháng 04 năm 1977.
(đã ký tên)
+ Philipphê Nguyễn Kim Điền
Tổng Giám Mục Huế
6- Thư gửi
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
tỉnh Bình
Trị Thiên ngày 27 tháng 10 năm 1977
(phúc đáp Nhận định của
MTTQ Tp HCM ngày 06-08-1977
về hai bài phát biểu
tháng 4-1977)
HỘI THÁNH CÔNG
GIÁO
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Tòa Tổng Giám mục
Huế
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
VIỆT NAM
Huế,
ngày 27 tháng 10 năm 1977
Kính gửi:
ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT
NAM
Tỉnh Bình Trị Thiên
Kính thưa Ủy Ban
Một số giáo dân và đồng bào tỉnh Bình Trị Thiên, sau khi được dự những hội
nghị do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức để
nhận định, phê phán về nội dung và việc phổ biến hai bài phát biểu của tôi
trong tháng 4-1977, đã gởi kiến nghị yêu cầu tôi giải thích minh bạch về sự
việc “trước Chính quyền, trước Mặt trận và trước giáo dân cùng đồng bào cả
nước”.
Các kiến nghị đó cũng được kính gởi cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Bình Trị Thiên.
Để thỏa mãn yêu cầu chính đáng đó của đồng bào, tôi xin phép được giải thích
sự việc trước tiên cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên
và sau kính nhờ Ủy ban đệ đạt cho Chính quyền cùng thông báo cho đồng bào
được rõ, vì cũng đã nhờ Ủy ban mà đồng bào được có các buổi hội nghị để biết
sự việc nói đây.
Ngày 09-04-1975, dịp lễ ra mắt của Ban chấp hành Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải
phóng thành phố Huế, tôi có phát biểu: “Đồng bào Công giáo nguyện tích cực
góp phần với tất cả đồng bào ruột thịt, để cùng với Ủy ban Mặt trận Dân tộc
Giải phóng xây dựng một xã hội đầy tình thương, tự do, dân chủ, thịnh vượng
và hòa bình, trong đó chúng tôi được chu toàn bổn phận đối với Tổ quốc và đối
với Thiên Chúa”.
Năm 1976, tôi đã phát động tư tưởng “VUI SỐNG” trong giới đồng bào Công giáo
Giáo phận Huế bằng những bài giáo lý của tập “TÔI VUI SỐNG” giúp đem niềm tin
lồng vào cuộc sống hôm nay để góp phần xây dựng một Đất nước giàu đẹp, vui
tươi, hạnh phúc.
Cũng trong tinh thần nhập cuộc và xây dựng đó, tôi đã phát biểu ý tưởng một
cách đột xuất và chân tình trong hai buổi hội nghị do MTTQVN tỉnh BTT tổ chức
tại Huế vào tháng 4-1977. Mặc dù trong các buổi hội nghị sau này, đồng bào
không bao giờ được trực tiếp biết nội dung hai bài phát biểu của tôi, nhưng
nhờ có bức thư của MTTQVN Thành phố Hồ Chí Minh gởi Tổng Giám mục Nguyễn Văn
Bình, đồng bào được biết tôi đã có ý kiến về tự do tín ngưỡng, về công dân
hạng hai, về vụ Vinh Sơn, Ấn Quang.
Kể từ ngày tôi phát biểu đến bây giờ đã là sáu tháng, hôm nay tôi lại được
nói ở đây về ba mục ấy cách rõ ràng hơn:
1- Về tự do tín ngưỡng. Phải nói thực là tôi không bao giờ khẳng định: không có
tự do tín ngưỡng. Trong lần phát biểu 1, tôi nói đi nói lại 3 lần: “chưa có
tự do tín ngưỡng thực sự”. Nghĩa là có mà chưa đầy đủ và nơi này nơi khác còn
có một số sai trái trong việc thực thi chính sách tự do tín ngưỡng. Cốt làm
sáng tỏ cái ý đó mà hai lần tôi đã nói: “Tôi chưa cảm thấy thoải mái về tự do
tín ngưỡng”… “Tôi cảm thấy không thoải mái, vì chưa có tự do tín ngưỡng thực
sự”. Thế là tôi không phủ nhận, tôi chỉ mong ước cho đầy đủ thôi. Vì đầy đủ
tự do tín ngưỡng, như Công đồng Vatican II, thì không phải chỉ có việc đi lễ
tại nhà thờ, mà còn việc học giáo lý để biết sống đạo của mình, còn việc huấn
luyện cho có những người dạy giáo lý và phục vụ tế tự là Linh mục, Tu sĩ, còn
phải được xây cất và tu sửa nhà thờ để có nơi hành Đạo, lại phải còn được
truyền Đạo nữa, miễn “không làm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”. Về mặt
tiêu cực, tự do tín ngưỡng có nghĩa là không ai có quyền ép buộc người khác
(bằng áp lực tinh thần hay tâm lý, bằng bạo lực hay thủ đoạn…) phải chấp nhận
hay từ bỏ niềm tin nào trái ngược với lương tâm của họ.
Sự chưa đầy đủ và một số sai trái mà tôi đã nói lên đó cũng được bức thư của
MTTQVN Thành phố Hồ Chí Minh gởi cho Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình thẳng thắn
xác nhận: “Chính sách tự do tín ngưỡng của Nhà nước Cách mạng là đáng tin
cậy. Tuy nhiên, nơi này hay nơi khác, còn có hành động trái với chính sách,
trái với hiến pháp v.v… Những thiếu sót, sai trái này là nỗi băn khoăn lo
lắng của tất cả chúng ta”. Chính vì cùng mang chung “nỗi băn khoăn lo lắng
của tất cả chúng ta” đó mà tôi mới chân thành nêu lên một vài thiếu sót tại
tỉnh nhà để mong được uốn nắn kịp thời hầu cho chính sách tôn giáo được sáng
tỏ và sự đoàn kết dân tộc mãi mãi đậm đà. Bức thư MTTQVN Thành phố Hồ Chí Minh
lại viết rõ thêm: “Trong văn bản, tác giả nêu cụ thể về một số thiếu sót ở
nơi này hay nơi khác của một số cán bộ chính quyền cách mạng; cũng như đòi
phải thấy mặt tốt của Giáo hội Thiên Chúa giáo. Thiếu sót của chính quyền
cách mạng cũng như mặt tốt của đồng bào theo đạo không phải là không có. Thậm
chí thiếu sót của chính quyền cách mạng ở nơi này hay nơi khác có cái còn
nghiêm trọng, không phải chỉ là đối với chính sách tôn giáo, mà còn thiếu sót
trong vấn đề tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, trong vấn đề kinh tế v.v…
và chúng ta đang cố gắng khắc phục”. Khi viết ra những giòng như thế, hẳn là
MTTQVN Thành phố Hồ Chí Minh đã minh xét vấn đề và đã nắm đủ bằng chứng hơn
tôi để xác quyết những điều mà tôi chỉ nói đại khái trong khu vực hạn hẹp của
một giáo phận thôi.
2- Về công dân hạng hai. Trong lời phát biểu ngày 15-04-1977, tôi có
nói: “Thực như lời phát biểu của một ủy viên của Ủy ban trung ương Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam họp tại thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi đó, thì người Công
giáo có cảm tưởng mình là công dân hạng hai vậy”. Khi mượn lời ấy, tôi chỉ
muốn nói lên sự việc là một số người Công giáo cảm thấy mình không được tiếp
nhận cách dễ dàng như lòng họ mong ước.
Việc này hẳn là có lý do khách quan và chủ quan của nó.
Lý do khách quan, tôi thấy MTTQ Thành phố HCM đã ghi rõ hơn tôi như sau: “Một
số cán bộ cách mạng do trình độ còn non kém hoặc do chưa hết thành kiến mà
làm sai đường lối chính sách. Mặt khác, phải thấy một thực tế nữa là hố sâu
ngăn cách, chia rẽ, thành kiến lương giáo do bọn đế quốc và tay sai phản động
tạo ra hơn 100 năm nay không thể một sớm một chiều xóa bỏ ngay được. Những
tồn tại này tuy đã được từng bước khắc phục, nhưng vẫn còn dai dẳng, tác động
xấu đến mối quan hệ giữa cách mạng và tôn giáo”.
Lý do chủ quan là cùng một hiện tượng mà một số người dân Công giáo có cái
nhìn khác với cái nhìn của Nhà nước. Ví dụ một Linh mục không đến được để cử
hành Thánh lễ và dạy giáo lý cho giáo dân một nơi nào đó, vì lý do không xin
được phép đi lại, thì những giáo dân đó có cảm tưởng Linh mục bị phân biệt
đối xử vì là Linh mục, còn mình không có Thánh lễ và không được học giáo lý
là vì có sự hạn chế tự do tín ngưỡng, bởi thế không cho Linh mục đến. Đang
khi đó, chính quyền thì xét cần phải hạn chế sự đi lại của Linh mục kia vì lý
do chính trị, an ninh hay trật tự chẳng hạn.
Tuy chỉ là một cảm tưởng của giáo dân, nhưng tôi cũng nói lên bởi vì nó có
thể tác hại cho tình đoàn kết dân tộc.
Có nói lên các lý do cả khách quan lẫn chủ quan là để tìm nguyên do và phương
cách lần hồi khắc phục và cải tiến.
Mỗi người Công giáo chúng tôi quyết tâm tự khắc phục để được vô tư và khách
quan, biết nhìn toàn diện mỗi vấn đề cũng như mỗi con người. Như thế sẽ công
bình và tạo được đoàn kết.
3- Về vụ Vinh Sơn và Ấn Quang. Ngày 15-04-1977, tôi đã phát biểu: “Tôi
xin chia buồn và thông cảm với tôn giáo bạn, vì chính tôi đã trải qua cái
cảnh tượng như vầy trong vụ Vinh Sơn”. Tôi có ý nói cái cảnh tượng buồn tủi,
đau xót khi nghe thông báo tội trạng của người đồng đạo với mình. Tôi đã phát
biểu liền đó: “Chắc chắn, không ai trong chúng ta có mặt hôm nay chấp nhận
công việc làm như bản thông báo kể lại đó. Tuy nhiên, không khỏi xót xa khi
vụ đó có liên can đến người cùng tôn giáo với mình”.
“Nhưng đây là một biến cố thôi, và các biến cố tương tự có thể còn xảy ra,
nếu không trừ tận gốc”. Nói “tận gốc” là tôi muốn nói phải khắc phục hết mọi
hiện tượng gây trở ngại cho tự do tín ngưỡng.
Cuối lời phát biểu tôi lại nói: “Tôi thiết nghĩ, nếu có tự do tín ngưỡng thực
sự, thì không còn ai tựa vào sự đàn áp tôn giáo mà làm những gì sai trái, rồi
đổ hô rồi xách động, để bảo vệ tôn giáo được nữa, vì dân chúng không tin nữa,
bởi lẽ đang có tự do tín ngưỡng rồi”.
Do đó tôi không muốn nói: vì không có tự do tín ngưỡng, cho nên mới có vụ
Vinh Sơn, vụ Ấn Quang; mà ý tôi muốn nói là: bao lâu chưa có tự do tín ngưỡng
thực sự thì tín ngưỡng sẽ còn là cái cớ để bị lợi dụng.
Còn việc phổ biến hai bài phát biểu?
Quả thực, tôi đã ghi lại thành văn bản sau hai lần phát biểu đột xuất ấy.
Việc ghi lại thành văn bản những gì mình đã nói trong các dịp quan trọng là
điều tôi đã luôn quen làm từ hơn 20 năm qua, với mục đích lãnh trách nhiệm
những điều đã nói, đồng thời để tránh sự vận dụng những tư tưởng đã được phát
biểu ngoài hoặc trái ý tôi muốn nói.
Tôi đã ghi lại thành văn bản để lưu chiếu tại Văn phòng Tòa Tổng giám mục
Huế. Riêng người duy nhất được chính tôi gởi để kính tường là Đức Tổng giám
mục Nguyễn Văn Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh, vì giữa người và tôi luôn luôn
có liên hệ chặt chẽ. Bình thường thì tôi báo cáo cho các Linh mục trong giáo
phận biết những gì quan trọng tôi đã nói đã làm vì các vị là những cộng sự
viên trực tiếp của tôi. Lần này tôi không làm bổn phận báo cáo đó. Tuy nhiên
có một số người (Linh mục, Giáo dân) nghe dư luận đề cập đến những lời tôi
phát biểu tại Hội nghị (có thể do việc một số đại biểu tham dự hai buổi hội
nghị tháng 4-1977 phản ảnh lại cho những người liên hệ của mình biết việc tôi
phát biểu và nội dung lời phát biểu của tôi) đã đến Văn phòng Tòa Tổng giám
mục tìm hiểu thực hư thế nào, và có thể đã xin Linh mục thư ký cho xem nguyên
văn lời phát biểu của tôi để đối chiếu với những lời được dư luận đồn đãi. Đó
cũng là trường hợp của Linh mục Hồ Văn Quý, Giám đốc Đại chủng viện Huế, đối
với các chủng sinh của mình, trước các nguồn dư luận bên ngoài. Trong việc
tìm hiểu thực hư này, chắc hẳn đã có một số người vì vô tình hay hữu ý lưu
hành hai bài phát biểu của tôi, rồi lại bị một số người khác lợi dụng phổ
biến rộng rãi với ý đồ xấu gây ra tác hại.
Những lời phát biểu đột xuất trong một hội nghị địa phương với khung cảnh đặc
thù của nó tự nhiên sẽ không còn được hiểu đúng mức, nếu bị đem ra phân tích
ngoài bối cảnh của nó. Phương chi nếu có bị lợi dụng với ý đồ chia rẽ và phổ
biến rộng rãi, thậm chí ra cả nước ngoài, thì sự tác hại phải là to tát. Do
đó, tôi rất đau xót về sự tác hại ngoài ý muốn và ngoài dự đoán của tôi, nên
tôi chẳng những không đồng tình mà lại cực lực phản đối những ai cố tình dùng
những lời phát biểu của tôi để làm tổn thương tình đại đoàn kết của dân tộc
và tổn hại uy danh của Nhà nước chúng ta.
Riêng về trường hợp hai Linh mục Nguyễn Văn Lý, Thư ký Tòa Tổng giám mục Huế,
và Linh mục Hồ Văn Quý, Giám đốc Đại chủng viện Huế, lần lượt được chính
quyền triệu tập và xét hỏi từ ngày 07 và 08-09-1977 đến nay, tôi tin tưởng sẽ
sớm được giải quyết thỏa đáng.
Đó là tất cả sự thật mà các kiến nghị của một số đồng bào
yêu cầu tôi phải nói lên “trước Chính quyền, trước Mặt trận và trước giáo dân
cùng đồng bào cả nước”.
Ngày 21-10-1977, tôi hân hạnh được mời đến làm việc với Thường trực Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên để tìm cách khắc phục những hậu
quả tác hại nói trên.
Vậy tôi xin được đề xuất cụ thể:
Tác hại tới đâu thì phải khắc phục tới đó, nên xin cho phổ biến bức thư giải
thích này tới những nơi nào mà hai bài phát biểu của tôi đã tới.
Cách phổ biến:
1- cho đồng bào Công giáo giáo phận Huế, thì tôi xin các Linh mục trong toàn
giáo phận thông báo cho giáo dân, chủng sinh, tu sĩ trực thuộc vào ngày Chúa
nhật 06-11-1977.
2- cho đồng bào không Công giáo tỉnh Bình Trị Thiên, thì tôi kính nhờ Ủy ban
MTTQVN tỉnh Bình Trị Thiên thông báo trên báo DÂN và các hội nghị.
3- cho đồng bào cả nước, thì xin các báo đăng bức thư này, ít là các báo nào
đã đăng bức thư của MTTQVN Thành phố Hồ Chí Minh. (Thiết tưởng các tác hại ở
trong nước cũng như ở nước ngoài đã phần nào được bức thư của MTTQVN Thành
phố Hồ Chí Minh gởi cho Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình khắc phục rồi. Tôi xin
chân thành cảm ơn MTTQVN Thành phố HCM).
4- cho ngoại quốc, xin MTTQVN tỉnh Bình Trị Thiên buộc những báo chí ngoại
quốc nào đã đăng hai bài phát biểu của tôi từ trước đây thì nay phải đăng bức
thư giải thích này, theo luật báo chí quốc tế.
Nhờ các buổi hội nghị, và nhất là nhờ Thông báo của Ủy ban mà đồng bào được
biết việc Ủy ban đã tận tình và nhẫn nại giúp đỡ Tòa Tổng giám mục chúng tôi
bấy lâu, như các kiến nghị có nhắc đến, thì nay cũng xin Ủy ban vui lòng giúp
tôi hoàn thành việc khắc phục các tác hại đó. Kính xin Ủy ban nhận nơi đây
lòng biết ơn thắm thiết của tôi.
Cuối cùng, tôi xin được nói như Ủy ban trong Thông báo ngày 17-09-1977: “Hơn
lúc nào hết, đồng bào Thiên Chúa giáo hãy cùng những người Cộng sản, cùng
đồng bào các tôn giáo khác và toàn thể nhân dân xiết chặt hàng ngũ, vượt qua
những thành kiến do lịch sử để lại, khắc phục những khó khăn trước mắt, chung
lo việc nước, việc nhà và lo cho phần đạo của mình trong tinh thần yêu Nước
và kính Chúa”
Trân trọng kính chào Ủy ban.
(ký tên)
+ Ph. Nguyễn Kim Điền
Tổng Giám mục Huế
********************
Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt
Nam
Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Tp Hồ Chí
Minh
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
55 Mạc Đỉnh Chi
Đt: 93.771 - 93.772
Tp
Hồ Chí Minh, ngày 06-08-1977
Số 425/UBMT/VT
NHẬN ĐỊNH VỀ HAI BẢN VĂN
ghi lại lời phát biểu của TGM Nguyễn Kim Điền
Kính gởi:
Ông Tổng giám mục Nguyễn Văn
Bình
Tổng giáo phận Tp HCM
Thưa ông
Tổng giám mục,
Gần đây
Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp HCM được biết có luân lưu,
phổ biến trong một số linh mục, tu sĩ và tín đồ Thiên Chúa giáo ở Tp HCM hai
bản văn có ghi lời phát biểu của ông Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền địa phận
Huế. Hai bản văn này không chỉ luân lưu, phổ biến trong giới Thiên Chúa giáo
mà còn phổ biến tới cả một giới Phật giáo và tới một số nơi khác nữa.
Bản văn thứ
nhất, ghi lời phát biểu của ông Nguyễn Kim Điền ngày 15-04-1977 trong cuộc
họp do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên và thành phố Huế,
tổ chức để thông báo vụ chánh quyền Tp HCM bắt giữ bọn phản động trong Phật
giáo thuộc hệ thống Ấn Quang.
Bản văn thứ
hai, ghi lời phát biểu của ông Nguyễn Kim Điền ngày 22-04-1977 để đóng góp ý
kiến vào bản dự thảo Đề cương báo cáo của ban Chấp hành Đảng bộ Đảng cộng sản
Việt Nam tỉnh Bình Thị Thiên trong Đại hội Đảng lần thứ nhất vòng hai, cũng
do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên triệu tập.
Chúng tôi
chưa rõ hai bản văn này có phải đúng là của ông Tổng giám mục địa phận Huế
ghi hay không? Sự ghi chú đó có phản ảnh trung thành phát biểu của ông Tổng
giám mục địa phận Huế hay không? Và chúng tôi cũng chưa biết rõ việc phổ biến
hai bản văn đó là có ý kiến của ông Nguyễn Kim Điền hay không? Ai là người
chịu trách nhiệm phổ biến? Chúng tôi mong ông Tổng giám mục cho hỏi lại và
cho chúng tôi được biết.
Theo ý kiến
chúng tôi, trong hội nghị mỗi người cần phải được phát biểu ý kiến một cách
tự do, thoải mái, nói lên những nhận thức, suy nghĩ, băn khoăn của mình.
Những ý kiến cá nhân đó có thể đúng hoặc mới đúng có một mặt, thậm chí có thể
có những nhận thức sai lầm. Nhưng đó là yêu cầu hoàn toàn cần thiết của hội
nghị. Có nhiều ý kiến có khi trái ngược nhau như vậy mới bổ túc cho nhau, làm
cho nhận thức cuộc hội họp thêm chín chắn, toàn diện, phong phú.
Trong hội
nghị, những ý kiến này được trao đổi qua lại mà biến thành nghị quyết. Ngược
lại, nếu đem một vài phát biểu đơn phương trong hội nghị mà phổ biến ra
ngoài, thì đối với những ý kiến sai lầm sẽ gây một tác hại, có khi rất to
lớn. Ngay đối với những ý kiến đứng đắn, khi phổ biến rộng rãi ra ngoài quần
chúng cũng đòi hỏi chúng ta phải làm sao cho quần chúng dễ hiểu, nhằm nâng
cao hiểu biết quần chúng lên, tránh sự ngộ nhận có thể có trong quần chúng.
Mặt khác, cũng phải làm sao tránh những sơ hở không để cho bọn xấu cũng như
kẻ địch xuyên tạc và lợi dụng.
Trong khi
tất cả chúng ta, những người có thiện chí, lương cũng như giáo, tín đồ cũng
như hàng giáo phẩm, đều nỗ lực phấn đấu để lấp bằng những chia rẽ, những
thành kiến mà bọn đế quốc đã tạo ra trong suốt thời kỳ đô hộ của chúng hằng
thế kỷ nay, thì việc đơn phương phổ biến hai bản văn này chỉ đào sâu thêm
thành kiến, rất có hại cho sự đoàn kết dân tộc. Nếu chúng ta không kịp thời
ngăn chặn và vạch rõ phải trái thì chỉ càng làm lợi cho kẻ thù của dân tộc.
Để vạch rõ
phải trái, trước hết chúng tôi đi ngay vào phân tích nội dung của hai bản
văn. Hai bản văn đó tuy dài, nhưng chung quy tập trung nêu lên hai vấn đề:
- Một là
không có tự do tín ngưỡng. Những người theo đạo Thiên Chúa bị chèn ép. Chính
sách tự do tín ngưỡng chỉ có trên văn bản, còn trong thực hành thì không có
tự do tín ngưỡng.
- Hai là vì
không có tự do tín ngưỡng mới có sự chống đối như là vụ Vinh Sơn, như vụ bọn
phản động trong giới Phật giáo Ấn Quang v.v…
Chính sách
tự do tín ngưỡng không những đã được thể hiện rõ ràng trên văn bản, trong lời
nói, mà còn thể hiện trong việc làm cụ thể hằng ngày. Đó là việc nhà thờ,
chùa chiền, thánh thất được tiếp tục mở cửa hoạt động bình thường. Mọi hình
thức tu hành của bà con giáo dân và sự hoạt động của các giáo hội như lễ lộc,
đi nhà thờ, thờ cúng, ăn chay, niệm Phật, rao giảng Kinh thánh của các Giáo
hội trong tín đồ được tự do. Những ngày lễ lớn như: Chúa Giáng sinh và Phật
đản v.v… chánh quyền hết sức quan tâm giúp đỡ, bảo vệ chu đáo an toàn, để bà
con giáo dân hành lễ trang nghiêm, tự do thoải mái. Việc theo đạo và không
theo đạo thật sự là quyền tự do của mỗi công dân. Không hề có bất cứ hành
động nào phân biệt đối xử về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, đối với người có
đạo và không có đạo… Đặc biệt đồng bào giáo cũng như lương đều được bảo đảm
đầy đủ quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, quyền tham gia bầu cử và ứng
cử, quyền được hưởng được phân phối như nhau. Trên thực tế đã có nhiều đại
biểu xứng đáng của giáo dân trong các giáo hội, có cả một số giáo phẩm cao
cấp đã trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân và thành viên
của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cao cấp.
Từ ngày giải
phóng đến nay, chính những đại biểu này, cũng như đại bộ phận đồng bào theo
đạo Thiên Chúa đã đóng góp xứng đáng phần mình vào việc đoàn kết dân tộc xây
dựng đất nước. Trong phân phối và chăm lo đời sống, chánh quyền đều lo lắng
chung cho tất cả mọi người, ngọt bùi, đói no, chia sẻ. Tất cả những điều cơ
bản đó nói lên rằng: nếu không có chính sách tự do tín ngưỡng, không có chánh
sách đoàn kết dân tộc đúng đắn, chân thành thì làm sao có được như vậy. Bọn
đế quốc và tay sai đã dùng bao nhiêu cực hình dã man nhứt, bao nhiêu thủ đoạn
thâm độc nhứt để đàn áp tư tưởng cách mạng nhưng chúng đã thất bại đau đớn và
nhục nhã… Vì vậy qua kinh nghiệm xương máu của bản thân mình, người cách mạng
hiểu rất thấm thía rằng không thể nào giải quyết vấn đề tư tưởng và tín
ngưỡng bằng những biện pháp thô bạo được. Do đó, chánh sách tự do tín ngưỡng
của Nhà nước cách mạng là đáng tin cậy. Tuy nhiên, nơi này nơi khác, còn có
hành động trái với chánh sách, trái với Hiến pháp v.v… Những thiếu sót, sai
trái này là nỗi băn khoăn lo lắng của tất cả chúng ta. Chúng ta phải ra sức
đoàn kết với nhau, bàn bạc trao đổi với nhau, đồng thời phát huy quyền làm
chủ tập thể của nhân dân lao động, kiểm tra phê phán để khắc phục cho được
thiếu sót trên.
Những tồn
tại trên đây có nguyên nhân chủ quan và khách quan của nó. Một số cán bộ cách
mạng do trình độ còn non kém, hoặc do chưa hết thành kiến mà làm sai đường
lối chánh sách. Mặt khác, phải thấy một thực tế nữa là hố sâu ngăn cách, chia
rẽ, thành kiến lương giáo do bọn đế quốc và tay sai phản động tạo ra hơn 100
năm nay không thể một sớm một chiều xóa bỏ ngay được. Những tồn tại này tuy
đã được từng bước khắc phục, nhưng vẫn còn dai dẳng, tác động xấu đến mối
quan hệ giữa cách mạng và tôn giáo. Phải thừa nhận đây là một cuộc đấu tranh
lâu dài, gian khổ, phức tạp đòi hỏi phải có nỗ lực chung của chúng ta.
Về phía
mình, cho đến nay, do bị ảnh hưởng tuyên truyền xuyên tạc của địch, nên trong
Thiên Chúa giáo cũng như trong tôn giáo khác, số người còn thành kiến đối với
cách mạng không phải là ít, nhất là trong hàng chức sắc, giáo phẩm. Thậm chí
có một số người còn có những thái độ cực đoan, đi tới những chống đối quyết
liệt.
Bọn đế quốc
trước đây không những đã ra sức lợi dụng tình hình trên để chống cách mạng và
che giấu ý đồ xâm lược của chúng; và từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng đến
nay, các giới đế quốc vẫn tiếp tục lợi dụng khai thác những thành kiến vốn dĩ
do chúng tạo ra đó để kích động những hành động chống phá cách mạng trong các
tôn giáo, đặc biệt trong Thiên Chúa giáo là nơi mà bọn đế quốc đã tập trung
thực hiện âm mưu của chúng hàng trăm năm nay. Trong điều kiện lịch sử khắc
nghiệt như thế, nên đã hình thành trong Thiên Chúa giáo một số người có thành
kiến rất sâu sắc với cách mạng, đi đến chống đối cách mạng một cách cực đoan
và có hệ thống; thậm chí có những người cam tâm để địch lợi dụng chống lại
cách mạng, chống lại dân tộc. Số này đã có những hình thức tuyên truyền
miệng, rỉ tai, lợi dụng diễn đàn nhà thờ, chùa chiền, thánh thất; lợi dụng
việc rao giảng đạo pháp để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động quần chúng
chống đối cách mạng. Số khác lại chủ trương viết truyền đơn, khẩu hiệu phản
động; thậm chí còn tổ chức lực lượng chính trị, nhen nhóm phản động, gây bạo
loạn võ trang chống đối cách mạng.
Đó là một sự
thực lịch sử rất đau lòng, không những đối với những người theo đạo Thiên
Chúa, mà đau lòng cả đối với toàn thể dân tộc.
Chúng ta cần
phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật đó để cùng nhau đoàn kết, sáng suốt và
bình tĩnh gỡ ra những rối rắm lịch sử mà bọn đế quốc để lại cho đất nước, phá
hoại sự đoàn kết của dân tộc ta. Chúng ta, những người có trách nhiệm, phải
cùng nhau bàn bạc, quyết không để cho có những rối rắm mới có lợi cho bọn đế
quốc và tay sai, mà đắc tội với lịch sử và dân tộc. Chúng ta phải kiên quyết
đập tan âm mưu của bọn đế quốc và tay sai, kiên trì giải thích tranh thủ
những người lầm lạc. Cuối cùng chánh nghĩa nhất định bao giờ cũng thắng. Đó
là quy luật của lịch sử.
Không thể
nói đơn giản như tác giả của hai bản văn là: “Đem việc thời đại xa xưa mà
phán đoán theo tầm mắt hiện giờ thì không khoa học đó”.
Đúng, chuyện
ngày nay không thể giống y như chuyện ngày xưa nữa. Lịch sử đã phát triển
khác trước nhiều và đã có những thay đổi lớn lao. Nói như thế là khoa học.
Nhưng đồng thời khoa học cũng xác nhận tính nối tiếp và tính kế thừa của lịch
sử nữa. Bọn đế quốc và đội quân xâm lược đã bị tống cổ đi rồi, nhưng những
tồn tại, những thành kiến do chúng gây ra còn nặng nề, vài ba năm giải phóng
chưa xóa bỏ ngay hết được. Chúng ta còn phải cảnh giác, còn phải đồng tâm
hiệp lực, bền bỉ đấu tranh xóa bỏ thành kiến, tranh thủ giác ngộ người lầm
lạc, chống bọn phản động và tay sai đế quốc. Không thể như tác giả hai bản
văn đã đơn giản nêu rằng: “Về phần chúng tôi thì không lạm dụng tự do tín ngưỡng…”
Chữ “chúng tôi” đây tác giả muốn chỉ ai? Chúng tôi là những người có thiện
chí hay bao gồm cả những người còn thành kiến sâu sắc và cả số cực đoan và
phản động. Do đó, trong lời nói, hành động một số người có thiện chí đã tỏ ra
thiếu mạnh dạn, ngần ngại, e dè.
Lịch sử cũng
đã cho ta thấy đạo Phật, đạo Thiên Chúa lúc khai đạo cũng chỉ là một nhóm rất
nhỏ. Chủ nghĩa cộng sản cũng vậy.
Một lý tưởng
muốn trở thành chân lý của thời đại phải đấu tranh lâu dài, thậm chí hàng
trăm năm, hàng ngàn năm, phải trải qua bao nhiêu gian khổ, hy sinh. Cuối cùng
chân lý ấy mới thành ra đa số.
Cái gì chúng
ta đã xác định là chân lý, là chánh nghĩa, nhất quyết chúng ta không sợ lâu
dài gian khổ, không sợ một cản ngại nào dù to lớn đến đâu, phải dám hy sinh chiến
đấu để thực hiện cho bằng được lý tưởng đó. Vinh quang sẽ thuộc về những
người chiến đấu như thế.
Cho nên, hòn
đá thử vàng đối với lòng kính Chúa yêu nước của những người Thiên Chúa giáo
hiện nay, là cần phải có sự cố gắng và nỗ lực vượt bậc, vượt lên mọi trở ngại
để phối hợp, hành động cùng với chánh quyền cách mạng và tất cả những người
có thiện chí, kiên quyết đấu tranh cưỡng lại bọn phản động trong Thiên Chúa
giáo. Điều đó không những có lợi cho dân tộc, mà còn có lợi ngay cho bản thân
Giáo hội Thiên Chúa giáo. Có thể nói, đó là cuộc đấu tranh khẩn trương, gay
go quyết liệt, bền bỉ trong lòng dân tộc, trong nội bộ Thiên Chúa giáo và
ngay trong từng con người của mình, giữa chánh nghĩa và phi nghĩa. Trái lại,
nếu còn đứng ra che chở, bênh vực như vụ Vinh Sơn chẳng hạn, thì làm sao xóa
bỏ nghi ngờ và giảm bớt thành kiến được?
Tác giả có
nhắc tới lời phát biểu ở hội nghị ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
họp tại thành phố HCM vừa rồi của một đại biểu nào đó thì “người Công giáo có
cảm tưởng mình là công dân hạng hai”.
Chúng tôi
biết rõ có một số người trong Thiên Chúa giáo, trước đây đã từng một thời
được trọng dụng, là công dân số một của các chế độ cũ, đã từng là em út của
“anh Ba (chỉ ông Ngô Đình Diệm) và là chỗ dựa tinh thần của Nguyễn Văn Thiệu.
Nhưng trong chế độ mới, họ vẫn được rộng lượng khoan hồng, không hề có sự trả
thù “đẫm máu” như bọn đế quốc và tay sai đã tác động tâm lý, như họ đã từng
làm đối với nhân dân và cách mạng. Tưởng rằng điều đó sẽ giúp cho họ tỉnh
ngộ, từ bỏ những lỗi lầm cũ. Nhưng thực tế họ vẫn chưa nhận thấy sai lầm,
chưa chịu cải tạo, ngược lại còn phạm thêm sai lầm mới thì làm sao tránh khỏi
nghi ngờ và làm sao chấp nhận để họ giữ những vị trí then chốt trong sinh
hoạt quần chúng tín đồ và trong các giáo hội được. Trong trường hợp đó, nếu
họ cảm thấy mình là công dân hạng hai thì cũng không có gì là quá đáng và
cũng chỉ đúng riêng với một thiểu số có thái độ và có tư cách như họ thôi.
Tuy nhiên không ai muốn có chuyện như thế. Điều chúng ta mong muốn và đòi hỏi
ở họ là phải tỏ ra xứng đáng với lòng tin cậy, phải trải qua sự nỗ lực bản
thân tự cải tạo mình. Có từ bỏ lỗi lầm cũ thì họ mới xứng đáng là công dân
bình đẳng với mọi người công dân khác. Có thể nói thẳng, không cần gì phải
giấu giếm, là quả có sự phân biệt đối xử với một số người không chịu cải tà
quy chánh, không chịu làm theo lẽ phải và không làm đúng với đạo lý chân
chính. Tất nhiên, đối với tuyệt đại đa số đồng bào Thiên Chúa giáo, thì không
thể có bất cứ sự phân biệt nào về mặt chính trị cũng như về mặt kinh tế. Nếu
còn một ít tồn tại nào đó ngoài ý muốn của chúng ta, thì chúng ta cần phải
tìm ra nguyên nhân của nó và cùng nhau đoàn kết, bình tĩnh, bền bỉ khắc phục
những tồn tại đó như trên đã nói.
Trong văn
bản, tác giả nêu cụ thể về một số thiếu sót ở nơi này nơi khác của một số cán
bộ chánh quyền cách mạng; cũng như đòi hỏi phải thấy mặt tốt của Giáo hội
Thiên Chúa giáo. Thiếu sót của chánh quyền cách mạng, cũng như mặt tốt của
đồng bào theo đạo không phải là không có. Thậm chí thiếu sót của chánh quyền
cách mạng ở nơi này hay nơi khác có cái còn nghiêm trọng, không phải chỉ đối
với chánh sách tôn giáo, mà còn thiếu sót trong vấn đề tôn trọng quyền làm
chủ của nhân dân, trong vấn đề kinh tế v.v… và chúng ta cố gắng khắc phục.
Đúng là ta phải đánh giá một cách rất khách quan như thế. Chúng ta phải có sự
nhận xét thật khách quan, có trước, có sau, với quá trình và bối cảnh lịch sử
của nó. Lại phải tìm ra nguyên nhân của nó để phát huy cái tốt, sửa chữa khắc
phục cái xấu. Tuy nhiên, nếu tác giả đòi hỏi một sự đánh giá khách quan, thì
tác giả nhất thiết phải không những thấy mặt thiếu sót của cách mạng, lại
phải thấy mặt tốt, mặt đã làm được của cách mạng, nhất là trong vấn đề tự do
tín ngưỡng. Thấy mặt tốt của giáo hội lại phải thấy mặt còn tồn tại, còn
thiếu sót của giáo hội. Chỉ có đánh giá một cách toàn diện và khách quan như
thế, mới tìm ra chân lý và mới đoàn kết được. Chúng tôi chỉ đòi hỏi ở tác giả
có một nhận xét khách quan, cũng như tác giả đòi hỏi ở chúng tôi, những người
cách mạng.
Vấn đề thứ
hai, theo tác giả thì vì không có tự do tín ngưỡng, cho nên mới có vụ Vinh
Sơn, vụ chống đối của bọn phản động trong Phật giáo Ấn Quang, vụ phá hoại đời
người nữ tu sĩ đã nêu trong Thông báo số 4/TB-UB ngày 6-4-1977 của Ủy ban
Nhân dân Tp HCM. Tác giả nói: “Theo thiển ý của tôi, nếu còn tựa vào tôn giáo
để xách động này khác là vì chưa có tự do tín ngưỡng đó thôi”.
Luận điểm
như trên thật ra không có gì mới cả, nó đã có từ lâu lắm rồi, có nói lại cũng
chỉ là lập lại luận điệu của bọn đế quốc Pháp và Mỹ.
Đế quốc Pháp
khi xâm chiếm nước ta từ thế kỷ 19 cũng đã từng lấy lý do vì vua quan Việt
Nam chống Chúa giết đạo nên cần bảo vệ đạo, bảo vệ Chúa mà đem quân đến “khai
hóa văn minh” cho nước ta. Một thế kỷ sau, đế quốc Mỹ cũng không có một luận
điệu nào khác hơn là nhân danh tự do, nhân danh đạo Chúa với Hồng y giáo chủ
Spellman để mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Rốt cuộc chúng đã thất bại nhục
nhã. Bây giờ tác giả hai bản văn trên cũng lại nhân danh tự do tín ngưỡng để
bênh vực cả cho những việc làm phi nhân phi nghĩa, phá hoại đời sống nhân dân
như vụ Vinh Sơn, với vụ in bạc giả; như vụ phản động trong Phật giáo Ấn Quang
với vụ phá hoại đời nữ tu sĩ, rồi cho là không có tự do tín ngưỡng nên mới
xảy ra những chuyện như thế.
Chúng tôi cho
rằng: người ta không thể nhân danh tự do tín ngưỡng, nhân danh Chúa, nhân
danh Phật để cho phép mình làm, hoặc là bênh vực cho những hành động bỉ ổi
xấu xa nhất, phi đạo đức nhất. Chúa và Phật cũng như đồng bào các tôn giáo và
những hàng giáo phẩm chân chính nhất định sẽ không cho phép làm như thế.
Những người làm như thế, bênh vực như thế, không những làm mất phẩm giá của
mình, mà còn làm mất phẩm giá của đồng đạo, của đạo lý mà chính tác giả hai
bản văn đang tín ngưỡng. Làm như thế là nhân danh tự do tín ngưỡng để khuyến
khích mọi hành động phản cách mạng, mọi hành động xấu xa phi đạo đức. Chúng
ta tin tưởng đồng bào có đạo cũng như các hàng giáo phâm chân chính trong tôn
giáo sẽ kiên quyết chống lại những thái độ và hành động như thế.
Còn đối với
cách thức lén lút phổ biến hai bản văn này không những là phi pháp mà rõ ràng
có ý đồ đen tối và đã bị bọn xấu, bọn phản động lợi dụng. Vì rõ ràng nó không
thể có ảnh hưởng nào khác hơn là làm sâu sắc hơn những thành kiến và gây thêm
những nghi ngờ chia rẽ từ cả mọi phía. Bọn đế quốc và tay sai, bọn phản động
chắc không mong gì hơn thế. Chúng đã lợi dụng hai bản văn này để chống chánh
quyền cách mạng, và kích động những mặt tiêu cực; chúng tán tụng những lời
phát biểu này là “dũng cảm”, nào là “dám nói lên sự thật”. Chúng xuyên tạc vu
khống những người công giáo có thiện chí, đóng góp vào sự đoàn kết dân tộc,
cho họ là thiếu “dũng cảm”, không dám nói lên “sự thật”.
Khắc phục
mọi khó khăn để xóa bỏ những thành kiến, chống sự chia rẽ của bọn xấu, bọn đế
quốc mới thực sự là dũng cảm. Cái dũng cảm như thế mới cao đẹp, là vì nó nhắm
vào mục đích cao đẹp. Do đó, chúng ta hết sức hoan nghênh những người trong
đồng bào Thiên Chúa giáo và trong hàng giáo phẩm, đã bất chấp khó khăn, bất
chấp mọi lời dèm pha vu khống thâm độc mà đóng góp vào sự đoàn kết dân tộc.
Đấu tranh cho đoàn kết dân tộc là dũng cảm và phải dũng cảm trong đoàn kết;
chúng ta quyết không sợ khó khăn, không sợ những lời dèm pha. Chúng ta quyết
vì chân lý mà phấn đấu và chân lý cuối cùng sẽ thắng.
Còn sử dụng
sự “dũng cảm” của cá nhân nào đó vào những hành động sai lầm thì sự dũng cảm
đó dù là vô tình nhưng kết quả thực tế vẫn là nối giáo cho giặc, chỉ càng gây
thêm những tai hại đau đớn cho đồng bào giáo dân và cho dân tộc mà thôi. Kẻ
thù nhất định sẽ rất vui mừng và không tiếc lời ca ngợi các kiểu dũng cảm đó,
còn người thiện chí không khỏi thật sự đau lòng.
Còn kẻ nào
mưu đồ dùng sự dũng cảm vào những mục đích đen tối, thì nhất định chỉ làm
tăng thêm lòng căm thù của đồng bào lương cũng như giáo và nhứt định chúng sẽ
bị nhân dân căm phẫn lên án và làm cho thất bại nhục nhã.
Để tăng
cường sự đoàn kết trong dân tộc ta, giữa tôn giáo này và tôn giáo khác, chúng
ta hãy cùng nhau bình tĩnh, sáng suốt, nhận rõ phải trái, để ngày càng đoàn kết
hơn, nhằm khắc phục khó khăn to lớn do hậu quả của địch để lại, xây dựng đất
nước ta giàu đẹp và hùng cường, nhân dân ta có cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Mỗi người
chúng ta, lương cũng như giáo, cần tích cực tuyên truyền, giáo dục đồng bào,
hiểu rõ cái đúng, cái sai, tích cực khẩn trương phá bỏ thành kiến nghi ngờ,
do đế quốc và tay sai gây nên trong dân tộc ta hàng trăm năm nay. Chúng ta
cần rất chủ động ngăn chận, giải thích, không để phổ biến những loại tài liệu
có nội dung như thế. Chúng ta cần giải thích rõ phải trái cho đồng bào để
đồng bào hiểu rõ đồng tình và nhứt trí cao đối với chúng ta.
Xin gởi ông
Tổng giám mục lời chào trân trọng.
Tm UBMTTQVN/Tp HCM
Chủ tịch
(ký tên và đóng dấu)
Nguyễn Văn Chì
7- Văn thư khẳng định quyền tự do
điều hành chủng viện và đào tạo Linh
mục ngày 17-05-1979
(phúc đáp Quyết định của chính quyền ngày
16-03-1979)
HỘI THÁNH CÔNG
GIÁO
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Tòa Tổng Giám mục Huế
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ARCHEVÊCHÉ
HUE
VIỆT NAM
Số 10/79 TTGMH
Huế,
ngày 17 tháng 05 năm 1979
Kính
gửi: Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên
Trích
yếu: v/v phúc đáp Quyết định của UBND tỉnh
số
284-QĐ/NC ngày 16 tháng 3 năm 1979 về vấn đề chủng viện.
Kính thưa quý Ủy ban,
Tòa Tổng giám mục Huế chúng tôi trân trọng kính trình quý Ủy ban
I. Theo Giáo lý Thánh Kinh
Ơn thiên triệu làm linh mục hoàn toàn thuộc quyền Thiên Chúa và Hội Thánh có
trách nhiệm xét đoán, xác nhận mỗi ơn thiên triệu để truyền chức thánh.
II. Theo Giáo luật
Các chủng viện Công giáo được thiết lập trên những nguyên tắc mà Hội Thánh đã
quy định trong Giáo luật về Tiểu chủng viện và Đại chủng viện (Giáo luật các
số 1358-1371).
III. Theo Giáo lý Công đồng Vaticanô II
Hội Thánh phải được tự do trong việc chọn lựa đào tạo chủng sinh, việc truyền
chức, bổ nhiệm và thuyên chuyển các linh mục (Sắc lệnh về đào tạo linh mục).
IV. Theo truyền thống lịch sử về việc đào tạo linh mục
Những nguyên tắc và quy luật trên là kinh nghiệm ngàn năm của Hội Thánh nói
chung và của Giáo phận Huế từ mấy trăm năm qua nói riêng.
Vậy nếu phải tổ chức các chủng viện Công giáo theo Quyết định của Ủy ban số
234/QĐ-NC đề ngày 10 tháng 3 năm 1979, thì các chủng viện ấy sẽ đi ngược lại
những điều trên.
Tòa Tổng giám mục chúng tôi trân trọng kính chào quý Ủy ban.
Philipphê Nguyễn Kim Điền
Tổng giám mục Huế
T. Nguyễn Như Thể
Bản sao kính
gởi
Tổng giám mục phó
Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Trị
Thiên
“để kính tường”
***********************
Ủy ban Nhân
dân
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Tỉnh Bình Trị Thiên
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số 284-QĐ/NC
Huế,
ngày 16 tháng 3 năm 1979
QUYẾT ĐỊNH
Về việc giúp Giáo hội Thiên Chúa tổ chức lại các
trường tôn giáo
theo đúng tinh thần Nghị quyết 297/CP của Hội đồng
Chính phủ
Ủy ban Nhân
dân tỉnh Bình Trị Thiên
- căn cứ Nghị quyết số 297/CP
ngày 11 tháng 11 năm 1977 của Hội đồng chính phủ
- căn cứ đề nghị của khối Nội
chính và Giáo dục
Quyết định
Điều 1 :
Ủy quyền cho ông Nguyễn Kỳ trưởng ty khối đào tạo thay mặt Ủy ban Nhân dân
tỉnh trực tiếp làm việc với Tòa Tổng giám mục Huế về vấn đề trường đào tạo
người chuyên hoạt động tôn giáo, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số
297/CP ngày 11-11-1977 của Hội đồng Chính phủ.
Điều 2 :
Trường phải nhằm đào tạo ra những người chuyên hoạt động tôn giáo tốt, đủ
trình độ và tư cách phục vụ đồng bào có đạo ngày nay là những người chủ tập
thể của đất nước đang xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau khi được
tổ chức lại đúng theo tinh thần Nghị quyết 297/CP, và được Ủy ban Nhân dân
tỉnh chấp thuận, trường sẽ được coi tương đương như một trường đại học chuyên
nghiệp, do hệ đại học chuyên nghiệp quản lý, có chiếu cố tính chất nhà trường
là một trường tôn giáo.
Điều 3 :
Chậm nhất đến 15-04-1979, mọi phương án mới về tổ chức và nội dung giảng dạy
của nhà trường và về quy hoạch đào tạo v.v… phải được xây dựng xong trình Ủy
ban Nhân dân tỉnh xét để đến tháng 6-1979 trường mới sẽ chính thức thay thế
cho các trường cũ.
Điều 4 :
Ông Nguyễn Kỳ, ty Giáo dục tỉnh Bình Trị Thiên, ban Đại học chuyên nghiệp
tỉnh và Tòa Tổng giám mục Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Tm UBND tỉnh Bình Trị Thiên
Nơi
nhận:
Tm Chủ tịch
- Ông Nguyễn
Kỳ
Phó chủ tịch
- Ty Giáo dục chuyên
nghiệp
Vũ Thắng
- Ty Công an Bình Trị
Thiên
- Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Trị
Thiên
- Tòa Tổng giám mục Huế
- Lưu NC - VP (9b)
8- Văn Thư xác định về Tiểu chủng viện Hoan Thiện
ngày 15-12-1979
(phúc đáp Quyết định của chính quyền ngày
13-12-1979)
HỘI THÁNH CÔNG
GIÁO
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Tòa Tổng Giám mục Huế
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ARCHEVÊCHÉ
HUE
VIỆT NAM
Số 25/79 TTGMH
Huế,
ngày 15 tháng 12 năm 1979
Kính
gửi: Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên
Kính thưa quý Ủy ban,
Sau khi tiếp nhận Quyết định của quý Ủy ban, số 2342-QĐ/UB đề ngày 13 tháng
12 năm 1979, Tòa Giám mục chúng tôi xin xác định:
1. Tiểu chủng viện Hoan Thiện ở số 11 Đống Đa, Huế, tự bản chất là một chủng
viện Công giáo, tức là nơi thường trú của các tu sinh để tu học trở thành
linh mục, điều mà mọi người xưa nay luôn luôn công nhận.
2. Kể từ năm 1975 đến nay, các tu sinh ở đó đều luôn được chính quyền các cấp
công nhận và đối xử với tư cách tu sinh.
Tòa Tổng giám mục chúng tôi trân trọng kính chào quý Ủy ban.
Tổng giám mục Huế
Philipphê Nguyễn Kim Điền
Bản sao kính gửi : Tổng
giám mục phó giáo phận Huế, St. Nguyễn Như Thể
Ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Trị
Thiên
“để kính tường”
************************
Ủy ban Nhân
dân
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Tỉnh Bình Trị Thiên
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số 2342-QĐ/NC
Huế,
ngày 13 tháng 12 năm 1979
QUYẾT ĐỊNH
Công lập hóa trường Trung học Tư thục Hoan Thiện, 11
Đống Đa, Huế
Chủ tịch Ủy
ban Nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên :
- Căn cứ Chỉ
thị số 221 của Ban bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác cải
tạo nền giáo dục của Mỹ Ngụy nói chung và việc cải tạo trường tư nói riêng.
- Căn cứ
Thông tư số 34/TT ngày 22-09-1978 của Bộ Giáo dục hướng dẫn tiếp tục hoàn
thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các trường tư ở các tỉnh phía Nam.
- Căn cứ đề
nghị của ông Trưởng ty Giáo dục Bình Trị Thiên.
Quyết định
Điều 1 :
Nay công lập hóa trường Trung học tư thục Hoan Thiện ở số 11, Đống Đa, thuộc
thành phố Huế để xử dụng vào mục đích giáo dục.
Điều 2 :
Ty Giáo dục có trách nhiệm giải quyết các thủ tục pháp lý đối với trường tư
thục Hoan Thiện theo đúng thông tư số 34 ngày 22-09-1978 của Bộ Giáo dục.
Điều 3 :
Các ông Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ty Giáo dục tỉnh, Tòa
Tổng giám mục Huế, ông Hiệu trưởng trường Trung học tư thục Hoan Thiện căn cứ
quyết định thi hành.
KT Chủ tịch UBND tỉnh Bình Trị Thiên
Phó chủ tịch
(ký tên và đóng dấu)
Vũ Thắng
******
1] Không rõ con số chính xác
là bao nhiêu ? Theo tập san Informations catholiques internationales,
số 158 ra ngày 15.12.1961, và được trích dẫn lại trong Etudes
Viêtnamiennes, số 53, năm 1978, trang 84 : số người tản cư vào Nam là
860.026 người ; 80% (676.384) là người công giáo, tức một nửa dân
công giáo miền Bắc. Cùng đi với họ, có 5 giám mục, 700 linh mục (2/3 số linh
mục miền Bắc), hầu hết các tu sĩ nam và một phần lớn các tu sĩ nữ.
[3] Trước khi làm giám mục năm
1960, lm Nguyễn Kim Điền đã gia nhập tu hội Tiểu đệ Charles de Foucault. Sau
hai năm thực tập bên Sahara, ngài đã trở về Việt Nam sống ơn gọi ‘anh em hèn
mọn của Phúc Âm’ giữa lớp người lao động, bằng ‘nghề’ đạp xích lô.
[4] Mỗi lần phát biểu về, Đc
Điền ghi lại. Ngài viết :“Có thể khi phat biểu ứng khẩu câu văn và nhiều
từ không được ‘nguyên văn’ như trong bài ghi lại. Nhưng tôi cam đoan về ý và
thứ tự các ý nghĩ thì trung thực”. Đức cha quá biết, mỗi lời phát biểu có thể
bị người ta cố ý xuyên tạc.
[5] Về nội dung sự kiện, đây là
chứng từ của HT Thích Quảng Độ : “Tình hình mỗi ngày một căng thẳng và
ngày 3.3.1977 đã đến điểm cao nhất khi cộng sản đến chiếm dụng cô nhi viên
Quách Thị Trang ở đường Trần Quốc Toản (phía sau Việt Nam Quốc Tự mà trước đó
họ đã chiếm rồi và bây giờ một rạp chiếu bóng rất lớn đã được xây lên tại
đó), giật tấm bảng mang danh hiệu GHPGVNTN và liệng xuống lề đường. Ngay 11
giờ hôm ấy, nhân danh Tổng thư ký Viện Hoá Đạo, tôi đã ký một thông tư kêu
gọi tăng ni sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đạo pháp và danh dự Giáo hội.
Đến ngày 6.4.1977, TT Huyền Quang và tôi cùng một số vị khác bị bắt vào nhà
tù Phan Đang Lưu ở Bà Chiểu Gia Định. Ít lâu sau, tôi được biết cố thương toạ
Thích Thiện Minh cũng bị bắt và đã chết một cách bí ẩn tại sở Công an Sài Gòn
ở đường Trần Hưng Đạo” (Phật giáo Thống nhất/Thống nhất Phật giáo. Nxb
Tin, Paris 1994, tr. 26)
[8] Câu trả lời này được chính
đức TGM Nguyễn Kim Điền ghi lại trong một văn thư gửi tổng bí thư Nguyễn Văn
linh ngày 25-3-1988.
[9] Sự phân biệt giữa chủ nghĩa
phi nhân cộng sản qua thực tế hành động và những người lầm theo chủ nghĩa
này, để có được tâm tình bao dung, chấp nhận trong mối tương giao giữa con
người và con người, cho đến nay, vẫn còn là một vấn nạn gây tranh cãi gay gắt
giữa tập thể người Việt chống cộng ở hải ngoại, kể cả trong tập thể Công
Giáo. Căm ghét và quyết tâm tận diệt chủ nghĩa Mác-xít Lê-nin-nít vì tính lỗi
thời và vì bản chất tàn độc của nó là điều dễ hiểu. Nhưng có phải vì thế mà
người ta nhẫn tâm săn đuổi, truy sát đến người cộng sản cuối cùng, nhất là
khi đương sự đã nhận ra sự lầm đường của mình mà ăn năn hối cải? Trong mối
liên hệ giữa người với người, nhất là trong tâm tình của Con Cái Chúa, chúng
ta nghĩ thế nào về cung cách hành xử như thế?
[10] Nội dung những lời phát
biểu này đã được chính đức cha Điền ghi lại thành văn ngày 19-4-1977, mà vì
nhiều nguyên nhân khác nhau, văn bản đã được phổ biến rộng rãi trong ngoài giáo
phận. Và cũng vì thế, đã tạo nên những hệ lụy cho ngài trong một thời gian
dài sau đó
[11] Vụ nhà thờ Vinh Sơn bị
công an thành phố Sàigòn bao vây và bắt đi một số giáo sĩ, tín đồ xảy ra ngày
12/13- 02-1976, tức là chưa đầy một năm sau khi bắc quân thâu tóm được miền
nam. Nếu tính từ ngày ấy cho đến khi đảng và nhà nước áp dụng biện pháp mạnh
với Phật Giáo, cách nhau một năm. Nhưng tâm tình và thái độ của đức cha
Nguyễn Kim Điền đối với hai biến cố hoàn toàn khác nhau. Theo tình lý thông
thường, phản ứng của ngài đối với vụ nhà thờ Vinh Sơn, nếu không mạnh hơn vụ
chùa Phật giáo thì ít nhất cũng phải tương đương. Nhưng sự thật khác hẳn.
Trong bản tuyên bố ngày 28-02-1976 vị lãnh đạo tinh thần TGP
Huế không có một lời bệnh đỡ những nạn nhân đồng đạo của ngài tại tổng giáo
phận Sàigòn (Xin coi nguyên bản trong phần phụ lục cuối bài này). Là vị chủ
chăn hết lòng với Giáo Hội, luôn quan tâm tới đời sống tinh thần cũng như vật
chất của linh mục, tu sĩ và giáo dân, thái độ trên đây của ngài đối với vụ
Vinh Sơn quả là khác thường. Để lý giải cho thái độ này, chúng ta bắt buộc
phải nghĩ tới chủ trương hòa hoãn tối đa trong suốt hai năm đầu của đức cha
Điền: phải chăng ngài không muốn vì một chuyện nhỏ có thể gây tổn hại cho một
mục tiêu lớn? (Mục tiêu lớn đó là tạo được sự tin tưởng nơi tân chế độ ngõ
hậu tránh những tổn hại cho đất nước cũng như Giáo Hội chỉ vì những hoài nghi
và tự ái). Và phải chăng vì thế đức cha đã cố gắng nhẫn nhịn để mong có được
sự đáp ứng tương xứng của nhà nước? Nếu quả đúng như vậy thì thái độ cao
thượng, vì ích chung đó càng chứng tỏ thêm thiện chí của ngài.
[12] Trong 30 năm chế độ
cộng sản thống trị toàn cõi Việt Nam, tính từ 30-4-1975 đến 30-4-2005, đức
cha Nguyễn Kim Điền chỉ góp mặt trong hơn 13 năm. Thời gian tuy ngắn nhưng
thái độ, lập trường và hành vi, ngôn ngữ của ngài biểu lộ trong giai đoạn ấy
để bảo vệ niềm tin Công Giáo và khát vọng tự do của con người, vẫn còn vang
động cho đến ngày nay. Và cũng cho đến ngày nay –và có thể còn kéo dài qua
nhiều thế hệ nữa- những câu hỏi sau đây sẽ còn tiếp tục được đặt ra
trong lương tâm người tín hữu Công Giáo chúng ta.
- Tại sao quan điểm và thái độ của người cầm đầu TGP
Huế lại không được sự chia sẻ của các vị khác trong HĐGMVN, cụ thể là trường
hợp đức cha Nguyễn Văn Bình, TGM Sàigòn, đến nỗi ngài đã phải chiến đấu cô
đơn cho đến khi chết, mà chết một cách âm thầm, mờ ám với nhiều nghi vấn?
(Sự cô đơn ở đây không có nghĩa là các giám mục tại các giáo phận khác không
gặp khó khăn như Đc Điền. Vì ai cũng biết rằng cũng trong thời gian ấy, các
Đc Chi, Đc Mai, Đc Lãng và nhiều vị khác cũng bị công an nhà nước theo dõi,
thằng thúc, xỉ nhục, bắt đi ‘làm việc’, thậm chí phải chịu một hình thức quản
chế gián tiếp ngay tại tòa giám mục của các ngài. Tâm trạng bức xúc, cô đơn
của đức TGM Nguyễn Kim Điền được hiểu là ngài không được sự chia sẻ nơi các
đồng nghiệp của ngài trong cung cách phản ứng trước chính sách can thiệp thô
bạo của nhà nước vào những vấn đề nội bô Giáo Hội. Thí dụ điển hình là trong
khi Đc Điền quyết liệt không cho các linh mục dưới quyền ngài tham gia
UBĐKCGYN, nhất là ứng cử vào các hội đồng tỉnh, thị… thì hầu hết những nơi
khác, kể cả TGP Sàigòn, gần như đã không làm như vậy. Trong khi Đc Điền, mỗi
khi có dịp, ngài đã công khai lên tiếng tố cáo chủ trương đàn áp tôn giáo,
chà đạp nhân quyền của nhà nước thì đường như tại các giáo phận khác các vị chủ
chăn chỉ biết im lặng với thái độ cầu an. Đấy là chưa nói tới những lời tuyên
bố ‘tốt đời đẹp đạo’ của một vài vị khác).
- Vì sao có hiện tượng mặc nhiên chia xé đau lòng
như thế giữa hàng giáo phẩm CGVN trong khi giáo lý của Đấng khai sinh kỷ
nguyên Tân Ước chỉ có một?
Lý giải được những tiềm ẩn trong câu hỏi thứ hai,
đương nhiên chúng ta sẽ có được câu trả lới đầy đủ cho thắc mắc thứ nhất.
Căn cốt của đạo Chúa Giêsu là tình Yêu Thương và đức
Khiêm Hạ. Vì yêu thương thế gian, Chúa đã chấp nhận đóng đinh đến chết trên
thập giá. Vì hiền lành, khiêm nhường thật trong lòng, Con Một Chúa Trời đã
cúi mình rửa chân cho các môn đệ, và nhất là bằng lòng để cho kẻ dữ phỉ nhổ,
lăng mạ và đánh đòn tàn nhẫn trong đêm bị trao nộp. Trong Phúc Âm, hơn một
lần Chúa Giêsu đã nói tới lòng bác ái, gương thứ tha và thái độ nhẫn nhịn
trước bạo lực. “Nếu có kẻ lột áo ngoài của anh em thì anh em hãy cho luôn nó
áo trong của mình”, “Kẻ nào tát má phải anh em thì anh em hãy chìa má trái
cho nó tát”, “Bác ái Công Giáo đòi buộc anh em phải yêu thương cả kẻ
thù”,“Thày không nói tha thứ bảy lần, mà là 70 lần bảy”…
Lời Chúa trên đây là biểu tượng tuyệt cùng của tình
bác ái Kitô giáo. Đấy là chuẩn mức, là khuôn vàng thước ngọc để lượng giá sự
trung thành của kẻ đã chọn bước theo chân Đấng cứu thế. Nhưng trong mối tương
quan giữa con người trong một xã hội hợp quần vượt trên quyền lợi cá nhân,
nếu ứng dụng một cách tiêu cực, thì những lời ấy trong một số trường hợp lại
trở thành những thứ khiên mộc, những nơi trú ẩn an toàn cho những con chiên
ghẻ náu mình để biện minh cho thái độ hèn nhát, vô trách nhiệm của họ.
Đắm sâu vào bên trong và đàng sau những Lời răn dạy
của Chúa Giêsu, những vấn nạn sau đây không thể không đặt ra cho con cái của
Người: trường hợp bị lột áo ngoài chỉ xảy ra với riêng cá nhân ‘tôi’, vì tình
bác ái, vì đức khiêm nhu, tôi sẽ không chống trả, và nếu cần, còn nhường luôn
cả áo trong cho đối phương. Nhưng khi không phải ‘tôi’ mà là những anh em của
tôi bị lột áo, thì tôi là kẻ chứng kiến, sẽ phải hành xử ra sao? Cũng tương
tự như thế, trường hợp người bị tát, không phải ‘tôi’ mà là những đồng bào,
đồng đạo, thậm chí cả Giáo Hội của tôi, không lẽ tôi có thể nhẫn tâm đứng
nhìn với con mắt của kẻ bàng quan? Cùng một suy tư như thế, thái độ bao dung
của người tín hữu Chúa Kitô buộc tôi phải yêu thương, tha thứ không phải năm
bảy lần mà yêu thương, tha thứ mãi mãi kẻ đã gây thương tổn cho cá nhân tôi.
Nhưng khi những thiệt hại, đau đớn, mất mát xảy đến cho đám đông, cho tập
thể, cho đất nước, cho Giáo Hội thì hẳn rằng, cũng với tinh thần bác ái Công
Giáo, tôi sẽ phải hành xử cách khác.
Khơi dẫn từ những suy tư kể trên, chúng ta sẽ thâm
hiểu được cảnh ngộ và tâm huống cô đơn của đức cha Điền trong suốt 13 năm
phải một mình chống chọi với đảng và nhà nước CSVN.
[15] Xin lưu ý: trong tất cả
những văn thư gửi nhà nước CS, kể cả MTTQ, đức cha Điền không bao giờ thông
qua UBLLTQ/NNCGVN/YTQ/YHB cũng như UBĐKCGYNVN về sau. Điều này cho thấy quan
điểm dứt khoát, chuyên nhất của ngài đối với tổ chức ‘ăn theo’ đảng và nhà
nước kể trên.
[16] Trích một đoạn trong thư
gửi từ Huế, Việt Nam ngày 29-3-2005 của lm Phan Văn Lợi: “Lúc ấy là vào
năm 1977. Tuy chưa được Nhà nước chính thức “cho phép” mở lại, đại chủng viện
(ĐCV) Huế vẫn quy tụ được 45 chủng sinh gốc Huế, vốn đã học ở đây từ trước
1975. Tôi (PVL) bấy giờ là lớp thần học 4, tức lớp lớn nhất. Chính quyền CS
tỉnh Thừa Thiên muốn dựa vào nghị quyết 297/CP (trước nghị định 26/CP hiện
hành) để loại bỏ một số chủng sinh mà lý lịch bị coi là ‘xấu’ khỏi Đại chủng
viện. Họ thông báo cho ĐC Điền và ĐC Thể (khi ấy chưa từ chức) ý định này và
mời hai vị tới cùng ‘làm việc’. Vì không chấp nhận nguyên tắc “giáo quyền và
chính quyền cùng xét duyệt tư cách chủng sinh”, ĐC Điền và ĐC Thể đã công
khai tỏ thái độ bằng cách khước từ không đến. Trước thực tế ấy, CS đã đơn
phương hành động, ngang nhiên trục xuất 2/5 số chủng sinh (tức 18/45) tháng
5/1978. Số bị trục xuất phần nhiều là lớp lớn (trong đó có tôi, PVL). Khi ấy
anh em chúng tôi, tuy bị Nhà nước trục xuất cách tức tưởi, vẫn cảm thấy an tâm
và vui lòng vì chủ chăn của mình đã can đảm đấu tranh bảo vệ quyền độc lập và
quyền tự điều hành của Giáo hội, không đối thoại theo kiểu mặc cả đổi chác
chân lý của Giáo hội với những quyền lợi trần thế do cộng sản đề nghị”.
[17] Có người nêu câu hỏI là:
nếu phản ứng của đức TGM Huế được sự đồng thuận của tất cả GM các giáo phận
và của HĐGMVN để chúng khẩu đồng từ thì hẳnb rằng kết quả đã khác.
[21] Xin coi nội dung Thư Chung trong phần phụ lục cuối
bài để thấy rõ tâm tình yêu mến Hội Thánh và lập trường cương quyết bảo vệ
đức tin của đức cha Điền.
[23] Trường hợp đức cha Nguyễn
Như Thể từ chức phụ tá cho đức TGM Nguyễn Kim Điền lúc bấy giờ là một điển
hình.
[24] “Đã có những giám mục
chịu chết vì bênh vực quyền lợi của Hội Thánh, nhưng ngày nay có giám mục nào
dám chịu chết để bênh vực quyền lợi của con người không?”
[26] Từ ‘làm việc’ là ngôn ngữ
của công an nhà nước thường dùng để chỉ những cuộc thẩm vấn dành cho những ai
bị tình nghi dính líu vào những việc phi pháp theo quan điểm nhà nước.
[27] Từ Ban Tôn Giáo trong
guồng máy Nhà Nước tới tổ chức tay sai UBLLTQ/NGCGVN/YTQ/YHB trước 75 và
UBĐK/CGYNVN sau 75, nhằm khống chế GHCGVN, đều rập khuôn từ những tổ chức
tương tự tại Liên Sô, Ba Lan và các chư hầu cộng sản ở Đông Au
|