Thư mục vụ tháng 8
Linh mục Giáo phận Long Xuyên
Tử đạo trong sinh hoạt thường huấn
Anh chị em thân mến!
Thư mục vụ tháng 8 tập trung vào chủ đề thường huấn của
linh mục đoàn giáo phận. Lý do cụ thể để giáo phận chọn chủ đề này là vì ngày
4/8 là lễ Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng của các linh mục trong toàn Giáo
hội.
Ngài là gương mẫu sống động cho các linh mục trong hoàn cảnh ngày nay về
sự thăng tiến không ngừng trên con đường nên thánh, đặc biệt là bằng một cách
sống khổ chế cách nhiệm nhặt của một vị thánh tử đạo trong đời sống và tác vụ
linh mục. Hơn nữa, Giáo hội Việt Nam đang sống trong năm thánh kỷ niệm 30 năm
117 vị tử đạo tại Việt Nam được tuyên thánh, trong đó có 8 giám mục, 40 linh
mục, đặc biệt là cha thánh Phêrô Đoàn Công Quý là cha sở của họ đạo Đầu Nước
(Cù Lao Giêng). Chính vì thế, chủ để thư mục vụ tháng 8 là “Linh mục Giáo
phận Long Xuyên tử đạo trong sinh hoạt thường huấn.
Ba ý tưởng chính từ Lời Chúa (Mt 5, 13-20) soi sáng cho
chủ đề của Thư mục vụ:
"Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi,
thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra
ngoài cho người ta chà đạp thôi”(c.13). Ơn gọi linh mục luôn phải đối phó
với nguy cơ biến chất từ bản tính yếu đuối của con người. Một cách cụ thể và
thực tế, những nguy cơ đó phát xuất từ những bản năng thấp hèn được liệt kê
trong 7 mối tội đầu. Theo ý nghĩa này, việc thường huấn của linh mục trở thành
thiết yếu như một giai đoạn không thể thiếu, tiếp nối công cuộc đào tạo khai
tâm trong chủng viện. Đồng thời, việc thường huấn cũng là một cuộc chiến đấu
liên lỉ nhằm chống lại với bản năng tự nhiên của bản thân trong suốt cuộc hành
trình ơn gọi; cuộc chiến với chính mình luôn là một cuộc chiến cam go mang tính
tự hủy và tử đạo. Như vậy, trung thành với việc thường huấn để trung tín và
thăng tiến trong ơn gọi linh mục là cuộc tử đạo của đời linh mục.
"Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Ánh sáng của
anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp
anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời (c.14, 16). Là
hiện thân của Đức Kitô, linh mục thi hành sứ vụ đem ánh sáng Tin Mừng của Thiên
Chúa cho một thế giới luôn thay đổi. Để sứ vụ đem lại hiệu quả, linh mục được
đòi hỏi luôn được cập nhật và canh tân; cập nhật và canh tân sự nhiệt tình tông
đồ; cập nhập và canh tân kỹ năng tông đồ; cập nhật và canh tân những hình thức
diễn tả; cập nhật và canh tân những tương quan tông đồ. Đặc biệt là trong một
xã hội bị tục hóa trầm trọng muốn loại trừ Thiên Chúa và kết án Giáo hội, sống
trung thành với chương trình thường huấn là sự chọn lựa tử đạo vì là sự tự hủy
để trở thành dụng cụ của Chúa Thánh Thần nhằm “Danh Cha cả sáng, Nước Cha
trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Như vậy, thiện ý và thiện
chí trong sứ vụ linh mục đòi hỏi sự tử đạo trong thường huấn.
“Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một
chấm một phẩy trong Lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn
thành. Ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”(c.18,
19). Trong một bầu khí đề cao sự tự do cá nhân và quảng cáo cho sự thụ
hưởng ích kỷ, linh mục thực hiện ơn gọi và tác vụ linh mục như một ngôn sứ và
như một chứng nhân giữa cộng đoàn nhân loại và hội thánh. Đây là một cuộc hành
trình đòi hỏi một cách sống nghiêm túc và khổ chế. Sự nghiêm túc và khổ chế
được biểu hiện rõ nét trong cuộc sống thường nhật nhờ sự chọn lựa triệt để thi
hành những lời khuyên phúc âm là vâng lời, khó nghèo và khiết tịnh. Theo ý
nghĩa này, lý tưởng mà người linh mục sống tu đức trong ơn gọi linh mục phải
đạt đến là “Nếu mắt con, nếu tay con, nếu chân con nên dịp tội cho con,
hãy móc nó, hãy chặt nó và quăng nó đi…”. Lý tưởng sống này đòi hỏi thường
xuyên tự đào tạo chính mình, để được cắt tỉa và lột xác trong ơn gọi và sứ vụ
linh mục. Đó là thánh giá tử đạo của đời linh mục.
Thánh Gioan Maria Vianney, 8 thánh giám mục và 50 thánh
linh mục Tử Đạo Việt Nam, cụ thể là thánh Phêrô Đoàn Công Quý, đã sống ơn gọi
và thi hành tác vụ linh mục với cây thập giá thường huấn trên vai. Theo gương
thánh Gioan Maria Vianney, các linh mục Long Xuyên được mời gọi đi vào con
đường tử đạo nhờ chương trình thường huấn trong đời sống thường nhật. Cách cụ
thể, đó là chỉnh chu trong việc dọn giảng. Đó là nhiệt tình ngồi tòa giải tội.
Đó là nghiêm trang chuẩn bị dâng lễ và cám ơn sau rước lễ. Đó là sự khổ chế và
đơn giản trong ăn mặc và đồ dùng cá nhân. Đó là quên mình để đáp ứng những nhu
cầu của tha nhân…Đây là cách các linh mục đáp lại lời mời gọi của Thầy Chí
Thánh: “Ai muốn theo Ta hãy tử bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà
theo Ta”. Vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa chính là biến chương trình sống
hằng ngày thành chương trình thường huấn.
Theo gương Thánh Linh mục Phêrô Đoàn Công Quý, các linh mục
Long Xuyên được mời gọi đi vào con đường tử đạo nhờ chương trình thường
huấn trong đời sống cộng tác với giáo dân phục vụ cộng đoàn giáo xứ. Thật vậy,
Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, với tư cách là cha sở, đã xây dựng cộng đoàn nhờ
cộng tác với hàng tu sĩ tại họ đạo Cái Mơn (nay thuộc giáo phận Vĩnh Long), và
cộng tác với hàng giáo dân, điển hình là ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng tại họ
đạo Cù Lao Giêng. Với đức ái mục tử của một cha sở, Thánh Phêrô Quý đã chấp
nhận nguy hiểm tính mạng, để hiện diện giữa cộng đoàn, để phục vụ nhu cầu tâm
linh của cộng đoàn, để khiêm tốn đón nhận sự giúp đỡ bảo bọc của cộng đoàn, để
chia sẻ cuộc sống khó khăn và nguy hiểm với cộng đoàn…Phần thưởng của cha Thánh
Quý là cùng chịu đau khổ và được tử đạo với giáo dân. Đây là cách linh mục Long
Xuyên kiên trì thực hiện lý tưởng của Thầy Chí Thánh giữa công đoàn: “Ta
đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá
cứu chuộc cho muôn người”
Theo gương 8 thánh giám mục và 50 linh mục tử đạo
Việt Nam, trong đó có 21 vị thừa sai gốc Tây Ban Nha và Pháp, hàng giáo sĩ Long
Xuyên được mời gọi sống đời tử đạo nhờ vào chương trình thường huấn trong
sứ vụ ra đi ngoại biên loan báo Tin Mừng. Quả thật, trong địa bàn giáo phận,
chỉ có trên 230.000 người Kitô hữu trong tổng số trên 4.200.000 dân cư; chiếm
khoảng 5%. Lệnh lên đường Loan báo Tin Mừng vẫn là khẩn cấp cho Giáo phận, đặc
biệt là cho hàng giáo sĩ. Như các vị thánh thừa sai tử đạo, hàng giáo sĩ
luôn làm mới sự nhiệt tâm truyền giáo nhờ vào chương trình thường huấn, cụ thể
là cầu nguyện cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng; thăm viếng các giáo xứ, giáo họ,
giáo điểm truyền giáo; cổ vũ cho nhiều người góp phần vào sứ vụ Loan báo Tin
Mừng; hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho công cuộc Loan báo Tin Mừng. Đặc biệt
là khi có cơ hội chọn lựa hay khi được mời gọi, với tinh thần rũ bỏ để ra đi,
các linh mục sẵn sàng để mình được sai đi thi hành sứ vụ Loan báo Tin Mừng,
trong giáo phận hay ngoài giáo phận. Đây là cách linh mục Long Xuyên động viên
nhau thực hiện cuộc tử đạo khi thực hiện lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: “Các
con hãy ra đi khắp tứ phương thiên hạ…”. Ước gì hàng giáo sĩ Long Xuyên tiếp
tục vác thánh giá thường huấn trong đời linh mục, để cho dân Chúa được
sống và được sống dồi dào.
Riêng anh chị em tu sĩ và giáo dân thân mến,
Trách nhiệm đối với việc thường huấn dành cho các linh mục
không chỉ là của đương sự linh mục, của linh mục đoàn, hay của các Đức giám mục
giáo phận, mà còn là của giáo dân, của cộng đoàn giáo xứ, của thân bằng quyến
thuộc của các linh mục nữa. Chính vì thế, xin anh chị em tu sĩ và giáo dân góp
phần của mình trong việc thường huấn của các linh mục, bằng cầu nguyện, bằng hy
sinh, và bằng chính những hành vi bác ái dành cho các linh mục.
Giáo phận Long Xuyên phó dâng chương trình thường huấn của
các linh mục trong Giáo phận cho Chúa, qua lời bầu cử của Thánh Gioan Maria
Vianey, bổn mạng các cha sở, của các thánh tử đạo Việt Nam, đặc biệt là Thánh
linh mục Phêrô Đoàn Công Quý và Thánh giáo dân Emmanuel Lê Văn Phụng, để nhờ ơn
Chúa như là nguồn lực, chính việc thường huấn như là sự trợ lực, các linh mục
phát huy được chính nội lực của mình, hầu sống trọn vẹn căn tính linh mục, với
các thừa tác vụ: ngôn sứ, tư tế, và lãnh đạo cộng đoàn, trong niềm xác tín như
Thánh Gioan Maria Vianey: “Hạnh phúc cho một vị linh mục được chết kiệt sức vì
phục vụ Chúa và các linh hồn”.
+ Giuse Trần Văn Toản
Giám mục phó Giáo phận
+ Giuse
Trần Xuân Tiếu
Giám mục Chính tòa Giáo Phận
Nguồn: Giáo phậnLong
Xuyên