Xây dựng
xã hội dân sự
tại thành phố
LS Đoàn Thanh Liêm
Mới đây, người viết đã có dịp trình bày về đề tài
“Xã hội Dân sự tại Nông thôn Việt nam”, nay xin được trình bày
về việc xây dựng XHDS tại thành phố.
Dân số Việt nam hiện nay vào khoảng trên 86 triệu
người, trong đó có đến 70% sống ở nông thôn, và chừng 30% sống ở
thành thị. Hiện tại Việt nam có 59 tỉnh và 5 thành phố lớn là
Saigon, Hanoi, Hải phòng, Cần Thơ và Đà nẵng. Saigon đông dân số
nhất, vào khoảng 6 triệu dân, Hanoi có gần 4 triệu.
So với nông thôn, thì ở các thành phố, nhất là
tại các đô thị lớn như Saigon, Hanoi, Hải phòng, khu vực Xã hội Dân
sự dễ có điều kiện phát triển hơn. Lý do chính yếu là vì trình độ
dân trí của người dân thành phố thường bao giờ cũng cao hơn so với
dân miền quê.Mức sống kinh tế vật chất với nhiều tiện nghi thoải mái
cũng cao hơn. Người dân được thông tin dồi dào, mau chóng hơn , nhất
là được tiếp cận giao lưu dễ dàng với thế giới văn minh bên ngoài.
Và tại các thành phố lớn, thì chính quyền cũng khó mà “bắt nạt, đàn
áp” người dân, như thường dễ xảy ra ở thôn quê…
Cụ thể như là trong vụ lụt tai hại mới đây vào
đầu tháng 11/2008, thì dân Hanoi càng thấy rõ các mặt yếu kém, bất
cập, lúng túng của guồng máy nhà nước và đã không e ngại gì trong
việc phê phán chính quyền và cả đảng cộng sản. Đến nỗi mà nhân vật
lãnh đạo chủ chốt của thành phố là Bí thư Thành ủy mà cũng là Ủy
viên Bộ chính trị Phạm quang Nghị đã phải lên tiếng công khai xin
lỗi đồng bào về lời phát biểu vô trách nhiệm ngay sau khi vụ lụt xảy
ra. Tại Saigon, thì hiện vào giữa tháng 11 nhiều nơi cũng bị ngập
lụt thê thảm, và dư luận dân chúng cũng như báo chí đã công khai phê
phán việc làm trái khóay của các cơ quan đặc trách về vịêc quy hoạch
đô thị từ nhiều năm nay, khiến gây ra hiệu quả trầm trọng ngày nay.
Đó là một trong những thí dụ điển hình của hiện tượng quần chúng
nhân dân đô thị đang bắt đầu sử dụng quyền làm chủ của mình để đòi
hỏi nhà nước phải chỉnh đốn lại lề lối làm việc kém cỏi, tác trách
đối với xã hội. Đây quả là một báo hiệu tích cực của việc phát triển
Xã hội Dân sự, đặc biệt từ môi trường đô thị và có khả năng sẽ lan
rộng trên địa b nông thôn tòan quốc.
Dưới đây, ta sẽ lần lượt phân tích chi tiết hơn
về cái tiềm năng cực kỳ to lớn của khối quần chúng đô thị trong hòan
cảnh hiện nay tại Việt nam.
1 / Đầu tiên là quá trình “Gây ý thức” (Conscientisation)
Với trình độ dân trí cao, người dân đô thị dễ tiếp thu được nhiều
thông tin chính xác và nhờ đó mà sớm có được những phản ứng và hành
động hợp lý, hợp thời rất cần thiết cho cuộc sống cá nhân và tập
thể. Tầng lớp tinh hoa của xã hội phải đứng ra làm chất men, chất
xúc tác để khơi động quần chúng nhân dân ý thức được cái “quyền làm
chủ cuộc sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc” cho bản thân và gia
đình của từng người.Đây là quá trình “gây ý thức, gây men và vận
động quần chúng” ( conscientisation/fermentation /mobilization)
để họ đồng thuận cùng nhau tham gia vào công cuộc phát triển xã hội
dân sự để vừa làm “đối tác”, vừa làm “đối trọng” với cơ quan Nhà
nước, nhằm tạo dựng được cái không gian xã hội lành mạnh,điều hòa và
nhân ái cho tập thể cộng đồng dân tộc.
Bài học lịch sử từ cuộc Cách mạng Độc lập của nước Mỹ hay cuộc Cách
mạng Dân quyền của nước Pháp hồi cuối thế kỷ XVIII cho ta thấy rằng
cái mầm mống đòi hỏi phải cải cách xã hội đã được chuẩn bị, lót
đường từ mấy thế hệ trước. Cụ thể là từ các nhà tư tưởng tiến bộ như
Rousseau, Montesquieu, Voltaire… ở Pháp hay của các “Vị cha lập
quốc”(Founding Fathers) của Mỹ.Các tư tưởng mới mẻ được trao đổi,
thảo luận thường xuyên giữa các thức giả trong những “salon
litteraire”(trà đàm văn học), rồi lần lần được phổ biến rộng rãi đến
các tầng lớp quần chúng bình dân và kết cuộc là gây ra được một “cao
trào tư tưởng tiến bộ” của tòan thể xã hội. Tại nước ta, thì ngay từ
đầu thế kỷ XX nhà cách mạng tiền bối Phan Châu Trinh cũng đã nêu cao
khẩu hiệu :“Nâng cao Dân trí, Chấn hưng Dân khí, Cải tiến Dân sinh”
nhằm đưa quốc gia tiến lên một xã hội văn minh tiến bộ và thoát
khỏi sự đô hộ xâm chiếm của người Pháp.Vào thế kỷ XXI này, chúng ta
cũng phải đồng thời mạnh mẽ thực hiện cả ba vế của cái khẩu hiệu nói
trên, thì mới mong có thể giải thoát cho dân tộc khỏi chế độ độc tài
toàn trị hủ lậu hiện nay của đảng cộng sản.
2 / Nhóm Hành Động cụ thể ( Action Groups)
Quảng đại quần chúng dù trình độ dân trí có cao đến đâu đi nữa, thì
cũng chú trọng đến hành động cụ thể, chứ không phải chỉ là lý thuyết
suông. Do vậy mà cần phải thật năng nổ sáng tạo trong việc tổ chức
được nhiều loại hình công tác cải thiện môi trường sinh hoạt ngay
trước mắt của người dân từng địa phương cơ sở, để rồi từ đó lôi cuốn
được cảm tình gắn bó của bà con trong khóm hẻm. Điển hình là những
công tác”phát triển cộng đồng” như chỉnh trang đường hẻm, đặt cống
thoát nước, cải thiện vệ sinh công cộng, tương trợ tiếp cứu lẫn nhau
khi gặp rủi ro tai nạn v.v…Loại công việc nhỏ bé, mà cụ thể, thường
xuyên được thực hiện như thế này, thì sẽ mau chóng gây được sự “phấn
khởi nô nức” trong khối quần chúng của mỗi địa phương sở tại. Đồng
thời cũng tạo ra được tình nghĩa thân thiết xóm giềng, sự keo sơn gắn
bó trong cộng đồng. Và từ đó cái “nguồn vốn xã hội” (social capital)
của tập thể được tích lũy mỗi ngày mỗi dồi dào phong phú thêm mãi
lên. Và nhờ vậy mà đời sống cộng đồng được an vui, phấn chấn hơn.
Vì lối sống tập trung quây quần sát cạnh bên nhau tại các khu phố,
nên việc huy động bà con thì dễ dàng, mau lẹ hơn là ở nông thôn là
nơi mà dân cư thường sinh sống phân tán lẻ tẻ rời rạc. Điều này rất
quan trọng, bởi vì nó làm cho người dân bớt sợ hãi hơn trước sự đe
dọa, áp đảo của cán bộ, công an theo mệnh lệnh từ nhà nước độc tài
chuyên chế.
Như ta đã biết, khu vực xã hội dân sự bao gồm mọi tổ chức phi chính
phủ (NGO, non-governmental organizations) và các nhóm nhỏ
(small groups) nhằm theo đuổi mọi hình thức sinh họat rất đa dạng
về từ thiện nhân đạo, về thể thao văn hóa, về du lịch giải trí, về
phát triển nghệ thuật, về tôn giáo tâm linh v.v…Đó là một vườn hoa
muôn màu muôn sắc, đem lại phẩm chất cao cho cuộc sống của mọi người
(high quality of life). Trong một quốc gia thực sự dân chủ, thì người
dân được thỏai mái tổ chức các hội đoàn, các nhóm sinh hoạt tập thể
, mà không hề bị nhà nước nhòm ngó, khống chế. Điển hình như tại
nước Mỹ, thì thống kê cho biết là có đến hàng triệu NGO với quy mô lớn
nhỏ đủ lọai có đăng ký hợp pháp, và được hưởng qui chế miễn thuế,
cùng với cỡ 3 triệu nhóm nhỏ tự phát, mà không cần phải đăng ký, hay
phải xin giấy phép hoât động; mà họ cũng chẳng cần phải xin được cấp
quy chế miễn thuế, bởi lẽ họ không sử dụng nhiều đến tiền bạc do
quyên đậu của công chúng. Mà trong hai hình thức tổ chức này, thì có
đến trên 60% là do các tôn giáo đứng ra tổ chức hay yểm trợ, mà thường
được xếp vào loại “Hoạt động xã hội dựa vào niềm tin” (Faith-based
Social Action).
Có thể nói óc sáng tạo và tính năng động rất dễ có môi trường phát
huy tại các thành phố lớn vốn quy tụ được tinh hoa của dân tộc.Vì thế,
mặc dầu bị cấm cản đủ bề do người cộng sản muốn giữ độc quyền thao
túng, thì nhân dân vẫn có thể tìm mọi cách để vượt qua được hết mọi
loại rào cản, y hệt như đã vượt được”bức tường lửa” để tiếp cận với
internet của thế giới, để mà dành lại “quyền làm chủ cuộc sống” của
bản thân, gia đình và của toàn thể dân tộc mình.
3 / Liên kết giữa Đại học và Tôn giáo
(Academy and Churches)
Đại học vừa có chức năng đào tạo, vừa có chức
năng nghiên cứu ở cấp cao nhất. Đó là nơi tập trung của “Trí tuệ, và
Nguyên khí” của quốc gia. Trong khi đó thì Tôn giáo là “Tiêu biểu
cho Điều Thiện, cho tấm lòng Nhân ái bao dung”. Một bên có sự hiểu
biết khoa học, có kỹ thuật tinh xảo, có tầm nhìn khai phóng sâu xa.
Một bên có sự nhẫn nại hy sinh, có tâm hồn cao thượng, có cuộc sống
thanh thoát, và lại được số đông quần chúng noi theo. Kết hợp được
cả hai phía “Trí và Tâm” của Đại học và của Tôn giáo, để cùng chăm
lo cho hạnh phúc của Dân tộc, thì nhất định là phải thành công tốt
đẹp thôi.
Rất tiếc là người cộng sản ngay từ ngày đầu nắm
giữ được chính quyền năm 1945, thì họ đã có cái nhìn sai lạc, coi
tôn giáo là kẻ thù, là nha phiến làm mê hoặc quần chúng (opium). Và
họ đã tìm mọi cách để tiêu diệt, triệt hạ tôn giáo, do vậy mà gây
chia rẽ phân hóa rất ư là trầm trọng trong đại gia đình dân tộc
chúng ta.Và hiện nay, họ vẫn còn tiếp tục coi tôn giáo như là
một”thế lực thù địch” làm suy yếu guồng máy cai trị độc quyền của họ.
Chính quyền Hanoi vẫn còn dùng mọi thủ đọan, đòn phép để khống chế
các tổ chức tôn giáo ,và lại còn khích động thêm lòng đố kỵ hận thù
giữa các tôn giáo với nhau nữa. Đó là cái thủ đoạn cố hữu “ Chia rẽ
để dễ bề cai trị”, mà xưa nay người cộng sản vẫn áp dụng.
Mặt khác, đối với giới trí thức trong khu vực hàn
lâm đại học, thì giới lãnh đạo cộng sản vẫn tìm cách khống chế, kềm
kẹp rất gắt gao. Họ coi trọng “Hồng hơn Chuyên”, tức là chỉ xử dụng
loại người “ngu trung, rắp mắt tuân theo mệnh lệnh của đảng”, mà
không đếm xỉa gì đến quyền lợi đích thực của dân tộc ; họ bất chấp
lề lối làm việc theo tinh thần khách quan khoa học . Vì thế, người
trí thức, chuyên gia mà còn có chút ít lòng tự trọng, liêm sỉ, thì
không thể a dua, tự biến mình thành ra một thứ nô lệ, bán rẻ linh
hồn cho chế độ độc tài cực quyền được.
Trước tình trạng bế tắc đó, giới sĩ phu trí thức
và giới lãnh đạo tinh thần phải tìm cách sát cánh, liên kết chặt chẽ
với nhau để cùng mưu cầu sự phục hưng và phát triển của đất nuớc.
Cần phải minh định trước rằng : Sự liên kết này không hề nhằm mục
tiêu “đánh đổ chính quyền cộng sản”, mà chỉ là để nâng cao vai trò
của Xã hội Dân sự trong việc làm “Đối tác và Đối trọng” đối với Nhà
nuớc, khiến cho đảng cộng sản không còn có thể “một mình một chợ”,
tự tung tự tác mãi mãi trên quê hương đất nước Việt nam này mà thôi.
Đây là vấn đề của Luơng tâm, của Lẽ phải mà những thành phần tinh
hoa, ưu tú của dân tộc không thể lẩn tránh mãi trước tình trạng mỗi
ngày một thêm bi đát, sa đọa, nguy khốn của quê hương chúng ta được.
Nói vắn tắt lại, thì ở các thành phố, chúng ta có
đầy đủ những sĩ phu trí thức là tinh hoa ưu tú của dân tộc, họ có sự
hiểu biết thâm sâu, nhiều năng động sáng tạo và quen nhìn xa thấy
rộng (Think globally). Chúng ta cũng có những nhà lãnh đạo tinh thần
là tiêu biểu cho nền đạo đức lễ nghĩa trong truyền thống nhân bản và
nhân ái từ ngàn xưa do cha ông để lại; họ sẵn sàng hy sinh và kiên
trì phục vụ tại hạ tầng cơ sở (Act locally). Và đồng thời, chúng ta
cũng tiếp thu và hội nhập được với trào lưu khai phóng dân chủ và
nhân quyền của thế giới văn minh hiện đại ở thế kỷ XXI.
Với những điều kiện thuận lợi cả về nhân sự, cũng
như về thời cơ như vậy, nhất định là chúng ta có thể làm sống lại
cái truyền thống nhân ái, thuận thảo và hài hòa của dân tộc và phục
hồi lại nhân phẩm của người dân, để cùng chen vai, sát cánh với toàn
thể nhân loại văn minh tiến bộ khắp năm châu vậy.
Một lần nữa, người viết xin được phép nhắc lại là:
“ Dân tộc đang trông chờ sự dấn thân nhập cuộc của các sĩ phu quân
tử, của các trí thức văn nghệ sĩ, của giới lãnh đạo tinh thần nơi
các tôn giáo”. Vấn đề còn lại đối với tất cả quý vị là phải làm sao”
đáp ứng cho thỏa đáng đối với lòng tin tưởng và trông đợi này của
đất nước “.
Về các chi tiết trong kế hoạch hành động, thì với
tài trí cao kiến và kinh nghiệm chuyên môn thành thạo, quý vị đều dư
sức tìm kiếm ra được lối thoát cho tình trạng bế tắc hiện nay. Miễn
là cả hai giới Hàn lâm Đại học và Tôn giáo tâm linh biết kết hợp
thật tình với nhau, để cùng nhau theo đuổi công cuộc xây dựng Xã hội
Dân sự tại các thành phố trước, rồi lần lần phát triển mở rộng ra
khắp các vùng nông thôn. Đó là điều khả dĩ trong tầm tay của tất cả
quý vị vậy./